Gửi bài:

Xa nhà...

Có ai đó đã từng nói:"khi đánh mất hay phải rời xa cái gì đó mới thấy trân trọng nó". Câu nói ấy đúng thật và cũng càng đúng hơn nữa với những người con xa quê hương...như tôi.

***

Cuộc sống sao thật lắm nghịch lý, khi còn trẻ con luôn mong cho mình già đi để được chững chạc trưởng thành, khi già rồi lại thấy nuối tiếc những năm tháng hồn nhiên, trong sáng của một thời trẻ dại, khi cuộc sống khó khăn lại muốn giải thoát bằng cái chết để rồi khi sắp rời khỏi cõi dương gian này con người ta lại khao khát được sống tiếp dù chỉ là một phút giây...phải chăng những nghịch lý ấy là nơi sinh ra những xao xuyến luyến lưu, là cội nguồn của những nỗi buồn " không hiểu vì sao tôi buồn" mà đôi khi ta vẫn mơ hồ nhận thấy?

Tôi cũng vậy, nhưng với một người con xa quê như tôi, những nỗi buồn, nỗi bâng khuâng xao xuyến ấy rõ rêt hơn nhiều...

xa-nha

Tôi sinh ra ở một vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, đã có lúc tôi tự hỏi, tại sao mình lại sinh ra ở nơi đây, nơi cuộc sống nghèo khổ con người ta chỉ biết lầm lũi làm việc quần quật từ sớm tinh mơ cho tới tận đêm khuya chỉ để kiếm những đồng bạc lẻ chẳng đáng với bao mồ hôi nước mắt mà mình bỏ ra, nơi mà cuộc sống dường như chỉ là một bức ảnh đen trắng tẻ nhạt con người sinh ra chỉ biết làm việc kiếm sống, sinh con đẻ cái rồi lại chết đi điều đó luôn khiến tôi tự hỏi, sống như vậy thì có khác nào cuộc sống của loài vật, sống chỉ là sự tồn tại? Đã có lúc tôi thấy thật tức giận khi nhìn thấy bố mẹ tôi với làn da ngăm rám nắng, với những giọt mồ hôi thẫm đấm những vạt áo lao động bạc màu theo năm tháng kính cẩn, khiêm nhường trước ánh mắt khinh rẻ, chễm trệ, nhìn đời bằng nửa con mắt khi thấy gia cảnh nhà tôi của mấy ông nhà giàu quần là áo lượt từ Hà Nội lên du lịch ghé thăm nhà tôi...cũng cùng là con người như nhau, sao những người nghèo hơn cứ luôn bị rẻ rúm, cứ luôn bị khinh thường như vậy?

Đã có lúc tôi thấy chán ngán những tiếng gà cứ quang quác sau nhà, tiếng chó mèo cắn nhau chí chóe, tiếng lầm bầm kêu ca than trách gì đó của mẹ tôi cứ luôn rưng rức bên tai, những lúc ấy tôi chỉ muốn chuồn đi một nơi nào đó thật xa thật yên tĩnh, không ai làm phiền, không chó mèo, không gà qué, không tiếng tiếng lầm bầm, chằng còn cái gì hết, chỉ còn mình tôi thôi...

Đã có lúc tôi ước ao mình có những bô quần áo lúc nào cũng thơm phức, phẳng lì chứ không nhăn nheo và vướng đầy mùi mồ hôi, tôi ước tôi có bàn tay thon thả, nõn nà trắng muốt không một dính một chút bụi đất chứ không phải là một bàn tay to bè và thô ráp , tôi ước tôi được sống những ngày nhàn hạ, chỉ mỗi việc ăn với lại học không cần phải ngày ngày ra đồng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng phụ bố mẹ kiếm tiền, tôi ước tôi có một cuộc sống sung sướng, đủ đầy như mấy đứa bạn tiểu thư cùng lớp vậy.Đôi lúc tôi tự hỏi sao có những người may mắn đến vậy và sao thấy mình bất hạnh quá! Đôi lúc tôi muốn mình không phải sống ở nơi đây, một cuộc sống cho tôi cái cảm giác tầm thường và tẻ nhạt.

Và rồi những mong muốn của tôi trở thành hiện thực khi tôi đỗ đại học, rời quê hương lên thành phố, không còn những tháng ngày vất vả kiếm miếng cơm mà chan đầy mồ hôi nước mắt, không còn phải mặc những bộ quần áo thấm đẫm mồ hôi và bụi đất, làn da ngăm đen của tôi không còn phải dãi nắng dầm mưa nên cũng trắng lên nhiều, cuộc sống với tôi không có chó mèo, gà qué, không còn tiếng lầm bầm của mẹ, ...và lại chỉ còn mình tôi.

Nhưng, như tôi đã nói ở trên, đời thật nhiều nghịch lý, con người ta chẳng bao giờ thấy thỏa mãn với hiện tại.Rời xa quê hương tôi thấy nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.Đi học xa nhà cách bảy tám tiếng đi xe khách vòng vèo qua những dãy núi với số tiền đi xe không hề nhỏ, nhưng chỉ cần được một ngày nghỉ thôi, tôi sẽ nhảy luôn lên xe và trở về với quê hương, với ngôi nhà yêu dấu của mình, trở về với những tiếng chó mèo quen thuộc, trở về với tiếng gà vang vọng mỗi sớm mai, trở về với những tiếng lầm bầm của cả một đời lo toan của mẹ, và hơn hết là trở về với gia đình, với tình yêu thương lúc nào cũng ngập tràn trong căn nhà bé nhỏ ấy, những lúc ấy tôi thấy thật ấm lòng, những nỗi cô đơn, nỗi bơ vơ xa lạ của cuộc sống mới nơi đất khách quê người như vụt tắt hẳn.Hóa ra những thứ mình tưởng như ghét nhất, tưởng như khó chịu nhất lại là những thứ thân thương nhất, những thứ cao đẹp nhất mà có lẽ đến tận khi phải rời xa chúng, tôi mới thấy vẻ đẹp của chúng hiện lên ngồn ngộn trong tim!

Đi học, học được nhiều điều hơn, cũng như sự trưởng thành dần của con người khi tuổi tác tăng thêm khiến tôi ngộ ra nhiều điều, khiến những câu hỏi, những thắc mắc lúc nào cũng xoay như chong chóng trong đầu tôi dần dần được trả lời, giống như câu trả lời khó hiểu của bố mẹ mỗi khi tôi hỏi điều gì đó" khi nào con lớn, con sẽ hiểu". Tôi dần nhận ra cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn kia không buồn chán, tẻ nhạt như tôi thường nghĩ, họ ngày đêm làm việc quần quật, cả cuộc đời họ chỉ có những chiêc áo sờn rách thấm đẫm mồ hôi và nước mắt nhưng họ sẵn sàng chấp nhận điều đó để có thể dành cho con cái họ những điều tuyệt vời nhất, họ có thể không cho con cái họ những bộ quần áo đắt tiền thời trang, họ không thể mang lại của cải vật chất giàu có như những ông bố bà mẹ khác, nhưng họ luôn cho con tình yêu ngọt ngào nhất, tuyệt với nhất từ sâu trái tim mình, họ không cần thuê những gia sư hay cho con đi học những khóa kĩ năng sống đắt tiền mà bằng sự vất vả của mình họ dạy con làm biết trân trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình kiếm được, họ dùng những yêu thương mộc mạc, giản dị chỉ bằng những nắm cơm muối vừng, những bó rau, những đồng tiền lẻ nhăn nheo để cho con cái họ biết rằng họ đã hy sinh nhiều thế nào cho các con để các con biết tôn trọng và kính yêu những người xung quanh mình. Những người nông dân chân chất ấy nghèo thật đấy nhưng tình cảm của họ thì chẳng bao giờ nghèo cả.

Tôi bỗng thấy trân trọng đôi bàn tay thô ráp của mình, nhờ đôi bàn tay này tôi đã cảm thấy trân trọng những gì mình làm được, tôi có thêm nguồn sức mạnh lớn lao để bước tiếp trên con đường chinh phục ước mơ của mình, tôi có thể tự hào vì nhờ nó, tôi có thể bớt đi những giọt mồ hôi, có thể quệt đi những giọt nước mắt tủi cực của bố mẹ, tôi bỗng thấy tự hào vì nhờ những tháng ngày dầm mưa dãi nắng tôi có thể trưởng thành hơn, có thể mạnh mẽ hơn, có thể kiên cường hơn, tôi cũng thấy sung sướng nhận ra bức tranh quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên không còn là bức tranh"thủy mặc" chỉ 2 màu đen trắng đơn điệu nữa mà nó giờ đây ngập tràn sắc màu để tạo nên một vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà sau này dù có đi bất cứ nơi đâu đi chăng nữa cũng không thể tìm được nơi nào đep hơn.

Và giờ tôi cũng nhận ra dù hơi muộn màng: ở nơi đâu cũng vậy, cũng có cái xấu và tốt, điều quan trọng là ta biết nắm giữ trong tim những vẻ đẹp ẩn nấp đằng sau những cái xấu kia, để luôn sống trọn vẹn, vui vẻ từng giây phút của cuộc sống này!

 
Ngày đăng: 14/04/2014
Người đăng: Nguyen Thao
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
True
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage