Hồi 34
Một buổi trưa, Thủ-Độ rửa chuồng ngựa, rồi dùng khăn lau mấy cái cột. Lớp bụi bám trên cột tróc ra, nó thấy trên cột xuất hiện những chữ li ti. Tò mò nó đọc, bất giác tim nó đập thình thình, vì rõ ràng đây là yếu quyết luyện công. Nó đọc qua, thì thấy dường như trái với tâm pháp Đông-A mà bố nó dạy nó. Nó nghĩ thầm:
- Tâm pháp gì đây mà lại có 99 câu? Trong khi ta không biết gốc tích, thì cứ gọi là Tâm-pháp Chuồng-ngựa vậy.
Vốn thông minh, nó nhẩm hơn nửa buổi thì thuộc làu. Sau khi kiểm lại, nó dùng dao, cạo xóa hết những chữ trên cột chuồng ngựa:
- Cứ như mẹ ta nói, các đời trước, họ Lý có không biết bao nhiêu anh hùng, tài trí. Tâm pháp võ công này, ai đã khắc vào đây? Rõ ràng là tài sản của anh em Long-Sảm, thế nhưng chúng không thèm biết tới, thì ta hủy đi cho đỡ tủi vong linh người quá cố.
Chiều hôm đó, nằm trong chuồng ngựa ngủ, Thủ-Độ lên cơn đau gan. Người nó nóng như cục than hồng. Nó nghiến răng vận công chống đau, nhưng cơn đau vẫn làm nó gập đôi người lại. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, nó vận công theo Tâm-pháp Chuồng-ngựa, thì thấy cái đau đớn giảm đi rất nhiều, nhiệt độ hạ xuống rất mau. Không cần biết có nguy hiểm hay không, nó cứ tiếp tục vận công, lát sau, thì người nó cảm thấy rét run. Rét kệ rét, nó tiếp tục vận công cho đến khi ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, tiềm thức thúc đẩy, nó vận công tiếp.
Sáng hôm sau thức dậy, nó cảm thấy bụng phình lên đầy nước tiểu, nó phóng ra một hơi dài, rồi suốt ngày, nó cứ đi tiểu đều đều. Đến chiều thì bụng nó không còn chướng lên như cũ nữa. Người nó cảm thấy mát mẻ dễ chịu kỳ lạ. Nó ấn tay vào vùng gan, vùng tim, vùng lá lách, thì thấy cảm giác đau đớn chỉ còn hơi hơi mà thôi. Nó nghĩ thầm:
- Không cần biết Tâm-pháp Chuồng-ngựa là tâm pháp nào, ta luyện, mà thấy khỏi bệnh, thì ta cứ luyện.
Từ đấy, ngoài những lúc tắm ngựa, quét dọn, nó tiếp tục luyện Tâm-pháp Chuồng-ngựa. Bọn Gia-thụy ngũ anh lôi nó ra đấu võ, nó không trả đòn, cứ để mặc chúng muốn đấm, muốn đá gì nó chỉ vận công chịu trận. Sau đó chúng dùng roi, dùng gậy đánh nó, nó không còn thấy đau nữa. Ít lâu sau chúng chán nản, không hành hạ Thủ-Độ nữa.
Từ hôm chia tay với Kim-Dung, hình bóng của người thiếu nữ ôn nhu, văn nhã luôn hiện lên trong tâm nó. Những lúc nhớ nhung quá, không chịu nổi, nó lại ra thuê xe ra bến sông Hồng, nơi con thuyền neo, mà bà mẹ Kim-Dung đưa nó xuống trị bệnh. Nhưng lần nào cũng như lần nào, nó chỉ thấy nước sông đỏ ngầu, cuồn cuộn trôi về cuối giòng mịt mờ. Còn bóng hồng thì tuyệt vô âm tín.
Thời gian một năm trôi qua. Thủ-Độ đã luyện xong 99 câu quyết. Nó nhẩm tính, cái thời hạn một năm mà Vũ Phòng-Phong bảo nó chết đã qua rồi. Nó định bụng hôm nào có dịp sẽ trốn ra ngoài thành thăm ông, để xin ông chẩn bệnh lại cho nó.
Hôm ấy, như thường lệ, Cao Kinh mở khóa, mở xích chân Thủ-Độ, rồi ra lệnh rằng nó phải dẫn đoàn ngựa ra ngoài Ngự-xạ đài ở ngoài thành Thăng-long, thả ngựa phi, để khỏi bị mỡ đọng ở bụng. Ngựa vừa tới nơi, thì một con giật dây cương, phi nước đại. Lập tức chín con khác cũng phi theo. Thủ-Độ bật cười, nó dùng tiếng loài ngựa gọi chúng lại, nhưng chúng vẫn hí inh ỏi rồi thi nhau phi. Thủ-Độ chờ chúng phi hết một vòng sân, khi chúng phi ngang trước mặt nó, nó nhảy theo, chụp dây cương con đầu đàn. Con ngựa này hí lên, lách sang một bên, khiến Thủ-Độ chụp hụt. Nó lao mình vọt theo đàn ngựa, thì lạ lùng chưa, chỉ nửa khắc nó đã đuổi kịp. Đàn ngựa thấy có đồng bạn mới, chúng càng ra sức sải bước, thế nhưng Thủ-Độ vẫn theo kịp. Phi khoảng mười vòng Ngự-xạ đài, thì đàn ngựa từ từ phi chậïm lại, rồi ngừng hẳn. Thủ-Độ cũng ngừng lại. Nó kinh ngạc:
- Tại sao khinh công ta lại mau thế này? Hồi ở Mông-cổ, khinh công cao nhất là mẹ ta, mà cũng chỉ có thể chạy ngang với ngựa trong vòng 50 dặm mà thôi. Cái vòng sân này, mỗi vòng tới 20 dặm, mà ta chạy tới mười vòng, thì trải qua 200 dặm mà ta không hề mệt mỏi là tại sao?
Sau khi dẫn ngựa ra bờ sông tắm, rồi lùa bầy ngựa trở về. Trên đương đi, thấy có một lò rèn nó ngừng lại hỏi:
- Ông ơi, ví thử tôi có cái khóa, mà mất chìa, thì ông có thể làm cho tôi cái chìa khác không?
Người thợ rèn mở to mắt nhìn Thủ-Độ, gật đầu:
- Dĩ nhiên là được. Vậy khóa của cậu đâu?
- Tôi sẽ mang ra sau.
Trưa hôm ấy, Thủ-Độ trở về Đông-cung thì Cao Giới dùng xích khóa chân nó như thường lệ. Đợi Cao Giới cũng như bọn Gia-thụy ngũ anh đi rồi, Thủ-Độ trốn ra gặp người thợ rèn, xin làm chìa khóa. Không đầy hai khắc, người thợ rèn đã làm xong hai cài chìa khóa. Thủ-Độ không về Đông-cung, nó đến Đệ nhị y viện Hồng-lĩnh tìm y sư Phòng-Phong. Sau hơn một năm xa cách, Thủ-Độ đã lớn lên, nhưng Phòng-Phong, cũng nhận ra nó. Ông kinh ngạc:
- Đàm Độ! Từ hồi ấy đến giờ cháu đi đâu?
Ông lên tiếng gọi vợ:
- Em ra mà xem này! Thằng bé đó còn sống này!
Bà Bạch-Hạc từ sau vườn chạy lên, thấy Thủ-Độ, bà reo:
- Từ hồi ấy đến giờ cháu ở đâu?
- Cháu bị tù khổ sai.
- Khổ sai? Ta không tin!
Bạch-Hạc kể: - Sau khi cháu và Ba Huy đi rồi, thì ta không được tin tức gì của cháu cả. Hơn tháng sau, ta trở về Thiên-trường thăm song thân, người kinh ngạc vô cùng, vì không thấy cháu cũng như Ba Huy về. Trong câu chuyện, hai đứa con của em Lý ta là Tự-Thừa, Tự-Khánh thuật lại một việc: Cũng ngày hôm đó, ba đứa từ Kinh-Bắc về Thiên-trường. Khi qua ngã ba Thăng-long, Trường-yên, Thiên-trường chúng gặp một thiếu niên, đấu võ với bọn Gia-thụy ngũ anh. Ta đoán ngay ra là cháu. Thái-tử Long-Sảm truyền bắt giam cháu, vì cháu là nô bộc của y, phạm tội ăn cắp rồi bỏ trốn. Tự-Thừa không cho Tự-Khánh can thiệp vào chuyện của triều đình, nhất là dây dưa với nô bộc của họ. Hơn nữa, nô bộc phạm tội ăn cắp. Song thân ta, cũng như vợ chồng Lý đều không quan tâm tới vụ này, bởi ai cũng tưởng cháu là tội phạm của triều đình. Nhưng có một điều lạ lùng ta không hiểu: Ba Huy đi đâu mà không thấy y trở về?
Thủ-Độ hỏi lại:
- Ông Ba Huy không về đây, vậy ông í đi đâu? Không lẽ ông ta bị bọn Long-Sảm bắt giam.
- Không chừng như vậy!
Phòng-Phong vẫy tay cho vợ im lặng, rồi ông bắt mạch Thủ-Độ. Trán ông cau lại tỏ vẻ đăm chiêu. Cuối cùng ông nói:
- Cháu đã muốn dấu thân thế, để giữ lời hứa với người dạy võ công cho cháu, thì ta cũng không muốn cật vấn cháu. Bây giờ ta chỉ luận về bệnh của cháu mà thôi.
Ông nói với vợ:
- Năm trước, anh nói, muốn trị nội thương của Đàm Độ, thì phải có hai người luyện nội công tới trình độ thượng thừa. Một người luyện nội công âm nhu, một người luyện nội công dương cương, hỗ tương cứu nó. Nội công dương cương, thì trong phái Đông-A nhà ta không thiếu. Còn nội công âm nhu thì chỉ có Đoan-Nghi. Thế nhưng trong năm qua, không biết cơ duyên nào đưa đến, mà cháu nó lại luyện trọn vẹn tâm pháp của phái Đông-A, rồi lại luyện nội công âm nhu chính tông của phái Mê-linh nữa. Không những bệnh của cháu khỏi hẳn, mà công lực của nó bây giờ hiếm người so sánh!
Bạch-Hạc nắm lấy tay Thủ-Độ bắt mạch. Muốn thăm dò công lực nó, bà dồn chân khí vào người nó. Một nguồn nội lực âm-dương hỗ tương hợp với nhau chống trả rất mãnh liệt. Thấy vậy, bà dồn thêm chân khí sang, thì nội lực của nó càng chống lại mạnh hơn, rồi thình lình một nguồn nội tức mạnh không thể tưởng tượng nổi phản ứng, khiến bà không tự chủ được, người bật tung lại sau đến hơn trượng. Bà phải dùng thiên cân trụy mới đứng vững.
Phòng-Phong hỏi vợ:
- Em thấy thế nào?
- Nội lực của nó mạnh quá. Có lẽ chỉ sư phụ mới luyện tới mức này mà thôi. Cũng may đây là phản ứng tự nhiên, chứ nếu nó dùng công lực tấn công, thì em đã bị thương rồi.
Phòng-Phong suy nghĩ một lúc, người ông đờ ra:
- Ta thấy dù cháu nó có luyện cả nội công âm nhu, dương cương, thì ít ra phải mười năm mới thành công. Với tuổi của nó chưa thể luyện đến trình độ này. Nhưng trên thực tế, thì lại có...
Ông nói một mình:
- Trong lịch sử võ lâm Đại-Việt, chỉ có hai người hợp được cả âm dương, thì một là Vạn-tín hầu Lý Thân. Hai là Bắc-bình vương Đào Kỳ. Nhưng đó chẳng qua là truyền thuyết. Chứ thực tế, xưa bác học như tổ Tự-An, Thông-Mai, Tự-Mai của phái Đông-A cũng không thể làm được!
Ông hỏi Thủ-Độ:
- Cháu tìm đâu ra tâm pháp nội công âm nhu?
Thủ-Độ thuật lại vụ nó tìm ra trong trường hợp nào, tại chuồng ngựa!
Phòng-Phong, Bạch-Hạc cùng lắc đầu không hiểu.
Phòng-Phong, Bạch-Hạc, Thủ-Độ không hiểu là phải.
Nguyên nội công âm nhu do Vạn-tín hầu Lý Thân tìm ra từ thời vua An-Dương. Đến thời Lĩnh-Nam chỉ có Bắc-bình vương Đào Kỳ, Tể-tướng Nguyễn Phương-Dung, công chúa Phật-Nguyệt là luyện thành. Sau khi Lĩnh-Nam bị Hán đô hộ, thì nội công này bị tuyệt tích. Đến thời vua Lý Thái-tổ, công chúa Bình-Dương tìm được bia đá do công chúa Trần Năng để lại, rồi luyện thành. Sau công chúa Bình-Dương truyền cho đệ tử là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Linh-Nhân hoàng thái hậu chép vào cái áo hồ cừu. Hai mươi năm trước, Thái-tử Long-Xưởng chép từ áo hồ cừu vào cái cột ở phòng luyện võ Đông-cung, để dạy cho công chúa Đoan-Nghi, quận chúa Từ Thụy-Hương. Nhưng chỉ mình Đoan-Nghi luyện thành. Bây giờ vô tình Thủ-Độ tìm ra, rồi luyện thành. Vấn đề khúc mắc như vậy, thì ai hiểu nổi?
Phòng-Phong hỏi:
- Ví dù công chúa Đoan-Nghi có truyền tâm pháp âm nhu cho cháu đi. Nhưng, làm sao cháu có thể tổng hợp cương nhu làm một! Hà! Cháu đã gặp may trong trường hợp nào? Cháu nên nhớ từ bao nhiêu năm nay, các đại tôn sư đều mơ màng, sao có thể hợp được hai loại nội công cương, nhu, song vô ích.
Thủ-Độ thuât lại chi tiết việc nó tìm thấy nội công chuồng ngựa, rồi trong lúc lên cơn đau đớn, nó dùng để chống lại cơn đau gan, tỳ, tâm, do bọn Long-Sảm đánh nó.
Phòng-Phong à lên một tiếng:
- Ta hiểu rồi! Trường hợp của cháu cũng giống như Bắc-bình vương Đào Kỳ khi xưa! Âu là cái duyên.
- Thưa đại-phu Bắc-bình vương đã luyện thành trong hoàn cảnh nao ?
- Cháu nên nhớ, âm dương là hai thể tố được hình thành do trời đất, hỗ tương xung khắc nhau, hỗ tương kiềm chế nhau, hỗ tương sinh ra nhau mà tồn tại. Trong âm có dương, trong dương có âm. Mặt trời, ánh sáng, đàn ông, ban ngày, phía trên, hoạt động, phía sau, bên phải, phía trên là dương. Mặt trăng, bóng tối, đàn bà, ban đêm, phía dưới, tĩnh chỉ, phía trước, bên trái, phía dưới là âm.
- Cháu không hiểu thế nào là âm sinh ra dương ; dương sinh ra âm cũng như trong âm có dương, trong dương có âm.
- Để ta cho cháu một tỷ dụ. Âm sinh ra dương là gì ? Như khi ta ăn uống. Thức ăn là vật chất, thuộc âm. Ta ăn vào, trong cơ thể sinh ra khí. Khí là dương. Thế có phải âm sinh ra dương không ! Hay cụ thể hơn, bà mẹ là âm, sinh ra đứa con trai là dương !
- Thế còn dương sinh ra âm ? Ông bố là dương, có thể sinh ra con gái là âm. Trong cơ thể, khí là dương, tuần lưu khiến cho can, tỳ sinh ra huyết. Huyết là âm. Còn như trong âm có dương, trong dương có âm...
Thủ-Độ reo lên :
- Cháu hiểu rồi !
- Cháu thử nói ta nghe xem có đúng không nào ?
- Như đại phu nói, phía trước là âm phía sau là dương. Phía trên là dương phía dưới là âm. Như vậy lưng là dương. Nhưng chia lưng làm hai phía trên là dương, phía dưới là âm.
- Giỏi. Cháu đã học về Âm-Dương rồi à?
- Vâng! Thầy Phạm Kính-Ân dạy cháu về học thuyết Âm-Dương Ngũ-hành trong kinh Dịch.
Phòng-Phong vồ tay reo:
- Hay! Còn như cháu luyện nội công dương cương từ nhỏ. Bây giờ trong lúc ngủ, nội tức dương cương chạy về đơn điền. Trong cơ thể của cháu trống rỗng. Vì đau đớn, tiềm thức làm việc, luyện nội công âm nhu. Thế là âm nhu, dương cương hợp với nhau, thành một thứ nội công tổng hợp.
- Giỏi. Còn một điều cháu không biết nữa, là phàm khi luyện nội công dù dương hay âm, khi nội tức sinh ra mười phần thì chỉ lưu lại cơ thể có một phần thôi. Khi cháu luyện thành âm-dương hòa hợp, thì lúc luyện nội công âm-nhu sinh ra bao nhiêu chân khí, sẽ hợp với chân khí dương cương, thành nội lực của cháu. Ngược lại, cháu luyện nội công dương cương, bao nhiêu chân khí dương cương sinh ra sẽ hợp với chân khí âm-nhu thành nội lực của cháu. Thành ra cháu chỉ luyện một năm bằng người ta luyện mười năm.
Phòng-Phong nắm tay Thủ-Độ :
- Phép luyện công của các phái trong thiên hạ, hoặc là cương, hoặc là nhu. Ít khi có phép luyện cương nhu hợp nhất. Thiền-công là thứ cương nhu hợp nhất. Trong các môn phái của Đại-Việt, thì nội công của phái Sài-sơn, Tản-viên, Mê-linh hoàn toàn gốc từ tổ tiên để lại. Duy phái Tiêu-sơn thì gốc do Bồ-tát Tỳ-ni Đa-lưu-chi truyền Thiền-công vào, rồi các tổ Đại-Việt sửa đổi, phát minh thêm mà thành. Nội công phái Đông-A phát xuất từ Thiền-công Tiêu-sơn, rồi các đời sau tục gia hóa đi...Thế nhưng cương, hay nhu đều là nội công thuộc dương tính cả. Duy phái Mê-linh là có pho nội công âm-nhu, gồm 99 câu tâm pháp, rất ít người luyện được trọn vẹn. Thế hệ nào đông nhất, thì cũng chỉ có đâu mươi người là cùng. Còn nhưng luyện được cả âm lẫn dương thì từ sau Bắc-bình vương Đào Kỳ đến giờ, mới có mình cháu. Ngài có thời thơ ấu hơi giống cháu. Ngài học võ với cha mẹ. Cả cha lẫn mẹ đều luyện nội công dương cương. Khi phải xa bố mẹ , ngài mới có mười tuổi, công lực dương cương không làm bao. Rồi cơ duyên đưa đẩy, ngài lại được lão đại hiệp Nguyễn Phan truyền nội công âm nhu cho. Rồi ngài cũng luyện trong lúc ngủ, mà hòa hợp làm một.
Nghe Phòng-Phong nói, trong tâm Thủ-Độ nghĩ :
- Cứ như lời vị y sư này, với công lực của ta hiện thời, ta thừa sức thắng bọn Gia-thụy ngũ-anh. Ta muốn trả hận lúc nào cũng được. Ta không cần đi Thiên-trường nhờ ông bà ta, bác ta truy tầm thủ phạm trả thù mẹ nữa. Ta có thể tự làm lấy, mà không cần nhờ vả ai.
Bạch-Hạc hỏi Thủ-Độ:
- Bây giờ cháu có về Đông-cung nữa không? Hay cháu đi Thiên-trường?
- Hiện cháu còn một vài việc phải làm, nên cháu cần phải trở về Đông-cung. Sau đó cháu sẽ đi Thiên-trường.
Bạch-Hạc vuốt má Thủ-Độ:
- Mừng cho cháu. Bây giờ với công lực này, thì võ lâm thiên hạ không mấy người bằng cháu. Thế thì cái bọn bị thịt Gia-thụy ngũ anh không còn bắt nạt cháu được nữa. Hôm trước chúng nói, cháu là tôi tớ của chúng. Vậy cha mẹ cháu bán cháu cho chúng chăng?
Nghe Bạch-Hạc nói, Thủ-Độ mừng lắm. Nó nghĩ thầm:
- Bây giờ ta đã biết chắc bà này là chị của bố ta. Bà là cô ta. Ta cũng đã thấy các anh Thừa, Khánh. Họ là những người hiệp nghĩa, chứ không ác độc như bọn Long-Sảm. Ta cần xuất hiện để nhận họ hàng, để tìm ra thủ phạm đã sát hại mẹ ta. Ta cũng chẳng cần dấu diếm thân phận nữa.
Nghĩ vậy nó nhìn Bạch-Hạc bằng con mắt thiện cảm:
- Thưa cô, bố mẹ cháu là những người có thân phận cực lớn, lại có thâm tình vơí cô. Hiện bố cháu ở xa. Còn mẹ cháu thì qua đời rồi. Cái người mà cháu nói rằng bà qua đời, nhờ cháu chuyển di chúc cho năm người... là nói dối. Người qua đời chính là mẹ cháu. Mẹ cháu bị người ta dùng loạn tên bắn chết. Trước khi chết, mẹ cháu dặn cháu chuyển di chúc cho năm người, để truy lùng thủ phạm, trả thù cho mẹ cháu!
Nó nghiến răng:
- Còn bọn Gia-thụy ngũ anh, thì hai đứa thuộc loại thâm tình của cháu. Không thù, không oán, chả hiểu sao mà từ khi mới gặp nhau, chúng đã tỏ ra ác độc với cháu. Cháu đâu có là gia bộc của chúng? Thế mà, trên đường đi Thiên-trường, chúng bắt cháu về, rồi hành hạ vô cùng tàn nhẫn.
Thủ-Độ thuật lại tất cả những phương cách Long-Sảm hành hạ nó một lượt. Nghe Thủ-Độ kể, muôn ngàn lần Bạch-Hạc không thể tưởng tượng nổi nó là con của Thủ-Huy với Đoan-Nghi. Căn cứ vào câu Long-Sảm, Long-Thẩm với nó là chỗ thâm tình, nàng lại tưởng nó là cháu của Minh-Đạo vương. Bà rùng mình, than:
- Xưa, Thái-tổ nhà Lý là Công-Uẩn, nhân vua Ngọa triều ác độc, mà được thiên hạ. Vì vậy khi lên ngôi vua, ngài lấy đức từ bi, hỷ xả của nhà Phật mà trị dân. Bây giờ trong triều thì Thiên-gia Bảo-hựu hoàng đế vô đạo, hoang chơi, dâm dật. Tất cả việc triều chính phó cho Đàm Dĩ-Mông. Y vốn vô tài, mà lại muốn chuyên quyền, vì vậy những người có tâm huyết bỏ đi hết. Quyền hành lại vào tay họ Đàm. Hai vương Kiến-khang, Kiến-bình không được trao quyền. Tương lai, khi nhà vua băng, thì Đàm hậu lại chuyên quyền, cái tệ gà mái gáy có cơ trở lại. Đàm hậu chọn cho Long-Sảm ba Thiện-nhân, đều là những đứa trẻ vô học bất thuật, xúi Long-Sảm làm những việc ác độc còn hơn vua Ngọa-triều...
Bà thở dài:
- Hỡi ơi! Trước đây gần hai chục năm, em ta là Thủ-Lý đã sớm nhìn ra. Y trình với ông nội ta, phụ thân ta sớm rút chân ra khỏi vũng lầy của triều đình. Còn Thủ-Huy thì muốn giết tuyệt bọn quan lại vô lương, giết tuyệt bọn ngoại thích. Vì chỉ có thế mới thay đổi được cục diện của Xã-tắc. Làm thế thì có khác gì thay đổi triều đình? Ta nghe em ta hiện ở nước Mông-cổ xa xôi, gác kiếm không lý gì đến triều đình Đại-Việt. Tình dân, thế nước như vậy, nên trong triều, ngoài dã, ai cũng mong Thủ-Huy trở về cầm quyền.
Bà nắm tay Thủ-Độ:
- Con đang gọi ta là bà, thình lình đổi cách xưng hô, gọi ta là cô, ắt phải có nguyên do. Khi con không phải là tôi tớ của Long-Sảm, thì con có thể bỏ đi khỏi Đông-cung, mà không ai nói năng gì được.
- Vâng. Con đoán, hung thủ giết mẹ con ắt thuộc bọn quyền quý ? Con con chưa tìm ra hung thủ, con phải ở lại Đông-cung ít lâu nữa.
- Vậy, con cần dấu thân phận kỹ hơn nữa. Khi bọn Gia-thụy ngũ anh thách đấu, con đừng vận công chống trả, cũng đừng phản công. Như vậy hung thủ khinh thường con, con mới có thể dò ra tung tích chúng... À, con đã học được những võ công gì của Đông-A?
- Bố con dạy con tất cả tâm pháp nội công. Còn ngoại công thì chỉ mới có quyền pháp, chưởng pháp, kiếm pháp.
- Tuy ta không biết rõ song thân con là ai, ta vẫn dạy con một pho võ công liệt vào hàng trấn môn, đó là Cương-la thập bát thức.
- À!
- Con đã nghe nói về Cương-la thập bát thức rồi à?
- Vâng.
- Pho võ công này là tâm huyết của cả đời thái sư phụ ta đã chế ra. Muốn học bộ võ công này, trước nhất phải luyện hết phần căn bản võ công bản phái, lại phải thông Dịch-lý. Phần căn bản thì con đã học rồi. Vậy từ mai, con cố gắng tìm dịp ra đây, ta sẽ giảng Dịch-lý cho con trước.
- Thưa cô, con đã học kinh Dịch rồi. Con học rất kỹ.
- Con học ở đâu? Ai đã dạy con?
- Con học ở Quốc-tử giám. Thầy dậy con là Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân.
- Vậy thì con có thể học ngay từ ngày hôm nay.
Bạch-Hạc dẫn Thủ-Độ ra sau y viện. Vừa trông thấy khu vườn rộng ước hơn mẫu (3600 mét vuông ngày nay), trồng hoa, cỏ. Cạnh đó có cái ao khá lớn. Thủ-Độ bậït lên tiếng kêu:
- Chà! Cô trồng cỏ thành hình Cửu-cung Bát-quái đẹp quá.
Muốn thử Thủ-Độ, Bạch-Hạc hỏi:
- Trong hai khu trồng cỏ này, một khu theo hình Tiên-thiên, một khu theo hình Hậu-thiên. Vậy trước hết cháu hãy đi theo hình Hậu-thiên. Khởi đầu bằng quẻ Càn.
Thủ-Độ tung mình vào khu hình vuông, đặt chân vào sáu vạch liên tục, đứng chờ.
Bạch-Hạc hô:
- Thiên-phong cấu.
Thủ-Độ vừa di chuyển, thì Bạch-Hạc hô tiếp:
- Cung Cấn , Địa Thiên-thái.
Sau hơn hai khắc, Bạch-Hạc bắt Thủ-Độ di chuyển suốt 64 quẻ. Nó cảm thấy chân khí cuồn cuộn lưu thông khắp cơ thể, người nó nhẹ nhưng bông.
Bạch-Hạc chỉ lên một bức tường. Trên tường treo đủ các dụng cụ đánh cá như: Cụp, vó, rọng, te, nơm, lưới, chài, lờ, đó. Bà giảng:
- Tổ tiên của giòng họ Đông-A nhà ta tại vùng Khúc-giang, xuất thân làm nghề đánh cá. Nay thuộc Quảng-Đông bên Trung-quốc. Thời vua An-Dương, viễn tổ Trần Tự-Minh được phong tước Phương-chính hầu, lĩnh chức tể tướng. Khi vua Thủy-Hoàng nhà Tần, sai Đồ Thư mang năm mươi vạn quân sang đánh Âu-lạc. Vua An-Dương truyền rút khỏi ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Ba chi của họ Trần bất khuất, bỏ Khúc-giang di chuyển xuống vùng Lục-hải. Con có biết Lục-hải hiện nay là vùng nào không?
- Là vùng bờ biển từ Tiên-yên tới Thanh-hóa. Như vậy tổ tiên giòng họ Trần ở Thiên-trường với Khúc-giang là một.
- Rời Khúc-giang, tổ tiên ta vẫn giữ nghề đánh cá. Vì vậy, cho nên môn phái Đông-A rất giỏi thủy chiến, đấu võ trên thuyền, dưới nước. Dĩ nhiên đứng đầu thiên-hạ về việc dùng dụng cụ đánh cá làm vũ khí... Cho nên thái sư phụ của ta mới chế ra Thiên-la thập bát thức. Thiên-la là lưới nhà trời, ở đây vũ khí là cái chài.
Bà lấy cái chài ra trao cho Thủ-Độ:
- Cái chài có nhiều mắt lưới, nhỏ, to, rộng hẹp tùy theo loại. Chài đan theo hình cái nơm, gồm tám múi. Mỗi múi ngăn cách với nhau bằng một sợi giây lớn gọi là cương. Một đầu tám sợi giây buộc chặt vào một sợi giây cái, rất lớn, dài từ một tới ba trượng. Một đầu được buộc vào một sợi giây cương nữa. Sợi giây này hình tròn. Trong tám múi, mỗi múi móc tám viên chì hình trám. Tổng cộng 64 viên chì mang tên 64 quẻ Tiên-thiên. Khi đánh cá, ngư phủ cầm chài vung ra, tỏa thành hình tròn bát quái, úp xuống nước. Trong phạm vi vòng tròn, bao nhiêu tôm cá bị úp vào trong. Ngư phủ cầm sợi giây kéo lên thuyền, gỡ tôm cá ra.
Giảng xong, Bạch-Hạc cầm cái chài đến bờ ao. Bà vung tay lên, cái chài xòe ra, chụp xuống mặt nước đến rào một tiếng. Chờ cho chài chìm xuống nước, Bạch-Hạc cầm sợi giây cái kéo lên. Trong chài, hàng chục con cá lớn nhỏ mắc vào. Thủ-Độ reo lên, nó gỡ những con cá ném xuống ao. Bạch-Hạc nghĩ thầm:
- Đứa nhỏ này có bản tính hiền hậu đây.
Bà giảng:
- Cương la thập bát thức như tên mang, có 18 thức. Mỗi thức biến hóa ra âm dương, thành 36. Khi xử dụng thì âm là hư, dương là thực, biến hóa ra 36.
Bà ngừng lại:
- Còn như con, con luyện được cả nội công dương cương lẫn âm nhu, thì con có thể xử dụng chiêu âm thành thực, chiêu dương thành hư. Cũng có thể cả âm, lẫn dương đều hư, đều thực. Thế là 36 thành 216. Đối thủ không biết đâu mà lường. Nhưng Âm dương chia ra Thái-âm, Thiếu-âm, Khuyết-âm. Dương chia ra Thái-dương, Thiếu-dương, Dương-minh, bây giờ 216 thành 1296 chiêu. Mỗi hư, thực lại biến theo 64 quẻ thành 82.944 chiêu. Uy lực vô song.
Thủ-Độ cầm cái chài, vận khí, tay vung lên, chân bước theo 64 quẻ Bát-quái. Khoảng hai giờ (4 giờ ngày nay) nó đã thành thuộc 18 thức căn bản.
Trời đã về chiều, Bạch-Hạc dặn nó:
- Trở về, con tìm chỗ vắng, tiếp tục luyện tập. Mai lại ra đây, ta sẽ kiểm lại, rồi dạy tiếp.
Thủ-Độ từ biệt ông bà Phòng-Phong, trở về Đông-cung. Trên đường đi, qua chợ, trước cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ con. Một thiếu niên ngang tuổi với nó nắm áo nó kéo lại :
- Này, đằng í có tiền, mua ít đồ chơi đi.
Tò mò nó dừng chân bước vào trong. Đứa trẻ bán hàng chỉ cho nó những đồ bằng đất nung như voi, trâu, ngựa, chó, mèo, cọp. Nó lắc đầu. Thằng bán hàng lại chỉ cho nó xem mấy cái mặt nạ : Mặt nạ khỉ, mặt nạ trâu, mặt nạ lợn, mặt lạ chó, mặt nạ quỷ Vô-thường, mặt nạ quỷ đầu trâu, mặt nạ quỷ mặt ngựa, mặt nạ ma đói. Chợt động tâm tư, nó nghĩ :
- Ta mua mấy cái mặt nạ này, đợi đêm tối, nhát bọn Gia-thụy ngũ anh cho chúng sợ té đái, vãi phân ra.
Nó mua một cái mặt quỷ Vô-thường, quỷ đầu trâu, quỷ mặt ngựa rồi trở về Hoàng-thành.
Nó nghĩ thầm:
- Bây giờ võ công ta cao, ta lại khôn ngoan hơn xưa. Trước hết ta phải dò thám trong Hoàng-thành, để tìm ra kẻ đã sát hại mẹ ta, rồi giết cả nhà nó đến con chó, con mèo cũng không tha. Nếu như ta không tìm ra thủ phạm, bấy giờ ta mới đem lời trối trăn của mẹ ta nói với ông bà nội, bác Lý, cô Ngân, để các người giúp ta tìm kiếm...
Nghĩ đến bọn Long-Sảm, nó nghiến răng:
- Còn bọn Long-Sảm, ta không thể cho chúng chết dễ dàng. Ta phải làm cho nó đau đớn tinh thần, thể xác, chết không xong, mà sống cũng không nổi. Cái bọn Gia-thụy ngũ anh, ta làm cho nó tàn sát lẫn nhau, làm cho giang sơn của họ Lý nát ra như tương, rồi giết tuyệt giòng họ Lý, mới hả cái giận này!
Thủ-Độ về tới Đông-cung, không thấy bọn Gia-thụy ngũ anh, nó dò hỏi, thì được biết bọn này vào Hoàng-thành chầu hầu Hoàng-hậu theo định kỳ hàng tháng. Nó ăn cơm xong, thì Cao Giới tới khóa chân nó, rồi lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có thế, nó lấy chìa khóa mở xích chân, mang chài ra luyện Cương la thập bát thức. Luyện đi, luyện lại năm lần thành thuộc, nó cất chài vào một chỗ kín.
Ý tưởng điều tra kẻ sát hại mẹ lại lởn vởn trong tâm:
- Ta phải dò la cung An-toàn xem, biết đâu chẳng tìm ra ánh sáng ?
Nghĩ vậy, Thủ-Độ mang rơm cuộn lại thành bó như hình người, đặt vào chỗ nó vẫn nằm ngủ, lấy chăn phủ lên. Như vậy nếu có ai kiểm soát, vẫn tưởng nó ngủ. Nó lén lên phòng viên thái giám gia Đỗ Viện, lấy trộm bộ quần áo mặc vào. Nó lại lấy cái mặt nạ quỷ Vô-thường, dùng mực bôi đen nửa mặt bên trái, lấy son bôi đỏ nữa mặt bên phải, lấy vôi bôi trắng cổ, trán. Nó đeo thử. Nhìn vào gương, nó thấy mình ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ. Nó bật cười, rồi hướng Hoàng-thành, dùng khinh công phóng tới. Nó biết tại góc Đông thành, không có thị vệ gác, nó hít một hơi, rồi tung mình nhảy qua tường, đáp vào trong nhẹ nhàng. Nó nhắm cung An-toàn là nơi Hoàng-hậu ở dò dẫm tới.
Bên ngoài cung, có một thị vệ đứng gác. Nó len lén đến phía sau y. Thình lình y quay lại, thấy nó. Y tưởng là quỷ, kinh hoảng y ngất xỉu. Thủ-Độ phóng chỉ điểm vào huyệt Á-môn của y. Nó dấu y vào bụi hoa, rồi tung mình nhảy lên nóc cung. Nó vận âm kình dùng ngón tay sẽ chọc một lỗ, ghé mắt nhìn xuống : Bên trong, Đàm hoàng hậu ngồi trên một cái ngai, chạm hai con phụng. Bà im lặng đọc sách. Cạnh bà, Gia-thụy ngũ anh ngồi trên năm cái ghế.
Có tiếng trong trẻo của ai đó nói :
- Trung-thu sang năm, Hoàng-thượng mở cuộc thí võ. Ai trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm làm quan võ, thay cho bọn tướng sĩ già nua. Như vậy, mai này Sảm nhi lên ngôi, sẽ có nhiều thiếu niên anh tài phò tá.
Thủ-Độ hướng mắt theo tiếng nói, thì thấy một đạo cô ngồi trên chiếc sập sơn son thiếp vàng. Bất giác nó cau mặt nghĩ :
- Người này là ai, mà đẹp đến thế kia ? Bà ta đẹp không kém gì mẹ ta, hơn cả Đàm hoàng hậu. Có lẽ chỉ thua có chị Kim-Dung con bác Lý mà thôi !
Chợt nó nhớ lại: Hồi mới vào ở trung cung của bà ngoại nó, nó có gặp đạo cô này một lần. Cung nga Thụy-Nga giảng cho nó biết rằng, đạo cô này có tên Nam-thiên huyền quân. Bà là sư phụ của nhà vua với hoàng-hậu. Nhà vua đã lấy cung Ngọc-lan của Tuyên-phi thời vua Nhân-tông, sửa thành am cho bà tu luyện. Trong am Ngọc-lan, nhà vua cung cấp cho bà đầy đủ cung nga, thái giám như một thái-hậu. Các võ quan cầm binh quyền hiện thời như Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc đều là đệ tử của bà. Uy tín bà cực lớn, bất cứ hoàng thân, quốc thích, đại thần nào thấy bà cũng phải rạp người xuống.
Đạo-cô hỏi Hoàng-hậu :
- Chiếu chỉ dự tuyển bao nhiêu người ? Thể thức ra sao ?
- Tâu mẫu hậu, chiếu chỉ định rõ như sau. Các sĩ tử trong nước chia làm hai loại . Một là loại dân dã. Hai là con cháu trong Hoàng tộc, Ngoại-thích, con các quan. Trước hết là loại dành cho dân gian. Các trấn, các phủ các huyện tổ chức sơ tuyển. Môn thi gồm cả văn lẫn võ. Sau đó tất cả thí sinh phải về Thăng-long thi hội. Thi hội do Binh-bộ đảm trách, lấy trúng tuyển 72 dũng sĩ. Còn thí sinh trong Hoàng-tộc thì do quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn tuyển chọn, rồi cho thi hội, cũng tuyển 72 dũng sĩ. Đến ngày rằm tháng tám, thì tatá cả 144 dũng-sĩ cùng vào thi đình thí. Đình thí sẽ do Hoàng-thượng đích thân chấm, cùng với ba giám khảo là Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Đại-đô đốc Phùng Tá-Chu. Trong 144 dũng sĩ, sẽ lấy 36 Tiến-sĩ dân gian, 36 Tiến-sĩ Hoàng-tộc. Cuối cùng trong 36 Tiến-sĩ đó sẽ lấy ba người đỗ Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa dân gian, và ba Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa Hoàng-tộc.
Đạo-cô đưa mắt nhìn bọn Long-Sảm :
- Trước đây ta để cho đệ tử của ta là Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc dạy các cháu, thành ra Trung-thu năm trước, Sảm nhi mới bị tên giặc non làm nhục. Sau đó các cháu đánh nó bị trọng thương, làm hỏng việc của ta. Ý ta muốn lưu nó trong cung, làm nó nhục nhã, ê chề, sống không nổi chết không xong. Thế nhưng các cháu lại đánh nó quá tay, đến nỗi nó chết đi sống lại. Bây giờ nó ra sao ?
Thủ-Độ giật mình:
- Thì ra họ đang nói chuyện mình!
Nó quy tức, lắng tai nghe, tự hỏi:
- Mụ này là một đạo cô, mà giọng nói hách dịch như thái hậu vậy? Có gì bí ẩn không?
Nguyễn Dư thuật lại những phương cách chúng đã hành hạ Thủ-Độ một lượt. Đạo-cô cau mày :
- Ta ra lệnh cho các cháu làm nhục nó mà các cháu đánh đến nỗi nó bị nội thương. Ta nghe tên Vũ Phòng-Phong chữa bệnh cho nó nói rằng chỉ nội trong tháng này nó sẽ chết. Hà... như vậy thì sao có thể dụ bố nó về nước để ta xử lăng trì về tội vi chỉ ?
Long-Sảm xua tay :
- Tâu tổ mẫu, hài nhi thấy dường như nó khỏi bệnh rồi, vì khi đi, lúc gánh phân, nó không tỏ ra đau đớn gì cả!
Thủ-Độ cau mặt suy nghĩ:
- Tại sao Long-Sảm lại gọi đạo cô là tổ mẫu? Người mà Long-Sảm phải gọi là tổ mẫu chỉ có Chiêu-Linh thái hậu mẹ đẻ ra Thái-tử Long-Xưởng và Chiêu-Thiên thái hậu, mẹ đẻ nhà vua. Cả hai bà đều băng hà rồi! Đạo-cô này là ai?
Đạo-cô lên tiếng:
- Có thực thế không? Một người bị đánh dập lá lách, dập gan, nghẽn tâm mạch mà khỏi được sao? Thôi cũng được! Bây giờ ta có chỉ dụ cho năm cháu!
Cả Gia-thụy ngũ anh đều ngồi ngay ngắn lại:
- Bọn thần nhi xin kính cẩn nghe chỉ dụ của tổ mẫu!
- Từ hôm mấy cháu bị nó đánh bại ở quán Bích-động đến giờ, các cháu có thấy nó luyện võ công không?
- Không!
- À được đấy! Như vậy bản lĩnh của nó cho đến rằm tháng tám sang năm cũng không thay đổi. Trong khi đó, suốt mấy tháng qua, ta âm thầm luyện võ cho các cháu. Vậy các cháu phải luyện ngày, luyện đêm, sao cho đến rằm tháng tám sang năm, ba cháu Bỉnh-Du, Nguyễn Dư, Đoàn Thượng phải đoạt giải trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Còn Long-Sảm, ta sẽ cho tái đấu với thằng giặc non đó. Cháu phải thắng nó, làm cho nó nhục nhã trên đài, đánh cho nó thành tàn tật. Như vậy, dù nín nhịn đến đâu, bố nó cũng phải về nước, cũng phải xuất hiện. Bấy giờ ta sẽ xử lăng trì y... Hôm nay, ta dạy các cháu luyện bộ Hoa-sơn chưởng pháp.
Nói dứt bà ta giảng yếu quyết, cách vận công, cách biến hóa. Sau đó bà từ từ diễn từng chiêu một. Bọn Gia-thụy ngũ anh cũng luyện theo bà ta. Luyện một lúc, đã thuần thục, bà ta ra lệnh:
- Bây giờ các cháu bắt đầu vận khí phát chiêu. Trước hết là chiêu Thương-tùng nghênh khách.
Cả Gia-thụy ngũ anh cùng phát chiêu. Nhưng chân khí không ra. Đạo-cô bực mình:
- Ta đã giảng, khi phát chiêu đầu thì khí trầm đơn điền, rồi đưa xuống hạ tiêu, thì lực mới ra. Làm lại!
Năm đứa hít hơi, vận khí. Nhưng lực cũng không ra. Đạo-cô không tỏ ra bực mình:
- Các cháu phải biết rằng, đây là bộ chưởng vô thượng của Trung-nguyên. Không phải ai cũng luyện thành. Khi thành rồi, thì trở thành anh hùng vô địch.
Năm trẻ lại vận khí, nhưng lực vẫn không ra. Chúng phải luyện đến hơn hai khắc sau, chưởng mới có gió. Đạo-cô an ủi:
- Nếu bộ chưởng này dễ luyện, thì ai cũng thành vô địch cả sao? Phàm đệ tử học chưởng này, chia làm hai bậc. Bậc một chỉ học chiêu số, phát lực thôi. Sau khi các cháu luyện thành rồi, ta mới giảng Dịch-lý áp dụng, cùng biến hóa Cửu-cung trong Vô-trung kinh, đấy mới là cái ảo diệu. Bây giờ các cháu trở về tự luyện. Trong ba ngày nữa, các cháu vào đây để ta kiểm lại.
Bà ta hỏi Đoàn Thượng:
- Phụ thân cháu đã tìm ra ngôi mộ đó chưa?
- Thưa, rồi!
- Ở đâu?
- Ở Mê-linh, trong khu mộ dành cho liệt tổ phái Mê-linh.
Người đàn bà áo vàng đập tay xuống sập, hỏi Đàm hoàng hậu:
- Sao? Sao? Sao lại chôn ở đó?
Mặt Đàm hoàng hậu tái xanh, bà nói bằng giọng run run, tỏ ra cực kỳ sợ hãi:
- Hồi ấy, Hoàng-thượng ban chỉ đem về Cổ-pháp chôn vào khu vực dành cho con cháu trong hoàng tộc. Song Thái-phi Bùi Chiêu-Dương xin đem về quê ấp phong của thị ở Côi-sơn chôn. Thần nhi ban mật chỉ cho bọn thái-giám Phạm Bố, Đỗ Quảng đem một cỗ quan tài giả, trong chỉ có khúc gỗ, đưa về chôn ở Côi-sơn. Còn quan tài thực, thì đem quẳng xuống sông Hồng. Không ngờ hai hôm sau quan tài nổi lên, trôi vào bãi sông đền thờ vua Trưng. Một số đệ tử Mê-linh thấy quan tài lạ dạt ở bãi Đồng-nhân, thì cho rằng thi thể người trong quan tài được vua Trưng phù hộ, vì vậy, họ đem về Mê-linh chôn.
Nghe đối đáp, Thủ-Độ kinh hoàng, vì nó biết rằng người ta đang nói đến việc chôn cất mẹ nó. Hồi ấy nó còn nhỏ, mẹ nó bị giết, rồi đem chôn cất vội vàng. Tuy nhiên nó cũng được theo linh cữu về Côi-sơn. Sau Bùi thái phi cho nó biết linh cữu đó là linh cữu giả. Còn linh cữu thực, thì Đàm hậu đem quẳng xuống sông... rồi nổi lên ở đền thờ vua Trưng. Rồi phái Mê-linh đem về tổng đường của phái này ở núi vua Bà chôn vào một nơi bí mật. Họ lại làm một mộ giả, để đánh lừa kẻ thù. Nó nghĩ thầm:
- Người đàn bà mặc áo vàng là ai? Võ công bà ta đến trình độ nào, mà lại miệt thị bọn Phạm Bỉnh-Di ? Tại sao bọn Gia-thụy gọi là Thái-hậu? Tại sao Đàm hậu tỏ ra sợ hãi bà ấy như vậy? Cho đến nay, cái chết của mẹ ta chưa hé lộ một chút ánh sáng! Mẹ ta tuân chỉ của nhà vua, về để xây dựng lại kỷ cương Xã-tắc, rồi bị giết, có thù oán gì với Đàm hậu, mà bà lại quẳng linh cữu xuống sông?
Đao-cô hất hàm ra lệnh cho Đàm hoàng hậu:
- Ta tính số Tử-vi của thằng giặc non thì thấy cung phúc của nó đóng tại Tuất, có Thái-âm tọa thủ. Như vậy, nó được hưởng phúc ngôi mộ của mẹ nó. Ngôi mộ mẹ nó chắc là kết phát tốt lắm, nên các người đánh nó như vậy, mà nó vẫn sống nhăn. Bây giờ thế này: Người ban chỉ cho Đàm Dĩ-Mông mật sai người đi Mê-linh, đào mả mụ ấy lên, bỏ vào đó một con chó đen chết. Như vậy thì thằng giặc non không thể chết, nhưng đời đời, nó là một tên tàn tật, làm tôi tớ mà thôi.
Bà ta nghiến răng:
- Phải làm ngay, mả mẹ nó bị động, thì trong cuộc đấu võ ngày tết Trung-thu sắp tới, Long-Sảm mới thắng nó.
Đàm hoàng hậu líu ríu :
- Thần nhi kính cẩn tuân chỉ của mẫu hậu !
Đến đấy, đạo cô đứng lên. Đàm hậu cùng Gia-thụy ngũ anh rạp người xuống tiễn đưa. Đạo-cô vẫy tay :
- Miễn lễ !
Rồi mụ ra khỏi cung An-toàn. Thấp thoáng một cái, mụ đã biến vào trong bóng đêm. Thủ-Độ nhảy xuống vườn, rồi dùng khinh công theo mụ bén gót. Tới am Ngọc-lan, nó ẩn vào sau bụi mẫu đơn nghe ngóng. Không thấy có thị vệ canh phòng bên ngoài, nó tung mình lại bên cửa sổ, dùng ngón tay chọc thủng giấy, ghé mắt nhìn vào, bất giác nó rùng mình: Đạo-cô trần truồng. Bà ta đang nằm gọn trong tay một người đàn ông cũng trần truồng. Người đàn ông đó chính là quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn.
Thủ-Độ tự hỏi:
- Cứ như ta biết, thì Đoàn Văn là em sữa của nhà vua. Nhờ nuôi sữa nhà vua hồi trước, mà mẹ của Văn hiện được phong tới nhất phẩm phu nhân. Lúc Văn mới mười lăm tuổi được tuyển làm trưởng toán thị vệ canh giữ Hoàng-thành. Dần dần, Văn được cất nhắc lên chức Tổng-lĩnh thị vệ. Gần đây vợ của Đoàn Văn lại nuôi sữa Long-Sảm. Thành ra Đoàn Thượng với Sảm lại thành anh em sữa. Văn với Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc đều là đệ tử của Nam-thiên huyền-quân đạo cô. Thế sao y với đạo cô lại ???
Thủ-Độ tuy thông minh, lại trải qua những nhục nhằn, những nguy nan, nên nó đã khôn ngoan như một người trưởng thành. Thế nhưng, chuyện trai gái thì nó không biết một chút gì! Nó nghĩ thầm:
- Không biết đạo cô với Đoàn Văn đang luyện tâm pháp thượng thừa gì ? Đoàn Văn là đệ tử của đạo cô, chắc đạo cô trực tiếp truyền chân khí cho đệ tử giống như khi xưa Bồ-tát Sùng-Phạm đã truyền cho phò mã Thân Thiệu-Thái đây.
Thấy trời về khuya, nó dùng khinh công trở về Đông-cung. Chợt nhớ đến bộ chưởng Hoa-sơn, mà đạo cô nói rằng đó là bộ chưởng trấn môn của phái này ; bây giờ bà ta đem dạy Gia-thụy ngũ anh. Nó vận khí, rồi luyện thử. Không khó khăn, nó chỉ hai lần thì thành công. Nó nghĩ thầm :
- Trước đây ta nghe bố mẹ ta thường bàn rằng: Bộ Hoa-sơn chưởng này uy vũ thực không tầm thường, chính nó làm cho phái Hoa-sơn lừng danh Trung-nguyên ! Nếu so sánh với bộ Phục-ngưu thần chưởng của phái Tản-viên, Mục-ngưu thiền chưởng của Bố-Đại hòa thượng, Đông-A chưởng pháp của phái Đông-A, thì bên tám lạng, bên nửa cân. Nó chỉ thua bộ Tán-lạc hồn chưởng của công chúa Bảo-Hòa mà thôi. Đã vậy ta luyện thực kỹ, khi cần ta xử dụng để không ai nhận ra chân tướng của ta. Đạo cô nói rằng khi phát chiêu rồi, mà vận khí, biến hóa theo Cửu-cung bát quái, đó mới thực là cái ảo diệu. Hồi chiều ta đã được cô Bạch-Hạc dạy Thiên-la thập bát thức, biến hóa theo Dịch-lý. Bây giờ ta đem ra luyện Hoa-sơn chưởng thử xem, biết đâu chẳng thành công ?
Chân nó bước theo Hậu-thiên bát quái, tay phát chiêu. Chỉ chiêu đầu, nó thấy chân khí ào ào tuôn ra mạnh vô cùng. Nó luyện thêm mười lần nữa rồi mới chui vào chuồng ngựa nằm ngủ. Nó nghĩ:
- Nhất định đạo cô Nam-thiên với Đàm hậu có liên hệ tới cái chết của mẹ ta. Ta phải theo dõi để truy lùng ra thủ phạm. Ngày mai, ta ra đền thờ vua Trưng cáo sự này với phái Mê-linh . Họ sẽ báo cho Nghi-Phương sư thái biết, để bà sai đệ tử rình ở mộ giả của mẹ ta mà bắt kẻ thù. Một mặt ta phải điều tra cho ra bằng này điều : Đạo-cô là ai, mà Long-Sảm lại gọi là Thái-hậu ? Tại sao mụ lại thù hận mẹ ta ? Có phải mụ ám toán mẹ tay hay không ? Long-Sảm, Long-Thẩm với ta vốn có tình cốt nhục, tại sao chúng lại ác độc với ta đến cùng cực ? Tại sao Đàm hậu lại quăng linh cữu mẹ ta xuống sông Hồng ?
Lát sau có tiếng xe ngựa lọc cọc chạy vào sân. Nó biết bọn Gia-thụy ngũ anh đã trở về. Rồi có tiếng bát, đĩa từ Ngự-thiện đường vọng lại. Nó biết bọn này mới luyện võ, bụng đói, chúng sai cung nga dâng đồ ăn khuya. Chính nó cũng cảm thấy đói. Nó núp ngoài cửa sổ nhìn vào: Cung nga bưng xôi đậu xanh với chim sẻ quay lên, bầy ra bàn. Tính tinh nghịch nổi dậy, nó nhặt ba viên sỏi, vận âm kình bắn vào ba con chó đang nằm ở giữa sân. Ba con chó đau quá, tru lên rồi kêu oăng oẳng. Gia-thụy ngũ anh cùng đứng dậy, tung cửa chạy ra sân. Chỉ chờ có thế, nó nhảy vào trong cửa sổ, trút năm đĩa chim sẻ quay, hai đĩa xôi lớn vào cái khăn quàng cổ, rồi tung mình ra ngoài.
Bọn Gia-thụy ngũ-anh xem xét ba con chó, không thấy có gì lạ, chúng ngơ ngác nhìn nhau. Đoàn Thượng hỏi Cao Kinh:
- Tại sao, tự nhiên chúng lại tru lên như bị ai đánh vậy?
- Thưa công tử, nếu ba con chó bị đánh thì ai đánh? Nếu ai đó đánh chúng nó, thì tiểu nhân e y chưa vào đến nơi, chúng nó đã sủa ầm lên rồi!
Một cung nga chỉ ba con chó:
- Khải Thái-tử, gần đây thần thấy ba con chó này hay sủa trăng. Có lẽ chúng có linh tính, thấy ma thì sủa lên, đuổi ma đi. Vì vậy, hôm nay trời tối, ma thù hận đánh chúng chăng?
Gia-thụy ngũ-anh nhìn nhau tỏ vẻ sợ sệt. Cao Giới trấn an:
- Xin Thái-tử yên tâm. Ngày mai thần sẽ thỉnh thầy phù thủy cao tay nhất Thăng-long vào đây, để ông ta xem. Nếu là ma, ông ấy sẽ bắt bỏ vào hũ, giam dưới giòng sông Hồng, là mọi chuyện sẽ êm ngay.
Gia-thụy ngũ anh trở vào Ngự-thiện đường, thấy xôi, chim sẻ biến mất; cả năm cùng mở to mắt ra nhìn nhau đầy kinh ngạc. Long-Sảm hỏi cung nga hầu bàn:
- Người có đem chim sẻ, xôi xuống bếp hấp lại không?
- Khải không! Hay mèo vào ăn vụng?
- Trong Đông-cung này làm gì có mèo, mà bảo mèo ăn vụng? Vả mèo nào mà thoáng một cái đã ăn hết hai chục con sẻ quay với hai đĩa xôi lớn?
Nguyễn Dư thêm vào:
- Nếu mèo ăn vụng, thì trên bàn phải có vết chân chứ? Có lẽ là ma! Thần nghe lão thái-giám Đỗ Viện kể rằng trong Đông-cung này có nhiều ma lắm
- Gọi Đỗ Viện lên đây!
Long-Sảm tuyên chỉ: Ta... Ta ở đây đã hơn năm, mà sao không biết gì?
Thái giám Đỗ Viện, dáng người mệt mỏi, nước da trắng bệch, bụng to như cái trống hành lễ:
- Thần chờ chỉ dụ của điện hạ.
Long-Sảm chỉ cái ghế:
- Người ngồi đó đi, rồi thuật cho ta biết trong Đông-cung này có bao nhiêu con ma?
Đỗ Viện ngước con mắt lờ đờ nhìn vào quãng không, y hắng rặng một tiếng, rồi thở dài:
- Điện-hạ hiện là trừ quân, mai này sẽ lên ngôi Cửu-ngũ, thì xung quanh lúc nào cũng có chư thần theo phò trợ. Những ma vặt, ma có tội bị xử tử, không thể vào Đông-cung này mà quấy nhiễu được. Còn như ma mà có thể vào đây, ắt chúng là ma mà chư thần không thể cản trở nổi. Những ma ấy, thì một là chúng bị oan khuất quá đáng, hai là chúng thuộc loại mệnh lớn, đến nỗi chư thần phải chịu thua chúng. Loại này e không thầy phù thủy nào có thể yểm hay bắt chúng... Trong Đông-cung, có cả ma oan khuất, lẫn ma mệnh lớn.
Long-Sảm phát run:
- Người có biết tên chúng không?
- Khải, thần biết.
Nói rồi lão khoan thai kể:
" - Đông-cung được kiến tạo từ niên hiệu Thuận-thiên thứ nhất đời đức Thái-tổ nhà ta (1010). Đức Thái-tông là người ở đây đầu tiên. Trong thời kỳ này, có hai người trong Đông-cung bị giết. Người thứ nhất là Đinh phi bị Ưng-sơn song hiệp chặt đầu. Người thứ nhì là quận chúa Hồng-Phúc bị tiên cô Bảo-Hòa xử tử. Thời đức Thánh-tông, Thần-tông, Minh-Đạo vương cư ngụ, không có ai chết. Tới khi Thái-tử Long-Xưởng ở thì có nhiều người chết lắm. Trước hết, lúc Thái-tử Long-Xưởng dẹp triều đình gà mái gáy rồi, thì nào cung nga, nào thái giám do Cảm-Thánh thái hậu đem vào, bị giết trước sau hơn năm chục người. Kế tiếp, Nghi-Tàm song ma bị công chúa Đoan-Nghi giết. Trong cuộc khởi loạn của bọn tế tác Tống, có bốn cung nga, bốn thái giám bị giết... Những con ma này, hoặc là bị xử tử đáng tội, hai là thân phận nhỏ bé. Chúng không thể hiện ra nhát điện hạ được".
Long-Sảm đã bắt đầu sợ:
- Thế... Sao nó vừa mới đánh chó, lại ăn hết hai chục con chim sẻ quay, hai đĩa xôi lớn?
- Khải điện hạ, khi ma có thể vào đây mà chư thần không cản nổi, chúng lại có thể hiện ra đánh chó, ăn chim, ăn xôi...thì chúng thành quỷ rồi. Hà! Loại quỷ này thần biết chúng là ai rồi!
Gia-thụy ngũ anh đều phát run, hàm răng đánh vào nhau kêu lộp cộp.
- Khi Hoàng-thượng lên ngôi, thì Thái-tử Long-Xưởng bị đuổi khỏi Đông-cung. Về sau người cùng vương phi, sáu con với mấy trăm gia tướng, cung nga, thái giám bị giết chết trong trường hợp ám muội, oan hồn phiêu phưởng không nơi nương tựa, cũng chẳng có người hương khói. Những hồn oan đó sẽ ở đâu? Nương tựa vào đâu? Dĩ nhiên họ trở về chỗ ở cũ là Đông-cung. Trong Đông-cung này, có ít nhất cả trăm quỷ! Nhất là gần đây...
Long-Thẩm run lẩy bẩy:
- Gần đây gì nữa?
- Gần đây công chúa Đoan-Nghi bị ám hại. Con trai bị hành hạ, đầy ải ở đây, dĩ niên oan hồn của người luôn luôn theo bên con trai để phò hộ. Khi sống, công chúa lập không biết bao nhiêu công lao vối Xã-tắc. Hoàng-thượng bị nguy hiểm đến tính mệnh hơn ba lần, đều do công chúa cứu cả. Võ công của người cực kỳ cao thâm. Hỏi khi hồn người vào Đông-cung thì thần nào dám cản?
Nguyễn Dư nói cứng:
- Thôi thì đêm nay điện hạ với bọn thần cùng ngủ tại đây. Bên ngoài có anh em Cao Kinh, Cao Giới canh phòng. Ngay mai chúng ta cáo với Nam-thiên huyền-quân tiên tử, người sẽ ra tay bắt quỷ, trừ ma.
Tên thái giám Đỗ Viện cáo từ, rời Ngự-thiện đường, lui ra. Gia-thụy ngũ anh gọi Cao Kinh, Cao Giới truyền chúng canh phía ngoài, rồi cùng nằm dài trên bàn ăn mà ngủ.
Qua biến cố vừa rồi, trong lòng Thủ-Độ nảy ra một ý tưởng :
- Ừ nhỉ ! Tại sao ta không nhân vụ này, giả làm oan hồn Thái-tử Long-Xưởng, gây kinh hoàng trong nội cung may ra tìm được manh mối kẻ hại mẹ ta.
Thủ-Độ rời bụi mẫu đơn, trở về chuồng ngựa. Nó mang chim sẻ, xôi ra ăn. Bất giác nó ngẩn người ra, vì hai mươi con chim sẻ quay, biến đâu mất mười lăm con. Hai đĩa xôi lớn, chỉ còn nửa đĩa. Nó nhớ rõ ràng nó trút cả năm đĩa chim sẻ quay, mỗi đĩa bốn con, với hai đĩa xôi lớn. Chim sẻ, xôi nó gói vào cái khăn, bọc kín lại, đeo trên lưng. Không thể có việc chó, mèo ăn vụng. Vì nếu chúng ăn vụng sao cái khăn vẫn cột chặt trên lưng nó ? Nó cầm một con chim sẻ ăn, thì thấy có mảnh giấy. Nó đánh lửa lên xem, bất giác gai ốc nó nổi lên khắp người, vì trên mảnh giấy có chữ viết :
« Đêm khuya đói quá, xin mượn một đĩa rưỡi xôi, với mười lăm con sẻ quay. Hứa sẽ trả cả vốn lẫn lời ».
Nó run run nghĩ :
- Với nội công của ta, dù con mèo, con chuột đến gần trong một trượng, ta cũng biết. Thế mà người này lấy chim sẻ, xôi trên lưng ta, mà ta không biết, thì nội công của y phải kinh thế hãi tục lắm... Chắc người này chỉ muốn đùa cợt ta, chứ nếu y giết ta, thì ta đã chết rồi.
Hôm sau, Thủ-Độ lại ra Hồng-lĩnh đệ nhị y viện học Thiên-la thập bát thức. Bạch-Hạc bắt nó diễn lại từng chiêu một, rồi lại bắt nó biến chiêu theo lệnh của mình. Cứ như vậy, sau mười ngày, thì nó đã có thể tòng tâm xử dụng, khi phát hư chiêu, khi phát thực chiêu, khi vận âm kình, khi vận dương kình, cũng có khi vận cả âm-dương một lúc.
Sáng hôm ấy, Cao Kinh đến chuồng ngựa đánh thức nó dậy, mở khóa chân cho nó, rồi nói:
- Mi hãy đi tắm rửa sạch sẽ, rồi lên Ngự-thư phòng yết kiến Thái-tử.
Tắm rửa xong Thủ-Độ cười thầm:
- Im xem chúng định làm gì ta đây? Đêm nay, ta phải dọa cho chúng sợ đến té đái vãi phân ra mới được.
Khi bước vào Ngự-thư-phòng, nó giật bắn người lên, vì bên trong, ngoài Gia-thụy ngũ anh, còn có Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di. Nó vội hành lễ. Hoàng hậu ban chỉ:
- Ta thấy người đã lớn. Luật cung đình cấm con trai hơn mười tuổi ở trong Hoàng-thành, nếu không phải là người hoàng tộc. Vậy ta đưa người vào cung An-toàn phục thị ta. Muốn phục thị ta thì người phải thành thái giám. Mấy hôm nữa, ta sẽ cho người tĩnh thân. Người có bằng lòng tĩnh thân không ?
Thủ-Độ biết rằng tĩnh thân nghĩa là người ta thiến mình. Nó giả bộ ngây thơ :
- Tâu Hoàng-hậu tĩnh thân nghĩa là gì ?
- Nghĩa là thiến ! Người biết thiến là gì rồi mà !
- Thần không muốn thành thái giám.
- Thế thì người cứ phải ở trong chuồng ngựa Đông-cung suốt đời ! Thôi được, người không muốn là thái giám thì thôi.
Thủ-Độ nghĩ thầm :
- Nghĩ đời mà chán cho đời ! Xưa kia bố con mụ này là Đàm Thì-Phụng chỉ là một tên đô thống, ra luồn vào cúi trong phủ cha mẹ ta. Ấy vậy mà bây giờ con nó thành vợ của cậu ta. Nhân mẹ ta chết, cha ta ở xa, nó với các con nó hành hạ ta đến sống không nổi, chết không xong. Bây giờ nó lại muốn thiến ta, biến ta thành tên thái giám hầu hạ nó cả đời ! Nếu trời cho Thủ-Độ này thuất khỏi cơn bĩ cực, nguyện sẽ tru diệt toàn thể ba họ nhà họ Đàm chúng bay. Bây giờ ta lại giả lên cơn cho chúng không nghi ngờ.
Nghĩ vậy nó làm bộ ngã lăn ra, tồi chân tay run rẩy, hàm răng nghiến và nhau. Đoàn Văn túm áo nó ném vào góc tường.
Có tiếng thái giám hô :
- Nam-thiên tiên tử giá lâm !
Trên từ Hoàng-hậu, cho tới Gia-thụy ngũ anh, cùng bọn tướng sĩ đều quỳ gối cúi đầu :
- Bái kiến tiên tử.
Đạo-cô Nam-thiên vẫy tay :
- Các người bình thân !
Bà hỏi Đoàn Văn:
- Cái tên thị vệ canh gác An-toàn cung đã khai gì với người ?
Đoàn Văn khúm núm :
- Tâu Tiên-tử y khai rằng, trong lúc y canh gác, thình lình một con quỷ nửa mặt đen, nửa mặt đỏ. Trán, cổ trắng nhát y, hớp hồn y sáng nay y mới tỉnh !
- Lạ thực !
Đạo cô cau mày : Từ xưa đến giờ, ta chưa từng nghe nói trong Hoàng-thành có ma quỷ đâu ?
Bà hỏi Long-Sảm :
- Con thuật cho ta biết cái vụ ma trêu quỷ hờn hôm qua...như thế nào.
Long-Sảm thuật lại một lượt. Đạo-cô cười nhạt :
- Chả phải ma đâu, người đấy. Từ xưa đến giờ, ma chỉ hiện lên kêu khóc, chứ làm gì có vụ đánh chó, ăn vụng bao giờ ? Ta ngờ rằng một võ lâm cao thủ đã bắn sỏi làm cho chó đau đớn để các người chạy ra sân, rồi hắn chuồn vào Ngự-thiện đường trộm chim sẻ quay với xôi. Cao thủ này dường như chỉ muốn trêu ghẹo các người chứ không có ác ý. Bằng không thì các người bỏ mạng rồi.
Nghe đạo cô nói, Thủ-Độ nghĩ thầm :
- Mụ này thông minh thưc ! Mụ đoán ra được thủ đoạn của ta. Có điều mụ bảo ta không có ác ý là sai rồi !
Tuy được đạo cô trấn an, Long-Sảm vẫn còn sợ:
- Tâu tổ mẫu, thần nhi nghĩ, nhất định là quỷ!
- Tại sao người dám quả quyết như vậy?
Long-Sảm thuật lại tất cả những lời thái giám Đỗ Viện kể. Nhưng khi nói đến công chúa Đoan-Nghi, thì y gọi là mụ ấy. Rồi y chỉ vào mặt Thủ-Độ kết luận:
- Vì vậy, thần nhi mới định đuổi y khỏi Đông-cung, để oan hồn mụ ấy khỏi quấy nhiễu thần nhi. Mẫu hậu muốn y tĩnh thân làm thái giám, rồi đưa y vào cung An-toàn. Thế nhưng....Thế nhưng cung An-toàn cũng có quỷ. Còn y, y không chịu tĩnh thân.
Đạo-cô nhìn Thủ-Độ :
- Thằng giặc non này tuy bệnh hoạn, mà sao nó lớn mau quá. Cơ chừng cao hơn Sảm nhi một cái đầu rồi ! Giòng giống nhà nó vẫn to lớn như thế đó.
Đạo-cô suy nghĩ một lát rồi quyết định:
- Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người! Dù oan hồn Long-Xưởng, oan hồn mụ ấy chỉ dám quấy nhiễu cháu mà thôi. Còn đối với ta thì ngay khi còn sống, chúng cũng phải rạp đầu trước ra. Vậy ngay hôm nay, cháu để y sang cung Ngọc-lan, nếu như hồn mụ ấy hiện lên ta sẽ trị.
Bà ta chỉ Đoàn Văn, Phạm Bỉnh-Di:
- Vả hai vị tướng quân này sắp quật mả y thị, bỏ chó mực vào, thì dù y thị có là thánh, cũng hết linh. Huống hồ y thị chỉ là con ma cô độc!
Nghe đạo cô nói, mọi người cùng nhìn Thủ-Độ. Nó biết rằng đạo cô nói về mẹ mình cho mọi người quan sát, xem mình có ngẫn ngờ thực hay không ? Nó vội vàng ngửa mặt nhìn đạo cô, rồi nhe răng cười hì hì!
Đoàn Văn cũng cười theo:
- Tâu tiên tử! Đệ tử thấy y quả là một thằng khật khùng. Xin tiên tử tống nó ra ngoài thành Thăng-long cho nó lê lết ăn xin, chứ nuôi nó trong Hoàng-thành làm gì?
Đạo-cô cau mày:
- Khổ một điều là Hoàng-thượng còn nghĩ tình cha mẹ nó, muốn nuôi dưỡng nó trong cung.
Thủ-Độ lại méo miệng, cười nham nhở giống như thằng điên. Đạo-cô bảo cung nga Thụy-Nga:
- Người dẫn nó về chuồng ngựa lấy quần áo, rồi đưa vào cung Ngọc-lan. Từ nay, ta giao cho người quản chế nó. Người cho nó ăn uống tử tế, tùy theo khả năng, bắt nó làm việc.
Thụy-Nga dẫn Thủ-Độ về chuồng ngựa lấy y phục. Tài sản của nó chỉ có cái túi da, mà nó mang theo từ Mông-cổ . Tới cung Ngọc-lan, Thụy-Nga bảo nó:
- Ta nói cho cháu biết. Xưa kia, ta là người phục thị Chiêu-Linh hoàng hậu. Sau đó ta được đưa sang hầu hạ Tuyên-phi Từ Thụy-Hương, rồi Bùi thái phi. Mấy năm trước thấy tuổi ta cao, Hoàng-thượng cho ta về đây quản lý cung Ngọc-lan. Ta không rõ cháu xuất thân từ đâu? Cha mẹ là ai? Đàm hoàng hậu bảo rằng cháu là đứa trẻ mồ côi họ Đàm, chẳng may bị chứng khật khùng, hậu đem về nuôi. Ta có điều nghi ngờ, mà không dám nói!
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Rõ ràng hồi ở trong cung của bà ngoại ta, mụ này biết tông tích ta rồi, mà sao bây giờ mụ lại hỏi ? Như vậy mụ này dò la xem ta có khật khùng quên hết quá khứ không mà thôi ! Ta phải giả bộ cho mụ hết ngờ.
Nó mở to mắt, rồi nhe răng cười, miệng ú ớ mấy tiếng:
- Hầy hầy! Hè.
Rồi nói:
- Bố mẹ cháu ư! Sống mà! Ừ, chết mà.
Thụy-Nga tỏ ý buồn rầu, mụ xoa đầu nó, rồi dẫn nó vào một căn phòng khá xinh đẹp:
- Đây! Cháu ở đây. Khi ăn thì cháu ăn với ta. Trong cung này chỉ Nam-thiên tiên tử với ta mới có quyền sai cháu mà thôi. Ái chà! Quần áo cháu rách quá rồi, để ta may cho cháu mấy bộ khác.
Thủ-Độ lại cười hề hề, rồi méo mặt, thè lưỡi ra. Nó biết rằng đạo cô Nam-thiên, cung nga Thụy-Nga cũng như những người ở cung Ngọc-lan rất tinh tế, võ công lại cao, chứ không ngờ nghệch như bọn Gia-thụy ngũ anh. Nhất cử nhất động của nó đều bị theo dõi. Vì vậy nó càng tỏ ra khật khùng, cười nói không chừng. Khoảng hơn tháng sau, thì ai cũng tin rằng nó khật khùng thực. Không ai chú ý đến nó nữa. Nó muốn chạy chơi đâu, không ai cấm đoán nó.
- Lời nói đầu
- Hồi 1
- Hồi 2
- Hồi 3
- Hồi 4
- Hồi 5
- Hồi 6
- Hồi 7
- Hồi 8
- Hồi 9
- Hồi 10
- Hồi 11
- Hồi 12
- Hồi 13
- Hồi 14
- Hồi 15
- Hồi 16
- Hồi 17
- Hồi 18
- Hồi 19
- Hồi 20
- Hồi 21
- Hồi 22
- Hồi 23
- Hồi 24
- Hồi 25
- Hồi 26
- Hồi 27
- Hồi 28
- Hồi 29
- Hồi 30
- Hồi 31
- Hồi 32
- Hồi 33
- Hồi 34
- Hồi 35
- Hồi 36
- Hồi 37
- Hồi 38
- Hồi 39
- Hồi 40
- Hồi 41
- Hồi 42
- Hồi 43
- Hồi 44
- Hồi 45
- Hồi 46
- Hồi 47
- Hồi 48
- Hồi 49
- Hồi 50 - Kết