Chương 37 - Thiên hạ trông vào
Thiết Nhiêm đạo trưởng cười nhẹ:
- Tỏ lộ công phu của mình, là điều con nhà võ tối kỵ nhất. Nhưng, trong trường hợp nầy quần hùng mong ước thấy được cái hay của ngươi, vậy ngươi cũng nên tạm bỏ một tiểu tiết đó, để cho mọi người hài lòng một chút!
Phương Bửu Ngọc lại cười khổ:
- Nhưng... đệ tử... làm sao...
Như Ý lão nhân tiếp lời:
- Phải đó. Một người thì làm sao biểu lộ vũ công được? Cần phải có một đối tượng, chứ nếu không thì chẳng lẽ ngươi đứng ra giữa trời một mình múa may quay cuồng như gã điên sao? Hà huống theo chỗ lão phu hiểu, thì vũ công của ngươi chuyên về ý chứ không chuyên về hình thức. Phàm một người lấy cái ý mà biểu diễn, thì người xem làm sao thấu triệt được cái huyền diệu bên trong? Cái huyền diệu đó có thể biểu lộ qua một phản ứng, khi không có đối tượng tương trì, thì làm sao có phản ứng mà biểu lộ cái huyền diệu.
Quần hùng thấy các vị chưởng môn nghị luận như vậy, đều cầm chắc là thế nào Phương Bửu Ngọc cũng thi triển tài năng cho tất cả xem qua họ cùng dịu bớt tiếng hoan hô, và chờ đợi.
Thiết Nhiêm đạo trưởng nhìn quanh một lượt, vụt cười lớn:
- Nếu vậy, bần đạo xin đóng vai đối tượng cho ngươi, ngươi nghĩ thế nào!
Phương Bửu Ngọc chưa biết phải đáp làm sao với đạo trưởng, bên dưới đài quần hùng lại hoan hô vang dội, ca ngợi sự khẳng khái của lão đạo, dù phí tinh thần vượt ngàn dặm dài đến đâu, dù tuổi đã cao, vẫn sẵn sàng làm một cái gì để gây hào hứng cho đại hội.
Phương Bửu Ngọc lại cúi mình lạy, tỏ vẻ áy náy:
- Đệ tử dù có lá gan to bằng quả núi nầy, cũng chẳng dám giao thủ cùng đạo trưởng!
Thiết Nhiêm đạo trưởng cười vang:
- Có sao? Có sao? Phàm trong cõi học, không có tôn ti, mà chỉ có sự thông minh, sự thành đạt. Tài cao được trọng vọng tài thấp cần học hỏi thêm, muốn trao dồi cái học mà còn câu nệ giai cấp, thì học làm sao được? Hà huống ngươi là truyền nhân duy nhất của vị sư huynh của Tử Y Hầu, nếu luận theo cấp bậc môn quy trong vũ lâm, thì ngươi không thấp kém hơn bần đạo đâu!
Phương Bửu Ngọc chẳng biết làm sao từ khước một cuộc giao đấu mà chàng cho là phi phận, chỉ ấp úng:
- Đệ tử không dám vô lễ!
Trên đài, chàng cứ thoái thoác mãi, dưới đài quần hùng hoan hô cổ võ mãi.
Chàng lo sợ vô cùng, lo sợ đến đổ tháo mồ hôi hạt.
Tiểu công chúa đảo ánh thu ba, vụt cười khan:
- Thiết Nhiêm đạo trưởng! Bửu Ngọc sợ rằng qua cuộc giao thủ này, đạo trưởng sẽ tiêu tan thinh danh tạo tựu từ lâu, do đó hắn nhất định không chấp nhận cùng đạo trưởng so tài. Tôi nghĩ đạo trưởng nên... bỏ qua cái ý đó là hơn!
Nàng cố ý rót thêm dầu vào một ngọn lửa, nàng biết con người của Thiết Nhiêm đạo trưởng được cấu tạo bằng những chất nhạy lửa, mà lửa đã nhen nhúm rồi, rót thêm dầu là bốc cao ngọn ngay.
Cái tánh nóng của con người, ở nơi ai khác thì càng già càng nguội, nhưng ở Thiết Nhiêm đạo trưởng, thì trái ngược hẳn chẳng khác nào gừng càng già càng cay, đạo trưởng càng cao niên kỷ càng nặng cang cường.
Chỉ cần nói khéo một lời là đạo trưởng sẽ bị khích động ngay và khi bị khích động rồi đạo trưởng phải bắt buộc Phương Bửu Ngọc chấp nhận cuộc giao đấu.
Có cuộc giao đấu? Điều đó có lợi gì cho tiểu công chúa?
Cái lợi hiện tiền, hiển nhiên là không có, nhưng ai biết đâu về sau bao nhiêu nước chảy qua cầu?
Nếu đạo trưởng bại?
Một con người nặng cang cường, chuốc bại trước mặt quần hùng tự nhiên tự ái bị chạm mạnh, và khi tự ái bị chạm rồi, trong trăm người, hơn chín mươi phải mất bình tỉnh, mất tự chủ.
Dù muốn dù không, cái mầm hiềm khích đã gieo. cái mầm hiềm khích đó có lớn, có mạnh theo năm tháng, điều đó chưa cần biết đến, chỉ biết có hiềm khích là đủ.
Thiết Nhiêm đạo trưởng nhướng cao đôi mày, bật cười ha hả:
- Phương Bửu Ngọc! Có đúng là ngươi sợ bần đạo bại nơi ngươi chăng? Bại là sao? Thắng là sao? Thắng bại trên trường đời, trong những cuộc tranh chấp thực sự, cũng chẳng có nghĨa gì, thì trong một cuộc ấn chứng vũ công cầm như thân hữu này, thắng bại có nghĩa gì đâu mà ngươi lo ngại? Với cái tuổi của bần đạo, với thân phận nầy chẳng lẻ bần đạo cố lấy làm điều khi thất thế chăng?
Lão cao giọng gọi:
- Vào đi, Phương Bửu Ngọc! Cứ tự nhiên!
Lão phất ống tay áo, ống tay áo tự động vo tròn để lộ đôi cánh tay.
Như vậy lão sẵn sàng nghinh đấu.
Hơn nữa, một bàn tay nhích động, bàn tay đó hướng về đốc kiếm đeo lủng lẳng một bên hông.
Nhưng, Vô Tướng đại sư nắm bàn tay đó, giữ lại.
Thiết Nhiêm đạo trưởng cau mày:
- Đại sư...
Vô Tướng đại sư mỉm cười chận lại:
- Đạo huynh có hào khí ngang mây, đáng ngợi lắm. Song luận tình, luận lý, bần tăng thấy Phương thí chủ chẳng thể nào chấp nhận một cuộc giao thủ như vậy được, bần tăng nghĩ...
Đại sư có phương pháp gì hóa giải tình hình?
Từ lâu đứng cúi đầu bên cạnh các vị chưởng môn, Công Tôn Bất Trí đột nhiên quỳ xuống, cung kính thốt:
- Đệ tử có ý kiến như thế nầy, mong đại sư cho phép trình bày!
Vô Tướng đại sư cười nhẹ:
- Cái tên là Bất Trí, song con người lại cao trí!
Thiết Nhiêm đạo trưởng hừ một tiếng:
- Hắn thì biết gì, lại dám nhiều lời?
Công Tôn Bất Trí vẫn còn quỳ tại đó, nhưng không dám nói chi nữa.
Vô Tướng đại sư khoát tay về Thiết Nhiêm đạo trưởng:
- Hãy để cho Công Tôn thí chủ nói!
Công Tôn Bất Trí ấp úng:
- Đệ tử... đệ tử...
Thiết Nhiêm đạo trưởng lại hừ một tiếng:
- Vô Tướng sư bá bảo ngươi nói, thì ngươi cứ nói, tại sao cứ ấp úng mãi thế?
Công Tôn Bất Trí nhẹ thở phào thốt:
- Theo ngu kiến của đệ tử, thì sư phụ và năm vị sư bá lập thành một kiếm trận, vây Phương Bửu Ngọc tại trung ương, thử xem hắn có phá được mà thoát ra chăng.
Như Ý lão nhân vỗ tay:
- Hay! Ý kiến đó hay lắm! Chỉ có cách đó là diệu nhất! Phương thiếu hiệp không cần phải giao thủ duy nhất với người nào mà cũng biểu lộ được tài năng của mình. Ngoài ra, song phương không bị tổn thương.
Lão nhân gọi lớn:
- Thiết Nhiêm đạo huynh! Hãy chấp nhận như vậy đi!
Thiết Nhiêm đạo trưởng cười vang:
- Như Ý lão huynh dạy như thế, đương nhiên bần đạo phải vâng!
Đạo trưởng day qua Phương Bửu Ngọc:
- Bửu Ngọc, ngươi...
Phương Bửu Ngọc đáp gấp:
- Đệ tử tuân mạng!
Bất cứ làm việc gì, chàng không từ chối, miễn đừng giao thủ với Thiết Nhiêm đạo trưởng thôi!
oo Bảy vị chưởng môn hiệp lại, lập thành kiếm trận, đương nhiên thì trận đó phải cực kỳ lợi hại, sáu thanh kiếm đưa ra như một là tượng trưng cho nền vũ học Trung Hoa, sáu thanh là tất cả tinh hoa vũ thuật Trung Hoa hợp lại.
Bởi theo đề nghị của Công Tôn Bất Trí, thì chỉ có sáu vị thủ trận thôi.
Sáu vị hiệp lại thì lực lượng đó vững hơn chính hòn Thái Sơn hiện họ đang dẫm chân lên.
Đừng nói người bị vây vào giữa, cho đến con muỗi cũng chưa chắc lọt khỏi màn lưới kiếm của họ.
Sáu thanh kiếm cùng vung lên, lập tức tường đồng vách sắt hiện ra nhốt kín Phương Bửu Ngọc.
Cho nên, khi nghe các vị chưởng môn định lập kiếm trận để thử tài Phương Bửu Ngọc, thì ai cũng lắc đầu thè lưỡi, ngán sợ liền.
Nhưng rồi họ thích thú được xem một cuộc biểu diển vũ công vô tiền khoáng hậu, họ cùng reo hò vang dội.
Đêm đã tàn.
Bình minh lên, vầng đông đã bắn những tia nắng sớm xuống trần gian, chiếu diệu cục trường, lòng người đang độ phấn khởi, lại gặp lúc cảnh trú khởi sắc, tất cả đều cao hứng phi thường.
Những tia nắng sớm dừng lại nơi sáu thanh kiếm, ánh kiếm phản chiếu, tuy người thủ kiếm không lay động bàn tay, thép kiếm vẫn chớp lung linh như sao nhấp nháy, trông vừa đẹp mắt vừa rờn rợn.
Phương Bửu Ngọc chưa nhích động.
Thanh trường kiếm trong tay cũng chưa lay động.
Chàng hạ nửa mí mắt, ngưng thần tìm phương pháp thoát ly kiếm trận.
Sáu vị chưởng môn cũng hạ nửa mí mắt, tựa hồ không nhìn chàng, không lưu ý xem chàng cử động như thế nào.
Nhưng, giả như Phương Bửu Ngọc chỉ nhích khẽ một ngón tay thì sáu vị phát giác ra liền.
Do đó, Phương Bửu Ngọc chưa dám máy động ngón tay.
Chàng chưa máy động ngón tay vì chàng chưa định xuất thủ, chàng nhận ra chưa đúng lúc xuất thủ.
Bên dưới đài, khắp bốn phía quần hùng nín thở, bao nhiêu ánh mắt đều đổ dồn về chàng, cố theo dõi từ cử động nhỏ của chàng, họ sợ bỏ mất một cử động nhỏ là cầm như bỏ mất trọn một chiêu thức kỳ diệu.
Không ai lưu ý đến Tiểu công chúa, chỉ có mỗi một mình Ngưu Thiết Oa, nhìn nàng không chớp mắt.
Tiểu công chúa cười mỉa:
- Con trâu mộng nhìn gì mà nhìn chăm chú thế?
Ngưu Thiết Oa cười hì hì không đáp.
Tiểu công chúa hừ một tiếng:
- Một nam nhân nhìn đăm đăm một nữ nhân như thế, thử hỏi có khiếm nhã không?
Ngưu Thiết Oa vẫn cười hì hì không đáp.
Tiểu công chúa lại hừ một tiếng:
- Ngươi thấy ta đẹp lộng lẫy, nên nhìn đến ngây người phải không?
Bây giờ, Ngưu Thiết Oa mới mở miệng. Trước khi thốt, gã cười hì hì như trước, rồi mới cất tiếng:
- Cô nương đẹp lộng lẫy à? Tôi chẳng thấy cái gì đáng gọi là lộng lẫy cả.
Tiểu công chúa lại hừ một tiếng nữa:
- Nếu không thấy cái gì đẹp thì ngươi nhìn làm gì.
Ngưu Thiết Oa vẫn cười hì hì:
- Bởi không thấy cái gì cả, nên cứ nhìn xem có cái gì không!
Tiểu công chúa đưa ánh mắt quét từ đầu đến chân Ngưu Thiết Oa, vụt bật cười khan:
- Lại đây! Thật ta không tưởng nổi? Ngưu Thiết Oa nhìn ta trân trối đây, lại mà xem, không lẽ ngươi không nổi ghen à!
Nàng gọi ai?
Gọi Phương Bửu Ngọc?
Ngưu Thiết Oa cũng cười hì hì như củ:
- Bất cứ ai đến đây, ai nổi ghen hay không nổi ghen, tôi cũng chẳng quay đầu nơi khác đâu cô nương! Tôi đại diện cho đại ca tôi, đại diện với trách nhiệm nhìn cô nương, giả như cô nương muốn thoát đi, chắc chắn là cô nương không đi thoát đâu!
Tiểu công chúa vừa tức vừa giận, cắn môi sững sờ một lúc, lại bật cười khan:
- Ta có biết một địa phương, nơi đó có bán rất nhiều thịt trâu, nơi đó sánh với núi, thì cao hơn núi, nếu ngươi muốn đến đó, ta sẽ đưa đi, ta sẽ bảo đảm cho ngươi thịt một bữa no nê!
Ngưu Thiết Oa cũng cười hì hì:
- Thịt trâu à? Tôi không ham đâu cô nương!
Tiểu công chúa mỉm cười tiếp:
- Thịt trâu nơi đó ăn ngon hơn bất cứ nơi nào khác, ngươi ăn rồi là phải mê ngay. Ngươi chưa ăn ngửi mùi cũng thấy mê rồi.
Ngưu Thiết Oa chớp mắt:
- Thật à?
Thấy gã bắt đầu chịu mồi rồi, Tiểu công chúa mừng thầm, nàng không mong muốn chi hơn là gã chớp mắt, gã chớp mắt là tâm dao động, như vậy là nàng có hy vọng lung lạc gã.
Nàng tiếp:
- Tự nhiên là thật! Nếu ngươi không tin, cứ đi theo ta đến đó thì biết. Biết được rồi là phải ăn! Nhất định phải ăn!
Ngưu Thiết Oa lại cười hì hì:
- Thật à?
Tiểu công chúa mầng rỡ:
- Vậy thì... chúng ta... lẻn đi ngay!
Ngưu Thiết Oa vẫn cười hì hì:
- Đi thì đi, song chờ đại ca xong việc rồi, mình cùng đi với nhau.
Tiểu công chúa sửng sờ, một lúc lại dậm chân mắng:
- Đồ trâu chết! Đúng là một con trâu chết còn nhúc nhích.
Nàng gian hoạt như hồ ly, song gặp Ngưu Thiết Oa thì có bao nhiêu cơ trí cũng bằng thừa, bởi lời khen ý khéo không cảm động nổi một tảng đá.
Nàng nhận ra, mọi người đều chú ý đến cuộc đấu nên định thừa cơ hội đó lẻn đi.
Nhưng lại bị Ngưu Thiết Oa chiếu cố nàng quá, thành ra ý định đó khó thực hiện được.
Nàng lại đảo mắt nhìn quanh lượt nữa, không thấy ai chú ý đến câu chuyện giữa nàng và Ngưu Thiết Oa, rồi nàng nhìn Phương Bửu Ngọc, thấy chàng vẫn bất động như cũ.
Nơi một góc, Phan Tế Thành và Vạn Tử Lương đứng ngang nhau, Phan Tế Thành cười nhẹ, thấp giọng thốt:
- Công Tôn Bất Trí quả nhiên Đại trí, cái chủ ý của y hay lạ lùng.
Rỏ ràng là y tiếp trợ Phương Bửu Ngọc, nhưng thực sự thì y dồn Bửu Ngọc vào cái thế không thể không bại!
Vạn Tử Lương cau mày:
- Làm sao thấy?
Phan Tế Thành giải thích:
- Luận về vũ công, một vị chưởng môn không địch nổi Phương Bửu Ngọc nhưng sáu vị hiệp nhau thành kiếm trận, thì đừng nói là Phương Bửu Ngọc, dù cho Tử Y Hầu hay Châu lão tiền bối cũng chẳng thể phá vở!
Vạn Tử Lương mỉm cười:
- Vị tất như lập luận của các hạ!
Phan Tế Thành trầm ngâm một chút:
- Cũng có thể là Tử Y Hầu hoặc Châu lão tiền bối, nếu họ không cố kỵ, cứ đánh ngã một người nào đó rồi thoát ra khỏi trận. Nhưng nếu là trường hợp của Phương Bửu Ngọc, thì sự tình lại khác hẳn, bởi Phương Bửu Ngọc làm sao dám xúc phạm đến các vị chưởng môn? Do đó hắn không thể hạ độc thủ xung phá kiếm trận. Mà không hạ độc thủ thì hắn mong gì ra khỏi?
Vạn Tử Lương thở dài:
- Đúng như vậy!
Phan Tế Thành tiếp:
- Trông Phương Bửu Ngọc hiện giờ, tất Vạn đại hiệp cũng thấy là Phương Bửu Ngọc chỉ cầu bại thôi, hắn nuôi dưỡng cái tâm cầu bại song hắn do dự bởi thinh danh của hắn được vãn hồi, hắn không thể để bị tổn thương!
Vạn Tử Lương cười khổ:
- Ở trong hoàn cảnh đó, tại hạ cũng không làm khác hơn!
Phương Bửu Ngọc đứng lặng tại chỗ như tượng gổ, một đấu thủ trong tư thế đó, hiển nhiên không có ý cầu thắng rồi!
Thái dương từ từ lên cao, nhiệt độ từ từ gia tăng.
Quần hùng đứng quanh đài trường tựa hồ nóng nảy, bắt đầu cảm thấy bực bội.
Tại một nơi, Thiên Đao Mai Khiêm và Tưởng Tiếu Dân đúng chung với nhau. Bỗng Tưởng Tiếu Dân thốt:
- Phương thiếu hiệp giữ tư thế đó, có phải là lấy định lực để cầu thắng? Y chờ đợi lúc sáu vị chưởng môn xao lãng tâm thần là xung phá trận thoát ra?
Mai Khiêm lắc đầu mỉm cười:
- Các vị chưởng môn có người nào không dày công tu vi hằng mấy mươi năm dài? Dù vũ công không bằng Phương Bửu Ngọc vì kém thiên tư như y, nhưng về định lực, thì chắc chắn là các vị không thể kém y đâu!
Tưởng Tiếu Dân nhìn các vị chưởng môn, thấy vị nào cũng lộ thần khí an tường, đến người bồn chồn hơn hết như Thiết Nhiêm đạo trưởng cũng trấn định như núi.
Chẳng những Phương Bửu Ngọc bất động, mà đến cái ý cử động cũng không.
Có lẽ chàng nhất định trồng người tại chỗ vĩnh viễn, không chịu làm một động tác nào trong khoảng thời gian ngắn.
Tưởng Tiếu Dân cau mày:
- Chẳng lẽ Phương thiếu hiệp không có cái tâm thủ thắng? Y đợi thời hạn dứt, rồi thừa nhận bại hay sao? Có lý nào...
Mai Khiêm chận lời:
- Phương Bửu Ngọc không hề nhận bại!
Tưởng Tiếu Dân lấy làm lạ:
- Cát hạ dám khẳng định như vậy?
Mai Khiêm đáp:
- Cuộc chiến nầy có cái ý nghĩ đặc biệt, bởi phá được trận mà ra là Phương Bửu Ngọc làm tổn thương thinh danh của sáu vị chưởng môn, còn như không phá được trận thì thinh danh của y cũng bị lu mờ.
Phương Bửu Ngọc là người thông minh, lẽ nào y không hiểu điều đó?
Tưởng Tiếu Dân trầm ngâm một lúc:
- Có lý thì như vậy, nhưng hiện giờ Phương thiếu hiệp không có một cơ hội nhỏ để thủ thắng. Có lẽ y biết như vậy nên chưa dám vọng động!
Mai Khiêm thở dài:
- Tại hạ cũng như huynh đài, nhưng dù sao thì phải thành thật mà nói, tại hạ không hiểu nổi tâm ý của y, bởi vô luận làm sao y muốn thoát ra khỏi trận tất phải có một động tác gì trong phút giây nầy. Y có động tác đối phương mới có phản ứng, rồi nhân cái phản ứng đó tìm sơ hở của đối phương. Nếu y cứ đứng ỳ một chỗ, thì làm sao? Làm sao chứ?
Tại một nơi, Nhất Mộc đại sư và Đinh lão phu nhân đứng chung nhau, họ cũng nghị luận với nhau như Vạn Tử Lương và Phan Tế Thành, như Tưởng Tiếu Dân và Mai Khiêm.
Đinh lão phu nhân hỏi:
- Đại sư có nhận thấy Phương Bửu Ngọc kỳ quái chăng?
Nhất Mộc đại sư gật đầu:
- Có chứ! Hắn có thái độ đó chỉ có một cách giải thích thôi là hắn có chủ trương. Bất động là nghiên cứu chủ trương đó và một khi hắn cử động, là hắn xung phá trận ngay! Tuy nhiên...
Đinh lão phu nhân thở dài:
- Khắp trong thiên hạ, có ai chỉ làm một động tác là xung xuất một kiếm trận do sáu vị chưởng môn trấn thủ? Nếu hắn có chủ trương như vậy là hắn tự thị đó!
Những bậc cao tài, cùng nhau nghị luận những người ở bậc trung hoặc thấp hơn, họ cũng nghị luận phân vân.
Nhưng ai đoán trúng tâm ý của Phương Bửu Ngọc?
Dù tất cả nghị luận bất đồng, những nghị luận đó vẫn không ra ngoài một dự đoán, là Phương Bửu Ngọc chỉ có bại chứ không thắng nổi.
Thái dương từ từ lên, nhiệt độ từ từ tăng.
Thời hạn từ từ thu hẹp. Thời hạn sắp dứt.
Những ai có một điểm nhỏ hy vọng nơi Phương Bửu Ngọc, cũng bắt đầu tuyệt vọng.
Và hầu như toàn thể hội trường đều có một dự đoán như nhau là Phương Bửu Ngọc phải thừa nhận bại, bất quá sớm hay muộn mà thôi.
Bất ngờ!
Chính lúc quần hùng tuyệt vọng, chán nản nhất, Phương Bửu Ngọc nhích động.
Thoạt tiên, chàng nhích một chân, thân hình dịch theo liền.
Rồi hai tay bắt đầu khoa một vòng tròn.
Sáu mũi trường kiếm cũng nhích động theo cái nhích động của chàng, kết thành một đường vòng, mũi kiếm chạm vào nhau, bật kêu coong coong.
Dương quang chiếu xuống, chiếu trên mũi kiếm, thép kiếm chớp chớp.
Mũi kiếm nhích động, ánh thép chớp, dương quang phản chiếu bắn vào mắt các vị chưởng môn, bất giác các vị cũng chớp mắt theo.
Phải biết cái chớp mắt của những vị đó nhanh như thế nào, người thường nhìn vào hẳn không trông thấy kịp.
Trên thế gian nầy, không có danh từ nào diễn tả nổi cái nhanh của một chớp mắt, mà một cái chớp mắt của các vị lãnh đạo vũ lâm, hẳn nhiên phải nhanh hơn cái chớp mắt của người thường.
Còn ai bắt gặp kịp một cái nhanh không diễn tả nổi?
Chỉ trong cái thoáng mắt của các vị hạ xuống rồi nhướng lên, Phương Bửu Ngọc đã thoát ra ngoài kiếm trận rồi.
Mí mắt vừa hạ xuống, nhướng lên liền, các vị không còn thấy Phương Bửu Ngọc tại chỗ.
Quần hùng sững sờ.
Không ai hiểu nổi sự tình diễn tiến như thế nào. Chỉ thấy Phương Bửu Ngọc ràng ràng còn đứng sững tại chỗ, thế mà chàng vừa nhích động một chân, là đã hiện thân ở bên ngoài kiếm trận.
Đến Đinh lão phu nhân cũng phải kêu lên thất thanh:
- Đúng quá! Bất động thì thôi, cử động rồi là vọt ra ngay! Nhưng...
nhưng... hắn làm sao vọt ra? Có cái đạo lý nào trong việc xung xuất của hắn?
Nhất Mộc đại sư suy nghĩ từ lúc chàng nhích chân, lúc dó thở dài rồi trầm giọng thốt:
- Tuyệt kỹ của Phương thiếu thí chủ, chỉ khiến cho người ta thở dài mà thán phục thôi! Dùng danh từ tán dương cái tuyệt kỹ đó, bần tăng nghĩ không có danh từ nào xứng đáng cả. Thân pháp vừa nhẹ vừa linh hoạt, cái đó chẳng nói làm chi. Điều đáng nói là ức độ bóng dương quang đúng cái giác độ chiếu của nó, trong giác độ đó, ánh dương quang quét qua của mũi kiếm, mũi kiếm nhích động. Giác độ đó phải ức lượng thế nào cho tia phản chiếu bắn vào mắt các vị chưởng môn. Họ phải chớp mắt, và rồi cái gì phải xảy ra, đã xảy ra!
Qua phút giây sững sờ, lại nghe các vị tiền bối nhận định như vậy, quần hùng lắc đầu lè lưỡi.
Họ nằm mộng cũng không tưởng nổi một sự việc như thế!
Nhất Mộc đại sư chấp tay chữ thập, thở dài:
- A di đà phật! Luyện kiếm như Phương thiếu thí chủ, đúng là đã đạt được cái tâm pháp diệu huyền rồi! Thừa thiên ý hiểu thiên cơ, nếu không là bậc kỳ tài, đừng mong tiến đến giới cảnh đó! Bần tăng rất hoan hỉ thấy vũ lâm ngày nay có một chiếc cột trụ vững hơn núi! Gần đến lúc quy Tây, bần tăng lại được hả dạ thật hân hạnh vô cùng!
Ra bên ngoài rồi, Phương Bửu Ngọc sụp lạy, cung kính thốt:
- Đệ tử xin nhận tội thất lễ!
Sáu vị chưởng môn vừa kinh hãi vừa hân hoan, Thiết Nhiêm đạo trưởng vuốt chòm râu dài, bật cười ha hả:
- Hay lắm! Hay lắm! Tiểu tử biết lợi dụng ánh dương quang, chế ngự được vũ khí, quả thật ngươi đã đạt đến mức siêu huyền của kiếm đạo đó! Trên thế gian nầy, còn ai là địch thủ của ngươi? Bọn bần đạo có bại, cũng chẳng oan uổng gì!
Quần hùng chỉ chờ có thế, khi các vị lãnh đạo tuyên dương tài nghệ của Phương Bửu Ngọc rồi, tất cả cùng hoan hô, suýt vỡ hội trường.
oo Lâu lắm, lâu lắm, bầu không khí mới lắng dịu những tiếng reo.
Nhưng sự lắng dịu không đồng đều, sự lắng dịu bắt đầu từ những hàng người đứng tận sau xa, chuyền dần dần vào trong khi ở tận sau xa hoàn toàn im lặng, những người đứng phía trước còn reo hò như thường.
Chợt họ cảm thấy phía sau im lặng, mà im lặng một cách đột ngột, bất giác họ lấy làm kỳ, cũng ngưng bặt tiếng hoan hô, rồi quay đầu nhìn lại.
Bảy tám người, thân vóc vạm vỡ, vẹt đám đông, bước những bước dài, từ từ tiến tới.
Từ từ, là cái dáng đi của bảy tám người đó, không vội vàng, không hấp tấp, nhưng họ bước dài, nên trông rất mau.
Bảy tám người đó, khí sắc dương dương, vận y phục cực kỳ cổ quái, chân mang giày da trâu, ống giày cao đến gối, quần rộng ống, nhưng ống quần bỏ trong giày.
Họ không mặc áo, để lưng trần trùng trục, bất quá họ mang một chiếc giáp rất mỏng, dính sát vào da, tiệp với màu da, nên trông như trần trọn vẹn, da họ sạm như màu đồng.
Họ bước đi như những tượng đồng di chuyển, họ đi giữa quần hùng, như đàn cọp đi trong bầy dê.
Người đi đầu có khí khái cực kỳ oai mãnh, râu ngắn mọc đầy mặt, chân bước dài mặt ngẩng cao, chừng như trước mặt họ quanh họ, chẳng có ai khác hơn họ.
Họ hiên ngang như trần gian nầy là giang san của họ, họ bất chấp vương hóa, buông lung dã tánh của hạng người thế ngoại tiêu diêu.
Gió từng cơn quét qua họ, cuốn theo mùi nước biển bốc từ họ, tản mác trong không gian.
Song nhìn kỹ, mới nhận thấy khí sắc dương dương kiêu hùng của họ, có sự ngưng trọng che dấu một ý niềm.
Quần hùng thì thầm nhau:
- Hải tặc! Bọn nầy đúng là hải tặc rồi!
Có người phụ họa:
- Đúng rồi! Người đi đầu là thủ lảnh của chúng, tên Thọ Thiên Tề ngoại hiệu Tử Nhiêm Long, chỉ cần nhìn hàm râu của y là nhận ra y ngay!
Một người khác tiếp:
- Bọn hải đạo từ lâu, có quy luật là không hề đi khỏi vùng này rồi, thế tại sao hôm nay họ vi phạm quy luật vào sâu trong nội địa? Hay cái nghề sinh nhai trên mặt biển không còn phát đạt nữa, nên Tử Nhiêm Long bỏ khơi lên cạn?
Một người khác mỉm cười:
- Tự nhiên! Tử Nhiêm Long nào phải là một tên ngốc tử cố bám lấy đất chết? Nếu y có muốn sanh sự gì đi nữa, thì cũng không thể manh tâm ngay trong phút giây nầy, tại nơi đây!
Một người khác cau mày:
- Họ đến đây với chủ ý gì?
Quần hùng nghị luận phân vân, song nghị luận là thói quen của người đời, để sính cái khôn chứ tựu trung có ai biết đích xác mục đích của Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề?
Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề cứ đi thẳng đến đài, mặc quần hùng hai bên xôn xao bàn tán.
Đến nơi rồi, y thở phào, điểm nụ cười tươi, thốt:
- Hay! Hay! Các vũ lâm cao nhân đều tề tựu tại đây! Đủ cả! Đủ cả!
Đoạn y vòng tay tiếp:
- Thọ Thiên Tề từ mặt biển đến đây, kính chào các vị!
Chưởng môn nhân phái Vũ Đương là Thiết Nhiêm đạo trưởng trầm giọng hỏi:
- Từ lâu, các vị anh hùng mặt biển đều tuân theo quy luật, không xâm nhập nội địa, ngày nay các vị đến đây với mục đích chi.
Thọ Thiên Tề buông gọn:
- Đến để báo tin!
Thiết Nhiêm đạo trưởng cau mày:
- Tin gì, có quan trọng lắm không đến nỗi các hạ phải bôn ba vất vả?
Thọ Thiên Tề điềm nhiên:
- Quạ đen bay trăm dặm mang đến tin không lành!
Rời mặt biển, vào nội địa, vị lảnh tụ hải đạo vi phạm luật giang hồ, tìm đến tận đỉnh Thái Sơn, đúng ngày đại hội, để báo một cái tin, hẳn tin đó phải có tầm quan trọng phi thường.
Huống chi, y chưa cho biết tin gì, trước hết lại tuyên bố là một cái tin không lành, đương nhiên quần hùng phải kinh dị.
Thiết Nhiêm đạo trưởng giữ bình tịnh, thốt:
- Chim kia báo tin, bằng hữu mang tin, cái nhiệt thành của các hạ đáng ngợi lắm đó. Bần đạo trước hết, tỏ lời cám tạ các hạ, sau xin nghe lời hữu ích.
Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề nghiêng mình:
- Tại hạ đâu dám nhận lời cảm tạ của đạo trưởng!
Y đưa mắt nhìn ra khắp hội trường một vòng, đoạn tiếp:
- Trước mặt cao nhân, Thọ Thiên Tề nầy không dám nói ngoa, chắc các vị cũng từng biết nhân cách của tại hạ như thế nào rồi.
Thiết Nhiêm đạo trưởng gật đầu:
- Các hạ chọn lấy cái nghề không vốn, dọc ngang trên sóng nước trùng dương, tuy nhiên đánh kẻ giàu ác, cứu giúp kẻ nghèo lành, như vậy là hiệp đạo, bần đạo dù quy ẩn non cao, vẩn hằng nghe giang hồ truyền thuyết. Trong thiên hạ vũ lâm, có ai phê phán bất lợi đâu? Xin các hạ đừng lấy làm điều lạ.
Không, Thiết Nhiêm đạo trưởng, cũng như tất cả các vị chưởng môn kia, chẳng một ai khinh miệt Thọ Thiên Tề xuất thân trong hang trộm cướp.
Hơn nữa, riêng Thiết Nhiêm đạo trưởng lúc thiếu thời, từng tung hoành trong thiên hạ với cái nghề không vốn kia mà, bàn tay đã hơn một lần vấy máu, thì đạo trưởng phải hiểu hành vi của đồng đạo vũ lâm.
Hành vi có thanh, có tục, có đẹp, có xấu, sống thanh hay tục, đẹp hay xấu, chẳng phải chân chính ở hành vi, mà là ở chỗ dụng tâm. Cái tâm đẹp, làm việc xấu cũng đẹp. Cái tâm xấu, làm việc đẹp cũng thành xấu.
Thọ Thiên Tề cười ha hả:
- Bởi sinh sống trên mặt biển, từng theo gió ra khơi, lắm lúc đến tận những địa phương xa, tại hạ thời thường bắt gặp bọn lùn miền Đông Doanh tam đảo vào nội địa, quấy nhiễu dân chúng tại địa phương Giang Chiết, một tại hạ không thể diệt trừ quân quần tặc, do đó trọn miền Bắc hải không được an ninh... Thành thử tại hạ phải bôn ba, từ Đông lên Bắc bố trí anh em...
Thiết Nhiêm đạo trưởng vuốt nhẹ đuột râu dài:
- Tốt lắm!
Hùng tâm chưa lắng dịu mặc dù hơn mấy mươi năm dài vận chiếc đạo bào, đêm đêm hằng tụng niệm Huỳnh Đình, Thiết Nhiêm đạo trưởng nghe Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề nói đến những hành động dọc ngang giữa trời cao biển rộng, bất giác đạo trưởng khích động can trường, rồi trong cơn bốc đồng của hoài niệm, lại bật cười vang tán thưởng ngay.
Vô Tướng đại sư cau mày rồi cười nhẹ.
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Thượng tuần tháng bảy vừa qua, tại hạ đang tuần tra tại vùng duyên hải thuộc Cửu châu, bắt được một số hải tặc, thu về rất nhiều tài sản của dân chúng vùng Giang Chiết bị cướp đoạt. Sau chiến tích đó, bọn tại hạ đặt tiệc khao lao. Ngờ đâu, chiều hôm đó ngay trên thuyền của bọn tại hạ có việc lạ xảy ra...
Thiết Nhiêm đạo trưởng chú ý:
- Việc gì đã xảy ra?
Tử Nhiêm Long đáp:
- Hôm đó, anh em tại hạ mặc tình say sưa, riêng tại hạ thì mềm môi hơn các người kia nên say vùi. Thuyền tại hạ neo xa bờ, nếu có biến cố bất ngờ, thì giao đấu cũng tiện, mà thoát đi cũng dễ. Do đó, ai ai cũng lơi phần cảnh giác, ai ai cũng tin tưởng là sẽ được hưởng một đêm yên tịnh, hưởng bù trừ cho những lúc vất vả vừa qua. Ngờ đâu trước khi bình minh trở về...
Thiết Nhiêm đạo trưởng thốt:
- Bình minh chưa lên, là trời còn tối lắm, nếu có biến cố, thì thời gian đó rất thích hợp mọi mưu toan!
Tử Nhiêm Long thở dài:
- Đúng vậy, đạo trưởng! Tại hạ đang chập chờn trong giấc ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy, mở mắt ra, thấy một đạo kiếm quang lồng lộn trong không gian...
Thốt đến đó, y biến sắc mặt. Như vậy, là việc gì đã xảy ra trong đêm đó chấn động phi thường nơi y và đến phút giây nầy, dù sự việc đã qua rồi, y còn sợ hãi!
Thiết Nhiêm đạo trưởng kinh dị hỏi:
- Kiếm quang uốn khúc trong không gian?... Còn người?
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Lúc đó, tại hạ chỉ thấy đạo kiếm quang lồng lộn như rồng giỡn mây giao đùa, song kiếm quang biến hóa cực kỳ linh diệu, kiếm quang chiếu sáng ngời, tại hạ không tài nào nhìn rỏ người múa kiếm.
Thiết Nhiêm đạo trưởng cau mày:
- Rồi sau đó!...
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Anh em trong thuyền cùng rú lên thê thảm. Tiếng rú không vang một lượt, mà tiếp theo sau đó từng người phát lên, nhưng không cách nhau lâu lắm, những tiếng rú liền lạc tiếp cận nhau như một xâu chuỗi được kết sát. Tại hạ ức độ, có hơn mươi người rú.
Thiết Nhiêm đạo trưởng chớp mắt:
- Còn các hạ?
Tử Nhiêm Long thở dài:
- Thực sự thì tại hạ lúc đó quá sợ nên ngây người, không có một phản ứng nào cập thời cả. Nhưng, khi hoàn hồn lại, tại hạ kêu to lên, tại hạ vừa kêu, đạo kiếm quang bay vút qua cửa sổ thuyền ra ngoài. Đạo kiếm quang lóe lên vài lượt, rồi tắt mất.
Thiết Nhiêm đạo trưởng hỏi gấp:
- Cát hạ không đuổi theo?
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Lập tức, tại hạ vọt mình đến bên cửa sổ...
Thiết Nhiêm đạo trưởng chớp chớp mắt:
- Có thấy gì chăng?
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Trời chưa sáng rỏ, sao thưa không đủ soi mặt biển mênh mông, tại hạ chỉ thấy lờ mờ một bóng trắng, bóng đó lướt trên mặt nước, như thần tiên cỡi sóng đón ánh chiêu dương, bóng đó chỉ hiện lên, thoáng qua rồi biến mất. Không hẳn là bóng biến, đúng hơn là bóng đó di chuyển rất nhanh, tại hạ vừa nhận ra là bóng đó vút tận phương trời...
Quần hùng ngây người, vừa kinh hãi, vừa ngạc nhiên. Cũng kẻ muốn nói một câu, nhưng nghĩ lại, mở miệng ra có chiều bất tiện nên câm nín.
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Tại hạ quay mình lại. Sự vật trong thuyền hiện rõ trước mắt bởi đèn còn cháy sáng. Thuyền to chứa trên trăm người, người nào cũng bị một vết thương nơi giữa đôi mày, máu còn chảy...
Các đại hán đi theo Tử Nhiêm Long không hẹn mà đồng cùng đưa tay lên, sờ vào chỗ đó.
Và họ chà tay mãi nơi vết xẹo.
Vô Tướng đại sư bây giờ mới cất tiếng:
- Trong thuyền của thí chủ, có tất cả được bao nhiêu người?
Tử Nhiêm Long cười khổ:
- Tuy nói trên trăm người, là lượng theo sức chở của thuyền, chứ thực ra trên thuyền chỉ có chín mươi bảy người, kể luôn tại hạ.
Vô Tướng đại sư kêu lên:
- Trong phút giây ngắn ngủi, người đó tạo thương tích cho chín mươi bảy người? Kiếm pháp linh diệu đến mức độ đó à? Bần tăng bình sanh chưa hề nghe, chứ đừng nói thấy!
Thiết Nhiêm đạo trưởng trầm giọng:
- Giả như người đó muốn sát hại chín mươi bảy người, thiết tưởng cũng chẳng phải là khó khăn lắm. Giết người là việc rất dể, cứ huy kiếm là giết, nhanh tay giết nhiều người chậm tay giết ít. Điều khó khăn, là gây nên một vết thương cho mỗi người trong chín mươi bảy người, y chỗ, người nào cũng thế, vết thương không nặng, bất quá chỉ lưu dấu lại đó mà thôi! Làm được cái việc đó, qua khắp chín mươi bảy người trong thời gian thoáng mắt, đếm đều tay trên thế gian nầy còn ai làm được ngoài người đó. Bần đạo không tưởng nổi trong làng vũ thuật có người đạt đến mức thành tựu như thế!
Tử Nhiêm Long rung giọng:
- Lúc đó, trong thuyền có người nằm ngửa, có người nằm sấp, có người ngồi, dựa ngửa, dựa nghiêng, tóm tắt lại, mỗi người có một tư thế nằm ngồi riêng biệt. Thế mà người đó vẫn lưu vết kiếm được như thường, nhanh như thường, đúng chỗ như thường. Tại hạ cứ tìm hiểu mãi, song chẳng hiểu được người đó hạ thủ như thế nào!
Phương Bửu Ngọc thốt:
- Cứ như đệ tử hiểu biết, thì trên thế gian nầy chỉ có một người thi triển kiếm pháp chuẩn xác và nhanh nhẹn như Thọ đại hiệp vừa nói đó.
Thiết Nhiêm đạo trưởng trố mắt:
- Ai?
Nhưng đạo trưởng hỏi rồi không không đợi Phương Bửu Ngọc đáp, tự miệng buông luôn:
- Đúng! Bạch Y kiếm khách!
Quần hùng nhao nhao lên...
Vô Tướng đại sư cau mày:
- Nếu là Bạch Y kiếm khách, thì y làm như thế với dụng ý gì? Y có hận cừu gì với Thọ thí chủ?
Tử Nhiêm Long cười khổ:
- Cừu hận? Tại hạ chưa xứng đáng được gọi là kẻ thù của Bạch Y kiếm khách, đại sư ơi! Làm được kẻ thù của Bạch Y kiếm khách, kể ra cũng vinh diệu lắm đấy! Hà huống, tại hạ có làm gì chếch lòng y đâu?
Giả như y hận tại hạ, thì tại hạ đã chết từ lâu rồi!
Thiết Nhiêm đạo trưởng trầm giọng:
- Nếu không cừu hận, thì y đến tìm cát hạ, để làm gì?
Tử Nhiêm Long buông gọn:
- Lưu mạng sống cho tại hạ, để tại hạ truyền tin!
Thiết Nhiêm đạo trưởng cau mày:
- Căn cứ vào đâu, cát hạ nói thế?
Tử Nhiêm Long nói tiếp:
- Qua phút giây kinh động, bọn tại hạ phát hiện ra trên mặt bàn, có một phong thơ. Bên cạnh phong thơ có mảnh giấy nhỏ. Mảnh giấy chỉ có mấy chữ...
Thiết Nhiêm đạo trưởng nóng nảy:
- Cát hạ thuật gấp cho ta nghe!
Tử Nhiêm Long tiếp:
- Mảnh giấy nhỏ có mấy chữ:
Phong thơ nầy phải được chuyển đến vũ lâm Trung Thổ. Tại hạ nhớ lại, bảy năm về trước, kiếm khách áo trắng từng ước hẹn sẽ trở lại Trung Nguyên, và giờ đây y đã trở lại thật sự! Những vết thương kia, là dấu hiệu một sự thị Oai, nếu bọn tại hạ không mang thơ trình nạp, thì cầm chắc phải khổ với y. Nhưng trình nạp cho ai, khi bì thơ không ghi tên rõ ràng? Tại hạ suy nghĩ mải, sau cùng nhận ra tại đại hội Thái Sơn, chắc chắn quần hùng tề tựu đông đủ, do đó tại hạ đến đây!
Vô Tướng đại sư hỏi:
- Phong thơ hiện giờ ở đâu?
Tử Nhiêm Long lấy phong thơ trong mình ra, hai tay trao qua cho Vô Tướng đại sư.
oo Vô Tướng đại sư xé phong bì.
Phong bì chứa đựng một mảnh giấy trắng tinh khiết, chữ màu hồng.
Những chữ trong mảnh giấy như sau:
- Kính gửi tất cả! Tử Y Hầu đã chết, tại hạ hết sức thương tâm!
Trời đất rộng bao la song khó tìm được đối thủ! Tử Y Hầu chết rồi, tại hạ tịch mịch làm sao! Trên thế gian nầy, tri kỷ kiếm, còn ai nữa?... Tại hạ cầu thắng đã là một cái khó, giờ đây cầu bại lại còn khó hơn! Bởi còn ai làm cho tại hạ bại!...
- Cái hẹn bảy năm đã đến, dù biết không có người đối chiến, cũng phải đến, đến để chứng minh giữ lời ước hẹn! Đến với niềm hy vọng tại Trung Thổ, ít nhất cũng có một người không làm tại hạ thất vọng mà về!
Bên dưới thơ, có mấy chữ:
Người áo trắng!
Lời thơ gọn, ý thơ cao ngạo, ý thơ càng cao ngạo, thì vũ lâm Trung Nguyên càng bi thương!
Và những người bi thương nhất chính là ban giám định cuộc đả lôi đài, các vi chưởng môn.
Chứ quần hùng thì phẩn uất, họ khó tiêu những lời ngạo mạn, dù họ nhìn nhận kiếm khách Bạch Y vô địch dù họ chẳng làm gì được y.
Ai ai cũng hận cái câu "làm cho tại hạ bại!" Ai ai cũng hận tức về câu "muốn được bại còn khó hơn muốn thắng!" Ai ai cũng nghe bầu máu nóng sôi trào thấy cuồn cuộn trong thân thể.
Phương Bửu Ngọc lẩm nhẩm:
- Trên thế gian nầy, trừ kiếm khách Bạch Y, còn ai dám nói những lời như thế?... Ai có đủ tư cách nói được một câu:
muốn được bại cũng khó vậy thay?...
Thiết Nhiêm đạo trưởng bỗng trừng mắt, vuốt mạnh chồm râu dài hét:
- Ngươi!
- Oo - Phải!
Khắp trong thiên hạ, trừ Bạch Y kiếm khách ra, nếu không phải là Phương Bửu Ngọc thì còn ai có đủ tư cách nói lên câu đó?
Chỉ có mỗi một mình chàng!
Và, chàng sẽ là đối thủ của Bạch Y kiếm khách! Chỉ có mỗi một mình chàng!
Và, đại hội Thái sơn đã xong quần hùng giải tán...
Giờ đây...
Vào thu, thu càng vào sâu, đêm thu càng lạnh. Đêm thu lạnh sao thu càng sáng.
Tại Vạn Trúc sơn trang, nhà ngang nhà dọc dựng nóc âm thầm, như co rút mình giữa đêm thu lạnh.
Từng cơn gió thỉnh thoảng lướt qua, uốn oặc ngọn trúc, rồi thân trúc cọ vào nhau kẽo kẹt, những tiếng kẻo kẹt hòa lẫn với tiếng côn trùng, khi nhặt khi khoang tạo thành một khúc nhạc lạnh gieo cái lạnh vào lòng người.
Dưới ánh sao, bên bóng trúc giữa nhạc điệu lạnh buồn đó có một chiếc bàn, trên bàn có bình trà, trà được rót ra chén, khói thơm bốc lên nghi ngút, trà có nóng, nhưng không làm nóng được lòng người ngồi quanh bàn.
Họ, lạnh lạnh vì tiết trời, mà cũng lạnh vì bao nhiêu tâm tư đang ám nặng nơi họ.
Họ ngồi đó, nhưng ai đứng ngoài xa xa nhìn vào họ, phải cho là những vị thần tiên nhân đêm thu giáng trần để thưởng thức hương trà trần thế.
Dù nó không phải là thần tiên thượng giới, họ cùng phải là những người thoát tục, thân còn tục nhưng hồn đã hướng về tiên.
Họ gồm hơn mười người, họ là những ngôi Bắc Đẩu của vũ lâm đương thời, họ đáng được những cái gì thanh cao nhất trong nhân loại, song hiện tại, đến chén trà thơm bốc khói, họ cũng chẳng màng nhìn.
Họ không nhìn, bởi họ có sự lo, cái lo của họ không cho phép họ nghĩ đến sự hưởng thụ, cái lo của họ hướng về một hiện thực để cho mọi ngườçi được hưởng thụ.
Họ quên mình, họ nghĩ đến số đông.
Từ sau ngày kết thúc đại hội Thái Sơn, bất cứ ai có dự khán cuộc khảo võ để tuyển chọn vị đại biểu vũ lâm đương đầu cùng người áo trắng, cũng đều lưu luyến một dư niệm mông lung và cái dư niệm đó hẳn phải đậm hơn những người có hoài bảo lớn lao về đại cuộc.
Lòng họ man mác về việc vừa qua, băn khoăn về những gì sắp tới...
Và hiện tại họ đang suy tư trầm trọng về một vấn đề nan giải...
Họ là những ai?
Họ là những vị chưởng môn sau khi đại hội giải tán, tụ về đây để cùng nhau tìm một lối thoát, chẳng phải cho họ, mà cho toàn thể vũ lâm.
Vô Tướng đại sư cất tiếng:
- Về cái ước hẹn của Hỏa Ma Thần, Phương thiếu thí chủ nhất định là phải đến đó?
Phương Bửu Ngọc cung kính gật đầu:
- Đệ tử đã đáp ứng rồi, có thể nào không giữ lời được!
Vô Tướng đại sư ạ lên một tiếng.
Đại sư muốn nói điều gì đó, và điều đó có lẽ khó nói ra được, nên nín lặng mà chỉ đưa mắt sang Như Ý lão nhân.
Như Ý lão nhân đặng hắng lên rồi thốt:
- Việc nầy... việc nầy...
Lão nhân cũng ấp úng luôn, không nói thẳng ra liền.
Phương Bửu Ngọc điềm nhiên cất tiếng:
- Tiền bối có điều chi cần dạy bảo, xin cứ nói, đệ tử...
Thiết Nhiêm đạo trưởng trầm giọng:
- Những gì Vô Tướng và Như Ý nhị vị đạo huynh muốn nói, chính là điều bần đạo cũng muốn nói. Chỉ vì... điều đó thực ra, khó mà mở miệng nói cho thành lời!
Phương Bửu Ngọc trầm ngâm một lúc lâu, sau cùng cúi đầu hỏi:
- Có phải các vị tiền bối không muốn cho đệ tử đến gặp Hỏa Ma Thần như đã ước hẹn với lão ấy?
Như Ý lão nhân thở dài:
- Giang hồ trọng hiệp nghĩa, xem lời hứa nặng giá hơn ngàn vàng, giả như bọn già nầy bảo thiếu hiệp lờ đi lời ước hẹn với Hỏa Ma Thần, thì có khác nào chúng ta tự hủy diệt thinh danh của chúng ta. Tuy nhiên...
Lão điểm một nụ cười khổ, rồi tiếp:
- Tuy nhiên, sự tình có nhiều uẩn khúc, bên trong uẩn khúc đó, có điều quan trọng phi thường, bọn già nầy không thể ngăn chận thiếu hiệp đến Hỏa Ma Thần. Bất quá, chúng ta nên suy nghĩ lại cho kỹ rồi mới quyết định dứt khoát.
Phương Bửu Ngọc đáp:
- Đệ tử đã nghĩ kỷ lắm rồi, nhưng...
Như Ý lão nhân chận lời chàng:
- Giả như một người nào đó, đã hứa rồi, tất không thể cải biến điều đã hứa, nhưng người hứa lại là thiếu hiệp... Hừ! Hiện tại, thiếu hiệp có thân phận đặc biệt, thiếu hiệp chẳng giống bất cứ người nào trên giang hồ, thiếu hiệp là mối hy vọng của toàn thể vũ lâm, đồng đạo trên giang hồ đều đặt trọn tin tưởng nơi thiếu hiệp, và chắc thiếu hiệp cũng không quên là kiếm khách áo trắng sẽ đến Trung Nguyên một ngày nào đó!
Thiết Nhiêm đạo trưởng tiếp lời:
- Nếu ngươi phó ước, đúng hẹn với Hỏa Ma Thần mà chẳng may sanh ra sự gì thì làm sao? Bởi cái ước hẹn tại bờ Đông Hải có tầm quan trọng bao trùm cả vũ lâm Trung Thổ, nếu không có ngươi, quần hùng sẽ phải ứng phó với kẻ kia như thế nào?
Phương Bửu Ngọc vẫn cúi đầu:
- Việc đó thì... đệ tử...
Như Ý lão nhân từ từ thốt:
- Hôm qua, sau khi đại hội Thái Sơn giải tán rồi, quần hùng còn lưu luyến, chưa chịu rời núi ngay, cũng bởi tất cả đều mong vọng nơi thiếu hiệp. Lúc đó ngàn muôn cặp mắt đều đổ dồn về thiếu hiệp, ai ai cũng muốn khắc ghi hình ảnh thiếu hiệp trong tâm khảm, giả như thiếu hiệp có nhận thấy mọi người đều tha thiết với thiếu hiệp như thế đó, hẳn thiếu hiệp phải hiểu kỳ vọng của họ đặt nơi thiếu hiệp lớn lao như thế nào!
Phương Bửu Ngọc cảm động:
- Đệ tử đã hiểu, tiền bối!
Thiết Nhiêm đạo trưởng tiếp:
- Ngươi đã biết như vậy, hẳn cũng biết luôn điều nào trọng điều nào khinh, vì một lời hứa với Hỏa Ma Thần, mà phụ lòng kỳ vọng của toàn thể đồng đạo vũ lâm, thiết tưởng dù cho ai cũng không nên làm thế!
Như Ý lão nhân tiếp luôn:
- Hà huống, Hỏa Ma Thần thuộc hạng người bại hoại, hành vi hung ác, vô tín, bất nghĩa, dù thiếu hiệp có thất ước với lảo ấy, thiên hạ anh hùng cũng chẳng ai phê phán chỉ trích gì...
Phương Bửu Ngọc trầm ngâm một lúc lâu.
Trong tâm tư chàng, một sự mâu thuẫn đang hoành hành dữ dội.
Vô Tướng đại sư thở dài:
- Chẳng phải bọn bần tăng cho rằng đến với Hỏa Ma Thần là Phương thí chủ sẽ gặp điều gì chẳng lành. Chỉ vì, bọn bần tăng nghĩ, dù sao thiếu thí chủ cũng phải tịnh dưỡng tinh thần, từ đây đến ngày quyết liệt tập luyện lại sở học, để nắm vững cái cơ tất thắng. Cứ theo sự van cầu của Hỏa Ma Thần bên cạnh thiếu thí chủ, thì bọn bần tăng cũng thừa hiểu là Bạch Thủy Cung không phải là đất lành, dù thiếu thí chủ thừa tài vào đó, thì khi trở ra hẳn cũng hao phí công lực rất nhiều, tinh thần lại phải dao động. Đem cái tinh thần và thể lực hao mòn đó, chống đối với người áo trắng, thì làm sao thủ thắng nổi? Nếu thí chủ bại thì sao? Chắc thiếu thí chủ đã ức độ hậu quả như thế nào rồi!
Phương Bửu Ngọc vẫn trầm ngâm, không thốt một tiếng nào.
Lâu lắm, Thiết Nhiêm đạo trưởng mới cất tiếng hỏi:
- Ngươi có thể quyết định chứ?
Phương Bửu Ngọc lắc đầu, thở dài:
- Đệ tử chưa biết phải quyết định như thế nào, tiền bối ạ!
Vô Tướng đại sư bình tĩnh thốt:
- Thế thì thiếu thí chủ cứ suy nghỉ. Bọn bần tăng sở dĩ nói như vậy, là vì thấy cần phải nói, còn như đi hay không đi, là do thiếu thí chủ, chẳng ai có thể ngăn chặn hay khuyến khích cả.
Đại sư đảo mắt nhìn quanh một lượt, đoạn điểm nhẹ một nụ cười rồi tiếp:
- Chúng ta đã quấy nhiễu chủ nhân Vạn Trúc Sơn Trang quá nhiều rồi, không thể tiếp tục làm khách mãi được. Đêm nay, tất cả ngủ lại đây, rồi sáng mai sau khi nghe Phương thí chủ cho biết ý định, bọn nầy sẽ trở về sơn động!
Đại sư thốt xong đứng lên trước.
- Chương 1 - Người áo trắng
- Chương 2 - Chủ nhân Thần Mộc Linh
- Chương 3 - Giai nhân xuất hiện
- Chương 4 - Cuồng ngạo chấp vương hầu
- Chương 5 - Buồm gấm hứng phong ba
- Chương 6 - Hạ chiến thơ ngoài ngàn dặm
- Chương 7 - Cuộc chiến kinh hồn
- Chương 8 - Một rừng không hai hổ
- Chương 9 - Thần đi, Quỷ hiện
- Chương 10 - Mưa gió vô tình
- Chương 11 - Một lần kết nghĩa
- Chương 12 - Bang hội tranh phong
- Chương 13 - Giàu lòng nghĩa hiệp
- Chương 14 - Đường ranh sống chết
- Chương 15 - Từ chỗ tự nhiên
- Chương 16 - Gió vụt mây vần
- Chương 17 - Đại hội Hoàng Hạc Lâu
- Chương 18 - Cao cả biệt hồng trần
- Chương 19 - Phiêu lãng vạn dặm dài
- Chương 20 - Bốn mươi cuộc chiến
- Chương 21 - Nhẫn điều khó nhẫn
- Chương 22 - Những cái khó làm
- Chương 23 - Luận người bên chén rượu
- Chương 24 - Gặp nhau trong mộng
- Chương 25 - Mê hồn trận
- Chương 26 - Khúc ca ru ngủ
- Chương 27 - Ma hỏa luyện tâm kiếm
- Chương 28 - Phá vân chấn thiên bút
- Chương 29 - Hoặc thị hoặc phi
- Chương 30 - Thủ túc tương tàn
- Chương 31 - Ký ngộ chờ kỳ nhân
- Chương 32 - Quần anh đại hội
- Chương 33 - Đao pháp Đông Doanh
- Chương 34 - Công chúa chiến quần hùng
- Chương 35 - Thiên biến vạn hóa
- Chương 36 - Trên hẳn thông thường
- Chương 37 - Thiên hạ trông vào
- Chương 38 - Không bao giừo ngăn cách
- Chương 39 - Vũ Lâm Đệ nhất nhân
- Chương 40 - Ước hội tử vong
- Chương 41 - Đông doanh nhất đao
- Chương 42 - Chờ người xứ lạ
- Chương 43 - Mỹ nhân tâm
- Chương 44 - Ngũ hành cung bí ẩn
- Chương 45 - Danh tài và mỹ sắc
- Chương 46 - Tìm hoa gặp máu
- Chương 47 - Lâm nguy rõ mặt
- Chương 48 - Huỳnh Kim bí cung
- Chương 49 - Lên trời chưa phải khó
- Chương 50 - Lưu vong hải ngoại
- Chương 51 - Tạm qua đại nạn
- Chương 52 - Cực hình tĩnh mịch
- Chương 53 - Chuẩn bị đường về
- Chương 54 - Một điểm thông
- Chương 55 - Đạo nghĩa của kẻ cướp
- Chương 56 - Càng già càng sống dai
- Chương 57 - Sát thủ tam kiếm
- Chương 58 - Một chiêu tuyệt thế
- Chương 59 - Những kẻ si tình
- Chương 60 - Đỉnh vinh quang (Hết)