Gửi bài:

Miền ký ức đã cũ

Sau cơn mưa bất chợt chiều nay, Sài Gòn lại tiếp tục guồng quay của nó, xe cộ vẫn đông đúc, từng dòng người lướt qua vội vã trên phố. Tôi – một cô gái mang cung Xử Nữ dường như vẫn chưa thích nghi được với nhịp sống quá nhanh nơi sài thành hoa lệ. Gắn headphone vào tai, chọn một bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng, tôi ngồi nhâm nhi tách trà bên khung cửa sổ. Đây là cái quán quen thuộc nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn mà bao lâu nay tôi thường xuyên ghé qua mỗi khi tâm trạng không tốt hay đơn giản cần một sự yên tĩnh giữa xô bồ ngoài kia, chiều nay khi vừa bước vào quán đã nhận được nụ cười tươi thân quen của chị chủ, không cần tôi gọi chị cũng biết ý đem lên tách trà nóng. Không biết tự bao giờ tôi lại thích sống lặng lẽ như thế... Mở laptop ra, tôi viết vài dòng về...

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Tôi vẫn nhớ mẹ từng bảo tôi sinh ra đúng ngày rằm, trăng sáng lắm, cứ nằm ăn vạ trong bụng mẹ, gần một ngày mới chịu ló đầu ra nhìn mọi người trong gia đình. Bà nội và bố mẹ ai cũng bảo con bé này ngày sau chắc thông minh nhưng bướng phải biết, nhìn cái trán sân bay của tôi đã rõ. Từ khi sinh ra đến năm 5 tuổi tôi sống với 2 người dì bên ngoại và mẹ ở một huyện vùng sâu của miền tây vì nhà nội neo người chăm sóc. Bố làm ở thành phố, những chuyến công tác liên miên đã chiếm gần hết quỹ thời gian của bố, theo như lời mẹ kể thì một hai tháng bố mới về thăm mẹ con tôi, có lần bố đi lâu quá lúc về tôi không nhận ra nên không cho bố ôm, không dám lại gần mà cứ níu chân mẹ. Thế mà chỉ cần bố chìa ra cái kẹo hay cây xúc xích thì tôi lại cười tít mắt, đúng là con nít mà.

mien-ky-uc-da-cu

Trong ký ức của tôi, thời gian sống ở quê ngoại êm ả, thanh bình lắm, vì tôi bé nhất nên các anh chị họ hết lòng yêu thương, con sông trước nhà hay cánh đồng lúa bên cạnh đã ghi lại gần như trọn vẹn tuổi thơ của tôi, mãi sau này khi đến tuổi đi học tôi buộc phải chuyển lên thành phố, bỏ lại sau lưng những kỉ niệm thân thương. Mẹ bảo đôi mắt tôi buồn, là người sống thiên về tình cảm, không biết có phải linh ứng như lời mẹ nói hay không nhưng đúng là tôi thích một cuộc sống lặng lẽ, không phải bon chen. Đấy là lý do cứ hè đến là tôi lại xin phép bố mẹ về quê với 2 dì. Những con người ở quê thật thà, chân chất với những thức quà quê mộc mạc, bình dị, ở đây tình cảm gắn kết mọi người với nhau chứ không phải tính toán bằng vật chất, tiền bạc. Mỗi đợt tôi về khi vừa đặt chân đến đầu làng, tôi thích nhất khung cảnh khói lam chiều bảng lảng bay lên từ khói bếp nhà ai, quyện vào bóng hoàng hôn, nó không u buồn, tịch mịch mà đem lại cảm giác bình yên đến lạ ! Tôi bất chợt thèm bữa cơm quê, thèm được chìm trong khói bếp đến cay xè mắt, thèm được quây quần trong mái nhà xưa. Mùi cơm gạo mới chín thơm phức, mùi cá rô đồng kho, mùi canh rau ngót,... luôn khiến bụng tôi đói cồn cào mỗi đợt ở thành phố về. Với tôi đó là mùi của quê hương, của ký ức tuổi thơ mà chỉ những đứa trẻ từng sống ở nông thôn mới cảm nhận được, mới thấy thú vị biết nhường nào... Để rồi năm lớp 11, tôi được học tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam, từng trang văn nhẹ nhàng, giản dị nhưng có sức lay động đến lạ. Tôi như thấy chính mình trong đó, tâm trạng của người con xa xứ khi về thăm quê hương sao giống nhân vật Thanh đến thế, bồi hồi, mừng rỡ đến hạnh phúc ngập tràn khi gặp lại người thân, tất cả ký ức giống hệt như một cuộn phim quay chậm mà đến đúng thời điểm nó phát ra...

Tôi cũng có một cậu bạn thuở nhỏ ở quê, nói như nhà tôi thì chúng tôi là thanh mai trúc mã, nhà cậu ấy và nhà dì chỉ cách nhau một cánh đồng. Đến khi tôi chuyển lên thành phố sống thì Thịnh – tên cậu bạn tôi vẫn ở lại quê. Hè về là lại được gặp nhau, tôi vẫn nhớ những buổi chiều khi hai đứa tôi lui cui nướng khoai ở góc bếp, có hôm mãi chơi để khoai cháy đen thành than mà vẫn giành nhau ăn. Trong ký ức của tôi, Thịnh khéo tay lắm, con diều mà chúng tôi ra đồng thả hay cái lồng đèn giấy đêm trung thu đều do cậu ấy tự học rồi mày mò làm. Thuở ấy con nít hồn nhiên trong sáng lắm, mỗi khi về tôi lại kể cho Thịnh nghe về những chuyện ở thành phố, chỉ là những chuyện vặt vãnh thôi nhưng nhìn cậu ấy cười tít mắt tôi lại thấy hào hứng. Rồi cái ngày mà tôi nhận được tin định mệnh, Thịnh mất...trong một ngày mưa lũ ở quê tôi, cậu ấy bị nước cuốn trôi trên đường đi học về. Đợt ấy tôi sắp phải thi vào cấp 3 nên không thể về gặp mặt Thịnh lần cuối. Cậu ấy mãi mãi dừng lại ở tuồi 15 với biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở, tôi chỉ nhớ lúc đó mình khóc nhiều lắm, suy sụp hẳn, mẹ bảo con người ai cũng có số, không cưỡng lại được, có một thế giới khác đang tồn tại song song với thế giới chúng ta đang sống, ở nơi đó những người tốt như Thịnh sẽ được sống tốt, và tôi tin mẹ, chỉ cần tôi còn đặt cậu ấy vào một góc ký ức thì cậu ấy sẽ mãi mãi tồn tại. Đấy là biến cố đầu tiên trong cuộc đời khiến tôi có nỗi sợ mơ hồ, khiến tôi suy nghĩ về lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tôi bắt đầu thấy sợ khi nghĩ đến việc những người thân yêu sẽ rời xa tôi theo cách đó. Ấy vậy mà một lần nữa tôi lại phải đối mặt với sự sợ hãi đó...

Khi tôi đang ôn để chuẩn bị cho kì thi Đại học sắp tới thì có tin sét đánh, bố bị lao màng phổi và tràn dịch, thời gian điều trị sẽ rất lâu hoặc tình huống xấu nhất thì tôi sẽ mất bố vĩnh viễn. Mẹ bảo tôi cố gắng học, dù có thế nào mẹ vẫn đủ sức lo cho tôi học hành tới nơi tới chốn, tôi khóc như mưa, tôi không muốn bố rời xa tôi sớm thế, tôi không muốn mất đi thêm một người thân theo cách đó. Nhìn bố nằm trên giường bệnh xanh xao, hơi thở yếu ớt, mẹ thì gầy rộc ngày đêm túc trực, tôi thấy mình sao mà bất lực quá. Tôi nhớ mình từng đọc qua câu chuyện cậu bé chiến đấu với thần Chết để giữ lại sự sống cho mẹ, giờ mà ông ấy ở đây tôi sẽ làm mọi thứ để không cho ông ấy bắt bố tôi đi. Tôi vẽ thật nhiều bức tranh tặng bố, xếp thật nhiều hạc giấy vì tôi tin đủ 1000 con hạc thì ước mơ sẽ thành hiện thực. Tôi cố gắng học thật tốt, đem kết quả học sinh giỏi Quốc gia về để bố được vui lòng, để xoa dịu nỗi đau của bố. Bác sĩ bảo giai đoạn này bố rất cần những lời động viên từ người thân, đó là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất để vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Chưa bao giờ tôi thấy sợ hãi cái chết và sợ hãi sự bất lực của chính bản thân mình đến như thế, tôi thấy mình cố gắng bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ, cảm giác chia lìa nó như bóp nghẹn lấy trái tim tôi, thế giới khác tươi đẹp gì chứ, tôi chỉ biết rằng hiện thực tôi có thể sẽ phải mất bố vĩnh viễn mà thôi. Cứ tưởng mọi thứ sụp đổ trước mắt nhưng không ngờ kì tích 30% mà bác sĩ tuyên bố lại ứng nghiệm, ngày bố khỏi bệnh mà mẹ con tôi vẫn nghĩ đấy là một giấc mơ, một giấc mơ quá đỗi hạnh phúc. Bố đã anh dũng chiến đấu với bệnh tật, phải chăng những con hạc giấy của con xếp đã linh nghiệm rồi phải không bố? Thần chết đã thương tình để bố ở lại bên hai mẹ con con, bố còn phải sống để nhìn thấy đứa con gái bé bỏng duy nhất của bố trưởng thành nữa chứ. Tôi chỉ nhớ mình ôm chặt lấy bố, tôi lại khóc, những giọt nước mắt thi nhau rơi nhưng tôi không còn cảm giác mặn chát nơi đầu lưỡi như lúc biết tin bố bị bệnh nữa... à tôi biết mùi vị này rồi, rõ ràng là mùi vị của hạnh phúc đây mà...

Không lâu sau đó thì tôi thi Đại học, nếu như chúng bạn ai cũng chọn một trường đại học ở Sài Gòn cho gần nhà thì tôi lại đặt bút chọn trường Y Đà Nẵng, tôi muốn đến một thành phố mới với những trải nghiệm mới để thực hiện ước mơ hoài bão của mình, hỏi mấy đứa bạn thân thì chúng nó đều bảo đầu óc tôi có vấn đề, tôi nói với bố mẹ về quyết định của mình, bố không nói gì chỉ bảo tôi suy nghĩ kỹ còn mẹ thì khóc rất nhiều... Sau đêm hôm ấy tôi rút lại quyết định của mình, có lẽ tôi đã quá mạo hiểm, liệu tôi có thể để lại bố mẹ ở quê nhà mà đi học xa như thế không trong khi tôi là chỗ dựa duy nhất của bố mẹ, cuối cùng tôi chọn một trường ở Sài Gòn. Lên Đại học, môi trường mới nên tôi buộc phải thích nghi, gặp gỡ những người bạn mới, có những mối quan hệ mới. Tôi vẫn đều đặn vể thăm nhà, về thăm nội, rồi về ngoại thăm 2 dì, cứ tưởng cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua nhưng biến cố lại lần nữa ập đến. Nội tôi mất sau một thời gian phát bệnh, dẫu biết ở đời sinh lão bệnh tử là điều hiển nhiên, con người không cưỡng cầu được nhưng tôi thấy sợ cái sự chia lìa theo cách này lắm. Tôi không về kịp để nhìn mặt nội lần cuối, tôi bỗng nhớ tới việc năm xưa tôi cũng không kịp nhìn mặt Thịnh, cái cảm giác như có ai thắt tim lại. Ngày nội còn sống, nội vẫn hay bênh vực tôi mỗi lúc bị mẹ rầy la, bố không có ở nhà nên nội giống như vị cứu tinh của tôi. Lớn lên đi học mỗi khi về thăm nội, nội lại hỏi Xuyến có người thương chưa, cố học hành ra trường rồi tìm một người xứng đáng, đạo đức tốt, dẫn về thăm nội nghen...Hồi bé tôi vẫn hay nói với nội "Sau này lớn lên con sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho nội và mọi người trong nhà, nội ráng sống đến lúc đó nghen". Khi nội hấp hối trên giường bệnh, dù đầu óc đôi khi đã không còn minh mẫn nữa nhưng lúc tôi về thăm, nội vẫn nắm tay và nhắc lại những kỉ niệm thời bé. Ấy vậy mà giờ con sắp ra trường thì bệnh nhân đã không còn nữa. Nội thật sự không đợi được rồi...

Thế đấy, thời gian thật khắc nghiệt, nó đem đến nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của tôi không ít, trải qua nhiều chuyện tôi đúc kết thêm được nhiều bài học cho mình, không phải là tôi già đi mà nói đúng hơn là tôi trưởng thành. Ngày trước vẫn hay ước mình mãi là trẻ con hồn nhiên vô tư trong sáng không phải lo nghĩ điều gì, nhưng cuộc sống mà, vẫn phải theo guồng quay của nó, phải học cách làm người lớn, phải đối mặt chứ đâu thể trốn tránh mãi được. Mỗi câu chuyện cuộc đời dù dài hay ngắn đều có ý nghĩa riêng của nó, sống có ích thì mọi khoảnh khắc đều đáng trân trọng. Cuộc đời bạn chắc chắn sẽ có những cuộc đời khác tồn tại song song để khiến nó thi vị hơn. Đừng ép người, đừng ép mình, đừng bận tâm đau lòng mãi vì một chuyện, sống trên đời nên học cách tùy duyên. Tất cả những gì bạn trải qua giống như một thước phim quay chậm, nó được lưu giữ ở một nơi gọi là...miền ký ức đã cũ !

Kim Xuyến L

Ngày đăng: 19/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Best things In Life
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage