Chương 21
Trở lại Hoàng Thế Lãm.
Khi chàng chui vào trong chiếc đầu nhạn mới biết chắc mình vừa thoát khỏi đại họa. Mặc dù bên ngoài đang có cơn chấn động dữ dội, nhưng bên trong lại tĩnh lặng như tờ.
Hai viên ngọc Dạ minh châu đính trên vách phát sáng tạo thành một không gian huyền diệu.
Mặc dù đã được bình yên rồi, nhưng tâm trí Thế Lãm vẫn không ngừng xáo trộn, chàng luôn tự hỏi thầm tại sao lão Hắc Lâu giáo chủ lại đoán chắc mình sắp chết. Cùng với ý niệm đó, Thế Lãm cảm nhận xương cốt mình bứt rứt vô cùng. Chàng ngồi kiết đà ngay trên mặt đá, vận công điều tức đến lúc đó mới phát hiện sự rã rời ở các khớp xương.
Chàng lẩm nhẩm nói :
- Chết rồi, mình vô tình bị lão Hắc Lâu giáo chủ đoạn cốt.
Thế Lãm bặm môi, tự gõ vào đầu mình :
- Ái chà, mình đã từng nhận là nam nhân thông minh nhất trong thiên hạ, thế mà lại bị lão quái hại dễ dàng như vậy được.
Thở dài một tiếng, Thế Lãm nhìn quanh bên trong tòa Nhạn lâu này trống hoác, chỉ mỗi hai viên Dạ minh châu và một ngọn bạch lạp thì nó chẳng khác nào gian thạch lao kín như bưng, không một lối ra.
Chàng nhìn lên lỗ tò vò chàng vừa chui vào, bây giờ đã bị đá phủ kín rồi. Chắc chắn chàng không thể nào thoát ra bằng con đường đó được. Nghĩ như vậy Thế Lãm càng não nề hơn.
Chàng lắc đầu than thầm :
- Mình không chết bởi đá đè, cũng tán mạng trong gian Thạch lao này. Thà bị đá đè chết còn hơn ngồi đây chờ cái chết đến từ từ.
Suy nghĩ mãi vẫn không tìm được lối ra, Thế Lãm đâm ra chán nản vô ngần. Chàng nhìn lên cây bạch lạp nghĩ thầm :
- "Đằng nào cũng chết, thôi thì chuẩn bị trước chỗ yên nghỉ, để vong linh còn có nơi nương tựa".
Nghĩ như vậy, Thế Lãm liền tiến thẳng đến bên ngọn bạch lạp.
- Dùng ngọn bạch lạp này để đưa tiễn vong linh mình xuống âm ty.
Chàng thò tay gỡ cây bạch lạp. Đến lúc này Thế Lãm mới phát hiện, cây bạch lạp không phải là cây bạch lạp bình thường, mà đó là một ngọn đèn bằng kim loại được chế tác, hình thức bên ngoài chẳng khác gì những cây sáp thật.
Chàng trố mắt quan sát cây đèn đó, thấy hàng chữ thảo khắc thật tinh xảo như rồng bay phụng múa :
- Pháp tướng nhiếp chính Hiền Công chi mộ.
Dưới chân đèn còn hàng chữ nửa mờ nửa tỏ, bắt buộc Thế Lãm phải dí mặt sát vào mới đọc được.
- Vô Ảnh đăng.
Thế Lãm sững sờ :
- Sao cây đèn lại có tên Vô Ảnh đăng.
Thuận tay Thế Lãm gỡ cây đèn, nhưng không làm sao có thể nhấc cây đèn lên được.
Chàng cau mày, tỏ ra thắc mắc vô cùng, nghĩ thầm ngọn Vô Ảnh đăng nhỏ bé này mà mình không gỡ nổi, chẳng lẽ thuật đoạn cốt của lão quái kia linh nghiệm nhanh như vậy sao, giờ thì mình đã trở thành vô dụng rồi chăng?
Chàng lắc đầu không tin vào ý niệm đó.
Thế Lãm chú ý quan sát ngọn đèn. Vô tình chàng xoay ngọn đèn.
Cả tòa nhạn lâu chuyển động xoay theo ngọn đèn đó. Thế Lãm giật mình buông ngọn đèn ra. Chàng nhìn ngọn đèn chằm chằm, ngọn đèn này có thể xoay chuyển cả tòa Nhạn môn, thật là không thể tưởng tượng được.
Thế Lãm nhìn sững ngọn đèn mà nghĩ phải có điều gì đó xảy ra với ngọn đèn này chứ.
Đằng nào mình cũng chết, thử xem điều bí mật đó là gì.
Thế Lãm quyết định xong liền xoay ngọn đèn đúng một vòng. Và tòa Nhạn lâu cũng xoay đúng một vòng, hai viên dạ minh châu bị biến mất, đồng thời tim đèn bật sáng.
Hiện tượng kỳ lạ khiến Thế Lãm càng thích thú tò mò hơn.
Bây giờ thì chàng mới hiểu, thì ra tim đèn là một viên ngọc bích, trong bóng tối dầy đặc, ánh sáng của nó mới phát ra. Hoàng Thế Lãm đang nhìn cây đèn huyền diệu đó thì da thịt bỗng lạnh bởi một luồng gió mát thổi táp vào lưng chàng.
Thế Lãm quay ngoắt lại.
Chàng mở tròn hai con ngươi bởi nhận ra một cửa hang xuất hiện từ lúc nào không biết.
Chàng lần bước đến bên cửa hang đó mà thầm đoán :
- Có lẽ trong hang động này là chốn viên tịch của Pháp tướng nhiếp chính Hiền Công.
Dù Thế Lãm có vận nhãn lực cố nhìn vẫn không làm sao có thể nhìn thấu qua bóng tối trong hang.
Chàng quay trở lại, lưỡng lự một lúc mới gỡ cây đèn. Lạ lùng vô cùng, lần này chàng lấy ngọn đèn chẳng một chút khó khăn.
Nhờ ánh sáng từ Vô Ảnh đăng, Thế Lãm mới có thể thấy được cảnh vật bên trong hang động đó. Ngay giữa gian thạch thất là chiếc bồ đoàn bằng vàng ròng, với khối vàng này thì bất cứ một đại phú nào cũng không thể sánh bằng.
Ngoài bồ đoàn bằng vàng, bên tả là một cây vạn niên sâm, đặt trên một chiếc đĩa ngọc bên hữu là bộ Kim tỵ giáp treo trên giá.
Chàng thả bước lại thấy một bức da dê đặt sẵn ngay giữa bồ đoàn. Thế Lãm không một chút chần chừ, lấy bức da dê mở ra xem.
"Pháp tướng nhiếp chính di bút.
Bổn tướng có công tạo dựng ra nghiệp đế, nhưng xem thời vận qua âm dương ngũ hành, biết được vận mệnh của họ Lưu sẽ hết, khi ngũ hành chuyển hóa. Nghĩ đến công đức của tiên đế, bổn pháp tướng không nỡ để họ Lưu tuyệt dòng, mặc dù không thể đảo ngược được ngũ hành âm dương vì đời người như bóng câu qua cửa sổ, ý nhân không kháng được mệnh trời. Bổn pháp tướng đã dụng hết tâm cơ tạo ra lăng tẩm này để di truyền các sở học võ công cũng như thuật tướng và kiến văn cho mọi người hữu duyên đặng vì chữ trung mà cứu lấy con cháu họ Lưu.
Pháp tướng nhiếp chính di bút."
Thế Lãm lật qua mặt sau tấm da dê, phía sau chỉ vẽ ngọn Vô Ảnh đăng sắc nét như thật chứ không có di ngôn gì để lại.
Chàng thở dài một tiếng :
- Mình cũng chẳng tìm được lối thoát ra. Giờ thì có học võ công của pháp tướng nhiếp chính cũng chết chôn thây trong lăng tẩm này mà thôi. Pháp tướng nhiếp chính có thể dự đoán được vận mạng tiên đế, nhưng sao không đoán được cái ngày cả tòa lăng tẩm bị chôn vùi trong bí động Nhạn môn.
Chàng chán nản ngồi bệt xuống thềm đá lạnh ngắt, bâng quơ nhìn lên vách đá, những bức hình vẽ vô cùng sinh động đập vào hai con ngươi của Thế Lãm.
- Chắc đây là những bí truyền võ công của Pháp tướng nhiếp chính.
Bức hình đầu tiên Thế Lãm cảm nhận đó là cách vận động điều tức để phát triển "Thiên Cầu Vũ Nộ", bức hình thứ hai chính là Kim ảnh thủ. Lần lượt là những bức hình có những tư thế vô cùng kỳ dị mà từ trước đến nay chẳng có môn võ công nào mà chàng đã được nhìn thấy trong giang hồ.
Thế Lãm càng nhìn càng bị cuốn vào những bức hình sinh động đó. Không biết từ những bức hình kia có sức cuốn hút như thế nào mà dần hồi Thế Lãm theo sự vô thức mà nhập tâm luyện tập.
Lúc thì chàng chổng ngược hai chân, khi thì co lại, cứ mỗi lần chuyển thế để vận hóa khí lưu thì xương cốt của Thế Lãm lại phát ra những tiếng căng cắc, đau buốt đến tận óc.
Đan điền sôi sùng sục, mồ hôi tuôn đẫm toàn thân.
Chính cái đau buốt đó khiến chàng sực nghĩ đến lão quái, Vương Mãng và Hằng Ni, khí uất bốc cao, cùng với ý niệm, ít ra mình cũng phải đòi lại những gì mà người ta đã ban tặng cho mình.
Thuận tay Thế Lãm với luôn củ Vạn niên sâm. Vừa với củ sâm đưa lên mũi, chàng đã cảm nhận cái đói cồn cào không sao cưỡng lại ý muốn phải ăn củ sâm này.
Nghĩ là làm, Thế Lãm cho luôn củ sâm vào miệng nhai ngon lành. Ăn xong củ sâm, chàng cảm nhận cơ thể mình mát dịu với thần thái sáng suốt vô ngần.
Thế Lãm buột miệng nói :
- Kỳ tuyệt... kỳ tuyệt...
Chàng nằm duỗi dài ra sàn đá, chẳng bao lâu đã chìm vào giấc ngủ thật sâu. Đến lúc bừng tỉnh lại, Thế Lãm nhận thấy cơ thể đã đổi khác hoàn toàn.
Chàng bất giác hứng khởi, nhìn trở lại vách đá, và nhanh chóng thẩm thấu những hình vẽ mà mới đây không làm sao hội thẩm được.
Thế Lãm liền theo những bức vẽ ấy luyện tập, bây giờ thì những cái đau xé óc từ các khớp xương như biến đâu mất, mà thay vào đó là sự lưu chuyển khí lực thông suốt đến độ toàn thân chàng đã trở nên hư vô.
Thế Lãm bị những hình vẽ cuốn hút, luyện tập không còn nghĩ đến thời gian lẫn không gian. Chàng say mê đến độ như nhập hẳn vào những võ công bí truyền mà Pháp tướng nhiếp chính đã để lại.
Và một điều vô cùng huyền diệu, suốt thời gian chàng luyện công cũng chẳng hề thấy đói. Hình như củ Vạn niên sâm đã khiến cho cơ thể chàng không còn lệ thuộc vào sự đói khát vốn rất bình thường đối với con người.
Cho đến một hôm, Thế Lãm giật mình khi tay chạm vào cằm. Râu chàng đã dài ra từ lúc nào không biết.
- Mình đã già rồi sao?
Cùng với ý nghĩ ấy, Thế Lãm bất giác bặm môi vận "Thiên Cầu Vũ Nộ". Quả cầu tụ khí giờ đây không còn sắc huyết quang mà thay vào đó là quả cầu khí phát sáng xanh lè ngỡ như con mèo khổng lồ.
Đồng thời toàn thân chàng như bị phủ một lớp sương trắng chỉ thấy bóng mà không thấy hình.
- Mình đã tụ thành võ công của Pháp tướng nhiếp chính Hiền Công rồi. Thế Lãm ơi, mi phải thoát ra khỏi chốn lăng tẩm này thôi. Nếu ngươi không ra được thì phụ lòng người.
Thế Lãm cầm Vô Ảnh đăng bước ra phòng ngoài.
Chàng ngồi thất thần nhìn ngọn Vô Ảnh đăng :
- Mình làm cách gì để ra khỏi đây bây giờ? Thế Lãm mi phải sống mà rời Lăng tẩm, đó là di lịnh mà Pháp tướng nhiếp chính gởi gắm vào ngươi.
Thế Lãm ngồi thừ nhìn ngọn Vô Ảnh đăng, chính trong khoảnh khắc trầm tư chàng sực nhớ đến ngọn gió lạnh hôm nào thổi vào lưng mình.
Thế Lãm cau mày :
- Trong thạch lao này gió không thể lọt vào được, nhưng nếu có gió tất phải có mật đạo để ra ngoài.
Thế Lãm bất giác định nhãn về phía vách đá. Chàng cầm ngọn Vô Ảnh đăng đến quan sát vách đá với hy vọng có mật đạo thoát ra.
Dưới ánh sáng của ngọn Vô Ảnh đăng, chàng phát hiện ra một cái lỗ thông hơi vừa đủ đặt một bàn tay. Dí sát ngọn Vô Ảnh đăng vào cái lỗ ấy, chàng nhìn qua vách đá mới phát hiện bên kia có một gian phòng nữa.
Thế Lãm nghĩ thầm :
- "Mình qua bên đó xem có lối ra không".
Cùng với ý nghĩ đó, Thế Lãm vận chuyển "Thiên Cầu Vũ Nộ" áp tay luôn vào vách đá.
Cả vách đá bị khí cầu làm cho rạn nứt, rồi nhanh chóng đổ xuống.
Thế Lãm đã đoán không lầm, thì ra gian phòng đó là một cái hàm ếch, được nối liền lên phía trên bởi một cái hang vô số tổ nhạn.
Nhìn lại vách đá, đến lúc này chàng mới biết nội lực của mình tăng tiến không thể ngờ được, nếu như trước đây, thì dù chàng có dùng bảo đao, bảo kiếm cũng không thể phá được vách đá kiên cố này, thế mà bây giờ chỉ sử dụng có tám thành công lực, "Thiên Cầu Vũ Nộ" đã phá vỡ vách đá dễ dàng.
Phấn khích vô cùng, Thế Lãm bật lên tiếng hú lồng lộng. Tiếng hú của chàng khiến lũ nhạn đang an giấc thoắt bừng tỉnh xao xác, rồi đua nhau bay vụt lên không trung.
Thế Lãm lẩm nhẩm :
- Cuối cùng, ta cũng đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
Chàng hú lên một lần nữa, vận hóa nguyên ngươn vào bộ cước, dẫm mạnh một cái, thân ảnh như chiếc pháp thăng thiên bám ngay sau lũ nhạn.
Ngay cả lũ nhạn là loài chim trời vẫn không thể bay nhanh hơn Thế Lãm. Chỉ thoáng cái trong một chớp mắt, chàng đã lướt qua lũ nhạn và thoát ra khỏi cửa hang.
Thế Lãm giũ hai ống tay áo đã rách tươm, đổ bộ đúng một vòng từ từ hạ thân xuống một mỏm đá.
Chàng không biết thời gian mình ở trong Lăng tẩm bao nhiêu lâu, nhưng ra đến bên ngoài thì tiết trời đã lập đông. Mặc dù có những luồng gió biển ấm áp, nhưng tuyết vẫn đọng lốm đốm trên mặt đá rêu phong.
Thế Lãm nhìn lên bầu trời đầy sao, lẩm nhẩm nói :
- Đời người quả như bóng câu qua cửa sổ, chỉ có Vô Ảnh đăng mới tồn tại cùng tuế nguyệt mà thôi.
- Chương 1
- Chương 4
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50 - Kết thúc