Gửi bài:

Bức thư của bố

"Hôm nay bố gửi tiền chị nga đem hộ vì thời gian quá vội Bố chỉ kịp thông báo với con là bố bán được 1 con trên ba triệu nhưng không biết con cầm như vậy nên bố đã trả nợ hết ở nhà và cho chú chi vay mất một triệu nay con mua máy bố gửi chị nga là 22.00.000 (hai triệu hai trăm ngàn) con...này gì thì nên đến chỗ chú Hệ bảo chú nếu thiều tiền thì bảo chú cho vay thêm nhé

Chào con chúc con học hành tiến bộ".

Phía dưới bức thư ngắn gọn này là chữ ký của bố.

Đấy là bức thư bố viết cho chị gái tôi. Dưới bức thư không ghi ngày tháng và theo thời gian cùng năm tháng, tờ giấy ghi bức thư đã chuyển từ giấy trắng sang màu vàng. Nếu tôi nhớ không lầm thì bố viết bức thư này cách đây đã trên dưới chục năm rồi.

***

Chị tôi mới kết hôn không được lâu lắm. Hôm trước qua phòng trọ, chị lấy đồ bỏ quên túi sách và nhờ vậy mà tôi đã phát hiện ra bức thư này. Tôi đã đọc tới lần thứ hai, thứ ba hay thứ mấy, tôi chẳng nhớ rõ nổi. Có điều, đó là bức thư bố viết cho chị, chứ không phải cho tôi.

Hình như lâu rồi, tôi không nhớ đến bố tôi thì phải? Bố chẳng để lại trong tôi gì cả, ngoài những mẩu ký ức đã vụn vỡ ra...

buc-thu-cuabo

Lần đầu tiên tôi trông rõ mặt bố, đó là một buổi chiều mùa thu đã nhạt nắng. Lúc đó, tôi đang đứng đùa nghịch với đám trẻ con trong xóm, chỗ cổng nhà cô Lan.

Sau khi tôi chào đời được hai tháng, bố tôi phải nằm hết viện này đến viện khác vì căn bệnh áp- xe- mông, một căn bệnh tôi cũng không rõ là gì? Bố tôi nằm hết Việt Trì, Sơn Tây rồi tới Đống Đa. Bố nằm viện khoảng trên dưới ba năm.

Ánh mắt bố hiền từ nhìn tôi và không mắng câu nào vì cái tính ham chơi của tôi. Bố hỏi tôi về mọi người trong gia đình. Trước khi đi, mẹ đã tính khóa cửa vì sợ tôi ham chơi. Thế là sau khi theo bố về nhà, tôi phải chạy một mạch ra ruộng Màn Quan tít mãi ngoài xa báo cho gia đình tôi biết. Mọi người mừng rỡ về nhà.

Buổi tối hôm đó, bố tôi kể cho mọi người trong gia đình tôi nghe, chuyện bố tôi trốn viện đi ra ngoài chơi. Cả chuyện bố tôi mới có một người anh kết nghĩa mới. Cuộc đời bố tôi chỉ quanh quẩn bên cây cỏ, ruộng đồng. Bố tôi không có cơ hội đi đâu xa, không giao du với ai cả.

Trong thời gian nằm ở Việt Trì, Sơn Tây, thỉnh thoảng bố tôi cũng bỏ về nhà. Bố tôi đi bộ từ Việt Trì về nhà, đoạn đường từ đó về nhà tôi khoảng trên chục cây số. Rồi bố tôi lại đi bộ trở lại bệnh viện. Mẹ tôi chỉ thỉnh thoảng mang đồ ăn lên cho bố tôi. Bố tôi không khiến mẹ tôi lui tới thường xuyên.

Sau khi ra viện hẳn, bố tôi ở nhà làm nghề nông, nghề truyền thống trong gia đình tôi. Thời gian đầu, cuộc sống của gia đình tôi vẫn không quá vất vả. Bố có khá nhiều thời gian đi chơi.

Tôi nhớ không rõ khi đó tôi học lớp mấy? Bố mang ti vi đen trắng về, thế là mọi người hàng xóm cứ xúm lại nhà tôi xem ti vi. Trông cảnh nhà tôi chẳng khác gì rạp chiếu phim nhỏ cả. Họ trải chiếu trong nhà, ngoài hè, ngoài sân, nằm kềnh ra và có người ngủ quên đến lúc mọi người giục về mới mắt nhắm mắt mở đi về.

Rồi tôi nhớ lần bố tôi làm cho tôi một chiếc diều bằng thuyền giấy. Chiếc thuyền ấy bay không cao. Chiều nào tôi cũng mải mê thả diều quên cả đường về nhà. Chiếc diều đó đã tuột mất khỏi tay tôi.

Rồi tôi nhớ những lần bố dạy chị em tôi học bài. Bố tài thật đấy, kiến thức đã qua bao nhiêu năm rồi mà vẫn nhớ đến vậy. Tôi sợ nhất những lần bố hỏi lại bài, yêu cầu tôi giải toán nhưng tôi chẳng làm nổi. Tôi ngu đến nỗi, bố có giảng cả trăm ngàn lần cũng vậy mà thôi.

Tôi nhớ lần tôi học lớp chín, bố không cho tôi đi học nhóm, tối nào tôi cũng trốn khỏi nhà và sáng ra, tôi lại phải rón rén đi về...

Những năm tháng học cấp ba là những năm tháng mà tôi chẳng bao giờ quên nổi. Những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, cuộc đời mỗi người trong gia đình tôi.

Cứ ban ngày bố tôi đi làm đồng, buổi tối, bố tôi phải đi kiếm cá đêm để chị em tôi có thêm tiền đóng học. Bố đi thâu đêm suốt sáng. Bố toàn đi vào những hôm trời mưa tầm tã. Bố đi trong cơn giông tố kinh hoàng. Tôi có cảm giác như bố đang đi vào chỗ chết. Những cơn gió giật, những âm thanh rùng rợn từ sấm, chớp, sét mang tới và trên cánh đồng bao quanh làng tôi, bố tôi cứ đi hết con sông này đến con rạch khác để mang những con cá về nhà. Rồi nước mắt tôi cứ ứa ra mỗi khi bị bố đánh thức dậy làm thịt cá.

Ba năm cấp ba nhọc nhằn trôi qua, tôi lại nhớ lần bố tôi đưa đi thi đại học. Chỉ vì tiết kiệm, bố đưa tôi đi đường Sơn Tây và lần ấy bố bị móc túi hết sạch tiền. Một số tiền không nhiều đối với gia đình mọi người, nhưng bảy trăm ngàn ấy chứa đầy mồ hôi công sức của bố và mọi người trong gia đình tôi. Tôi đã nguyền rủa cái tên móc túi ấy, tại sao lại lấy mất tiền của bố tôi. Số tiền đó, nếu cho tôi, tôi cũng không thể nuốt trôi.

Rồi tới Cầu Diễn, bố điện thoại cho chị tôi. Bố dặn chị ra nhà chú Hệ đón tôi. Bố sẽ đưa tôi tới đó. Chú Hệ không chỉ là một người em trai, mà còn là một người bạn của bố tôi, một người bạn từ hồi còn chăn trâu, cắt cỏ, đánh cá. Thủa nhỏ, bố và chú rất hay đi kiếm cá và thả bò. Cuộc sống của chú cũng đã có thời gian rất khó khăn mới có thể trở thành một giảng viên trường Cảnh sát.

Sau khi vào nhà chú, bố tôi kể cho chú nghe mọi chuyện. Chú kiếm quần áo cho bố tôi thay. Còn điều này nữa mà bây giờ tôi mới nhớ. Bố tôi rất ít quần áo, hầu như hôm nào cũng chỉ có hai bộ sờn màu cũ rích để thay. Tôi nhớ chiếc quần cộc mẹ mua cho bố. Khổ đến nỗi không thể mua cho bố cả quần mặc trong, mà cái quần cộc ống lại rộng. Bố tôi ngồi mà không để ý thì... trong khi nhà tôi lại chỉ ngồi ghế thấp ăn chứ chẳng có bàn, có chiếu gì cả. Và chiếc áo cộc màu xanh sờn rách, tôi chẳng thể quên. Cứ mỗi đêm bố đi kiếm cá về, bố lại không hề đi ngủ. Bố ngồi hút thuốc lào phì phèo ở gian giữa. Bố ngồi nhấp nhấp vài ly. Chỉ bây giờ tôi mới hiểu, vì sao tối nào đi soi cá đêm về, bố tôi cũng phải hút thuốc, phải uống rượu và dù trời mưa trời gió như vậy, bố tôi vẫn phải đi kiếm cá. Thế mà, chỉ vì suốt ngày phải làm thịt cá, tôi đã trút giận lên những con cá.

Sau chuyến đi thi đại học về một thời gian, tôi thấy mẹ tôi có nhắc tới chuyện bố tôi bị móc túi. Trước khi từ nhà chú Hệ về, bố đã dặn tôi là giữ bí mật rồi. Chuyện đó mẹ tôi vẫn biết, tôi cũng chẳng nhớ ai đã nói ra. Mẹ tôi tiếc nổ cả đom đóm mắt và dù tức lắm cũng chẳng làm gì được bố tôi. Nói vậy thôi chứ làm sao mẹ tôi lại không yêu thương bố tôi, nhất là khi đã có tới ba mặt con rồi.

Nhiều lúc, do cuộc sống vất vả, tôi thấy bố mẹ tôi rất hay cãi vã. Tôi lại nhớ lần cái xe bò bố chất lúa nặng quá, lúc đó trưa nắng chang chang, bò đang mệt nên bước những bước đi chệnh choạng làm đổ một bên xe lúa xuống sông. Những lúc như vậy giận bò cũng chẳng có ích gì, mệt thì chớ lại còn phải mất công kéo xe lúa lên bờ, xếp lại. Nghĩ mà tôi cũng thấy ái ngại.

Rồi lại những hôm trời mưa đi gặt không kịp chạy về nhà phải dấu niềm đi vì sợ sét đánh...

Tôi cứ nghĩ là ký ức về bố trong tôi ít lắm, chẳng ngờ vào một ngày cuối năm, nó cứ ào ạt đổ về khiến tôi không thể cầm lòng mà không viết ra.

Tôi nhớ...

Lần tôi đi thi đại học không đỗ, bố cố gắng nhờ vả người nhà lo liệu việc cho tôi.

Tôi nhớ nhất là cái lần bố mẹ tôi cãi nhau, tưởng như có thể ly dị được, chỉ vì một con lợn con bị tiêu chảy mà cô tôi đem trả lại.

Điều khiến tôi nhớ nhất, ân hận nhất, nuối tiếc nhất là lần tôi về thăm nhà sau một kỳ học ở Hà Nội. Tôi vẫn còn nhớ hôm đó là hai mươi lăm tết. Đó là cái tết đầu tiên tôi đi học xa và được trở về nhà. Tôi háo hức với cái cảm giác mọi người sẽ mong chờ.

Chưa bao giờ tôi dám ăn trứng vịt lộn mà không hiểu sao hôm đó mẹ tôi mua tôi lại ăn. Mẹ tôi mua tám quả trứng vịt lộn. Nhà tôi lại có sáu người. Mỗi người một quả còn dư hai và tôi đã rất ái ngại khi ăn tới quả thứ hai. Trước khi ăn, tôi đã hỏi bà, mẹ và chị. Họ đồng ý tôi mới dám ăn. Chẳng hiểu vì sao, đột nhiên cơn giận của bố tôi ào ào rội tới. Bố mắng tôi một trận tơi bời. Tôi không dám rơi nước mắt. Chẳng rõ từ khi nào, tôi khóc không bao giờ thành lời và cứ mỗi lần khóc, tôi lại ăn nhiều hơn.

Những ngày sau đó, tôi đã giận bố. Tôi không thèm nói chuyện với bố. Tôi giận khi thấy bố uống rượu, hút thuốc mỗi ngày một nhiều hơn. Tôi giận khi lúc nào bố cũng khắc nghiệt với tôi. Tôi không hề biết rằng, những ngày tôi giận bố là những ngày cuối đời của bố tôi. Bố tôi qua đời vào đúng ba mươi tết, cách đây đúng mười năm rồi.

Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là đến ngày giỗ của bố tôi. Năm nào cũng vậy, gia đình tôi chỉ có mấy mẹ con cũng giỗ cho bố. Năm nay giỗ bố đặc biệt hơn, bởi bố có thêm một người con. Chồng chị, tôi nghĩ cũng sẽ yêu quý khi biết về bố.

Nói ra những suy nghĩ này, tôi thấy vô cùng thanh thản và nhẹ lòng.

Mai tôi gặp chị, tôi sẽ phải trả bức thư này cho chị. Vì vậy, tôi nghĩ tôi viết ra đây, để khi nào thấy cuộc sống khó khăn, để khi nào nhớ bố, tôi sẽ mở những ký ức đã cất giữ trong góc bí mật trái tim tôi ra. Chỉ cần nghĩ về sự vất vả của bố, không có khó khăn nào trên đời, mà tôi không thể vượt qua.

Yêu bố hơn tất cả, và gia đình của tôi nữa...

Thanh Lê

 

Ngày đăng: 23/01/2014
Người đăng: Thanhhs Lê
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
tiredness
 

Đôi khi sự mệt mỏi cũng đáng để tận hưởng, vì điều đó nghĩa là bạn đang sống hết mình.

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage