Gửi bài:

Và khi tro bụi - Đoàn Minh Phượng

Và khi tro bụi đưa tôi đến với cuộc hành trình nơi những vùng đất xa xôi mơ hồ của một xứ Châu Âu phủ đầy sương. Nơi ấy có một người phụ nữ đang lặng lẽ góp nhặt những mảnh vụn ý nghĩa của đời mình vì "Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết." Toàn bộ câu chuyện gợi lên những chấn thương và ẩn ức của con người hiện đại mà trong bài viết này tôi sẽ cô gắng làm rõ được điều đó.

***

va-khi-tro-bui-doan-minh-phuong

Câu chuyện xoay quanh An Mi, một người phụ nữ trẻ vừa mất chồng trong một tai nạn đầy bí ẩn. Cô tự nhủ mình sẽ cố gắng để tiếp tục sống mà không có anh, nhưng rồi nhận ra tất cả những gì cô có thể làm là chết đi vì sợi dây liên kết cô với thế giới hữu hình này đã không còn tồn tại nữa. Nhưng trước khi chết, cô quyết định sẽ làm một cuộc hành trình qua những chuyến tàu để tìm lại bản thể.

Trên những chuyến tàu đó cô vô tình phát hiện một bí mật ẩn uất của một gia đình xa lạ. Quyết tâm mang lại sự công bằng cho những kẻ trong cuộc, An Mi dấn thân vào những chuyến đi mới và chỉ nhận ra mọi thứ ngày càng trở nên rối rắm và thiếu lôgíc. Người anh tưởng như có thể hi sinh và bảo bọc cho đứa em bất hạnh nhưng cuối cùng lại từ chối và chấp nhận lãng quên để trọn vẹn trong cái cảm giác yên bình giả tạo. Cố gắng vì những điều cao cả nhưng tất cả những gì nhận được là sự quay lưng, cô đau đớn đến sững sờ nhận ra sự bất lực của bản thân trước vũ trụ riêng của những kẻ khác. Đó là cái thế giới mà cô không thuộc về, và cái chết của An Mi ở cuối tác phẩm bỗng trở nên lôgíc một cách kỳ lạ.

Nhưng ngay khi nằm giữa bờ vực giữa sự sống và cái chết, ngỡ tâm hồn đã an yên và bình thản cho sự ra đi thì bản năng sống bỗng trỗi dậy trong cô. Những đợt sóng ký ức cô đã xóa trắng nay bỗng ồ ạt ùa về, nhấn chìm cô trong bể kí ức và sự thật kinh hoàng. Hóa ra An Mi là một đứa trẻ mồ côi đến từ một đất nước có chiến tranh, đã chứng kiến người mẹ chết khi đang choàng tay ôm lấy mình để bảo vệ, và kinh khủng hơn là cô đã bỏ mặc đứa em gái trong cơn hoảng loạn, giữa những tiếng kêu cứu và âm thanh của làn bom đạn. Cô vừa hạnh phúc và đau đớn nhận ra ý nghĩa của cuộc sống này, sợi dây liên kết cô với thế giới mà bấy lâu này vẫn hoài công tìm kiếm không gì khác chính là tình mẫu tử, tình quê hương. Nhưng đáng tiếc thay, ngay khi cô tìm thấy chân lý đó và vùng dậy tìm kiếm sự sống thì nhận ra mình chỉ đang dãy dụa trong chuyến tàu về âm cung.

Trở lại với lịch sử về cuộc chiến hơn ba mươi năm của dân tộc, chắc hẳn chưa ai trong chúng ta có thể hoàn toàn quên được những khổ đau, mất mát và hủy diệt còn để lại những di chứng nặng nề cho đến mãi hôm nay. Chúng tạo nên những vết thương khủng khiếp ám ảnh như bộ mặt quái vật kinh hoàng hoài đeo bám những con người họ. Tất cả những điều ấy đã tạo tiền đề cho nền văn học chấn thương ở Việt Nam dựa trên những lý thuyết Phân tâm học của S.Freud trước đó.

Thế kỷ XX, nhân loại đã trải qua nhiều biến cố để rồi nhận ra bản thân là một tạo vật bất toàn, là những phận người bé nhỏ chứ không phải một chủng tộc với các quyền năng siêu việt thần thánh. Trong chính căn nhà của bản nguyên thì con người cũng không được toàn quyền làm chủ nhân của căn nhà đó.

Xuyên suốt qua các chi tiết trong tác phẩm là những chấn thương tâm lý của các nhân vật. Với An Mi, cô mang trong mình một mặc cảm vì bị bứt ra khỏi cội nguồn, luôn cảm thấy xa lạ, lạc lõng trong cộng đồng. Khi người chồng - sợi dây liên kết cô với thế giới - mất đi, cô càng cảm thấy trơ trọi và «hồn tôi chỉ còn là một đám tro». Bởi sự cách biệt về văn hóa mà lúc nào cô cũng cảm thấy mình là khách lạ ở bất cứ đâu «Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ». Tuy vậy, mạch ngầm văn hóa vẫn thầm chảy bên trông vô thức của cô, bị kìm nén thành những ẩn ức và xung năng được giải thoát tạo nên những hành vi ứng xử khác thường. Đó là khi cô mặc chiếc áo màu trắng đến dự tang lễ của chồng bởi «Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là mầu tang chứ không phải đen». Cái nhìn tế nhị của những chiếc áo đen khác ngày tang lễ chồng như càng khẳng định rằng cô không thuộc về nơi này, mà là một nơi nào đó cô đã xóa khỏi bộ nhớ mình. Nhưng hành động khác thường của cô chứng tỏ dòng chảy cội nguồn chưa bao giờ tắt lịm mà âm ỉ trong tâm hồn cô, đó là vô thức tập thể.

Khi chọn cho mình chuyến đi trên những toa tàu để tìm lại những kí ức đã xóa mờ, cô vô tình đọc được những trang nhật ký của một Micheal, một nhân viên trực khách sạn và phát hiện ra một câu chuyện còn nhiều uẩn khúc. An Mi tìm thấy chính mình trong Micheal, chàng thanh niên có cha là kẻ giết mẹ, dù đau đớn, căm phẫn cách mấy những vẫn quyết tâm tìm đứa em bị thất lạc như mục đích ý nghĩa nhất trong sự sống còn của mình. Nhưng sau cùng, kẻ đã đưa cho cô câu chuyện vào những giây phút quyết định chấm dứt đời mình, kẻ đã gián tiếp kéo dài cuộc hành trình về bên kia thế giới của cô từ ba tháng thành hai năm kia lại lựa chọn ở bên cô Sophie và phủ nhận những điều anh đã viết trong nhật ký. Cô thật sự bất lực vì dù có cố gắng đem lại những điều tốt đẹp, công lý cũng như sự thật đến cho anh em nhà Micheal thì cô vẫn thất bại vì đó là thứ mà họ không muốn nhớ đến. Cô bị gạt ra khỏi vũ trụ của họ, nơi mà cách đó hai năm đã mở ra chờ đón cô bước vào.

Nỗi ẩn ức dường như không chỉ thể hiện qua nhân vật chính mà còn được bắt gặp qua những nhân vật phụ. Một Micheal cô không tìm được một ai để kể về câu chuyện bất thường trong gia đình đến nỗi phải tìm đến những trang nhật ký và mượn nó để gửi đến một người xa lạ nơi bến tàu, vẫn cố gắng làm việc không ngừng nghỉ với một hi vọng mong manh sẽ tìm lại được đứa em thất lạc. Nhưng sau cùng, anh lại chọn ở bên cạnh Sophie, người tình cũ của cha và lãng quên những gì mình đã trải qua. S.Freud gọi đó là mặc cảm Oediphe. Tôi cho rằng Micheal làm thế vì cậu tìm thấy sự bình yên trong căn nhà mộc mạc lấp đầy những hương trầm và thiền tịnh của người tình. Ở đó cậu thấy thấp thoáng hình ảnh hiền từ của người mẹ, bến bình yên vỗ về tâm hồn. Và hơn hết, đó còn là cảm giác chiến thắng cha mình. Những nghi hoặc, sự tổn thương và trả thù... tất cả dường như đã lấp đầy vào trí óc của một đứa trẻ ngày nào để thay thế cho một sự thật bị trốn tránh. Cậu không muốn biết một sự thật nào hơn ngoài sự thật trong hiện tại là cậu đang được sống những ngày tháng an nhiên trong vòng tay của Sophie chứ không phải đối mặt với những sự thật kinh tởm và trần trụi nào khác. Điều ấy làm cho An Mi thất vọng vì cô đã từng nghĩ mình tìm thấy chính bản thân trong Micheal; nhưng giờ cô lại thấy mình giống Marcus, một đứa trẻ bị chối bỏ và cô độc khép mình trong thế giới riêng của nó.

Những nhân vật của Đoàn Minh Phượng chịu nhiều sang chấn tâm lý nhưng họ không chọn cách bộc lộ chúng thành những hành vi cụ thể để giải phóng những ẩn ức đó mà chọn cách bỏ đi. An Mi thì bỏ lại mọi thứ xưa cũ để tìm lại mình trên những chuyến tàu còn Micheal thì chối bỏ sự thật rằng đứa em trai vẫn còn sống để đổi lấy sự bình an trong tâm hồn. Nếu họ chọn cách giải tỏa những chấn thương ấy bằng gào thét và nước mắt, liệu họ đã không chọn cách trốn chạy như một sự giải thoát?

Dường như không còn thứ gì có thể trì hoãn thêm chuyến tàu đưa An Mi về bên kia thế giới, cô quyết định kết thúc cuộc đời mình ở đây. Chính lúc ấy, tiềm thức trong cô đột nhiên trỗi dậy «Trong lúc ý thức tắt dần tôi lại nghe tiếng gọi tôi. Bây giờ tôi đã nhận ra tiếng gọi của em tôi, không phải từ ngày xưa mà ngay trong lúc này». Trong trí óc của một đứa trẻ lúc bấy giờ không hiểu được hành động trốn chạy của mình, để rồi khi được nhận nuôi ở một đất nước xa lạ, những kí ức đau thương lần lượt bị chôn vùi. Trời ơi, An Mi nghĩ mình giống Marcus tội nghiệp bị bỏ rơi nhưng cô lại chính là Micheal, một kẻ chối bỏ sự tồn tại của máu mủ để chạy trốn khỏi hiện thực nghiệt ngã. Ngay trong cơn vật vã của cái chết đang đến dần thì tiềm thức lại mở ra và hé lộ nhiều câu trả lời vốn chưa có lời giải đáp.

Lần đầu tiên trong đời cô nhận ra quê hương chưa bao giờ quay lưng lại với mình nhưng chính cô đã chối bỏ nó. Những chấn thương tâm lý cùng những ẩn ức khó hóa giải trở nên quá nặng nề nên cô đã tìm đường ra đi và để đến khi cuộc hành trình trở về vị trí ban đầu, cô chợt nhận ra mình đã đánh tráo sự thật để thoát khỏi cảm giác tội lỗi.

Quê hương là chốn bình yên thân thuộc nơi con người hằng hướng về. Nó có thể soi đường để đưa những bước chân lạc lối tìm về. Quả vậy, ở nơi nào có một gia đình, một tình thương và một sự chở che và một cánh cửa không bao giờ đóng chính là nơi chốn mà bất cứ một ai cũng muốn có được. Bởi có trở về với quê hương, ta mới tìm lại được chính bản thân mình.

Chỉ vọn vẹn gần 200 trang giấy, nhưng khi gấp cuốn sách lại tôi vẫn còn nghe thấy những âm thanh rì rầm của các nhân vật, những mẩu đối thoại, những mảnh tiềm thức và vô thức va vào nhau, nằm rải rác trên sàn. Bụng tôi như quặn thắt lại với câu hỏi hiện sinh trong tác phẩm Tôi là ai? Sự sống là gì? Cái chết như thế nào? Làm sao để có được một phương thuốc cứu rỗi loài người khỏi những lầm lạc để tìm thấy chìa khóa hóa giải cho từng vấn đề của họ? Tôi e rằng mỗi người phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Về phần mình, tôi thích được trích những phân đoạn trong tác phẩm vì chính tác phẩm đã rất đẹp theo cách riêng của nó.

"Và khi tro bụi rơi về

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"

Ngày đăng: 06/05/2018
Người đăng: Diep Le
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
lòng dạ đàn ông
 

Nhìn bóng dáng mất hút trong bóng đêm không một chút vương vấn của cậu ấy ngay sau đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là lòng dạ sắt đá của đàn ông. Lúc tốt đẹp thì mềm mại ân cần như nước, một khi đã quyết tâm ra đi, người ta sẽ đi một cách vô cùng đường hoàng mà dứt khoát.

Trích Có duyên nhất định sẽ có phận - Tào Đình

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage