Gửi bài:

Về đâu?

Về nhà tôi cũng chỉ quanh quẩn quanh nhà, không dám ra ngoài đối mặt tất cả. ...Bao nhiêu năm đèn sách giờ quay về con số không.

***

Tôi lên tàu về quê sau một tuần chặt vặt ở Hà Nội. Xong thế là bao nhiêu dự định ấp ủ tan biến đi như mây khói. giờ về đâu ? làm gì nhỉ? Những câu hỏi ấy dằn vặt tôi từ khi rời ghế giảng đường. Về nhà tôi cũng chỉ quanh quẩn quanh nhà, không dám ra ngoài đối mặt tất cả. Tôi sợ ánh mắt của những người xung quanh, kèm theo những câu hỏi như cứa vào da thịt. Cháu đã đi dạy chưa? cháu đi làm ở đâu rùi? cháu có dự định gì chưa? Chừng ấy thôi khiến tôi ngột ngạt rùi. Bao nhiêu năm đèn sách giờ quay về con số không.

ve-dau

Tôi sinh ra và lớn lên một miền quê nghèo miền trung, nắng gió, bão lũ, đất cày lên sỏi đá, cuộc sống lam lũ chạy ăn từng bữa, thanh niên lớn lên không biết làm gì để sống. Mỗi vụ mùa qua đi cũng chẳng đủ gạo ăn, cuộc sống nơi đây quá nghèo khổ. Chính vì vậy thanh niên rời bỏ làng ra đi như một lối thoát.Tôi chọn con đường đi học để chạy trốn tất cả, một lối thoát duy nhất .

Tôi không sao quên nổi những bưã ăn nghẹn đến tận cổ, món ăn thay gạo mà hồi xưa quê tôi thường ăn, đó là ngô xay thành bột trộn với sắn ép hết nước rùi xôi lên mà quê tôi gọi là bồi. Cứ thế lấy dao chia ra mỗi người một phần, nhà tôi đông anh em nên mỗi người được phần nhỏ. Ngoài vườn sẵn khoai lang nấu lên chan với bồi húp sột soạt.Có những bữa nuốt không nổi tôi nghĩ ra cách rang mè đen trộn với bồi bỏ vô cối đăm vắt thành nắm cho dễ ăn.

Bố mẹ tôi làm đủ mọi việc cực nhọc để nuôi bốn anh em tôi khôn lớn.Mỗi sáng trời còn nhá nhem mẹ dạy nhóm lửa nấu ăn. đùm cơm cho bố tôi ăn và mang theo lên rừng chặt củi về bán, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hai mươi ngàn, mà hồi ấy hai mươi ngàn cũng chỉ mua được gần 6 kg gạo. Rùi hết mùa lấy củi bố theo người ta vào rừng mót gỗ bán tối mịt mới về, có nhiều khi qua đêm. Mẹ tôi khổ cũng chẳng kém suốt ngày ở ngoài trời, sáng ra đã cầm cuốc ra đồng, trưa về nấu ăn giặt giũ chiều đi làm tiếp, quần quật cả ngày.

Tôi còn nhớ như in bữa cơm mà cho đến giờ nghĩ lại thấy cay khóe mắt, chiều hôm đó nhà tôi được trợ cấp 2kg gạo, mẹ tôi lấy một ít trộn với sắn nấu lên, lúc chiều anh em tôi nhịn ăn, để bụng chiều ăn nhiều, vì máy khi có cơm.Nồi cơm gạo thì ít sắn phần nhiều, mẹ chỉ bới phần sắn ăn còn phần cơm gạo nhường cho anh em tôi. Tôi ăn vô tư mà không biết rằng mẹ ăn bát cơm toàn sắn...

Thời gian trôi nhanh ngày tôi đậu đại học bố mẹ tôi vui sướng lắm, thế là bao nhiêu năm cực khổ của bố mẹ, tôi không làm bố mẹ thất vọng.Bố mẹ tôi chạy vậy khắp nơi lo tiền cho tôi nhập học. 

Rồi ngày tôi lên đường nhập học, bỏ lại đằng sau nỗi cực khổ quê nghèo đến nơi xa xôi lạ lẫm.Trời Huế cuối tháng bảy mưa tầm tã triền miên kéo dài mãi, mỗi lần như vậy tôi thấy nhớ nhà da diết, nhớ dáng mẹ lầm lũi, nhớ đôi mắt buồn của mẹ ngày chia tay tôi, nhớ mái tóc bạc của cha gương mặt hốc hác sau bao ngày làm việc, mỗi lúc như vậy tôi chỉ muốn quay về.

Những năm tháng sinh viên chưa được bao lâu đầu năm 2010 mẹ ốm nặng vô nhập viện, kết quả khiến tôi và gia đình suy sụp bàng hoàng, ung thư ác tính giai đoạn giữa.Tôi mất hết tinh thần không còn chút hứng thú tâm trí để học. Ngày qua ngày cắp sách lên giảng đường nhưng lòng nặng trĩu và tội lỗi.một ý nghĩ trong đầu nghỉ học đi làm, bớt ghánh nặng gia đình, nhưng bố tôi gạt phăng nó đi, bố nói dù chuyện gì xảy ra đi nữa con cũng phải học, bố mẹ cực khổ cũng mong con sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thật sự trong tôi không còn muốn học nữa, mọi thứ giường như sụp đổ trước mắt học để làm gì ? thành công để làm gì ? bố mẹ có còn trên cõi đời này nữa để mình báo đáp ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục, những câu hỏi đó chiếm tâm trí tôi. 

Tháng 6 năm 2010 mẹ tôi phẫu thuật và được đưa xuống phòng xạ trị. Những tháng ngày lam lũ nuôi anh em tôi với cơn đâu ung thư ác tính hành hạ, mẹ già đi trong thấy rõ tóc bạc đi nhiều ở tuổi 49, đôi mắt buồn hiu hắt đôi khi gượng cười làm bố con tôi yên tâm, rùi những ngày truyền hóa chất với những cơn nôn ói, tóc mẹ rụng gần hết vì tác dụng của hóa chất. Thời gian trong khoa ung bướu tôi tận mắt chứng kiến nỗi đâu của những người bị ung thư, có người còn trẻ lắm mới có 18 tuổi cô gái đối mặt bệnh ung thư quái ác, khi mới đậu đại học, có những cặp vợ chồng vừa mới cưới chưa được mấy tháng đã phải nhâp viện, có người u nổi khắp cơ thể, có người phải cưa chân đi. Mùa hè ở Huế nóng bức có khi hai người chung một giường bệnh người bệnh tràn ra hành lang la liệt, tiếng nôn mửa, tiếng khóc xót xa khi bệnh viện trả về, mọi thứ ấy khiến tôi sợ hãi, sợ mất mẹ, tôi sống trong dằn vật tội lỗi của đứa con không làm được việc gì cho gia đình, đứa em trai tôi còn nhỏ mà đã đi làm phụ hồ gửi tiền về giúp mẹ chữa bệnh.

Ngày em gái tôi đi lấy chồng ngày tôi thấy mẹ hạnh phúc nhất mẹ cười thật sự mãn nguyện, em gái tôi lấy chồng ở tuổi 17, cái tuổi mới bắt đầu lớn, còn vô tư nhiều lắm, vậy mà em đã chọn lấy chồng. Tôi biết cũng vì hoàn cảnh xô đẩy, tôi thương em lắm, càng thương em tôi càng dằn vặt mình nhiều hơn, trách mình đã không làm tròn trách nhiệm của người anh. Gía như tôi trượt đại học, giá như tôi chọn đi làm, day dứt tội lỗi trong tôi chưa khi nào yên. Tài sản gia đình tôi theo tôi đi học và cho mẹ tôi chữa bệnh cứ thế ra đi nhanh chóng, tiền vây chồng chất lên nhà tôi rơi vào cảnh nợ nần. 

Tiền vay sinh viên không đủ để tôi học nữa, tôi bắt đầu đi làm vừa đi học. Cảm giác lần đầu tiên đứng ra đường mời khách e dè ngại ngùng, Anh ơi vô đây café đi anh! vừa nói vừa giơ tay ra nghiêng người mời gọi, Có những khi trời mùa hè nắng gắt phải đứng ngoài nắng mời khách, những hôm trời mưa mang ô che cho khách ra người tôi ướt sũng, mang khăn lau yên xe cho khách, có khi may mắn lại được khách thương tình cho 10 ngàn 20 ngàn.

Những ngày tháng đi làm khiến tôi bén hơi thuốc lá rồi nghiện nó lúc nào không hay biết, mỗi khi nghĩ về gia đình về mẹ, tôi lại phì phèo thuốc lá như một liều thuốc an thần, thiếu nó một đêm tôi không thể chịu nổi. Tôi sống khép kín và thu mình lại với tất cả.Mỗi khi đi học hay đi làm về tôi khép cửa làm bạn thuốc lá. 

Bạn cùng lớp tôi ít khi chơi, tôi sợ những lời mời gọi cafe, những bữa tiệc sinh nhật, những cuộc gọi gần tối mà không ít tốn kém, mất gần mấy ngày ăn, chắc vì thế mà tôi ít bạn, và cũng chả có người yêu. Cuối tuần mấy đứa bạn hẹn hò đi chơi tôi lại tất bật đi làm. Đời đôi khi hay trêu người có những khi bạn bè tổ chức sinh nhật trong nhà hàng tôi ngại ngùng đứng ngoài bắt khách giữ xe.

Những tháng ngày ấy qua đi một cách chậm chạp, ì ạch, mệt mỏi. Cuối năm 2013 tôi tốt nghiệp ra trường, sau bao nhiêu lần nộp hồ sơ xin việc khắp nơi không một hồi đáp, nơi hết chỉ tiêu nơi thì chỉ nhận bằng giỏi, chỗ thì không đủ tiền để chạy vô làm. Tôi xếp bằng đại học vô tủ, xin đi làm bảo vệ nhà hàng du lịch, công việc chủ yếu trong coi nhà hàng, chỉ chỗ đậu xe, đi nhặt xương thức ăn thừa của khách còn trên bàn đem ra cho chó ăn. chiều cho chim ăn rửa lồng chim. Mỗi khi đêm về nghĩ ngợi thấy tủi thân, mỗi tháng cũng chỉ được một triệu tám, số tiền ấy chỉ đủ cho tôi sống chật vật ở Huế mà không vướng bận gia đình.

Đầu 2014 tôi quyết định sang Nhật xuất khẩu lao động, trả số nợ mà tôi vay đi học và số nợ vây mẹ tôi chữa bệnh. Một lần nữa ông trời trêu người, sau một tuần ra Hà Nội tội vội vã trở về cho mẹ đi mổ thận, khổ tận cam lai bao giờ mới hết mẹ ơi! bệnh này chưa dứt bệnh khác lại đến, bất hạnh cứ như thây nhau ùa đến vậy, nặng trĩu và đâu khổ tôi bước đi như người vô hồn lên tàu về. Nhưng về đâu bây giờ ? đối diện với gia đình thế nào đây ? đối diện với hai đứa em thế nào đây? Tôi cảm thấy xấu hổ khi hai đứa em kêu bằng anh, cảm thấy dằn vặt khi đối diện ánh mắt của mẹ mái tóc lấm chấm bạc của bố.

Con tàu cứ gầm gừ chạy mãi, qua ga này đến ga khác, nặng nề mệt nhọc, ước gì nó cứ chạy mãi mãi đừng bao giờ dừng lại !

 

Ngày đăng: 25/04/2014
Người đăng: Sơn Đinh Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Antoine de Saint Exupery
 

Nếu trái đất hình vuông thì ta sẽ có các góc cạnh để ẩn náu, nhưng tiếc thay nó lại hình cầu nên chúng ta phải đối diện với cuộc đời

Antoine de Saint Exupery

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage