Chúa ruồi - William Golding
CHÚA RUỒI
Tựa gốc: Lord of flies
Tác giả: William Golding
Giải thưởng: Nobel văn học 1983
Từ xưa, con người đã luôn tự vấn về sự thiện, ác trong mỗi con người. Vậy cuối cùng, bản chất con người là gì? Là «nhân chi sơ tính bổn thiện» như lời Khổng Tử hay «nhân chi sơ tính bổn ác» như quan niệm của Tuân Tử? Sang đến thời kỳ hiện đại, Max lại cho rằng «Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội», rằng môi trường xung quanh một cá thể nào đó có thể sẽ tác động đến sự thiện, ác của mỗi người.
***
Chúa ruồi mở đầu bằng sự kiện một chiếc máy bay chở những đứa trẻ người Anh tị nạn thì không may gặp phải sự cố và trôi dạt vào một hoang đảo. Kí ức về bom đạn của chiến tranh vừa mới xảy ra cách đây không lâu thôi, bỗng nhiên trở nên mờ nhạt trong tâm trí của những đứa trẻ đang háo hức khám vùng đất không có người lớn, không có luật lệ. Chúng không những trở nên mê mẩn trước vẻ đẹp chưa từng được biết đến của hòn đảo, mà còn bởi sự khám phá và tự do. Nhưng cuộc thám hiểm của bọn trẻ không phải là một khúc khải hoàn ca rộn rã. Sự thích thú chinh phục ban đầu trở thành khát khao quyền lực đến quên mất cả nhân tính con người. Làm sao để sinh tồn? Làm thế nào để được cứu thoát? Hai câu hỏi đầy ám ảnh trở đi trở lại trong toàn bộ tác phẩm, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của cái «xã hội thu nhỏ» do bọn trẻ tạo ra.
Việc tìm ra chiếc tù và quyền uy giúp Raph trở thành thủ lĩnh mới của lũ trẻ. Ban đầu, cả đám hợp tác khá tốt nhưng do những khó khăn và thiếu thốn phải đối đầu, chúng chia thành hai phe. Một do Raph đứng đầu, giữ nếp sống quy củ và chủ trương giữ lửa với hy vọng được giải thoát khỏi hoang đảo. Một do Jack lãnh đạo, quay lại lối sống hoang dã, lấy săn bắn làm niềm vui và có nhiều hành động đi ngược lại với văn minh loài người. Với những đứa trẻ mới mười bốn, mười lăm, thậm chí có đứa mới chỉ lên sáu, để tồn tại ở một nơi thiếu thốn về mọi thứ, thiên nhiên đối xử khắc ngiệt, bị cái đói, cái rét hành hạ và hy vọng được cứu ngày một lụi tàn, bị cô lập khỏi các giá trị đạo đức và pháp luật... Tất cả đã buộc từng đứa trong chúng bộc lộ cái bản ngã tăm tối nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn nghiệt ngã.
Hành động săn thú của phe Jack không chỉ đơn thuần là để phục vụ mục đích ăn uống nữa, mà là để thỏa mãn sự khát máu trong chúng. Săn mồi để tận hưởng cảm giác khi dòng máu nóng chảy qua từng ngón tay, xộc lên tận mũi, và nhất là tận hưởng cái cảm giác được định đoạt sự sống - cái chết với muôn loài. Càng về sau, cái ác ngày càng trở lại mạnh mẽ hơn khi chúng săn một con heo mẹ đang chăm sóc cho đàn con của mình. Lẽ ra khi trông thấy cảnh tượng ấy và nhìn lại hoàn cảnh hiện tại, chúng phải xót thương cho đàn heo con sẽ bơ vơ, hoảng hốt biết dường nào khi mất mẹ. Thế mà chúng lại nhẫn tâm giết chết heo mẹ và lạnh lùng cắt đầu nó treo lên cọc. Chừng như tình mẫu tử chẳng phải là một cụm từ tồn tại trong định nghĩa của bất cứ đứa nào trong chúng. Chúng giãy giụa trong những thứ ngoài kia người ta gọi đó là luân lí đạo đức, là tình người để đến gần hơn với bản chất thú vật. Về cái chết của hai đứa trẻ khác; giả như chúng thật sự tưởng nhầm Simon là ác thú trong cơn sợ hãi, mà chỉ trong một tích tắc chúng trở nên điên cuồng trong cơn khát máu. Chúng «gào, thét, phang, cắn, xé. Không nói một lời. Không một động tác nào ngoài sự nhe nanh vuốt»; thì với Piggy, chúng đã cố tình giết thằng bé trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Lần theo từng chương sách, các nhân vật như đang rũ mình thoát ly hẳn với nền văn minh chúng từng được học, được biết đến.
Tôi vẫn tin rằng đâu đó vẫn còn có những con người đấu tranh với cái ác để giữ lại cái lương tri của mình. Đó là Raph, Simon, Piggy, cặp song sinh Sam và Eric và một đám nhóc khác. Chúng ta thường được nghe rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái chính nghĩa luôn thắng cái gian tà. Nhưng làm thế nào để thắng được chúng khi cái ác trở nên quá lớn mạnh? Sự đen tối của cái ác có thể làm đảo lộn cả luân lí thông thường.
Khi Raph chỉ còn lại một mình và bị phe Jack truy sát, bất chợt một người sĩ quan xuất hiện và hỏi vu vơ «chơi vui quá hả». Chính giây phút ấy, lẽ ra Raph phải «tố cáo» Jack và đồng bọn, những kẻ đã cố tình giết chết hai người bạn của cậu, kêu gọi mọi người sống như những con thú và truy đuổi cậu đến đường cùng. Nhưng Raph chỉ bật khóc «khóc than cho sự ngây thơ đã chết và lòng dạ đen tối của con người».
Xuyên suốt câu chuyện là hàng loạt các hình ảnh và chi tiết biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Ngay trong cách đặt tên tác phẩm - Chúa Ruồi, Beelzebub trong ngôn ngữ Hebrew là cái Ác, Ác quỷ. Chi tiết ba đứa Raph, Simon và Jack đi tuần quanh đảo lần đầu tiên, chúng đã đẩy một hòn đá xuống vực, cũng như chi tiết lũ trẻ nhóm lửa để cầu cứu tàu bè quay lại nhưng chẳng may làm cháy rừng... là những dấu hiệu báo trước rằng sự hiện diện của chúng sẽ làm mất sự cân bằng vốn dĩ và mang đến sự hủy diệt cho hòn đảo. Chiếc kính của Piggy - thứ thường được cậu mang ra lau chùi là biểu tượng cho tri thức. Piggy cũng là một nhân vật đại diện cho sự thông thái, một hình ảnh ẩn dụ cho việc tịnh tâm để tư duy chốn này. Chính vì vậy mà khi chiếc kính của Piggy bị vỡ là lúc mọi thứ trở nên hỗn loạn hơn, đồng nghĩa với việc tri thức bị cái mọi rợ trong tâm hồn con người đạp đổ. Những hình ảnh tương phản xuất hiện liên tục: cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và sự cuồng điên, tàn nhẫn của loài người. Như thể thiên nhiên vẫn vận hành như thế sau hàng ngàn thế kỉ, chỉ có lòng người là đổi thay.
Ngôn ngữ trong Chúa ruồi có đẹp đẽ đấy, mềm mại đấy nhưng chứa đựng rất nhiều hình ảnh ẩn dụ và tượng trưng. Ngay cả các nhân vật trong chuyện cũng thế. Nếu như Raph tượng trưng cho tinh thần dân chủ, thì Jack là hiện thân của nền độc tài chuyên chế, Piggy là người trí tuệ, Roger là kẻ nổi loạn, hành động vẽ lên mặt lũ trẻ do Jack cầm đầu tượng trưng cho sự rời bỏ nhân cách để bước qua lành răn Thú - Người. Hình ảnh chủ đề của tác phẩm: Chúa ruồi ẩn sau chiếc đầu heo bị cắm trên cọc, là cái ác hiện hữu trong mỗi con người. Các hình tượng Thiên Chúa giáo và biểu tượng khác nếu được liệt kê cụ thể ra đây và phân tích một cách rõ ràng, có lẽ có thể viết lên một cuốn sách mới. Nói một cách ngắn gọn rằng, tác giả quan niệm con người sinh ra là những bản thể tội lỗi. Chúng ta đang sống giữa nền văn minh nhân loại, được giáo dục, được chỉ dạy cho cách nhận biết thiện ác, đúng sai và hướng hành động của mình tới mục đích cao cả và tốt đẹp nhất. Khi đó, cái xấu trong mỗi con người sẽ bị kìm hãm lại, nhưng nó không hoàn toàn biến mất. Nó sẽ nằm yên ở một khoảng tăm tối trong mỗi người, chờ đợi khoảng khắc khi con người băn khoăn về lối rẽ thiện - ác, chúng sẽ trỗi dậy và đánh bật những gì ta được học về lẽ phải, biến ta trở về với phần «con» của mình. Như khi nhân vật Simon «trò chuyện» với Chúa ruồi: «Tụi bay cứ tưởng ác thú là cái gì tụi bay có thể săn và giết được[...]. Mày biết, phải không nào, rằng ta là một phần của bọn bay? Một phần rất gần gũi, rất gần gũi, gần gũi lắm!»[ ].
Không dừng lại ở đó, Chúa ruồi còn là bài học đắt giá về tâm lý bầy đàn. Chúng ta thường có xu hướng bắt chước những người xung quanh, dù có thể nếu khi chỉ có một mình ta sẽ không bao giờ thực hiện hành động tương tự. Sức ép từ những người xung quanh bạn, đặc biệt là từ xã hội là một công cụ rất hùng mạnh. Nó có thể đẩy một người hướng thiện đến con đường tội ác mà đôi khi chính cá thể ấy cũng không nhận thức được. Điều này lại càng đúng hơn với những đứa trẻ mới mười mấy tuổi, khi nhân tính của chúng còn chưa kịp đình hình.
Câu hỏi mà Golding nhắc đến trong tác phẩm có lẽ sẽ còn khiến nhân loại vẫn hoài đớn đau «Cuộc chiến như trò đùa của lũ trẻ chỉ thiêu rụi một hòn đảo hoang và làm chết hai đứa nhỏ. Còn quả đất và nhân loại sẽ ra sao sau cuộc chiến tranh nguyên tử khủng khiếp gấp triệu lần?» Từ thuở ban sơ, con người đã giết chóc, và đến tận ngày nay, con người vẫn đang và sẽ sẵn sàng giết chết đồng loại để đạt được mục đích của mình. Đặt vào bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, năm 1954 khi nhân loại vừa trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Chúa ruồi vừa là lời cảnh báo, đồng thời là tiếng kêu tuyệt vọng để nhắc nhở con người về tính lương tri.
Phải chăng câu chuyện kết thúc thật có hậu khi Raph thoát chết trong gang tấc và cả bọn được đội cứu hộ cứu thoát khỏi hòn đảo? Với tôi thì đó là cái kết đoản hậu, bởi chúng đã chứng kiến và chọn cái ác, rồi này đây những hình ảnh ghê tởm ấy sẽ bám lấy chúng đến tận cùng. Cùng với đó là cái chết của sự ngây thơ, chúng chết đi cùng với những con heo bị săn đuổi, cùng với Simon và Piggy. Chúng đã được cứu, bỏ lại hòn đảo sau lưng, và mang theo trong mình Chúa ruồi.