Nỗi đau lòng nó
Tuổi thơ trong tôi là những chuỗi ngày dài sống trong nước mắt: nước mắt của mẹ, của anh trai, của các em và của chính bản thân tôi.
***
Mẹ tôi buôn bán nhỏ ở chợ để nuôi mấy anh em tôi, sáng sớm mẹ phải dậy lúc 3-4h để chuẩn bị dọn hàng ra chợ bán. Nhiều lúc trời sương giá rét, tôi thức dậy nhìn thấy dáng nhỏ bé của mẹ in trên tường lúc dọn hàng chuẩn bị đi mà thương mẹ ứa nước mắt, thương mẹ bao nhiêu tôi càng ghét lão bấy nhiêu.
Người đàn ông tôi đã gọi là ba-cho đến năm tôi 19 tuổi là người đàn ông hay rượu, cả ghen và gia trưởng. Mỗi lần ông say về lại đánh mẹ, đánh tôi và các em. Tôi quên sao được những đêm mắt lão vằn từng tia đỏ bên chai rượu đã vơi, tôi quên sao được những cái tát, cú đánh, xoắn tóc, những cái nghiến răng, trừng mắt của lão đối với mẹ tôi. Tôi quên sao được những lần lão ghen đem áo quần mẹ tôi ra đốt. Tôi quên sao được những nhát chém ở cái trụ chính giữa nhà. Tôi quên sao được những lần lão đánh mẹ tôi đến nhập viện. Tôi quên sao được góc tối căn phòng-nơi nước mắt tôi rơi mỗi đêm khi chứng kiến mẹ tôi bị lão hành hạ. Tôi quên sao được những đêm nghe lão gọi dậy đi tìm "mẹ tụi bây về" khi mẹ tôi ôm những vết bầm tím chạy đi vì chẳng thể chịu nổi đòn roi của lão. Tôi quên sao được những lần lão lấy giấy chứng minh của mẹ để lên bàn thờ rồi thắp hương, mắt đỏ vằn từng tia máu nói qua tiếng kẽ răng: "Cầu cho con mẹ tụi bay chết đi".
Ám ảnh trong tôi còn là câu nói trong nước mắt của mẹ: "Nếu không vì mấy đứa bây thì mẹ đã bỏ đi rồi". Tôi lúc bấy giờ quá nhỏ để hiểu hết câu nói của mẹ, chỉ thấy mẹ khóc thì tôi cũng khóc và ôm mẹ thật chặt sợ mẹ sẽ bỏ tôi đi ngay lúc đó.
Có nhiều lần tôi đứng bên giường nhìn lão ngủ với con dao cầm trong tay mong giải thoát cho mẹ nhưng rồi tôi lại không dám xuống tay. Một thằng nhóc lúc bấy giờ không đủ can đảm giết một con người, không đủ can đảm mang cái trọng tội dã man đó khi mà nó.... nó chỉ là một thằng nhóc.
Năm tôi lớp 7, vẫn như nhiều ngày khác, lão lại trở về nhà trong trạng thái đầy hơi men, lão đánh mẹ, đánh tôi và bắt tôi bỏ học ở nhà. Dù say, nhưng lời của lão là mệnh lệnh mà chẳng ai dám cãi. Cúi đầu bước về phòng, đưa tay sờ những vết lằn roi còn in hằn trên da thịt, cắn chặt bờ môi ngăn tiếng nấc, mà giọt buồn vẫn rơi mãi không ngừng: "chẳng lẽ từ đây tôi phải xa bạn bè, thầy cô, mái trường thật sao?"
Tôi nghỉ học hơn 1 tuần thì cô Liên-cô chủ nhiệm lớp tôi lên nhà tìm, tôi len lén trốn ra hè, áp tay lên ngực trái ngăn tiếng bịch bịch loạn lên trong lồng ngực chẳng hiểu sao tôi sợ gặp cô, sợ mình sẽ không kiềm chế được nỗi buồn lòng mình mà khóc trước cô, tôi sợ... sợ một cái gì đó mơ hồ lắm...
Cô đợi gia đình tôi khá lâu nhưng chẳng thấy ai nên ra về. Những ngày sau đó, cô vẫn lên nhà tôi rồi lại thất vọng ra về.
Một buổi chiều lúc tôi đang nhặt rau giúp mẹ thì cô bước vào nhà. Tôi đứng bật dậy lúng túng:
- "Dạ...dạ em chào cô"
Cô xao đầu tôi rồi kéo tôi ngồi xuống cạnh bên:
- "Ừ, ba mẹ đâu em ?"
- "Dạ..dạ họ đi làm rồi."
Cô im lặng giây lát rồi nhìn sâu vào mắt tôi:
- "Tại sao mấy hôm nay em không đi học ?"
Những uất ức, buồn tủi bấy lâu nhốt kín trong tôi như chỉ chờ câu hỏi của cô để trào ra. Tôi kể cô nghe mọi chuyện trong tiếng nấc tủi hổ, cô im lặng lắng nghe rồi ôm tôi cùng khóc.
...
Đêm đó, tôi nín thở im lặng lắng nghe cuộc trò chuyện của người lớn về tương lai tôi:
- "Xin anh chị cho cháu đến lớp, em sẽ xin cho nhà trường giảm học phí cho cháu".
Sau câu nói của cô, tôi nghe tiếng mẹ thẫn thờ lau nước mắt, nghe tiếng thở dài của lão trong một đêm tỉnh táo không say.
Sau khi cô chào ra về, ngôi nhà tôi rơi vào khoảng không im lặng đến ngạt thở, tôi cắn tay áp những suy tư của mình xuống nhưng trái tim vẫn đập rộn trong lồng ngực.
- "Sáng, đi ra đây".
Tôi nhẹ nhàng đi ra khi nghe tiếng lão gọi.
- "Cô mới nói, chắc con cũng nghe rồi. Ngày mai, con đến lớp tiếp tục học nghe chưa ?".
Cả đêm đó tôi thao thức với ý nghĩ tôi sẽ lại được đến lớp, được gặp bạn bè, thầy cô, sẽ thoát ra khỏi áp lực gia đình trong những trang sách vở.
Cô Liên đã mở cho tôi thấy ánh sáng tình người khi tôi đang bế tắc, tôi không sao quên được ánh mắt và câu nói của cô trong buổi chiều ở nhà tôi: "Mạnh mẽ lên con, con người ai cũng có buồn đau. Nhưng bên em còn có mẹ, các em, còn có bạn bè, thầy cô luôn yêu thương em"
Bây giờ, có nhiều người vẫn hỏi tôi :" Tại sao con trai lại chọn là ông giáo dạy Văn ?"
Vì tôi không muốn chỉ truyền cho học sinh những kiến thức về ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn muốn truyền cho học sinh ngọn đuốc hi vọng, ngọn lửa ấm áp tình người mà cô Liên đã thắp cho tôi, đã cháy trong tôi trong những tháng năm qua, trong những lúc tôi mệt mỏi nhất.
Rồi tuổi thơ cũng trôi qua nhanh như chạy trốn những trận đòn roi, mắng chửi của lão. Tôi học xong 12 rồi đi theo ngành sư phạm Văn. Học xa nhà, không còn những đêm nước mắt ru tôi vào giấc ngủ, nhưng những ám ảnh của ngày nào vẫn theo tôi dù tôi ở nơi đâu làm tôi khép mình lại trong vỏ ốc mặc cảm với mọi người xung quanh. Có lúc lang thang trong buổi hoàng hôn, nghe tiếng bát nhà ai rơi vỡ, tôi giật mình ngỡ gia đình đó cũng không hạnh phúc như gia đình tôi. Nhưng tôi chạnh lòng xót xa làm sao khi thấy gia đình họ quây quần bên mâm cơm ấm áp, hạnh phúc. Hình ảnh mà lão- người đàn ông độc ác đó không thể cho tôi, cho các em tôi.
Nhiều đêm, tôi thoảng thốt, giật mình thức giấc rồi nhìn quanh vì ngỡ đang ở nhà và nghe tiếng khóc của mẹ, của các em. Khi nhận ra những nỗi sợ vẫn còn và theo tôi vào trong cả giấc mơ, đưa tôi về những ngày đau khổ mà tôi thấy lòng mình lạnh. Đưa tay kéo chăn trùm kín qua đầu ngăn nỗi sợ thôi không ám ảnh trong tim mà nghe có giọt đắng rơi xuống gối. Ngoài trời kia, gió rì rào qua hàng lá như tiếng thở dài xót xa.
Đến bây giờ, dù tôi đã lớn, đã có thể lên tiếng bảo vệ mẹ tôi, nhưng mỗi lần đứng trước lão, tôi lại thấy sợ hãi, thấy lạnh lẽo, thấy những cái nghiến răng trợn mắt chửi bới của lão với tôi như những ngày tôi còn là thằng nhóc. Đến bây giờ, khi tôi đã là chàng trai 22 tuổi, đã đi dạy, vậy mà lão vẫn còn làm khổ mẹ tôi bằng những chuyện ghen tuông vớ vẩn của năm nào... Đứa em út đang học lớp 9 của tôi nằng nặc đòi bỏ học,đứng trước mặt tôi, nó khóc trong nước mắt giải thích lí do: "Ba và mẹ khi mô cũng cãi nhau, Út không có tinh thần học, Út học không vô !". tôi xót xa sững người nhìn nó, chỉ muốn chạy lại ôm nó vào lòng ngăn nước mắt mềm yếu trong tôi trào ra, xoa dịu những tổn thương lòng trong nó. Cái roi trên tay bỗng nặng, nặng khôn tả, tôi như chơi với trong dòng nước lũ mà không có lấy một cành củi mục nào cho tôi bấu víu: Lão không chỉ làm tổn thương mẹ tôi, cướp đi tuổi thơ, cướp đi nụ cười tôi, mà giờ...lão còn phá bỏ việc học của em tôi.
Ngoài cửa sổ phòng tôi, những cây chuối bị gió thổi bật lên những tiếng đau thương, tôi tự hỏi có bao giờ ngọn gió quay lưng nhìn lại để xem trên những lá xanh đang cố gắng gồng mình chống chọi những nỗi đau xé lòng do nó gây ra.
Gia đình mãi là gánh nặng mà tôi không thể bỏ và là nỗi đau mà tôi không thể quên ...