Hồi 3
Đền thờ vua Trưng
Niên hiệu Đại-Định thứ 21, đời vua Anh-tông của Đại-Việt,
bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 30,
đời vua Cao Tông đời Nam Tống
(Canh Thìn DL. 1160)
Theo hội điển sự lệ của triều Lý, thì hằng năm nhà vua sẽ ban đại yến cho hoàng tộc vào các ngày đản sinh, ngày kị của năm vị tiên tiên đế, năm vị hoàng hậu; ngày lễ Càn-nguyên (sinh nhật của vua); các ngày tết Nguyên-đán, Hàn-thực, Trung-nguyên, Trung-thu. Lại ban tiểu yến vào ngày đầu của tiết khí. Mỗi năm có 24 tiết khí, nên có 24 buổi tiểu yến. Cộng chung là 39 buổi.
Theo luật cung đình thời Lý, thì mỗi tiết khí đến, trăm vạn loại chim muông, hoa quả nảy nở, quan Thái-sử lệnh thuộc bộ Lễ sẽ ban lệnh cho các vùng tiến phương vật cho nhà vua. Mỗi vùng sẽ dâng những đặc sản mà vùng khác không có, hoặc có nhưng kém phẩm chất. Các vị An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ vùng ấy, sẽ dâng thời trân của vùng mình lên Thiên-tử. Như trấn Đông-triều, sẽ dâng Đông trùng hạ thảo (1)vào tiết Tiểu-hàn. Trấn Thiên-trường dâng chuối thơm vào tiết Đông-chí. Trấn Trường-yên dâng rươi vào tiết Hàn-lộ. Những buổi ban yến này mục đích để nhà vua và hoàng tộc thắt thêm tình thân huyết tộc. Từ khi Đỗ Anh-Vũ chuyên quyền, thì lệ này bãi bỏ.
Ghi chú của thuật giả
(1)Đông-trùng hạ thảo : Tên một vị thuốc, thường biến thể từ côn trùng sang thảo mộc, và ngược lại. Nhưng thực ra đây là một loại thực vật tên khoa học là Cordyceps sinnensis ký sinh vào loại côn trùng tên khoa học là Hepialus armoricanus Oberthur. Về mùa Hạ thì cây mọc lên như cỏ. Về mùa Đông thì cây tàn, trùng lớn lên.
Vị thuốc này thường thấy ở Tứ-xuyên, Thanh-hải, Cam-túc, Tây-tạng bên Trung-quốc. Ở Việt-Nam thường thấy ở vùng biên giới phía Bắc.
Chủ yếu tác dụng: Nhập vào các kinh phế, thận. Theo y học Trung-quốc, Đông-trùng Hạ-thảo dùng để trị các bệnh phổi, thận.
Về bệnh phổi: Ho ra máu, suyễn do hư chứng, mồ hôi trộm.
Về bệnh thận: Nam bất lực sinh lý, di tinh, đau ngang thắt lưng. Phụ nữ không thụ thai do hư nhược (Infertillité).
Ngoài ra còn dùng để phụ trợ giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, sau thời gian dài bị bệnh.
Từ khi có Viagra, thì Đông-trùng Hạ-thảo trở thành đắt vô cùng. Bởi Viagra chỉ có tác dụng làm dãn nở mạch máu, để máu chạy xuống...cây gậy thần của quý ông. Nhưng nếu thận của quý ông nó...mệt mỏi, hoặc nó đã đi vào tuổi cổ lai hy (70) thì tuy dùng Viagra, cây gậy thần dựng dậy, nhưng làm hoài mà nó...nó không ra thì sao? Thảng hoặc nó có ra, nhưng chỉ một hai lần, rồi khô, thì đâu có sướng? Vì vậy chúng tôi (Cơ sở nghiên cứu tổng hợp y học Âu-Á) phải cho Viagra hết hôn với Đông-trùng Hạ-thảo.
Năm nay, Đỗ Anh-Vũ bị giết rồi, nhà vua nghe lời khuyên của thái-tử Long-Xưởng, ngài tuyên chỉ tái thiết lệ cũ. Buổi ban yến đầu tiên nhằm tiết Hàn-lộ. Khác với mọi năm, năm nay gió hanh may tới trễ, mà mùa rươi lại tới sớm. Quan An-vũ sứ trấn Trường-yên vội sai ngựa lưu tinh phi như bay, đem về dâng cho nhà vua hơn một yến, loại rươi thực lớn. Viên thái giám phụ trách ty Thượng-thiện tiếp nhận rươi rồi bắt tay vào làm yến rươi tức thì. Yến rươi gồm có năm món chính: Chả rươi, mắm rươi, rươi xào, rươi chưng, rươi hấp.
Hoàng-hậu thân dẫn cung nga, mang mỗi loại một bát lớn, đến cung Cảm-Thánh dâng cho thái-hậu, rồi ban chỉ triệu hoàng tộc vào cung Long-hoa để cùng hưởng món thời trân. Tuy nói rằng hoàng tộc, chứ thực ra chỉ bản thân, vợ, con, cháu của : Các hoàng tử, các tước vương, công, hầu, các công chúa, phò mã mới được hưởng đặc ân này mà thôi. Sau buổi yến, hoàng-hậu sẽ ban vàng, ngọc, lụa cho con cháu trong hoàng tộc mới ra đời trong năm.
Theo luật lệ của các triều đại Việt xưa, ngoài hoàng-hậu ra, nhà vua còn có nhiều bà vợ, mang chức tước khác nhau. Số các bà vợ này không nhất định. Ít thì vài, ba chục, nhiều có thể tới ba nghìn.
Đại-Định hoàng đế tuy bị bà nội, mẹ đẻ, Anh-Vũ áp chế, tạo ngài thành một người trì nghi, không chí khí, không quyết đoán,ù lỳ, chỉ biết hưởng thụ. Nhưng trời ban cho nhà vua cái đặc ân là việc phòng the thì ngài rất khỏe. Ngoài hoàng hậu ra, ngài cóù sáu bà phi là Thần-phi, Quý-phi, Thục-phi, Đức-phi, Hiền-phi, Giai-phi; khoảng hơn hai chục bà ở vai thấp hơn như Tu-dung, Tu-nghi, Phu-nhân. Đấy là các bà Việt. Ngài cũng nạp thêm con gái của các động trưởng vùng Bắc-cương, các thiếu nữ người Lào, người Chàm. Theo TTCTBK thì ngài rất thích con gái người Chàm. ĐVSKTT chép : Niên hiệu Đại-Định thứ 15, mùa Đông, tháng mười (Giáp-Tuất, DL. 1154) vua Chiêm là Chế-bì La-bút dâng con gái, nhà vua thu nạp và phong ngay làm Nam-phương phu nhân, lại ban cho hiệu là Chiêu-đức huyền quân (Nàng tiên có nhiều đức) sau thăng lên Giai-phi. Giai-phi là người đẹp nhất trong hậu cung, nàng lại lầu thông Thi, Thư, đàn ngọt hát hay nên được nhà vua sủng ái nhất. Ngoài ra ngài còn hàng mấy chục bà ở bậc Tu-dung, Tu-nghi, Phu-nhân đều có cung riêng. Trong những cung ấy, các bà có thái giám, cung nga hầu hạ. Tuy các cung nga làm nhiệm vụ hèn hạ, nhưng bất cứ lúc nào, nhà vua thấy một cung nga... coi ngon mắt, thì vẫn có thể đem về chỗ ngủ riêng của mình để ngự . Chỗ ngủ riêng của nhà vua gọi chung là tẩm cung. Tẩm cung của các vua nhà Lý là cung Long-thụy (Long là rồng, thụy là ngủ). Khi một cung nga, được vua ngự, thì gọi là được ban hồng-ân. Thường, một cung nga sau lần được ban hồng ân, nhà vua sẽ ban chế thăng chức cao hay thấp tùy ý. Lại ban chỉ xây cung điện riêng cho ở, cấp thái giám, cung nữ hầu hạ. Cho nên nhà vua có rất nhiều con.
Long-Xưởng có cái may là hoàng nam đầu tiên, lại do hoàng-hậu sinh ra, nên được phong làm thái-tử. Sau Long-Xưởng, nhà vua còn có thêm ba hoàng tử, chín công chúa nữa. Trong mười hai người em đó, không có người nào cùng mẹ với Long-Xưởng.
Biết rằng mình là con cả, lại là trừ quân, sau này phụ hoàng băng hà rồi, sẽ nối ngôi vua; nên Long-Xưởng hết sức lễ độ với các bà phi, cũng như chăm sóc các em, để tạo một hòa khí trong hoàng tộc. Nó nghĩ: Khi mình lên ngôi vua rồi, thì tất cả tài vật trong thiên hạ đều là của mình. Vì vậy nó không cần giữ bất cứ vật gì làm của riêng. Mỗi khi được phụ hoàng, mẫu hậu ban thưởng, hoặc được các quan dâng cho cái gì, Long-Xưởng lại họp các em, rồi chia đều, không phân biệt lớn nhỏ, nam nữ. Hóa cho nên trong ba em trai là Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa, không người nào tỏ ý ganh tỵ, kèn cựa với anh. Đó là điều hiếm có trong lịch sử các nước Á-châu.
Tuy nhiên, hằng ngày, Long-Xưởng sủng ái nhất là công chúa Đoan-Nghi, con của thần-phi Bùi Chiêu-Dương sinh ra. Đoan-Nghi nhỏ hơn Long-Xưởng hai tuổi, cực kỳ thông minh, lại ôn nhu văn nhã. Anh em gần nhau như bóng với hình.
Các bà phi khác đã chuẩn bị cho các con y phục chỉnh tề, sau đó tất cả cùng dùng xe tới cung Chiêu-Linh để cùng đi với Long-Xưởng dự yến. Long-Xưởng hành lễ với các bà phi, rồi hướng vào các em:
- Hôm nay là ngày rằm tháng mười. Phụ-hoàng ban yến tại cung Long-hoa. Vậy anh nhắc các em về lễ nghi lần nữa.
Rồi Long-Xưởng dặn dò các em thực kỹ nghi thức triều yết phụ hoàng, mẫu hậu, khi hành lễ với các thân vương, cung cách đối đáp với các thế tử, quận chúa, công tử, tiểu thư... thực chi tiết.
Mọi việc xong xuôi, nó chia cho các em đi trên ba xe. Xe của Long-Xưởng có ba em trai, trong khi có hai xe phải chở đến chín công chúa, với ba nhũ mẫu. Thấy xe có Đoan-Nghi hơi chật, nó nảy ra ý đem bớt Đoan-Nghi sang xe mình. Nó lại trước Bùi thần phi, cung tay:
- Hài nhi xin thần-phi để Đoan-Nghi đi cùng xe với hài nhi, cho vui.
Thần-phi nắm tay Long-Xưởng, rồi nói bằng lời cảm động:
- Chắc thái-tử mới đọc bộ sách nào hay, định giảng cho Đoan-Nghi hẳn! Thái-tử cứ tự tiện. Anh dạy em, thì là điều cha mẹ đều mong ước.
Hai chiếc xe rầm rộ lên đường. Trên đường đi, Đoan-Nghi hỏi anh :
- Này ! Anh Long-Xưởng ơi ! Hồi xưa, mình có ba bà thái tổ cô anh hùng, trấn ngự biên cương phải không ? Các ngài là những ai vậy ?
Để thử trí nhớ các em, Long-Xưởng hỏi Long-Minh :
- Long-Minh trả lời cho Đoan-Nghi đi.
Long-Minh vuốt má Đoan-Nghi :
- Con bé ngoan ngoãn, mít ướt nhất Đại-Việt nghe cho rõ nhé. Ba vị ấy đều là công chúa con đức Thái-tông. Vị thứ nhất là công chúa Bình-Dương !
- À, em biết rồi ! Ngài là Quan-thế-âm phân thân giáng thế, phải không ?
Long-Minh bật cười :
- Phải, mà không phải.
- Tại sao ? Phải thì là phải, không thì là không, chứ có đâu vừa phải, lại vừa không!
- Nghe đã nào! Phải, vì hành trạng của ngài giống Quan-Aâm, nên người đương thời suy tôn ngài như vậy. Không, vì ngài là người trần như chúng ta.
- Vị thứ nhì, thứ ba là ai ?
Long-Minh lại đáp :
- Vị thứ nhì là công chúa Kim-Thành. Vị thứ ba là công chúa Trường-Ninh. Ba vị cùng ba phò mã, suốt đời trấn ngự biên cương mấy chục năm.
- Thế sao mẹ kể, đức Thánh-tông cũng có ba công chúa anh hùng đánh Tống. Các vị là những vị nào ?
- À, ba vị đó chúng ta phải gọi là tổ cô. Công chúa thứ nhất là Thiên-Thành, trấn ngự Bắc-biên. Công chúa thứ nhì là Động-Thiên, rất giỏi thủy chiến. Ngài tuẫn quốc trận Phú-lương. Công chúa thứ ba là Thiên-Ninh tuẫn quốc trận Như-nguyệt.
Đoan-Nghi reo lên :
- Em biết công chúa Thiên-Ninh rồi, ngài là bà chúa kho chứ gì ? Hồi đầu năm em theo mẹ đi Kinh-Bắc lễ đền thờ ngài. Em có khấn xin vay ngài một chuỗi ngọc trai. Thế mà nay đã là tháng mười, em vẫn chưa thấy gì !
Long-Xưởng vuốt tóc Đoan-Nghi :
- Có, ngài khen em ngoan, học giỏi, nên ngài không cho vay, mà ban thưởng cho em luôn.
Đoan-Nghi ngửa hai bàn tay ra :
- Đâu ? Ở chỗ nào ?
Long-Xưởng móc trong bọc ra cái hộp bằng bạc, rồi mở hộp. Trong hộp có một chuỗi ngọc trai năm vòng. Nó đeo vào cổ em:
- Đây chứ đâu !
Đoan-Nghi chắp tay hướng lên trời :
- Đa tạ tổ cô đã ban cho con.
Long-Hòa vốn ít nói, từ đầu đến cuối nó ngồi im, bây giờ mới lên tiếng :
- Đoan-Nghi phải tạ ơn anh cả mới đúng !
Nguyên trước đây sứ thần Lão-qua sang triều cống, họ cũng đem một ít lễ vật dâng cho Thái-tử. Nhân Long-Xưởng nghe Thần-phi nói chuyện với hoàng-hậu rằng : Hôm đi lễ đền bà chúa kho, Đoan-Nghi có khấn xin vay một chuỗi ngọc trai. Long-Xưởng ghi vào dạ. Hôm nay nó mang ra tặng em gái.
Đoan-Nghi nhắc lại lời Long-Hòa:
- Đa tạ anh cả.
Long-Xưởng tát yêu em gái:
- Anh cứ mong mình có thực nhiều ngọc, ngà để tặng cho các em gái. Anh lại mong học được nhiều điều mới lạ để dạy lại cho các em trai.
Xe đã tới điện Long-hoa.
Một thái giám phụ trách kính sự hô lớn:
- Kính thỉnh chư vị điện hạ vào cung.
Lễ nghi tất.
Liếc mắt nhìn trong cung Long-hoa, Long-Xưởng nói với các em :
- Vì ác nhân Đỗ Anh-Vũ ép phụ hoàng ban chỉ sát hại Chiêu-Hòa vương Lý Long-Vũ, giáng truất Trí-Minh vương Lý Long-Dũng, Bảo-Ninh hầu Lý Long-Can, Bảo-Thắng hầu Lý Long-Hiền, phò mã Dương Tự-Minh, cho nên những lần dự yến trước, thì người trong phủ này đều không được dự . Bây giờ ác nhân đã bị tru diệt, nên các vị đều hiện diện. So trong ngọc diệp, anh em chúng ta đều dưới vai các người. Vậy chúng ta phải tới đưa lời vấn an cho phải đạo.
Bốn anh em cùng đứng dậy, tới bục dành cho thân nhân Chiêu-Hòa vương, chắp tay hướng thế tử, quận chúa con vương hành lễ. Nó dùng ngôn từ bình dân:
- Bọn chúng cháu xin vấn an các cô, các chú.
Chiêu-Hòa vương có bốn con trai, năm con gái, đều đã thành gia thất. Thế tử lớn nhất là Lý Long-Cẩn vội đáp lễ:
- Không dám! Xin các vị điện hạ chẳng nên hạ thể. Hôm nay đây, ác nhân đã đền tội, chúng ta được hưởng huyết nhục trùng phùng là vui rồi.
Thế là mọi người lại bàn luận quanh vụ Đỗ Anh-Vũ bị giết cả nhà. Thế tử Long-Cẩn than :
- Côi-sơn song ưng tưởng đâu làm một mẻ quét sạch lũ hôi tanh họ Đỗ, không ngờ lại để cho bọn tay sai cùng hung cực ác lọt lưới.
Long-Xưởng kinh ngạc :
- Chúng là những đứa nào vậy ?
- Sở dĩ Anh-Vũ hoành hành là ỷ có thái-hậu sủng ái, và bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên võ công cao thâm không biết đâu mà lường... làm tay sai. Cuộc ra tay của hoàng-hậu, quét sạch bọn hôi tanh trong triều sở dĩ thất bại là do bọn này lọt lưới mà ra.
_ ! ? ! ?
- Nùng-sơn tam anh là Vương Nhất, Cao Nhị và Đỗ Anh-Hào. Anh-Hào là con của Đỗ Anh-Vũ, nhưng không rõ mẹ chúng là ai. Còn Tô-lịch nhị tiên vốn họ Lê, cháu của thái-hậu. Cả năm đứa này cùng học võ với một đại tôn sư. Có người bảo võ công chúng ba phần giống Hoa-sơn bên Trung-quốc, bẩy phần giống Đông-a của Đại-Việt. Hiện các võ quan trong triều không ai địch nổi một trong năm tên này.
Nghe Long-Cẩn nói, Long-Xưởng nhớ lại ba người đàn ông và hai người đàn bà theo thái-hậu đến cung Chiêu-Linh đàn áp nhà vua hồi tháng tám. Một chút ánh sáng ló dạng chiếu vào bóng đêm của Hoàng-cung.
Long-Xưởng hỏi :
- Sao chú biết rằng, trong các võ quan tại triều, không ai địch lại chúng ?
- À truyện này xẩy ra hồi thái-tử còn thơ, nên không biết. Trong dịp tết Trung-thu, thái-hậu cho mời tát cả các võ quan có võ công cao, các thị vệ, các đô đầu vào cung Cảm-Thánh dự tiệc. Thái hậu ban chỉ cho các quan : Ai chịu được của Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên hai mươi chiêu thì được thăng hai trật. Ai chịu được mười chiêu thì được thăng một trật. Ai chịu được ba chiêu thì được tặng một nén vàng.
- Thế kết quả ra sao ?
- Hầu hết các võ quan, thị vệ, không ai chịu được quá ba chiêu. Chỉ có ba người đoạt giải mà thôi. Người thứ nhất là đô thống Lưu Khánh-Bình đấu ngang tay với Cao Nhị. Sau đó Bình được thăng lên hàng tướng quân. Người thứ nhì là Tô Hiến-Thành đấu với Cảm-Linh, y chịu được trên trăm hiệp, cũng được thăng hai trật. Người thứ ba là Đàm Dĩ-Mông, đấu với Cảm-Chi y chịu được sáu chiêu, được thưởng hai nén vàng.
Đến đó viên thái giám kính sự hô :
- Hoàng-thượng, hoàng-hậu, chư vị quý phi giá lâm.
Mọi người im lặng quỳ gối.
Nhà vua cùng hoàng-hậu, bốn bà phi vào cung Long-hoa. An tọa rồi, nhà vua tuyên chỉ :
- Miễn lễ!
Mọi người về chỗ ngồi.
Từ khi lên ngôi vào lúc ba tuổi đến giờ, nhà vua chỉ biết ăn, ngủ... Mọi sự do bà nội, rồi mẹ với Đỗ Anh-Vũ quyết đoán hết. Bất cứ nhà vua nói gì, đưa ý kiến gì, cũng bị các bà quát mắng, sau đó bác bỏ. Riết rồi ngài thành cục bột, khi có sự không biết nói gì, làm gì. Hôm nay là ngày đầu tiên, sau hơn hai chục năm lên ngôi, nhà vua được ngồi chủ vị một buổi yến hội như thế này. Nhà vua tỏ ra luống cuống, ngài đưa mắt cho hoàng-hậu. Hoàng-hậu biết ý nhà vua, vội thay ngài ban dụ. Trong dụï, đại ý nói nhân mùa rươi mới, nhà vua muốn hoàng tộc cùng hội nhau dự yến. Bởi hơn hai chục năm qua, bị ác nhân Anh-Vũ kiềm chế ngài, rồi giết hại tôn thất, khiến hoàng tộc phân hóa, nghi ngờ, thù hận lẫn nhau. Bữa yến hôm nay, để nối lại tình ruột thịt.
Thế rồi các thân vương, công chúa, phò mã cùng đưa lời chúc tụng nhà vua.
Trí-Minh vương vốn đã nghe đã biết ông anh mình chỉ làm vua cho có danh vị. Ngược lại, ông nghe nói, cũng như trực tiếp tìm hiểu về đứa cháu mình là Long-Xưởng. Nào là cực kỳ thông minh. Nào là khoan hòa, nhân từ. Oâng hy vọng vào Long-Xưởng rất nhiều. Nhân dịp này, ông muốn thúc nhà vua cho lập Đông-cung triều để Long-Xưởng sớm dự vào việc triều chính. Oâng tâu :
- Tâu hoàng-huynh! Từ khi đức Thái-tổ nhà ta lập nghiệp rồng, ngài đã phong cho đức Thái-tông làm Khai-Thiên vương, cho ở Đông-phủ để dự vào chính sự. Lại nữa, khi đức Thái-tông vừa lên ngôi đã phong cho đức Thánh-tông làm Khai-Hoàng vương, cho ra ở Đông-cung. Nay thái-tử Long-Xưởng, tuổi tuy còn nhỏ, nhưng thông tuệ khác thường, lại có đức độ, hành sự không khác Quốc-phụ (2) khi ưa. Xin hoàng huynh khẩn phong chức tước cho thái-tử, và lập Đông-cung triều, để thái-tử quen với chính sự.
Ghi chú của thuật giả:
(2)Quốc-phụ đây để chỉ Khai-quốc vương Lý Long-Bồ, con thứ nhì của vua Lý Thái-tổ. Ngài là cột trụ của triều vua Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông. Xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử , Anh-hùng Bắc-cương, Anh-linh thần võ tộc Việt và Nam-quốc sơn hà của Yên-tử cư-sĩ.
Nghe em tâu, nhà vua gật đầu :
- Trẫm sẽ ban hành chiếu chỉ như hoàng đệ tâu.
Sau buổi hội yến đó, thì hơn tháng sau có chiếu chỉ ban ra phong chức tước cho thái-tử, gồm cả chức văn lẫn võ:
Thái-sư, Thượng-trụ quốc, khai phủ nghị đồng tam tư, Phụ-quốc thượng tướng quân, Lĩnh-Nam tiết độ sứ, Hiển-Trung vương.
Nhưng vì thái-tử còn nhỏ, nên nhà vua không thể vượt luật cho mở phủ đệ riêng. Ngược lại nhà vua dùng Chiêu-Linh hoàng hậu, với thái-tử như những đại học sĩ làm việc bên cạnh.
Sau hơn hai năm trôi qua, thái-tử đã lớn, nên được cho mở phủ đệ riêng, cho ra ở Đông-cung ngoài thành, cùng lập Đông-cung triều.
Phủ đệ của Đông-cung được xây dựng vào đời đức Thái-tổ (Nhâm-Tý, DL.1012), niên hiệu Thuận-Thiên thứ ba. Nguyên bấy giờ vua Lý Thái-tổ mới lên ngôi, lòng dân chưa an; luật pháp, kỷ cương chưa vững. Ngài ban chiếu cầu hiền, rồi sai xây cung Long-đức ngoài thành cho con trưởng là Khai-Thiên vương ở, để tiếp xúc với sĩ dân trong nước, và hiểu dân tình. Tuy nhiên cung Long-đức không phải là Đông-cung, vì Khai-Thiên vương chưa được lập làm trừ quân.
Sau khi Khai-Thiên vương lên ngôi, tức vua Lý Thái-tông, ngài phong cho con trưởng là Khai-Hoàng vương Nhật-Tông làm Đông-cung thái tử, cung Long-đức đổi thành Đông-cung. Lúc thái-tử Nhật-tông đủ mười tuổi, được cho ra ở đây, làm phủ đệ riêng, tiếp xúc với sĩ dân.
Rồi thái-tử Nhật-tông lên nối ngôi, tức vua Thánh-tông. Bởi nhà vua chưa có hoàng nam, nên Đông-cung bị bỏ không một thời gian dài. Tới khi vua Thánh-tông băng, thì thái-tử Càn-Đức mới bẩy tuổi, chưa được mở phủ đệ riêng. Đông-cung vẫn không có chủ. Thái-tử Càn-Đức lên ngôi, sau là vua Nhân-tông. Vua Nhân-tông không có con trai, ngài nuôi con của em là Sùng-hiền hầu tên Lý Dương-Hoán, lập làm thái-tử.
Niên hiệu Thiên-phù Duệ-vũ thứ 6 (Ất-Tỵ DL. 1125), vua cho thái-tử Dương-Hoán ra ở Đông-cung. Niên hiệu Thiên-phù Khánh-thọ nguyên niên (Đinh-Mùi, DL. 1127), vua Nhân-tông băng, thái-tử Dương-Hoán lên nối ngôi, sau là vua Thần-tông. Bấy giờ vua Thần-tông cũng chưa có hoàng nam, một lần nữa Đông-cung lại vô chủ.
Niên hiệu Thiên-Thuận thứ 4 (Tân Hợi, DL. 1131), vua Thần-tông âm thầm ra ngoài kinh thành thăm dân cho biết sự tình. Trong dịp này, nhà vua gặp một thiếu nữ bán hoa, sắc nước hương trời tên Hồng-Hạnh. Nhà vua say mê Hồng-Hạnh, rồi đón về, phong làm tu dung. Năm sau, ngày1 tháng 5 năm Nhâm Tý, tu dung Hồng-Hạnh sinh hoàng tử Thiên-Lộc. Nhà vua lập làm thái-tử, tước phong Minh-Đạo vương. Vì sinh hoàng nam, tu-dung Hồng-Hạnh được thăng lên thần-phi. Điều này làm Thái-thượng hoàng (Sùng-hiền hầu) và Chiêu-Hiếu hoàng thái hậu ( Đỗ phu nhân, vợ Sùng Hiền hầu) không vui, vì Hồng-Hạnh là con nhà dân dã.
Niên hiệu Thiên-chương Bảo-tự thứ 6 đời vua Thần-tông (Mậu Ngọ, DL. 1138), tuy thái-tử Thiên-Lộc mới 7 tuổi, nhưng cũng được cho ra ở Đông-cung. Tháng bẩy năm đó, vua không khỏe. Biết rằng mình sắp băng, mới gọi tham-tri chính sự (Phó tể tướng) Từ Văn-Thông vào để viết di chiếu cho thái-tử Thiên-Lộc nối ngôi. Cảm-Thánh hoàng hậu muốn tranh ngôi vua cho con mình là hoàng tử Thiên-Tộ, mới cùng hai bà phi Nhật-Phụng và Phụng-Thánh đem vàng ngọc đút cho Từ Văn Thông và dặn rằng khi nhà vua bảo viết chiếu thì báo cho ba bà biết. Quả nhiên khi vua sai viết chiếu, Thông cầm bút chần chờ, rồi mật báo cho ba bà. Ba bà vào khóc rằng : « Bọn thiếp nghe rằng người xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên-Lộc là con của một tu dung, xuất thân dân dã. Nếu cho Thiên-Lộc nối ngôi, thì e người mẹ sẽ tiếm lấn sinh lòng ghen ghét làm hại, thì mẹ con thiếp tránh sao khỏi hại ». Vì thế nhà vua xuống chiếu lập Thiên-Tộ lên làm vua, dù bấy giờ mới 3 tuổi (tức vua Anh Tông). Nhà vua lên ngôi được hai ngày thì Chiêu-Hiếu hoàng thái hậu, Cảm-Thánh thái hậu đuổi Thiên-Lộc ra khỏi Đông-cung. Từ đấy Đông-cung tiếp tục bỏ trống cho đến nay (1160) đã hai mươi ba năm.
Bây giờ thái-tử Long-Xưởng đã mười tuổi, chư đại thần chiếu luật lệ xin cho ở Đông-cung, lập Đông-cung triều. Nhà vua chưa kịp ban chỉ, thì đã gặp sự phản đối của thái-hậu.
Nguyên sau khi Anh-Vũ bị giết, phe đảng họ Lê thuộc giòng họ của thái-hậu, giòng họ Đỗ của Anh-Vũ...sợ bóng sợ gió Côi-sơn song ưng, chúng không dám dự vào việc triều chính nữa. Kể từ khi lên ngôi đến nay là 25 năm, lần đầu tiên nhà vua nắm lại được một số quyền hành. Trong suốt hai năm qua, được các lão thần như thái-sư Lưu Khánh-Đàm, Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, các thân vương như Trí-Minh vương Lý Long-Dũng, Bảo-Minh hầu Lý Long-Can, Bảo-Thắng hầu Lý Long-Hiền hết sức phò tá, nên Đại-Việt đã có kỷ cương.
Công việc chỉnh đốn lại thực bận rộn. Nào tái tổ chức mười hai hiệu Thiên-tử binh, hiệu kị binh Phù-Đổng, hiệu Ngưu-binh Hoa-lư, đoàn thị vệ. Nào giảm cung nga, thái giám, giảm chi tiêu nội cung. Nào chỉnh đốn lại hệ thống làng xã, tái phối trí hệ thống kiểm soát trâu bò. Cấm hẳn việc giết trâu, bò, dù là quốc lễ. Hóa cho nên chưa đầy hai năm, mà dân chúng no đủ, phong hóa được phục hưng. Bề ngoài, ai cũng tưởng nhà vua làm, nhưng thực ra, nhà vua chỉ làm theo lời khuyên của đại thần, thân vương, hoàng-hậu, thái-tử.
Thấy những thay đổi của triều đình, bọn tay chân của thái-hậu gì mà không biết rằng: Nhà vua chỉ là cục bột, mọi sự ngoài triều do các quan, mọi sự bề trong do thái-tử. Vì hoàng-hậu bị thái-hậu kiềm chế bằng độc chưởng Huyền-âm, mỗi tháng bà phải đến cung Cảm-Thánh xin thái-hậu ban thuốc giải, nên bà đóng vai mũ ni che tai, ngớ ngớ ngẩn ngẩn. Bà muốn làm gì, khuyên nhà vua làm gì, lại rỉ tai Long-Xưởng. Bọn gian cứ tưởng những gì Long-Xưởng tâu xin nhà vua làm là của thái-tử. Vì vậy chúngï càng sợ Long-Xưởng. Chúng nghĩ : Bây giờ, với tài trí ấy mà thái-tử mở Đông-cung triều, thì thực là nguy cho chúng. Chúng tâu xin thái-hậu bác bỏ việc này. Nhưng trước những luật lệ, điển chế của triều đình, thái-hậu đành nhượng bộ.
Tuy nhượng bộ, mà bà vẫn không chịu thua. Bà không để hoàng-hậu cũng như thái-tử tuyển cung nga, thái giám, thị vệ, bộc phụ, mã phu cho Đông-cung . Bà dành quyền tuyển người cho cháu. Đấy là cái khăn để che dấu việc chuyên quyền, chứ thực sự bà đem người của bà từ cung Cảm-Thánh sang. Quan trọng nhất là chức thái-tử mật thư tỉnh sự, bà bổ nhiệm cháu gọi bằng cô tên Lê Du vào chức này. Du tuổi đã trên năm mươi. Chức thái-tử mật thư tỉnh sự rất quan trọng, tương đương với ngày nay là đổng lý văn phòng. Với chức mật-thư tỉnh sự, Du coi hết văn thư, Du còn cai quản hết những người phục thị riêng cho Đông-cung như thị vệ, cung nga, thái giám, thân binh, bộc phụ, mã phu và cả nhũ mẫu của thái-tử nữa. Chức thứ nhì là trưởng-sử, để ghi chép tất cả những gì xẩy ra trong Đông-cung. Thái hậu bổ nhiệm Đỗ Anh-Hạc, cháu gọi Đỗ Anh-Vũ bằng chú, y thoát chết trong vụ Côi-sơn song ưng xử mấy năm trước. Còn trưởng toán thị vệ, bà bổ nhiệm thằng Ba, tức Đỗ Anh-Hào, con của Anh-Vũ. Y chính là tên thích khách mà bà sai đến kiềm chế nhà vua hai năm trước.
Thế là nhất cử, nhất động của thái-tử, bọn này đều mật tấu cho thái-hậu hết. Đông-cung trở thành một nhà tù giam lỏng Long-Xưởng.
Nhưng có một người, bà không có quyền thay thế, ví dù bà có quyền thay thế, bà cũng không thể thay thế, đó là vú Loan, người nuôi sữa của thái-tử.
Luật định ra từ thời vua Thái-tổ về việc tuyển vú cho các hoàng tử, công chúa như sau: Khi một hoàng tử, công chúa sinh ra, thì hoàng-hậu tuyển chọn lấy một phụ nữ trẻ, vợ của chức quan nhỏ, có sức khỏe, không bệnh tật, tâm tính lương thuần; đang nuôi sữa cho con, phong làm nhũ mẫu.
Nhũ mẫu của công chúa được hưởng bổng bằng trưởng toán cung nga, hàm tới tứ phẩm. Nhũ mẫu của hoàng tử, hưởng bổng bằng Lễ-nghi học sĩ, hàm tới tam phẩm. Sau ba năm, nhũ mẫu được ban thưởng rất nhiều vàng bạc, lại cấp ruộng cho, rồi trả về với gia đình. Còn như vì lòng hiếu kính với người con sữa, nhũ mẫu muốn ở lại trong cung, thì vẫn được cấp ruộng, lại cũng vẫn được hưởng bổng như khi còn nuôi sữa. Người con của nhũ mẫu được phong chức nghĩa đệ hay nghĩa muội của công chúa, hoàng tử.
Nhũ mẫu của Long-Xưởng họ Chu tên Thúy-Loan, con của một võ quan nhỏ là Chu Minh, giữ chức sư trưởng trong hiệu binh địa phương Thiên-trường. Năm mười sáu tuổi, vú được gả cho một võ quan cấp tá-lĩnh làm việc tại Khu-mật viện tên Tăng Quốc. Năm mười bảy tuổi vú sinh đứa con đầu lòng, là Tăng Khoa. Tăng Khoa vừa đầy tháng thì vú được tuyển làm nhũ mẫu cho Long-Xưởng. Vú phải mượn người nuôi sữa cho con, để nhập cung. Tuy phải xa chồng, xa con, nhưng vú được hoàng-hậu cực kỳ sủng ái. Vú ở trong một phòng trang trí sang trọng tại cung Chiêu-Linh, nuôi ăn như những công chúa, hoàng tử. Vú cũng có thái giám, cung nữ hầu hạ. Chiêu-Linh hoàng hậu luôn ban thưởng vàng bạc cho vú vào dịp đầy tháng, đầy năm của Long-Xưởng. Cứ hai ngày, vú được về thăm chồng một lần.
Khi hết hạn ba năm, vú Loan xin ở lại phục thị thái-tử. Năm nay vú mới hai mươi bảy tuổi, nhưng địa vị, uy tín của vú rất lớn, vì tâm tính hiền hậu, hay giúp đỡ người. Bây giờ thái-tử được phong tước vương, ra ở Đông-cung, các quan chiếu luật, xin thăng vú lên chức thái-tử thượng thiện, tước Nhu-mẫn, Đoan-duệ phu nhân. Cái chức thái-tử thượng thiện tuy không lớn, nhưng rất quan trọng. Với chức vụ này, vú cai quản kho lẫm, tài vật, điều khiển việc nấu nướng, y phục của Đông-cung. Đứa con sữa của vú là Tăng Khoa được phong tước thái-tử nghĩa đệ, được tự do ra vào Đông-cung, được vào học ở trường Quốc-tử giám. Chồng của vú được thăng lên hàng tướng quân. Cả nhà vú được vào ở hẳn trong Đông-cung.
Gia đình vú chỉ vỏn vẹn có bốn người, gồm hai vợ chồng, với Tăng Khoa, thêm một con ở bằng tuổi Khoa tên Nhài, mà vú mua về mấy tháng trước. Nguyên con Nhài là con một thầy lang ở Gia-lâm. Năm trước mẹ nó chết, dì ghẻ đánh đập nó quá tàn nhẫn. Hàng xóm thương tình xin cho nó làm con ở nhà vú. Vú không muốn chiếm đoạt con của người, vú gặp bố nó xin mua. Bố nó bán cho vú với giá năm lạng bạc. Từ khi về với vú, con Nhài rất chăm chỉ, vừa ngoan, vừa hiền, nó lại chịu khó học, nên cũng đọc thông văn tự. Nó được mọi nết, chỉ phải một tội là mặt nó rỗ chằng chịt, rất khó coi. Năm nay nó đã mười bẩy tuổi, cái tuổi mà hoa chớm nở. Con nhài trổ mã, chân tay dài, thân hình nảy nở. Ngực nở, lưng tròn dáng đi nhẹ nhàng, tiếng nói trong mà ngọt như cam thảo.
Theo hội-điển sự lệ triều Lý, thì khi một người được tuyển vào hậu cung, Đông-cung, thì Khu-mật viện phải điều tra lý lịch. Khu-mật viện cho người sang Gia-lâm tìm thầy lang điều tra thì biết rằng thầy là người chất phác, ngoan dân. Kết quả con Nhài được tuyển làm người phụ nấu bếp cho vú Loan. Long-Xưởng dùng nó làm người hầu cận thân tín.
Vì vậy, tuy bị người của Cảm-Thánh thái hậu bao vây, nhưng Long-Xưởng vẫn còn bốn người thân tín là vợ chồng vú Loan với đứa em sữa Tăng Khoa, con Nhài. Bề ngoài thì Tăng-Khoa học văn, chơi đùa với thái-tử, chứ thực ra nó là con thoi đem tin tức của thái-tử cho thái-sư Lưu Khánh-Đàm, Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền. Nhất là nó thông báo cho Thái-tử biết những gì xẩy ra ở kinh thành. Ngoài ra, trong những giờ học, Long-Xưởng được trò truyện với các em trai, em gái.
Ngay hôm hoàng-hậu bị trúng Huyền-âm độc chưởng của thằng Hai. Trong khi bà đau đớn đến chết đi sống lại, thì Long-Xưởng nhắc :
- Thần nhi nghe nói : Khi Linh-Nhân hoàng thái hậu còn tại thế, tự tay người chế ra một cái áo. Lúc nào người cũng mặc cái áo đó bên mình. Sau khi đức Nhân-tông lập hoàng hậu, người trao áo đó cho, và dặn rằng : « Trọn đời ta, khi thì giúp đức Thánh-tông trị nước, để người bình Chiêm. Khi thì thính chính, phù tá hoàng nhi. Ta đã đem tất cả tâm huyết ra chế thành cái áo này. Nay con là hoàng-hậu, ta truyền cho con. Cái áo này, khi mặc vào có thể giúp cho mẫu nghi thiên hạ giữ được chính đạo, phò tá thiên tử. Aùo lại có khả năng chống được tất cả độc tố trong thiên hạ. Con hãy giữ lấy, sau này, đời đời chỉ truyền cho các hoàng hậu mà thôi ». Vậy cái áo ấy đâu ?
- Khi được phong làm hoàng hậu, mẹ được thái-hậu trao cho cái áo ấy. Mẹ đã mặc thử, thì không thấy gì lạ cả. Mẹ lại đem ra nghiên cứu, thì chỉ thấy lớp ngoài bằng lông hồ cừu, lớp giữa bằng lụa, lớp trong cùng bằng gấm. Không có chữ hay đồ hình gì cả.
Bà lấy cái áo ấy trao cho Long-Xưởng :
- Đây, di vật đó đây. Con vốn thông minh. Vậy con hãy đem về nghiên cứu xem, biết đâu trong đó không có di thư, mật kế gì để lại cũng nên.
Long-Xưởng nhận áo, đem về, nhờ nhũ mẫu dùng dao nhỏ tách lơ lụa, gấm, da ra, rồi vạch từng cái lông, tìm từng nút chỉ cũng không thấy gì lạ. Một lần chán nản, vương gục đầu xuống án thư ngủ thiếp đi. Ngủ một giấc, vương giật mình thức dậy, vô ý tay đụng phải bát nước trà tươi, làm nước đổ lên lên lớp da. Vương vội lấy khăn lau nước, thì thấy lớp da lờ mờ hiện lên những giòng chữ li ti chép tất cả võ công mà Linh-Nhân hoàng thái hậu đã học được : Võ công Đông-a, Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, nội công Aâm- nhu, Không-minh tâm pháp, Long-biên kiếm pháp cùng võ công căn bản của phái Mê-linh. Vương tỉnh ngộ, nghĩ thầm :
- Thì ra xưa kia, Linh-Nhân hoàng thái hậu đã dùng một thứ mực đặc biệt chép mật thư trong lớp da này. Muốn đọc được, thì phải dùng nước trà tươi đổ lên, chữ mới hiện ra.
Vương đóng cửa, đem nước trà bôi lên khắp lớp da, rồi chép ra giấy.
Vương nghĩ thầm :
- Mẫu hậu ta là đệ tử của phái Mê-linh, tuy nhiên bản lĩnh của người không được làm bao. Ta học lại mấy chiêu của người, thành ra vô dụng. Ta nghe, gần đây chưởng môn phái Mê-linh là Nghi-Hòa sư thái bị ám toán, viên tịch thình lình. Võ phổ của phái Mê-linh bị mất, nên các tuyệt học thất truyền. Nên từ đấy, võ công phái này không còn nổi danh như xưa. Nay ta vô tình có được di thư này. Ta âm thầm luyện thành, rồi thình lình ra tay thanh toán bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên, giải vây cho phụ hoàng, cho mẫu hậu.
Sợ rằng trong lúc vô tình, bị người của thái-hậu khám phá ra, Long-Xưởng học thuộc tất cả di thư, rồi nhờ nhũ mẫu may các lớp da, lụa, gấm lại như cũ. Từ đấy vương đóng cửa âm thầm luyện di thư. Trong khi bề ngoài không chú ý gì đến luyện võ cả.
Trước hôm thiết Đông-cung triều lần đầu, hoàng-hậu đã dặn dò thái-tử phải tối cẩn thận trong hai vấn đề: Một là tỏ ra thực nhân từ, yêu dân như yêu con. Hai là phải làm như nhu nhược, ba phải; các quan bàn gì, thì chỉ ậm ừ, không quyết đoán, để dò ý xem người nào của thái-hậu, rồi sau đó tìm lấy những người tâm huyết, trung thành mà dùng.
Ngày lễ Thượng-nguyên, 15 tháng giêng, niên hiệu Đại-Định thứ 21 (Canh Thìn, DL.1160), phủ thái-tử thiết Đông-cung triều lần đầu tiên. Tuy Long-Xưởng được thiết Đông-cung triều, tức là bắt tay vào những việc chăm lo cho toàn dân, là điều mà thái-tử ước mơ, chờ đợi từ mấy năm nay... Nhưng trong lòng người thiếu niên ấy lại nặng trĩu lo âu. Bởi nếu cứ nhìn bề ngoài của chính sự, ai cũng tưởng mọi sự tốt đẹp. Nhưng trong thực tế, thì quốc sản khánh kiệt, triều đình xung đột với cung Cảm-Thánh. Các quan thì chia làm hai, một nửa xu phụ thái-hậu, một nửa theo triều đình. Cái trở ngại lớn lao nhất của nhà vua cho tới thái-tử là: Bên cung Cảm-Thánh, thái hậu muốn làm gì thì làm. Bà không cần đến đạo lý, điển chương, luật lệ.
Nguyên trước đây, bà cùng với Đỗ Anh-Vũ áp chế nhà vua, không coi luật lệ, kỷ cương ra gì. Hai người tự tuyển cung nga, thái giám, thị vệ, mà không cần đến triều đình. Riết rồi các quan không còn tuân chỉ nhà vua, chạy theo xu phụ y với thái-hậu. May sao, Côi-sơn song-ưng giết Anh-Vũ cùng với chân tay thân tín của y, hoàng-hậu cho bắt bọn quan lại phe đảng còn lại... Nhưng bọn quan lại này, được đội võ sĩ riêng của thái-hậu giải thoát, rồi đặt chúng trựïc thuộc cung Cảm-Thánh.
Tuy được thoát nạn, nhưng chúng cũng biết rằng, mình sống bám theo thái-hậu là ở ngoài vòng pháp luật. Nếu một mai, nhà vua dành được quyền, hay Thái-hậu băng thì ba họ nhà chúng sẽ bị tru diệt. Chúng cũng nhìn thấy: Nhà vua tuy nhu nhược, nhưng Thái-tử lại cực kỳ thông minh; mai này nhà vua băng hà, thì không biết những thảm khốc nào sẽ đến với chúng? Trước cái thế nguy đó, một liều ba bẩy cũng liều, chúng xui Thái-hậu: Hiện Thái-hậu lâm cảnh cỡi cọp rồi, dù người không muốn giết cọp, nhưng bước khỏi lưng cọp, e bị cọp cắn. Đám quan lại theo Anh-Vũ, không thuộc họ Đỗ cũng thuộc họ Lê là họ của hậu. Nay Đỗ Anh-Vũ chết, thì nhà vua sẽ nhân đó giết ba họ Anh-Vũ, rồi không chừng giết ba họ nhà hậu nữa. Vậy nhân người của Anh-Vũ còn lại, đang gặp đường cùng, Thái-hậu phải chiêu mộ chúng, với anh em nhà hậu, rồi thiết lập trong cung Cảm-Thánh như một triều đình riêng biệt.
Thái-hậu nghe theo. Bà đưa vào cung rất nhiều đàn ông, mà trong luật cung đình, thì tại Hoàng-thành không cho bất cứ người đàn ông nào vào, nếu không phải thái giám. Bà công khai chiêu mộ bọn đầu trộm, đuôi cướp; lập thành năm đội thị vệ riêng, ba đội nam, hai đội nữ. Đám thị vệ dần dần đông tới mấy trăm người, do ba cao thủ võ lâm Vương Nhất, Cao Nhị, Đỗ Anh-Hào chỉ huy. Bà ban cho ba tên này mỹ danh là Nùng-sơn tam anh. Cả triều đình không ai biết căn cước chúng ra sao. Cái đêm Anh-Vũ bị giết, thì cả ba đang ở trong cung Cảm-Thánh, nên thoát nạn. Bà còn lập hai đội nữ thị vệ do hai cung nữ tên Cảm-Linh, Cảm-Chi, cháu gọi bà bằng cô, chỉ huy; đó chính là hai cung nữ đã hộ vệ bà đến cung Chiêu-Linh áp đảo nhà vua. Thái-hậu lại luôn luôn ban chỉ trực tiếp cho các quan. Đa số các chỉ dụ đó đều trái ngược với những điều triều đình đã nghị sự.
Lúc đầu, khi có những chỉ dụ của cung Cảm-Thánh ban ra trái luật, các đại thần trì nghi, tâu lại xin ý kiến nhà vua. Nhà vua tuyên chỉ: Khi có chỉ dụ của thái hậu, cứ việc thi hành, không cần tâu lại. Dần dần cung Cảm-Thánh trở thành một triều đình với uy quyền mênh mông tuyệt đối. Một số các đại thần quay ra xu phụ với thái hậu, tuy nhiên chúng vẫn phập phồng sợ bóng, sợ gió Côi-sơn song ưng, bằng không chúng đã xui Thái-hậu phế nhà vua xuống, rồi lập một ấu quân lên thay.
Theo hội điển sự lệ của triều Lý, thì mỗi tháng nhà vua thiết đại triều hai lần vào ngày mùng một và mười rằm, thiết tiểu triều vào ngày mùng mười và hai mươi. Khi thiết tiểu triều, thành phần gồm có Tam-công là Thái-sư, Thái-phó, Thái-úy; Tể-tướng, lục bộ thượng-thư, quản Khu-mật viện, tổng-trấn Thăng-long, đại đô-đốc thống lĩnh thủy quân, và những quan lại chuyên môn sẽ bàn đến trong buổi đình nghị. Khi thiết đại triều, thành phần cũng như trên, thêm các thân vương, thống-lĩnh kỵ binh, thống lĩnh ngưu binh, thống lĩnh mười hai hiệu Thiên-tử binh, các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ.
Dù thiết đại triều, hay tiểu triều thì cũng nghị những vấn đề đại cương. Khi nhà vua lập thái-tử, mỗi tháng thái-tử thiết Đông-cung triều bốn lần vào ngay ngày hôm sau thiết đại và tiểu triều. Đông-cung triều chỉ để thi hành, hoặc kiểm soát việc thi hành những việc triều đình đã nghị, đã ban ra.
Đông cung triều gồm có các quan như triều đình, nhưng thêm chữ thái-tử ở đầu. Như triều đình có Thái-sư, Thái-phó, Thái-bảo, thì Đông-cung triều có Thái-tử thái-sư, Thái-tử thiếu-sư, Thái-tử thái-bảo...Thông thường các Đông-cung quan cũng kiêm luôn những chức vụ khác của triều đình. Long-Xưởng không hy vọng gì vào các Đông-cung quan vì họ đều là chân tay của thái-hậu. Biết thế, Long-Xưởng mời thêm các vị trong hoàng tộc như Trí-Minh vương, Bảo-Thắng hầu, Bảo-Minh hầu vào Đông-cung quan, nhưng dặên riêng rằng khi nghị sự thì các vị này cứ ù ù, cạc cạc để cho chân tay của thái-hậu tin rằng các ông chỉ là cái bị thịt. Rồi sau đó nếu có ý kiến gì, thì mật tấu cho Long-Xưởng bằng đường dây của vú Loan, của Tăng Khoa.
Khi thiết triều Đông-cung, thì chỉ có ba hồi chiêng trống, chứ không cử nhạc. Thái-tử từ trong bước ra.
Lễ quan hô:
- Thái-tử giá lâm.
Tất cả các quan đều quỳ gối hành đại lễ. Duy ba người là Trí-Minh vương Lý Long-Dũng là chú vua; quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, quan Thái-sư Lưu Khánh-Đàm cùng các thầy của thái-tử nên miễn mọi lễ nghi.
Thái-tử cung tay đáp lễ với các quan.
Lễ quan hô:
- Bình thân.
Các quan đứng làm hai hàng, văn bên trái, võ bên phải. Trí-Minh vương, Thái-sư, Thái-phó thì được ngồi.
Thái tử vái Trí-Minh vương:
- Hài nhi xin vấn an thúc phụ.
- Đa tạ điện hạ, thần vẫn an.
Thái-tử lại vái Thái-sư, Thái-phó, đưa ra lời vấn an bằng ngôn từ bình dân:
- Con xin vấn an hai thầy.
Nhìn Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, thái tử vui vẻ:
- Thưa thầy, nhìn sắc diện thầy, con thấy dường như thầy có điều gì cao hứng lắm thì phải?
- Đúng như điện hạ phán, thần vui mừng, vì hôm nay là ngay đầu tiên điện hạ thiết triều; bắt đầu một kỷ nguyên mới.
Long-Xưởng nói với các quan:
- Chư vị đây đều là những người văn mô, vũ lược, lại có tấm lòng son với xã tắc. Hôm nay, các vị cùng Xưởng này họp tiểu triều. Xưởng mong các vị đừng tiếc công dạy dỗ. Điều khiến Xưởng ăn không ngon, ngủ không yên là sao kiến thiết Đại-Việt ta thành một nước hùng mạnh,dân chúng hạnh phúc như thời vua Hùng, vua Trưng xưa, hay như thời các vị tiên đế bản triều.
Lại quay sang nói với Hoàng Nghĩa-Hiền:
- Thưa thầy! Chương trình nghị sự hôm nay gồm có những gì?
- Khải, thứ nhất, nghị chi tiết việc dựng đền thờ vua Trưng ở phường Bố-cái. Thứ nhì, nghị việc chi dụng của hậu cung. Thứ ba, nghị việc tuyển thiện nhân cho Đông-cung. Về vụ thứ nhất xin để quan Lễ-bộ thượng thư tâu.
Một đại thần bước ra :
- Thần Chu An-Thái, Thái-tử thiếu-sư, Tiên-Dung điện đại học sĩ, Đăng-châu hầu, Lễ-bộ thượng thư, xin kính khải.
- Xin đại học sĩ bình thân.
- Do chỉ dụ của thái-tử, truyền thiểm bộ kiếm thế đất linh lập đền thờ vua Trưng. Sau hơn nửa tháng, thần tìm ra khu đất, mà lúc ngài thắng giặc tại Long-biên, đã lập đàn tế Quốc-tổ. Khu đất này xứng đáng lập đền thờ ngài.
- Như vậy hẳn đại học sĩ đã tìm được di tích gì từ thời Lĩnh-Nam còn sót lại chăng ?
- Khải, khi lập đàn tế Quốc-tổ, vua Trưng sai lấy đá trắng ở núi Tản-viên tạc bốn cái cột đài. Sau khi tế, hai cột được đưa về kinh đô Mê-linh, nay không biết ở đâu. Hai tảng còn lại để ở cửa thành Long-biên. Lúc Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng vương phi sắp phá vòng vây chạy về Cổ-loa, người truyền đem hai tảng đá linh chôn vào chỗ kín. Hậu nhân không biết hai tảng đá đó chôn ở chỗ nào. Trong khi thần tìm đất linh xây đền, thần thấy bờ sông ở phường Bố-cái có ánh sáng chiếu lên, thần sai đào chỗ ấy, thì tìm ra hai cái cột đá linh thời Lĩnh-Nam.
Long-Xưởng rót một chung cam thảo trao cho An-Thái:
- Đại-học sĩ hành sự mẫn cán, mau chóng, thực xứng đáng làm con cháu của vua Trưng, nên anh linh ngài mới đưa khanh tới chỗ chôn báu vật. Khanh hãy uống chung nước này lấy giọng.
An-Thái uống hết chung trà rồi dâng sơ đồ vẽ đền, gồm có ba gian chính điện, hai dẫy ngang mỗi dẫy ba gian nữa. Bên dưới ghi rõ chi phí xây cất, thời gian khởi công, thời gian hoàn tất. Long-Xưởng đọc qua, không thấy mục ghi số tiền công khố phải chi, thì ngạc nhiên:
- Khanh cho biết tổng số công khố phải chi ra là bao nhiêu?
- Khải điện hạ, trải qua tất cả các triều đại, mỗi khi xây, hoặc tu bổ đền thờ Nhị-thánh thì không bao giờ công khố phải chi cả. Thủ tục như sau: Triều đình ban chỉ dụ cho bộ Lễ tìm địa điểm, hoặc dân chúng xin lập tại địa điểm nào. Bộ Lễ sẽ thể theo ý dân, vẽ đồ hình, rồi tâu lên. Dân chúng họp nhau, tìm người đức hạnh, có uy tín bầu lấy ban kiến tạo. Bấy giờ mới quyên giáo thập phương, lấy tiền xây cất.
- Có bao giờ tiền thập phương cúng, mà không đủ để xây cất không?
- Khải, việc này chưa từng xẩy ra. Chỉ nguyên lính của ngài với chư tướng cúng, cũng dư thừa rồi.
Long-Xưởng kinh ngạc:
- Lính của ngài? Ngài tuẫn quốc đã 1117 năm rồi, mà lính của ngài còn sống ư?
Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền biết vấn đề này ông chưa giảng cho Long-Xưởng, nên Long-Xưởng không biết. Oâng vội xen vào:
- Khải, nguyên sau khi vua Trưng cùng chư tướng tuẫn quốc rồi, các ngài hiển linh, thường nhập vào những người có phúc trạch, để phán lời ích quốc, lợi dân. Trong ngôn từ bình dân, người ta gọi những người được các ngài nhập đồng là lính. Hằng năm, vào đầu tháng hai, trên toàn quốc mở hội Mê-linh, tất cả lính của các ngài đều trẩy hội Hát-giang hầu bóng. Hoặc không trẩy hội Hát-giang được thì hầu ở những am điện địa phương. Những lính của các ngài, thường khá giả, nên họ cúng rất hậu. Tiền xây cất dư thừa, công khố không phải đạ thọ. Có điều sau khi lập đền thờ, thì cần ruộng, đất, lấy lợi hoa mầu, ấy mới là điều cần thiết, mà triều đình phải chu toàn.
Long-Xưởng vui vẻ:
- Thưa thầy, con được hưởng bổng của tước đại vương đã hai năm, nhưng vẫn ở trong cung với mẫu hậu. Lương, tiền, hoa lợi hai trăm mẫu ruộng kim điền, hoặc là con phát cho kẻ khó, hoặc là con tặng cho võ lâm, hào kiệt. Vậy con có quyền dùng ruộng được phụ hoàng ban cho, cúng vào đền của ngài không?
- Khải thái-tử, đúng luật thì không được, nhưng lệ thì được. Lệ này có vào thời đức Thánh-tông. Bấy giờ Linh-Nhân hoàng thái hậu mới tiến cung, còn ở chức phu nhân. Đức Thánh-tông ban cho ngài một trăm mẫu kim điền. Ngài đã cúng vào chùa Báo-ân hai mươi mẫu. Từ đấy việc hoàng tộc dùng ruộng đất phong cúng vào đền chùa thành lệ.
Long-Xưởng hỏi Chu An-Thái:
- Theo đại học sĩ, thì việc hương khói đền thờ vua Trưng, phải cần hoa lợi bao nhiêu mẫu kim điền?
- Khải, khoảng hai mẫu.
Long-Xưởng tuyên chỉ cho Mật-thư tỉnh sự Lê Du:
- Lê tỉnh sự, hãy làm thủ tục, để cô gia cúng vào đền thờ vua Trưng mười mẫu kim điền.
Việc nghị sự xây đền vua Trưng đã xong.(3)
Ghi chú của thuật giả:
(3)Việc này ĐVSKTT, Lý kỷ, Anh-tông kỷ chép giản dị như sau:
« ...Canh Thìn, niên hiệu Đại-Định năm thứ 21, Tống Thiệu-Hưng năm thứ 30 (DL.1160), mùa Xuân tháng giêng, làm đền thờ Hai Bà ở phường Bố Cái... »
Huyền sử nói rằng, Hai Bà nhảy xuống sông Hát-giang tự tử. Anh linh hóa thành tượng đồng, đến thời Lý thì trôi đến bờ sông Hồng ngoại thành Thăng-long, chiếu hào quang sách rực, rồi báo mộng cho dân chúng biết. Dân chúng ra chỗ ấy thì thấy hai tượng đồng, bèn vớt lên rồi xin triều đình cho lập đền thờ. Nhân đó đặt tên xã ấy là Đồng-nhân (Nay là phường Đồng-nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà-nội). Đến đời Lê bãi sông có đền tọa lạc bị nước xói lở, dân chúng lại di chuyển đền đến xã Đại-từ. Vào thời Gia-long (1818) đất lại bị lở đền di chuyển đến địa điểm hiện nay.
Chỉ độc giả Anh-hùng Đông-a mới đươc biết chi tiết việc này mà thôi. Nếu độc giả muốn hành hương đền này thì cứ về Hà-nội, đi xe đến quận Hai Bà Trưng, sẽ thấy đền tọa lạc cạnh Viên-minh tư. Viên-minh tự là nơi mà thuật giả có nhều kỷ niệm thời thơ ấu. Bởi bản sư trụ trì tại đây. Trước kia thì chùa do sư ni trụ trì, đền do thủ từ trông coi riêng. Từ sau khi bản sư trụ trì thì ngài kiêm luôn. Năm 1993, thuật giả trở lại viếng đền chùa, chỉ gặp sư cô Đàm Vinh là vai sư điệt của thuật giả. Sư cô dẫn thuật giả thăm đền, chùa cùng tháp của bản sư.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về ngôi đền này có thể tìm trong các thư tịch sau.
Bằng chữ Hán:
ĐVSKTT Lý kỷ, Anh-tông kỷ.
Đại-việt địa dư chí.
Hà-nội địa dư chí.
Thăng-long cổ tích khảo,.
Hà-nội sơn xuyên phong vực.
Các tỉnh địa dư chí.
Bắc Thành địa dư chí lục,
Bắc-kỳ giang sơn cổ tích bị khảo,
La-thành cổ tích vịnh.
Bằng chữ Việt : của Yên-tử cư sĩ gồm ba bộ.
Anh-hùng Lĩnh-Nam,
Động-đình hồ ngoại sử,
Cẩm-khê di hận.
đều do Nam-á Paris xuất bản.
Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền khải :
- Bây giờ nghị tới việc chi tiêu của nội cung. Thần xin để Thái-tử thiềm-sự khải.
Một văn quan bước ra:
- Thần Thái-tử thiềm sự, lĩnh Hộ-bộ tham tri Văn Đức-Ý xin khải.(4)
Ghi chú của thuật giả:
(4)Như vậy Ý lĩnh hai chức vụ. Chức vụ Đông-cung quan là Thái-tử thiềm sự, tương đương với ngày nay là bộ trưởng phủ Tổng-thống hay Thủ-tướng. Chức vụ của triều đình là Tham-tri bộ hộ, tương đương với thứ trưởng bộ Tài-chánh.
- Trong hai năm vừa qua, việc chi dụng của nội cung lên quá cao. Cao nhất kể từ khi bản triều lập chính thống. Hiện quốc sản, công nho trống rỗng, đến nỗi hai tháng qua, binh tướng các lộ chưa được phát bổng. Vì vậy buổi thiết triều hôm qua, đình thần nghị tìm cách giảm chi nội cung, và giao cho Đông-cung triều nghị chi tiết, nên giảm chi ở cung nào? Giảm người? Giảm mua sắm? Hay tăng thuế?
Thái-tử xua tay:
- Cô gia thấy giữa hai việc giảm chi với tăng thuế, thì ta nên chọn việc giảm chi. Xưa, thời Thuận-Thiên, đức Thái-tổ cai trị trong mười tám năm, mà không hề tăng thuế, trái lại tha thuế đến sáu năm. Tính chung, cứ hai năm, thì tha thuế một năm. Cái ân đức trải khắp lê dân đó, mới khiến triều đình bảo dân nhảy vào nước, vào lửa, họ cũng tuân. Do thế, nên Đại-Việt ta, Nam bình Chiêm, Bắc đánh Tống. Nay ta không tha thuế được, thì cũng đừng tăng thuế...
Thái-tử hỏi Đức-Ý:
- Bây giờ khanh cho biết, tại sao trong hai năm qua, chi tiêu nội cung lại quá cao? Cung nào tăng? Ai chuẩn cho tăng? Phần dự trữ quốc sản đâu, mà binh tướng không được phát bổng?
- Khải, trong hai năm qua, tại tất cả các cung không xây cất thêm, không tuyển thêm người. Nhưng chi phí tăng là tăng ở cung Cảm-Thánh.
Nghe nói đến cung Cảm-Thánh, các quan đều đưa mắt nhìn nhau đầy bối rối.
- Tăng như thế nào?
Thái-tử hỏi: Tăng người? Tăng xây cất hay tăng chi tiêu?
- Khải, tăng cả ba. Thứ nhất, thái-hậu tuyển ba đội thị vệ nam, hai đội thị vệ nữ. Thứ nhì, thái-hậu bổ nhiệm hơn trăm quan chức các loại. Thứ ba, thái-hậu tăng số cung nga, thái giám lên gấp mười lần. Lại nữa thái-hậu cho xây cất dinh thự, doanh trại cho các tân quan, tân thị vệ.
Thái-tử hỏi các quan:
- Chư khanh nghĩ sao? Muốn giảm chi ở cung Cảm-Thánh thì cô gia bất lực mất rồi. Từ hơn hai năm nay, bất cứ việc gì liên quan tới cung Cảm-Thánh, thì từ phụ hoàng cho đến mẫu hậu đều không dám mó tay vào cái tổ ong bầu này. Chư khanh tính xem, ta có thể giảm chi ở các cung khác không? Hà! Nhất định cô gia không cho tăng thuế.
Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền bàn:
- Chỉ dụ của thái-tử tỏ ra là đấng trừ quân nhân đức. Nhưng nếu không tăng thuế thì lấy gì để chi dụng? Còn giảm chi ư? Thần xét kỹ, các cung, các điện đều tiết giảm chi tiêu tới mức thấp nhất rồi, không thể giảm hơn được nữa. Bây giờ Văn Thiềm-sự hãy tâu chi tiết về các khoản chi dụng năm qua tại cung Cảm-Thánh, rồi đình nghị để tìm lấy một ngõ thoát.
Văn Đức-Ý xuất ra một tập sách mỏng, rồi tâu:
- Vào thời Linh-Nhân hoàng thái hậu, cung Ỷ-Lan chỉ có một đội cung nữ, một đội thái giám, mỗi đội mười hai người, và một đội thị vệ mười tám người. Ngoài ra bộc phụ, mã phu, ngự trù mười tám người nữa. Cộng sáu mươi người. Hiện nay tại cung Linh-Cảm, thì cung nữ, thái giám đều có mười đội. Tăng 216 người. Tính chung, nuôi ăn, cư trú, trả bổng, y phục, mỗi người một tháng ba lượng vàng. Cộng một năm tăng 7776 lượng. Muốn có số vàng này thì phải thu thuế mười vạn mẫu ruộng loại nhất đẳng kim điền.
Các quan đều ngao ngán đưa mắt nhìn nhau.
- Chư đại thần của triều đình là 72 vị. Trong khi các quan chức của cung Cảm-Thánh hơn trăm vị. Thái-hậu ban chỉ phát bổng cho chư quan cung Cảm-Thánh cao hơn các quan của triều đình rất nhiều. Người nào cũng có nghi vệ như xe, ngựa, lính hầu. Chi phí cho hơn trăm quan của cung Cảm-Thánh còn cao hơn tổng cộng chi phí của triều đình với Đông-cung quan. Tính đổ đồng, năm vừa qua, chi cho các quan cung Cảm-Thánh là một vạn hai nghìn lượng vàng. Muốn có số vàng này thì phải thu thuế mười lăm vạn mẫu ruộng loại nhất kim đẳng điền.
Các quan đều suýt xoa, về số chi kinh khủng này.
Đức-Ý tiếp:
- Về ba đội thị vệ nam, hai đội thị vệ nữ, quân số hơn năm trăm người. So với thời Linh-Nhân hoàng thái hậu, tăng 508 người. Theo quan giai của triều đình, thì thị vệ hưởng bổng bằng tam phẩm. Nhất đẳng thị vệ bằng nhất phẩm. Lại phải mua sắm vũ khí, xe cộ, lừa ngựa, y phục, doanh trại y dược... trăm thứ tốn kém. Tổng chi hằng năm của năm đội thị vệ này còn cao hơn năm hiệu Thiên-tử binh nữa. Nếu cộng tất cả chi phí của cung Cảm-Thánh lại, thì bằng chi phí của cả triều đình, nội cung và mười hai hiệu Thiên-tử binh. Nghĩa là bằng một nửa tổng chi phí toàn quốc. Hai năm qua, phần chi thì thêm, mà phần thu thì vẫn thế, nên quốc sản khánh kiệt, kho đụn trống rỗng, tình trạng thực nguy vô cùng.
Long-Xưởng hỏi:
- Khanh nói nguy, là ý thế nào?
Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền biết học trò mình chưa được giảng về vấn đề này ông đỡ lời Đức-Ý:
- Khải thái-tử, nguyên vào thời đức Thánh-tông, khi ngài bình Chiêm, bấy giờ Linh-Nhân hoàng thái hậu còn là Ỷ-Lan thần phi, hậu thay vua nhiếp chính. Thái-hậu thấy rõ cái họa Chiêm-thành, cái ách Trung-quốc, bất cứ lúc bào cũng có thể xẩy ra chiến tranh. Mà chiến tranh thì chi tiêu tốn kém vô cùng. Lỡ ra khi chiến tranh xẩy ra thình lình thì lấy đâu ra để chi dụng? Vì vậy thái-hậu cho thiết lập một quốc khố dự trữ gấp rưỡi số chi hàng năm trên toàn quốc. Hóa cho nên mấy chục năm qua, quốc khố luôn luôn duy trì tình trạng đó. Nhưng trong hai năm qua, chi tiêu quá nhiều, thành ra quốc khố dự trữ hết sạch. Giả như thình lình quốc gia hữu sự thì lấy đâu ra để chi dụng? Vì vậy Văn Thiềm-sự mới khải rằng nguy...
Thái-tử thiếu bảo Tô Hiến-Thành khải:
- Từ xưa đến giờ, chư sự nội cung thì triều đình không thể, không nên bàn đến. Thời đức Thánh-tông, khi Linh-Nhân hoàng thái hậu đưa ra quốc kế giảm chi nội cung, Thái-sư Lý Đạo-Thành cùng các đại thần đều từ chối nghị sự. Sau đích thân đức Thánh-tông phải phụ trách công việc này. Nay trên thái-tử còn hoàng-thượng, hoàng-hậu, cao hơn còn có thái-hậu. Khi triều đình nghị sự việc gì, mà cung Cảm-Thánh bác bỏ, thì cũng đành bó tay. Vậy liệu Đông-cung triều nghị sự rồi có thi hành được không? Nên thần xin thái-tử diện tấu với hoàng-thượng về việc này thì hơn.
Thái-tử than thầm:
- Cái ông Tô này tương đối có tài cầm quân, mình hy vọng vào ông để có thể thanh toán bọn đầu trâu mặt ngựa đang ẩn thân ở cung Cảm-Thánh. Không ngờ ông cũng chỉ là thứ ngu trung mà thôi. Ta phải tìm người khác trợ giúp mới hy vọng.
Thế là vấn đề giảm chi nội cung đành gác lại.
Long-Xưởng buồn vô hạn, trong tâm thiếu niên này nảy ra những bất mãn:
- Mình muốn cho dân giầu, nước mạnh, nhưng phụ hoàng thì bị thái-hậu kiềm chế. Mà thái-hậu là người thất học, chuyên nghe lời bọn vô lại xúi dục. Làm sao bây giờ?
Thái-tử thở dài hỏi quan Thái-phó:
- Thưa thầy bây giờ đến vấn đề gì?
- Vấn đề nghị sự thứ ba hôm nay là tìm thiện nhân cho thái-tử. Nguyên vào thời đức Thái-tổ, niên hiệu Thuận-Thiên thứ 3 (1012), ngài phong cho đức Thái-tông tước Khai-Thiên vương, truyền ra ở cung Long-đức ngoài thành, với ý muốn cho đức Thái-tông hiểu dân tình, cùng tiếp hào kiệt, kết nạp nhân tài. Nay thái-tử được phong chức tước, được lập làm trừ quân, lệ này đươc tái lập.
Thái-tử hiểu ý ông thầy, trong lòng thiếu niên nghĩ thầm:
- Đất nước mình không thiếu gì những anh tài, những hào kiệt có lòng son với xã tắc. Ta nhân việc cũ, tiếp xúc với dân, mà khuất thân cầu hiền, thì cái phong khí thời đức Thái-tổ, Thái-tông có cơ phục hưng.
- Vậy bây giờ ta phải làm gì?
Thái-tử hỏi:
- Thầy dậy cho biết phải làm việc gì trước? Việc gì sau?
Thái-sư Lưu Khánh-Đàm khải:
- Xin thái-tử ban chỉ cầu hiền tài, rồi sai in thành nhiều bản gửi xuống tận xã ấp. Hằng ngày, thái-tử tiếp võ lâm, kẻ sĩ, lắng nghe những lời ngay thẳng của họ. Lại ra sức khuất thân chiêu hiền đãi sĩ như Khai-Quốc vương trước đây, thì chẳng mấy chốc nhân tài sẽ xuất hiện.
- Đấy là đại cương. Nhưng chi tiết, phải chiêu mộ ai trước?
- Về võ, đầu tiên phải cầu là tổ chức đại hội võ lâm. Từ thời Đinh, mỗi năm vào ngày 15 tháng tám là ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ với vương phi Phương-Dung, võ lâm tổ chức đại hội tại Lộc-hà, Hội-phụ. Nhưng từ sau khi đức Thần-tông băng, Đỗ thái hậu nhiếp chính, người nghe lời Anh-Vũ, nghi ngờ võ lâm, rồi ban chỉ bãi bỏ. Kể từ đấy phong khí luyện võ trong nước không còn nữa. Nay thái-tử ban chỉ tái tổ chức giỗ Bắc-bình vương, lại mở khoa thi tuyển người tài, cho làm tướng. Như vậy nhân tâm đều hướng về triều đình, võ lâm đều theo gió mà quy phục
Thái-tử cung tay hướng Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền:
- Xin thầy cho soạn chỉ cầu hiền, tổ chức giỗ Bắc-Bình vương cùng thi võ. Chư sự nhất nhất chiểu theo những gì thời đức Thái-tổ đã làm.
Thái-phó tiếp :
- Về việc thái tử luyện võ thì cần phải khéo léo một chút. Thái-hậu là chúa Hoàng-thành, người từng ban chỉ cấm tất cả phi tần, cung nga, thái giám luyện võ. Trước kia thái tử ở trong Hoàng-thành thì bị chi phối bởi lệnh này. Nay thái-tử ra ở Đông-cung. Đông-cung nằm ngoài Hoàng-thành, trong Đông-cung có nhiều phòng luyện võ từ thời đức Thái-tổ để lại. Vì vậy thái-tử có thể dùng các phòng này, rồi tuyển gia sư luyện võ cho thân thể khỏe mạnh.
Đến đó buổi thiết triều chấm dứt.
Lễ quan hô:
- Thái-tử hồi cung. Bãi triều.
- Lời nói đầu
- Hồi 1
- Hồi 2
- Hồi 3
- Hồi 4
- Hồi 5
- Hồi 6
- Hồi 7
- Hồi 8
- Hồi 9
- Hồi 10
- Hồi 11
- Hồi 12
- Hồi 13
- Hồi 14
- Hồi 15
- Hồi 16
- Hồi 17
- Hồi 18
- Hồi 19
- Hồi 20
- Hồi 21
- Hồi 22
- Hồi 23
- Hồi 24
- Hồi 25
- Hồi 26
- Hồi 27
- Hồi 28
- Hồi 29
- Hồi 30
- Hồi 31
- Hồi 32
- Hồi 33
- Hồi 34
- Hồi 35
- Hồi 36
- Hồi 37
- Hồi 38
- Hồi 39
- Hồi 40
- Hồi 41
- Hồi 42
- Hồi 43
- Hồi 44
- Hồi 45
- Hồi 46
- Hồi 47
- Hồi 48
- Hồi 49
- Hồi 50 - Kết