Gửi bài:

Chương 4

8.

Hai ngày liền Misa và Nika không dám rời Marina. Họ thay nhau ở bên cạnh cô, sợ cô ngồi một mình. Hết phiên ngồi nhà thì họ đi tìm Zhivago: Tất cả những chỗ hy vọng có mặt chàng, họ đều tìm đến; nào khu cư xá Hàng Bột; nào căn nhà ở đường Sipsep; nào tất cả các Cung Tư Tưởng và các Nhà Ý Tưởng, nơi có dạo chàng từng làm việc. Họ đến nhà tất cả những người quen cũ của chàng mà họ chỉ nghe loáng thoáng và hỏi được địa chỉ. Nhưng mọi tìm kiếm của họ hoàn toàn vô ích.

Họ không trình báo công an để khỏi nhắc chính quyền nhớ đến một người tuy có đăng ký hộ khẩu và chưa phải ra toà lần nào, song theo quan niệm hiện thời thì hoàn toàn chẳng phải là một người gương mẫu. Họ quyết định chỉ nhờ công an tìm kiếm trong trường hợp vạn bất đắc dĩ.

Sáng ngày thứ ba, Marina, Misa và Nika, lần lượt vào các giờ khác nhau, nhận được mỗi người một lá thư của Zhivago, trong đó chàng tỏ ra hết sức lấy làm tiếc đã để cho mọi người lo lắng, sợ hãi vô ích. Chàng cầu xin họ tha thứ cho chàng và đừng bận tâm gì hết. Chàng tha thiết mong họ chấm dứt hoàn toàn việc tìm kiếm chàng, bởi vì việc đó sẽ không bao giờ đem lại kết quả gì.

Chàng thông báo với họ rằng, nhằm mục đích nhanh chóng làm lại toàn bộ cuộc đời mình, chàng muốn được sống một mình ít lâu, để có thể tập trung tư tưởng làm việc, rằng ngay khi chàng đứng vững đôi chút trong nghề nghiệp mới và tin là sẽ không trở lại vết xe cũ, chàng sẽ rời bỏ nơi trú ẩn bí mật, quay về với Marina và hai con.

Trong thư gửi cho Misa, chàng báo tin rằng chàng gửi tiền tới Misa và nhờ anh ta chuyển cho Marina. Chàng đề nghị tìm một chị vú em trông coi hai đứa bé, để đỡ đần Marina và để cô có thể tiếp tục đi làm. Chàng giải thích rằng chàng không trực tiếp gửi tiền theo địa chỉ của Marina, vì sợ số tiền ghi trên bưu phiếu có thể khiến cô bị bọn cướp hỏi thăm.

Chẳng bao lâu, tiền được gửi đến, nhiều hơn khả năng tài chính của Zhivago và dự đoán của các bạn chàng. Họ thuê người trông nom hai đứa bé. Marina lại đi làm ở Sở Bưu điện.

Một thời gian dài cô không sao yên lòng, nhưng đã quen với những sự kỳ cục trước đây của Zhivago, cuối cùng cô cũng đành chấp nhận hành động lạ lùng ]ần này. Bất chấp lời yêu cầu dặn dò của Zhivago, hai anh bạn và người phụ nữ ấy của chàng vẫn tiếp tục tìm kiếm chàng và tin lời chàng nói trước là đúng. Họ không tìm ra chàng.

9.

Trong khi đó, chàng chỉ sống cách họ ít bước, ngay trước mắt họ, ngay giữa vòng tìm kiếm của họ.

Hôm chàng biến mất, khi chàng từ nhà Misa bước ra phố đi về phía nhà mình ở phố Spiridonovka, thì trời mới gần tối.

Đi khoảng một trăm bước, bất ngờ chàng gặp Epgrap, cậu em cùng cha khác mẹ với mình, đi ngược lại. Đã hơn ba năm nay Zhivago không gặp và cũng không được tin gì từ Epgrap. Thì ra tình cờ Epgrap mới đến Moskva được vài hôm. Cũng như những lần trước, Epgrap cứ như từ trên trời rơi xuống, nghe hỏi gì cũng chỉ im lặng mỉm cười hoặc nói đùa đáp lại. Song chỉ hai, ba câu hỏi đặt ra cho Zhivago chưa cần đi vào các chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt, Epgrap đã nắm ngay được mọi nỗi buồn bực, trục trặc của ông anh trai. Kế đó, đứng giữa chỗ quanh của một phố nhỏ, giữa đám đông khách bộ hành qua lại trước mặt, anh đã phác xong một kế hoạch hành động để giúp đỡ và cứu Zhivago. Việc chàng mất tích và sống ở một địa điểm bí mật chính là sáng kiến của Epgrap.

Epgrap thuê cho Zhivago một căn phòng ở cái phố dạo ấy vẫn còn gọi là phố Kamerghe, cạnh nhà hát Nghệ thuật. Anh cung cấp tiền bạc cho Zhivago, lo xin việc cho chàng ở bệnh viện, một công việc mở ra chân trời hoạt động khoa học. Anh tìm đủ mọi cách giúp chàng về mọi mặt đời sống. Cuối cùng anh hứa với chàng, rằng tình trạng không ổn định của gia đình chàng ở Paris sẽ được chấm dứt bằng cách này hay cách khác. Hoặc Zhivago sẽ sang bên đó đoàn tụ, hoặc họ sẽ trở về đây với chàng. Epgrap hứa sẽ đích thân lo liệu, thu xếp tất cả các việc ấy. Sự giúp đỡ ủng hộ của người em đã chắp cánh cho Zhivago.

Cũng như dạo trước, quyền lực của Epgrap vẫn là một điều bí mật. Zhivago không thử tìm hiểu nguyên do của nó.

10.

Căn phòng nhìn về hướng Nam. Nó có hai cửa sổ trông xuống các mái nhà đối diện với rạp hát. Mặt trời mùa hè còn mọc cao phía sau các mái nhà ấy, trên đường Okhodnyi, khiến mặt đường nhựa của phố này ẩn trong bóng râm.

Đối với Zhivago, căn phòng này còn hơn một căn phòng làm việc. Trong thời kỳ hoạt động hết sức say mê này, khi các bản ghi chép chất la liệt trên bàn không đủ chỗ cho các kế hoạch và dự định của chàng, khi những hình ảnh chàng đã nghĩ ra hoặc đã nhìn thấy còn phải lơ lửng giữa không khí trong các góc phòng, giống như vô số bức phác thảo của hoạ sĩ còn đang được đặt quay mặt vào tường trong xưởng vẽ, thì phòng ở của Zhivago đúng là phòng tiệc lớn của tinh thần, là cái kho chứa các khám phá, là nơi xếp đặt các ý tưởng điên rồ.

May mắn thay, các cuộc thương lượng với ban giám đốc bệnh viện phải kéo dài, thời hạn, bác sĩ Zhivago bắt đầu nhận việc còn lui lại vô hạn định. Vì thế chàng có thể lợi dụng thời gian chờ đợi để viết sách.

Zhivago bắt đầu sắp xếp lại những gì chàng đã viết trước kia nay còn nhớ được từng đoạn, hoặc những thứ mà Epgrap tìm kiếm không biết từ đâu ra, mang về cho chàng, một phần là bản thảo do chính tay chàng viết, một phần do người khác đánh máy lại. Tình trạng cực kỳ lộn xộn của tài liệu ấy buộc chàng phải phân tán tâm trí hơn hẳn khuynh hướng tự nhiên ở chàng. Làm việc ấy được ít lâu, chàng bèn bỏ quách nó đi để chuyển sang viết tác phẩm mới, say sưa với những ý đồ mới.

Chàng phác ra trên giấy nháp các bài báo, tương tự những ghi chép vắn tắt thời kỳ chàng ở Varykino lần thứ nhất, và chàng viết từng khổ thơ chợt nảy ra, có khi là mấy câu mở đầu kết thúc hoặc ở giữa một bài thơ, một cách lộn xộn, bất kể trình tự. Đôi lúc chàng vất vả mới ghi kịp các tư tưởng dồn dập kéo đến, chỉ viết tắt hoặc viết chữ cái đầu từ cho nhanh.

Chàng viết hối hả, vội vàng. Khi trí tưởng tượng đã mệt mỏi và công việc chậm lại, chàng bèn vẽ hình ngoài lề để kích thích và thúc đẩy chúng. Chàng vẽ các lối đi trong rừng và các ngã tư thành phố, chỗ cắm biển quảng cáo "Moro và Vetchinki. Máy gieo hạt, máy đập lúa"...

Các bài báo và các bài thơ đều viết về đề tài thành phố.

11.

Sau này, trong số giấy má của chàng, người ta tìm được những đoạn ghi như sau:

"Năm 1922, khi tôi về đến Moskva, tôi thấy thành phố trống trải và bị tàn phá đến một nửa. Khi vượt qua các thử thách một hai năm đầu cách mạng nó như thế nào, thì bây giờ nó vẫn như vậy. Dân cư thưa thớt hơn. Nhà mới không được xây dựng, nhà cũ không được tu bổ.

Mặc dù trong tình trạng đó, Moskva vẫn là một thành phố hiện đại rộng lớn, là nguồn duy nhất khích lệ nền nghệ thuật mới thực sự hiện đại.

Kiểu liệt kê lung tung các sự vật và các khái niệm thoạt nhìn có vẻ xung khắc với nhau và được đặt cạnh nhau dường như theo lối tùy tiện, trong các tác phẩm của những thi sĩ theo chủ nghĩa tượng trưng như Blok, Vecharen, và Uytman, hoàn toàn không phải là một sự cầu kỳ về phong cách tu từ. Đó là một cách sắp đặt mới mẻ các ấn tượng, được nhận biết trong đời sống và được miêu tả từ nguyên mẫu có thực.

Họ cho hàng loạt hình ảnh diễu hành trong các dòng thơ của họ, cũng hệt như đường phố tấp nập vào cuối thế kỷ 19 đang trôi đi và xua qua trước mắt ta các đám đông, các loại xe ngựa và bước sang đầu thế kỷ sau là những loại toa xe điện, đường xe lửa ngầm dưới đất của nó.

Sự giản dị của mục đồng không có chỗ đứng trong các điều kiện đó. Tính chất phác giả dối của nó chỉ là một thứ hàng giả của văn chương, một thứ bút pháp thiếu tự nhiên, một hiện tượng sách vở, được đem tới không phải từ đồng nội, mà từ các giá sách của các kho sách học viện. Ngôn ngữ sống động, được hình thành một cách sống động và đáp ứng một cách tự nhiên tinh thần của thời đại hiện nay, ấy là ngôn ngữ của trào lưu đô thị hoá.

Tôi đang sống ở một ngã tư đông đúc của thành phố Moskva chói chang nắng hè, bị nung nóng bởi lớp nhựa đường trải các sân nhà, cứ lấp lánh kính cửa sổ các toà nhà cao và thở ra mùi các đám mây đen cùng mùi đại lộ, cứ quay cuồng xung quanh tôi, khiến tôi ngây ngất và muốn tôi ca tụng nó cho người khác cũng ngây ngất. Nhằm mục đích ấy, nó đã giáo dục tôi và trao nghệ thuật vào tay tôi.

Cái phố phường ở bên ngoài bức tường phòng tôi cứ ồn ào suốt ngày đêm kia cũng gắn chặt với tâm hồn hiện đại, hệt như khúc dạo đầu gắn với cái tấm màn sân khấu đầy bóng tối bí hiểm tuy chưa được kéo ra., nhưng đã bắt đầu rực lên ánh đèn đặt phía trước sân khấu. Cái thành phố cựa quậy, ầm ầm sôi sục không ngừng nghỉ ở bên ngoài phòng tôi chính là sự nhập cuộc cực kỳ rộng lớn vào đời sống của mỗi người chúng ta.

Tôi muốn viết về thành phố đúng là dưới những nét như thế".

Trong cuốn vở ghi các bài thơ của Zhivago còn giữ lại được người ta không thấy những bài thơ thuộc loại đó. Có lẽ bài "Hamlet" thuộc loại đó chăng?

12.

Một buổi sáng cuối tháng tám, Zhivago từ dưới bến xe điện ở góc phố Gazetnyi bước lên chuyến xe điện chạy ngược đường Nikitsaia từ Đại học Tổng hợp đến phố Kudrinskaia.

Đây là lần đầu tiên chàng tới làm vệc ở bệnh viện Botkin, hồi ấy gọi là bệnh viện Soldatelko. Có lẽ đây cũng là lần thứ nhất chàng đến bệnh viện ấy vì lý do công vụ.

Zhivago không gặp may. Chàng đi phải chiếc xe đã hư, cứ gặp hết tai hoạ này đến trục trặc khác. Khi thì một chiếc xe ngựa trật bánh xuống đường rày, chắn ngay phía trước, khiến tàu điện phải ngừng lại. Khi thì bên dưới sàn xe hoặc trên nóc toa hỏng bộ phận cách điện, điện bị chập mạch và có cái gì cháy nổ lách tách. Bác tài chốc chốc lại cầm cờlê bước xuống tàu, đi vòng quanh toa, chui vào gầm xe hoặc ngồi xổm lúi húi chữa chỗ bị hư hỏng ở giữa bánh xe và bậc lên xuống cuối toa.

Chuyến xe không may ấy cản trở giao thông trên toàn chuyến đường. Nhiều chuyến chạy sau đó đã bị nó chắn đường, cứ nối đuôi nhau mỗi lúc một dài. Đuôi đoàn xe đã ở quá sân Quần Ngựa và đang tiếp tục dài thêm. Những hành khách từ các chuyến xe đằng sau kéo lên chuyến xe đầu là thủ phạm gây ra cảnh tắc nghẽn, họ tưởng như thế sẽ tranh thủ được thời gian. Giữa buổi sáng nóng bức hôm đó, đứng trong toa tàu chật lèn thật là ngột ngạt. Phía trên đầu đám đông hành khách đang dồn từ các chuyến xe đằng sau lên, một đám mây đen tím bầm từ phía cổng Nikita đang đùn mỗi lúc một cao lên trời. Sắp có giông.

Zhivago ngồi trên một cái ghế cá nhân ở bên trái, bị ép sát vào cửa sổ. Vỉa hè bên trái đường Nikitskaia, chỗ có Nhạc viện, luôn luôn ở trước mặt chàng. Dù muốn hay không, tuy đang mải nghĩ đến chuyện khác song những người đi bộ và đi xe phía đường bên này đều lọt vào tầm mắt của chàng.

Chàng để ý đến một bà già tóc bạc phơ, đội mũ rơm màu sáng có đính mấy bông hoa cúc và hoa thủy sa bằng vải, mặc chiếc áo váy kiểu cổ màu tím nhạt, bó sát lấy người, tay vung vẩy một cái gói nhỏ dèn dẹt, đang chậm chạp lê bước. Bà lão có vẻ mệt lử vì nóng bức, chốc chốc lại dùng tấm khăn viền ren lau mồ hôi trên lông mày và trên môi, trên mặt.

Con đường bà lão đi song song với chuyến xe điện. Đã mấy lần Zhivago mất hút bóng bà, khi tàu được sửa xong lại chạy và vượt qua bà. Và mấy lần bà lại hiện ra trong tầm mắt chàng, khi xe điện lại bị hỏng, phải đỗ để sửa, bà lại đuổi kịp xe.

Zhivago nhớ đến các bài toán đố của học trò về cách tính thời gian và thứ tự của những chuyến xe lửa khởi hành vào các giờ khác nhau, chạy với vận tốc khác nhau; chàng muốn nhớ lại cách giải chung nhất các bài toán đó, nhưng không kết quả, chàng đành bỏ dở và chuyển sang những suy tưởng còn rắc rối hơn.

Chàng nghĩ về một số cuộc đời đang tiếp diễn bên nhau, đang vận động với tốc độ khác nhau, cuộc đời người này bên cạnh cuộc đời người kia, đến một ngày nào đó thì số phận người này vượt qua số phận người kia và ai là kẻ sống lâu hơn.

Chàng thấy một cái gì như nguyên lý tương đối được áp dụng vào trường đời nhưng cuối cùng chàng bị lẫn lộn lung tung, nên lại thôi không nghĩ đến sự giống nhau ấy nữa.

Một lằn chớp lóe sáng, kế đó sấm nổ vang. Chuyến tàu điện bất hạnh một lần nữa lại trục trặc ở đoạn dốc từ phố Kudrinskaia xuống Sở thú. Một lát sau, bà lão mặc áo tím hiện ra trong khung cửa sổ, vượt chiếc tàu và đi xa dần. Những giọt mưa nặng hạt đầu tiên đã rơi xuống đường, xuống người bà lão Một cơn gió cuốn đầy bụi, thổi rạp cả cây lá, tìm cách giật bay chiếc mũ của bà lão, lùa dưới váy bà rồi đột nhiên tắt hẳn.

Zhivago cảm thấy người nôn nao, mất sức, chân tay rã rời. Chàng gượng đứng dậy khỏi ghế, giật lên giật xuống hai cái dây đai giữ cửa sổ để mở nó ra. Nhưng chàng không mở nổi.

Người ta quát to với chàng rằng cánh cửa sổ đã bị đóng chết vào khung, nhưng chàng đang cố thắng cơn buồn nôn, cơn lo sợ nào đó, nên chàng không biết là người ta đang quát bảo chàng và chàng không để ý xem họ nói gì. Chàng tiếp tục giật lên giật xuống cái khuôn cửa về phía mình và đột nhiên cảm thấy một cơn đau chưa từng thấy và khó bề cứu vãn ở trong ngực. Chàng hiểu rằng chàng đã làm đứt tung một cái gì đó trong người mình, đã gây ra một hành động chết người và thế là hết. Ngay lúc ấy, chuyến tàu điện bắt đầu chuyển bánh, nhưng chạy được vài chục mét trên đường Presna, nó lại phải đỗ

Bằng một nỗ lực phi thường của ý chí, chàng lảo đảo cố len qua đám đông hành khách đứng chật ních cả lối đi giữa các hàng ghế, lần ra được bậc lên xuống cuối toa. Mọi người không chịu cho chàng len qua, cứ hậm hà hậm hực với chàng. Chàng cảm thấy luồng không khí mát làm cho chàng hồi sinh, có lẽ tất cả chưa phải là hết, có lẽ đã dễ chịu hơn.

Chàng lại bắt đầu len qua đám người bu chật bậc lên xuống, chàng bị họ chửi rủa, xô đẩy huých vào người. Chẳng thèm để ý đến tiếng chửi bới, chàng chen qua, từ trên bậc toa của chuyến tàu đang đỗ bước xuống đường, bước một bước, hai bước, ba bước, rồi ngã vật xuống mặt đường lát đá để không bao giờ dậy nữa.

Tiếng xôn xao nổi lên cùng với những câu tranh cãi, những lời khuyên. Mấy người đứng trên bậc toa bước xuống, vây quanh người bị ngã. Chẳng mấy chốc họ đã xác định rằng chàng đã tắt thở và tim ngừng đập. Từ hai bên vỉa hè, người ta kéo tới chỗ đám đông vây quanh nạn nhân, kẻ thì yên tâm, kẻ lại thất vọng trước việc người chết nằm đó không phải bị tàu cán, nên chẳng liên can gì đến chuyến tàu. Đám người mỗi lúc một đông thêm. Bà lão mặc áo tím cũng đến gần, đứng một lát, nhìn mặt người chết, nghe mọi người bàn tán, rồi lại tiếp tục đi. Bà lão là một ngoại kiều, nhưng cũng hiểu là một số người khuyên nên khiêng xác nạn nhân lên tàu điện chở tới bệnh viện, một số khác bảo rằng phải gọi công an. Bà lão bỏ đi, chứ không chờ xem người ta quyết định ra sao.

Bà lão mặc áo tím là người Pháp, quốc tịch Thụy Sĩ, chính là Mazmoaden Flori ở Meliuzev, giờ đã già lụ khụ. Suốt mười hai năm nay bà làm đơn xin phép hồi hương. Mãi gần đây, đơn từ của bà mới được giải quyết xong xuôi. Bà lên Moskva để nhận thị thực xuất cảnh. Hôm ấy bà tới toà đại sứ nước bà để nhận nó, vừa đi vừa phe phẩy quạt bằng các thứ hồ sơ giấy tờ được bọc trong một tờ bìa và buộc một dải băng. Bà đi vượt chuyến tàu điện lần thứ mười, hoàn toàn không biết rằng bà đã vượt Zhivago và sống lâu hơn hẳn chàng.

13.

Từ ngoài hành lang nhìn vào qua cửa sổ có thể thấy một góc phòng vớí chiếc bàn kê xéo. Trên bàn đặt chiếc quan tài hướng phía chân người quá cố ra ngoài cửa, ở phần đó chiếc quan tài thấp và hẹp, dần lại, trông như một con thuyền độc mộc được đẽo sơ sài. Đó chính là chiếc bàn viết của Zhivago.

Trong phòng không còn chiếc bàn nào khác. Các tập bản thảo đã được nhét vào ngăn kéo, và chiếc bàn được dùng để đặt quan tài. Chiếc gối đưới đầu được kê rất cao, xác chết nằm trong quan tài như nằm gối đầu trên một cái dốc núi.

Xung quanh thi thể chàng có rất nhiều hoa, cả những bụi tử đinh hương màu trắng rất hiếm vào mùa đó, những bông anh thảo, những chậu hoặc giỏ hoa sinerari. Hoa che cả ánh sáng từ cửa sổ. Ánh sáng len qua kẽ các bông hoa, hắt vào khuôn mặt màu sáp và hai bàn tay người chết, vào lớp gỗ và mặt vải lót quan tài. Những bóng râm dường như vừa ngừng đung đưa, vẽ thành hình trang trí đẹp mắt trên bàn.

Thời kỳ đó, tục lệ hoả táng đã được phổ biến khá rộng rãi. Với hy vọng nhận tiền trợ cấp cho hai đứa bé, lo toan cho tương lai học hành của chúng và vì không muốn ảnh hưởng xấu đến địa vị của Marina ở nhiệm sở, người ta từ chối việc làm ma ở nhà thờ và quyết định hoả táng như một thường dân. Người ta đã báo cho các cơ quan hữu trách và chờ đợi đại diện của các cơ quan đó tới.

Trong thời gian chờ đợi, căn phòng trống vắng y như một căn nhà mà người chủ cũ đã dọn đi, còn người chủ mới thì chưa tới Bầu không khí yên tĩnh chỉ bị khuấy động bởi các bước chân rón rén và tiếng giầy khe khẽ của những người đến nghiêng mình trước linh cữu. Số người ấy không nhiều, song cũng đông hơn dự đoán. Tin về cái chết của một người gần như vô danh đã lan đi khắp phạm vi những người quen biết với tốc độ nhanh chóng lạ thường. Trong số những người đến chia buồn, có nhiều người biết Zhivago vào những thời gian khác nhau mà sau đó chàng đã mất liên lạc hoặc quên đi vào những giai đoạn khác nhau. Đông hơn cả là những người bạn vô danh hâm mộ tư tưởng khoa học và thơ văn của chàng, họ chưa hề biết mặt con người đã lôi cuốn họ và đây là lần đầu tiên họ đến để nhìn chàng và vĩnh biệt chàng.

Những giờ phút ấy, trong cảnh im lặng chung không có bất cứ nghi lễ gì, người ta gần như cảm thấy rõ ràng sự mất mát, và chỉ các bông hoa thay thế tiếng kinh cầu hồn và tang nghi mà thôi.

Các bông hoa ấy không chỉ nở và thơm ngát, mà tựa hồ đang đồng loạt toả hương cho mau tàn, ban phát mùi thơm cho tất cả mọi người như đang thực hiện một công việc gì đó.

Có thể dễ dàng hình dung vương quốc thảo mộc là láng giềng gần nhất của vương quốc thần chết. Ở đấy, trong màu xanh lá cây của đất, giữa các hàng cây nơi nghĩa trang, giữa các mầm hoa đang nhú lên từ các luống đất, có lẽ quy tụ các bí mật của sự biến hoá và những bí ẩn của sự sống mà ta cố tìm hiểu.

Lúc Chúa Giêsu từ trong quan tài bước ra, Maria Madelen thoạt tiên không nhận ra, tưởng lầm Ngài là bác làm vườn đi trong nghĩa địa. (Nàng cứ ngỡ Người ấy là kẻ làm vườn... )

Mục lục
Ngày đăng: 28/04/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục