Gửi bài:

Đường xưa mây trắng - Thích Nhất Hạnh

Chú ý nhỏ: mình biết bây giờ đã chính thức kết thúc mùa An cư kết hạ năm nay, nhưng vì bài review này vốn dĩ được ấp ủ từ giữa mùa An cư, trong những ngày mưa bão trắng xóa từ thời tiết đến cõi lòng, vậy nên xin phép được giữ nguyên phần mở đầu như nó vốn có. Hy vọng rằng, một chút sai lệch này không làm ảnh hưởng đến mạch cảm xúc của các bạn.

--------------------------

Bạn có biết rằng, mùa mưa được coi là mùa An cư trong đạo Phật?

Tuy rằng, thời điểm chính thức của mùa An cư năm nay sắp qua rồi, nhưng mùa mưa thực tế của nước mình mới là khởi đầu thôi. Vậy thì, nhân những ngày mưa rả rích này, đừng để tâm trạng của bạn ủ dột theo màn nước, hãy thử lắng lòng thưởng thức một mùa tâm hồn an cư với "Đường xưa mây trắng" của Sư ông Thích Nhất Hạnh thôi nào.

duong-xua-may-trang-thich-nhat-hanh

Ngay từ trang bìa của tác phẩm, Sư ông đã đề: "Trong Đường xưa mây trắng, chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột ra hết các vòng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó."

Vậy nên, chắc chắn đây không phải là một tác phẩm thần thoại, cổ tích muôn màu kỳ ảo với cân đẩu vân, hay phép biến hóa bùm bùm chéo chéo. Đường xưa mây trắng thông qua lời kể của Svastika, một cậu bé chăn trâu bình thường ở tầng lớp đáy cùng xã hội – sau này là môn đệ của Bụt, để kể về cuộc hành trình từ khi Bụt còn là một đứa trẻ, đến khi ngài nhận ra và đau đáu với những khổ sở của thế gian và quyết định đi tìm con đường giải thoát cho hết thảy chúng sinh khỏi những đau khổ ấy.

Ngài đi, đi rất nhiều nơi, gia nhập nhiều giáo đoàn tu hành, thử qua nhiều môn phái tu tập khác nhau, nhưng hết thảy đều không giúp được ngài. Cho đến một ngày, khi đang ngồi dưới một gốc cây pipapla, ngài đã Tỉnh Thức và khám phá ra con đường Tỉnh thức. Tỉnh Thức nói theo tiếng Magadhi là budh. Người Tỉnh Thức nói theo tiếng Magadhi là Buddha. Và người ta gọi người là Bụt.

Người đã tỉnh thức, đã biết sống tỉnh thức và sẽ đi dạy đạo tỉnh thức cho mọi người. Cùng với những môn đồ của mình, kiên trì giữa biết bao sóng gió và khó khăn khi xây dựng một Đạo mới giữa những Đạo cũ đang tồn tại và phát triển, Bụt gieo rắc hạt giống Bồ đề khắp thế gian. "Bốn mươi mấy năm về trước đã có ai nghe nói tới Bụt đâu, đã có ai nghe nói đến đạo lý tỉnh thức đâu; vậy mà giờ đây, không nơi nào mà không có bóng dáng những người khất sĩ áo vàng, không nơi nào mà không có những trung tâm tu học." (Trích lời Đại đức Svastika năm ngài năm mươi sáu tuổi, Bụt đã viên tịch được ít lâu).

Đường xưa mây trắng là một con đường không có điểm kết thúc. Cũng như hành trình của Bụt, chưa từng có điểm dừng. "Suốt đời, Bụt đã đi, nhưng người chỉ đi mà không cần tới. Vì vậy, cho nên người đi thong thả, cho nên mỗi bước của người đưa người tới giờ phút hiện tại. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, ngay ở chỗ mình đứng.

Đường xưa vẫn còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ sẽ màu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại.

Bụt đã nhập diệt, nhưng nhìn vào đâu đại đức cũng thấy sự có mặt của Bụt.

Bụt là suối nguồn.

Dòng sông đi tới đâu là Bụt đi tới đó."

Tuy rằng viết về Phật giáo, nhưng với đối tượng hướng đến là đa số đại chúng, nên đường xưa mây trắng rất dễ đọc. Nếu bạn chưa biết gì về đạo Phật và không biết bắt đầu từ đâu, Đường xưa mây trắng là một khởi đầu vừa phải. Giáo lý căn bản được lồng ghép khéo léo vào những câu chuyện kể, giải đáp một số vấn đề cơ bản nhất về tu hành nói chung và Phật pháp nói riêng.

Một người trẻ tuổi ham thích khám phá thế giới có thể đọc Đường xưa mây trắng như bước chân vào một cuộc phiêu lưu của một bậc trí huệ lớn lao. Hãy nhớ rằng, khởi nguyên của Đức Phật không phải sinh ra trên tòa sen như trên những pho tượng, không phải trên chín tầng mây hay Tây phương cực lạc. Đức Phật sinh ra trong hoàng gia lụa là gấm vóc, giữa muôn vàn cám dỗ của tiền tài và quyền lực thế gian, và chính Người cũng bị gia đình ngăn cản khi muốn đi tu. Đây không phải một câu chuyện quá xa vời, đây là chính những vấn đề mà bản thân chúng ta - nhiều người trẻ đang gặp phải.

Bên cạnh đó, cách hành văn của Sư ông Thích Nhất Hạnh rất dễ đi vào lòng người, nhẹ nhàng, an nhiên như nước. An nhiên như cách thầy nói, như cách thầy giảng pháp, như cách thầy chậm rãi mỉm cười với cuộc sống. Nét đặc trưng này có trong hầu hết các tác phẩm của thầy, cho dù qua tay nhiều dịch giả chuyển ngữ khác nhau, vẫn không mấy phai nhạt. Để với một tác phẩm đồ sộ như Đường xưa mây trắng, với khối lượng nhân vật và kiến thức lớn, không hề tạo áp lực nặng nề cho độc giả, mà là một dòng suối nhỏ dẻo dai, róc rách len lỏi vào từng trái tim, thả vào đó một chút bình yên nhẹ nhàng của cõi Phật.

Về mặt hình thức, Đường xưa mây trắng là một quyển sách đẹp với bìa ánh vàng nâu sang trọng. Hình minh họa tinh tế. Chất giấy nhẹ nên dễ cầm đọc. Có thể dòng giấy này với vấn đề bảo quản không được tiện lắm, nhưmg với những người lớn tuổi thì có lẽ sẽ hợp vì 700 trang giấy thường sẽ khá nặng. Điểm trừ duy nhất của quyển sách là bìa mềm. Tuy rằng bìa mềm có thể giảm giá thành để quyển sách có thể tiếp cận được nhiều người hơn, nhưng giá kể có một phiên bản bìa cứng phục vụ cho mục tiêu sưu tập, hoặc cho những người thật sự trân trọng một quyển sách quý thì sẽ tuyệt vời hơn nhiều.

Theo facebook Midori Chan

Ngày đăng: 30/08/2018
Người đăng: Truyện Ngắn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Yanagi (Flame of Recca)
 

Tớ cũng biết mình chưa đủ tuổi để dạy đời ai. Nhưng tớ hiểu rằng nếu có người chết đi thì sẽ có người phải đau khổ.Vì thế chẳng có cuộc sống nào là không đáng quí cả

Yanagi (Flame of Recca)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage