Gửi bài:

Con trai

(truyenngan.com.vn) Tôi có ba đứa con. Nhưng từ trước đến nay, bên cạnh tôi luôn có hai đứa hoặc chỉ có một đứa. Đó là nỗi đau mất mát lớn nhất đối với tôi. Nỗi đau đớn đã ăn mòn vào tận trong tâm can, xương tủy khiến mỗi lần nhìn thấy bức ảnh của con là nước mắt của tôi lại rơi lã chã. Dằn vặt, day dứt và ám ảnh triền miên. Tôi đã sống trong những ngày tháng như thế chẳng khác gì địa ngục...

***

Khi con còn nằm trong bụng mẹ, tôi đã mong con sớm ra đời biết bao. Từng đứa, từng đứa một, rồi mẹ sẽ chăm con, sẽ yêu con, chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi không kìm được vui sướng, hạnh phúc. Cho nên, khi trời cho tôi hai đứa con, một trai, một gái, tôi và bố chúng nó suốt ngày quấn lấy con, chúng tôi dành hết tình yêu và thời gian cho hai đứa nó. Mỗi ngày, chỉ cần ngồi bên bàn may may áo quần cho khách để kiếm tiền nuôi con và áo quần cho con yêu, vừa chờ đứa lớn đi học về vừa nhìn đứa nhỏ ngồi chơi ở bên cạnh, lòng tôi không còn cầu mong gì hơn nữa.

con-trai

Đứa đầu của tôi là con gái, tôi đặt tên nó là Ánh Nhật. Nó không đẹp nhưng ngoan, còn nhỏ nhưng biết làm nhiều việc phụ mẹ. Đứa sau tất nhiên là con trai, tên Huy Chương. Huy Chương nhỏ hơn chị bảy tuổi nhưng đẹp và khôn lanh hơn chị. Huy Chương hiền lành và thông minh. Huy Chương rất lễ phép và luôn biết nghe lời. Nhưng có lần đó, Huy Chương đã cãi lại lời tôi và chửi cả người lớn. Huy Chương làm chúng tôi sững sốt đến mức tận bây giờ chúng tôi vẫn không thể tin con mình có thể hành xử với người khác như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn tin, nó chính là con của chúng tôi, do tôi đã đứt ruột đẻ ra. Nó vẫn luôn yêu tôi. Chỉ có điều, nó đã không còn trên cõi đời này nữa.

***

Ba năm trước...

Khi ấy Huy Chương được năm tuổi. Con trai tôi khỏe mạnh, nó vẫn rất khỏe mạnh. Vậy mà đùng một cái, nó đã phải vào viện, mặc đồ của bệnh nhân, nằm trên giường không được chạy nhảy, không được lăng xăng phụ bố những công việc lặt vặt. Bước vào phòng riêng của bác sĩ, tôi đau lòng, quả tim tan nát.

Bác sĩ ngồi trên ghế, ông trầm ngâm một lúc rồi mới chậm rãi nói với tôi:

- Thành thật xin lỗi chị! Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bệnh thận của cháu không có cách gì để chữa khỏi. Chúng tôi chỉ có một lời duy nhất có thể nói với chị là hãy ở bên cạnh yêu thương, an ủi và chăm sóc cháu trong những ngày cuối đời. Tuy nhiên, chuyện này cũng đừng nên cho con chị biết, thì tốt hơn.

Tôi đứng dậy, đầu óc quay cuồng, người hơi nghiêng như muốn đổ xuống. Vị bác sĩ lo lắng, đưa tay ra định đỡ lấy tôi:

- Chị không bị sao chứ?

Tôi vội ngăn ông lại:

- Tôi không sao...

Tôi cố gượng người dậy, gắng đi tiếp, những bước chân xiêu vẹo. Giọt nước mắt tràn mi rồi ướt đẫm cả mặt, chảy dài xuống hai gò má tôi. Khó chịu lắm. Đau đớn lắm. Tôi bắt đầu nấc nghẹn từng tiếng không còn kìm nén được nữa.

Bỗng... tôi nhìn thấy Huy Chương, nó đang đứng ngay trước mặt tôi. Phía sau tôi, vẫn là vị bác sĩ, có lẽ vì ông sợ cho tôi... Huy Chương nắm lấy tay tôi hỏi:

- Mẹ! Tại sao mẹ khóc vậy?

Tôi cúi xuống ôm con vào lòng, ôm thật chặt, người không ngừng run rẩy. Chỉ sợ nới lỏng tay là con sẽ biến mất. Nước mắt tôi chan hòa, tôi vuốt tóc và xoa đầu nó:

- Không có gì con à.

- Mẹ nói dối!

- Không - Tôi lắc đầu - Mẹ không nói dối con, mẹ không làm sao cả.

Huy Chương đưa tay lên lau nước mắt cho tôi, rồi chợt nó đẩy người tôi ra, quát lớn lên:

- Ông bác sĩ kia!

Tôi hốt hoảng nhìn lại phía sau, vị bác sĩ tái mặt. Huy Chương đưa tay lên chỉ thẳng vào mặt ông ấy trước sự ngỡ ngàng của mọi người, nó chửi:

- Việc đéo gì đến ông! Tôi sống hay chết là kệ tôi, tôi chẳng sợ, cớ gì ông lại làm cho mẹ tôi khóc? Tôi nói cho ông biết, tôi không sợ gì đâu... Chết thì chết, ghê gớm lắm sao! Mẹ kiếp!

Vị bác sĩ im lặng, cả người ông cứng đơ. Những cô y tá và bệnh nhân đi qua lại trên hành lang, ai nấy đều tròn mắt đứng lại nhòm ngó. Bố Huy Chương đứng trước cửa phòng của con mà nước mắt lưng tròng. Tôi cũng chỉ biết khóc không nói được gì nữa.

- Mẹ đừng có khóc nữa, con vẫn ở bên cạnh mẹ mà! - Huy Chương dỗ dành tôi.

Thực ngược đời! Người lớn người ta thường dỗ dành con nít khi nó bướng bỉnh và khóc vạ. Còn tôi, con tôi đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mà mặt nó ráo hoảnh, khô rang, nó còn an ủi tôi khi tôi khóc vì nó. Con trai tôi chỉ mới năm tuổi. Ôi con trai của tôi, đứa con mà tôi hằng mong ước đây sao? Con của tôi, con ơi! Có ai ngờ con lại hiểu biết và ăn nói khôn thế. Nhưng như thế, mới là con của tôi.

***

- Anh ơi! Giờ mình phải làm sao hả anh? Em biết sống thế nào đây anh? - Tôi khóc nấc lên khi gặp bố Huy Chương trong lúc đang ở nhà nấu món súp thịt bò Huy Chương thích nhất để mang vào viện cho con.

Bố Huy Chương ôm tôi, anh lặng thinh, hồi lâu mới lên tiếng an ủi:

- Mình vẫn còn Ánh Nhật. Mình sẽ yêu thương Ánh Nhật nhiều hơn để bù đắp cho cả phần của Huy Chương - Anh nhẹ buông tôi ra và nói - Còn bây giờ, mình phải quay vào viện, Ánh Nhật đang phải ở trong đó trông em một mình.

Tôi gật đầu. Chúng tôi dọn dẹp bếp núc và lấy thêm ít đồ cần thiết rồi mang súp vào bệnh viện cho Huy Chương. Ánh Nhật đang ngồi chơi với em, con bé nhanh nhảu nói:

- Bố! Mẹ! Để con đút em Chương ăn cho.

Tôi lấy súp đưa cho Ánh Nhật. Bố chúng nó ngồi cạnh nhìn con, nỗi xót xa trong mắt. Tôi muốn đút cho Huy Chương ăn nhưng chúng tôi là một gia đình, chúng tôi phải sẻ chia với nhau, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Trong buổi tối, Huy Chương cười rất nhiều, nó lúc nào cũng vui vẻ và bày ra đủ trò làm chúng tôi vui theo.

Những ngày đó, chúng tôi hạnh phúc.

Những ngày đó, tôi cũng khóc nhiều hơn, khóc đến sưng húp mắt.

Huy Chương không biết.

Nó hỏi, chúng tôi thường bịa ra đủ cớ để không phải trả lời.

Huy Chương cũng không thèm hỏi nữa.

Nó chỉ hay đòi tôi dẫn đi chơi trong khuôn viên bệnh viện và luôn nghe lời trong việc ăn, uống, ngủ, nghỉ đúng giờ, đúng lúc. Huy Chương hiền lành và không cãi lại ai, kể cả vị bác sĩ hôm nọ. Vợ chồng tôi cũng bỏ hết công việc để dành thời gian chăm sóc con.

Cho đến một ngày, Huy Chương nằm ngủ vùi suốt trên giường bệnh, không bao giờ tỉnh dậy nói chuyện với tôi nữa. Tôi khóc vật vã bên thân xác của con, mắt cay xè, có lúc tôi tưởng mình sẽ không còn giữ nổi một đôi mắt sáng để tiếp tục yêu thương và chăm sóc Ánh Nhật. Một người bạn để tay lên vai tôi và an ủi:

- Tớ hiểu được tâm trạng của cậu lúc này nhưng người đã chết rồi thì không thể sống lại được nữa. Con trai cậu lại quá thông minh và hiền lành, có lẽ vì thế mà nó không thích hợp với cuộc đời này nên ông trời đã mang nó đi.

Tôi ngước mặt lên nhìn cậu ấy. Thật vậy sao? Vậy mà tại sao tôi không biết? Nhưng ông ơi, con đâu có cần một đứa con thông minh và hiền lành, con chỉ cần nó sống để con được ở bên yêu thương và chăm sóc nó thôi. Ông hãy lấy đi phần thông minh và hiền lành của nó để nó được bình thường như những đứa trẻ khác thôi. Ông ơi, xin hãy trả con lại cho tôi! Tại sao ông đã cho tôi rồi lại lấy nó đi? Tôi khóc gào lên trong tuyệt vọng, tay chân tôi bủn rủn, bố Huy Chương vội đỡ lấy tôi, trên gương mặt của anh là những nét đau khổ tột cùng.

Ngày đưa tang Huy Chương, tất cả họ hàng và người quen, bạn bè gần xa của chúng tôi đều về tiễn cháu. Từng chiếc, từng chiếc xe cứ nối đuôi nhau và chạy dài trên con đường ra nghĩa trang, khoảng chừng năm mươi chiếc, người đông nghịt. Tôi nhìn cảnh đó vừa thấy được an ủi phần nào mà cũng vừa đau xé ruột gan. Nhìn bức di ảnh của Huy Chương, tôi đưa tay lên chạm nhẹ vào gương mặt của con, thế là từ nay gia đình tôi phải mất đi một người. Tôi không còn sức nào mà gào thét nữa, nước mắt chỉ chảy dài trên má.

Những ngày đầu, tôi rất hay nhìn thấy Huy Chương, thấy thường xuyên. Hình hài của con không rõ ràng, chỉ mờ mờ ảo ảo. Nó thường hay đi lại trong phòng và ở phòng khách, lặng lẽ và không nói lời nào. Chỉ đến đêm, khi tôi sắp chìm vào giấc ngủ thì nó mới rúc vào lòng tôi, cười hiền khô và bảo:

- Mẹ, mẹ hát ru cho con ngủ đi!

- Ừ, để mẹ hát cho con ngủ nghe - Tôi thì thầm, ôm con vào lòng và thấy mình hạnh phúc biết bao.

- Dạ - Huy Chương gật đầu đáp.

Và tôi hát, một tay nhẹ nhàng xoa đầu và tóc con: "Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẽo... gập nghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học... con đi trường học, mẹ đi trường đời...".

Huy Chương ngủ ngon trong lòng tôi. Nhưng sáng ra, tôi không còn thấy con đâu nữa. Tôi nghĩ, chắc mình nhớ con quá nên mới bị ảo giác. Nhưng cũng có lúc tôi đã tin, Huy Chương vẫn ở bên cạnh tôi, nó chưa bao giờ rời xa tôi. Và tôi rất hay nằm mơ thấy Huy Chương, những giấc mơ kéo dài triền miên, yên ả nhưng cũng đầy ám ảnh. Tôi sợ... sợ một ngày nào đó sẽ không còn được gặp Huy Chương.

***

Và điều tôi lo sợ cuối cùng cũng đến. Sau bốn mươi chín ngày, tôi không còn nhìn thấy con nữa, Huy Chương biến mất khỏi cuộc sống của tôi không một lời giải thích. Tôi cố thắp nhang và khấn vái, tôi cầu nguyện nhưng dù thế nào cũng không thể thấy lại cái bóng cứ hay lảng vảng bên cạnh tôi. Có đến hàng mấy tháng, ngày nào tôi cũng khóc. Bố Huy Chương vẫn ở bên an ủi tôi, dạy tôi cách chấp nhận, thật ra Huy Chương vẫn ở quanh đâu đây trong một thế giới khác. Huy Chương vẫn đang sống nhưng không biết sống có tốt không? Bằng cả trái tim của người mẹ, tôi nhớ và thương con vô hạn.

Một buổi tối, sau khi lo bữa ăn cho gia đình và dọn rửa chén bát xong xuôi, tôi nhắc Ánh Nhật học bài rồi ngủ sớm để sáng hôm sau con còn phải đi học. Từ ngày Huy Chương mất, chúng tôi bao bọc và chăm sóc Ánh Nhật kỹ lưỡng hơn cả trước đây. Sau đó, tôi và bố chúng nó ngồi trong phòng xem tivi. Một con bướm to đẹp lướt qua trước mắt tôi, bay vòng quanh trong phòng, một con bướm sặc sỡ màu sắc. Tôi đoán đó rất có thể là bướm ngài. Tôi nhẩm thầm trong óc: "Huy Chương! Có phải con đó không? Nếu thực sự là con thì hãy đậu lại trên bức ảnh của gia đình mình để cho mẹ biết".

Con bướm bay lượn vòng trong phòng thêm một lúc không lâu thì đậu lại ngay trên bức ảnh chụp cả gia đình tôi lúc Huy Chương còn sống đang treo trên tường. Giọt nước mắt của tôi rơi xuống. Huy Chương, đúng là con rồi! Con về thăm mẹ đấy phải không? Con bướm vỗ vỗ cánh, đôi cánh mềm mại và hiền lành làm sao! Tôi có cảm tưởng như Huy Chương đang mỉm cười với tôi, nụ cười an ủi và vỗ về xen lẫn niềm hạnh phúc. Lòng tôi nhẹ bẫng đi... Huy Chương hòa vào làn không khí và tan biến ngay trước mắt tôi.

***

Một năm sau đó, tôi sinh được một đứa con trai, nó giống Huy Chương như thể từ một khuôn đúc ra, từ cặp mắt, sống mũi. Tôi cũng muốn đặt tên cho nó là Huy Chương nhưng bố Huy Chương không đồng ý. Trên đời này chỉ có một Huy Chương thôi, không thể nào có hai Huy Chương giống nhau vì anh không muốn bi kịch cũ lặp lại. Anh sợ. Tôi cũng sợ. Chúng tôi muốn cải thiện số phận cho con và đặt tên con là Anh Minh. Anh Minh thừa hưởng nhiều thứ của Huy Chương. Kháu khỉnh và đáng yêu. Anh Minh chỉ khác Huy Chương là nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh Minh thích làm nũng và thích được người khác nựng nịu. Lần này, chúng tôi không sợ mất con nữa vì chúng tôi tin rằng Huy Chương sẽ bảo vệ, che chở gia đình tôi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục yêu thương và chăm sóc nhau trong những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc.

 

Ngày đăng: 05/02/2014
Người đăng: Vi Thùy An
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Cuộc sống ở trước mắt
 

Ông Hamil ơi, sao lúc nào ông cũng cười thế?

À đó là cách hàng ngày ta tạ ơn Thượng đế đã ban cho ta một trí nhớ tốt!

Cuộc sống ở trước mặt – Romain Gary

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage