Váy ơi là váy - Hai Đầu Méo (Trần Nhã Thụy)
"Sống trong thời tăng giá em thấy gia đình trở nên hòa thuận ấm cúng hơn. Đêm đêm em ngồi dạy cho con gái học may vá, thêu thùa, còn đấng chồng với con trai thì huỳnh huỵnh phía sau bếp luyện võ. Học may vá để mai mốt quần áo có rách thì còn tự biết mà vá. Tăng cường sức khỏe để nếu có thất nghiệp thì đi làm bốc vác kiếm sống. Nói chung gia đình trở nên đoàn kết thương yêu nhau rất nhiều".
***
Tuyển tập gồm 46 tiểu phẩm của Hai Đầu Méo (Trần Nhã Thụy) là những chuyện từ chuyện trong nhà ngoài ngõ, đến chuyện vi mô, vĩ mô như: Ăn tết ở phố... Vui thật!, Bà già Noel, Bí quyết sách Best Seller, Bờ mông cực buồn, Chửi... Giỏi, Chuyện tình thời... Lô cốt, Con đường... Mau đẻ, Đời sống... Lên cao!, Hạnh phúc thời tăng giá, Khi thi sĩ thi Game show, Oan như... Mắm tôm, Triển lãm... Tội ác các ông chồng, Xóm Hô – Li – Út... qua đôi mắt và ngòi bút của Hai Đầu Méo khiến người ta phải "cười đến chảy nước mắt, chỉ có một số ít không cười với cảm giác bị gã này chơi xỏ".
Các nhân vật của anh cực... méo xuất hiện ngật ngưỡng trước mắt mọi người như: Văn Tèo, Thị Hợi, Văn Tóp, Văn Teo, Thị Búp, đại gia Tý Tửng, Bảy cà rem, Trần Văn Mười Bảy, Chín Cà lăm, nhà văn Xèng, đạo diễn Lé Ròm, thi sĩ Tủn, chủ bút của một tờ báo thì có tên Văn Nhất Định Mới... Họ quan niệm về cuộc đời khác hẳn. Bảy cà rem quan niệm: "Đời như cây cà rem nhiều khi vừa mát vừa lạnh, vừa giấu bên trong nhưng cũng phải thò ra ngoài, thấy thèm thì phải ăn, nếu không ăn thì sẽ bị... chảy nước" (Bí quyết sách best seller).
Nói về giá cả cứ thay đổi từng giờ theo kiểu "phi cơ cất cánh", Hai đầu Méo cho rằng nó lợi lắm chứ chả chơi. Số là cái sự tăng giá nó đã góp phần "giữ gìn hạnh phúc gia đình" anh lắm lắm. "Sống trong thời tăng giá em thấy gia đình trở nên hòa thuận ấm cúng hơn. Đêm đêm em ngồi dạy cho con gái học may vá, thêu thùa, còn đấng chồng với con trai thì huỳnh huỵnh phía sau bếp luyện võ. Học may vá để mai mốt quần áo có rách thì còn tự biết mà vá. Tăng cường sức khỏe để nếu có thất nghiệp thì đi làm bốc vác kiếm sống. Nói chung gia đình trở nên đoàn kết thương yêu nhau rất nhiều". (Hạnh phúc thời tăng giá)
Phố xá hiện lên với kẹt xe, ngập nước, nhà sập, cầu nghiêng, đào đường, lô cốt. "Dân thành phố vốn đã quen với cảnh đào đường rồi. Đường này đi không được thì băng đường khác, chịu khó... lội bùn, vượt chướng ngại vật rồi thì cũng tới nơi". Và đi xe đạp không chỉ tiết kiệm, bảo vệ môi trường mà còn có rất nhiều cái hay: "hễ gặp chỗ nào kẹt xe là vác lên vai mà... vượt phố". Khổ nhất là các bà mẹ trẻ: "sáng chạy ra đường liền bị kẹt xe "đỉnh cao", chiều đi làm về lại bị ngập nước "đỉnh cao", cuối tuần đi siêu thị thấy hầu bao thâm hụt "đỉnh cao", lâu lâu soi gương thấy nhan sắc hao hụt "đỉnh cao"... Vậy thì thử hỏi làm sao không tắt sữa cho được" (Đời sống lên cao).
Nói như nhà thơ Trần Hoàng Nhân về tuyển tập này như sau: "Tin rằng khi đọc một tác phẩm hay cũng giống như được ăn một món ngon khoái khẩu vậy. Thì đây, Váy ơi là váy là một món ngon như thế, xin mời "bạn xơi" – nếu thích hoặc đứng nhìn – cũng được, vì tiểu phẩm Váy ơi là váy không phải hàng hoá độc quyền bắt buộc bạn phải dùng"
Thông tin xuất bản:
VÁY ƠI LÀ VÁY
Tác giả: Hai Đầu Méo (Trần Nhã Thụy)
NXB: Hội Nhà Văn
Quy cách : khổ 13×21
Số trang: 216 trang
Giá bìa: 55.000đ
Ngày dự kiến phát hành: 20/05/2013