Gửi bài:

Chương 4

10.

Toa số mười bốn có mấy người bị cưỡng bức đi lao động do binh nhì Voroniuc áp giải. Trong đó có ba người bị cưỡng bức vì lý do khác nhau. Một, nguyên là nhân viên thu ngân ở một tiệm rượu đoan tại Petrogad, tên là Prokhe Kharitonovich Pritulev, mọi người trong toa gọi là "ông két"; một cậu bé làm công cho một tiệm bán đồ sắt, mới mười sáu tuổi tên là Vasia Brykin, và nhà cách mạng theo phong trào hợp tác tóc bạc phơ, tên là Kostet-Amuaski, người trải qua đủ dạng lao động khổ sai của chế độ cũ và đang khai trương chuỗi trại cải tạo của chính thể mới.

Tất cả những người này đều xa lạ với nhau, đều bị chộp ở các nơi khác nhau và mới làm quen với nhau trong khi đi đường. Qua các cuộc trò chuyện trên toa, mới biết rằng nhân viên thâu ngân Pritulev và cậu thiếu niên tập sự bán hàng ở Vasia là đồng hương, cùng sinh ra ở tỉnh Vyatka, hơn nữa, chẳng mấy chốc đoàn tàu này sẽ chạy qua làng quê của họ.

Pritulev sinh sống ở thành phố Manmys, người thấp và mập, tóc húi của, mặt rỗ, xấu xí. Chiếc áo kiten màu xám của anh ta, đen xỉn ở hai hên nách vò mồ hôi trông chặt căng ở ngực, y như loại áo sarafan bó chặt lấy bộ ngực đầy của người phụ nữ. Anh ta cứ ngồi trầm tư mặc tưởng hàng giờ như bụt mọc, gãi đến sứt da rớm máu các mụn tàn nhang ở tay đến nỗi chúng sưng lên và làm mủ.

Một hôm, vào mùa thu năm ngoái, anh ta đang đi trên đại lộ Nepski, đến góc phố Lichaynyi (Lò Đúc) thì sa vào cuộc vây ráp. Người ta hỏi giấy tờ của Pritulev. Anh ta chỉ có cái tem lương thực loại lớn, loại phát cho các phần tử phi lao động và chẳng bao giờ có thể dùng để mua thứ gì. Anh ta liền bị bắt giữ cùng với nhiều người khác ở giữa đường phố cũng vì lý do ấy và bị đưa đi đào chiến hào ở mặt trận Arkhanhen. Lần này, đám người này bị đưa tới Vologoda theo dự tính ban đầu, nhưng đi nửa đường thì người ta đổi hướng, gửi về Moskva để điều sang mặt trận phía Đông.

Pritulev có vợ ở Luga, nơi anh ta làm việc trước chiến tranh, trước khi chuyển đến Petersburg. Tình cờ biết được nỗi bất hạnh của chồng, chị ta liền bỏ đi Vologoda tìm kiếm để chạy chọt cứu anh ta thoát khỏi đội quân lao công chiến trường, nhưng đoàn người đã quẹo sang ngả khác, tung tích lẫn lộn, chị ta chẳng biết đâu mà tìm. Công sức chị ta bỏ ra là công cốc.

Tại Petersburg, Pritulev chung sống với một phụ nữ tên là Pelaghea Nilovna Chiagunova. Anh ta đã bị bắt trên đại lộ Nepski sau khi vừa chia tay với chị này ở góc phố, để đi lo công chuyện ở một phố khác. Nhìn xuống phố Lichaynyi, anh ta còn thấy lưng chị ta đi xa dần, rồi khuất hẳn giữa đám đông qua lại.

Chị nàng Chiagunova này là một phụ nữ tiểu tư sản béo mập, dáng điệu chững chạc, có hai bàn tay đẹp và một bím tóc đuôi sam to dày mà chị ta cứ luôn luôn hất qua vai phải lại qua vai trái ra trước ngực, kèm theo những liếng thở dài sườn sượt. Chị ta tự nguyện đi theo Pritulev và đang có mặt bên anh ta.

Thật khó mà biết hai người đàn bà kia đeo bám Pritulev vì tìm thấy có gì đáng lôi cuốn ở một anh chàng xấu trai nhường ấy. Ngoài Chiagunova, ở một toa gần đầu tàu, chẳng biết tình cờ thế nào lại có một người quen khác của Pritulev tên là Ogryskova, một thiếu nữ tóc bạch kim, gày gò, mà Chiagunova gọi là "ả mũi hếch" và "cái ống tiêm" cùng hàng loạt biệt hiệu khác để hạ nhục cô ta.

Hai tình địch căm tức nhau và cố tìm cách tránh mặt nhau. Ogryskova chưa lần nào ló mặt đến toa số mười bốn. Cô nàng đã làm cách nào khôn khéo để tái ngộ đối tượng say đắm của mình? Đó vẫn là điều bí mật. Có lẽ cô nàng chỉ đành đứng ngắm anh chàng từ xa, mỗi khi tất cả mọi người trên tàu phải xuống chất củi và than lên tàu.

11.

Chuyện của Vasia thì khác. Cha cậu bị chết ngoài mặt trận. Mẹ cậu gửi cậu từ làng ra học nghề ở nhà ông cậu tại Petersburg.

Ông cậu có một cửa hàng đồ sắt ở khu Aprasin. Mùa đông vừa rồi, ông bị gọi đến trụ sở Xô viết quận để tường trình về việc kinh doanh của mình. Thay vì vào cái phòng có tên ghi trong giấy gọi, ông lại bước nhầm vào phòng khác. Tình cờ đấy là phòng tiếp nhận nghĩa vụ lao động. Trong phòng rất đông người. Khi dân chúng tụ tập ở đó theo giấy triệu tập đã khá đông, thì một tốp chiến sĩ Hồng quân đến vây họ lại và giải về trại lính Semenov cho ngủ một đêm, sáng hôm sau điệu họ ra ga và đẩy lên chuyến tàu chạy đi Vologoda.

Tin tức về cuộc bắt giữ nhiều người như thế lan đi khắp thành phố. Sáng hôm sau, gia đình họ kéo nhau ra ga để chia tay với người thân, trong số những người ra tiễn có Vasia và bà mợ.

Ở ngoài ga, ông cậu khẩn khoản xin người lính gác cho ông qua tấm lưới sắt một phút để gặp vợ. Anh lính ấy chính là người hiện đang áp giải nhóm lao động cưỡng bức ở toa số mười bốn này - anh chàng Voroniuc. Voroniuc đòi phải có bảo đảm chắc chắn là ông cậu sẽ quay lại, bèn đề nghị anh lính nhận đứa cháu làm con tin. Voroniuc đồng ý. Vasia bị đưa vào trong vòng quây, ông cậu được ra ngoài. Song vợ chồng ông cậu không trở lại nữa.

Khi sự đánh lừa bị phát giác, Vasia không ngờ vực chút gì về việc đó bèn oà lên khóc. Cậu lăn lộn dưới chân Voroniuc, hôn lấy hôn để hai tay anh ta, van xin anh ta thả cậu ra, nhưng vô ích. Người lính canh vẫn lạnh như tiền, không phải vì tàn ác. Tình hình thì nghiêm trọng, kỷ luật rất gắt gao. Người áp giải phải đem mạng sống ra để chịu trách nhiệm về số người trong danh sách được giao cho anh ta. Thế là Vasia bị sung vào đội quân lao động cưỡng bức.

Ông hợp tác Kostet-Amuaski vốn được hết thảy các tù nhân dưới chế độ Sa hoàng và dưới chính thể mới kính trọng, đã nhiều lần lưu ý anh lính áp giải về tình cảnh vô lý quá mức của Vasia. Voroniuc thừa nhận rằng đây quả là một sự ngộ nhận vô cùng tai hại, nhưng các khó khăn về thể thức không cho phép đề cập trường hợp rắc rối này trong thời gian đi đường và anh ta hy vọng sẽ giải quyết ổn thoả khi đến nơi.

Vasia là một thiếu niên dễ thương, khuôn mặt có những đường nét đều đặn như các ngự lâm quân và các thiên thần vẽ trong tranh. Cậu trong trắng và ngoan đến mức hiếm có. Trò giải trí thích nhất của cậu là ngồi phệt xuống sàn tàu dưới chân người lớn, tay bó gối, đầu ngả ra đằng sau, nghe người ta nói hay kể chuyện. Cứ nhìn các thớ thịt trên mặt cậu chuyển động khi cậu cố ngăn cho nước mắt khỏi trào ra hay cố nhịn cười đến nghẹn thở, cũng có thể khôi phục được nội dung câu chuyện đã kể. Đề tài câu chuyện được phản chiếu trên khuôn mặt thiếu rúên nhạy cảm ấy như trên một tấm gương.

12.

Kostet ngồi trên tấm ván thượng với gia đình Zhivago và cứ mút chùn chụt cái chân thỏ mà gia đình khoản đãi ông ta. Ông ta rất sợ gió lùa và cảm lạnh. "Gió quá! Gió thổi từ phía nào thế nhỉ?" - Ông ta hỏi và luôn luôn đổi chỗ ngồi để tìm nơi kín gió. Cuối cùng ông ta chọn được một chỗ hoàn toàn khuất gió, miệng nói: "Bây giờ tốt rồi", ông ta nuốt miếng cuối cùng, liếm láp các ngón tay, lấy khăn ra lau, cảm ơn chủ nhân và nhận xét:

- Chắc gió từ cửa sổ lọt vào? Thế nào cũng phải bít kín lại. Nhưng ta hãy trở lại đề tài tranh luận. Bác sĩ lầm đấy nhé. Thỏ rán là món ăn tuyệt diệu. Nhưng từ đó rút ra kết luận rằng nông thôn đang sống sung túc, thì xin lỗi bác sĩ, cái đó ít nhất là quá táo bạo, nếu không nói là vô cùng liều lĩnh.

- Ồ ai bảo ông thế? - bác sĩ Zhivago phản đối. - Ông hãy nhìn về các nhà ga đi. Cây chưa bị chặt. Các hàng rào vẫn nguyên vẹn. Rồi còn các thứ chợ đen! Các bà nhà nhà quê kia! Hay biết mấy đi chứ! Ở đâu đó vẫn còn sống được. Vẫn có người sung sướng. Chẳng phải ai cũng rên rỉ. Điều đó biện minh cho hết thảy những điều khác.

- Giá được thế thì tốt quá. Đằng này đâu phải như vậy.

- Căn cứ vào đâu mà bác sĩ nói như thế đã nào? Bác sĩ thử đi tới bất cứ nơi nào cách xa đường tàu một trăm dặm sẽ thấy. Đâu đâu dân quê cũng nổi dậy. Bác sĩ sẽ hỏi họ chống ai? Chống bạch vệ và chống cả Hồng quân, tuy địa phương ấy nằm dưới chính quyền nào. Chắc bác sĩ sắp bảo tôi, à, vậy ra dân quê thù địch với mọi chính quyền, tự họ không biết họ muốn gì. Xin lỗi bác sĩ, nhưng cái họ muốn hoàn toàn không giống cái tôi và bác sĩ muốn đâu. Khi cách mạng đã thức tỉnh họ, họ tin tưởng rằng họ đang thực hiện giấc mơ muôn thuở của họ về cuộc sống riêng tư cuộc sống vô chính phủ ở trại ấp bằng sức lao động của hai bàn tay họ, chẳng luỵ thuộc vào ai và có bổn phận với bất cứ ai. Nhưng sau khi thoát khỏi nanh vuốt của bộ máy thống trị cũ đã bị lật đổ, họ lại sa vào thứ kìm kẹp còn xiết chặt hơn nữa của siêu nhà nước cách mạng mới. Bởi thế dân quê mới điêu đứng và không tìm sự yên ổn ở bất kỳ đâu. Vậy mà bác sĩ bảo nông dân đang sống sung túc. Ông bạn quý của tôi ơi, ông chưa biết gì hết, và, theo chỗ tôi thấy, ông cũng chẳng muốn biết.

- Thì đã sao, đúng là tôi không muốn biết đấy. Hoàn toàn đúng. Ấy, hượm đã nào! Nhưng tôi biết tất cả, tôi khổ tâm lo lắng về tất cả mọi cái để làm gì nào? Thời đại chẳng buồn đếm xỉa đến tôi và cứ áp đặt cho những gì nó muốn. Thì hãy cho phép tôi coi thường các sự thực. Ông bảo lời tôi nói không ăn khớp với thực tế Nhưng ở nước Nga bây giờ có thực tế hay không? Theo tôi, người ta doạ dẫm thực tế đến nỗi nó phải lẩn trốn. Tôi muốn tin rằng thôn quê đã thắng cuộc và đang phồn vinh. Nếu điều đó cũng sai, thì tôi biết làm gì được nữa? Tôi còn biết sống bằng gì, biết nghe theo ai? Mà tôi lại phải sống, tôi còn có gia đình.

Bác sĩ Zhivago phẩy tay, nhường lời cho nhạc phụ tranh luận nốt với Kostet, chàng nhích ra mép ván dùng làm chỗ nằm, nghiêng đầu mà nhìn những gì xảy ra bên dưới.

Ở bên dưới, Pritulev, Voroniuc, Chiagunova và Vasia đang nói chuyện với nhau. Vì tàu sắp chạy qua vùng quê của Pritulev, nên anh ta nhắc đến cách đi về làng; tàu đỗ ở ga nào thì xuống, rồi đi tiếp ra sao, cuốc bộ hay leo lên xe ngựa. Khi nghe nhắc đến các tên làng, tên xã quen thuộc, Vasia lại nhảy cẫng lên, mắt sáng rực, say sưa nhắc lại các địa danh ấy, bởi vì chỉ riêng việc kể tên chúng ra cũng đã đem lại thích thú cho cậu như một chuyện cổ tích thần kỳ.

- Chú xuống ga Suối Cạn à? - cậu nghẹn ngào hỏi lại.

- Đúng rồi! Ga Suối Cạn! Xuống ga ấy là về làng cháu đấy! Sau đó chắc chú sẽ đi qua làng Buiski chứ?

- Ừ qua làng Buiski.

- Cháu đã bảo mà, làng Buiski, ai chả biết! Đến đấy là phải quẹo. Từ đấy cứ đi theo tay phải là về đến làng cháu, làng Veretenich ấy. Còn về làng chú, thì tới con sông là rẽ tay trái. Chú Pritulev biết sông Penga chứ? Ôi, tất nhiên là chú biết. Dòng sông quê cháu đấy, cứ men sông, cứ theo đường bờ sông mà đi sẽ đến làng cháụ. Làng cháu nằm ngay trên bờ sông Penga, làng Veretenich ấy! Ở chỗ bờ sông dốc nhất ấy! Dốc ơi là dốc! Đứng trên cao không dám nhìn xuống, chóng mặt lắm? Chỉ sợ lăn tròn xuống thôi. Cháu chả bịa đâu. Chỗ ấy nhiều đá, dân làng đem về đẽo làm cối xay. Mẹ cháu ở đó, ở làng Vereterích. Cả hai đứa em gái của cháu nữa. Em Alenca và em Aria. Mẹ cháu tên là Palasa, cũng trẻ và trắng như cô Pelaghea Milovna đây này. Chú Voroniuc ơi, cháu lạy chúr Cháu xin cầu Chúa phù hộ cho chú! Chú Voroniuc ơi!

- Mi hiểu cái chi? Mần răng (1) mà mi cứ luôn miệng kêu "Chú Voroniuc ơi, chú Voroniuc hỡi" mãi thế? Mi tưởng tao hổng biết tao là chú Voroniuc, chứ hổng có phải là ả Voroniuc hả? Mi cần cái chi, mi ưng cái chi? Muốn tao thả mi ra, phải hôn? Biểu ta coi! Cho mi chuồn, để tao thế mạng à, đồ cù lần?

Chiagunova lơ đãng nhìn về phía xa, lẳng lặng không nói gì Chị ta xoa đầu Vasia và cứ vuốt vuốt mái tóc của cậu thiếu niên với dáng điệu nghĩ ngợi, trù tính điều gì đó. Thỉnh thoảng chị ta cúi xuống, bằng cử chỉ lắc đầu, bằng ánh mắt, hoặc nụ cười, chị ta ra hiệu cho Vasia, ngụ ý bảo cậu đừng xin xỏ Voroniuc trước mặt mọi người nữa. Hãy chịu khó chờ vài bữa, rồi mọi sự đâu sẽ vào đó, đừng lo.

Chú thích:

(1) Trong nguyên văn, anh lính Voroniuc nói bằng thổ ngữ của một vùng của Ucraina, không thuộc nước Nga.

Mục lục
Ngày đăng: 05/05/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục