Hồi 1
Từ rừng núi miền Đông Hoa-kỳ xa xôi...
Nói về tổ tiên anh hùng
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
Nhìn người trẻ hôm nay, mà hy vọng ngày mai.
Câu chuyện bắt đầu vào lúc hoàng hôn ngày 31 tháng 8 năm 1996, tại một căn nhà bằng gỗ nằm trong rừng, ngoại ô thành phố Louisville, tiểu bang Tennesse, Đông-Nam Hoa-kỳ. Căn nhà này là một trong hơn trăm trại được dùng làm trại hè Về-nguồn, mang tên thánh Gióng tức Phù-Đổng thiên vương. Đây là khu rừng, mà người ta đã khử cỏ độc, làm đường đi, dựng trại bằng gỗ thô sơ; lại bắt điện, ống dẫn nước, hơi đốt, điện thoại... để cho những người thích sống với thiên nhiên, có nơi nghỉ ngơi.
Ngồi xung quanh tôi, gồm mười tám người, lớn nhất ba mươi mốt tuổi, nhỏ nhất mười bảy tuổi. Họ là một nhóm nhỏ trong số 450 người trẻ Việt, từ 11 tiểu bang tụ về. Có người gọi tôi là thầy, có người gọi tôi là bác. Trong gần năm trăm người trẻ ấy, hầu như họ đều là tinh hoa của tộc Việt trên đất Hoa-kỳ. Trình độ cao nhất Ph.D, bác sĩ y khoa, dược sĩ, trình độ thấp nhất là năm cuối cùng bậc trung học. Dưới con mắt tôi, tương lai, một số trong những người này sẽ là tinh hoa của Hoa-kỳ, và biết đâu lại có những tinh hoa nhân loại? Chỉ gặp nhau có mấy ngày, mà tình yêu giữa tôi và họ nảy sinh. Nói truyện với họ, tôi không phải giữ gìn, ý tứ. Họ nói với tôi như nói với cha, với anh. Tôi yêu họ như đức Thích-Ca, như chúa Giê-su, như Khổng-tử yêu đệ tử. Họ kính tôi như người trên trong gia tộc. Giữa chúng tôi : Người lớn tuổi muốn đem tất cả hiểu biết của mình cho người trẻ. Người trẻ muốn tìm ở người đi trước những gì mình chưa có hay không có.
Những người trẻ ấy : Họ tuy sinh ở đất Việt, hưởng thụ văn hóa Việt, nói tiếng Việt; nhưng hoàn cảnh đưa họ vào một cuộc sống mới, nói một ngôn ngữ mới, hưởng một nền giáo dục mới, hành động trong một văn hóa mới. Họ tụ hội nhau bốn ngày, để nối thâm tình trong nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên; để tìm hiểu thêm về nguồn gốc mình: để biết thêm về năm ngàn năm văn hóa của tộc Việt.
Tôi là người khách duy nhất đến từ Paris. Khác với họ, tôi đã trải qua tất cả những thăng trầm lịch sử tộc Việt trong năm mươi năm dài mà đất nước rung động. Qua mấy chục năm nghiên cứu lịch sử, tôi ngẫm ra rằng, tinh hoa của các vĩ nhân Việt hầu như đều phát tiết từ thời còn trẻ; tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước đều biểu hiện ra rất sớm. Tôi nhìn những người trẻ xung quanh tôi với những hy vọng...ước vọng...Tất cả các trại viên đều lễ độ với người lớn, dĩ nhiên với tôi. Họ gọi tôi bằng bác, hoặc bằng thầy.
Một người hỏi tôi:
- Thưa thầy, tại sao thầy lại dùng danh từ Tiêu-sơn để chỉ triều Lý, và danh từ Đông-a để chỉ triều Trần?
- Huyền sử nói rằng, nhờ ngôi mộ ông thân sinh ra vua Lý Thái-tổ táng vào thế đất linh ở núi Tiêu-sơn, mà họ Lý làm vua trong hơn hai trăm năm. Vì vậy các văn gia thường dùng chữ Tiêu-sơn để chỉ triều Lý, để chỉ thời gian họ Lý làm vua. Cũng tương tự, người ta dùng chữ Đông-a để chỉ triều Trần, thời gian họ Trần làm vua; vì trong Hán-tự, đông với chữ a ghép lại thành chữ Trần.
Một người khác hỏi tôi:
- Cháu đã đọc bộ Nam-quốc sơn-hà của bác, thuật chiến công hiển hách nhất của tộc Việt; ban nãy bác nói rằng, sau giai đoạn cực thịnh này, thì triều Lý sẽ tàn và triều Trần bắt đầu. Thưa bác, ai đã làm cho triều Lý suy tàn, và suy tàn từ bao giờ?
Tôi nhắm mắt lại để nhớ những gì đã đọc, rồi khoan thai kể ...
oOo
Trời trấn Thiên-trường, vào tiết tháng chạp, đang mưa phùn, gió bấc, lạnh buốt, cái lạnh xé da, cắt thịt; tự nhiên mây quang, mưa tạnh, nắng chói chang, ấm áp. Dân chúng đổ xô ra đường, người người chen nhau; xe, ngựa tấp nập, để sắm tết.
Từ trong một trang trại lớn, ba người đàn ông, một già, hai trung niên khoan thai rảo bước, ngắm nhìn dân chúng. Mỗi người dân gặp ba người đều cung cung, kính kính chắp tay chào:
- Kính chào Trần lão, nhị thiếu tiên sinh.
- Thưa ba tiên sinh.
- Kính cụ ạ! Kính hai ông ạ.
Ba người cứ phải luôn luôn đáp lễ. Có người ba vị chỉ chào lại rồi đi. Cũng có người, ba vị hỏi thăm đôi điều:
- Thế nào cụ lễ Ôn, vụ mùa năm nay mấy mẫu nếp của cụ trúng to. Cụ vui lòng chứ?
- Đa tạ Trần lão tiên sinh. Nhờ lão tiên sinh cho mượn không mười công trâu cùng cho tiền mua mấy chục gánh phân, nên mới trúng mùa, mà trong nhà tôi có đồng ra đồng vào.
- Ông hương Hoạt, nghe nói mấy trăm chậu quất của ông năm nay đều kết trái sai lắm phải không? Tết đến nơi rồi, đã bán hết chưa?
- Đa tạ Trần nhị tiên sinh. Nhờ Trần nhị phu nhân dạy cho cách tỉa cành, bón phân, mà năm nay tôi được mùa quất.
Đó là ba cha con. Người cha tên Tự-Kinh, chưởng môn nhân phái Đông-a, một phái võ người đông, thế mạnh bậc nhất Đaị-Việt. Năm nay, ông đã đi vào tuổi bẩy mươi nhưng nhờ nhiều đời tiền nhân luyện tập võ nghệ nên ông vẫn còn khỏe mạnh như thời trai tráng, tinh thần linh mẫn. Hai người con của ông, một người tên Trần Tự-Hấp, một người tên Trần Tự-Duy, cả hai tuổi xấp xỉ ba mươi. Tự-Hấp, Tự-Duy đều thành hôn với sư muội đồng môn.
Tự-Hấp cùng vợ tên Anh-Hoa, là sư huynh sư đệ đồng môn; thường hành hiệp giúp đời, nay đây, mai đó, ít khi có nhà. Còn Tự-Duy với vợ là Lưu Kim-Huệ thì ở nhà giúp đỡ cha điều hành môn phái, phụng dưỡng song thân. Nay nhân cuối năm, Tự-Hấp cùng vợ được thư cha gọi về quê khẩn cấp để ăn tết, và họp môn phái, quyết định một việc tối quan trọng. Nơi họp, như thường lệ, là chiếc du thuyền của môn phái đậu trên bến Vỵ-hoàng.
Cũng như các buổi họp khác, môn phái bao giờ cũng giữ bí mật, chư đệ tử âm thầm từ các nơi tề tựu tại du thuyền trước, rồi cha con Tự-Kinh rủ nhau xuống sau, giả đi một vòng phạm vi của môn phái, thăm dân cho biết sự tình.
Nguyên sáng tổ của phái Đông-a xuất thân là một chú bé thợ săn mồ côi ở núi Tiêu-sơn, thuộc lộ Kinh-Bắc tên Trần Tự-Viễn. Chú thợ săn mồ côi ấy, vô tình học được Thiền-công chính tông từ ngài Pháp-Hiền rồi nhân bắt chước những thế vồ của hổ, mà chế ra hổ quyền; nhân xem chim ưng bắt rắn, rắn chống lại, mà chế ra Ưng-xà quyền... cùng các chiêu thức, mà trở thành tổ sư của ngoại công phái Tiêu-sơn. Sau đó, ông di về Thiên-trường lập ra phái Đông-a. Vì vậy võ lâm Đại-Việt mới nói: Nội công phái Đông-a xuất ra từ phái Tiêu-sơn, ngọai công phái Tiêu-sơn phát ra từ phái Đông-a. Trong suốt bao nhiêu năm, phái Đông-a bao giờ cũng phải nhường bước cho phái Tiêu-sơn, là nơi phát xuất của vua Lê Đại-hành, vua Lý Thái-tổ. Trải 700 năm, đến đầu thời Lý (1010 - 1077) thì trong phái nảy ra một thiên tài võ học lỗi lạc là Trần Tự-An; ông đã đào tạo ra những đại cao thủ làm lên sự nghiệp kinh thiên động địa như: Thiên-trường ngũ kiệt; Côi-sơn tam anh; Khai-quốc Minh-từ, Anh-văn, Linh-cảm quốc mẫu Thanh-Mai; Mộc-tồn vọng thê hòa thượng Thông-Mai; Kinh-Nam vương Tự-Mai. Từ đấy phái Đông-a trở thành Thái-sơn Bắc-đẩu Lĩnh-Nam cho đến nay.
Kể từ sau cuộc kháng Tống, mỗi khi bổ nhiệm quan lại trong khu vực Nam Thăng-long, cho tới cố đô Trường-yên, bao giờ triều đình cũng cử những đệ tử của phái Đông-a. Trong vùng này, phái Đông-a tổ chức cai trị dân chúng như một quốc gia riêng: Thuế nhẹ, không có nạn cường hào, không có tệ tham quan, khuyến khích nông tang, mở mang trường học. Vì vậy, dân chúng các nơi tụ về ngày càng đông, hóa cho nên trải 80 năm, phạm vi ảnh hưởng của phái này cực rộng.
Tới bờ sông, ba cha con xuống du thuyền lớn đang đậu ở đó, trên mũi thuyền có chữ Đông-a thực lớn. Nhìn cột buồm treo lá cờ thêu hình con chim ưng xòe cánh bay giữa đám mây, Tự-Hấp nói với em:
- Này chú hai, vùng Thiên-trường này nhờ thế lực của phái Đông-a nhà mình, mà có an ninh, quan lại không dám nhũng lạm, cho nên dân chúng sung túc, ấm no. Chứ các vùng khác thì dân khổ cơ hồ muốn sống không nổi, muốn chết cũng không xong. Nào quan lại tham ô, nào cường hào áp chế, nào trộm cướp như rươi. Bởi vậy có nhiều thuyền buôn họ cũng thêu cờ có hình chim ưng của nhà mình, rồi kéo lên để dọa bọn trộm cướp.
Tự-Duy hỏi:
- Thế họ có bị chúng khám phá ra không?
- Hồi đầu chúng tưởng thực, mỗi khi chúng thấy kỳ hiệu của mình thì tránh xa. Nhưng vì có những người mạo danh vụng về, để cho một vài bọn cướp biết, chúng chém giết tàn nhẫn vô cùng. Chính vì vậy, có lần anh đi trên thuyền, cho kéo kỳ hiệu lên, chúng tưởng rằng giả, chúng định đánh cướp.
Tự-Duy bật cười:
- Vậy anh chị có giết chúng không?
- Khi thấy chúng hối lỗi van xin, anh tha cho chúng. Nhưng chị đánh cho mỗi tên một chiêu Bức mạch, rồi hẹn chúng phải mua hai nghìn đấu gạo phát cho người nghèo, bấy giờ chị mới giải Bức mạch nội lực cho.
Ba cha con xuống thuyền. Đây là một con thuyền lớn, thời bấy giờ gọi là thuyền đinh.
Thuyền đinh thới Lý thường dài khoảng bốn trượng đến mười trượng (8 m tới 20 m) Thuyền có ba tầng, tầng thấp nhất là đáy thuyền, chia làm nhiều khoang, các khoang ngăn cách nhau bằng những vách gỗ kiên cố, mục đích để lỡ thuyền bị thủng, nước chỉ tràn vào ngăn vỡ mà thôi. Mỗi khoang đều có cửa sổ để tát nước. Những khoang này dùng để chứa các chum (lu) đựng nước ngọt khi vượt biển, hoặc lương thực, than, củi đun. Tầng giữa chia làm hai ba phòng khác nhau, đây là nơi sinh hoạt chính của người đi thuyền. Tầng trên cùng, thực ra chỉ là cái chòi cho thuyền trưởng, tài công lái thuyền. Thuyền có nhiều phu chèo. Phu chèo ngồi trên sàn. Nhưng đa số những di chuyển của thuyền đều dùng sức gió đẩy vào buồm.
Con thuyền đinh của chưởng môn nhân phái Đông-a thì không dùng thuyền phu, đầu bếp, tài công, tỳ nữ là người ngoài. Tất cả các công việc trên du thuyền này đều là đệ tử trong môn phái đảm trách.
Viên thuyền trưởng tên Tô Trung-Sách tuổi còn trẻ, y mở cửa thuyền cúi rạp người xuống:
- Xin kính thỉnh sư phụ, nhị vị sư huynh.
Tự-Hấp vỗ vai y:
- Tô tiểu sư đệ, hồi này dung quang chú khác thường quá. Anh thực là đoảng, năm trước chú cưới vợ đúng lúc anh đang ở Trung-nguyên, thành ra không dự được. Hôm nay anh phải uống với chú mười chung để chuộc lỗi.
- Đa tạ sư huynh. Năm trước tuy sư huynh không về, nhưng sư tỷ cũng gửi cho đệ đôi vòng bích ngọc. Vợ đệ thích lắm.
Ba cha con theo sự hướng dẫn của Trung-Sách vào trong khoang thuyền chính. Trong khoang đã có năm nam, hai nữ ngồi đó từ bao giờ. Cả bẩy người đều đứng dậy cung tay:
- Tham kiến sư phụ.
Tự-Kinh vẫy tay:
- Các con ngồi xuống đi, miễn lễ.
Tự-Kinh có hai con trai là Tự-Hấp, Tự-Duy, và năm nam đệ tử, hai nữ đệ tử. Hai nữ đệ tử chính là vợ của Tự-Hấp, Tự-Duy.
Tự-Kinh với hai con trai, hai con dâu, năm đệ tử cùng ngồi quanh cái án thư lớn.
Trung-Sách gọi tỳ nữ đem hoa quả ra, cùng pha trà. Tự-Kinh chỉ chiếc ghế cuối bàn cho Trung-Sách:
- Con ngồi đó đi. Con tuy là đệ tử út của ta, nhưng năm nay tuổi đã trên ba mươi, thì mọi truyện trong môn phái con cũng phải tham dự để biết.
- Đa tạ sư phụ.
Tự-Kinh thấy trong khoang thuyền có năm nữ tỳ, mặt ông hơi cau lại hỏi Tự-Duy:
- Con! Hồi đầu tháng mười một, bố đã dặn con rằng : Tất cả lực điền, bộc phụ, tỳ nữ, mã phu trong trang, con cho họ về quê nghỉ ăn tết từ rằm tháng chạp, tới rằm tháng giêng. Bố cũng nhắc nhở rằng trong dịp này con vẫn phát lương cho họ đầy đủ, tặng thêm cho một tháng lương; đặc biệt cấp thêm ít tiền đi đường, cùng cho mỗi người ít đấu gạo nếp tía là sản phẩm đặc biệt của Thiên-trường. Nay sao trong thuyền này còn tới năm tỳ nữ?
- Thưa bố, năm con bé này không phải là tỳ nữ bình thường. Nguyên nhà chúng nghèo, bị bán làm tỳ thiếp cho bọn khách thương. Bọn khách thương định đem về Trung-nguyên làm kỹ nữ. May mắn thay, dọc đường gặp anh chị Tự-Hấp giải thoát rồi cho về với gia đình. Nhưng năm con bé này không dám về, sợ bọn khách thương kiện cáo với quan nha bắt bớ bố mẹ chúng. Anh chị mới gửi chúng về ẩn tại trang nhà mình. Do vậy tuy tết đến, chúng nhớ nhà nhưng cũng không dám về.
- Các con hành xử như thế thì đúng với hiệp nghĩa, nhưng không đủ đức nhân.
Anh em Tự-Hấp, Tự-Duy cùng đứng dậy cung tay:
- Chúng con xin nghe lời giáo huấn của phụ thuân.
- Này Tự-Hấp con! Tự hậu, nếu con gặp trường hợp tương tự, sau khi ra oai cho bọn khách thương rồi, thì con phải hỏi xem chúng mua người mất bao nhiêu tiền? Con bồi hoàn cho chúng, rồi đưa bọn con gái khốn nạn này về với cha mẹ. Như vậy, có phải mình vừa có cái hiệp, vừa có cái nhân không?
- Dạ, con xin ghi lời dạy dỗ của phụ thân.
Ông gọi năm tỳ nữ:
- Các con lại đây!
Năm tỳ nữ cung kính chắp tay đứng trước Tự-Kinh. Oâng chỉ vào cái ghế dài:
- Các con ngồi đó đi.
Ông ôn tồn hỏi:
- Tết đến nơi rồi, các con có nhớ nhà không?
Lập tức mắt cả năm đứa đều ênh ếch những nước như muốn khóc:
- Thưa lão gia chúng con đều nhớ nhà, nhưng muôn ngàn lần chúng con không dám về thăm cha mẹ. Vì sau khi tiểu lão gia cứu chúng con ra, bọn khách thương vu vạ rằng chúng con bỏ trốn rồi thưa lên quan. Trong khi đó thì bố mẹ chúng con lại thưa rằng chúng đem bọn con về Trung-nguyên. Cho nên quan nha đang truy lùng bọn con dữ lắm. Nếu như bây giờ bọn con trở về thăm nhà, thì bố mẹ chúng con bị lôi thôi to.
Dù là chưởng môn nhân một môn phái nức tiếng Hoa-Việt, dù từng hành hiệp trên năm mươi năm, Tự-Kinh rơm rớm nước mắt bảo vợ chồng Tự-Hấp :
- Tự-Hấp, Anh-Hoa! Bố thấy năm trẻ này khuôn mặt thanh tú, lại lâm cảnh khốn nạn. Các con nên nhận chúng làm con nuôi, rồi gắng công dạy dỗ chúng, sau đó ta kiếm chỗ gả chồng cho chúng, chẳng là điều nhân ư?
Tự-Hấp, Anh-Hoa cúi đầu:
- Chúng con xin tuân lời phụ thân.
Năm tỳ nữ nghe cha con Tự-Kinh đối thoại thì mừng chi siết kể. Bởi danh tiếng phái Đông-a cực lớn, chỉ cần được làm người dân trong trang thôi, thì một là không có nhà sẽ được cấp nhà, hai là không có ruộng sẽ được cấp ruộng, ba là không bao giờ bị cường hào ác bá ức hiếp, bốn là không bao giờ bị quan lại nhũng lạm. Bây giờ được làm con nuôi của con cả chưởng môn, bỗng chốc trở thành một đại tiểu thư, thì đến nằm mơ chúng cũng không tưởng tượng nổi.
Năm người đến trước Tự-Kinh quỳ gối lạy bốn lạy:
- Nội tổ.
Lại lạy vợ chồng Tự-Hấp:
- Nghĩa phụ, nghĩa mẫu.
Tự-Kinh vuốt tóc năm thiếu nữ:
- Các cháu ơi! Tại sao các cháu lại dùng tiếng Nội tổ, Nghĩa phụ, Nghĩa mẫu mà không dùng tiếng Ông nội, bố mẹ? Lại nữa, con thì là con, chứ không có cái việc phân chia con đẻ, con nuôi. Vậy thì cũng không còn cái gì là nghĩa phụ, nghĩa mẫu nữa.
Năm thiếu nữ hành bốn lễ với vợ chồng Tự-Duy:
- Chúng cháu ra mắt chú thím.
Anh-Hoa chỉ các sư đệ:
- Các con mau hành lễ với các sư thúc đi.
Năm thiếu nữ lại hành lễ:
- Chúng cháu ra mắt chư vị sư thúc.
Tự-Kinh vui vẻ nhìn năm đứa cháu nội mới, ông suy nghĩ một lát rồi nói:
- Bây giờ ông đặt tên cho bốn cháu. Các cháu nhớ, từ ngày hôm nay các cháu đều mang họ Trần đấy nhá.
Ông chỉ vào thiếu nữ lớn tuổi nhất:
- Dáng người cháu thanh thoát, giống như chim anh vũ, ông cho cháu mang tên Hoàng-Anh.
Ông chỉ vào thiếu nữ da trắng mịn:
- Ông đặt cho cháu tên là Bạch-Hạc.
Ông chỉ vào thiếu nữ có mái tóc đen dài óng mượt :
- Ông đặt cho cháu tên là Huyền-Mi.
Ông chỉ vào hai thiếu nữ còn lại:
- Ông thấy cháu ríu rít như con sẻ, vậy thì tên cháu là Thanh-Tước. Còn cháu, cháu nhỏ nhất, nhẹ nhàng như chim yến, da dẻ hồng hào, ông cho cháu tên là Hồng-Yến.
Trong khi cha con, ông cháu nói truyện thì con thuyền dương buồm cỡi sóng đi dọc con sông Phú-lương (Hồng-hà).
Tự-Kinh bảo Tô Trung-Sách:
- Trước khi chúng ta bàn truyện đại sự, con nên kiểm soát lại một lượt. Tường có mạch, bức vách có tai.
Trung-Sách đứng dậy đi một vòng các khoang, sàn thuyền bánh lái, rồi trở vào:
- Trình sư phụ, hoàn toàn an ninh.
Tự-Kinh đưa mắt nhìn các con, các đệ tử một lượt rồi lên tiếng:
- Nhân dịp cuối năm ta cho triệu hồi các con về đây trước là để ăn tết, hai là để kiểm điểm lại tình hình Đại-Việt ta.
Ông bảo Tự-Hấp:
- Trước hết con hãy trình bầy tình hình triều đình ra sao đã.
- Thưa bố, tình hình triều đình thực nát bét, nếu không có gì thay đổi, e chỉ mấy chục năm nữa thì đất nước này sẽ loạn to. Đại-Việt ta sẽ cứ phải cúi đầu trước Trung-nguyên và lùi bước trước Chiêm-thành.
- Con hãy tóm lược tình hình kể từ khi vua Nhân-tông băng hà đến giờ cho bố nghe.
- Sau khi ta thắng Tống, bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết dẫn tàn quân về nước; triều đình mau chóng tổ chức, kiến thiết lại đất nước (1077). Do vậy dân giầu nước mạnh. Phía Nam, Chiêm tiến cống. Phía Tây, Lão-qua tuân phục. Phía Bắc Tống phải nể sợ. Đất nước trải qua 50 năm cường thịnh. Niên hiệu Thiên-phù Khánh-thọ nguyên niên (Đinh Mùi 1127) nhà vua băng, miếu hiệu là Nhân-tông. Trước đây nhà vua không có hoàng nam, nuôi con của trai của các hầu Sùng-Hiền, Thành-Khánh, Thành-Quảng, Thành-Chiêu, Thành-Hưng làm con nuôi. Bấy giờ người con của Sùng-Hiền hầu là Dương-Hoán, do phu nhân Đỗ thị sinh ra, lên làm thái tử. Bởi Dương-Hoán thông minh, lanh lợi. Thái-tử Dương-Hoán nguyên là thánh tăng Từ Đạo-Hạnh thác sinh.
Tự-Kinh muốn cho các cháu nuôi cảm thấy là cháu thực sự, chứ không phải là tỳ nữ, ông hỏi chúng:
- Có cháu nào biết về sự tích này không?
Hồng-Yến lễ phép:
- Thưa ông cháu biết ạ.
- Cháu kể ông nghe thử?
- Nguyên thánh tăng Từ Đạo-Hạnh rất thân với Sùng-hiền hầu. Một hôm hầu than với ngài là hầu không có con trai, ngỏ ý muốn đi cầu tự. Ngài hứa giúp, rồi dặn hầu rằng: Khi nào phu nhân trở dạ thì báo cho ngài biết. Đến ngày phu nhân trở dạ, cứ đau bụng hoài mà không sinh. Hầu nhớ lời dặn, vội cho người phi ngựa báo cho ngài. Ngài bèn tắm rửa rồi vào hang núi hóa thân, xuất hồn nhập vào thai nhi. Bấy giờ phu nhân mới sinh. Xác của ngài hiện vẫn còn ở hang Thạch-thất, núi Sài-sơn.
Tự-Kinh khen:
- Cháu tôi giỏi quá. Được rồi Tự-Hấp tiếp đi.
- Đúng lúc vua Nhân-tông băng, thì bên Trung-nguyên xẩy ra biến cố: Một bộ tộc phía Bắc Trung-nguyên cường thịnh, thành lập nước Kim. Kim liên minh với Tống đánh chiếm nước Liêu. Liêu bị diệt, Kim vi ước, thuận thế tràn vào Trung-nguyên chiếm vùng đất của Liêu đã lấn của Tống trước kia đã đành, mà còn tiến quân đánh Tống. Người Kim chiếm Biện-kinh, bắt vua Huy-tông, Khâm-tông đem về Bắc. Một hoàng tử, em của Khâm-tông tên Triệu Cấu vượt sông Trường-giang, xuống Nam-kinh, họp quân tái lập triều Tống, võ lâm gọi là triều Nam Tống.
Tự-Duy hỏi:
- Bấy giờ các văn thần võ tướng Đại-Việt đâu mà không nhân dịp này chỉ cờ lên Bắc, tái chiếm lãnh thổ thời vua Hùng, vua Trưng?
- Một là, trong triều đang có tang vua Nhân-tông. Hai là, các tướng giỏi thời Anh-vũ Chiêu-thắng người thì chết, kẻ thì quá già, nên không ai bàn tới. Ba làø, vua mới lên ngôi tuổi chưa quá 12 , nên triều đình chỉ biết an phận. Nhà vua lên ngôi, bị ác tật, được Minh-Không đại sư trị khỏi, nhưng chỉ làm vua được có 11 năm thì băng hà, miếu hiệu là Thần-tông. Thái tử Thiên-Tộ, mới ba tuổi lên ngôi vua (Sau khi băng, miếu hiệu là Anh-tông). Chiêu-Hiếu thái-hoàng thái hậu là Đỗ thị (Vợ Sùng-hiền hầu, mẹ Thần-tông), Cảm-Thánh hoàng thái hậu họ Lê (vợ vua Thần-tông) làm phụ chính. Tất cả những suy đồi của triều đình bắt đầu từ hai người đàn bà này.
Thuật đến đây, Tự-Hấp thấy gương mặt phụ thân hiện ra nét buồn, ông vẫy tay cho con ngừng lại, mắt ông nhìn về cuối giòng sông. Một lát sau, ông cất tiếng trầm trầm :
- Từ trước đến nay, sư phụ với các con cùng không muốn nói đến việc ấy. Thôi, con bỏ qua đi. Người ấy bây giờ ẩn thân ở bên Trung-quốc, xa lánh mọi người. Ta chẳng nên nói tới làm gì.
- Dạ.
Các đệ tử cùng ngơ ngác nhìn nhau, tự hỏi : Không biết việc vua Thần-tông băng, đã xẩy ra việc gì, mà khiến cho sự phụ nhớ tới là buồn lòng. Còn người ấy là ai ? Có liên hệ gì với sư phụ ?
Đại đệ tử của Trần Tự-Kinh là Quách Tử-Minh hỏi:
- Sư đệ, gốc tích hai người đàn bà này ra sao?
- Chiêu-Hiếu thái hoàng thái hậu họ Đỗ, là chính phi của Sùng-Hiền hầu, sinh ra vua Thần-tông. Hồi vua Thần-tông lên ngôi, thì Sùng-Hiền hầu được tôn làm thái thượng hoàng, rồi phụ chính, vì vậy bà không thể can dự vào chính sự. Nay con bà là vua Thần-tông băng, cháu nội mới ba tuổi lên ngôi vua; con dâu bà là Cảm-Thánh hoàng thái hậu mới hai mươi tuổi, lại xuất thân trong gia đình tiểu lại, nên bà có cớ xen vào việc triều chính.
Tự-Hấp ngừng lại cho mọi người theo kịp rồi tiếp:
- Còn truyện Cảm-Thánh hoàng thái hậu thì hơi dài giòng. Nguyên khi Thần-tông lên ngôi, tuy tuổi mới mười ba, nhưng mẹ là Chiêu-Hiếu hoàng thái hậu đã tuyển cho một lúc hơn chục bà vợ ở lứa tuổi mười đến mười ba. Trong những phi tần đó , thì con gái Lê Xương xinh đẹp hơn hết, lại được lòng Chiêu-Hiếu hoàng thái hậu, nên bà muốn lập làm hoàng hậu. Nhưng triều thần phản đối, vì cha cô chỉ là một chức quan quá nhỏ. Hơn nữa Lê thị là người thất học, nói năng thô lỗ cộc cằn, không xứng với ngôi mẫu nghi thiên hạ. Vì vậy bà chỉ có thể phong cho Lê thị làm Minh-Bảo phu nhân. Bất đắc dĩ bà phải phong con gái của Điện-tiền chỉ huy sứ Lý Sơn làm Lệ-Thiên hoàng hậu. Hơn năm năm sau, Lý Sơn được thăng chức Phiêu-kỵ thượng tướng quân rồi đổi đi trấn ở Bắc-cương. Một đêm, Lệ-Thiên hoàng hậu không bệnh mà băng, bấy giờ bà mới mười sáu tuổi. Ngự y nói rằng, bà bị cảm mạo mà qua đời. Nhưng ngõ-tác khâm liệm hậu thì biết rằng bà bị đánh một Huyền-âm chưởng vào đầu. Sau khi Lệ-Thiên hoàng hậu băng, thì Minh-Bảo phu nhân được phong làm Cảm-Thánh hoàng hậu.
Tự-Kinh hỏi:
- Có chắc là Huyền-âm chưởng không ? Ta tưởng từ khi Trường-bạch song hùng chết rồi, thì chưởng này bị tuyệt tích, mà nay lại thấy xuất hiện ở Hoàng-thành ! Kể cũng lạ.
Anh-Hoa khẳng định :
- Thưa bố, chính mắt con đã được thấy di thể Hoàng-hậu. Thân thể bà chương phình lên, da xám đen, người lạnh như băng.
- Các con nghĩ sao?
Đệ nhị đệ tử của Tự-Kinh tên Vũ Tử-Mẫn là người uyên thâm Nho học, mưu trí trùm hoàn vũ, ông ứng lời sư phụ:
- Huyền-âm chưởng nguyên là võ công của phái Trường-bạch bên Trung-nguyên. Kể từ khi Trường-bạch song hùng bị Phò-mã Thân Thiệu-Thái đánh bại, tổ phụ xin phò mã tha mạng sống cho họ, rồi giam lỏng trong trang Thiên-trường nhà ta. Cho đến khi hai ông qua đời, con thì còn thơ, đệ tử thì không có. Sao chưởng này lại có thể lưu truyền được? Việc này ta phải điều tra cho ra manh mối, bằng không, thì phái Đông-a nhà ta mang tiếng không ít.
Mọi người đều gật đầu đồng ý. Vũ Tử-Mẫn tiếp :
- Theo đệ tử nghĩ, Lệ-Thiên hoàng hậu bị ám toán, do việc tranh quyền trong nội cung họ Lý. Đây là việc của triều đình, mà từ thái-hậu cho tới nhà vua đều nhắm mắt bỏ qua, thì mình cũng không nên can thiệp vào. Muốn tìm ra thủ phạm, thì ta chỉ việc đặt câu hỏi: Lệ-Thiên băng thì ai được hưởng lợi là biết ngay.
Tự-Kinh gật đầu tỏ ý công nhận Tử-Mẫn có lý. Ông nhắc con:
- Tự-Hấp tiếp đi.
- Lý Sơn nghe tin con gái bị ám toán, ông từ Bắc-cương về triều xin điều tra nội vụ. Thái-hoàng thái hậu triệu ông vào cung ban yến, an ủi. Nhưng ngay đêm đó trở về, ông mửa ra máu mà chết, người nhà cáo với triều đình rằng ông bị đầu độc.
Tự-Kinh lắc đầu:
- Quá lắm rồi, con tiếp đi.
- Thái-tử Thiên-Tộ lên ngôi vua, lấy hiệu là Đại-Định (sau là vua Anh-tông), phong cho em trai của Chiêu-Hiếu thái-hoàng thái-hậu tên Đỗ Anh-Vũ làm Cung-điện lệnh tri nội ngoại sự. Thế là triều đình có ông vua còn bế ngửa ngồi trên, hai bà thái hậu cầm quyền ở trong, và một ngoại thích ở ngoài chuyên quyền.
Tự-Kinh hỏi :
- Đỗ Anh-Vũ xuất thân từ đâu ?
- Y là ngoại đồ của phái Tiêu-sơn. Sư phụ của là Khánh-Hỷ đại sư, thủ tọa Vạn-Hạnh đường.
Đệ tam đệ tử cua Tự-Kinh là Cao Tử-Đức hỏi:
- Sư huynh, đệ đã đọc tất cả thư tịch về quan chế Đại-Việt cũng như Trung-nguyên, chưa từng nghe nói đến chức Cung-điện lệnh tri nội ngoại sự bao giờ cả. Chức này là chức văn hay võ? Cao hay thấp hơn thượng thư?
- Đấy, mối loạn từ cái chức này sinh ra. Nguyên Đỗ thái hoàng thái hậu muốn thu trọn quyền, bà cần có một người nắm cả văn lẫn võ thân tín ở bên cạnh. Chức này phải cao hơn tể tướng, trong khi Anh-Vũ chức quá nhỏ, không thể phong cho y được. Vì vậy bà mới nặn ra cái chức quái gở là Tri nội ngoại sự, tức được quyền can thiệp cả trong nội cung lẫn triều đình. Từ đấy mọi quyền hành, đều do Anh-Vũ ban phát cả, hóa cho nên, dưỡng tử của vua Nhân-tông là Thân Lợi mới nổi loạn. Bốn trong mười hai hiệu Thiên-tử binh theo Thân Lợi, nội chiến trong hai năm thì Thân Lợi bị diệt. Sau cuộc nội chiến, bốn hiệu binh theo Thân Lợi tan rã, tám hiệu khác theo triều đình bị hao hụt quá nửa. Anh-Vũ cho giải tán Thiên-tử binh, y tuyển mấy nghìn cấm binh gọi là Phụng-quốc vệ để giữ kinh thành mà thôi.
Cử tọa đều lắc đầu, tỏ vẻ lo lắng.
Tự-Kinh than:
- Mười hiệu Thiên-tử binh là mườùi đạo binh được Khai-Quốc vương cùng các anh hùng thời vua Thái-tông, Thánh-tông bỏ ra biết bao nhiêu tâm huyết tổ chức, huấn luyện; từng bình Chiêm, phạt Tống, bao năm qua... phút chốc do hai mụ đàn bà thất học mà tan rã. Ôi! Thưc đau đớn thay. Con tiếp đi.
- Niên hiệu Đại-định thứ tám (Đinh Mão, 1147), nhà vua đã 12 tuổi, nhân cơ thể suy nhược, quan thái y tâu thái-hoàng thái hậu cho nhà vua tập võ, hầu thân thể khỏe mạnh. Thái-hoàng thái hậu cử một hoàng thúc tên Lý Long-Vũ dạy nhà vua. Nhà vua luyện võ được sáu tháng thì nổ ra vụ Anh-Vũ tư thông với Cảm-Thánh Lê thái hậu. Nhà vua ra lệnh bắt Anh-Vũ đem chém, nhưng võ sĩ không ai tuân chỉ, vì chúng đều là chân tay y. Nhà vua hô Long-Vũ bắt y. Long-Vũ phải đánh tới hơn tám mươi chiêu mới hạ được y. Y chạy thoát sang ẩn ở cung Quảng-từ của thái-hoàng thái hậu. Thái-hoàng thái hậu ban chỉ triệu nhà vua với Long-Vũ vào cung Quang-từ, an ủi rằng : Cái vụ y tư thông với Lê thái hậu là do người ta bịa đặt, rồi xin nhà vua tha cho Anh-Vũ. Nhưng ngay ngày hôm sau, Anh-Vũ giả chiếu chỉ vua, sai cấm binh giết cả nhà Long-Vũ. Từ đấy thái-hoàng thái-hậu ban chỉ cấm không cho các hoàng tử, công chúa, cung nga tập võ. Lại có chỉ rằng, tự hậu khi tuyển thái giám, cung nga, thì những người biết võ không được dự. Tháng mười một năm ấy, thái hoàng thái hậu bắt quả tang Anh-Vũ tư thông với Cảm-Thánh Lê thái hậu. Ngay đêm đó, thái-hoàng thái hậu băng, Anh-Vũ cáo với triều đình rằng bà bị cảm mạo mà qua đời. Nhưng thực ra bà bị đánh một Huyền-âm chưởng.
Tô Trung-Sách hỏi:
- Như vậy thì chính Đỗ Anh-Vũ đã giết chị mình rồi! Cái người xử dụng Huyền-âm chưởng hẳn có liên hệ với Anh-Vũ. Tội giết thái-hoàng thái-hậu thực không nhỏ, thế các quan đâu mà không chặt đầu y đi cho rồi. Không lẽ họ đều cúi đầu chịu câm nín ư?
- Các quan đều sợ uy quyền của Anh-Vũ nên đành ngậm miệng. Chỉ có người ấy là dám lên tiếng mà thôi. Người ấy dự định giết Anh-Vũ, mà không muốn chạm tới Cảm-Thánh thái hậu. Người ấy cho rằng dù sao Cảm-Thánh thái hậu cũng là người của tiên đế, và là mẫu nghi thiên hạ. Anh-Vũ được tin này, y cầu cứu với Cảm-Thánh thái hậu. Cảm-Thánh thái hậu sai người phục kích định hại người ấy. Giữa lúc người ấy gặp nguy nan, thì phụ thân dẫn tôi với Tự-Duy đi qua. Người hiển lộ bản lãnh, cứu người ấy thoát chết. Người ấy bỏ hết mội sự, đem tông tộc sang Trung-nguyên ẩn thân. Sau đó ba năm, Anh-Vũ chuyên quyền quá đáng, nên các quan mới họp nhau, mưu trừ y. Niên hiệu Đại-định thứ mười một (Canh Ngọ, 1150) các quan tổ chức cuộc binh biến giết Anh-Vũ, nhưng bất thành.
Tự-Duy lắc đầu:
- Tổ chức binh biến làm gì? Chỉ cần khi vào triều, một người nào đó thí cho y một mũi kiếm là xong. Em chắc cuộc binh biến không thành.
- Đúng thế! Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái, hỏa-đầu đô Quảng-vũ là Lương Thượng-Cá, hỏa-đầu đô Ngọc-giai là Đồng-Lợi, nội-thị đô-tri là Đỗ Aát; mưu với Trí-Minh vương Lý Long-Dũng, Bảo-Minh hầu Lý Long-Can, Bảo-Thắng hầu Lý Long-Hiền, phò mã Dương Tự-Minh. Ước định xong xuôi, Vũ Đái đem quân đến cửa Việt-thành, đánh đuổi bọn cấm quân của Anh-Vũ, giải vây cho nhà vua, rồi tâu hết tội trạng Anh-Vũ. Nhà vua ban chỉ bắt Anh-Vũ. Anh-Vũ bị bắt trói ở hành lang tả Hưng-thánh, giao cho quan đình-úy tra xét. Cảm-Thánh thái hậu sai người đem vàng bạc đút lót cho Vũ Đái, Đàm Dĩ-Mông, Nguyễn Dương. Nguyễn Dương thấy các đồng liêu nhận vàng thì kinh hãi nói rằng : « Các ông với tôi mưu trừ kẻ ác, mà các ông ăn hối lộ, e rằng chúng ta không thoát khỏi tay Anh-Vũ với dâm phụ đâu; chi bằng ta cứ tùng quyền giết y đi cho rồi », nói dứt cầm giáo đâm Anh Vũ.
Đệ ngũ đệ tử của Tự-Kinh là Trần Tử-Giác lắc đầu:
- Không xong rồi. Khi mọi người đều ăn của đút thì họ sẽ cản Nguyễn Dương ngay.
- Đúng vậy!
- Đô tả Hưng-thánh là Đàm Dĩ-Mông, nhảy vào dùng kiếm gạt giáo của Dương, ngăn rằng: « Điện-tiền bảo tội Anh-Vũ đáng chết, nhưng phai đợi chỉ dụ của hoàng thượng đã ».
Thế là hai người thi diễn cuộc đấu. Võ công Mông thua Dương xa.Vũ Đái rút kiếm nhảy vào tiếp Mông. Dương biết đấu không lại hai người, như vậy đại cuộc đã hỏng rồi. Y đánh liền hai chiêu như vũ bão, rồi nhảy lui lại chỉ tay vào mặt Vũ Đái:
- Mày với tao mưu đại sự cứu nước, nhưng mày tham vàng trở mặt, rồi mày sẽ chết về tay gian phu dâm phụ. Mày nên đổi tên là Vũ Cứt cho đúng.
Nói dứt, Dương nhảy xuống giếng tự tử chết.
Vũ Tử-Mẫn lắc đầu:
- Đệ không tin Nguyễn Dương nhảy xuống giếng tự tử. Vì các giếng trong thành Thăng-long đều không sâu lắm, trong khi Nguyễn là một cựu võ quan thủy quân, làm sao y có thể chết đuối? Có lẽ y bị giết thì đúng hơn. Xin sư huynh tiếp cho.
- Nhà vua sai giam Anh-Vũ lại, rồi đem ra xét xử. Đêm hôm ấy, thái hậu khóc lóc với nhà vua, hôm sau nhà vua cử ra mấy đại thần thuộc phe đảng Anh-Vũ để xét xử y. Y chỉ bị cách hết chức tước, bắt đi làm ruộng công ở xã Nhật-tảo, ngoài thành Thăng-long. Tiếng là bị đầy, nhưng thái hậu mật đem y ẩn vào Hoàng-cung, để gian dâm. Y bầy mưu cho thái hậu, cứ nay lập đàn cầu phúc, mai lập đàn cầu phúc, rồi xin nhà vua ban chỉ ân xá cho người có tội một hai bậc. Vì vậy chỉ mấy tháng sau, Anh-Vũ được trở lại giữ chức Thái-úy phụ chính như xưa. Trước đây, y đã bị người dưới quyền phản, mà hút mất mạng. Bây giơ, y sai chân tay đi tuyển bọn vong mạng, bọn tử tù thành lập đội Phụng-quốc vệ bảo vệ dinh thự, vợ con, rồi đem bọn này thay thế cấm quân canh phòng Hoàng-cung. Trước kia, mỗi khi nhà vua cần ban chính lệnh thì đem ra triều nghị, rồi ban chiếu chỉ. Bây giờ y bàn với thái hậu, tự soạn chiếu chỉ rồi bảo nhà vua ký. Nhà vua chỉ biết tuân theo.
Tự-Kinh than:
- Thế thì y thành thái thượng hoàng rồi. Bây giờ y tha hồ trả thù. Còn cái ông vua thì chỉ là con chó cho y sai khiến mà thôi.
- Quả như phụ thân luận. Y ban chiếu kể tội bọn Vũ Đái tự tiện đem quân vào cung, rồi sai bắt giam vào ngục. Y lại sai đem những người đó ra xử. Trí-Minh vương bị giáng xuống tước hầu, Bảo-Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo-Thắng hầu xuống tước phụng chức. Oan uổng nhất là giòng Thành-Khánh hầu, Thành-Quảng hầu, Thành-Chiêu hầu, Thành-Hưng hầu, không can dự vào vụ này mà cũng bị giết cả nhà.
- Ủa! Sao vậy?
- Chỉ vì những vị này có con được vua Nhân-tông nhận làm nghĩa tử. Bây giờ Đỗ thái hậu sợ rằng con các vị ấy có thể được đưa lên ngôi vua. Nên bà ta ra tay trừ khử. Gia tộc các hầu Thành-Khánh, Thành-Chiêu, Thành-Hưng bị giết tổng cộng lên tới hơn hai nghìn người.
- Thế còn Thành-Quảng hầu? Tại sao ông ta không bị giết?
- Ông ấy qua đời rồi. Con Thành-Quảng hầu là Kiến Hải vương Lý Dương Côn làm Đại Đô-đốc Thủy-quân, đóng tại Đồn-sơn. Không biết sao, khi Đỗ hậu bàn với Anh-Vũ, thì một thái giám là người thân của hầu nghe được. Đang đêm, y bỏ trốn ra Đồn-sơn báo cho người biết. Người bèn cùng mấy trăm gia thuộc, lấy năm chiến thuyền, trốn đi. Cho đến nay cũng không biết hầu ẩn ở đâu... Còn bọn nội thị Đỗ At năm người bị cỡi ngựa gỗ. Hỏa đầu đô Ngọc-giai là Đồng-Lợi và tám người bộ hạ bị chém ở chợ Tây-giai. Điện-tiền đô chỉ huy Vũ Đái và hai mươi thủ hạ bị chém đầu bêu ở bên sông. Phò-mã Dương Tự-Minh và ba mươi thủ hạbị đầy lên vùng Bắc-cương . Ngoài ra còn hơn ba trăm người có dính dáng vào vụ hạ bệ Anh-Vũ năm trước, đều bị đi làm ruộng công điền ở Nhật-tảo. Vài tháng sau Anh-Vũ giả chiếu chỉ giết hết.
Thanh-Tước hỏi:
- Thưa bố, hình phạt cỡi ngựa gỗ ra sao? Bắt cỡi ngựa gỗ như con ngựa thờ ở đền Phù-đổng Thiên-vương thì có gì là đau đớn đâu?
Cử tọa cười ầm lên, làm Thanh-Tước xấu hổ. Bà Anh-Hoa bẹo má con:
- Để mẹ giảng cho con biết. Cỡi ngựa gỗ là hình phạt do Đỗ Anh-Vũ chế ra, cực kỳ tàn bạo. Tội nhân bị lột quần áo, chỉ còn cái khố, rồi dùng giây mây trói vào tấm ván theo thế nằm ngửa; lại dùng đinh đóng bàn chân, bàn tay dính vào ván.
Thấy năm đứa con gái nuôi nhăn mặt, rùng mình Tự-Hấp đưa mắt nhìn chúng, rồi mỉm cười, ngụ ý: Còn hơn thế nữa. Ông đưa mắt cho vợ, bảo giảng tiếp:
- Tội nhân bị rước đi rao khắp kinh thành cho dân chúng xem. Cuộc rao này như sau: Cho một đội hình binh đánh chiêng trống đi trước, bốn hình binh khiêng tấm ván đi theo trong thế lộn ngược, đầu xuống dưới, chân lên trên. Mỗi khi tới chỗ đông người, thì người đội trưởng cầm loa đọc bản án cho dân chúng nghe. Ngoài ra, cái đội này còn có một thằng hề, quần áo diêm dúa, mặt bôi xanh, bôi đỏ, tay xách thùng phân đi theo. Mỗi khi tội nhân đau đớn kêu gào, thì nó lại làm trò, diễu cợt cho khán giả cười. Nếu như tội nhân chửi rủa vua hay Anh-Vũ, thì thằng hề múc một gáo phân tạt vào mặt.
Anh-Hoa tiếp lời chồng:
- Không những y gian dâm với thái hậu, mà y còn cưỡng dâm các cung nga khác. Để phòng trường hợp bị ám toán bất ngờ, y ép vua ban chiếu bắt bọn hoạn quan cung nào ở cung ấy không được vào những cung khác, kẻ nào phạm thì bị giết. Bọn Phụng-quốc vệ canh giữ mà để người khác vào cung, cũng bị giết. Chiếu ban ra, các thân vương, đại thần tụ hội nhau chỉ chích dữ lắm. Thái-hậu với y kinh hãi, vội ban chiếu: Cấm bách quan trong triều không cho đi lại nhà các thân vương, trong cung không được hội họp quá ba người; ai trái lệnh thì giết.
Cử tọa bật lên tiếng thở dài.
Tự-Kinh hỏi :
- An-Vũ làm nhiều điều ác như vậy, mà sư phụ y là Khánh-Hỷ đại sư đâu, không ngăn cấm y ?
- Khánh-Hỷ đại sư viên tịch đã lâu rồi !
- Áy dà !
Tự-Kinh than :
- Ngài viên tịch trong trường hợp nào ?
- Ngài từ Tiêu-sơn về Thăng-long vân du Chiêu-thiền tự. Đang đêm bị kẻ lạ đánh trộm một Huyền-âm chưởng. Ngài đau đớn đến chết đi sống lại trong 49 ngày rồi viên tịch. Triều đình cũng như phái Tiêu-sơn phái rất nhiều người đi điều tra, mà cũng không ra manh mối.
Tự-Kinh lắc đầu :
- Thôi Anh-Hoa tiếp đi.
Anh-Hoa tiếp:
- Anh-Vũ lại sợ chính bọn Phụng-quốc vệ làm phản, y ép vua ban chiếu: Các Phụng-quốc vệ phải cất vũ khí vào kho, nếu có chiếu chỉ mới được lấy ra; ai không có lệnh mà tự tiện lấy ra thì bị xử tử. Ai không có nhiệm vụ mà qua lại hành lang chứa vũ khí thì bị phạt tám mươi trượng.
Tự-Kinh thở dài hỏi:
- Năm nay Đại-định hoàng đế tuổi đã trên hai mươi, không lẽ ông không biết nắm lấy quyền?
- Thưa, một là ông không được tập võ. Hai là ông bị bà, rồi mẹ áp đảo riết rồi ông trở thành cục bột, chỉ biết ăn với ngủ. Ba là từ vệ sĩ, cho tới thái giám, cung nga, đều là người của Anh-Vũ, nên ông ta đành bó tay.
- Ông ta đã có hoàng nam chưa?
- Thưa có rồi, hoàng trưởng tử năm nay đã bẩy tuổi, tên là Long-Xưởng, cực kỳ thông minh, được phong thái-tử. Bốn tuổi thái-tử học văn với quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, là một túc nho, lại thanh liêm, chính trực. Năm tuổi lầu thông Thi, Thư, và hiểu rõ quốc sử. Dường như quan thái-phó muốn huấn luyện cho thái-tử có chí khí như Khai-quốc vương. Tin này đến tai Anh-Vũ. Anh-Vũ sợ tương lai thái-tử trở thành người có tài; đến tuổi mười hai, mười ba được mở phủ đệ riêng, ắt sẽ quy tụ anh hùng; thì y sẽ khó sống. Vì vậy, y tâu riêng với thái-hậu. Từ đấy, mỗi khi quan thái-phó giảng sách cho thái-tử, thì thái-hậu ngồi sau màn nghe. Vì vậy thái-phó chỉ dám giảng thơ, văn mà thôi. Nhưng thái-tử cũng không vừa, thường tìm cách trốn ra nhà thái-phó để học thêm. Viêc này thái-hậu chưa biết.
Cao Tử-Đức hỏi:
- Sư huynh! Thế sinh mẫu của thái-tử là ai?
- Là Chiêu-Linh hoàng hậu. Hậu họ Vũ, con quan An-vũ kinh lược sứ Thanh-hóa. Oâng là một đại cao thủ phái Mê-linh. Hậu là người tính tình ôn nhu, văn nhã, có phong thái mẫu nghi thiên hạ; học một biết mười, văn chương quán thế, lại luyện chút ít võ nghệ với phụ thân. Khi hậu nhập cung, ông có gửi một nữ cao thủ giả làm bộc phu, với mười tám đệ tử giả làm cung nữï theo hầu hậu, đêm đêm luyện võ cho hậu. Khi hậu thấy thái-tử bị thái-hoàng thái hậu, rồi thái-hậu cấm luyện võ, hậu âm thầm truyền thụ võ nghệ cho con. Chính hậu giảng sách cho thái-tử. Có thể nói, kiến thức thái-tử hầu hết do hậu truyền cho. Trong Hoàng-cung, duy có cung Chiêu-linh là Đỗ Anh-Vũ với hai bà thái hậu kiêng nể một chút.
Tự-Kinh gõ tay lên án thư, rồi thở dài:
- Từ lâu rồi phái Đông-a nhà ta không lý gì đến việc triều đình. Nhưng nay có ba việc ta không thể nhắm mắt. Một là vụ Lý Sơn bị đánh thuốc độc,ï hoàng hậu bị ám toán. Hai vụ Lý Long-Vũ bị giết cả nhà. Ba là vụ Huyền-âm chưởng tái xuất giang hồ. Lý Sơn, Long-Vũ là cháu bốn đời Khai-Quốc vương, như vậy ông với chúng ta có tình huyết tộc, so vai vế ta phải gọi người bằng anh. Hai người lại là đệ tử duy nhất của phái Đông-a hiện làm quan tại triều. Nay hai ông với con gái bị bọn ngoại thích hại, ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Ta mà làm ngơ, thì bọn ngoại thích sẽ thừa thế lấn tới, riết rồi chúng ta không còn chỗ đứng trong thiên hạ nữa. Còn việc Huyền-âm chưởng tái xuất giang hồ, thì ta phải tích cực. Từ khi Trường-bạch song hung chết tại trang chúng ta, thì chưởng quái ác này tuyệt tích. Nay tự nhiên có người xử dụng, thì ta phải tìm cho ra ác nhân, rồi tiêu diệt chúng, để trừ đi mối lo cho võ lâm.
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đất nước này sở dĩ còn là do công lao của biết bao tiền nhân đã hy sinh xương máu, đã đổ mồ hôi ra xây dựng. Chúng ta không thể để cho điêu tàn trong sớm tối. Chúng ta là con cháu Uøng-sơn song hiệp, Mộc-tồn hòa thượng, chúng ta phải ra tay, cứu sự nghiệp của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng. Còn sự nghiệp cua triều Lý, thì để họ lo lấy. Khi đức của họ đã suy đồi, phước khí hết, dù ta có cứu cũng vô ích. Ta biết rõ Đại-định hoàng đế tuổi đã trên hai mươi, nhưng bị mẹ, cùng phe đảng Anh-Vũ khống chế mà vô lực: Phụng-quốc vệ, quân đội, thái giám, cung nữ trong tay chúng. Vậy trước mắt chúng ta có ba việc lớn phải làm. Một là, cứu vãn sự an nguy của xã tắc. Hai là, trừ gian diệt bạo. Ba là, xây dựng lại những gì đã mất. Nhưng tuyệt đối không can dự vào việc hoàng tộc triều Lý. Ta phải đi găp chưởng môn nhân Ngũ-đại môn phái Đại-Việt để bàn việc về những việc này.
- Nhưng thưa bố...
Anh-Hoa tiếp : Các phái, Mê-linh, Tản-viên đều có sự.
- Con nói ? ! ? ! ? !
- Chưởng-môn phái Mê-linh là sư thái Nghi-Hòa không rõ đi đâu mất tích, các đệ tử thì còn trẻ, thành ra ba tuyệt kỹ trấn môn là Long-biên kiếm pháp, Nội công Aâm-nhu, Không-minh tâm pháp bị thất truyền. Đại đệ tử của người là sư thái Nghi-Ninh tạm lên thay thế. Đại hiệp Đặng Phi-Sơn cũng mất tích trong trường hợp tương tự, thành ra Ngũ-tuyệt kỹ của phái Tản-viên là Phục-ngưu thần chưởng Dương-cương, Aâm-nhu, Lĩnh-Nam chỉ pháp, Vô-ngã tướng Thiền-công, Tán cốt lạc phách tiêu hồn chưởng bị thất truyền. Ngôi chưởng môn bị bỏ trống. Năm năm trước, phái Tản-viên tổ chức đại hội ước định rằng : Tạm cử Tôn Đức-Hòa quyền chưởng môn. Sau này bất cứ ai biết xử dụng hoặc tìm được Ngũ-đại tuyệt kỹ, thì sẽ được tôn làm chưởng môn thực thụ.
Tự-Kinh than :
- Hai phái Tản-viên, Mê-linh sở dĩ được võ lâm Hoa-Việt tôn là môn phái lớn, vì có các tuyệt kỹ trấn môn bị mai một, thì môn phái trở thành một bang hội nhỏ, chưởng môn thành vô quyền. Hỏng.
Ông trầm tư một lát rồi tiếp :
- Dù gì ta cũng vẫn phải tôn kính họ. Ta sẽ gặp họ để bàn quốc sự.
Các đệ tử đều ngạc nhiên về quyết định của Tự-Kinh. Bởi từ xưa đến giờ, ông thường chủ trương, rũ áo đứng ngoài mọi sự của xã tắc, dù đệ tử nhiều lần xin ông can thiệp vào các biến cố bất lợi cho đất nước. Thế mà bây giờ ông lại đổi hẳn thái độ.
Ông tiếp:
- Các con ngạc nhiên về quyết định của ta phải không? Đâu có gì lạ! Trước nay ta không cho các con xuất chính, ra làm quan, vì ta nghĩ: Các con là những người hiệp nghĩa, dọc ngang trên đời, mà chỉ vì mấy đấu gạo, đem thân cho những tên ngu xuẩn sai bảo, cho những con đàn bà không đáng giá ba đồng xu chửi bới, ra luồn, vào cúi. Nay ta vẫn giữ cái chí đó. Ta quyết định cứu nước bằng con đường hiệp nghĩa, như Ưng-sơn song hiệp như Mộc-tồn hòa thượng.
Các đệ tử cùng chắp tay:
- Tuân lệnh sư phụ.
- Vậy sau tết này, chỉ mình Trung-Sách ở nhà trông coi trang ấp là đủ. Còn các con, hãy đem đệ tử chia nhau mỗi người một vùng, đi lại trên giang hồ, tru diệt bọn tham quan, bọn cường hào ác bá, bọn bất trung bất hiếu. Tất cả do Tự-Hấp điều động.
Thình lình thuyền phu vào cúi rạp người xuống, nói với Tự-Kinh:
- Trình thái sư phụ, có một xác chết bị trói trôi trước thuyền, xin thái sư phụ phát lạc.
Tự-Kinh ra lệnh:
- Vớt lên, rồi đem về bến mua quan tài mai táng, cho ấm áp thân thể người ta.
Nói rồi ông cùng chư đệ tử lên trên sàn thuyền. Thuyền phu tung xuống chiếc giây, chiếc giây cuốn lấy nửa thân mình tử thi, y giật mạnh sợi giây, tử thi bay bổng lên cao. Tự-Hấp vung tay một cái, tử thi bay ngang hơn trượng rồi rơi xuống sàn thuyền nhẹ nhàng như cầm đặt xuống vậy.
Mọi người đều chạy lại xem: Tử thi bị trói thành năm khúc, bằng năm sáu sợi dây thừng, trong tư thế hai tay buông xuôi.
Phạm Tử-Tuệ là thầy thuốc, ông rút kiếm đưa một nhát, cả năm sợi dây đều đứt một lượt, ông vạch quần áo nạn nhân ra xem xét: Đó là một người đàn ông tuổi khá lớn, miệng bị nhét đầy dẻ, trên người không có một vết thương, chứng tỏ sát nhân nhét dẻ vào miệng nạn nhân để không thể kêu cứu, rồi đem quẳng xuống sông. Nạn nhân chết vì ngộp thở,
Tò mò Tử-Tuệ án tay vào ngực nạn nhân, thấy còn hơi ấm, ông vận nội lực dồn chân khí vào ơốc-mạch, thình lình tim nạn nhân đập trở lại. Ông reo lên:
- Y chưa chết.
Ông rút trong bọc ra một hộp kim, lấy kim châm lên huyệt Nhân-trung, nạn nhân á lên một tiếng lớn, rồi mở mắt ra. Tử-Tuệ gọi rối rít:
- Nạn nhân bị ngâm dưới nước lâu quá, lạnh cóng hết chân tay. Mau mở cửa khoang thuyền, lấy quần áo khô thay cho người ta, rồi đốt lửa lên để sưởi ấm.
Nói rồi ông bồng nạn nhân vào một khoang nhỏ cùng với mấy thuyền phu cấp cứu. Lát sau nạn nhân đã tỉnh táo hẳn. Tử-Tuệ dẫn nạn nhân ra hành lễ với sư phụ.
Tự-Kinh an ủi nạn nhân:
- Tội nghiệp quá! Ông là ai? Năm nay niên kỷ bao nhiêu? Tại sao ông lại bị trôi sông?
Người đàn ông đó định hành đại lễ, thì Tử-Tuệ sẽ để tay lên vai ông, rồi nói:
- Ông vừa mới chết hụt, sức khỏe chưa bình phục hẳn, không nên đa lễ.
Người đàn ông đó nói bằng một giọng thanh thoát nhỏ nhẹ:
- Tôi họ Đoàn tên Thông, năm nay sáu mươi ba tuổi, quê ở lộ Hồng-châu, làm thầy địa lý.
Tự-Hấp bật lên tiếng á, rồi hỏi:
- Phải chăng thầy tự là An-Dương, đã mười đời làm thầy địa lý. Thầy từng được triều đình mời về Thăng-long để an vị xây một số cung điện không? Dường như đó là hành cung Ngự-thiên; điện Thụy-quang; hai gác Ánh-vân, Điện-phú; cửa Thanh-hòa; hai thềm Nghi-phượng, Ngọc-Lan; đình Thưởng-hoa; hồ Kim-liên; cầu Minh-nguyệt?
Ghi chú của thuật giả:
Việc xây các cung điện trên, chép trong ĐVSKTT, Lý kỷ, Anh-tông kỷ, niên hiệu Đại-Định thứ 19, Mậu Dần, DL. 1156.
- Vâng, đúng thế.
Trong khi Đoàn Thông nói thì Tử-Tuệ vẫn cầm tay ông ta để dồn chân khí vào.
- Thầy tiếp đi.
Tử Tuệ nhắc: Rồi tại sao thầy lạ bị trôi sông?
- Nguyên khi tôi xem đất, định hướng, biệt mạch, thì được đặt dưới quyền quan Cần-chính điện thuyết thư Nguyễn Cố, là người được chỉ định chỉ huy xây cất các công trình trên. Trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có kể cho ông nghe về những bí mật của thuật Phong-thủy Đại-Việt, trong đó có thế đất Thái-đường. Thế đất này không những phát đế vương, mà còn được thánh nhân giáng thế, mạnh đến nỗi thiên hạ bất khả đương.
Trong năm đệ tử của Tự-Kinh, thì Tử-Đức là người rất giỏi về Tử-vi, Nhâm-độn, bói Dịch và Địa-lý (Phong-thủy); ông hỏi:
- Chắc Nguyễn Cố xin thầy để cốt tổ tiên vào đấy, hầu sau này con cháu thành thánh, thành đế vương, phải không?
- Vâng!
- Rồi thầy không chịu, nên bị Nguyễn Cố trôi sông chứ gì?
Tử-Đức nói tiếp:
- Nhưng phúc nhà thầy to lớn, do vậy thầy gặp chúng tôi cứu mà thoát chết!
- Thưa, không phải vậy. Việc như thế này, trước khi để xương của thân phụ Nguyễn Cố, thì ông ta hỏi tôi rằng với thế đất như vậy, tại sao tôi không để xương cốt tổ tiên tôi vào đó? Tôi trả lời: Nếu thầy địa lý nào cũng có thể tự để lấy phần mộ tổ tiên mình, thì cái nghề này sẽ tuyệt diệt, vì chỉ cần để mộ xong, ít năm sau trở thanh giầu có rồi... giải nghệ.
Tử-Đức tán thành:
- Tôi hiểu. Phàm khi gặp thế đất tốt, muốn táng mộ tổ tiên vào đấy, thì phải xem lại phúc đức tam căn, ngũ đại nhà mình, liệu có xứng với địa vị tương lai không đã. Bằng bất xứng, thì chẳng những hồn phách tổ tiên bị nguy hại, mà con cháu còn bị liên lụy nữa. Có phải thế không?
- Dạ, đúng thế.
Bạch-Hạc hỏi:
- Thưa thầy, tam căn, ngũ đại là gì vậy?
Đoàn Thông thấy Bạch-Hạc còn nhỏ tuổi, ông ta độ chừng nàng là tiểu thư con của ân nhân cứu mạng, nên ông ta lễ phép trả lời:
- Thưa tiểu cô nương, đó là phải xét cái ân, cái phúc, cái đức của ngũ đại nhà mình. Ngũ đại là đời cụ, đời ông, bản thân mình cùng anh em mình, con mình, cháu mình. Các câu hỏi thuộc tam căn là: Aân đức có đủ trải ra ở đất nước không? Gia đạo có hòa hợp với hương đảng (làng xóm) không? Bản thân, gia nhân có hòa mục, trên dưới có tôn ty không?
Đoàn Thông ngừng lại một lát để thở rồi tiếp:
- Trở lại với ông Nguyễn Cố, tôi có hỏi ông về ngũ đại tam căn, ông cứ thực thà trình bầy. Sau khi nghe qua, tôi thấy giòng họ nhà ông không đủ phúc đức hưởng cái thế đất Thái-đường phát đế vương, nảy sinh thánh hiền này. Bởi chỉ nguyên việc ông a dua với Đỗ Anh-Vũ cũng đủ thất đức di hại tới con cháu ít nhất năm đời, thì còn đâu là đức nữa mà hưởng? Nhưng tôi không giám nói thẳng ra. Trong khi ông cứ nài ép. Tôi đành nhận lời.
Tự-Kinh hỏi:
- Ông ta có hứa tạ cho thầy bao nhiêu vàng, bạc không?
- Dạ có. Ông hứa rằng sau khi để mộ xong, ông sẽ tạ mười nén vàng (100 lượng ngày nay). Ông còn nói: Tương lai, được thiên hạ, sẽ cắt đất phong vương cho tôi. Thế rồi công việc bắt đầu. Nhưng sau khi tôi cải táng mộ ông thân sinh ra Nguyễn Cố, đem táng vào thế đất Thái-đường xong, thì ông sai gia nhân trói tôi lại, nhét dẻ vào miệng mà nói rằng: Từ đời vua Lý Thái-tông, vì sợ dân chúng táng mồ mả tổ tiên vào thế đất phát đế vương, rồi tranh giang sơn nhà Lý, nên trong triều thường ban chỉ nhắc các quan địa phương: nếu ở đâu thấy có thế đất đế vương thì phải tâu về triều; triều đình sẽ sai người đến ếm đi. Nay ông để mả cho giòng họ Nguyễn của tôi, mà tin này lộ ra ngoài, thì chẳng những mồ mả ấy sẽ bị đào lên, mà còn bị giết cả nhà. Vì vậy tôi phải giết ông để phi tang. Sau đó ông sai gia nhân ném tôi xuống sông. Khi ném họ quên gỡ cái túi hành lý đeo trên lưng tôi, nên tôi chỉ bị trôi lềnh bềnh, bị ngộp nước mà không chết ngay. Giữa lúc tôi sắp chết vì lạnh, vì ngộp nước thì gặp chư vị ân nhân cứu mạng.
Quách Tử-Minh hỏi:
- Theo như thầy biết, thì trong nước Đại-Việt ta, hiện nay, giòng họ nào đủ ngũ đai, tam căn hưởng thế đất Thái-đường?
Đoàn Thông đáp ngay:
- Theo như kiến thức nông cạn của tôi thì có ít nhất năm giòng họ. Trong năm giòng họ này, thì giòng họ Trần ở Hải-ấp, thuộc trấn Thiên-trường đứng đầu. Nhưng người trưởng tộc là đại-hiệp Trần Tự-Kinh lại không muốn cho con cháu mình làm đế, làm vương.
Nghe Thông nói, Tự-Kinh giật mình hỏi:
- Này thầy, vì lý do nào mà nhà thầy lại cho rằng giòng họ Trần ở Thiên-trường xứng đáng nhất?
- Thưa, vì gần hai trăm năm nay, sấm đã truyền rằng, họ Trần sẽ kế họ Lý làm vua cõi trời Nam.
Vũ Tử-Mẫn hỏi:
- Bài sấm đó ra sao, mong thầy đọc cho chúng tôi nghe thử?
Đoàn Thông móc một tấm thẻ đồng trong túi ra đọc:
- Về thời vua Lê Long-Đĩnh (1005-1009) vào một ngày không mưa, tự nhiên có tiếng sấm nổ, rồi sét đánh vỡ đôi cây gạo ở châu Cổ-pháp ra. Mảnh gỗ giữa cây gạo có chữ, chép một bài sấm như sau:
Mộc căn diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Đông-a nhập địa,
Dị mộc tái sinh.
Chấn cung xuất nhật,
Đoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
Nay tôi xin giảng: Mộc căn diểu diểu nghĩa là gốc cây kia héo, để chỉ triều Lê sắp hết vận số như cây mà rễ bị héo. Mộc biểu thanh thanh, là cành cây xanh xanh. Khi gốc héo, mà cành lại mọc xanh, thì có nghĩa là vua mất ngôi, mà ngôi đó lại thuộc về bầy tôi. Câu này ứng với vua Lê ngọa triều sắp băng, và người thay thế là bầy tôi. Hòa đao mộc lạc, chữ hòa, chữ đao, chữ mộc là chữ Lê, lạc là rơi uống; vậy câu này có nghĩa nhà Lê hết số. Thập bát tử thành, chữ thập, chữ bát, chữ tử là chữ Lý; câu này chỉ người bầy tôi thay vua Lê họ Lý, sau ứng với Tả-thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công-Uẩn. Đông-a nhập địa, nghĩa là giòng họ Đông-a sẽ lên thay họ Lý. Chữ Đông với chữ A thành chữ Trần .
Anh-Hoa hỏi:
- Thế còn các câu sau?
- Thưa phu nhân, kẻ hèn này chưa giải nổi. Xét như sấm truyền thì tương lai giòng họ Trần sẽ lên thay họ Lý, vì vậy tôi mới quyết tặng thế đất Thái-đường cho đại hiệp Trần Tự-Kinh.
Ghi chú của thuật giả.
Sự thực nghĩa các câu ấy như thế này: Dị mộc tái sinh nghĩa là một cây mới kỳ lạ tái sinh để chỉ kế tục nhà Trần là nhà Lê. Chấn cung xuất nhật nghĩa là vừng Đông mặt trời mọc, để chỉ nhà Mạc thay nhà Lê. Đoài cung ẩn tinh nghĩa là phương Tây có ngôi sao ẩn để chỉ nhà Tây-sơn sẽ nối tiếp. Lục thất niên gian, thiên hạ thái bình là trong vòng 6+7= 13 năm nữa sẽ có thái bình.
Nghe Đoàn Thông luận, tất cả mọi người trong thuyền đều đưa mắt nhìn Tự-Kinh.
Cao Tử-Đức hỏi:
- Từ hơn năm trăm năm nay, thế thế lưu truyền rằng có thế đất Thái-đường, đã bị Cao Biền yểm đi mất rồi, nhưng nào có ai tìm ra nó đâu? Thế đất ấy ra sao?
Đoàn Thông cúi đầu, chắp tay vái Tự-Kinh cùng các đệ tử của ông rồi nói:
- Thông này đã xuống quỷ môn quan, được các vị cứu sống, thì dù gan, dù ruột cũng xin dãi bầy với các vị.
Lão móc trong bọc ra mấy cái thẻ đồng, trên khắc chằng chịt đầy chữ, rồi nói:
- Niên hiệu Hàm-thông thứ tư, đời Đường Ý-tông (Giáp Thân, 864), quan thái-sử lệnh tâu rằng tại Giao-châu có nhiều thế đất phát đế vương, chiếu hào quang lên đến trời, tương lai có thể nảy sinh ra chúa thánh, tôi hiền. Nhà vua cùng quần thần triều nghị rồi quyết định: Giao-châu xưa nay là đất rồng nằm hổ phục; thời Đông Hán đã nảy sinh ra vụ chị em nhị Trưng cùng 162 anh hùng nổi dậy làm nghiêng ngửa Trung-nguyên. Bây giờ các thế đất phát đế vương chiếu sáng như vậy thì phải mau ếm đi, bằng không, thì tương lai Trung-nguyên khó mà chống nổi. Nhà vua bèn sai Cao Biền (713-756) sang làm đô-hộ tổng quản kinh-lược, và ban dụ rằng: « Giao-châu hiện có nhiều thế đất vượng đế vương, khanh sang ếm hết đi, rồi vẽ bản đồ tâu về cho trẫm xem ». Biền đến đất Việt, thấy thế đất nào có linh khí thì ếm hết; duy núi Tản, vì thánh Tản quá linh, y ếm không xong mà hút bỏ mạng. Sau khi hoàn tất, Biền vẽ bản đồ tường thuật chư sự thành bộ sách Cao Biền di cảo tâu về triều. Bộ sách này, sau lọt vào tay tể tướng Cao Hoài-Đức đời Tống Thái-tổ. Vua Thái-tổ sai chép ra làm nhiều bản trao cho Khu-mật viện, Binh-bộ, Lễ-bộ, mỗi nơi một bộ. Nguyên bản thì cất trong ngự thư phòng, truyền cho các vua kế vị. Trong sách có nói đến thế đất Cổ-pháp phát tích ra triều Lý trên hai trăm năm và ngôi đất Thái-đường. Đến đời vua Nhân-tông, thì Kinh-Nam vương...
Cao Tử-Đức đưa mắt nhìn sư phụ, như ngỏ ý xin phép rồi nói:
- Giai thoại này chúng tôi có biết: Vương lấy trộm được bộ Cao Biền di cảo, đem về Đại-Việt. Chính vì vậy mà hai thánh tăng Đạo-Hạnh, Minh-Không mới căn cứ vào đó mà biết rõ vụ Cao đem linh khí Đại-Việt bỏ vào bụng ba mươi sáu con trâu, chôn ở núi Thái-sơn... rồi mang trở về. Nhưng ngay đương thời, hai thánh tăng Đạo-Hạnh, Minh-Không cũng không tìm thấy cái đất Thái-đường ở đâu. Người ta cho rằng lâu ngày, thế đất này đã bị tiêu tan rồi.
Ghi chú của thuật giả.
Tôi đã thuật về hai vụ này:
Chi tiết về ngôi mộ phát tích ra triều Lý, xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản. Chi tiết về việc hai thánh tăng Đao-Hạnh, Minh-Không, trâu vàng v.v. xin đọc Nam-quốc sơn hà do Đại-Nam Hoa-kỳ xuất bản.
Đoàn Thông tiếp:
- Thế đất Cổ-pháp thì do bồ tát Định-Không triệt yểm, mà nhà Lý chiếm được thiên hạ. Còn thế đất Thái-đường thì chưa ai triệt yểm được cả. Cái thế đất Thái-đường này sở dĩ không ai tìm được, vì trải qua hơn bốn trăm năm, long mạch đã di chuyển đi, nên không ai biết nó ở đâu. Bởi trong sách Cao Biền chép rằng nó ở dẫy núi Tổ-sơn, trên vùng Tam-đảo, dần dần trong hơn trăm năm nó di chuyển xuống vùng Cổ-bi ngoại ô Thăng-long. Trăm năm sau nữa, nó di chuyển tới xã Kệ-châu, Cai-xá (Nay thuộc Hưng-yên). Hơn trăm năm sau nữa, nó di chuyển đến xã Phương-trà (Nay thuộc Nam-hà). Cuối cùng, khi hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh xây tháp Phổ-minh, thì nó bị linh khí ở tháp kêu gọi nên di về ngay gần trang Thiên-trường. Tới đây, nó gặp trở ngại vì Cao Biền yểm. Nếu như không có ai đem xương cốt táng vào, cùng gỡ yểm ra, thì nó sẽ chết. Nhưng, hồi tiên phụ còn tại thế, người kiên nhẫn, mà tìm ra vết tích; rồi đến đời tôi, tôi đã tìm ra trọn vẹn.
Đoàn Thông móc trong bọc ra một trục lụa, trên vẽ bản đồ bằng sơn, nên tuy bị ướt, mà không bị mờ, lão chỉ vào bản đồ:
- Đây, huyệt nằm chỗ này, ngay cạnh Hải-ấp, trông ra sông Phú-lương (nay thuộc Mỹ-lộc, Nam-định). Kia là cửa sông Tuần-vàng, phía sau có núi Voi-phục. Hai bên huyệt có hai hàng gò đống đá đất. Hình những gò bên trái này giống như nghiên, như bút, như mực, tức văn quan chầu. Hình những gò bên phải như hình mười tám loại vũ khí, tức võ quan chầu. Chỗ huyệt là thổ phúc tàng kim tức cái chỗ đất như cái bụng dấu vàng, ngồi ở phương Càn trông sang phương Tốn.
Lão tấm tắc nói một mình:
- Tiếc thực là tiếc, huyệt nằm gần ngay tổng đường phái Đông-a. Phải chi cụ Trần Tự-Kinh chịu cho con cháu làm thánh, làm đế thì để ngay vào đây. Nếu để trúng toàn vẹn thì nó chính là thế đất:
Phấn đại đương mi chiếu,
Yên hoa đối diện sinh.
Dĩ nhan sắc khuynh quốc
Đắc thiên hạ thái bình.
(Son phấn chiếu giữa mi,
Mây, hoa sinh trước mặt,
Dùng nhan sắc nghiêng nước,
Lấy thiên hạ thái bình.)
Tử-Đức gật đầu công nhận lời Thông nói đúng. Oâng hỏi:
- Trong Cao Biền di cảo, y chép về thế đất này, rồi tâu lên vua Đường như sau: Thần dĩ trúc lộ lập tự yểm chi . Nghĩa là đất này thần đắp một con lộ trồng trúc mà yểm. Thế con đường trúc đó đâu?
Đoàn Thông chỉ vào bản đồ:
- Chính là chỗ này.
Tự -Hấp nhăn mặt:
- Đây là rừng tre, chứ có phải con đường trồng trúc đâu?
- Thưa đại hiệp, hồi xưa khi Biền trồng, thì nó chỉ là con đường nhỏ. Nhưng trải qua hơn bốn trăm năm, nay nó trở thành rừng.
Cao Tử-Đức tự chửi thầm:
- Hỡi ơi, bấy lâu mình cứ lên vùng Tam-đảo tìm thế đất , có ngờ đâu sau hơn bốn trăm năm nó đã di chuyển về đây.
Ông hỏi:
- Này, theo thầy thì long huyệt chạy từ Tam-đảo về. Thế thì hồi đó huyệt đâu có ở đây, mà Biền trồng trúc để yểm?
- Thưa đại hiệp vấn đề như thế này. Khi Biền khám phá ra long huyệt, thì y cũng tìm ra con đường mà rồng sẽ chuyển thân. Y đoán trước nó sẽ tới đây, nên yểm để rồng không còn đường đi, rồi sau ít năm sẽ mắc kẹt vào rễ tre mà chết.
Tất cả cử tọa đều kinh hãi, vì thế đất nằm ngay trong phạm vi Thiên-trường, mà Nguyễn Cố với Đoàn Thông đào bới, để mộ, khá ồn ào, sao không ai chú ý?
Tự-Kinh đưa mắt nhìn Tô Trung-Sách như phiền trách: Con thay ta trông nom, cai quản trang Thiên-trường mà sao cái vụ Nguyễn Cố, Đoàn Thông đến để mộ, phá rừng lại không biết?
Trung-Sách biết ý sư phụ, ông trình:
- Cách nay hơn tháng, có lái buôn tới hỏi mua hết rừng tre. Họ nói rằng sẽ chặt hết tre, cùng đào cả gốc đi. Con thấy cái rừng này xưa nay tối vô ích, chim cò tụ về làm tổ, gây hại cho việc chăn nuôi trồng tỉa, con định phá đi từ lâu. Nay có người mua, lại còn chặt tre, đào gốc dùm, nên con đã bán với giá rẻ. Nào ngờ, Nguyễn Cố mua để táng mộ...
Đoàn Thông chắp tay vái Tự-Kinh:
- Xin lão gia thứ lỗi, chính tiểu nhân đã bầy ra mưu này, để có thể phá thế yểm độc của Cao Biền.
Lão lại cầm thẻ đồng lên đọc:
- Đây, nguyên văn đoạn Biền chép về thế đất này như sau:
Khí mạch chỉnh nguyên dương,
Lục long bàn khuất khúc.
Thất đẩu hiện châu trang,
Điệp điệp lai hòa án,
Điều điều lai tụ đường.
Hỏa hổ tầm cương lũng,
Tê đường vọng đại giang.
Tả hữu biên loan bão,
Chu tước thị đích tàng,
Tam cấp càn khôn định,
Đốc sinh đại thánh hiền,
Tam bách dư niên tộ,
Phúc cơ hưởng thọ khang.
(Mạch khí chính nguyên dương,
Rồng đất nằm che kín,
Bẩy sao chầu chiếu sang,
Lớp lớp cùng tới án.
Chuyển chuyển cùng tụ đường.
Hỏa, hổ chầu bảo vệ.
Phía trước thấy đại giang.
Phải, trái chim loan vọng,
Chu tước ẩn ở trong.
Ba bậc càn khôn định,
Sẽ sinh đại thánh hiền.
Ba trăm năm đất ấy,
Phúc, lộc lại thọ khang.)
Đoàn Thông có vẻ mệt mỏi lắm rồi, y nhìn Trần Tự-Kinh:
- Hỡi ơi! Thiên mệnh an bài, cơ trời khó biết! Khi tìm thấy, tôi định đi Thiên-trường tìm đại hiệp Trần Tự-Kinh để dâng cho giòng họ Đông-a. Nhưng nay sự thể đã như thế này thì thực là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trước đây ngôi đất Cổ-pháp, các thiền sư Tiêu-sơn canh giữ hơn trăm năm, để tìm người phúc đức mà ban cho. Chung cuộc, ông thân sinh ra vua Lý Thái-tổ đi làm ruộng về, mệt quá, nằm nghỉ tại đây, rồi hóa, mà hưởng, lập ra nhà Lý trên hai trăm năm. Còn thế đất Thái-đường, tôi định dâng cho giòng họ Đông-a, sau lại về Nguyễn Cố. Nguyễn Cố giết tôi mà không thành, thì ra trời dành thế đất này cho các vị. Nay tôi xin dâng cho các vị.
Tự-Duy hỏi:
- Ông đã đem thế đất Thái đường cho Nguyễn Cố, đã táng xương cha Nguyễn vào rồi, thì ông có cho chúng tôi, e cũng vô ích.
Đoàn Thông cười bí hiểm:
- Khi sắp để mộ cho Nguyễn Cố, tôi thấy con mắt ông ta luôn hiện ra nét xảo quyệt, nên tôi có phục sẵn một cơ mưu đề phòng khi bị họ trở mặt thì còn có cách đối phó.
Tự-Hấp hỏi:
- Mưu ấy như thế nào?
- Sau khi để huyệt xong, tôi dặn Nguyễn Cố rằng « Kiểu đất này sau tất phát đế, phát vương, nảy sinh thánh nhân, thì phải chăm lo đề phòng cẩn thận. Vậy nội trong một trăm ngày, nếu thấy mưa gió, sấm sét thì xem trên mộ có gì lạ không? Nếu lành ít, dữ nhiều thì phải dời mộ đi ngay ».
Cao Tử-Đức ngồi nhỏm người dậy:
- Tôi biết rồi. Phàm khi để mộ vào huyệt phát đế vương, thì sau ba ngày, xương cốt bắt đầu thông với long mạch; đất trời giao hội mà có mưa gió, sấm sét. Nếu ta nhân đó làm cái gì quái dị trên mộ, ắt Nguyễn Cố sợ mà dời mộ đi nơi khác. Bấy giờ ta đem xương cốt giòng họ khác táng vào. Có phải vậy không?
- Quả đúng thế.
Nói đến đây Đoàn Thông quá mệt mỏi, người lắc lư. Phạm Tử-Tuệ vội vực ông ta vào khoang thuyền, truyền đắp chăn, cho nằm nghỉ.
Ngoài khoang thuyền, Tự-Kinh suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Các con ạ! Giòng họ Trần nhà ta vào thời Hồng-bàng, sinh sống ở vùng Khúc-giang, quận Nam-hải, nay thuộc lộ Quảng-đông. Đến thời vua An-Dương, tổ Trần Tự-Minh giúp vua dựng nghiệp, được phong tước Phương-Chính hầu, giữ chức tể tướng. Sau Nam-hải bị Tần chiếm, tổ mới di đến vùng Thiên-trường này mà lập nghiệp. Về thời Bắc thuộc, ngôi mộ của Khai-tổ Tự-Viễn để vào thế đất Hổ phục, Ưng phi, cho nên từ mấy đời nay chúng ta đều được hưởng Vương bất vi vương, bá bất vi bá nhi quyền khuynh thiên hạ, nghĩa là vua chẳng phải vua, bá chẳng phải bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Từ hồi ấy đến giờ, đời nào nhà ta cũng hưởng cái uy đó. Chỉ duy thời Thuận-thiên (1010-1028), tổ Tự-Mai vì làm phò mã Tống, để bảo vệ đất Việt mà phải xuất chính làm quan. Về cuối đời, người hối hận đã bỏ ra bao nhiêu năm ngồi trên mình ngựa mà chung cuộc cũng trắng tay. Vì vậy người có di chúc cho con cháu rằng sau này không nên vì chút công danh mà tranh dành với đời. Bây giờ Đoàn Thông muốn tặng ta thế đất này, ta chỉ nên tạ ông ta rồi bảo vệ tính mạng ông ta mà thôi. Đối với triều Lý ta sẽ dùng hết lực bảo vệ ngôi vua cho họ.
Năm đại đệ tử, hai con trai, hai con dâu, một đệ tử út của Tự-Kinh cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi Quách Tử-Minh hướng sư phụ nói bằng giọng tha thiết:
- Sư phụ! Khi mệnh trời đã an bài, thì chẳng nên từ chối. Con thấy khí số họ Lý sắp hết rồi, ta có giúp, e cũng uổng phí tâm cơ mà thôi. Kìa, Gia-cát Vũ-hầu, thân là nho sĩ, mà lặn lội sáu lần xuất Kỳ-sơn, cuối cùng mửa ra máu chết ở Ngũ-trượng nguyên. Gần đây, bọn Hàn Thế-Trung, Ngô Giới, Ngô Lân, Nhạc Phi đem hết tài trí ra giúp Triệu Cấu lập lại nhà Nam Tống, cuối cùng đi đến kết quả là Hàn Thế-Trung bị cách; anh em họ Ngô phải bỏ quan đi ở ẩn; Nhạc Phi với con bị giết; đầu, thân thể đem phơi nắng phơi mưa cho dân chúng xem, cho ruồi bọ đục khoét. Xin sư phu chẳng nên bỏ ra ngoài thiện ý của Đoàn Thông.
Tự-Kinh xua tay :
- Nếu các con đã nghĩ vậy, thì ta nên đem người ấy về làm vua, thì đất nước này lại hùng mạnh như thời vua Thánh-tông, Nhân-tông ngay. Nhưng nếu đem người ấy về, thì cái ông Đại-Định hoàng đế phải chết, điều mà người ấy không muốn.
Cha con thầy trò cùng bàn luận phân vân chưa dứt, thì Đoàn Thông từ trong khoang thuyền bước ra, ông thụp lạy Tự-Kinh. Tự-Kinh phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ ông ta, khiến ông ta không quỳ được. Đoàn ngồi xuống cạnh Tự-Kinh, nói bằng giọng tha thiết:
- Thì ra ngài là đại hiệp Tư-Kinh, chưởng môn phái Đông-a đấy. Còn các vị đây đều là cao đồ cả. Hèn chi phong thái khác thường. Từ nãy đến giờ, Thông này được nghe những lời nghị luận của các vị, trong lòng càng phục thêm. Như tôn ý của đại hiệp, thì đại hiệp không muốn cho con cháu phát đế vương, thì cũng dễ thôi. Bởi thế đất Thái-đường này vốn lưỡng tính; một là phát đế vương, hai là thánh nhân giáng thế. Vậy thì thế này: tiểu nhân xin để mộ lệch đi một chút, thì không phát đế vương nữa, mà chỉ có thánh nhân giáng thế. Như vậy hẳn đại hiệp vui lòng?
Cao Tử-Đức thấy trong khi nói, con mắt Đoàn Thông thoáng một nét giảo hoạt, ông nghĩ thầm:
- Ta cứ yên lặng xem y định làm gì? Tính mệnh y, cùng gia quyến đang bị Nguyễn Cố đe dọa, hoàn toàn trông vào sự che chở của chúng ta, chắc y không thể hại chúng ta.
Nghĩ vậy, ông ngồi im.
Tự-Kinh nghe Đoàn Thông nói, thì mừng chi siết ke. Ông đứng dậy chắp tay xá Đoàn Thông ba xá:
- Xin đa tạ nhà thầy. Kinh này không muốn cướp thế đất của Nguyễn Cố. Vậy chỉ khi nào Nguyễn Cố tự di chuyển mộ ông thân sinh của y đi, thì Kinh này mới đồng ý táng mộ thân phụ vào đó. Kinh này xin hứa trươc với thày hai điều: Một là ngay sau khi an vị ngôi mộ, dù thành, dù bại, Kinh này cũng xin tạ thầy ba mươi nén vàng. Hai là môn phái Đông-a xin đón gia quyến thầy về sống trong trang Thiên-trường; dù Nguyễn Cố, dù vua Lý cũng không thể đụng đến cái lông, cái tóc gia quyến thầy.
Ông đưa mắt cho con trưởng là Tự-Hấp:
- Cái việc vợ chồng con với Vũ Tử-Mẫn, Phạm Tử-Tuệ đi Thăng-long điều tra nên để ra tết. Bây giờ con hãy cùng sư đệ Cao Tử-Đức tiếp Đoàn tiên sinh, lo đem gia quyến tiên sinh về trang mình hầu bảo vệ.
Đến đây, thuyền đã cập bến, đợi mọi người đều lên bờ, trong thuyền chỉ còn mấy đệ tử làm thuyền phu, Tự-Hấp hỏi Cao Tử-Tuệ:
- Sư đệ nghĩ sao?
Tử-Tuệ nói với Đoàn Thông:
- Đoàn tiên sinh, cái vụ chỉ an mộ cho thánh nhân giáng sinh, mà không phát đế vương, tôi e không thể thực hiện nổi. Dường như tiên sinh có gì dấu diếm sư phụ tôi. Mong tiên sinh giải cho.
Đoàn Thông chắp tay vái dài:
- Đại hiệp thực minh mẫn. Trong khi tiểu nhân nói với lão đại hiệp, tiểu nhân thấy trán của đại hiệp chau lại rồi mỉm cười thì biết rằng đại hiệp đã hiểu ý tiểu nhân rồi.
- Tôi thử nói ý tiên sinh xem có đúng không nhé. Tiên sinh nghĩ: Thế đất quý như thế mà bỏ thì uổng quá. Chi bằng tiên sinh dối sư phụ tôi rằng để lệch đi một chút, sẽ không phát đế vương, mà nảy sinh thánh nhân, sự thực tiên sinh để đúng huyệt. Sư phụ tôi đâu có biết gì? Sau đây mấy chục năm, khi mọi sự ứng nghiệm thì cả sư phụ tôi với tiên sinh đều đã ra người thiên cổ rồi. Phải không?
- Quả như đại hiệp đoán.
Tự-Hấp hỏi:
- Bây giờ chúng ta phải làm gì?
- Tôi an mộ cho nhà Nguyễn Cố đã hai ngày. Nội đêm nay thì xương với long mạch sẽ bắt đầu nối với nhau, trời đất giao thoa, sấm chớp phát sinh. Vậy ngay tối nay, đại hiệp sai người lấy tô mộc nấu ra trộn lẫn với bột giả làm máu. Lại sai đem chín cái búa đồng chờ sẵn. Khi sấm chớp nổ trên trời thì sai người đem nước tô mộc đổ lên mộ nhà Nguyễn Cố, đem mấy cái búa đồng này cắm xung quanh. Khi trời sáng, Nguyễn Cố sai người ra thăm mộ thấy xung quanh đầy máu, lại có búa đồng thì y tưởng đâu mình làm ác, bây giờ trời đánh vào mồ mả ông cha. Như vậy y kinh hoàng, tất di chuyển cốt cha y ra khỏi thế đất. Sau đấy ít ngày ta mời lão đại hiệp tới thăm, thì thấy huyệt trống không. Lão đại hiệp tất vui lòng cho cải táng cốt tiền nhân an vào.
Cao Tử-Đức hỏi:
- Nguyễn Cố có biết tuồng chữ của ông không?
- Thưa y biết. Ý đại hiệp muốn?!?!!
- Để trị cái tội Nguyễn Cố vô ơn bạc nghĩa, ăn cháo đá bát... Ông đã để mộ cho nhà y, mà y giết ông, ta phải dọa làm y chết khiếp một bữa cho bõ ghét.
Đoàn Thông mừng chi siết kể, y hỏi:
- Thưa đại hiệp dọa như thế nào?
- Bây giờ tôi đưa cho ông tấm ván nhỏ, ông viết lên đấy một bài văn, kiện y ở cửa trời. Tôi sẽ đem miếng ván để lên mộ cha y. Khi y thấy máu, thấy búa đã kinh hãi, nay lại thấy tờ sớ kiện lên trời, chắc y sợ đến té đái vãi phân ra.
Đoàn Thông mừng chi siết kể, y cầm bút viết liền, rồi trao cho Tử-Đức. Tử-Đức xem xong, bật cười:
- Thế nay, sáng mai gia nhân Nguyễn Cố đem về cho y, cùng báo cáo tự sự, thì y đến chết khiếp.
Ghi chú của thuật giả
Phan Huy-Chú trong Lịch-triều hiến chương loại chí, có nhắc đến việc Cao Biền yểm các thế đất linh của Đại Việt cùng viết bộ Cao Biền di cảo. Tôi đã tra tìm hầu hết các thư viện Thượng-hải, Bắc-kinh, Trường-sa, nhưng không tìm ra bộ này. Trong khi đó tại Đài-loan, Hương-cảng lại xuất hiện tới bẩy bản khác nhau, do bẩy người chú giải. Những người chú giải này đa số đều là thầy địa lý cả. Các ông thầy này đều nói rằng bản của mình là do gia truyền. Nhưng tôi đọc kỹ, thì thấy có rất nhiều điều nghi ngờ như: Văn phong là văn đời Minh, đời Thanh hoặc văn thời Dân-quốc; những điều nói về Việt-Nam thì hầu hết sai. Do vậy tôi không tin rằng đó là chính bản.
Hồi này thuật nguồn gốc viễn tổ của Hưng-Đạo vương. Tôi phối hợp quốc sử, gia phả của tiền nhân để lại cũng như gia phả của con cháu Trần Ích-Tắc hiện sống tại Trường-sa, thì sau này các vua Trần truy phong cho tổ tiên như :
1.Mục-tổ hoàng đế Trần Tự-Kinh (1103-1190)
2.Ninh-tổ hoàng đếé Trần Tự-Hấp (1132-1210)
3.Nguyên-tổ hoàng đế Trần Lý (1151-1215)
4.Khai-vận,Lập-cực,Hoằng-nhân,Ưng-đạo,Thuần-chân, Chí-đức, Thần-vũ, Thánh-văn, Thùy-dụ, Chí-hiếu hoàng-đế Trần Thừa, miếu hiệu Thái-tổ (1183- 1234)
5.An-sinh vương Trần Liễu miếu hiệu Hiển-Hoàng (1210-1251)
6.Thái-sư, Thượng-phụ, Thượng Quốc Công
- Lời nói đầu
- Hồi 1
- Hồi 2
- Hồi 3
- Hồi 4
- Hồi 5
- Hồi 6
- Hồi 7
- Hồi 8
- Hồi 9
- Hồi 10
- Hồi 11
- Hồi 12
- Hồi 13
- Hồi 14
- Hồi 15
- Hồi 16
- Hồi 17
- Hồi 18
- Hồi 19
- Hồi 20
- Hồi 21
- Hồi 22
- Hồi 23
- Hồi 24
- Hồi 25
- Hồi 26
- Hồi 27
- Hồi 28
- Hồi 29
- Hồi 30
- Hồi 31
- Hồi 32
- Hồi 33
- Hồi 34
- Hồi 35
- Hồi 36
- Hồi 37
- Hồi 38
- Hồi 39
- Hồi 40
- Hồi 41
- Hồi 42
- Hồi 43
- Hồi 44
- Hồi 45
- Hồi 46
- Hồi 47
- Hồi 48
- Hồi 49
- Hồi 50 - Kết