Hồi 21
Bấy giờ là giờ Mùi (15-17 giờ), ngày 5 tháng 9, niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên (DL.1174 Giáp Ngọ). Trong một soái thuyền lớn của hạm đội Âu-Cơ, neo tại căn cứ Đồn-sơn. Phụ-quốc thái-úy Trần Thủ-Huy cùng chư tướng ngồi ở phòng hội chính. Tất cả, vừa uống trà, vừa đàm đạo. Mỗi khi có tiếng chân ngựa phi, Thủ-Huy lại lắng tai nghe, phóng mắt nhìn ra ngoài, xem ai đến ? Song đã không biết bao nhiêu ngựa tới, lui, mà Thủ-Huy với chư tướng vẫn lắc đầu.
Mặt trời đã xế về Tây, ánh sáng vàng vọt của buổi chiều Thu tỏa xuống rừng núi đầy lá vàng. Gió biển buổi chiều mang theo cái lạnh len lỏi ở trong.
Đã sang giờ Thân, Thủ-Huy không kiên nhẫn được nữa, công đứng lên nói :
- Thái-tử cùng Nghĩa-Thành vương hứa sẽ hiện diện hôm nay, để khích lệ chư tướng, cùng ban chỉ dụ cuối cùng, trước khi chúng ta vượt biên. Nhưng, cho tới giờ này, cũng không thấy hai vị giá lâm, chúng ta đành tùng quyền, mà hành sự.
Các tướng im lặng nghe lệnh.
Thủ-Huy để kiếm lệnh lên bàn, rồi hướng vào chư tướng :
- Tôi nhắc lại. Chúng ta tiến quân làm hai cánh, mỗi cánh có hai mũi. Cánh thứ nhất do Kiến-Ninh vương làm chánh tướng, Kiến-An vương làm phó tướng, thống lĩnh bốn hạm đội, chở năm hiệu Thiên-tử binh tiến đánh Quảng-châu, Khâm-châu. Để che mắt tế tác Tống, bốn hạm đội, cũng như năm hiệu binh hiện đều đồn trú tại Thanh-hóa. Vậy nhị vương khẩn lấy ngựa lên đường ngay đêm nay, chuyển quân xuống thuyền, truyền hạm đội nhổ neo. Nhớ phải ban lệnh cho hạm đội ra thực xa bờ, để tránh thuyền buôn, thuyền đánh cá Tống biết. Nếu trên đường đi gặp bất cứ thuyền nào, cũng bắt đem theo. Sau khi đổ bộ hãy thả ra. Khi tới ngoài khơi Quảng-châu, Khâm-châu, thì đổi hướng, vào bờ. Lúc di chuyển phải tính toán sao, để đúng giờ Dần ngày 15 tháng 9 thì đổ bộ.
Thủ-Huy lại hướng Long-Hòa, Tăng Khoa :
- Cánh thứ nhì do Kiến-Tĩnh vương làm chánh tướng, Vũ-kị thượng tướng quân làm phó, thống lĩnh bẩy hiệu Thiên-tử binh, hiệu kị binh Phù-Đổng, hiệu ngưu-binh Hoa-lư vượt biên đánh lên Ung-châu bằng đường bộ. Tất cả các hiệu binh này hiện đều đồn trú rải rác ở Thăng-long, Kinh-Bắc, Đông-triều, Lạng-châu. Đợi đến ngày 14 hãy di chuyển, đúng giờ Dần ngày 15 tháng 9, đồng vượt biên tràn sang đánh 18 ải, rồi tốc thẳng lên chiếm Ung-châu, Côn-lôn, Quế-châu, Linh-lăng, vượt Ngũ-lĩnh đánh Trường-sa.
Khoang soái thuyền rất rộng, cử tọa có trên trăm người mà không một tiếng động. Tiếng Thủ-Huy vẫn sang sảng :
- Tin tế tác cho biết hiện khắp vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Tống chỉ có bảo binh và hai hiệu binh địa phương. Ta ra quân bất thình lình, đánh như sét nổ, bọn biên quan chưa tập họp được quân, thì thành đã bị chiếm.
Công hỏi cử tọa :
- Ai có gì thắc mắc không ?
Kiến-Tĩnh vương hỏi :
- Thành Ung, Linh-lăng rất chắc. Trường hợp quân Tống rút vào trong cố thủ, thì tôi phải hạ được thành rồi mới tiến quân, hay cứ tiến quân ?
- Thành chắc, nhưng quân thủ thành không đông, cũng không tinh. Ta không cần hạ thành. Cứ để lại một ít quân bao vây, rồi tiến quân tiếp.
- Có ai thắc mắc gì nữa không ?
Chư tướng đều im lặng.
- Thôi, xin mời chư vị lên đường.
Các tướng cùng đứng lên .
Thình lình có nhiều tiếng ngựa phi. Thủ-Huy vẫy mọi người ngồi lại :
- Không chừng Thái-tử tới trễ.
Một thân binh vào báo :
- Thưa Thái-úy, có sứ giả tới xin cầu kiến.
Thủ-Huy giật mình :
- Sứ giả là ai vậy ?
- Thưa là Dao-thụ Thái-phó, lĩnh Cần-chính điện đại học sĩ, Trường-yên quốc công, thượng thư bộ Lễ Ngô Lý-Tín.
Theo quan giai, thì hàm Dao-thụ Thái-phó của Ngô thấp hơn Phụ-quốc Thái-úy của Thủ-Huy nhiều. Nhưng Ngô là khâm sứ, nên Thủ-Huy phải ra đón.
Lễ nghi tất.
Thủ-Huy hô lớn :
- Chư tướng quỳ gối nghe chỉ.
Ngô Lý-Tín mở chiếu chỉ đọc:
Thừa thiên khải vận,
Đại-Việt hoàng đế chiếu viết :
Tự cổ từ Tam-hoàng, Ngũ-đế, các vị thánh nhân cai trị dân, đều nêu cao đức hiếu để làm gương. Từ khi đức Thái-tổ nhà ta thừa mệnh trời, ứng lòng người mà lập nền chính thống, trải 164 năm có dư, đều dạy dân lấy hiếu phụng dưỡng cha mẹ.
Long-Xưởng là hoàng trưởng tử, trẫm chiếu lời tâu của chư đại thần, lập làm thái-tử. Gần đây, long thể bất an, trẫm lại trao hết quyền hành cho. Ngày một, ngày hai, khi trẫm về chầu tiên đế, thì ngôi trời ắt truyền cho Xưởng. Thế mà y lại nảy lòng hươu dạ vượn, đêm hôm trước, lén nhập cấm cung, toan cưỡng dâm sủng phi, giết thái giám, cung nga.
Than ôi ! Làm con mà bất hiếu đến như vậy, thì sao có thể cai trị thiên hạ ? Làm đấng trừ quân mà tham dâm bất chính đến thế, thì sao có thể cầm giềng mối quốc gia ? Trẫm lấy làm đau đớn trong lòng đã sinh ra đứa nghịch tử, nên đành nuốt lệ tế cáo trước lăng mộ các tiên đế. Nay trẫm tuyên chỉ với bách quan, với quốc dân ba điều.
Một là bắt giam đứa con bất hiếu, để chờ ngày xử tội, lại phế bỏ ngôi thái-tử, giáng xuống làm con út, tức con thứ bẩy.
Hai là, trong khi chờ đợi lập thái-tử mới, tạm truyền đóng cửa Đông-cung, giải tán Đông-cung triều.
Ba là các hiệu Thiên-tử binh, các hạm đội, thủy đội đâu ở yên đấy. Việc ra quân bãi bỏ. Bất cứ hoàng thân, đại thần, tướng sĩ nào còn bàn đến chuyện này sẽ bị xử trảm.
Vậy các hoàng tử, thân vương, phò mã, công chúa phải khẩn về Thăng-long chờ chỉ dụ.
Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên, tháng 9 ngày Canh Dần.
Khâm thử.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng chư tướng ngơ ngác nhìn nhau, đồng lậy tạ rồi đứng dậy.
Ngô Lý-Tín nói với Thủ-Huy :
- Hoàng thượng truyền công chúa với phò mã dẫn ba vương Kiến- Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh khẩn về triều phục mệnh ngay. Việc hoàng tử Long-Xưởng phạm tội quá nặng, khiến hoàng-thượng buồn sầu mà long thể khiếm an, không biết sẽ băng hà lúc nào.
Nghe Ngô nói mà lòng Thủ-Huy chán cho tình đời, vì y dùng chữ hoàng tử Long-Xưởng, chứ không gọi là Thái-tử nữa.
Đoan-Nghi không kiên nhẫn được, nàng hỏi :
- Ngô Thái-phó, cái vụ này ra sao ?
- Khải điện hạ, thần cũng không biết gì hơn nội dung của chiếu chỉ. Sáng nay, thần vừa thức dậy thì được báo cổng thành đóng kín. Trên thành, quân sĩ đi lại tuần hành. Đến giờ Thìn thì cổng thành mở cho các đại thần vào thiết triều ở điện Càn-nguyên.
Lý-Tín thở dài :
- Khi hoàng-thượng với Tuyên-phi ra ngự triều một lát, thì Thái-sư Tô Hiến-Thành với Tể-tướng Đỗ An-Di vào tâu rằng đã cho bắt hết cung nga, thái giám, thị vệ, bộc phụ Đông-cung giam lại. Tài vật thì niêm phong. Trong Hoàng-thành, binh sĩ canh phòng rất cẩn mật, trên kinh thành thì Thái-bảo Phí Công-Tín chỉ huy hiệu binh Sơn-Nam trấn đóng. Rồi Hoàng-thượng cho tuyên đọc chiếu chỉ này, và truyền thần khẩn mang lên cho điện hạ với phò mã tường.
Kiến-Ninh vương bảo Ngô Lý-Tín :
- Thôi, Ngô Thái-phó hãy trở về trước đi. Chúng tôi sẽ rút quân từ từ, khi nào xong, chúng tôi sẽ về phục mệnh phụ hoàng.
Ngô chắp tay vái :
- Khi thần lên đưởng, Hoàng-thượng ban chỉ rằng phải thỉnh cho được ba vị vương gia, công chúa phò mã về cùng, ngay ngày hôm nay.
Ngô nhìn ba vương, nói nhỏ :
- Hoàng thượng muốn ba vị điện hạ về ngay, để người còn chọn một vị phong làm Thái-tử thay thế hoàng tử Long-Xưởng. Vả bệnh tình hoàng thượng đang nguy kịch. Ba điện hạ không nên chậm trễ.
Bao nhiêu cái uất ức chồng chất không nơi phát tiết, bây giờ lại nghe lời thúc dục của Lý-Tín, dường như y muốn bắt mình. Kiến-Ninh vương nổi cáu, vương túm tóc y, rồi vung tay một cái, người y bay bổng lên cao, rơi xuống biển đến ùm một cái. Lý-Tín không biết bơi, y chới với dưới nước. Kiến-An vương hất hàm ra lệnh cho người thuyền trưởng. Anh ta ném sợi dây xuống cuốn lấy Lý-Tín, giật mạnh, người y tung lên cao, rơi xuống sàn thuyền.
Kiến-Ninh vương rút kiếm dí vào cổ Lý-Tín :
- Người là văn quan thì phải biết rằng : Tướng ngoài mặt trận không nhất thiết phải nghe lệnh vua. Vả nếu có chỉ dụ bắt bọn ta, thì hẳn phụ hoàng đã ban chiếu. Cái vụ bắt bọn ta về ngay, là do nhà người bịa ra, có phải thế không ? Vì người có chiếu chỉ trong mình, bằng không ta băm người ra như băm chả. Khôn hồn thì người phải khai cho rõ, người bịa ra chỉ dụ của phụ hoàng hay có kẻ bắt người bịa ?
Ngô Lý-Tín run lật bật không nói lên lời. Thủ-Huy đưa mắt cho Đoan-Nghi, với ý muốn Đoan-Nghi nhả ít Huyền-âm nội lực vào người Lý-Tín bắt y phải khai. Nhưng Đoan-Nghi lắc đầu :
- Y là sứ giả của phụ hoàng. Muội không thể...
Thủ-Huy chợt nhớ rằng mình đã hút ngũ độc cứu Đoan-Nghi, mình cũng có thể vận khí nhả nọc. Nghĩ đến đâu, chân khí tòng tâm chuyển vận. Ngón tay của Thủ-Huy run lên bần bật. Công sẽ vỗ vào vai Lý-Tín :
- Thôi, Thái-phó vào khoang thuyền thay y phục rồi về kinh phục mệnh.
Ngô lồm cồm bò dậy, nào biết đã bị truyền độc. Ngô vào trong khoang thuyền thay y phục . Lát sau y trở ra. Thủy-Huy nháy mắt cho Kiến-Ninh vương. Vương hiểu ý ông em rể, bảo Lý-Tín :
- Cái vụ người bịa ra chỉ dụ của phụ hoàng, khó mà biết thực hư. Vậy người hãy quỳ gối xuống, rồi thề rằng : « Chư vị thần linh Đại-Việt chứng cho. Nếu Ngô Lý-Tín có gian dối trong việc truyền chỉ thì sẽ bị đau đớn cùng cực trong 49 ngày rồi chết ».
Lý-Tín run run quỳ xuống, rồi thề như Kiến-Ninh vương nói. Khi y vừa đứng dậy, thì cảm như có con dao đâm vào ngực, đau đớn đến muốn ngất đi. Không chịu nổi y, hét lên :
- Ái ...ái....ái.
Tiếp theo ba, bốn rồi năm con dao cùng đâm khắp người y. Y lăn lộn kêu gào thảm thiết.
Kiến-Ninh vương hỏi :
- Thì ra người thề gian, nên ngũ phương thần dùng dao đâm người. Bây giờ người khai thực đi, ta sẽ truyền chỉ bảo chư thần ngừng tay.
Lý-Tín vẫn lăn lộn :
- Thần không... Không hề thề dối ! Ối...
Kiến-Tĩnh vương hỏi Thủ-Huy :
- Đại ca, đại ca nghĩ sao ?
Thủ-Huy vẫy tay cho chư tướng vào khoang thuyền, sai canh gác cẩn thận, rồi nói :
- Tôi thấy trong vụ này ẩn tàng một điều gì khó hiểu. Nhất định cái việc Thái-tử nhập cấm cung cưỡng dâm cung nga là không thể có rồi. Bởi cứ lý mà suy, Thái-tử chỉ sủng ái có một mình vương phi Bùi Trang-Hòa mà thôi. Xung quanh Thái-tử không thiếu gì những cung nga xinh đẹp, mà có bao giờ người ngó ngàng tới đâu ? Vậy, mặc dù có chiếu chỉ, chúng ta cũng không thể về Thăng-long vội. Ta phải sai người dò thám tình hình xem đã. Nhưng nếu chúng ta không về thì chẳng hóa ra tử bất hiếu, thần bất trung hay sao ?
Đoan-Nghi bàn :
- Hay là bọn Tô Hiến-Thành làm loạn, có bọn tế tác Tống trợ giúp ? Cứ như Ngô nói ban nãy thì Tô dùng hiệu binh địa phương Sơn-Nam chiếm đóng Kinh-thành, Hoàng-thành. Không biết hiệu binh này do ai chỉ huy ?
Thủ-Huy trả lời :
- Là Mạc Hiển-Tích, trước kia y là gia tướng của Đỗ An-Di.
Mọi người cùng bật lên tiếng ồ kinh ngạc.
Đoan-Nghi thở dài :
- Có lẽ khi khởi sự, Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di cũng muốn dùng Thiên-tử binh. Nhưng chúng biết rằng Thiên-tử binh đều đang chuẩn bị Bắc chinh, nên chúng không thể dùng chỉ dụ để sai khiến họï, chúng mới nghĩ tới tìm một lực lượng địa phương. Di không ngần ngại gì mà dùng tình nghĩa cũ của chủ tớ, móc nối Mạc Hiển-Tích tham dự. Không chừng việc này chúng chuẩn bị từ lâu rồi mà ta không hay. Biết đâu y băét phụ hoàng, rồi ép ban chỉ cũng nên. Được, tôi sẽ dùng chim ưng liên lạc với mẫu hậu xem sao.
Nói là làm. Đoan-Nghi viết thư, rồi sai chim ưng mang đi. Hơn giờ sau, thì chim ưng trở về mang theo trong ống dưới chân một bức thư. Đoan-Nghi nóng ruột, mở ra đọc :
« Nhận được thư, mẫu hậu báo cho con hay : Anh Long-Xưởng bị giam ở đâu, hay hoăng rồi, mẫu hậu cũng không biết nữa. Cung Long-thụy có binh lính canh gác rất kỹ, không ai được vào. Chỉ thấy bọn Đỗ An-Di, Tô Hiến-Thành, Phí Công-Tín ra vào mà thôi ; phụ hoàng ban chiếu, thay đổi toàn thể các quan trong triều. Quyền nằm trong tay bọn Tô, Đỗ. Aùn binh tại chỗ, chờ tin tức. Đừng về vội, về thì chết hết ».
Đến đây Ngô Lý-Tín đau quá, chịu không nổi y hét lên :
- Xin chư thần tha mạng. Việc này là do...là do... Tuyên-phi bắt tôi phải làm như vậy.
Kiến-Ninh vương hỏi :
- Người muốn sống hay chết ?
- Thần... muốn số..ố..ống !
Biết đã có hiệu quả, vương ngửa mặt lên trời ban chỉ :
- Hỡi chư thần ! Hãy tạm ngừng hành hạ Ngô Lý-Tín, y xin khai thực. Nếu y có điều gì giả dối, chư thần hãy làm tội y cũng không muộn.
Nói dứt, vương túm cổ áo y nhắc dậy, trong khi đó chìa ngón tay chỏ điểm vào huyệt Đại-trùy. Toàn thân y tê liệt, cảm giác đau đớn biến mất, y lại tưởng linh thần tạm tha cho y.
Ngô Lý-Tín là một nho thần, thông minh, tài trí. Đúng ra từ cái việc thề, tới việc điểm huyệt, y cũng đoán ra. Nhưng sau khi bị kề kiếm vào cổ, bị ném xuống biển, rồi bị ngũ độc hành hạ, thần trí y mơ mơ, hồ hồ, y tin rằng mình bị chư thần phạt. Y khai :
- Những gì thần nói ban nãy đều không đúng sự thực. Chính Tuyên-phi bắt thần phải nói như vậy.
- Thế sự thực ra sao ?
- Đêm hôm qua, vào giờ Tuất, tất cả các đại thần đều được thái giám đến tuyên triệu phải vào cung Long-thụy trong Hoàng-thành nhận chỉ dụ khẩn cấp . Khi thần vào tới nơi thì đã thấy Hoàng-thượng nằm dài trên long sàng, chân tay run lẩy bẩy vì giận dữ . Các đại thần như Thái-sư Tô Hiến-Thành, Tể-tướng Đỗ An-Di, Thái-bảo Phí Công-Tín, Thiếu-bảo Ngô Nghĩa-Hòa đang chắp tay đứng hầu, mặt người nào cũng đầy lo âu. Một lát Hoàng-thượng ban chỉ : Các người hãy sang cung Tuyên-phi, để thấy tận mắt cái việc mà đứa nghịch tử đã làm. Thái-sư Tô Hiến-Thành dẫn đầu, bọn thần theo sau. Trong khi đi, Đỗ Tể tướng thuật sơ cho biết rằng : Thái-tử đột nhập Hoàng-cung định cưỡng dâm Tuyên-phi.
Mọi người cùng bật lên tiếng ái chà !
- ... Tuyên-phi chống trả, thì bị Thái-tử đánh trọng thương. Bọn cung nga, thái giám xúm vào ôm lấy Thái-tử cứu phi. Họ bắt được Thái-tử trói lại, nhưng tám trong mười người bị Thái-tử đánh chết. Hai người bị thương nặng. Thân mẫu của Tuyên-phi là Thạc-hòa Anh-văn phu nhân vội chạy sang cung Long-thụy cầu cứu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng hô thị vệ theo người đến cung Tuyên-phi, truyền giam Thái-tử lại, rồi đích thân thẩm vấn bọn cung nga, thái giám. Chúng đều khai giống như Thạc-hòa phu nhân.
Kiến-Tĩnh vương quát lên :
- Vô lý ! Không thể có việc đó.
Đoan-Nghi vẫy tay :
- Anh tạm buông lỏng cái nóng nảy, để Ngô Thái-phó thuật.
Nàng giục Ngô Lý-Tín :
- Xin Thái-phó tiếp cho.
- Bọn thần đến cung Tuyên-phi, thì thấy thị vệ vây kín cung. Bên trong, một cảnh kinh hoàng diễn ra. Ngay cửa cung, một thái giám nằm chết cong queo, đầu vỡ, óc, máu bê bết. Một thái giám nữa bị vỡ lồng ngực , nằm bẹp dí như con tép bị dẵm lên. Hai thái giám gẫy xương sống nằm sấp. Hai thái giám bị đánh bật vào tường đầu vỡ, ngực bẹp. Hai cung nga, một người nằm vắt vẻo trên cái án thư, khắp thân mạch máu vỡ ra, mũi, miệng, mắt, tai đều ri rỉ ra máu. Một người chết ngồi, ngực bị chỉ lực xuyên qua, mặt tươi tỉnh, miệng cười mà không phải cười. Hai cung nữ khác bị thương, đang ngồi bưng mặt khóc. Không thấy Tuyên-phi đâu, bọn thần hỏi mấy thị vệ, thì chúng nói Tuyên-phi bị thương nặng, đang ngủ trong tẩm phòng. Bọn thần nhờ Thạc-hòa Anh-văn phu nhân vào thỉnh phi ra. Phu nhân vừa vào tẩm phòng thì người khóc thét lên. Bọn thần tùng quyền chạy vào thì thấy Tuyên-phi thắt cổ toòng teeng trên sàn nhà. Phu-nhân cắt dây đỡ Tuyên-phi xuống, rất may chưa băng. Vừa lúc đó thì ngự y Hoàng-cung là y sư Trần-thị Phương-Thanh tới. Người cứu Tuyên-phi tỉnh dậy, rồi khám các vết thương của phi. Ngự y còn khám nghiệm xác tám người chết, chẩn bệnh hai người còn sống, dùng châm cứu chữa bệnh cho họ.
Thủ-Huy hỏi :
- Ngự y có đưa ra nhận xét gì không ?
- Người ghi chú mọi sự việc, rồi ban lệnh : Tất cả xác chết đều không được chôn cất. Bọn thái giám bị thương không được ra khỏi Hoàng-thành. Người nói với Tô Thái-sư rằng cần giữ nguyên như vậy, chờ ba vương gia, công chúa điện hạ với Trần phò mã về, mới thấy rõ tội trạng Thái-tử.
Đoan-Nghi cau mặt :
- Rồi sao?
- Hoàng-thượng tuyên chỉ trao thị vệ, cấm quân cho Thái-sư Tô Hiến-Thành, Thái-bảo Phí Công-Tín giữ an ninh Hoàng-thành, Kinh-thành ; giải tán, niêm phong Đông-cung. Nhưng Tả-thiên Ngưu-vệ thượng tướng quân Tăng Quốc, Tổng-lĩnh thị vệ, kiêm thống-lĩnh cấm quân không chịu trao quyền. Tăng tướng quân nói rằng, quân luật của Đại-Việt từ đời đức Thái-tổ định rằng, người trực thuộc Phụ-quốc Thái-úy là phò mã, thì khi bàn giao, phải có sự chứng kiến của phò mã. Người chỉ tuân lệnh Thái-sư huy động thị vệ bảo vệ Hoàng-cung, và huy động cấm quân phòng vệ Kinh-thành mà thôi. Vì vậy Tể-tướng Đỗ An-Di mới xin hoàng-thượng ban chỉ gọi Vân-ma đại-tướng quân Mạc Hiển-Tích đem hiệu binh địa phương Sơn-Nam về trấn Thăng-long.
Lòng Thủ-Huy nóng như lửa công hỏi :
- Thế Nghĩa-Thành vương đâu mà hoàng-thượng không tuyên triệu người, mà tuyên triệu Thái-sư Tô Hiến-Thành ?
- Vương gia đã lên đường đi Thanh-hóa, đích thân chỉ huy cuộc vận tải lương tiếp tế cho các hạm đội.
- Thế khi hiệu binh Sơn-Nam về, thì có đụng chạm với thị vệ ngự lâm quân không ?
- Thưa không. Tô Thái-sư lệnh cho hiệu binh Sơn-Nam canh gác Hoàng-thành, các cung điện trong Hoàng-thành, niêm phong phủ Đông-cung, bao vây cơ sở Binh-bộ, các bến thủy quân, phủ thừa Thăng-long. Còn các cửa Kinh-thành, kho vũ khí, lương thực, Khu-mật viện, các phủ đệ của thân vương, đại thần thì khi quân Sơn-Nam tới, thị vệ, cấm quân không chịu trao cho. Thành ra Thăng-long đang có cuộc dằng co, bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra cuộc giao chiến.
- Rồi sao ?
Đoan-Nghi hỏi :
- Thế sao ban nãy người nói là sáng nay người nhập triều, rồi được chỉ dụ đi sứ ?
- Khải điện hạ, khi thần lên đường thì Tuyên-phi dặn phải nói dối như vậy. Tuyên-phi trao cho thần một mật chỉ, dặn thần rằng : Sau khi tuyên chỉ thì phải nài nỉ sao để ba vương, công chúa, phò mã cùng về. Khi về tới Gia-lâm, qua làng Siêu-loại, thì đem mật chỉ ra đọc. Trong chỉ ban cho ba vương, phò mã, công chúa được chết. Đợi sau khi năm vị tự tử rồi, thì đem chôn ngay tại chỗ. Nhưng Tể-tướng Đỗ An-Di cho rằng phò mã, công chúa với ba vương là những người linh mẫn, không hồ đồ như thái-tử Phò-Tô với Mông-Điềm đâu, phải có kế hoạch an toàn. Tuyên-phi truyền Mạc Hiển-Tích sai một đội cung thủ phục sẵn ở đây. Nếu năm vị không tự tử, thì cung thủ sẽ ra tay.
Nói rồi Ngô xuất trong một ống bạc đeo bên hông ra một chỉ dụ. Kiến-An vương mở chỉ dụ xem, thì là bút tự của Tuyên-phi Từ Thụy-Hương, còn chữ ký thì đúng là của phụ hoàng.
Ghi chú của thuật giả:
Tần Thủy-Hoàng đã lập con trưởng là Phò-Tô làm thái-tử. Phò-Tô cùng tướng Mông-Điềm đem quân lên xây Vạn-lý trường thành. Ở kinh đô, Tần Thủy-Hoàng lâm bệnh. Khi sắp băng, nhà vua truyền gọi Phò-Tô về gấp để truyền ngôi. Chỉ vừa ban ra, thì Thủy-Hoàng băng. Thừa-tướng Lý Tư với Thái-phó Triệu Cao muốn chuyên quyền. Hai người tôn em của Phò-Tô là Hồ-Hợi lên ngôi vua, rồi giả chiếu chỉ của Thủy-Hoàng gửi cho Phò-Tô, Mông-Điềm kể một số tội, truyền cho được chết. Các tướng cản không cho Phò-Tô tự tử, mới khuyên rằng : Hãy về triều minh oan, rồi có chết cũng cam lòng. Phò-Tô ngửa mặt lên trời than : Vua bắt bầy tôi chết, mà không chết thì bất trung. Cha muốn con chết, mà không chết thì bất hiếu. Nói rồi rút gươm tự tử. Mông-Điềm cũng tự tử theo.
Kiến-Ninh vương bảo thân binh :
- Người đem Thái-phó về soái thuyền của ta, nhớ canh gác, hầu hạ cho chu đáo.
Ngô Lý-Tín biết mình bị giam lỏng, nhưng ông ta biết có phân trần gì cũng vô ích, nên líu ríu theo tên thân binh ra ngoài khoang thuyền.
Thủ-Huy lên tiếng hỏi bốn đô đốc chỉ huy bốn hạm đội và mười hai đô thống chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh :
- Các vị nghĩ sao về lời khai của Ngô Thái-phó ?
Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa đứng lên nói :
- Thưa Thái-úy, thuộc hạ thấy sự việc xẩy ra có rất nhiều điều đáng nghi ngờ. Trước hết cái việc Thái-tử tham dâm cưỡng hiếp Tuyên-phi, có ba điều bô lý. Một là, bản lĩnh võ công mà Thái-úy truyền cho Tuyên-phi so với Thái-tử, thì một mười, một tám. Hôm trước Vân-Đài Vương Thúy-Thúy đấu với Thái-úy, bản lãnh nàng có lẽ cao hơn Thái-tử. Vân-Đài sang Đại-Việt từ nhỏ, bản lĩnh do sư phụ Trịnh Nam-Phương âm thầm truyền thụ mà còn cao như vậïy. Trong khi đó Tuyên-phi do đích thân vú Mai, nguyên là cao thủ Công-Chúa của Hoa-sơn, với phụ thân là Lạc-Nhạn chân truyền thì phải cao hơn Vân-Đài nhiều. Vậy, nếu như khi Thái-tử vừa định hành sự, mà Tuyên-phi chống lại, ắt có cuộc giao đấu ít ra phải vài trăm hiệp mới phân thắng bại. Bấy giờ vú Mai đứng ngoài, sao bà không cứu con gái ? Bà là cao thủ Công-Chúa của Hoa-sơn mà ? Lại nữa, Tuyên-phi bị bại, thì thương thế phải trầm trọng lắm, chứ có đâu chỉ sưng má, đỏ mặt ? Hai là, thời gian giao đấu vài trăm hiệp, ít ra kéo dài đến hơn giờ (2 giờ ngày nay). Trong hơn giờ đó, thái giám cung nữ lại đứng nhìn ư ? Nhất định chúng chạy đi báo với hoàng-thượng hay tri hô lên cho thị vệ giải cứu chứ? Tại sao lại chờ cho thái-tử bị bắt rồi mới báo cho Hoàng-thượng ? Ba là, võ công cao như Tuyên-phi, mà còn bị đánh bại, hỏi với mấy đứa thái giám làm sao bắt sống được thái-tử ?
Cử tọa đều công nhận lý luận của Tăng Khoa là hợp lý.
Thủ-Huy hỏi :
- Chiếu chỉ của Hoàng-thượng bắt ba vương, công chúa với tôi phải về Thăng-long ngay. Rồi khi về tới Gia-lâm lại ban chiếu thứ nhì bắt phải chết. Ngược lại Hoàng-hậu lại bảo đừng về. Vậy ta nên hành động ra sao ?
Các tướng bàn luận phân vân, hơn khắc mà không tìm được lốii thoát.
Ngay lúc đó, thân binh chạy vào báo :
- Có hai thiếu nữ nhà quê xin cầu kiến công chúa, phò mã.
Thủ-Huy hỏi :
- Họ tên gì ?
- Hai vị không chịu xưng tên.
Đoan-Nghi ban chỉ :
- Cho vào !
Lát sau thân binh dẫn hai người mặc quần lụa, áo cánh, đội nón; xuống thuyền. Vừa nhác trông thấy, Đoan-Nghi đã giật bắn người lên. Vì đó là Kim-Ngân với Phương-Lan. Hai nàng hành lễ với cử tọa.
Đoan-Nghi giới thiệu với mọi người :
- Đây là bà chị dâu và em gái của chồng tôi.
Thủ-Huy chưa kịp lên tiếng, thì Phương-Lan đã nói trước :
- Chú hai ! Chị với Kim-Ngân lên gặp chú thím là việc tư . Song việc tư này có liên quan đến chư vị hiện diện ở đây. Vậy chị xin nói ra ở chỗ này, để tránh nghi ngờ giữa chú thím với chư tướng.
Đoan-Nghi đồng ý :
- Xin chị cứ tự nhiên.
- Biến cố ở Thăng-long xẩy ra đúng như anh Lý ước đoán trước. Oâng nội vội họp môn phái lại để định rõ đường lối hành động. Bố, Đại-Việt ngũ tuyệt, chư đệ tử đời thứ nhì, Vỵ-xuyên ngũ tiên, chư đệ tử đời thứ ba đều đưa ra ý kiến rằng mình không nên can thiệp vào. Anh Thủ-Lý nói: Mình đã đem hết tâm huyết ra giúp Thái-tử, mà Thái-tử không nghe lời, thì nay mình còn có lý gì mà can thiệp nữa ?
Phương-Lan đưa mắt nhìn chư tướng, rồi tiếp :
- Mẹ cũng nói : Huống hồ đây không phải là nạn ngoại xâm, không phải mối nguy của xã tắc, mà là người họ Lý hại người họ Lý. Chuyện cha làm vui lòng gái đẹp mà giết con, vua nghe lời mỹ nữ giết đại thần, là việc của họ Lý.
Anh Thủ-Lý còn gay gắt hơn :
- Trước đây đã có cô con dâu là Cảm-Thánh thái hậu mê tình nhân Anh-Vũ, đã giết mẹ chồng Chiêu-Hiếu thái hậu cho y vui lòng. Cũng đã có bà chị dâu Cảm-Thánh thẳng tay tàn sát các thân vương em chồng, để được lòng tình nhân Anh-Vũ. Rồi cũng chính bà định bưng tính mệnh con trai, con dâu, cháu nội, ngôi vua, giang sơn cho Lưu Kỳ, cho Tống... Thì nay, có ông vua muốn giết con trai, con gái, con rể ; dâng giang sơn, bưng sự nghiệp tổ tiên cho gái đẹp thì là chuyện thường trong cái triều Lý mà. Suốt trăm năm qua, những việc như thế, môn phái Đông-A không hề tham dự vào.
Kim-Ngân tiếp lời chị dâu :
- Tuy nhiên, mẹ, chị Phương-Lan với em thì xin ông nội cho phép chúng em lên đường cứu anh, không để cho anh chết rồi, mà hậu thế chê là ngu trung, ngu hiếu. Vì vậy hai đứa này mới có mặt ở đây.
Ba vương Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh cũng như Đoan-Nghi đều biết Phương-Lan là người trí tuệ vô song, mưu cơ không biết đâu mà lường. Kiến-Ninh vương trình bầy sơ lược tin tức, cùng diễn biến đã xẩy ra, rồi hỏi :
- Thần-nông phu nhân ! Anh em chúng tôi đang phân vân gữa hai việc. Một là về phục mệnh phụ hoàng, tuân chỉ lĩnh cái chết như chỉ dụ ban. Hai là, mẫu hậu lại bảo không nên về. Phu nhân là người trí tuệ, vậy phu nhân quyết cho : Nên về hay không ?
Phương-Lan cười :
- Chư vị điện hạ phân vân cũng phải. Bởi nếu tuân chỉ dụ mà về thì dĩ nhiên là chết. Nhưng có thực ý phụ hoàng muốn giết con mình hay không ? Còn không về thì mang tiếng tử bất hiếu, thần bất trung. Xưa nay, khi bị vua kết án tử tình, thì các đại thần của triều đình Trung-quốc, Đại-Việt đều vui vẻ chấp hành. Dường như cái đạo đó xuất phát từ câu : Vua bắt bầy tôi chết, thì phải chết, nguyên văn là Quân xử thần tử, thần tử. Kìa, Nhạc Phi tài trí biết bao, đang cầm quân nghiêng nước giúp triều Tống. Thế mà bị cái ông vua Thiệu-Hưng gọi về giết, Phi vui vẻ tuân thủ, chỉ để được tiếng là trung. Rồi mới đây ngay trong triều đình Đại-Việt, Chiêu-hòa vương Lý Long-Vũ, Trí-minh vương Lý Long-Dũng, Bảo-ninh hầu Lý Long-Can, Bảo Thắng-hầu Lý Long-Hiền, phò mã Dương Tự-Minh cùng biết bao nhiêu đại thần văn võ, bị Đỗ Anh-Vũ ép vua ban chỉ giết bản thân và gia đình, chỉ vì cái tội trung với vua. Những người đó đều biết rõ không do ý nhà vua, mà vẫn cúi đầu thọ hình, cũng chỉ muốn tỏ ra mình là trung thần. Có đúng thế không ?
- Đúng vậy.
- Về hoàn cảnh các điện hạ, trong lịch sử đã từng xẩy ra rồi. Tôi xin vì các vị mà dẫn tích đó trong Tả-truyện :
"...Thái-tử Lịch-Sinh là con Tấn Linh-Công. Linh-Công băng, dì ghẻ giả chiếu gọi Lịch-Sinh trở về triều phục mệnh. Lịch-Sinh biết là chỉ giả, nhưng vẫn về, rồi bị giết. Sau sử sách khen Lịch-Sinh là người con hiếu. Ngược lại, thái-tử Trùng-Nhĩ không tuân chỉ, lưu vong khắp nơi, rồi dựng lên nghiệp bá. Sử cũng khen là người trí, là anh hùng. Bộ Sử-ký, Tư Mã-Thiên chép trong Thủy-Hoàng bản kỷ : Lý Tư, Triệu Cao, giả chiếu chỉ của Thủy-Hoàng bắt thái-tử Phò-Tô, tướng Mông-Điềm phải chết. Hai người tuân chỉ tự tử. Đời sau chê là ngu trung, ngu hiếu".
Mọi người đều gật đầu tỏ ý hiểu.
Phương-Lan tiếp :
- Tôi có hai con đường, xin ba điện hạ chọn một.
- Phu nhân cứ dạy.
- Trường hợp thái-tử Long-Xưởng cũng giống như Lịch-Sinh, Phò-Tô. Còn các vị điện hạ, cùng công chúa đây ; muốn làm Lịch-Sinh, Phò-Tô để được khen là tử hiếu, thần trung thì cứ về Thăng-long, tắm rữa sạch sẽ, đem đầu cho cái cô gái Dương-châu là Từ Thụy-Hương chặt, đầu được bêu cho dân chúng xem, thân vứt cho quạ rỉa. Vợ con thì bị đuổi khỏi Kinh-thành, về làm nông dân. Triều đình khen rằng đó là những người con hiếu, những người tôi trung. Không biết các vị nghĩ sao ?
Kiến-An vương nhăn mặt :
- Trung, hiếu kiểu đó thì chúng tôi không chịu nổi. Xin phu nhân chọn cho con đường khác.
- Còn các điện hạ muốn làm như Trùng-Nhĩ, thì hãy đem quân về Thăng-long, trước ta bắt bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Từ Thụy-Hương chặt đầu, rồi an dân trong sáu tháng. Sau đó Bắc tiến cũng chưa muộn mà !
Kiến-An vương hỏi Thủ-Huy :
- Đại ca, đại ca sẽ hành xử như thế nào ?
Lòng Thủ-Huy rối như tơ vò. Công hỏi Phương-Lan:
- Chị ! Chị bảo em phải có thái độ nào ?
Phương-Lan lắc đầu :
- Chú vốn là người trí. Nhưng chú như người trong cuộc cờ, chú bị u mê, mà không nhìn ra. Còn chị, thì chị là người ngoài cuộc, chị thấy rất rõ ràng.
- Xin chị cứ nói.
- Chú có con đường trung dung là vừa làm Lịch-Sinh, Phò-Tô vừa làm Trùng-Nhĩ.
- Em không hiểu.
- Chú hãy trả lời cho chị ít câu.
- Chị cứ hỏi.
- Có phải tất cả các đô đốc, các đô thống ngồi đây đều do thái-tử Long-Xưởng với chú đào tạo ra. Có phải thế không ?
- Đúng vậy.
- Thế thì ngoài cái tình của thuộc cấp đối với thượng cấp ra, các vị ấy còn có cái hiếu giữa đệ tử với sư phụ nữa. Có phải thế không ?
- Vâng.
- Ví thử bây giờ Thái-tử Long-Xưởng với chú hoặc bị giết, hoặc bị mất chức, thì họ cũng có thể bị giết hay bị mất chức. Có phải thế không ?
- Vâng.
- Chú có thể đem đầu về dâng lên cho cô tình nhân cũ là Thụy-Hương chặt, để nàng vui lòng. Nhưng chú không có quyền để cô ta chặt đầu bằng này tinh hoa của Đại-Việt. Không thể để vợ, con họ bị chặt đầu chỉ vì họ có tấm lòng son, muốn khôi phục đất tổ mà theo Thái-tử với chú.
Phương-Lan hỏi chư tướng :
- Các vị có đồng ý đem đầu cho Tuyên-phi Từ Thụy-Hương chặt không ?
Tất cả đều trả lời :
- Không.
Phương-Lan nói thực chậm :
- Bây giờ chú phải làm ba việc.
...Một là, ban lệnh cho các đô đốc, các tướng thống lĩnh Thiên-tử binh, các tướng thống lĩnh các hiệu binh địa phương rằng : Vì sự an nguy của xã tắc, vì sự sống còn của các vị ấy. Các vị ấy một mặt giữ vững quân lữ, nhất nhất chỉ tuân theo mệnh lệnh của chú mà thôi. Bất cứ trường hợp nào, dù có chỉ dụ của nhà vua sai người đến thay thế, cũng không được bàn giao cho người khác.
...Hai là, chú cùng chư vương, công chúa đem quân về Thăng-long, đóng ngoài thành để dương oai. Còn chú, thì chú dẫn chư vương, công chúa vào thành xin yết kiến phụ hoàng, mẫu hậu, rồi điều tra cho ra sự thực vụ Thái-tử Long-Xưởng cưỡng dâm Tuyên-phi.
...Ba là, sau khi điều tra xong, chú bắt giam toàn thể chính phạm, tòng phạm, gia quyến bọn vu oan, mưu hại Thái-tử, mưu hại các vị điện hạ đây đem giết ngay. Chú không cần chỉ dụ của phụ hoàng, lấy cớ rằng, tướng cầm quân có toàn quyền xử tử tội phạm mà không cần lệnh vua. Điều quan trọng là phải giết ngay, nếu để chậm trễ, e không phụ hoàng thì cũng Thái-tử Long-Xưởng dùng quyền ân xá cho chúng, thì mèo lại hoàn mèo.
Thủ-Huy là người thông minh, trí dũng có thừa. Chẳng may bị dằng co giữa đạo hiếu, chữ trung với lý trí mà thiếu minh mẫn trong chốc lát. Bây giờ được Phương-Lan mở lối cho, tính cương quyết trở lại. Công cầm kiếm lệnh để lên bàn, rồi nói :
- Cứu binh như cứu hỏa. Nếu chúng ta chậm trễ một ngày thì Từ Thụy-Hương với bọn Tô Hiến-Thành có thể khống chế gia đình chư tướng, cùng giết hết người của Đông-cung. Ta phải hành động ngay.
Chư vương, các tướng cùng thở phào nhẹ nhõm ; họ ngồi ngay ngắn lại chờ lệnh . Thủ-Huy rút lệnh bài trao cho Tăng Khoa :
- Từ đây về Thăng-long, chỉ có năm giờ sức ngựa. Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa đem hiệu binh Phù-Đổng, phi bất kể ngày đêm về Thăng-long. Về tới nơi thì bắt liên lạc ngay với phụ thân. Phụ thân đem thị vệ đánh chiếm Hoàng-cung. Cấm quân thì đánh chiếm các điện thuộc Kinh-thành. Tướng quân phân binh ra, một nửa trấn giữ các cửa thành. Một nửa chiếm Khu-mật viện, các cơ sở thuộc lục bộ, thuộc phủ thừa Thăng-long, phủ đệ của thân vương, đại thần. Ai chống lại thì giết ngay, bất kể đó là thân vương, đại thần. Nếu lúc đó có chiếu chỉ ban ra bắt rút binh, thì tướng quân trả lời rằng tướng quân chỉ biết tuân lệnh Thái-úy.
Tăng Khoa đứng lên đi liền.
Thủ-Huy ra lệnh cho Kiến-Ninh vương :
- Vương tức tốc sai chim ưng mang lệnh cho hạm đội Âu-Cơ dàn ra lãnh hải Hoa-Việt phòng Tống nhân ta có nội chiến, rồi tràn sang xâm chiếm. Lại lệnh cho hạm đội Thần-phù dàn ra lãnh hải Chiêm-Việt, phòng Chiêm thừa cơ sang cướp phá. Đích thân vương đem hạm đội Bạch-đằng, Động-đình về dàn ra trên các sông-hồ Thăng-long, cô lập không cho bất cứ thuyền nào di chuyển, phòng bọn gian trốn chạy.
Kiến-Ninh vương đứng dậy rời khỏi phòng họp.
Thủ-Huy lại ra lệnh cho Kiến-An vương :
- Vương tổng chỉ huy hiệu binh trâu Hoa-lư, bẩy hiệu Thiên-tử binh dàn ra biên giới phòng Tống sang cướp. Rồi cũng về Thăng-long.
Kiến-An vương tuân lệnh, rời khỏi phòng họp.
Thủ-Huy nói với Kiến-Tĩnh vương, công chúa Đoan-Nghi :
- Chúng ta đem ba hiệu binh Ngự-long, Quảng-vũ, Quảng-thánh tiến về Thăng-long. Thôi, giải tán, và lên đường ngay.
Thủ-Huy nói với Phương-Lan, Kim-Ngân :
- Xin chị với Kim-Ngân đi theo Đoan-Nghi, ngay bây giờ lên đường, âm thầm nhập Hoàng-thành bảo vệ mẫu hậu với phụ hoàng, cùng giải cứu thái-tử Long-Xưởng.
Mắt Kim-Ngân liếc ngang sắc như dao, nàng lắc đầu :
- Anh có nhớ hôm ở dưới thuyền trên hồ Tây không ? Hôm ấy, chúng ta mang hết tâm huyết ra giúp Long-Xưởng, thế mà ông ta nói ngang : Đây là chuyện của ông ta, để ông ta giải quyết. Oâng ta giải quyết thế nào mà lại vào nhà tù mà ngủ, rồi xã tắc nghiêng ngả thế này đây. Con người trì nghi không quyết đoán như vậy mà sau lên ngôi vua, thì cũng chỉ làm cho đất nước tan nát mà thôi. Em thấy, dường như ông ta sung sướng khi được bưng giang sơn của vua Hùng, vua An-Dương, cùng ngôi vua của họ Lý dâng cho cô tình nhân cũ là Từ Thụy-Hương, rồi đem đầu cho cô ta chặt thì phải. Hôm ấy, anh Thủ-Lý, chị Phương-Lan, Phương-Liên với em đã thề rằng : Không bao giờ lý đến triều đình nhà Lý nữa. Hôm nay, anh bảo em đi giải cứu ông ta ? Em không làm đâu. Em chỉ đi theo bà chị dâu Đoan-Nghi, phòng khi bà ấy bị người ta hại, thì em cứu mà thôi. Sự nghiệp quả núi Tiêu-sơn đến đây coi như hết.
Lời nói của Kim-Ngân tuy nhỏ nhưng các tướng cũng nghe thấy hết. Bất giác họ cùng đưa mắt nhìn trộm nàng, trong lòng họ nhủ thầm :
- Cô này trông bề ngoài xinh đẹp thế kia, mà ai ngờ lại cứng rắn quá.
Đoan-Nghi, Phương-Lan, Kim-Ngân lấy ngựa lên đường ngay đêm hôm ấy.
Sáng hôm sau, các đô thống chỉ huy hiệu binh Ngự-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ đến trình diện Thủ-Huy :
- Thưa Thái-úy, quân đã chuẩn bị sẵn. Xin Thái-úy ban lệnh.
Thủ-Huy trao lệnh bài cho đô thống chỉ huy hiệu Ngự-long :
- Hiệu Ngư-long hiện đóng ở Gia-lâm ngoài thành Thăng-long. Đô thống đem hiệu Ngự-long đi làm tiền đạo. Khi tới bến Bắc-ngạn thì sẽ có thủy quân chở sang sông. Sang sông rồi, đô thống được đặt dưới quyền Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa : Dàn quân trấn tại các cửa thành để hiệu Phù-Đổng lùi ra đóng ở hồ Tây.
Lại trao binh phù cho đô thống chỉ huy hiệu Quảng-thánh :
- Hiệu Quảng-thánh hiện đóng tại lăng Quốc-tổ, rất gần Thăng-long. Đô thống đem quân đi sau hiệu Ngự-long trấn tại Bắc-ngạn, làm trừ bị.
Cuối cùng công gọi đô thống chỉ huy hiệu Quảng-vũ :
- Hiệu Quảng-vũ hiện đóng ở dưới chân núi Tản-viên, không xa Thăng-long làm bao. Đô thống đem hiệu Quảng-vũ trấn tại Cổ-pháp bảo vệ lăng tẩm tiên đế.
Thủ-Huy, Kiến-Tĩnh vương cùng đội võ sĩ bảo vệ bộ tham mưu dùng ngựa mà đi. Đường từ Đồn-sơn về Thăng-long ước khoảng bốn trăm dặm (200 cây số ngày nay). Quân đi phải năm ngày mới về tới Bắc-ngạn. Trong khi đi đường Thủ-Huy vẫn nhận được đầy đủ tin tức của các đạo quân tường trình :
- Ngay ngày 6 tháng 9 Tăng Khoa đã làm chủ Thăng-long, bao vây hiệu binh Sơn-Nam, và giải giới chúng. Tuy nhiên hiệu này còn hai sư trấn trong Hoàng-thành là chưa giải giới được, vì kị binh không được vào đó. Không có cuộc xô sát nào xẩy ra.
- Ngày 7 tháng 9, hiệu Ngự-long đã tiến vào Thăng-long, hiệu Phù-Đổng lùi ra trấn ở hồ Tây. Vô sự.
- Ngày 8 tháng 9 hiệu Quảng-thánh đã trấn tại Bắc-ngạn. Hiệu Quảng-vũ đã trấn ở Cổ-pháp.
Trưa ngày 9 tháng 9, thì Thủ-Huy đã về tới bến Bắc-ngạn, dùng thuyền của thủy quân đưa sang sông. Công dẫn Kiến-Tĩnh vương cùng bộ tham mưu vào điện Uy-viễn là nơi đặt trụ sở Khu-mật viện. Lát sau thì Nghĩa-Thành vương, Kiến-Ninh vương, Kiến-An vương cũng về tới. Tăng Quốc, Tăng Khoa, hai đô đốùc chỉ huy hạm đội Bạch-đằng, Động-đình, ba đô thống chỉ huy ba hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ cũng lục tục về chờ lệnh.
Nghĩa-Thành vương nổi cáu :
- Cái vụ này tên Đỗ An-Di đã chuẩn bị từ lâu rồi mà ta không biết. Cách đây ít lâu, y báo cho ta biết rằng trấn Thanh-hóa gửi tấu trình về triều cáo giác viên quan phụ trách thu mua lương thực cho quân Bắc phạt tham ô, bắt dân nộp thuế nhiều quá. Y xin ta gửi người vào giải quyết. Ta ngay thực, đích thân lên đường điều tra, rồi ở nhà y hành sự. Như vậy cuộc rối loạn này phải có bàn tay của Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Từ Thụy-Hương và bọn gian tế Tống cùng hiệp nhau mà làm.
Là người tính khí cương quyết, Kiến-Ninh vương hỏi Thủ-Huy :
- Nhị ca ! Đệ muốn nhờ nhị ca một chuyện .
- ? ? ?
- Hiện chị Phương-Lan, Kim-Ngân đang cùng Đoan-Nghi ẩn ở cạnh phụ hoàng, mẫu hậu để hộï giá. Nhị ca có thể gửi thêm mươi cao thủ theo ba người đó. Rồi giữalúc chúng ta cho quân tiến vào, trong trận giao tranh, các võ sĩ nhân lúc hỗn quân, hỗn quan, giết sạch đám quan lại ù lỳ, ăn hại, chuyên rình rập chống đối chúng ta không ?
- Việc này không khó.
Thủ-Huy cương quyết :
- Đám quan lại phản phúc này có tới gần trăm. Hiện chúng đang ở trong dinh thự quanh Thăng-long. Tăng Khoa đã phong tỏa các dinh thự đó rồi. Còn hiện diện trong Hoàng-thành, thì không quá mười mống. Gì chứ vụ giết mấy mống đóù, thì chỉ cần Phương-Lan, Kim-Ngân cũng đủ. Còn giết bọn còn ở nhà, thì đệ có thể nhờ đệ tử Đông-A làm được.
Nghĩa-Thành vương nghe hai cháu bàn, thất kinh hồn vía, vương cản :
- Không nên ! Hoặc khoan đã. Phải đợi xem Long-Xưởng an nguy thế nào rồi hãy làm. Vả chúng ta với Long-Xưởng cùng chung một chí, mà ta làm ngang, e Long-Xưởng không bằng lòng. Anh em sinh xích mích.
Tăng Khoa phúc trình tình hình :
- Trình Thái-úy, khi tiểu tướng tiến vào Kinh-thành, nhờ có phụ thân chỉ huy thị vệ, ngự lâm quân trợ giúp ; tiểu tướng làm chủ được tình thế. Hiện đã kiểm soát hoàn toàn các phủ đệ. Đông-cung đã giải tỏa, nhưng không thấy Bùi vương phi đâu. Thần hỏi thăm mẫu thân thì được biết, vương phi cùng Như-Như tháp tùng Thái-tử nhập cung triều kiến Hoàng-thượng, rồi Thái-tử bị bắt, không có tin tức gì của hai người nữa.
Thủ-Huy vốn cực kỳ kính trọng bà nhũ mẫu của Long-Xưởng. Công hỏi :
- Nhu-mẫn Đoan-duệ phu nhân hiện ở đâu ?
- Mẫu thân đang chờ diện kiến với Thái-úy.
- Mời phu nhân vào.
Vú Loan vừa vào thì Thủ-Huy đã đứng dậy chào đón :
- Xin phu nhân chẳng nên đa lễ. Mời phu nhân an tọa. Tiểu bối xin phu nhân cho biết thêm chi tiết gì về những hoạt động cuối cùng trước khi bị bắt của Thái-tử.
- Thưa Thái-úy. Chiều ngày 1 tháng 9, Thái-tử vào cung mật tấu với Hoàng-thượng, Hoàng-hậu, về việc các gian tế Tống tiềm ẩn trung Hoàng-cung, Đông-cung và phủ Tể-tướng. Nào ngờ Hoàng-thượng đã biết rất rõ vụ này rồi. Sau đây là chi tiết cuộc hội kiến, mà thái-tử thuật với tiểu tỳ :« Hoàng-thượng ban chỉ rằng : Một tên võ sĩ như Vương Cương-Trung với sáu người đàn bà đẹp mà làm nên cái gì ? Nếu họ thực sự là người của Khu-mật viện Tống, thì họ đã bỏ thuốc độc giết ta, giết Xưởng nhi, giết An-Di rồi. Ngày xưa, vua Hán vì sợ Hung-nô mà đem cung nga ban cho chúa Hung-nô là Thuyền-vu để được an mặt Bắc. Từ sau thời Anh-vũ Chiêu-thắng, ta đánh sang Tống, khiến Tống hãi ta, họ gửi người đẹp cho ta, thì tại sao ta phải bắt, phải giết nhỉ ? ».
Nghĩa-Thành vương và chư tướng đều thở dài ngao ngán, lắc đầu.
Phu nhân tiếp :
« Thái-tử trình những cuốn sổ mà phái Đông-A bắt được tại con thuyền, tổng đàn của Vương Cương-Trung, trong đó ghi chép tất cả tình hình triều đinh, quân tình do Vân-Đài Trịnh Nam-Phương, Công-Chúa Triệu Mai-Hương, Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh, cùng ba đệ tử Vương Thúy-Thúy, Từ Thụy-Hương, Nhạc Bảo-Bảo lên Hoàng-thượng.
Hoàng thượng bực mình quở thái-tử :
- Giai-phi, Tuyên-phi là những phi tần mà ta sủng ái nhất, là những người đầu gối tay ấp của ta. Hai người đã có con với ta. Trên danh thì là chúa tôi, trên tình thì là người ta sủng ái, trên nghĩa thì là vợ ta. Trong hoàng-cung này, ta có hàng trăm phi tần, mà không ai làm cho ta vui, dâng hiến thức ăn cho ta ngon miệng, ngoài Giai-phi, Tuyên-phi. Ta bằng này tuổi rồi, ta phải được hưởng những gì ta muốn trước khi về chầu tiên đế. Hai phi nàyï là người cực thân của ta, mà sao Xưởng nhi cứ đi nghe lời bọn vai u thịt bắp, bọn nhà quê của phái Đông-a, rồi đổ cho họ hằng trăm tội phải chết như vậy ? Ừ thì cho rằng họ có tội đi, ta là chúa trời Nam, ta ân xá cho họ đấy. Kẻ nào còn bàn ra nói vào thì ta chặt đầu. Thôi ta mệt rồi, Xưởng-nhi để cho ta yên !
Ngài hỏi gay gắt :
- Thế còn Vương Thúy-Thúy với Nhạc Bảo-Bảo đâu rồi ?
- Tâu, hai vị đó hiện trốn ở Thiên-trường, nhờ phái Đông-A che chở.
Hoàng-thượng nổi cáu :
- Sáng mai ta sẽ ban chỉ ân xá cho Vương Cương-Trung với tùy tòng. Xưởng nhi phải cấp thuyền, lương thực cho họ để họ trở về Tống. Còn hai thiếu nữ Vương Thúy-Thúy, Nhạc Bảo-Bảo thì giữ lại. Thúy-Thúy ta gả cho Trần Thủ-Huy. Bảo-Bảo ta gả cho Thủ-Lý. Thôi Xưởng nhi lui.
Quả nhiên sáng hôm sau (2-9), có chỉ ân xá cho Vương Cương-Trung với thủ hạ hơn trăm người. Khu-mật viện phải tuân chỉ thả họ ra. Họ được cấp một con thuyền lớn, đầy đủ lương thực. Nhưng bọn Cương-Trung không lên đường được, vì các sông biển bị thủy quân phong tỏa, đang Bắc tiến.
Chiều ngày 3 tháng 9, Tuyên-phi sai thái giám ra thỉnh Thái-tử nhập cung, vì Hoàng-thượng se mình. Biết rằng Thái-tử với Tuyên-phi trước đây có mối dây liên hệ tơ hồng. Mà bây giờ Thái-tử vào cung Tuyên-phi giữa lúc long thể bất an thì không khỏi có chỗ tỵ hiềm, miệng thế dị nghị. Tiểu tỳ khuyên Thái-tử nên mang theo mấy thái giám, cung nga. Thái-tử khen tiểu tỳ minh mẫn, rồi người gọi vương phi, Như-Như, cùng sáu thái giám, hai cung nữ theo hầu. Tiểu-tỳ nhớ rõ bấy giờ là giờ Thân. Thế rồi sang giờ Tý (ngày 4-9) cũng không thấy Thái-tử về. Giờ Sửu thì quân sĩ đến bao vây Đông-cung, chính Thái-sư Tô Hiến-Thành mang rất nhiều người đến niêm phong. Sau hai ngày, thì kị binh của Khoa về giải giới quân bao vây Đông-cung ».
- Lời nói đầu
- Hồi 1
- Hồi 2
- Hồi 3
- Hồi 4
- Hồi 5
- Hồi 6
- Hồi 7
- Hồi 8
- Hồi 9
- Hồi 10
- Hồi 11
- Hồi 12
- Hồi 13
- Hồi 14
- Hồi 15
- Hồi 16
- Hồi 17
- Hồi 18
- Hồi 19
- Hồi 20
- Hồi 21
- Hồi 22
- Hồi 23
- Hồi 24
- Hồi 25
- Hồi 26
- Hồi 27
- Hồi 28
- Hồi 29
- Hồi 30
- Hồi 31
- Hồi 32
- Hồi 33
- Hồi 34
- Hồi 35
- Hồi 36
- Hồi 37
- Hồi 38
- Hồi 39
- Hồi 40
- Hồi 41
- Hồi 42
- Hồi 43
- Hồi 44
- Hồi 45
- Hồi 46
- Hồi 47
- Hồi 48
- Hồi 49
- Hồi 50 - Kết