Chương 21 - Vào hang hùm Nhị Long quyết bắt hổ
Quân Sơn.
Động Đình hồ.
Tiết trời đã bắt đầu tháng năm.
Không khí đã oi bức dần dần.
May cho địa phương này, gần đó là hồ Động Đình. Từng cơn gió mát rượi từ mặt hồ thổi thoang thoảng vào đến mọi nơi. Bất kể là nhà quan hay dân thường. Bất kể là nhà của hào phú hay của hạng cùng đinh.
Bất kể là người nhàn rỗi đang dạo mát hay người đang vất vả vật lộn với cuộc sống. Tất cả đều cảm thấy khoan khoái khi được từng cơn gió mát rượi từ hồ Động Đình thổi vào, làm dịu đi sự nóng nực, oi bức của thời tiết tháng năm.
Trời đang chập choạng tối, lác đác vài nơi đã lên đèn.
Xa xa trên mặt hồ Động Đình thấp thoáng vài chiếc thuyền nhỏ đang hối hả tiến dần vào bờ, để đưa khách đi chơi muốn vào đất liền tìm bữa ăn tối, hoặc cập rập bờ để đón khách có thú đi chơi thuyền ban đêm trên mặt hồ.
Nếu khách nhàn rỗi để ý một chút, sẽ phát hiện có một chiếc thuyền tuy nhỏ như mọi chiếc thuyền khác, nhưng có chiều dài khác thường, được hai đại hán lực lưỡng, mỗi người một đầu thuyền điều khiển.
Người ở cuối thuyền, thay vì bơi dầm như mọi ngư phủ khác thì lại đứng xổng lưng, tay cầm sào tre dài hơn hai trượng, chắc là để chống thuyền. Một cách đi thuyền trên mặt hồ khác thường.
Người ở đầu thuyền cũng đứng, tay cầm một lồng đèn đã thắp sáng to tướng. Trên giấy dán đèn có trang trí nhiều hoa tiết. Tuy không đẹp nhưng nổi bật nhất là có một chữ Quân, được ánh đèn bên trong chiếu lên rõ nét. Một ngọn đèn khác thường.
Khách nhàn rỗi sau khi xem xét kỹ, ắt sẽ cho đây là thuyền của một quan gia nào đó đến đây để thăm thú dân tình, đồng thời dạo mát trên mặt hồ Động Đình một lần cho thỏa khát vọng. Nhưng nếu khách nhàn rỗi không gấp bỏ đi mà đứng lâu thêm để tiếp tục xem xét, chắc sẽ thấy còn có nhiều điều khác thường đang xảy ra trên chiếc thuyền dài khác thường này.
Vì chiếc thuyền này liên tục rời bến, rồi lại liên tục cập bờ. Hết đón rồi lại đưa. Khách đi thuyền này hầu hết là khách giang hồ. Đông thì từng tốp năm người một lên thuyền. Số người còn lại thì chờ khoảng tàn một nén nhang thì thuyền sẽ tiếp tục cập bờ đón đi. Ít thì một, hai hoặc ba người, nhưng thuyền cũng phải hai lần đón đưa. Đến khi biết rõ đây là chuyện của người giang hồ, khách nhàn rỗi sẽ ái ngại, lẳng lặng bỏ đi.
Cao Nhẫn đang đứng gần đâu đó, chỗ chiếc thuyền thường cập bờ, được che khuất bởi một rặng dương liễu, giả tảng như một khách nhàn du, Cao Nhẫn đứng đó thầm quan sát.
Người đến từng lượt một. Rất đông, có đủ mọi hạng người. Chánh cũng có, tà cũng có, tục cũng có, tăng có, ni có, già có, trẻ có, nam có, nữ có. Vũ khí thì đủ loại, mọi người đều mang vũ khí công khai. Tuy vậy, tất cả mọi người đều qua một thủ tục như nhau, đến khi trình thiếp mời, đồng thời báo rõ danh tánh.
Người đứng đầu thuyền, tay đưa lồng đèn sát vào thiếp mời, sau khi đã xem kỹ, ghi rõ danh tánh vào một quyển giấy, người đó liền đón khách lên thuyền, khi đủ số khách nếu cùng chung một nhóm, thuyền lập tức rời đi.
Cao Nhẫn ngước nhìn vần trăng non đã sắp khuất dưới mặt hồ. Cao Nhẫn nhẩm tính: "Hôm nay là ngày bốn, mai đã là Đoan Ngọ. Biết phải làm sao đây? Võ Lâm nhị thần sao giờ này chưa thấy tới?"
Khách giang hồ đã thưa dần. Đã sắp bước qua canh hai.
Không đợi được, Cao Nhẫn bước lại phía bên thuyền. Thuyền vừa cập bến, người đứng ở đầu thuyền đã mệt mỏi nói :
- Chỉ còn hai người nữa thôi, lão Lục cố lên một chuyến nữa nhé, rồi sẽ nghỉ.
Gã bước đến tận đầu thuyền, chờ khách giang hồ đến trình báo theo thủ tục. Gã chờ đợi, sốt ruột, gã hối :
- Thế nào, mau lên cho người ta còn nghỉ ngơi, ăn uống nữa chớ!
Do người kia đến trước, nên Cao Nhẫn phải nhường. Đến khi nghe gã trạo thuyền hối thúc, Cao Nhẫn động thân bước đến. Khéo sao, người kia cũng đồng thời bước đến.
Cao Nhẫn dừng chân lại, đưa tay ra, Cao Nhẫn nói :
- Huynh đài, mời!
Người kia cũng đưa tay ra :
- Xin mời huynh đài!
Nói xong, cả hai đồng cười xòa. Cao Nhẫn nói thêm :
- Huynh đài đến trước, mời huynh đài cứ tự tiện!
Gã trạo thuyền ngạc nhiên hỏi :
- Thế hai vị đây không cùng đi với nhau sao?
Thấy Cao Nhẫn và người kia đồng gật đầu, gã trạo thuyền chán nản, gọi người đứng sau thuyền :
- Lão Lục, thôi rồi, còn phải đi hai lần nữa! Không biết còn ai đến nữa không?
Nghe giọng điệu thất vọng của hai gã trạo thuyền, Cao Nhẫn đành nói với người kia :
- Hay là...
Người kia cũng đồng một lúc lên tiếng nói :
- Vậy thì...
Cao Nhẫn và người kia đồng cười lên, không nói nữa, tuy không nói ra nhưng cả hai đều hiểu rõ ý nhau. Cao Nhẫn lại lên tiếng :
- Yên tâm, hai người chúng ta đi một lượt cũng xong!
Hài lòng, gã trạo thuyền hỏi ngay :
- Có thiếp mời không?
Người kia và Cao Nhẫn đồng lên tiếng :
- Có đây!
Cao Nhẫn đưa tay vào bọc, lấy ra thiếp mời đưa gần sát đèn lồng cho gã kia xem. Gã đã quá mệt mỏi nên chỉ ngó qua một lượt rồi nói :
- Mời!
Quay sang người kia, thấy người kia đang để tay vào bọc nhưng chưa lấy tay ra. Gã vội nói :
- Khỏi! Khỏi! Mời xuống luôn đi! Mời!
Đợi cả hai đứng yên giữa lòng thuyền, gã kia nói với gã họ Lục :
- Lão Lục, đi thôi!
Thuyền liền rời bến, tiến dần vào dải đất ở xa xa, trong hồ Động Đình.
Quân Sơn.
Đã tàn nửa nén nhang, thuyền nhỏ đã tiến vào doi đất không biết là bao lớn. Không trông thấy rõ được vì xung quanh toàn là những rặng liễu um tùm dày đặc, che phủ kín tầm mắt mọi người. Không nghe rõ được vì tiếng gió thổi làm xao động những hàng liễu dày, khua lên xào xạc, lấp kín những âm thanh khác. Nhưng với thính lực của Cao Nhẫn, thì đã nghe được những tiếng ồn ào từ xa vẳng lại. Đấy là những tiếng nói chuyện, cười đùa, đàm luận của những khách giang hồ đến trước, đang được an trí nghỉ ngơi ở phía sâu trong dọi đất. Nhưng Cao Nhẫn vẫn thản nhiên, không nói ra sự phát hiện của mình cho ai biết cả. Vì nếu có muốn nói, thì nói với ai đây?
Bọn trạo phu?
Vô ích, vì đương nhiên chúng đã biết!
Nhân vật kia ư? Không nên, vì biết hắn sao?
Thuyền cập vào một chỗ tương đối thoáng, thuyền chưa dừng lại hẳn đã nghe có tiếng người trên bờ đất, cất tiếng hỏi :
- Lão Trương! Có mấy người đến thế?
Người đứng ở đầu thuyền tay cầm đèn lồng, đáp :
- Hai!
Người ở trong lại hỏi :
- Thế nào lão Lục, còn ai nữa không?
Người đứng sau thuyền, sào tre đã cặm thật sâu vào lòng đất dưới đáy hồ, thở ra một hơi thở khoan khoái :
- Cũng may là không có ai đến nữa, bọn ta đã mệt lắm rồi!
Thuyền đứng yên, bởi đầu thuyền có một sợi dây neo thuyền chặt lại, cập sát vào một miếng gỗ to, bắc hẳn lên bờ đất, và đuôi thuyền đã được cái sào tre cặm vào lòng đất giữ yên.
Người họ Trương tay cầm đèn lồng, nép vào một bên, nói :
- Mời nhị vị khách nhân!
Cao Nhẫn và người kia vội bước chân lên miếng gỗ, bước đi chừng non một trượng thì chân đã đặt vững vàng vào mặt đất, Cao Nhẫn nói trong tiếng thở ra nhè nhẹ :
- Thế là đã đặt chân được lên đất Quân Sơn.
Phía trong, không có tiếng người đáp, chỉ nghe một tiếng 'xòa' rồi một ngọn đèn lồng khác được thắp sáng lên. Người cầm đèn là một đại hán, thắt lưng to bản, vắt kề vào đó một thanh đại đao hình thù quái gỡ. Dưới ánh đèn mù mờ, trông gã chẳng khác nào một tượng thần, thường có ở các miếu thần hoàng, gã lên tiếng nói nửa như xác định, nửa như phủ nhận câu nói của Cao Nhẫn :
- Cũng còn khoảng nửa dặm đường mới đến được Quân Sơn đạo am.
Người kia từ nãy giờ đứng ngang với Cao Nhẫn, bây giờ mới lên tiếng :
- Quân Sơn đạo am? Sao lại gọi là đạo am?
Gã đại hán đáp :
- Chỗ người tiềm tu theo đạo tiên, không gọi là am thì gọi như thế nào nữa?
Đoạn quay người đi trước, vẫn cầm đèn lồng, vừa đi vừa nói :
- Hạ nhân xin đi trước dẫn đường.
Không nói không rằng, Cao Nhẫn và người kia sánh vai nhau mà đi theo gã đại hán.
Nửa dặm đường chẳng mấy chốc đã hết.
Trước mặt Cao Nhẫn vẫn không thấy được gì vì sương mù giăng giăng. Xòa bàn tay, vẫn thấy rõ năm ngón. Nhìn gã đại hán, vẫn thấy rõ lưng gã cách đấy hơn một trượng. Vậy lớp sương mù này không hẳn là sương mù? Nhưng lớp khí mờ mờ vẫn giăng giăng.
Khói chăng?
Nếu là khói, liệu những người phía trong chịu nổi sao?
Không là khói thì là gì đây?
Qua lớp sưong khói mờ mờ này, khó kòng phát hiện được một ánh lửa, một ánh đèn dù là một đóm nhỏ. Những tiếng ồn ào, từ trong vẵng ra khá rõ.
Hơn mười ngày qua, Cao Nhẫn được hai lão Võ Lâm nhị thần ở bên kềm cặp, đã tăng được nhiều kiến thức, lịch duyệt giang hồ cũng được tăng lên. Nhất là về phần trận pháp, trận thế. Do Cao Nhẫn đang bận tâm về những kiếm trận của bọn Chuyên lệnh sứ, nên Cao Nhẫn có hỏi và được Võ Lâm Thần Toán, một người có kiến văn quảng bác chỉ vẻ, nên lúc này đây, ấn tượng đầu tiên của Cao Nhẫn về Quân Sơn đạo am là những kiến trúc được sắp đặt thành một trận thế tĩnh. Lớp sương khói mù mù là do khí trận tỏa ra. Nhận định được điều này, Cao Nhẫn cũng có phần an tâm, chỉ ngại kiến thức của mình về trận thế còn quá kém.
Gã dẫn đường, sau khi đi vòng qua mé tả lớp khói mù đã dừng chân, gã đưa tay cầm đèn lồng ra, hết đưa lên rồi lại hạ xuống, độ khoảng ba lượt, gã mới nói to :
- Tiếp người mới đến đây!
Hai ánh đuốc phừng lên. Trước mặt Cao Nhẫn được ánh đuốc soi tỏ là một cổng tam quan nhỏ, mái ngói còn đỏ tươi, chứng tỏ cổng tam quan đã tồn tại ở đây không được bao lâu. Cánh cổng tam quan đã hé mở sẵn từ lúc nào, phía trong cổng vẫn còn thấy lớp khói mù giăng phủ.
"Hai người cầm hai ngọn đuốc, chắc là mới từ trong cổng bước ra" Cao Nhẫn nghĩ thầm.
Một người nữa bước ra, vận y phục đạo sĩ, thẳng nếp như là mới may, hoặc là may lâu rồi, đến nay mới mặc lần đầu.
Người vừa bước ra, khom mình thưa :
- Tại hạ... a bần đạo phụ tránh tiếp tân, mời quý khách vào! Sẽ có người phía trong sắp xếp chỗ ăn ngủ cho quý khách!
Cao Nhẫn cố nhịn cười cho lối nói còn chưa quen của người nghinh tân.
Đưa chân bước hẳn vào cổng, theo tay người nghinh tân, Cao Nhẫn rẽ qua tả. Được chừng ba trượng, lại thấy một cổng tam quan khác, lớn hơn. Phía trên cổng có tấm biển còn mới, ghi 'Quân Sơn Đạo Am', nét chữ giản đơn, cổng dựng mộc mạc.
- Khí thế này, người ta ở đây không màng thế sự, bất chấp lợi danh, chỉ mãi lo tu tiên, cầu đắc đạo!
Bước vào cổng tam quan này, Cao Nhẫn và người kia đã thấy hai hàng tiểu đạo đồng đứng đón chào. Giữa hai hàng tiểu đạo đồng là một đạo sĩ khác, gương mặt hiền hòa, cười tươi như hoa, đạo sĩ vái chào :
- Xin chào nhị vị khách nhân quang lâm tệ am! Để giữ sự thanh tịnh, không làm cho đạo am bị ô uế, quý khách có vũ khí xin gởi lại đây, sẽ có người gìn giữ chu đáo cho quý khách. Đến lúc ra về, quý khách sẽ nhận lại sau.
Cao Nhẫn cũng cung tay thi lễ :
- Tại hạ đến quá muộn, mong quý am bỏ lỗi, còn vũ khí tùy thân, tại hạ không có mang theo!
Dang cả hai tay, Cao Nhẫn khẽ xoay người cho đạo sĩ kia nhìn qua, chứng tỏ lời mình nói là sự thực.
Người kia cũng nói :
- Ta chỉ có cây quạt xếp này, có phải là vũ khí không?
Đạo sĩ kia chỉ mỉm cười không đáp. Đoạn nép người qua một bên nói :
- Xin mời nhị vị theo bần đạo!
Nói xong, đạo sĩ quay người đi trước.
Cao Nhẫn và người kia theo ngay phía sau.
Đạo sĩ kia đi trước, tuy không có lời dặn, nhưng đạo sĩ vẫn đi chầm chậm. Mỗi lần muốn rẽ, đều dừng lại một chút, chờ cho Cao Nhẫn và người kia thấy kịp mà rẽ theo.
Cao Nhẫn sau đôi ba lần nhận xét, dựa vào phương cách đi của đạo sĩ và dựa vào cảnh quang hai bên đường đi đã được những ngọn đèn lưu ly soi khá tỏ, thì Cao Nhẫn nhận ra đây đích thực là một thế trận, tuy không rõ tên gọi, nhưng cũng biết là trận thế án theo Cửu Cung và Lưỡng Nghi trận!
Sau nhiều lần rẽ, khói mù không còn thấy nữa. Cảnh vật xa xa đã hiện rõ dần. Lại đến một cổng tam quan thứ ba. Trên cỗng vẫn là những chữ 'Quân Sơn Đạo Am'. Cao Nhẫn gật gù thầm nghĩ: "Nãy giờ chỉ là vòng ngoài, bây giờ mới thật sự là đạo am của lão Quân chủ".
Đến gần cánh cổng, đạo sĩ bước đến, vỗ vào cổng. Cánh cổng, sau tiếng vỗ, đã được mở rộng ra. Một đạo sĩ khác bước ra, vòng tay chào :
- Tệ am được nhị vị quang lâm! Thật lấy làm vinh hạnh!
Đạo sĩ lúc nãy cũng nói :
- Phận sự của bần đạo đến đây là xong. Xin nhị vị khách nhân tự tiện!
Nói xong, quay người đi trở lại ngay.
Cao Nhẫn gật đầu nói với đạo sĩ mới :
- Đường đi đến đây thật là khúc chiết, không hiểu bọn tại hạ đã được nghỉ ngơi chưa?
Đạo sĩ liền đáp :
- Phiền khách nhân quá! Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa thôi là khách nhân sẽ được ăn uống, nghỉ ngơi. Xin chớ phiền, tệ am sẽ bồi tội sau!
Nhún vai, Cao Nhẫn nói với người kia, cố làm ra vẻ đã thân nhau từ lâu :
- Thôi, cố chịu đựng chút nữa nhé!
Người kia đưa mắt nhìn Cao Nhẫn hàm ý cám ơn, không đáp, chỉ gật đầu. Rồi cả hai cùng theo chân gã đạo sĩ.
Lại vòng qua, rẽ lại. Tiếng ồn ào lúc này nghe như ở bên tai. Cao Nhẫn không để tâm đến tiếng ồn, chỉ chú tâm theo dõi bước đi của đạo sĩ. Cao Nhẫn tự nhủ: "Vòng ngoài là Cửu Cung và Lưỡng Nghi trộn lại, vòng trong là Ngũ Hành, Bát Quái lồng vào nhau. Lão Quân chủ quả thật là đa tâm".
Quả thật, lời đạo sĩ nói không sai! Sau một doạn đường ngắn, Cao Nhẫn và người kia đã bước hẳn vào trung tâm của Quân Sơn đạo am.
Trước mặt là một kiến trúc lớn, không giống cung đình mà giống như cung đình, vì mọi vật ở khu kiến trúc này đều được đánh bóng, sáng như gương. Toàn là vật liệu quý, được đèn nến soi sáng, lộng lẫy, xa hoa.
Cũng không giống một đạo am, mà cũng giống như một đạo am bởi sự tĩnh lặng, hương trầm thơm ngát, chốc chốc lại có một tiếng chiêng vang lên, làm người đứng xem cảm thấy lòng mình lắng lại, cảm thấy như đã thoát khỏi trần tục nhơ bẩn. Và nhất là cái mái ngói cong vút không khác nào tranh vẽ cung đình của Thái Thượng Lão Quân ở chốn thiên đình. Vừa bước đến, định dừng chân đứng xem thì đạo sĩ đã đưa tay chỉ, nói :
- Mời nhị vị khách nhân đi hướng này!
Theo sau đạo sĩ, Cao Nhẫn và người kia đã bước vào một dãy kiến trúc kiên cố, rộng bao la, ngay phía bên tả đạo am. Qua một số phòng ốc, Cao Nhẫn và người kia đứng lại vì đạo sĩ dẫn đường cũng đã đứng lại, đạo sĩ nói :
- Hai vị cùng đi với nhau chắc đồng ý cùng chung một phòng? Đây! Đã tới phòng của nhị vị! Mời!
Đưa tay mở cửa phòng, đạo sĩ lùi lại ba bước rồi khom mình :
- Nhị vị vào phòng nghỉ ngơi một lúc, sẽ có người dọn thức ăn đến ngay! Cáo biệt!
Khoa chân, Cao Nhẫn bước vào, đứng ở giữa phòng quan sát bốn bề.
Nhìn lại, thấy người kia chưa bước vào, Cao Nhẫn ngạc nhiên hỏi :
- Huynh đài! Sao không vào đi?
Người kia thoáng ngập ngừng, rồi cũng bước vào, vừa đến nơi, người kia đã đi luôn ra phía sau, chỉ nói với lại :
- Ta vào nghỉ trước đây! Huynh đài cứ tự tiện.
Nhìn người kia đi khuất vào phòng trong, Cao Nhẫn không khỏi thắc mắc, đã định khi về đến phòng sẽ dò hỏi tìm hiểu về thái độ của gã, nào ngờ...
Kéo lại một chiếc ghế, Cao Nhẫn ngồi nhắm mắt suy tính.
Cộc, cộc, cộc...
Có tiếng gõ cửa, Cao Nhẫn lên tiếng hỏi :
- Ai đó! Có việc gì?
Có tiếng trả lời :
- Tiểu đạo xin đem hầu cơm nước!
Cao Nhẫn nói :
- Vào đi!
Hai tiểu đạo trước sau bước vào. Sắp đặt thức ăn, đồ uống đủ cho hai người dùng, xong khom mình nói :
- Nhị vị khách nhân có gì sai khiến?
Cao Nhẫn vẫn ngồi, lắc đầu :
- Được rồi, không dám phiền đến nữa!
Trước khi đi ra, một trong hai tiểu đạo còn nói :
- Hôm nay không có rượu! Nhị vị khách nhân xin dùng tạm cơm chay. Ngày mai đã là Đại Điễn lễ, cần phải thanh tịnh, nhị vị thông cảm cho! Đến mai tệ am nhất quyết sẽ bồi tội sau! Cáo biệt!
Thuận tay, khép lại cửa phòng, hai tiểu đạo bước đi.
Cao Nhẫn thấy hai tiểu đão đã bỏ đi, mới kêu người kia :
- Huynh đài!
Đã có cơm đây! Mời huynh đài ra dùng bữa nào!
Chỉ nghe người kia nói :
- Ta không đói! Huynh đài cứ tự tiện!
Cao Nhẫn mỉm cười, lắc đầu đáp :
- Thì cũng ra ngoài này đàm luận chút nào! Huynh đài e lệ giống nữ nhân quá đi thôi!
Nghe tiếng chân người kia bước ra, Cao Nhẫn khẽ mỉm cười một mình. Vừa bước ra, người kia đã trừng mắt :
- Huynh đài nói ai giống nữ nhân?
Cao Nhẫn nhún vai :
- Không nói thế! Làm sao vời được huynh đài ra đây! Thôi chúng ta cùng dùng bữa vậy.
Người kia không nói gì, ngồi mạnh xuống ghế, hai tay đưa ra xới cơm, ăn luôn miệng.
Được chừng hai bát, người kia buông đũa, nhìn Cao Nhẫn nói :
- Vậy được chưa? Huynh đài còn nói gì nữa không?
Lắc đầu khó hiểu, Cao Nhẫn nói :
- Là tại hạ sợ huynh đài đói bụng nên cố ép vậy thôi! Mong huynh đài thứ cho tại hạ lắm lời! Huynh đài cứ tự nhiên!
Nãy giờ, người kia cứ ngỡ Cao Nhẫn có ý châm chọc, sau khi nghe Cao Nhẫn nói, người kia thở dài, nói khẽ :
- Tạ ơn huynh đài đã có lòng! Ta họ Nam Cung, huynh đài gọi thế cũng được.
Cao Nhẫn cũng nói :
- Tại hạ là Cao Nhẫn! Được gặp gỡ Nam Cung huynh đây cũng là hữu duyên. Có gì sơ sót, mong Nam Cung huynh bỏ lỗi cho!
Người kia trố mắt nhìn Cao Nhẫn :
- Cao Nhẫn! Huynh đài là Cao Nhẫn?
Cao Nhẫn lại nhún vai :
- Cao Nhẫn thì đã làm sao chứ? Thần thái Nam Cung huynh đây thật là thoát tục, siêu phàm. Là long và phụng của võ lâm đây! Chứ Cao Nhẫn này đã là gì đâu mà Nam Cung huynh phải sửng sốt?
Người có họ Nam Cung vội đứng ngay dậy :
- Không ngờ vô tình ta được gặp Cao huynh đây, quả là Hoàng thiên không phụ kẻ có lòng. Xin Cao huynh thứ tội, ta tên độc có một chữ Ngọc, nãy giờ có nhiều khiếm khuyết, Cao huynh xin đừng để tâm làm gì!
Cao Nhẫn vội đáp :
- Không có gì! Nam Cung huynh nào có chi thất lễ, chỉ tại Cao Nhẫn này lắm lời thôi!
Nam Cung Ngọc nhìn thức ăn còn trên bàn nói :
- Cao huynh chưa dùng bữa? Vậy hãy dùng đi, ta xin ngồi đây hầu chuyện với Cao huynh được rồi!
Cao Nhẫn gật đầu, cúi xuống ăn.
Qua một loáng, Cao Nhẫn đã buông đũa, Nam Cung Ngọc thấy vậy hỏi :
- Sao Cao huynh đã vội thôi? Sao ăn ít vậy?
Cao Nhẫn cười :
- Chứ Nam Cung Ngọc huynh chỉ dùng có hai bát đã thôi, sao không nói là ít, tại hạ đã dùng bốn bát, gấp đôi Nam Cung Ngọc huynh! Vậy phải gọi là nhiều chứ? Đúng không?
Nghe lý sự của Cao Nhẫn, Nam Cung Ngọc chỉ biết cười trừ, Nam Cung Ngọc lại lên tiếng :
- Tiểu... à tiểu đệ đã nghe tiếng Cao huynh từ lâu, nay đã gặp mặt đây, thật là thỏa lòng khát vọng.
- Có gì đâu mà Nam Cung huynh quá nặng lời, Cao Nhẫn thật không dám nhận!
- Tiểu đệ từ lâu nghe nói, Cao huynh quyết không đội trời chung với Hiệp Thiên bang, cớ sao hôm nay Cao huynh lại đến đây?
Cao Nhẫn trầm ngâm một lúc sau mới đáp :
- Đã năm phen bảy lượt tại hạ tận sát người Hiệp Thiên bang, trước sau đã giết hai tên Chuyên lệnh sứ, không hiểu có ý định gì mà lão Quân chủ gởi thiếp mời tại hạ đến dự Đại Điễn lễ ra mắt này?
Nam Cung Ngọc ngạc nhiên :
- Thế nào? Vậy Cao huynh có thiếp mời dự thật à?
Cao Nhẫn cũng kinh ngạc :
- Không thật chẳng lẽ lại giả được sao? Nếu không có thiếp chúng ta đặt chân được xuống thuyền ư? Nam Cung huynh nói vậy, chẳng lẽ...
Nam Cung Ngọc thoáng biến sắc :
- Chẳng lẽ sao? Cao huynh có ý gì?
Cao Nhẫn nhìn ngay mắt Nam Cung Ngọc :
- Là tại hạ nói, Nam Cung huynh không lẽ không có thiếp mời?
Nam Cung Ngọc không đáp, mà chiếu ánh mắt vào mắt của Cao Nhẫn, cả hai cứ thế mà nhìn nhau.
Được một lát, cụp đôi mắt lại, Nam Cung xác nhận :
- Đúng vậy! Cao huynh đã nói dúng, tiểu đệ quả là không có thiếp mời! Cao huynh định sẽ làm gì đây?
Đôi mắt Cao Nhẫn vẫn nhìn Nam Cung Ngọc :
- Nam Cung huynh yên tâm! Tại hạ không để tâm đến việc của Nam Cung huynh!
- Trái lại, tiểu đệ thật sự quan tâm đến việc của Cao huynh!
Cao Nhẫn sửng sốt :
- Nam Cung huynh nói thế là sao?
- Còn sao nữa? Cao huynh và lão Quân chủ như là mặt trăng và mặt trời. Sai biệt nhau rõ ràng! Việc lão gởi thiếp mời đến Cao huynh đã là một việc lạ, đồng thời, việc có mặt của Cao huynh ở đây, vào giờ này cũng là một việc lạ nữa! Cao huynh có cho là tiểu đệ nói đúng không?
Nghe lập luận của Nam Cung Ngọc, Cao Nhẫn rất thán phục, Cao Nhẫn đáp :
- Giữa tại hạ và lão bắt buộc phải có kẻ mất người còn, việc lão cho mời tại hạ với ý định gì, trước sau gì cũng rõ thôi. Còn việc tại hạ đến đây thực sự là có ý khác, nhưng chưa thể nói với Nam Cung huynh được.
Nam Cung Ngọc khẽ lẩm bẩm :
- Còn ý gì nữa, nếu không phải là muốn quấy rối lão...
Cao Nhẫn biến hẳn sắc mặt, đứng bật dậy ngay :
- Nam Cung huynh...
Nam Cung Ngọc đưa tay ra dấu bảo Cao Nhẫn hãy bình tĩnh :
- Cao huynh ngồi xuống đã! Yên tâm đi, tiểu đệ không tố giác việc này đâu, mà còn...
Cao Nhẫn giận mình đã mất bình tĩnh, ngồi xuống hỏi :
- Mà còn sao?
- Mà còn có thể giúp Cao huynh một tay!
Cao Nhẫn im lặng không đáp ứng, cũng không từ chối.
Nam Cung Ngọc hỏi dồn :
- Cao huynh! Sao Cao huynh không nói gì cả?
Cao Nhẫn thở dài, nói trong hơi thở ra :
- Biết nói làm sao đây? Tâm huyết của Cao Nhẫn này Nam Cung huynh đã biết, còn lòng dạ của Nam Cung huynh...
Nam Cung Ngọc ngắt lời :
- Được, Cao huynh nghe tiểu đệ nói đây. Giữa tiểu đệ và lão Quân chủ có một mối gia thù. Hôm nay tiểu đệ lẻn vào đây là quyết một mất một còn với lão.
Vẫn không nghe Cao Nhẫn đáp lời, Nam Cung Ngọc mắt đã muốn rơi lệ, nói với Cao Nhẫn :
- Tiểu đệ đã biết chí hướng của Cao huynh từ lâu. Cao huynh không thể nào xem tiểu đệ như một người cộng sự trong việc thanh toán lão Quân chủ ư? Xem như tiểu đệ không có nói việc này với...
Cao Nhẫn đưa tay chận lại, nói :
- Khe khẽ chứ Nam Cung huynh! Tai vách mạch rừng, khó nói được lắm!
Cao Nhẫn và Nam Cung Ngọc đồng định thần lắng nghe...
Lát sau, Cao Nhẫn lên tiếng :
- Đây là việc hệ trọng, quan hệ đến toàn cục võ lâm, nếu Nam Cung huynh cùng chí hướng, chúng ta có thể cùng bàn luận xem sao?
Nghe Cao Nhẫn đáp ứng nguyện vọng của mình, Nam Cung mừng rỡ nói :
- Đa tạ Cao huynh đã có lòng chiếu cố. Việc tiểu đệ đến đây, gia mẫu không hay biết. Vì xem ra, việc này đối với tiểu đệ mười phần thất bại đủ mười phần. Được Cao huynh hỗ trợ, tiểu đệ hoàn toàn yên tâm!
Cao Nhẫn dò hỏi :
- Giữa Nam Cung huynh và lão Quân chủ hận thù như thế nào?
Căm phẫn đến cùng cực, Nam Cung đáp :
- Giết thác toàn gia ngoại tổ, làm nhục mẫu thân, sau còn toan giết hại.
Cao Nhẫn thừ người :
- Đây quả là mối thâm thù bất cộng đới thiên! Lão quả có làm việc tày đình đó à?
Nam Cung Ngọc trừng trừng như muốn tóe lửa :
- Cao huynh không tin?
- Không phải, không phải nói vậy. Tại hạ vốn đã biết từ lâu, lão Quân chủ là người giả nhân giả nghĩa, mở miệng ra là thi ân bố đức. Nhưng thật sự lão chỉ muốn làm bá chủ võ lâm. Nhiều huyết án trên giang hồ đều là kiệt tác của lão, nhưng vô bằng cớ, nói ra không ai tin. Tại hạ từng mong tìm được một nhân chứng để lột bộ mặt nhân nghĩa của lão. Nay đã có Nam Cung huynh thì quả là phen này lão đã mạt vận.
Sau khi nghe lời phân trần của Cao Nhẫn, Nam Cung Ngọc mới dịu đi cơn giận dữ, chỉ khẽ gật đầu đồng ý với lời Cao Nhẫn vừa nói. Cao Nhẫn lại hỏi :
- Lão Quân chủ tướng mạo ra sao? Xuất xứ thế nào? Nam Cung huynh biết chứ?
Gật đầu, Nam Cung Ngọc đáp :
- Tuổi lão đã ngoại thất tuần, tướng mạo uy nghi, tiên phong đạo cốt. Nhìn vẻ bề ngoài của lão, mấy ai tin là lão đã làm những chuyện tày đình kia. Còn xuất xứ của lão ư? Khắp trời này, còn ai biết rõ hơn tiểu đệ.
Cao Nhẫn rất vui mưng, hỏi ngay :
- Nào, nói nghe xem! Lão xuất xứ như thế nào?
Thoáng chút bâng khuâng, như để nhớ lại, Nam Cung nói :
- Lẽ ra tiểu đệ phải gọi lão là sư bá, vì lão là đệ tử duy nhất của ngoại tổ, ngoài gia mẫu. Sau đó... sau đó cách đây gần hai mươi năm, lão bỗng nổi thú tánh, làm nhục mẫu thân, lúc này mẫu thân vừa đến tuổi cập kê. Nói cho đúng ra, lão đáng là thúc phụ của gia mẫu, vì ngoại tổ đến lúc cao tuổi mới lập gia thất...
Chừng như quá xúc cảm, Nam Cung Ngọc nghẹn ngào không nói được nữa. Cao Nhẫn vẫn lẵng lặng ngồi nghe, không hỏi chen vào.
Một lát sau, Nam Cung Ngọc mới thuật tiếp :
- Sau khi làm nhục mẫu thân, bị ngoại tổ bắt được, lão không chịu tội, trái lại, lão đang tay sát hại ngoại tổ, cả ngoại tổ mẫu cũng không thoát chết. Gia mẫu hoảng sợ bỏ trốn, lão đuổi theo truy sát, nhưng sau đó nhớ lại trong mình ngoại tổ còn bí kíp võ công được dị nhân trao tặng, lão sợ mất bí kíp trong khi đuổi theo gia mẫu, lão bèn bỏ mặc gia mẫu, trở về thu nhận bí bíp. Suốt hai mươi năm dài ngậm đắng nuốt cay, sống trong tủi nhục, gia mẫu nuôi tiểu... tiểu đệ đến ngày nay. Giả thử là Cao huynh, Cao huynh sẽ làm gì khi biết kẻ gia thù còn sống, và sống rất nhởn nhơ?
Cao Nhẫn sau khi nghe Nam Cung Ngọc thuật chuyện, người Cao Nhẫn như bừng bừng lửa giận. Tím ruột bầm gan. Cao Nhẫn vỗ tay xuống bàn, dằn từng tiếng :
- Lão... đáng chết...
Cái vỗ bàn của Cao Nhẫn làm rung động bát đĩa trên bàn, Nam Cung Ngọc cả kinh, mắt tròn xoe, chờ bọn người Hiệp Thiên bang xông vào chất vấn.
Kịp nhận ra thái độ thất thố của mình, Cao Nhẫn phất tay áo, từ trên đè nhẹ xuống mặt bàn. Một luồng kình lực nhu hòa xuất hiện, phủ trùm mặt bàn, các vật trên bàn do cái vỗ của Cao Nhẫn đang nghiêng ngã, cơ hồ sắp chạm vào nhau, khua lên thành tiếng thì bây giờ bị kình lực từ tay áo Cao Nhẫn phát ra giữ yên lại.
Nhìn bát đĩa trên bàn, Nam Cung Ngọc không thấy sợ nữa, nhưng lại đưa tay bụm miệng cười khúc khích. Vì lúc này, các đồ vật đều nằm ở nhiều vị thế rất ngộ nghĩnh. Có cái bát vừa nghiêng, sắp chạm vào đĩa thì dừng ngay lại ở vị thế nghiêng. Đôi đũa tre chốc đầu lên chực rơi xuống thì dừng ở vị thế chốc dốc đó. Cao Nhẫn nhìn thấy cũng phải bật cười.
Hữu thủ vẫn đưa tay ấn nhẹ, tả thủ đưa ra, đỡ lấy từng món đồ vật, sửa lại cho ngay ngắn, làm xong đâu đó, Cao Nhẫn mới rút tay lại.
Chung quanh vẫn yên tĩnh.
Nam Cung Ngọc không cười nữa mà tròn xoe mắt nhìn Cao Nhẫn mà lòng thấy thán phục. Nam Cung Ngọc bật thốt :
- Võ công của Cao huynh thật là thâm hậu. Chuyện tận diệt Hiệp Thiên bang và giết lão Quân chủ có khả năng đạt được.
Cao Nhẫn đưa tay ra hiệu bảo Nam Cung Ngọc ngồi, Cao Nhẫn cũng ngồi xuống, rồi mới ôn tồn nói :
- Cô chưởng nan minh! Song thủ khó địch lại tứ quyền! Muốn diệt được lão cần phải có nhiều trợ thủ, còn phải nhiều gian nan! Tuy vậy, tâm tại hạ đã quyết, dù phải tan xương, nát thịt lòng vẫn không sờn.
Khâm phục, Nam Cung Ngọc hỏi :
- Võ công của Cao huynh, so với lão Quân chủ thế nào?
Cao Nhẫn khẽ thở dài, thuật lại cho Nam Cung Ngọc nghe những lời tán dương của Hà Thúy Đệ thất chuyên lệnh sứ.
Càng nghe, Nam Cung Ngọc càng sợ, nhưng lòng vẫn bất phục :
- Theo lời gia mẫu nói lại, nếu không là đồng nam thì lão khó lòng luyện bí kíp ấy đến thập thành!
Cao Nhẫn cảm khái đáp :
- Tại hạ e, chỉ cần đạt tám, chín thành cũng đủ làm cho lão trở nên vô địch.
Nam Cung Ngọc không đồng tình, nói :
- Sao Cao huynh đề cao người mà hạ thấp mình thế! Cao huynh nào có kém chi lão!
- Sự thực vẫn là sự thực, sức của tại hạ đã từng đối kháng với năm tên, Chuyên lệnh sứ, tuy thắng thế nhưng không phải không khó khăn. Còn lão, mười hai Chuyên lệnh sứ cũng không chịu được lão một chiêu hoặc nửa thức.
Nam Cung Ngọc rất tinh tế, nói :
- Cao huynh nói không đúng! Trận do lão truyền lại, cách phá trận, đương nhiên lão thừa hiểu. Còn nói gì đến nửa thức hay một chiêu! Tiểu đệ cho rằng lão không hơn được Cao huynh đâu!
Cao Nhẫn phì cười, không nói nữa.
Nam Cung Ngọc chợt hỏi :
- Cao huynh đến đây chỉ có một mình?
Cao Nhẫn nhún vai đáp :
- Có hai trợ thủ đắc lực, nhưng giờ không thấy đâu!
- Ai? Sao lạ vậy?
- Võ Lâm nhị thần, tại hạ và hai lão có hẹn lúc chiều, nhưng đến giờ đó vẫn không thấy tăm dạng đâu cả! Không hiểu đã đến đây chưa?
Nam Cung Ngọc nửa mừng nửa lo :
- Được Võ Lâm nhị thần giúp sức thì còn gì bằng! Nhưng sao lại...
Cao Nhẫn khoác tay :
- Thôi, đến sáng hẳn hay! Bây giờ chúng ta nên nghỉ ngơi để dưỡng thần.
Nam Cung Ngọc cố hỏi thêm :
- Chuyện ngày mai Cao huynh định sẽ làm gì? Sao không cho tiểu đệ biết?
Cao Nhẫn cười khổ đáp :
- Nào có tính gì đâu? Tất cả đều do hai lão định đoạt. Bây giờ không có hai lão ở đây, có muốn tính cũng không biết thế nào mà tính, đành để đến đâu hay đến đó vậy.
Nam Cung Ngọc không yên tâm. Còn Cao Nhẫn đi luôn vào phòng tìm chỗ nghỉ.
- Chương 1 - Bí ẩn gò Loạn Thạch
- Chương 2 - Trăm năm tồn bí ẩn. Tiểu Nhẫn ngộ khai kỳ
- Chương 3 - Thoát hiểm nguy, bắt đầu lưu lạc. Vượt hiểm nghèo, trở lại nhân gian
- Chương 4 - Không phải Cái Bang lại ăn mày. Đã ăn mày lại gặp Cái Bang
- Chương 5 - Bởi bộ giáp Giang hồ xâu xé. Vì lòng nhân, xa vào tay giặc
- Chương 6 - Đâu là chánh, đâu là tà?
- Chương 7 - Đường về Đại Biệt sơn trùng trùng hiểm nguy
- Chương 8 - Một phen ngộ tử kỳ. Thoát hiểm đắc kỳ duyên
- Chương 9 - Ảo Ma chân kinh
- Chương 10 - Du nhập Giang hồ
- Chương 11 - Hiển lộ võ công. Quần ma khiếp vía
- Chương 12 - Giải cứu Đường Gia. Ma vương xuất hiện
- Chương 13 - Về chốn cũ phá bỏ Loạn Thạch cước. Bước kiên trình nhi nữ tỏ tình thâm
- Chương 14 - Giúp Cái Bang thoát vòng nguy khốn. Hiển thần uy, một kiếm phá Tam Tài
- Chương 15 - Võ Lâm nhị thần
- Chương 16 - Gặp lại cố nhân, vui buồn lẫn lộn
- Chương 17 - Võ Đang, Nga Mi: Chánh phái?
- Chương 18 - Không Động sơn
- Chương 19 - Vạn nẻo tìm thù nhân. Hiểm nguy giăng điệp trùng
- Chương 20 - Hồng Đạn Tử Vân Hương
- Chương 21 - Vào hang hùm Nhị Long quyết bắt hổ
- Chương 22 - Thịnh hội Quân Sơn (1)
- Chương 23 - Thịnh hội Quân Sơn (2)
- Chương 24 - Nhị hộ pháp Ảo Ma Cung
- Chương 25 - Chấp chưởng đế vị Cung chủ Ảo ma cung
- Chương 26 - Họa vô đơn chí
- Chương 27 - Kim Lăng mộ của người chết hay người sống?
- Chương 28 - Phật không vào địa ngục thì ai vào?
- Chương 29 - Long tranh - Hổ đấu - Đạo ma tranh cường
- Chương 30 - Chim lồng cá chậu
- Chương 31 - Ngục tù tăm tối. Thân phận tỏ tường
- Chương 32 - Tháo cũi xổ lồng. Trái tim tan nát. Lạnh giá tâm hồn
- Chương 33 - Nhân định thắng thiên
- Chương 34 - Báo cừu rửa hận (Hết)