Gửi bài:

Hồi 2

Nói với tuổi trẻ tộc Việt:

Đối với tộc Việt chúng ta, không thế lực đi ngược với ý dân nào có thể tồn tại lâu dài, không cá nhân tàn bạo nào mà không bị sức mạnh của quần chúng đập tan.

Vẫn tại trại hè Về-nguồn 1996.

Ngày 31 tháng 8.

Câu chuyện tới đây thì ngừng lại, vì trời đã về khuya. Rừng núi Louisville chìm vào bóng đêm. Xung quanh chúng tôi, tiếng dế nỉ non, thỉnh thoảng vọng lại tiếng chim ăn đêm. Mười tám người trẻ vẫn chưa muốn chấm dứt, chưa muốn đi ngủ.

Tôi mỉm cười:

- Lịch sử anh hùng của tộc Việt, nói không bao giờ hết, viết không bao giờ cùng. Mười năm sau, trăm năm sau, nghìn năm sau, biết đâu con cháu chúng ta, cũng như con cháu của anh em chúng ta ở trong nước, sẽ có dịp hội ngộ với nhau. Việc của chúng ta, là phải tự nhắc nhở, nhắc nhở người thân, nhắc nhở con cháu rằng: Đừng quên nguồn gốc Việt của mình, quyết không để một người trở thành Trần Định-Nhân. Ta có thể mang quốc tịch Hoa-Kỳ, Canada, Trung-quốc, Pháp, Ý, Đức nhưng ta vẫn thuộc tộc Việt, vẫn là con Rồng, cháu Tiên.

Một cháu gái, dáng người thanh nhã, mềm mại hỏi:

- Cảm ơn thầy. Thưa thầy, thầy vừa thuật sơ lược về nguồn gốc của họ Trần, cũng như những yếu tố làm cho triều Lý suy vong. Thầy cũng cho chúng con một bài học rằng phải tránh vết xe xấu của bọn vong quốc, bọn con cháu Trần Ích-Tắc, mà nguyên do chính là bậc cha mẹ thiếu cái tự hào về nguồn gốc anh hùng của tổ tiên. Bây giờ, con lại muốn thầy thuật tiếp cho chúng con nghe vụ Đỗ Anh-Vũ. Về sau y chết già? Chết bệnh? Hay bị triều đình giết?

Nhìn những con mắt sáng long lanh, tỏ ra thần thái tinh anh, lòng tôi ngùn ngụt yêu thương những người trẻ hôm ấy, mà có lẽ chỉ chúa Jésus, đức Thích-ca Mâu-ni, đức thánh Khổng là có thể yêu đệ tử hơn mà thôi.

Tôi trả lời:

- Y bị giết, bị xẻo từng miếng thịt một... Y bị cỡi ngựa gỗ. Sự việc như sau...

Trong căn nhà gỗ không một tiếng động, tôi thuật tiếp:

- Trong ĐVSKTT, quyển tư, phần Lý kỷ, Anh-tông kỷ, niên hiệu Đại-Định thứ 11, bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 20, đời vua Cao-tông (Canh-Ngọ, DL.1150) có chép đầy đủ tội ác của Đỗ Anh-Vũ. Nhưng khi chép về cái chết của y lại rất sơ sài. Y không chết về tay vua Anh-tông, vì Anh-tông là ông vua khờ. Mà y chết về tay Chiêu-Linh hoàng-hậu, vợ vua Anh-tông, về tay thái-tử Lý Long- Xưởng, con đầu lòng của vua Anh-tông, về tay những anh hùng vô danh thảo dã. Hồi thịnh thời, khi giết người, y chế ra những hình cụ, những phương pháp man rợ; thì khi bị trừng phạt, y lại nhận lĩnh chính những hình cụ, phương pháp mà y đã chế ra . Đúng như tục ngữ Việt nói: Gieo gió thì gặt bão, gậy ông lại đập lưng ông; hoặc mỉa mai hơn giáo Tầu lại đâm Chệt. Còn Chiêu-Linh hoàng-hậu, thái-tử Long-Xưởng, thì cả hai đều là những anh hùng cuối cùng của họ Lý, của triều đại Tiêu-sơn.

oOo

Côi Sơn Song Ưng

Niên hiệu Đại-Định thứ mười chín (Mậu Dần, 1158)

đời vua Anh-tông triều Lý của Đại-Việt,

bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 28

đời vua Cao-tông nhà Tống,

ngày 15 mùa Thu, tháng 8.

Cái tin quan quan Kiểm-hiệu Thái-sư, Phụ-quốc đại tướng quân, lĩnh Càn-nguyên điện đại học sĩ, Long-thành tiết độ sứ, Khai-phủ nghị đồng tam ty, Nghĩa-dũng quốc công Đỗ Anh-Vũ cùng cả nhà bị võ lâm đột nhập dinh giữa tiệc Trung-thu, rồi xử tử tận số, làm rúng động kinh thành Thăng-long. Khắp đế đô, người ta tụ năm, túm ba lại mà bàn tán. Quan phủ thừa Thăng-long là Tô Hiến-Thành đích thân vào cung xin chỉ dụ của nhà vua, rồi lấy vũ khí trong kho ra, đem phát cho đội Phụng-quốc vệ, dẫn tới bao vây dinh Thái-sư, để điều tra.

Nhà vua truyền thiết đại triều, nghe tâu trình về vụ này. Tuy năm nay vua đã hai mươi ba tuổi, nhưng Cảm-Thánh hoàng thái hậu cũng buông rèm ngồi thính chính. Quần thần ngạc nhiên khi thấy thái-tử Long-Xưởng mới tám tuổi, cũng được nhà vua cho đứng cạnh ngai vàng, dường như để hiểu rõ một biến cố quan trọng.

Đúng giờ Mão, bách quan tề tựu đông đủ, ba hồi chuông trống, ban nhạc tấu bản Nguyên-thọ:

Minh minh thiên tử,

Vạn dân sở vương.

Hiển hiển lệnh đức,

Như Khuê, như Chương,

Tuyên chiêu nghĩa vận,

Trường phát kỳ tường.

Thiên tích thuần hỗ,

Thánh thọ vô cương.

Dịch:

Vua ta sáng suốt,

Vạn dân ngước nhìn,

Đức tốt rừng rực,

Như ngọc Khuê, Chương,

Tuyên, gọi nghĩa trọng

Điềm lành tứ phương.

Trời ban phúc lớn,

Thánh thọ vô cương.

Một đại thần mình hạc xương mai, tóc bạc phơ bước ra phủ phục tâu:

- Thần Lưu Khánh-Đàm, Đặc-tiến Thiếu-sư, Đồng-bình chương sự, Trung-vũ quân tiết độ sứ, Tả Kim-ngô đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử, Đăng-châu quốc công, kính tâu.

Nhà vua ban chỉ:

- Thiếu-sư bình thân.

- Đêm qua, quan thái-sư Đỗ Anh-Vũ cùng gia thuộc hơn năm mươi người bị thích khách đột nhập vào dinh, xử cỡi ngựa gỗ chín người, giết chết tám mươi ba người ; giữa lúc đang ăn tết Trung-thu. Vì vậy thần xin thiết đại triều để phủ thừa Thăng-long tâu trình.

Tiếng thái-hậu từ sau màn khóc nức nở hỏi:

- Khánh-Đàm! Có biết thích khách là ai không?

Bách quan nghe thái-hậu hỏi một lão thần đáng tuổi ông, tuổi cha bằng lời lẽ khiếm nhã, thì trong lòng nảy ra mối khinh rẻ, chửi thầm: Phường vô học, bất thuật.

- Thần xin để phủ thừa Thăng-long tâu.

Một võ quan bước ra quỳ gối:

- Thần Thái-tử thiếu-bảo, Uy-viễn đại học sĩ, Khu-mật viện sứ, lĩnh Binh-bộ thượng thư kiêm phủ thừa Thăng-long, Chinh-viễn đại tướng quân, Nam-trực hầu, Tô Hiến-Thành kính tâu.

Nhà vua vẫy tay:

- Thái bảo bình thân.

- Canh năm vừa qua, một gia nhân của phủ Thái-sư tới phủ thần cáo rằng, quan Thái-sư với tám người bị võ lâm cho cỡi ngựa gỗ, còn lại toàn gia bị giết lúc giờ Hợi. Thần vội vã cùng các bộ khoái tới điều tra. Sau đây là kết quả.

Hiến-Thành cầm tờ biểu lên đọc:

- Vào đầu giờ Hợi, Thái-sư cùng thê, thiếp, gia thuộc, gia tướng đang ăn tết Trung-thu ngoài sân, thì có ba người đàn ông, một người đàn bà tuổi trung niên với hơn ba chục thiếu niên nam nữ xuất hiện. Chỉ không đầy một khắc, họ điểm huyệt tất cả trên trăm người, chia nhau ra lục soát trong dinh, còn sót người nào thì điểm huyệt người đó, rồi đem xếp thành hàng giữa sân.

Lại-bộ thượng thư Đỗ An-Di hỏi :

- Xin Thiếu-bảo tâu rõ hơn một chút. Bởi Thái-sư là đệ tử của đại-sư Khánh-Hỷ phái Tiêu-sơn, bản lĩnh đâu phải tầm thường, mà thích khách điểm huyệt dễ dàng như vậy ? Lại nữa, tùy tòng cũng như gia thuộc của Thái-sư nếu không là những đệ nhất cao thủ, thì cũng là những võ tướng. Tôi nghe cạnh Thái-sư có Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Vậy họ đâu ? Sao thích khách lại lộng hành như chỗ không người ?

Tô Hiến-Thành đáp :

- Thưa thượng thư, đêm qua Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên phải chầu hầu thái-hậu nên vắng mặt. Hơn nữa, võ công của đám thích khách quá cao cường. Người nào cũng như người nào, họ chỉ đánh có một chiêu lại hạ một cao thủ của Thái-sư. Riêng Thái-sư thì bị một người đàn bà hạ. Thị đánh chiêu thứ nhất, Thái-sư bật tung lại sau ba bước. Thị đánh chiêu thứ nhì, Thái-sư ngã ngồi xuống. Thị vung tay điểm huyệt Thái-sư, rồi túm tóc ngài ném ra giữa sân .

Các võ quan cùng bật lên tiếng úi chà tỏ vẻ kinh ngạc.

Thái-tử Long-Xưởng gật đầu:

- Đám người này bản lĩnh phải kinh thế hãi tục lắm mới có thể hành sự quang minh, lỗi lạc như vậy.

Các quan giật mình, nghĩ thầm:

- Cái ông vua con này khen sát nhân quang minh lỗi lạc, thì ít ra cũng vui mừng khi Thái-sư Anh-Vũ bị giết.

Thái-hậu hỏi:

- Này Tô Hiến-Thành, trong dinh Thái-sư lúc nào cũng có một đội Phụng-quốc vệ. Thế bọn này đâu?

Các quan lại bất mãn về cách xưng hô của Thái-hậu. Đúng ra bà phải nói: Này quan Thái-bảo, cho đúng với ngôn từ của vị mẫu nghi thiên hạ, thì bà lại gọi tên ra, là điều cực kỳ thô lỗ.

Nhưng Hiến-Thành vẫn khom người xuống:

- Tâu thái-hậu, cách đây hai ngày, quan địa phương báo về rằng có một bọn du thủ, du thực đem mấy chục hình nộm, trên hình nộm đề tên Thái-sư với... với...trói dính bụng vào nhau.

Đến đây Tô Hiến-Thành im bặt.

Thái hậu gắt:

- Với ai? Người là Binh-bộ thượng thư mà sao nói ấp a, ấp úng như chó ăn vụng bột vậy? Đồ ăn nợ!

Bị nhục mạ, mặt Tô Hiến-Thành tái đi, nhưng ông vẫn bình tĩnh đáp:

- Tâu, với ... với tên thái-hậu.

Cả triều đình đều bật lên tiếng ồ kinh ngạc.

Nhà vua hỏi:

- Chúng đem hình nộm thái-hậu với Thái-sư làm gì?

- Tâu, chúng treo ngược lên cây, dùng tên bắn xuyên qua ngực. Chúng lại buộc vào hình nộm mảnh vải có chữ : Kẻ nào gỡ hình nộm đem đi, sẽ bị chặt tay . Vì vậy hoàng nam các thôn, xã không ai dám gỡ. Thái-sư phải sai đội Phụng-quốc vệ lên đường gỡ hình nộm, cùng truy lùng thủ phạm. Hóa cho nên dinh thự chỉ có gia tướng, thân binh, số người không làm bao, nên sát nhân mới dễ dàng hành sự.

Thái-tử Long-Xưởng nở một nụ cười:

- Tâu phụ hoàng, thần nhi đoán rồi, chắc chắn đám người giết Thái-sư với đám người treo hình nộm là một. Họ biết rằng muốn lọt được vào phủ Thái-sư , thì phải tìm cách đưa đội Phụng-quốc vệ rời dinh của người. Vì vậy, họ mới bầy ra cái vụ treo hình nộm. Vô tình Thái-sư mắc mưu... Thôi, Thái-bảo tâu tiếp vụ án dinh Thái-sư đi.

Nhà vua gật đầu tỏ ý ngợi khen thái-tử thông minh. Quần thần thấy vụ án sát nhân đến gần trăm người chết ngay giữa Thăng-long, hơn nữa người bị giết lại là một quan đầu triều; thế mà dường như nét mặt nhà vua có vẻ hân hoan hơn là ưu tư.

Hiến-Thành tiếp:

- Viên thủ lĩnh cầm bản án đọc lên kể tội Thái-sư cùng những người trong gia thuộc, cuối cùng tuyên án: Chín người bị cỡi ngựa gỗ; hai mươi ba người bị khoét hai mắt, cắt gân chân tay, cắt lưỡi; năm mươi người bị chết chém. Ngược lại bọn người nghèo phải bán thân làm nô bộc, có tới ba mươi sáu người được cấp vàng, bạc, châu báu, rồi cho về quê làm ăn. Mỗi người này đều được cấp một bản án, tuyên rằng : Được miễn làm gia nô cho họ Đỗ. Nếu như quan lại, phú gia nào gây rắc rối với họ sẽ bị khoét hai mắt, chặt hai chân, hai tay.

Thái-tử gật gật đầu mỉm cười, dường như tỏ vẻ thích thú:

- Thưa Thái-bảo , thế nạn nhân bịï xử tại chỗ sao?

- Tâu điện hạ vâng. Những người bị án tử hình, thì họ chém đầu ngay. Những người bị khoét mắt, cắt chân tay cũng bị hành hình trong dinh. Sau khi hành hình, họ đem thuốc băng bó vết thương cho nạn nhân, vì vậy không nạn nhân nào chết cả. Còn chín người bị cỡi ngựa gỗ, thì họ đem chín tấm ván ra, trói chín người bằng dây mây, mỗi người vào một tấm ván, dựng ngược tấm ván lên xe. Sau đó họ cho người dong xe ra chín địa điểm khác nhau.

Thái hậu hỏi:

- Chín địa điểm đó ở đâu?

- Tâu, tại năm cửa thành, Văn-miếu, chùa Một-cột, đền thờ Trưng-vương, đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tại mỗi địa điểm này, họ bắc loa gọi dân chúng tới thực đông, rồi tuyên đọc bản án nạn nhân. Cuối cùng mới cho xẻo từng miếng thịt.

Thái-hậu nguyền rủa, khóc thút thít:

- Thái sư bị...bị... xẻo thịt sao? Hu...hu... Người có đau đớn lắm không? Chúng xẻo thịt Thái-sư ở địa điểm nào?

- Tâu, ở Văn-miếu.

- Trời ơi! Tiên sư cha bọn quan quân đâu, mà để cho bọn ác nhân hoành hành như vậy? Còn người ! Người là phủ thừa Thăng-long, người chui ở trong váy con đĩ nào, mà cái vụ giết Thái-sư ồn ào như thế, phải đợi cho đến khi gia nhân phủ Thái-sư báo, người mới biết?

Nghe thái-hậu văng tục, nhục mạ đại thần, hầu hết các quan đều rùng mình than thầm: Hỡi ơi, mấy chục năm qua, người đàn bà tham dâm, thất học này cùng tên Đỗ Anh-Vũ cầm quyền, mà mình cứ phải cúi đầu nghe lệnh thì nhục nhã quá. Các quan đều tưởng Tô Hiến-Thành bị xỉ nhục thế ắt sẽ tái mặt, rồi từ quan lui về điền dã.

Nhưng không ai ngờ, mặt Hiến-Thành vẫn tươi tỉnh:

- Tâu thái-hậu, chính Thái-sư ban lệnh rằng: Phàm điều quân từ một ngũ (Năm người) trở lên phải có lệnh của ngài. Vì vậy, ngay trong kinh thành, cũng không có quân tuần phòng ban đêm. Một chiếu chỉ khác của hoàng thượng ban ra rằng: Bất kể cấm quân, Phụng-quốc vệ đều phải cất vũ khí vào kho, khi có chiếu chỉ mới được lấy ra. Do vậy , các đô thống chỉ huy Cấm-quân, tuy có nghe báo vụ này mà không tập hơpï được quân. Ví dù có tập hợp được quân, thì cũng không có vũ khí để đánh đuổi sát nhân.

Thái-tử an ủi Tô Hiến-Thành:

- Thiếu-bảo không cần biện luận! Đây là những tôn sư võ lâm. Khi họ đã ra tay, thì dù ngay thời đức Nhân-tông, binh lực hùng mạnh, luật nước nghiêm cẩn, cũng khó phòng. Tôi biết rất rõ rằng, Thiếu-bảo là Binh-bộ thượng thư, tài trí có, nhưng chân tay bị bó thì làm gì được? Xưởng này đọc trong Thái-tổ thực lục, Thái-tông kỷ sự, Thánh-tông di sự... đều chép rằng thời đó, mỗi khi có trộm cướp thì chỉ cần hoàng nam, hoàng nữ cũng đủ sức đánh dẹp. Ngay như quân Tống, sức mạnh nghiêng trời lệch đất, mà muốn đánh vào một làng có trăm hoàng nam, cũng phải hơn ngàn người. Thế nhưng nay, gian nhân không biết là ai, nhiều ít thế nào, chúng chỉ đề mấy chữ rằng ai gỡ hình nộm sẽ bị chặt tay; cũng khiến hoàng nam sợ đã đành, mà đến quân địa phương cũng không dám đụng đến. Như vậy làø cái phong khí Đại-Việt suy đồi rồi. Suy đồi từ đâu? Do ai? Các vị dư biết!

Thái-hậu quát:

- Ranh con chưa ráo máu đầu, mày biết gì mà xen vào việc quốc gia đại sự? Mày nên nhớ, tuổi mày còn nhỏ, lại chưa mở phủ đệ riêng, chức tước chưa có, mà ngoác mồm ra giữa triều đường ư?

Bị bà mắng, Thái-tử đành đứng im.

Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm lên tiếng:

- Tâu thái hậu, thái-tử tuổi tuy nhỏ, nhưng nhờ hưởng cốt nhục của chư vị tiên đế, nên thông tuệ khác thường. thái-tử chưa có chức tước, chưa mở phủ đệ riêng, nhưng thái-tử là hoàng trưởng tử thì vẫn là trừ quân. Thần dám xin thái-hậu để thái-tử được dự bàn trong buổi triều hội này.

Thái-hậu định lên tiếng bác lời Lưu Khánh-Đàm, nhưng bà chợt nhớ ra ông là cố mệnh đại thần thời vua Nhân-tông, nên đành im lặng.

Thái-tử nhìn các quan, rồi tiếp:

- Vào thời đức Thánh-tông, Nhân-tông khi Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vọng thê hòa thượng, mỗi khi lên án, xử tội ai, thì đều để lại tín hiệu. Vậy hung thủ có để tên lại không?

- Tâu, trên bản án có vẽ hình hai con chim ưng đang bay trên hai ngọn núi. Như vậy người chủ trương cuộc thảm sát này là Côi-sơn song ưng.

Cả triều đình đều rúng động. Các quan thanh liêm chính trực thì hiện ra nét hân hoan không bút nào tả siết. Ngược lại bọn phe đảng của Anh-Vũ thì mặt nhìn mặt, vừa hốt hoảng, vừa kinh hoàng.

Thái-hậu hỏi bằng giọng run run:

- Côi-sơn song ưng là ai vậy?

Tô Hiến-Thành tỏ vẻ luống cuống, ông đưa mắt nhìn quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền.

Theo Lý triều hội điển sự lệ, thì Hoàng Nghĩa-Hiền là thầy của nhà vua, khi vào chầu được ngồi, khi tâu không phải xưng tên. Nhưng ông bị Đỗ Anh-Vũ với hoàng-thái hậu chèn ép, nên không được hưởng ân huệ này. Oâng bước ra tâu:

- Thần Dao-thụ thái-phó, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Nam-quốc công Hoàng Nghĩa-Hiền kính tâu.

Nhà vua tuyên chỉ:

- Xin thầy bình thân.

- Tâu thái-hậu, từ hơn hai năm nay, trong võ lâm Đại-Việt xuất hiện một cặp vợ chồng tuổi khoảng ba mươi đến bốn mươi, võ công cực kỳ cao siêu. Hai người ẩn hiện như thiên thần, thiên tướng, chuyên cứu khốn phò nguy, mà không bao giờ xưng tên. Nhưng mỗi khi hành hiệp, hai người để lại một tấm thẻ, trên khắc hình hai con chim ưng xòe cánh bay ngang qua hai ngọn núi. Vì hai người xuất hiện lần đầu ở Trường-yên, nên người ta gọi là Côi-sơn song ưng (Ghi chú: Côi-sơn là tên một ngọn núi ơ Trường-yên nay thuộc Ninh-bình). Từ hồi ấy đến giờ, Côi-sơn song ưng qua lại, dọc ngang trên giang hồ, giết không biết bao nhiêu bọn gian thần tặc tử, bọn đạo tặc, bọn mãi quốc cầu vinh. Cho đến nay, mỗi khi bọn gian nghe đến tên Côi-sơn song ưng là kinh hồn động phách.

Nhà vua chau mày hỏi:

- Côi-sơn song ưng hành sự như vậy, mà sao các trấn không tâu về cho trẫm hay? Lạ thực.

- Tâu bệ hạ mỗi vụ xẩy ra, đều có biểu tâu về, nhưng... nhưng Thái-sư đọc xong thì truyền rằng sẽ diện tâu với bệ hạ. Nào ngờ Thái-sư lại dấu diếm.

Thái-tử tâu:

- Từ bấy lâu nay, Thái-sư bưng bít không tâu lên phụ hoàng biết bao nhiêu sự trọng đại đã đành, mà người còn cấm không cho ai nhắc những chuyện đó trong Hoàng-thành nữa. Thần nhi chỉ là đứa trẻ tóc còn đỏ, mà cũng nghe biết rất nhiều về Côi-sơn song-ưng nữa là...

Thái-hậu quát lên:

- Long-Xưởng, gần đây tao thấy mày có những hành vi, ngôn từ luôn luôn tỏ ra bất kính với Thái-sư. Dù sao Thái-sư cũng lớn hơn mày đến ba bậc, mà mày lại dám xung chàng với người ư?

Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền can thiệp:

- Tâu thái-hậu, những điều thaiù-tử nghị luận đều đúng với đạo lý cả. Xin thái-hậu bớt nổi lôi đình.

Nhà vua tuyên chỉ:

- Xưởng nhi hãy kể ra một vài vụ án, mà Côi-sơn song-ưng xử để trẫm tường.

Thái-tử khoan thai thuật:

- Vụ án thứ nhất, thần nhi xin kể là vụ Song-ưng xử bọn bán trâu cái sang Quảng-Tây.

« ... Nguyên từ thời đức Thánh-tông, khi Linh-Nhân hoàng thái hậu tiến cung, người tâu rõ tệ trạng giết trâu, bán trâu sang Trung-nguyên. Đức Thánh-tông ban chỉ phạt rất nặng tội giết trâu, bán trâu; nên chỉ ít năm sau số trâu trong nước dư thừa để cầy cấy, chuyên chở. Lệnh này cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Thế nhưng, tình trạng hương đảng lỏng lẻo, nên dân chúng vẫn giết trâu mỗi khi hiếu hỷ. Bọn trộm trâu vẫn hoành hành, chúng trộm trâu đem lên mạn ngược bán sang Tống. Khổ hơn nữa, chúng chuyên bán trâu cái. Trong những bọn buôn trâu này, quan trọng nhất là tên Đèo Hiệp, thủ lĩnh một động người Nùng. Chúng dựa vào thế Đỗ Thái-sư, nên quan nha địa phương không ai dám động đến chúng.

Một nông dân nghèo quê ở Hồng-châu, tên Chu Kim, vì không có trâu cầy, phải đi thuê của một phú gia. Ngay đêm đó, trâu bị trộm bắt. Chủ trâu bắt đền, Chu Kim không có tiền đền. Chủ trâu đi trình quan. Quan xử: Vợ chồng Chu Kim phải bán mình cho phú gia, thay trâu cầy ruộng. Vợ chồng Chu Kim biết rõ trâu bị trộm bán cho Đèo Hiệp. Hai vợ chồng tìm đến đàn trâu của y, thì thấy con trâu ấy. Nhưng Đèo Hiệp lấp liếm rằng, trâu đó của y. Chu Kim gọi phú gia đến để nhận trâu. Đèo Hiệp không cho, y bảo trâu đó của y mua từ lâu rồi. Việc đưa lên quan. Quan sợ thế lực của Đèo Hiệp, xử cho y thắng, truyền đánh Chu Kim ba mươi bổng về tội cáo gian. Quá uất ức, Chu Kim thắt cổ chết. Việc tới tai Song-ưng. Song-ưng cùng đệ tử xuất hiện giữa ban đêm, bắt huyện lệnh, lý dịch mang loa gọi dân chúng đến xem xử kiện. Song-ưng gọi chủ trâu với Đèo Hiệp, rồi chỉ vào con trâu tang vật bảo rằng:

- Trâu nào cũng có tên, phàm khi chủ gọi thì trâu sẽ rống lên rồi chạy đến. Bây giờ hai người đứng trước bầy trâu, lên tiếng gọi trâu. Nếu như ai gọi, mà nó lên tiếng rồi chạy lại, thì là trâu của người đó.

Quả nhiên, Đèo Hiệp gọi, trâu không ứng tiếng. Còn khi chủ trâu gọi, thì trâu rống lên rồi phóng tới trước mặt.

Song-ưng tuyên án:

- Đèo Hiệp buôn lậu trâu qua biên giới, theo Hình-thư thì bị phát vãng 10 năm, tái phạm thì bị chém ngang lưng. Nếu như buôn từ mười con trở lên thì bị giết cả nhà, tang vật bị tịch thu. Đây mi buôn lậu nhiều lần, buôn hàng đàn trâu, vậy thì phải giết cả nhà. Nhưng trong hình thư có khoản cho phép dùng tiền chuộc tội. Vậy, nay tao cho mày được chuộc tội. Nhà mày gồm một vợ với hai đứa con, tao cho mày chuộc mạng mày năm trăm lượng vàng, vợ mày ba trăm lượng, mỗi đứa con hai trăm lượng. Tổng cộng một nghìn hai trăm lượng. Mày ức hiếp Chu Kim, để đến nỗi nó phải tự tử chết, mày phải đền mạng nó ba trăm lượng nữa. Tất cả bầy trâu của mày đều bị tịch thu. Đấy tao xử như vậy đấy, nếu mày không chịu, thì tao chặt đầu cả nhà mày ngay tại đây.

Dĩ nhiên Đèo Hiệp chịu.

Song-ưng xử đến viên huyện lệnh:

- Mày là mệnh quan của triều đình, đáng lẽ thấy bọn bán trâu qua biên giới thì phải bắt giam, đem xử tội. Đây mày làm lơ, như vậy là có mắt như mù. Khi Chu Kim đến kiện, đáng lẽ phải truyền bắt giam đứa trộm trâu, truyền trả trâu cho chủ... thì mày xử ức, che dấu cho kẻ gian, như vậy, hai tay mày vi luật. Nay tao xử chặt hai tay, khoét hai mắt mày.

Tuyên án xong, Song-ưng cho thi hành ngay tại chỗ. Sau vụ án này, nạn trộm trâu, bán trâu sang Trung-nguyên ở vùng biên giới chấm dứt ».

Nhà vua than:

- Hỡi ơi! Vụ án lớn như vậy, mà trẫm không biết gì! Số vàng mà tên Đèo Hiệp nộp phạt là một nghìn hai trăm lượng, Song-ưng lấy ba trăm lượng bồi thường cho Chu Kim, vậy còn chín trăm lượng với bầy trâu đâu?

- Tâu, Song-ưng đem số vàng đổi thành bạc, đem chuộc những người con gái trong vùng, bất hạnh phải bán mình làm nô bộc cho nhà giầu, rồi gả cho những người con trai nghèo không có tiền cưới vợ. Còn bầy trâu, thì chia cho nông dân nghèo.

- Như vậy Song-ưng là quan Hình-bộ thượng thư tư rồi. Hoàng nhi hãy thuật thêm vụ nữa.

- Vụ thứ nhì mà thần nhi biết là vụ Song-ưng xử bọn cướp biển ở Hải-Nam xâm nhập vùng Tiên-yên.

« ...Thời đức Nhân-tông về trước, luật Tống-Việt định rõ rằng: Khi ngư nhân nước nọ muốn sang lãnh hải nước kia đánh cá thì phải có phép của phủ huyện địa phương. Ngư nhân Hải-Nam tự kết thành bang, mang tên Hải-Nam điếu ngư gọi tắt là bang Hải-ngư. Song là loại cá vừa ngon, lại vừa bổ huyết. Ngư nhân Tống đánh nhiều quá, nên gần đây lãnh hải Tống không còn loại cá này nữa. Họ tràn sang lãnh hải Việt mà đánh. Lúc đầu họ xin phép; mỗi ngày, không cần biết họ đánh được bao nhiêu, một thuyền phải nộp thuế năm chỉ bạc. Thông thường, quan huyện Tiên-yên cho phép hai trăm, đến ba trăm thuyền nhập nội. Từ hai chục năm nay, quan huyện Tiên-yên tham của đút, nên mỗi ngày cho phép từ năm trăm tới một nghìn thuyền Tống vào. Đấy là thuyền nhập cảnh chính thức, chứ thực ra có hàng mấy ngàn thuyền nhập lậu. Bọn Hải-ngư dựa thế quan huyện Tiên-yên, chúng đuổi hết ngư nhân Việt khỏi ngư trường. Vì thế nên ngư dân Việt không còn đất sống nữa, họ cùng nhau kiện lên quan. Nhưng quan không xử thì chớ, mà hễ người nào thưa thì khi ra khơi, đàn ông bị bọn Hải-ngư giết chết, đàn bà thì chúng hãm hiếp rồi quẳng xuống biển. Thuyền, lưới, chúng cướp luôn. Như vậy rõ ràng quan huyện Tiên-yên đã báo cho bang Điếu-ngư biết.

Ngư dân Việt khốn khổ khôn cùng, đành nằm trong làng chài mà khóc với nhau. Nhiều gia đình chết đói. Một ngày kia có hơn trăm người đến làng chài tập trung trai tráng lại dạy võ, cùng phương cách đánh nhau trên biển. Rồi trăm võ sĩ đó bảo họ cứ ra khơi đánh cá, sẽ được bảo vệ. Khi đoàn thuyền Việt vừa ra ngư trường, thì bị bọn Hải-ngư vây đánh. Lập tức trăm võ sĩ ra tay, họ tung mình sang thuyền bọn Hải-ngư, thoáng một cái họ đã điểm huyệt hầu hết ngư dân Tống. Trận chiến ngày đầu không ai chết, bị thương cả. Ngư dân Việt kéo hơn năm trăm thuyền Tống, hơn hai nghìn tù mang về làng chài. Sang ngày thứ hai, thứ ba cũng tương tư. Bọn thủ lãnh bang Hải-ngư thấy ngàn rưởi thuyền của mình ra đi không về, chúng kéo đại lực lượng đi tìm. Có ngư dân Tống biết truyện báo cho chúng biết. Chúng cho rằng quan huyện Việt làm truyện này, chúng kéo nhau vào cửa biển Tiên-yên, rồi nhập huyện đường lý luận với quan huyện. Giữa lúc ấy, có ba người đàn ông, một người đàn bà với hơn trăm võ sĩ xuất hiện. Họ nhanh chóng điểm huyệt huyện lệnh, thân binh cùng với bang Hải-Nam điếu ngư. Một người kéo lá cờ có thêu hình hai con chim ưng đang bay qua đỉnh núi. Họ cho triệu tập tất cả ngư dân Việt, Tống lại rồi xử tội: Huyện lệnh với bang chúa, phó bang chúa Hải-ngư bị chặt hai chân, hai tay, khoét hai mắt. Ngư dân Tống nào có giấy phép nhập cảnh thì được tha về, kẻ nào không có giấy phép thì phải nộp phạt số bạc bằng sáu mươi ngày thuế chính thức, và cấm tuyệt không cho vào lãnh hải Đại-Việt đánh cá nữa.

Cuối cùng Song-ưng tuyên án:

- Kể từ nay, bất cứ ngư dân Việt nào nhập lãnh hải Tống, hay ngược lại ngư dân Tống nào nhập lãnh hải Việt, mà không xin phép sẽ bị chặt một tay, tái phạm sẽ bị chặt hai tay, khoét hai mắt.

Số bạc ngư dân Tống nộp phạt thì Song-ưng trao cho những gia đình bị bọn Hải-ngư giết hại.

Từ đấy bọn quan lại vùng Tiên-yên cho tới ngư dân hai bên đều nhất nhất tuân theo phép nước Đại-Việt ».

Thái-hậu hét lên:

- Như vậy là loạn to rồi. Đời thủa nhà ai, bọn cướp lại lộng hành đến như thế được? Chúng công khai hành hình mệnh quan của triều đình, mà triều đình toàn một lũ ăn hại, không biết giữ quốc pháp. Xá gì hai tên cướp Côi-sơn song-ưng, chúng công khai làm phản, mà không ai trị nổi!

Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm biện luận:

- Tâu thái-hậu, những vụ Song-ưng xử như vậy có đến hàng trăm, hàng nghìn. Khi một vụ xẩy ra, các quan địa phương thượng biểu về triều, thần cho xét lại chi tiết, tâu lên hoàng thượng. Nhưng Thái-sư bảo để Thái-sư giải quyết, nên chi, chính hoàng thượng cũng không biết gì, thì chư vị đại thần làm sao mà can thiệp vào? Vả lại, mỗi vụ Song-ưng xử, đều căn cứ vào bộ Hình-thư , trừng trị bọn bất trung, bất hiếu, bọn đạo tặc, bọn tham quan... thì đâu có thể bảo rằng Song-ưng là đồ phản tặc?

Thái-tử tiếp lời Thiếu-sư:

- Thưa thầy, theo như Xưởng nghĩ, thì dường như Song-ưng là hai vị đại hiệp không muốn xuất đầu lộ diện, hết lòng phù trợ cho bản triều, chứ không hề có ý phản bội.

Sau khi nghe thái-tử thuật hai vụ án do Côi-sơn song-ưng xử, nhà vua tuyên chỉ cho Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm:

- Xin Thiếu-sư lục sao lại tất cả những tấu trình về các án do Song-ưng đã xử, rồi đem cho trẫm ngự lãm.

Tô Hiến-Thành hỏi Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền:

- Thưa quan Thái-phó, không biết Song-ưng thuộc môn phái nào?

- Lão phu là văn quan nên không rõ vụ này. Xin để quan thống-lĩnh Phụng-quốc vệ trả lời.

Một võ quan bước ra quỳ tâu:

- Thần đô thống Đàm Dĩ-Mông, thống lĩnh Phụng-quốc vệ xin kính tâu: Vì võ công Song-ưng quá cao, nên khi ra tay diệt trừ trộm cướp thì chỉ đánh một chiêu đã khiến đối thủ chết rồi. Do thế không ai biết Song-ưng thuộc môn phái nào? Có người đoán già rằng Song-ưng là người thuộc phái Sài-sơn, bởi chưởng môn phái này là Lê Thúc-Cẩn với vợ là Ngô Lan-Chi có nhiều hành vi quái dị, đi đâu cũng mang theo đàn chim ưng năm con. Lại cũng có người cho rằng, Côi-sơn song ưng là Trần Tự-Hấp với vợ là Bùi Anh-Hoa thuộc phái Đông-a.

Nhà vua hỏi quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền:

- Thưa thầy, thầy là người có qua lại với Trần Tự-Kinh, thầy thấy vụ này ra sao?

Hoàng Nghĩa-Hiền bước ra tâu:

- Thần không tin Côi-sơn song ưng là Trần Tự-Hấp. Bởi Tự-Hấp là con trưởng của đại hiệp Trần Tự-Kinh chưởng môn phái Đông-a. Mà Tự-Kinh là người ôn nhu, nhân từ bậc nhất Đại-Việt, đến giết con gà, con vịt ông còn không nỡ nữa là giết người hàng loạt như vậy. Tự-Hấp là người con chí hiếu, chắc y không thể làm trái với chủ trương của cha.

Tô Hiến-Thành nhăn mặt:

- Thưa Thái-phó, hay là một trong các đệ tử của Tự-Kinh?

- Không! Không thể là đệ tử của ông được. Oâng có năm đệ tử đươc võ lâm tặng cho mỹ danh Đại-Việt ngũ tuyệt. Một là Quách Tử-Minh, chưởng lực tuyệt cao. Hai là Vũ Tử-Mẫn, văn chương tuyệt thế. Ba là Phạm Tử-Tuệ, y học tuyệt minh. Bốn là Cao Tử-Đức, tử vi, nhâm độn, địa lý, bói dịch tuyệt trần. Năm là Trần Tử-Giác tiễn thủ tuyệt diệu. Ngoài ra, ông còn nhận thêm một đệ tử út là Tô Trung-Sách. Cả hai con trai, hai con dâu, sáu đệ tử... võ công, đạo đức nức tiếng thiên hạ. Chắc chắn họ không dám làm những gì trái ý sư phụ.

Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá tâu :

- Thần Nam-sơn hầu Trần Trung-Tá, Tả gián-nghị đại phu, lĩnh Hình-bộ thượng thư kính tâu. Để có thể tìm ra Côi-sơn song ưng, ta không nên bỏ một ai mà không nghi ngờ cả. Xét chung, bản lĩnh Song-ưng cao như vậy, thì phải thuộc về ngũ đại môn phái. Như quan Thái-phó luận thì Song-ưng không thể là người phái Đông-a. Vậy còn lại bốn phái là Mê-linh, Sài-sơn, Tản-viên, Tiêu-sơn... đều phải nghi cả. Phái Tiêu-sơn là nơi xuất thân của Thái-sư, vả các đại cao thủ đều là chư tăng. Mà cao tăng phái Tiêu-sơn đều có lòng quảng đại, từ bi, hỷ xả. Vậy Song-ưng không thể là người phái này.

Thái-hậu hỏi:

- Hay là người của phái Tản-viên ?

- Tâu Thái-hậu, cũng không phải.

Hiến-Thành phân giải : Vụ án dinh Thái-sư không thể là người phái này. Bởi hôm qua là ngày đại hội của phái Tản-viên ở Tản-lĩnh, để làm lễ tuyên phong tân chưởng môn Cao Đức-Hòa. Các cao thủ với chư đệ tử đều ở trên Tản-lĩnh cả.

Thái-tử Long-Xưởng hỏi Trung-Tá :

- Vậy chỉ còn lại người của phái Mê-linh, Sài-sơn. Đại-phu cho rằng phái nào đáng nghi nhất ?

- Từ ngày thành lập đến giờ, phái Mê-linh giữ vững tinh thần thời Lĩnh-Nam là không bao giờ can thiệp vào việc đời, việc võ lâm. Đệ tử phái này chỉ can thiệp khi bị ngoại xâm mà thôi. Còn phái Sài-sơn, thì năm mươi năm qua đệ tử phái này chuyên vân du thiên hạ hành y đạo cứu người, không lý gì đến chính sự, cũng như chuyện phải trái của võ lâm.

Long-Xưởng bật cười :

- Rút cuộc ta vẫn không tìm ra căn cước Song-ưng.

Thái-hậu hỏi Tô Hiến-Thành :

- Này Tô Hiến-Thành. Người có cách nào tìm ra Côi-sơn song ưng để

trả thù cho Thái-sư không?

- Tâu thái hậu, điều này không khó. Hiện phái Đông-a người nhiều, thế mạnh. Cao thủ của họ có mặt khắp nơi. Bây giờ nhân cái vụ Côi-sơn song ưng giết cả nhà Thái-sư, ta cứ đổ diệt cho phái Đông-a. Như vậy tự nhiên phái này phải sai người điều tra, rồi công bố cho võ lâm biết Song-ưng là ai. Sau đó ta đem quân về làng của chúngï, bắt cả nhà Song-ưng cỡi ngựa gỗ trả thù cho Thái-sư.

Hoàng Nghĩa-Hiền phản đối:

- Từ hơn trăm năm qua, thời nào phái Đông-a cũng có những nhân tài kiệt hiệt phò tá triều đình. Cho đến nay, uy đức của Quốc-trượng Tự-An, Kinh-Nam vương Tự-Mai, Quốc-mẫu Thanh-Mai, Mộc-tồn hòa thượng, vẫn còn sáng chói trong tâm trăm họ. Ta không thể, không nên làm chuyện gắp lửa bỏ bàn tay như vậy.

Thái-hậu hừ một tiếng rồi ban chỉ cho nhà vua:

- Hoàng nhi! Kế này của Tô Hiến-Thành hay thực! Hoàng nhi hãy dùng đi. Xá gì bọn vai u thịt bắp Đông-a. Nếu cần, ta đem quân về Thiên-trường làm cỏ bọn này cũng cứ được đi. Ta cần tìm ra Côi-sơn song ưng, rồi đào mồ, cuốc mả mười đời tổ tiên chúng lên, đổ xuống hố phân. Còn ba họ nhà chúng, sẽ cho cỡi ngựa gỗ.

Thái-tử Long-Xương trách Tô Hiến-Thành :

- Từ ngày bản triều lập nền chính thống đến giờ, tuy trải qua nhiều năm thăng trầm khác nhau. Nhưng đời nào cũng dùng đức từ bi, hỷ xả của đức Thế-tôn, dùng nhân nghĩa của Khổng-Mạnh cai trị dân. Nay triều đình có trăm quan đều thuộc loại văn mô, vũ lược... mà ta không tìm ra căn cước Côi-sơn song ưng, thì hỏi sao có thể tìm ra bọn gian tế, bọn mãi quốc cầu vinh, bọn gian thần tặc tử ? Thái-bảo hiện là Binh-bộ thượng thư, nắm binh quyền trong tay, nhân lực có hàng chục vạn, quyền hành bao trùm Đại-Việt. Thái-bảo phải dâng những lời trung nghĩa, nhân đức lên cho đấng quân phụ, chứ có đâu phủi tay, rồi đổ oan cho môn phái Đông-a. Tin này lọt ra ngoài, thì uy tín triều đình còn gì nữa ? ! ? ! ?

Bị một thiếu niên dùng chính đạo khiển trách giữa triều đình, mặt Hiến-Thành tái xanh. Ông cúi đầu :

- Thần hơi có đôi chút nông nổi.

Nghe cháu đàn hạch một đại thần bằng đạo lý, thay vì vui mừng, thì mặt thái-hậu tái xanh. Ba quát:

- Câm cái mõm chó lại. Bằng không bà sẽ vã vào miệng bây giờ. Được, nội trong ba năm mà mi không tìm ra Côi-sơn song ưng, thì ta sẽ truất mi xuống làm thường dân, xóa tên trong ngọc diệp. Thôi ta hồi cung.

Thấy mẹ lui về cung, nhà vua như thoát đươc cái ách, ngài tuyên chỉ:

- Tô thái bảo! Thế bản án Côi-sơn song ưng buộc tội Đỗ Anh-Vũ đâu, xin Thái-bảo đọc lên cho triều đình cùng nghe.

Thấy nhà vua gọi tên của Đỗ Anh-Vũ ra, thay vì gọi là Thái-sư, triều thần không ngạc nhiên. Vì hai chục năm qua, y tư thông với Thái-hậu, áp chế nhà vua, mà nhà vua không làm gì được.

Thấy Hiến-Thành tỏ vẻ ngần ngừ, Long-Xưởng thúc:

- Tôi biết trong bản án ắt có nhiều điều đại bất kính với triều đình. Nhưng này Thái-bảo, dù là bất kính, nhưng sát nhân đã dán khắp kinh thành, thì dân chúng đều biết rồi, vậy ta còn dấu diếm các đại thần làm gì?

Bất đắc dĩ Tô Hiến-Thành phải trình ra một mảnh vải lớn viết đầy chữ. Nhà vua trao cho quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền:

- Xin thầy đọc lên để triều đình cùng nghe.

Côi-sơn song ưng,

cáo tri với

triều đình, võ lâm, hương đảng Đại-Việt.

Nước Đại-Việt ta, trải qua 88 đời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, đã đỉnh lập ra một nước văn hiến , có luật pháp, có kỷ cương. Các triều đại gần đây như Đinh, Lê, tuy không lâu dài, nhưng cũng có những năm thịnh trị, luật lệï, phép tắc càng nghiêm hơn, mà phong hóa càng rực rỡ.

Kế đến đức Thái-tổ, ứng lòng trời, thuận lòng người lập ra bản triều, dùng đức từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn mà cai trị dân. Kế tới đức Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông... lại dùng Nho làm giềng mối dạy dân, luôn theo lễ nghi của thánh hiền.

Kể từ khi đức Thần-tông băng, quyền vào tay hai con đàn bà ngu xuẩn, được tôn phong cái gọi là Chiêu-Hiếu thái hoàng thái hậu, Cảm-Thánh hoàng thái hậu... đã làm giềng mối xã tắc hỗn loạn, mà kỷ cương, luân thường bị phá bỏ. Đỗ thị trao toàn quyền cho đứa em là Đỗ Anh-Vũ, một ác nhân, văn không thông, binh không biết cầm quân. Trong suốt hai mươinăm qua, hai con đàn bà ngu dốt lăng loàn này, với tên Đỗ Anh-Vũ đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác, nay chỉ nêu ra những tội chính:

Một là, chúng ám hại Lệ-Thiên hoàng hậu, rồi lại đánh thuốc độc giết chết quan Tả Kim-ngô đại tướng quân, Vinh-quốc vương Lý Sơn, là thân phụ của Lệ-Thiên hoàng hậu. Theo bộ Hình-thư thì phải giết cả nhà.

Hai là, Anh-Vũ tư thông với Cảm-Thánh hoàng thái hậu, làm ô uế noÄi cung. Theo bộ Hình-thư thì phải giết cả nhà.

Ba là, giả chiếu chỉ sát hại Chiêu-Hòa vương Lý Long-Vũ, vì vương tuân chỉ của hoàng đế bắt Anh-Vũ về tội thông dâm với Cảm-Thánh hoàng thái hậu. Theo Hình-thư thì phải tội lăng trì cùng giết cả họ.

Bốn là, sát hại Chiêu-Hiếu thái hoàng thái hậu. Theo bộ Hình-thư thì phải giết cả ba họ.

Năm là, giả chiếu chỉ, giáng truất các hoàng thân Trí-Minh vương, Bảo-Ninh hầu, Bảo-Thắng hầu. Lại sát hại các đại thần Nguyễn Dương, Vũ Đái, Đỗ Aát, Đồng-Lợi và gia thuộc. Theo Hình-thư thì phải giết ba họ.

Sáu là, chúng áp chế vua, giải tán mười hai hiệu Thiên-tử binh là mười hai cây cột chống xã tắc. Theo Hình-thư thì phải tội giết ba họ.

Chúng ta đã điều tra rõ chính phạm, tòng phạm, nay kết án theo Hình-thư: Tám tên chính phạm với Anh-Vũ cho cỡi ngựa gỗ. Tất cả vợ, con y đều bị khoét hai mắt, cắt gân tay chân, cắt lưỡi. Các gia nhân ác độc thì bị chém ngang lưng.

Niên hiệu Đại-Định thứ mười chín, mùa Thu tháng tám, ngày rằm.

Nhà vua nghe đọc xong thì mỉm cười:

- Trước đây, ác nhân Đỗ Anh-Vũ hoành hành, mà trẫm chịu bó tay. Đêm đêm, trẫm thường khấn các vị tiên đế sao cho Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn hòa thượng sống lại để trừ khử chúng dùm. Nay nhờ anh linh tiên đế phù hộ, mà bọn này bị Côi-sơn song ưng giết, thực là may mắn cho xã tắc. Bây giờ chư khanh với trẫm hãy xây dựng lại những gì thời đức Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông đã làm.

Thái-tử Long-Xưởng hô:

- Các võ sĩ đâu?

Mười tám người mặc y phục dân dã, tuổi còn rất trẻ, dáng người nhỏ bé, từ ngoài dạ lên, rồi vào điện cúi đầu:

- Xin chờ chỉ dụ của bệ hạ.

Đô-thống Đàm Dĩ-Mông là người chỉ huy Phụng-quốc vệ kinh ngạc vô cùng, vì trong mười tám người, không có người nào y quen mặt cả. Hơn nữa, các Phụng-quốc vệ không được mang vũ khí, mà nay họ đều cầm kiếm.

Thái-tử quát:

- Bắt tất cả bọn gian thần ngay tức thời.

Mười tám người cùng dạ lên một tiếng, rồi ra tay. Các quan thuộc đảng của Anh-Vũ bị điểm huyệt, rồi bị trói. Khi võ sĩ bắt Đàm Dĩ-Mông, y phát chiêu chống trả. Một võ sĩ chỉ đánh có ba chiêu, y đã bị điểm ngã. Mông khiếu oan:

- Tâu bệ hạ, thần vô tội. Nếu thần có tội, thì tội đó do thái-hậu ban cho.

Y quay lại nói với đám võ sĩ:

- Thì ra các người là những cao thủ phái Mê-linh đấy!

Nhà vua truyền chỉ với Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền:

- Kể từ lúc này, thầy phụ trách chư sự Thượng-thư lệnh, hủy bỏ tất cả luật lệ, hình phạt tàn bạo do Anh-Vu đặt ra. Chúng ta trở lại với thời đức Nhân-tông. Truy phong, phục hồi chức tước cho tất cả những người bị y hại, phàm tài sản sung công thì trả cho oan chủ. Tài sản của Anh-Vũ, thì tịch thu tận số sung công. Lại giao cho bộ Hình xét tội trạng phe đảng của y, đem xử cho nghiêm chính pháp.

Nhà vua tuyên chỉ cho Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm:

- Thiếu-sư là cố mệnh đại thần từ đời đức Nhân-tông, nay xin thay thế Anh-Vũ, lĩnh Thái-sư, quản Khu-mật viện, lĩnh Phụ-quốc thái-úy, mau mau phục hồi Khu-mật viện, cùng chỉnh đốn lại các hiệu Thiên-tử binh.

Khánh-Đàm lĩnh mệnh.

Nhà vua gọi một võ quan:

- Tả lãnh vệ thượng tướng quân.

Võ quan ấy bước ra tâu:

- Thần, Phí Công-Tín, Tả lãnh vệ thượng tướng quân, thống lĩnh hiệu binh Kinh Bắc, tước Trung-dũng bá xin chờ chỉ dụ của bệ hạ.

- Trẫm phong khanh lên hàm Thiếu-bảo. Trong khi chờ đợi thiết lập lại cấm-quân, thị-vệ, trẫm giao cho khanh giữ chức Điện-tiền chỉ huy sứ. Khanh hãy đem hiệu binh Kinh Bắc về để bảo vệ Hoàng-thành. Thôi bãi triều!

Nhạc tấu bản Long-hồi:

Kỳ nghi bất thắc,

Túc ung hòa minh,

Tỷ tập hy vụ thuần hỗ,

Thọ khảo thả ninh,

Lệnh văn bất dĩ,

Duật tuấn hữ thanh.

Thiên-tử vạn niên,

Phúc lộc lai thành.

Dịch:

Cung đình chính lễ,

Đầy đủ hòa minh,

Phúc tốt sáng rực,

Thọ bền an ninh.

Thanh truyền vô tận,

Tốt bền dài lâu.

Thiên tử vạn năm,

Phúc lành đến mãi.

Đại-Định hoàng đế dắt tay thái-tử Long-Xưởng hồi cung. Tới cung Chiêu-Linh, hoàng hậu ra đón. Vừa thấy hậu, nhà vua nắm lấy tay:

- Hậu thực là Linh-Nhân hoàng thái hậu tái thế. Những gì hậu luận bàn cùng trẫm đã diễn ra không sai một chút nào. Có điều Xưởng nhi mẫn tuệ khác thường, trẫm là cha, mà không biết, thực đáng trách. Bây giờ ác nhân chết rồi, hậu với trẫm có rất nhiều việc phải làm, để tái phục hồi những gì từ thời đức Nhân-tông, nay đã mất.

Chiêu-Linh hoàng hậu truyền cung nữ dâng trà cho nhà vua. Hậu tâu:

- Từ hồi bản triều ngự chính thống đến giờ, đều có lệ: Khi một hoàng tử sinh ra, lập tức được phong chức tước, rồi khi đã trên mười tuổi thì cho mở phủ đệ riêng, để có thể thiết lập Đông-cung quan, phụ giúp phụ hoàng thi hành chính pháp. Nay Xưởng nhi tuy mới tám tuổi, nhưng thông tuệ khác thường, học một biết mười, thiếp cũng xin bệ hạ ban chỉ cho Xưởng nhi mở phủ đệ, hầu phụ giúp bệ hạ trong dịp phục hưng này.

- Hậu luận đúng. Ngay ngày mai, trẫm sẽ ban chỉ phong chức tước cho Xưởng nhi, còn việc mở phủ đệ riêng, thì chưa thể, vì Xưởng nhi mới tám tuổi.

Long-Xưởng thấy cha mẹ khen mình, thì xen vào:

- Tâu, thần nhi nghĩ, trên đời này không ai có thể phụ giúp phụ hoàng đắc lực, trung thành, tận tụy bằng mẫu hậu. Phụ hoàng nên học theo đức Thánh-tông dùng Linh-Nhân hoàng thái hậu, mà dùng mẫu hậu như một đại học sĩ, để hôm sớm cùng nhau luận bàn quốc sách. Nay thần nhi chưa được mở phủ đệ riêng, thì thần nhi xin chầu hầu phụ hoàng sớm tối để học phép trị dân, thì cũng như mở phủ đệ riêng vậy.

Nhà vua xoa đầu Long-Xưởng:

- Được, phụ hoàng sẽ làm như con tâu.

Ngự trù dọn cơm lên. Người điều khiển cung nga thái giám dâng cơm là một cung nữ câm, nhưng không điếc. Nhà vua liếc nhìn ả : Mặt bị méo, lưng bị gù, sau cổ gồ lên cái bướu, nhưng da trắng mịn, môi hồng, mình hạc, xương mai chân tay dài, lưng ong ngực nở, dáng đi thướt tha. Nhà vua nhìn ả như muốn hỏi lý lịch. Hoàng-hậu tâu :

- Đó là một đứa con gái bất hạnh, cha làm thầy lang ở Gia-lâm. Thủa nhỏ nó cũng được học chữ, lầu thông Thi, Thư. Năm mười tuổi chẳng may bị trúng gió, mặt bị méo, lưng bị gù, rồi mọc ra cái bướu. Cha nó thương tình dạy cho nó nghề tẩm quất. Thứ thiếp của Lại-bộ thượng thư Đỗ An-Di là Trịnh Nam-Phương đem tiền mua về làm tỳ nữ. Khi em của thượng thư là Đỗ Thụy-Châu tiến cung thọ hoàng ân phong Thục-phi thì mang nó theo. Thiếp thấy nó cần cù, chăm học, lại có tài tẩm quất thì thương lắm. Thục-phu dâng cho thiếp. Ngoài tài tẩm quất ra nó còn có tài nấu nướng. Bất cứ món nào của Trung-hoa, của Đại-Việt nó đều biết làm. Vì vậy thiếp cho nó trông coi việc ẩm thực trong cung Chiêu-linh. Thiếp đặt tên nó là Á-tỳ (người đầy tớ câm).

Tuy tài năng nhà vua bình thường, nhưng ngài lại có con mắt tinh đời trong việc tuyển giai nhân. Ngài mỉm cười với hậu :

- Thực đáng thương, mà cũng thực đáng tiếc. Giả như mặt nó không bị méo, lưng nó không bị gù, thì nó thực là một giai nhân phải làm nhà vàng cho ở. Kìa, hậu nhìn xem, cặp chân dài, cái lưng ong, ngực nở dáng đi mềm mại thế kia, thì trong hậu cung chỉ có Giai-phi Chế-bì La-bút là sánh được mà thôi.

Nhà vua ngồi ăn với hoàng-hậu, thái-tử .

Nhà vua hỏi:

- Này hậu, đêm qua, hậu cho trẫm biết chi tiết cái tin ác nhân Anh-Vũ bị giết cả nhà. Rồi hậu xếp đặt mọi chuyện. Trong lúc khẩn cấp, trẫm nhất nhất nghe lời hậu mà thành công. Nay trẫm có thắc mắc: Tin đó, cuối canh năm phủ thừa Thăng-long mới biết, mà sao canh ba hậu đã biết mà tâu với trẫm? Lại nữa, hậu kiếm đâu ra mười tám võ sĩ bản lĩnh thực không tầm thường, mau chóng bắt gọn phe đảng ác nhân Đỗ Anh-Vũ, bằng không thực khó mà kiềm chế được chúng.

Hoàng-hậu chưa kịp trả lời, thì thái-tử Long-Xưởng đã chỉ ra cây hoa ngọc lan ngoài sân, trên đó có đôi chim ưng đang rỉa lông:

- Tâu phụ hoàng, chính Côi-sơn song-ưng đã sai chim ưng báo cho mẫu hậu biết, để mẫu hậu chuẩn bị kịp.

Ghi chú của thuật giả.

ĐVSKTT, Lý kỷ Anh-tông kỷ, chép về vua Lý Anh-tông như là một người nhu nhược, lên ngôi vua khi còn bế ngửa. Tất cả giáo dục của nhà vua đều do bà là Chiêu-Hiếu thái hậu họ Đỗ, mẹ là Cảm-Thánh phu nhân họ Lê, trông coi. Mà khốn thay, hai bà vốn tham dâm, ngu độn, hủ lậu, ích kỷ. Đỗ thái hậu chỉ biết có họ hàng nhà mình, trao quyền cho đứa em ác độc, bất tài. Lê thị, đã thất học, lại dâm đãng, không biết đến vận mệnh của xã tắc, cũng chẳng đoái hoài tới sự nghiệp triều Lý, chỉ biết có tình nhân Đỗ Anh-Vũ. Bà đang tâm sát hại không biết bao nhiêu người. Bị bà, rồi mẹ, rồi Anh-Vũ kiềm chế, hóa cho nên nhà vua trở thành người đần độn, ù lỳ. Nhà vua biết rõ Anh-Vũ tiếm quyền, mẹ áp chế, nhưng không biết làm sao thoát ra.

May mắn thay, nhà vua được bà vợ chính là Chiêu-Linh hoàng hậu, vốn thông minh, có học, có chí khí; lại được con trưởng là thái-tử Long-Xưởng, mẫn tiệp, đa năng ở cạnh... phò tá, nên sự nghiệp triều Lý còn kéo dài thêm được bốn mươi năm nữa.

Đêm qua, lúc đầu canh ba, Chiêu-Linh hoàng hậu, cùng thái-tử Long-Xưởng đánh thức nhà vua dậy báo cho biết một biến cố quan trọng: Toàn gia ác nhân Đỗ Anh-Vũ đã bị Côi-sơn song-ưng xử tử tại gia. Đội Phụng-quốc vệ duy nhất được mang vũ khí, không còn ở Thăng-long nữa. Đây là dịp may có một không hai để nhà vua nắm lấy quyền hành. Nhà vua nhìn quanh cung Chiêu-Linh, thấy có đội võ sĩ, mặc y phục thị vệ, lưng đeo bảo kiếm, khí thế rất hùng tráng, càng ngạc nhiên.

Trước một tin quan trọng, dồn dập như vậy, tuy mừng nhưng không biết phải phản ứng ra sao, nhà vua hỏi hậu:

- Bây giờ trẫm phải làm gì?

- Ngay sáng mai, bệ hạ phải làm ba việc. Một là cái tin Anh-Vũ bị giết, thì quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền sẽ xin thiết đại triều để nghe phủ thừa Thăng-long tâu trình kết quả điều tra. Chắc chắn thái-hậu sẽ buông màn thính chính. Thái- hậu có tuyên chỉ gì chăng nữa, bệ hạ cũng cứ ừ hự cho qua. Đợi khi người hồi cung rồi, bấy giờ bệ hạ mới hành động. Hai là, các quan trong triều hiện chia ra làm ba loại. Loại một, gồm những vị trung lương, có tài lương đống, không chịu theo phe đảng Anh-Vũ, như Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm... Khi những vị này tâu gì, nói gì, bệ hạ luôn mỉm cười, ban lời khuyến khích sau đó lấy tất cả chức tước quyền hành của Anh-Vũ với phe đảng của chúng trao cho họ. Loại hai, là những người vốn có tài, có đức, nhưng vì muốn có quyền, muốn yên thân, a dua theo ác nhân... loại này bệ hạ nên vuốt ve, an ủi, để họ giữ lòng trung, nhưng không trao cho quyền hành gì khác. Loại ba, là loại a dua theo phe đảng của ác nhân, thì đa số bị Song-ưng giết tại nhà Anh-Vũ rồi. Bọn còn lại, bệ hạ hô võ sĩ kiềm chế tức khắc, rồi trao cho bộ Hình xử theo luật. Ba là, hiện bệ hạ không có thị vệ, ngự lâm quân để giữ Hoàng-thành, phòng Thăng-long. Vậy ngay bây giờ, bệ hạ ban mật chỉ cho tướng quân Phí Công-Tín, cấp tốc đem đạo binh Kinh-Bắc về Thăng-long; sao cho trong lúc thiết triều, thì đạo quân đó bao vây dinh thự phe đảng ác nhân, kiềm chế vợ con chúng để phòng bất trắc.

Nhà vua mừng lắm, cầm bút viết mật chỉ cho Phí Công-Tín liền, rồi trao cho hoàng-hậu. Hoàng hậu gọi một cung nữ thân cận, nguyên là đệ tử đồng môn của phái Mê-linh, được đưa vào cung từ lâu, tên Khánh-Mỹ, dưa thẻ bài cho nó rồi dặn:

- Sư muội cầm mật chỉ này, vượt cửa Đan-phượng, rồi tìm đến dinh Phí tướng quân trao cho người. Nhắc lại, tính mệnh sư muội có thể mất chứ mật chỉ này không thể để lọt ra ngoài.

Nhà vua vẫn lo lắng:

- Thông thường khi trẫm thiết triều thì có một đội Phụng-quốc vệ của Anh-Vũ ứng trực canh phòng. Nay đội đó bị Anh-Vũ đưa lên vùng Tản-viên, trẫm không có võ sĩ để bắt bọn phe đảng của y, làm sao bây giờ? Mà ví dù đội đó có ứng trực chăng nữa, khi trẫm ban chỉ bắt phe đảng Anh-Vũ, chúng cũng không tuân. Hậu có nhớ trước đây, trẫm từng truyền chúng bắt Anh-Vũ, mà chúng bất tuân, đến nỗi trẫm phải nhờ Chiêu-Hòa vương Lý Long-Vũ không?

- Thiếp đã trù liệu cả rồi.

Hậu chỉ vào đội cung nữ trong võ phục thị vệ: Đây là những nữ cao thủ, mà thiếp đã đưa vào cung từ lâu. Một người có thể địch trăm người. Suốt đêm nay họ ứng trực tại đây để bảo giá. Sáng mai, khi bệ hạ lâm triều, họ sẽ ứng trực ngoài điện Càn-nguyên. Khi bệ hạ cần bắt một gian thần nào, bệ hạ cứ hô một tiếng họ sẽ tuân chỉ thi hành ngay.

Thế rồi buổi thiết triều diễn ra đúng như Chiêu-Linh hoàng hậu ước tính. Phe đảng Anh-Vũ bị bắt trọn vẹn. Cuộc dẹp loạn thành công, không tốn một mũi tên, không đổ một giọt máu. Bây giờ nhà vua đã nắm trọn quyền hành. Ngài đưa mắt nhìn hoàng hậu, long tâm nghĩ thầm:

- Hỡi ơi, trước đây ta chỉ biết rằng hậu là người xinh đẹp, ôn nhu văn nhã, ta tuyệt không ngờ hậu lại có tài thao lược đến như thế. Chính ngay thái-hậu, Anh-Vũ, thường ngày gặp hậu, thường ngày qua cung Chiêu-Linh, mà cũng không biết tới những gì hậu chuẩn bị. Nhưng tại sao hậu lại quen biết với Côi-sơn song-ưng, kể cũng lạ. Ta phải từ từ tìm hiểu mới được.

Ghi chú của thuật giả

Sự việc này ĐVSKTT, Lý kỷ, Anh-tông kỷ chép giản dị:

Niên hiệu Đại-Định thứ 19, Mậu-Dần (DL.1157); Tống, Thiệu-Hưng năm thứ 28, mùa Thu, tháng 8, Đỗ Anh-Vũ chết. Sai Thiếu-bảo Phí Công-Tín tuyển dân đinh, định các hạng, và lấy người sung vào việc thờ kính ở sơn lăng. Chỉ độc giả Anh-hùng Đông-a mới biết rõ chi tiết mà thôi.

Thình lình, một người bịt mặt từ trên nóc cung nhảy xuống như con chim đại bàng, chụp nhà vua. Nhà vua kinh hãi, la lên một tiếng, đành nhắm mắt chờ chết.

Hồi còn niên thiếu, nhà vua có học võ với Chiêu-Hòa vương Lý Long-Vũ. Nhưng sau sáu tháng, xẩy ra vụ Anh-Vũ thông dâm với thái-hậu, nhà vua truyền thị vệ bắt y, nhưng tất cả thị vệ đều là người của y, nên chúng không tuân chỉ. Ngài xin vương bắt y. Vương phải đanh trên trăm hiệp mới bắt được. Vương điểm huyệt y, trao cho nhà vua. Nhưng y được thái hậu ân xá. Ngay hôm sau, y giả chiếu chỉ, sai Phung-quốc vệ giết Long-Vũ. Kể từ đấy, để đề phòng trường hợp tương tự xẩy ra cho người tình, thái hậu cấm nhà vua tập võ. Cho nên hôm nay, bị thích khách dùng hổ trảo chụp, kình lực mạnh vô cùng, nhà vua chỉ biết dùng hai tay ôm đầu, nhắm mắt chờ chết.

Hoàng hậu quát lên một tiếng, bà phát chưởng tấn công vào thích khách, khiến y bỏ nhà vua quay về tự cứu mình. Quả nhiên, thích khách nhảy lùi ba bước để hóa giải kình lực của hậu, rồi phát chiêu đỡ. Bộp một tiếng, cả hoàng hậu lẫn thích khách đều bật lui lại sau ba bước. Thích khách khen:

- Võ công Mê-linh! Khá lắm!

Nói rồi y đánh một chiêu thẳng vào ngực bà, cử chỉ cự kỳ khả ố. Hoàng hậu dùng tay trái gat tay đối thủ, tay phải đấm thẳng vào mặt y. Y trầm người xuống tránh đòn rồi vọt mình lên cao. Ở trên cao, y dáng thẳng xuống một chưởng. Hoàng hậu xuất chiêu Kình-ngư thăng thiên trả đòn. Hai người quấn lấy nhau giao đấu.

Các cung nga, thái giám đều dương mắt lên nhìn cuộc giao đấu, trong khi Á-tỳ cầm thanh củi tạ nhảy đại vào phang thích khách túi bụi.

Long-Xưởng đứng ngoài truyền lệnh cho thái giám:

- Các người không có vũ khí, thì vào bếp lấy dao, lấy củi ra vây lấy thích khách.

Nói dứt Long-Xưởng lấy thanh Thượng-phương bảo kiếm của phụ hoàng nhảy vào vòng chiến.

Vừa lúc đó có, tiếng viên thái giám phòng kính sự hô lớn:

- Thánh giá thái-hậu giá lâm!

Nhà vua, Long-Xưởng vội hành lễ.

Mặt Cảm-Thánh thái-hậu lạnh như tiền:

- Các người bình thân.

Phía sau bà có hai thái giám, một mập, một gầy; hai cung nữ giống nhau như hai giọt nước. Thấy năm người không hành lễ với nhà vua, hoàng hậu; thái-tử chất vấn:

- Các người tên là gì? Nhập cung từ bao giờ? Các người có biết đây là đâu không, mà vô lễ đến như vậy?

Mặt bọn chúng lạnh như tiền, tất cả đều cười nhạt, tỏ ý khinh rẻ.

Thái-hậu nhìn hoàng-hậu giao chiến với thích khách bất phân thắng bại, bà hất hàm cho viên thái giám gầy:

- Thằng Ba vô dụng quá. Thằng Hai ra tay đi thôi.

Thằng Hai dạ một tiếng rồi chắp tay lại như lễ Phật, rồi xỉa vào giữa hoàng hậu với thích khách. Bùng một tiếng, cả hoàng hậu, lẫn thích khách cùng bật lui lại ba bước mới đứng vững. Thích khách cười nhạt rồi khoanh tay lại đứng sau thái-hậu, thái độ ung dung coi khinh mọi sự.

Cử chỉ của thằng Hai, thằng Ba khiến cho nhà vua, hoàng-hậu, thái-tử biết rằng chúng là người của thái-hậu sai tới.

Thái-hậu quắc mắt nhìn Long-Xưởng, rồi vung tay tát nó một cái. Long-Xưởng trầm người xuống tránh khỏi.

Một cung nữ, bật lên tiếng ủa, rồi nói:

- Đây là thân pháp Mê-linh.

Thái hậu lại vung tay túm tóc Long-Xưởng. Long-Xưởng thụp người xuống, rồi lộn một vòng, y đã tránh được thế chụp của thái-hậu.

Cung nữ lại lên tiếng:

- Cũng vẫn là thân pháp Mê-linh.

Thái-hậu quát:

- Mi...Mi có đứng im không?

- Tâu tổ mẫu, thần nhi không có tội gì!

Thái-hậu hất hàm ra lệnh:

- Thằng Ba, kiềm chế nó.

Tên thích khách cúi đầu:

- Tuân chỉ thái-hậu!

Thấp thoáng một cái, y đã lạng người tới cạnh Long-Xưởng. Tay phải vung ra, y túm cổ áo Long-Xưởng, nhắc bổng lên ; tay trái điểm huyệt nó, đem đến trước mặt Thái-hậu, rồi ném xuống nền cung.

Nhà vua, hoàng-hậu cùng quỳ gối:

- Xin mẫu hậu mở từ tâm tha tội cho Xưởng nhi.

Thái-hậu ngồi xuống chiếc long-ỷ, tuyên chiếu:

- Các người bình thân.

Thình lình hai bàn tay hoàng-hậu lạnh ngắt, xám đen, sưng lớn, rồi đau đớn khủng khiếp. Hậu nghiến răng để khỏi bật thành tiếng rên la.

Thái-hậu chỉ vào mặt Long-Xưởng hỏi hoàng-hậu:

- Ta hỏi các người: Trước đây ta đã ban chỉ cấm ngặt các hoàng tử, công chúa, cung nga, thái giám tập võ; lại cũng cấm tuyển nữ quan, cung nga, thái giám biết võ. Vậy thằng này đã học võ với ai? Học ở đâu

- Tâu mẫu hậu, Xưởng nhi có học mấy cái múa của một tên Phụng-quốc vệ cho thân thể mạnh khỏe mà thôi.

Mặt thái hậu càng cau có, khó coi:

- Mấy cái múa! Rõ ràng võ công của nó là võ công Mê-linh. Ta hỏi mi, thằng Phụng-quốc vệ đó tên gì, ở hỏa đầu nào?

Ghi chú của thuật giả:

Hỏa đầu là một đơn vị thuộc Phụng-quốc vệ, do Đỗ Anh-Vũ đặt ra, tương đương với ngày nay là tiểu đoàn.

Hoàng hậu luống cuống:

- Tâu...Tâu...

Long-Xưởng bình tĩnh trả lời:

- Tâu, hài nhi học với mẫu hậu. Mẫu hậu là đệ tử phái Mê-linh, nên võ công của hài nhi là võ công Mê-linh, thì có chi lạ?

Thái-hậu chỉ mặt hoàng-hậu:

- À, thì ra thế, mi là đệ tử phái Mê-linh đấy. Giỏi! Mi nhập cung kể đã mười năm dư, ta là chúa Hoàng-thành, trong Hoàng-thành có một đại hành gia mai phục, mà ta không biết gì! Kể ra bản lĩnh che dấu của mi cũng cao siêu đấy chứ! Ta có lời khen mi. Quân này to gan thực!

Long-Xưởng biện luận:

- Tâu thái hậu, Mê-linh là một danh môn chính phái. Thời Thuận-thiên vua bà Bình-Dương từng làm chưởng môn, rồi Linh-Nhân hoàng thái hậu cũng là đệ tử của phái này. Mẫu hậu có học võ công Mê-linh, thì thái hậu phải vui mừng mới phải chứ? Có đâu lại coi như một trọng tội?

Thái hậu vung tay tát Long-Xưởng một cái, rồi chỉ tay vào hoàng-hậu:

- Câm cái mõm lại. Mi còn mở miệng ra, thì lập tức ta phế cái ngôi vị hoàng-hậu của con mẹ mi, dĩ nhiên mẹ bị phế thì con bị truất. Ta sẽ lập hoàng-hậu, thái-tử mới. Mi có hiểu không?

Bà quay lại nói với nhà vua:

- Còn hoàng nhi! Hôm nay, người cho đọc bản án của Côi-sơn song ưng lên giữa triều đình để làm nhục ta, làm nhục thái sư. Mi làm nhục ta thì còn có thể tha thứ được, chứ mi làm nhục thái sư thì không thể tha thứ cho mi.

Bà bật lên tiếng khóc, chỉ vào hoàng-hậu:

- Từ sáng đến giờ, ta cứ thắc mắc mãi rằng: Cái vụ Song-ưng giết cả nhà thái sư, mà tại sao mi lại biết trước ta? Ngay cái việc mi mật tổ chức đội thị vệ, do ai giúp mi; chứ cái mã như mi, thì không thể làm được. Bây giờ ta mới biết là do con này!

Từ khi lên ngôi, nhà vua bị mẹ lấn quyền, áp chế đã lâu. Mỗi khi bà mắng, chửi, không cần biết có lỗi hay không; bà bắt nhà vua phải cúi đầu, ngậm miệng, không được biện luận. Riết rồi thành quen. Bây giờ bị bà kết tội, ngài chỉ biết im lặng chịu trận.

Bà hô lớn:

- Đem chúng ra!

Một đội võ sĩ giải 18 người bị trói từ phía sau cung đi ra. Thoáng nhìn, hoàng-hậu phát run, bởi đó là 18 võ sĩ của phái Mê-linh gửi giúp hậu, bấy lâu nay tiềm ẩn ở trong cung. Vừa rồi chính đội này đã giúp hậu bắt hết gian đảng của Anh-Vũ tại triều. Không hiểu bằng cách nào, bà đã chuyển bại thành thắng, bắt trọn đám này.

Thái-hậu nói với nhà vua:

- Mi tưởng với mấy thế võ mèo cào của con vợ mi, với mấy cái bị thịt, nó đem vào trong cung, mà có thể khống chế được ta ư? Khó lắm.

Đến đây hoàng-hậu đau đớn quá, bà cúi gập người lại, bật lên tiếng rên :

- Ái! Đau. Ái...

Bọn thằng Cả, thằng Hai, thằng Ba, và hai cung nữ theo hầu thái-hậu nhếch một nụ cười nửa miệng, tỏ vẻ khoan khoái.

Thái-hậu cười nhạt :

- Mi đã luyện võ, hẳn mi biết rằng tại sao mi đau đớn như vậy chứ ?

- Ái! Tâu... Tâu dường như là Huyền-âm chưởng.

- Đúng vậy.

Nhà vua với hoàng-hậu phát run. Thái-hậu gằn từng tiếng :

- Chỉ vì ta khinh thường hai đứa mi, mà mi thành công trong chốc lát sáng nay. Nhưng ta chỉ việc trở bàn tay một cái là mọi sự lại đâu vào đó. Ta đã ban chỉ cho Phí Công-Tín đem quân trở về Kinh Bắc rồi. Ta lại thả tất cả các quan bị bắt hôm nay, và ban chỉ rằng tự hậu họ không thống thuộc cái gọi là triều đình của mi nữa, mà trực thuộc cung Cảm-Thánh của ta. Mi hiểu không?

- Dạ.

- Việc thái sư qua đời rồi ta bỏ qua. Bây giờ ta cho mi chọn một trong hai con đường.

- Xin mẫu hậu tuyên chỉ.

- Con đường thứ nhất, mi phải tuân theo ba điều. Một là, kể từ nay, mọi sự trong Hoàng-thành này, hoàn toàn do ta làm chủ. Tuyệt đối mi với hoàng-hậu không được xen vào. Hai là, mi phải ban chỉ thu nhặt hài cốt thái sư với gia đình đem chôn cất tử tế; lại tuyệt đối không cho bất cứ hoàng tử, công chúa, cung nga, thái giám luyện tập võ nghệ. Ba là, những gì ta làm cho ích quốc, lợi dân, triều đình phải tuân theo, không được chống đối.

Bà chỉ tay vào mặt hoàng-hậu :

- Nếu mi tuân thì ta sẽ cho nó thuốc giải. Bằng không, nó sẽ đau đớn cùng cực trong 49 ngày rồi chết.

Thấy nhà vua còn trì nghi, thái hậu nổi giận chỉ vào hoàng-hậu với Long-Xưởng:

- Con đường thứ nhì là, nếu như mi không tuân, thì ta sẽ ban chỉ phế mi xuống, lập một người khác lên thay. Mi tưởng trong thế gian này, chỉ mình mi làm vua được sao? Dĩ nhiên khi mi bị phế, thì ta cũng phế y thị xuống làm cung nữ, rồi cũng phế thằng nhóc con xuống. Mi biết đấy, đất không hai mặt trời, nước không hai vua... Sau đó cái gì sẽ xẩy ra thì bọn mi tự đoán lấy!

Nhà vua đành cúi đầu:

- Thần nhi xin tuân chỉ mẫu hậu.

Thái-hậu đứng dậy hô:

- Ta đi thôi.

Ba thái giám, hai cung nữ nhìn nhà vua, hoàng-hậu; cười nhạt, rồi theo thái-hậu rời cung Chiêu-Linh.

Ngày đăng: 22/08/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?