Chương 10 - Du nhập Giang hồ
Tiết trời đang xuân!
Mọi cảnh vật trong thiên nhiên như đắm mình trong cảnh sắc an bình.
Do đó mọi vật như thêm phần tươi thắm hơn, huy hoàng hơn. Cảnh trí làm náo nức lòng người, khiến người thêm rộn rịp hơn. Đây đó, tài tử giai nhân dập dìu. Người tản bộ hưởng chút nắng xuân. Kẻ cưỡi ngựa dạo thăm phố xá.
Y phục muôn màu, sặc sỡ như những cánh bướm vui xuân, làm cảnh vật rực rỡ thêm phần rực rỡ. Nhàn du đến khi muốn nghỉ chân, giàu thì cao lâu, nghèo thì từu điếm. Đó đây đều là những cảnh sắc thanh nhàn.
Thú hơn, thì vào một trà đình ở ven sông Hàn, ngồi trong lầu cao, thăm thú cảnh trí bên sông và trên sông. Đây cũng là chốn tao nhân mặc khách thường lui tới để hưởng thú tiêu dao, để tìm thi hứng, hoặc mọi nhã hứng khác.
Ở một bàn trà, trên lan can của một trà đình như thế, một trang thư sinh, vận trang phục màu xanh thiên thanh, cũng đang vừa nhấm nháp chung trà Long tĩnh thượng hảo hạng, vừa ngó mọi cảnh trí bên sông và trên sông như đã nói.
Chàng thư sinh đang tìm thi hứng?
Không ai biết được thi hứng của chàng! Chỉ thấy chàng thư sinh đang đăm chiêu, tư lự. Tiếng chân bước rộn ràng trên thang gỗ dẫn lên lầu trên của trà đình vang lên, phá tan sự yên tĩnh của không gian.
Đó đây, có vài người khó chịu, có kẻ nhăn mày, người nhíu trán. Vì có khi nào, và cũng chẳng có người nào bước lên trà đình lại với thái độ nhốn nháo đến thế, thiếu tế nhị đến thế.
Nghe tiếng chân bước, chưa xem thấy người, chỉ qua tiếng chân nện vào thang gỗ, nhận định như thế không biết được sai?
Dù sao mọi thi hứng, nếu có, của tao nhân mặc khách đều đã bị tiếng chân vang lên làm bay biến đi mất cả. Họ khó chịu là phải.
- Trên này có bàn trống, mau thỉnh tiểu thơ lên.
Vừa nghe lời độc thoại, dịu êm như tiếng oanh hót, thánh thót như tiếng ngọc vỡ, mọi khó chịu của mọi người tiếp sau thi hứng cũng biến mất luôn!
Mọi cặp mắt đổ dồn về phía chiếc thang gỗ, nằm khuất vào góc của trà đình... Trông chờ được thấy dung nhan người ngọc...
Và người ngọc đã xuất hiện... không phải một mà hai...
Cả hai đều đẹp tuyệt trần, xiêm y thướt tha, gót sen thoăn thoắt, làm cho không gian của trà đình vốn đang trầm lặng, lại trở nên ấm áp tươi vui.
Chưa hết...
Lại một người ngọc nữa xuất hiện. Nếu hai nàng trước là đẹp, thì nàng này là tuyệt, tuyệt đẹp. Nước da trắng mịn màng, khuôn mặt rực rỡ như vầng trăng. Đến xiêm y thì thập phần xinh xắn, đi đứng khoan thai. Đến lúc này, không gian như đang trong mùa xuân ấm áp, lại bỗng trở nên cô đặc lại vì mọi người mải trố mắt nhìn, như quên cả mình đang làm việc gì.
Người đang cầm chung trà, định đưa lên miệng thì hóa đá, tay vẫn lưng chừng dừng lại. Kẻ định rót thêm trà, thì lại hờ hững đặt tay lên bình trà rồi để yên đó. Có khi mọi người quên cả thở.
Vừa bước lên thang lầu, thấy mọi người như vậy, cả ba người ngọc đều không lấy làm khó chịu, ngược lại họ thấy khoan khoái.
Một trong hai nàng lên trước, tiến đến bàn trống, không đợi người hầu phục dịch, đã phủi sơ qua mặt bàn, lau sơ mặt ghế, tuy mặt bàn và ghế đã được người hàu khi thấy có khách đã vội lau qua.
- À! Thì ra nàng ta chỉ là a hoàn!
Mọi người đều nghĩ vậy.
Còn nàng thứ hai, quan sát động tĩnh chung quanh, lấy làm mãn ý.
Nhưng đến khi nhìn thấy chàng thư sinh một mình một bàn ở góc đằng xa, vẫn từ từ nâng chung trà lên nhấm nháp, vẫn khoan thai thưởng thức hương vị trà thơm, vẫn đăm chiêu đưa mắt nhìn ra sông, như không quan tâm gì đến việc vừa có ba giai nhân xuất hiện ở trà đình, hay ít ra thì cũng là việc vừa có khách lạ đến, phá vỡ sự yên tĩnh của người hưởng thú tiêu dao. Vô duyên, vô cớ, bỗng nàng này thấy bực bội khó chịu, vừa đưa tay chạm nhẹ vào người ngọc thứ ba, vừa tằng hắng vừa liếc mắt nhìn chàng thư sinh, có ý bảo: "Xem này, đằng kia có một gã, trông dáng dấp như thế mà chắc tai đã điếc, mắt đã mù!"
Người ngọc theo sau hiểu ý, vừa an tọa trên ghế, đã đưa tay đập mạnh lên bàn chát một tiếng, và quát lên lanh lảnh :
- Cho trà!
Thật là nực cười cho bọn người vừa suýt xoa khen thầm người ngọc, đã vội giật mình vì thái độ giận dữ của giai nhân, và lại sợ sệt khi nghe tiếng oanh vàng quát ra lảnh lót! Mọi người quay trở lại với bình trà, chung trà của mình, có người sợ hơn, vội để tiền trên bàn, rón rén bước xuống, đi xa.
Rót xong một lượt trà, các giai nhân uống nhanh như voi cuốn. Cái nóng của trà mới châm làm cho người ngọc thứ ba như nguôi giận.
Nàng nói với hai nàng kia :
- Mặc kệ hắn ta! Các ngươi nhìn gì mà nhìn lắm thế?
- Tiểu thư...!
Vì cả hai nàng cùng thốt lên, nên cả hai đồng ngưng lại.
Cô nàng lúc nãy lau bàn, như vai vế nhỏ hơn nên đưa mắt nhìn cô kia, ý như bảo: "Chị nói đi".
Cô kia hiểu ý, đáp :
- Bẩm tiểu thư, chúng tiểu nhân đâu thèm nhìn hắn làm chi? Vì hắn cũng đâu có chi đáng kể!
Qua lời thoại, mọi người nghe được đều hiểu đây là một vị tiểu thư nào đó, đến trà đình thưởng lãm trà thơm sau một chuyến du xuân, còn hai cô nương kia chỉ là hai thị tỳ.
Ước chừng sau một tuần trà, vị tiểu thư càng cảm thấy khó chịu khi thấy chàng thư sinh nọ hầu như không đếm xỉa gì đến chủ tớ mình.
Một cô thị tỳ chừng hiểu ý, nháy nhó với vị tiểu thư và đưa mắt nhìn chàng thư sinh nọ. Cô tiểu thư nhẹ gật đầu. Cô thị tỳ bèn đứng lên, tiến về phía bàn của chàng thư sinh.
Mọi người chung quanh nhìn thấy, đoán biết có chuyện không hay, đồng đưa mắt nhìn theo, xem sự việc diễn biến.
Đến chỗ chàng thư sinh ngồi, cô ta tỳ cả hai bàn tay vào bàn, hất hàm, xấc xược nói :
- Này, ta xem ngươi ngồi đây rất chướng mắt đấy!
Nghe hỏi, chàng thư sinh làm như đến lúc này mới trông thấy có người đến gần mình, chàng đưa mắt nhìn lại, rồi nhún vai thốt :
- Cô nương, tiểu sinh ngồi đây, nào có động chạm gì đến cô nương?
- À! Ngươi còn ở đó mà mồm mép. Ta hỏi ngươi, ngươi ngồi ở đây đã lâu, thế ngươi có trông thấy gì không?
Chàng thư sinh đảo mắt nhìn khắp phòng một lượt, rồi chàng nhẹ gật đầu, đứng lên rồi đáp :
- Vâng, tiểu sinh hiểu rồi!
- Ngươi hiểu gì?
- Chắc cô nương là người nhà quán, thấy tiểu sinh ngồi đã lâu nên... vậy thôi, tiểu sinh xin lui chân.
Nói xong, chàng thư sinh đặt nơi bàn một nén bạc, rồi quay gót lui ngay, khiến cô nàng kia ớ người, không biết phải làm sao đây? Vì chàng thư sinh nọ có vẻ là người chất phác, tay chân mềm yếu, trói gà không chặt.
Lúc đi ngang bàn của chủ tớ vị tiểu thư, đưa mắt thấy vị tiểu thư, chàng thư sinh nọ ngẩn người nhìn chăm chú vị tiểu thư. Cô thị tỳ còn lại thấy cảnh này bèn lên tiếng, vừa nói, vừa khúc khích cười :
- Thế mà ta cứ tưởng ngươi không có mắt!
Chàng thư sinh nghe vậy, luống cuống, đỏ mặt, làm khuôn mặt của chàng vốn đã trắng trẻo như một thư sinh chính hiệu nay đỏ mặt lên trông càng yếu ớt hơn. Vị tiểu thư thấy vậy bèn cười lên, hai cô thị tỳ cũng cười theo, làm cho mọi ngưới cũng cười ồ lên.
Nghe những tiếng cười nổi lên, biết họ cười mình, chàng thư sinh cúi đầu quay đi thật nhanh.
Bỗng đến gần thang lầu, chàng thư sinh trượt chân, bắt buộc phải bám người vào tay vịn, xoay người một lần mới đứng vững được. Vừa may một bóng đen vút thật nhanh lên lầu, lướt qua ngay bên cạnh chàng thư sinh.
Chứng kiến việc này, ai cũng phải mừng thầm cho chàng thư sinh.
Nếu không vì cái trượt chân đó, có lẽ chàng đã va phải vào nhân vật vừa phóng vút người vượt lên, và ắt có lẽ chàng khó toàn mạng. May thật may, khéo thật là khéo!
Nói thì chậm, nhưng sự việc diễn tiến không đầy cái chớp mắt. Bóng đen vừa hiện thân, liền đến bên cạnh vị tiểu thư, khom mình thi lễ rất đúng mực, nói :
- Bẩm tiểu thư, có người muốn gặp tiểu thư!
- Ai?
Chàng thư sinh vẫn đứng yên, nghe qua lời nói của gã áo đen cùng vị tiểu thư, thì một bóng người lại nhẹ lướt qua chỗ chàng đứng. Lúc này chàng nhún vai, rồi đưa chân định bước xuốn.
Bóng người lên sau, vừa kịp nghe cô tiểu thư hỏi thuộc hạ, bèn lên tiếng đáp thay :
- Ta.
- Kẻ nào?
Bóng người chớp động, hai cô thị tỳ đồng lúc phát ra câu hỏi đã nhanh chân đứng ngáng trước mặt vị tiểu thơ, hai tay đưa ra, đã thấy hai trường kiếm loang loáng trước mặt. Té ra họ đều giấu kiếm trong người, khéo đến nỗi khó có người nhận thấy.
Lại là một thanh niên, mặc võ phục trắng, mày thanh mũi tú, dung mạo như Phan An. Chàng thanh niên thấy cử chỉ của hai thị tỳ, bèn cười khẩy rồi nói :
- Thế nào? Kẻ hèn này muốn ra mắt Trịnh tiểu thư, việc này có chi là thấy lễ?
- Lui ra!
Vị tiểu thư nạt hai thị tỳ, xem lại dung mạo của chàng thanh niên, rồi đưa mắt nhìn chàng thư sinh như có ý so sánh, vừa kịp thấy chàng thư sinh nhìn mình, và nghe chàng lẩm bẩm :
- Té ra đây là Trịnh tiểu thư, Trịnh Hiểu Thiên!
Gật gật đầu, ra vẻ đã nhớ lại, chàng thư sinh bước xuống.
Trịnh Hiểu Thiên vội kêu :
- Chàng kia! Sao lại biết ta?
Chàng thư sinh vẫn làm ra vẻ không nghe, vẫn đi tiếp, người khuất hẳn, tai vẫn còn nghe.
Còn chàng thanh niên nghe Trịnh Hiểu Thiên nói thế bèn lên tiếng :
- Ái nữ của một nhất bang chi chủ, ai người không biết đến danh, không nghe được tiếng?
Chàng thư sinh tuy khuất mình dưới thang cầu, tai cũng đã nghe được lời chàng thanh niên nói, chàng vừa đi tiếp ra khỏi trà đình, vừa lẩm nhẩm nói nho nhỏ :
- Hay thật, nhắc đến Tào thì đã trông thấy Tào!
Chàng nói chàng hiểu, không ai hiểu nổi ý chàng.
Dọc theo sông Hàn, rải rác nhiều trà đình, tửu quán. Ngang qua tửu quán nào, chàng thư sinh cũng đưa mắt nhìn quanh, khi không nhìn thấy điều chàng trông được thấy, chàng lại tiếp tục bỏ đi.
Tướng đi vẫn có vẻ thong dong, nhàn hạ, như người đi du xuân, chàng đi mãi, càng đi, nhìn vẻ mặt cũng đoán biết là chàng đang thất vọng.
Nếu có ai đi kề bên, hẳn đã nghe chàng nói nho nhỏ :
- Tại sao không gặp người nào cả? Lạ thật!
Chàng đang tìm ai? Và người chàng muốn gặp chắc không là số ít!
Đã đến chỗ thưa người, nhà vắng, chàng lưỡng lự, nửa muốn quay lại, nửa muốn tiếp tục đi, thì...
- Chó con! Đứng lại!
Chàng dừng chân lại ngay, quay lại, thấy một gã có lẽ là người vừa được ai đó gọi là chó con, đang chạy nhanh về hướng chàng đang đứng.
Nhìn qua bộ dạng bên ngoài, chàng thoạt mừng, vì đấy là Cái bang đệ tử. Rồi chau lại đôi mày, vì chàng nhận thấy người đệ tử Cái bang đang mang thương tích, và đang bị truy đuổi. Chàng bước nhanh đến, chận bước gã Cái bang và lên tiếng nói ngay :
- Tiểu ca, đừng sợ, tại hạ xin giúp một tay!
Rồi không đợi phản ứng của gã Cái bang, chàng đưa tay đón đỡ lấy gã, xoay người định chạy đi...
Vút... vút... vút...
Năm bóng gã hắc y xuất hiện. Một gã quát :
- Tên kia, muốn sống, hãy để gã kia lại!
Chàng thư sinh không đáp, vẫn chăm chú nhìn vết thương của gã Cái bang.
Bọn năm tên không nghe chàng thư sinh đáp, lại tiếp tục quát tướng lên :
- Tên kia, nếu mi không điếc, ắt mi không muốn sống nữa rồi!
Chàng thư sinh đến lần này mới thôi nhìn gã Cái bang, mắt chàng long lên, tinh quang xạ bắn ra lạnh lẽo, chàng hất hàm, hỏi cả năm tên :
- Xin hỏi, tiểu ca này phạm tội gì tày đình? Đã bị thương, lại còn phải bị truy sát?
- Việc của lão gia, ngươi không cần phải biết, muốn biết, hãy xuống mà hỏi lão Diêm vương!
Chàng thư sinh thật sự nổi giận, định lên tiếng thì đã nghe gã Cái bang 'hự' lên một tiếng. Hoảng hốt, chàng đưa mắt nhìn lại gã Cái bang, thì thấy nơi huyệt Kiên Tĩnh vừa cắm sâu một mũi phi tiêu.
Chàng dậm chân như trách mình đã quá sơ ý. Rút vội mũi phi tiêu, điểm huyệt chỉ huyết, đưa lên mũi ngửi, mặt thoáng lộ nét vui mừng, tay đã phất nhanh, rồi nói :
- Trả lại cho người đây!
Thì ra trong lúc chàng đang đối đáp với một gã hắc y, thì một tên khác đã lợi dụng lúc này, phóng một mũi phi tiêu nhằm giết được gã Cái bang.
Chàng thư sinh, tai có nghe tiếng xé gió, nhưng ngỡ là chúng nhằm vào chàng, nên chàng nghĩ đứng yên chờ đợi, không ngờ đoán sai ý của đối phương! Khi đưa mũi phi tiêu lên ngửi, phát hiện không có độc, chàng bèn phóng trả lại đối phương.
Chàng nhắm chuẩn, nhưng phóng trả lại nhẹ, nào ngờ võ công tên hắc y nọ quá kém, không đón đỡ kịp, cũng không tránh được, nên mũi phi tiêu đã cắm ngay vào hầu lộ, tên kia chết ngay đương trường, một tiếng kêu la cũng không kịp phát ra.
Thấy vậy chàng thư sinh thoáng sững sờ, còn bốn tên hắc y còn lại sợ sệt, nhìn nhau, rồi nhìn chàng thư sinh, xong nháy mắt ra dấu. Hô một tiếng, cả bốn tên cùng tiến lên vây chàng thư sinh.
Lỡ tay giết một mạng người, đang còn sửng sốt, lại nghe chưởng phong vây quanh, Thanh y thư sinh, một tay ôm gã Cái bang vào lòng để bảo vệ, một tay theo bản năng tự vệ đã phất mạnh tay áo quay tròn, thân hình đã kịp phi lên, vượt khỏi vòng vây, hạ thân cách đấu trường trên ba trượng...
Bùng... bùng...
Một loạt tiếng chạm của chưởng phong vang lên. Thanh y thư sinh nhìn lại. Cả bốn tên Hắc Y đều ngã bắn ngược ra sau, tay chân gãy lìa, đứt hơi mà chết cả. Thất kinh cho chưởng lực của mình, chàng thư sinh ngẩn người
Vút... vút...
Lại năm bóng người xuất hiện, đó là ba chủ tớ vị tiểu thư họ Trịnh, chàng thanh niên vừa xuất hiện ở trà đình, và một tên hắc y lúc nãy đến bẩm báo với Trịnh tiểu thơ. Vừa hiện thân, một cô thị tỳ quát hỏi :
- Ai? Kẻ nào gây ra thảm cảnh này?
Tên Hắc Y cũng nói liền theo sau, vừa nhìn về phía Thanh y thư sinh :
- Mi? Mi chắc đã uống mật gấu, nên mới dám động đến người của Hiệp Thiên bang?
- Hiệp Thiên bang? - Thanh y thư sinh nhắc lại.
- Rõ là ếch nằm đáy giếng! Đến Hiệp Thiên bang của Quân chủ thanh thế lẫy lừng mà mi cũng không nghe đến, thảo nào! Ha ha...
Nghe giọng nói khoa trương, nghe tiếng cười đắc ý của tên hắc y, Thanh y thư sinh mặt lộ vẻ chán ghét. Chàng nói gằn giọng :
- Quân chủ? Quân chủ thì đã làm gì được ta?
Chàng thanh niên nọ, nghe giọng nói, điệu bộ của Thanh y thư sinh, hắn vỗ hai tay, lên tiếng :
- Hay! Hay! Đã lâu lắm kẻ hèn này mới nghe một người nói câu nghe được! Đáng phục!
Gã Cái bang, tuy đang đau đớn, đứng kề bên Thanh y thư sinh cũng cố nói :
- Tiểu nhân cũng phục người như công tử!
Vị tiểu thơ không lộ vẻ gì, chỉ nói :
- Khẩu khí lớn lắm! Xem công tử trói gà không chặt liệu sức được mấy cân phân?
Phất nhẹ tay, tên hắc y được lệnh, rút gọn thanh đại đao, ào tới chém sả.
Thanh y thư sinh, thân hình như tia chớp, đã đứng kề bên tên hắc y, hữu thủ điểm nhanh vào vùng huyệt tên nọ. Tên hắc y hai mắt tròn xoe, mồm há hốc, tay đao còn đưa ra, người thì lại đứng yên như pho tượng.
Thanh y thư sinh nói :
- Gởi lại ngươi cái mạng, nghĩ tình ngươi chỉ là vật hy sinh!
Kinh sợ vì thủ pháp quá nhanh lẹ của Thanh y thư sinh, tiểu thơ họ Trịnh chưa kịp nói gì, thì hai ả thị tỳ, rút thanh trường kiếm tiến đánh Thanh y thư sinh.
Hai ả thị tỳ, tuy phận nữ nhi, thân phận là hầu nữ, nhưng võ công quả là không kém, khá hơn bọn hắc y. Hai thanh trường kiếm như hai con giao long vẫy đuôi, đã thấy kiếm quang chớp đầy trời, phủ kín các đại huyệt của Thanh y thư sinh.
Thanh y thư sinh cười to trong vòng kiếm quang, chàng nói :
- Nam nhi đại trượng phu, không đánh với nữ nhân. Ha ha ha...
Bóng Thanh y thư sinh như cánh chim hồng hộc, tung thân người, vượt khỏi bóng kiếm quang.
Nhìn lại thấy Thanh t thư sinh đã yên vị bên gã Cái bang. Gã Cái bang đưa một ngón tay cái tỏ ý khâm phục. Còn chàng thanh niên nọ nức tiếng hoan hô :
- Hảo thân pháp!
Hai ả thị tỳ phần giận dữ, phần vì sĩ diện, bất kể sống chết, lại ào tới đánh nữa. Trịnh Hiểu Thiên tiểu thư vội quát :
- Dừng tay!
Hai ả thị tỳ nghe lệnh nào dám cãi, hậm hực ngừng tay, đay nghiến nói :
- Bản cô nương tạm tha cho ngươi một phen.
Thanh y thư sinh cười nhẹ không đáp.
Trịnh tiểu thơ nhìn Thanh y thư sinh, nhỏ nhẹ nói :
- Xem ra ta đã xem lầm ngươi, công tử võ công thật đáng khâm phục, xin hỏi, công tử đây tôn danh đại tính là chi?
Thanh y thư sinh chần chừ một lúc, chưa kịp nói.
Ả thị tỳ lại nói :
- Sao? Sợ rồi à? Sao không dám xưng danh tánh ra?
Thanh y thư sinh nhếch mép cười khinh, nói :
- Bản thiếu gia đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, Cao Nhẫn này sợ ai mà không dám nói tên!
- Cao Nhẫn?
Trịnh tiểu thư lẩm nhẩm nhắc lại, ngạc nhiên nghe tên lạ hoắc, nhìn Thanh y thư sinh hỏi tiếp :
- Cao công tử chắc là mới xuất sơn? Chẳng hay lệnh sư là ai, có thể nói cho ta biết được không?
Thanh y thư sinh trả lời :
- Sư phụ lão nhân gia, người đã lâu lắm không đề cập đến chuyện giang hồ, hơn nữa người đã chết. Cao Nhẫn tôi thấy không tiện nhắc đến danh người, mong Trịnh tiểu thơ thứ lỗi.
Không được mãn ý lắm, Trịnh tiểu thơ đành nói :
- Thôi được! Cao công tử đã không muốn nói thì thôi, ta chỉ muốn nói với công tử điều này.
Thanh y thư sinh nghiêng mình đáp :
- Xin tiểu thơ cứ nói, Cao Nhẫn tôi rửa tai lắng nghe!
- Không có chi! Điều ta muốn nói có thể làm cho công tử giận, nhưng ta cũng cứ nói. Đó là công tử từ đâu mà đến, xin hãy trở về. Giang hồ kiếp sát, không phải là nơi để công tử náu thân. Mong công tử suy xét, mà hiểu rõ ý của ta.
Quay lại, ra dấu cho hai thị tỳ, rồi quay về hướng lúc nãy Trịnh tiểu thơ vừa đến định bỏ đi.
Hai thị tỳ đến gần tên hắc y, vỗ vỗ vào các huyệt đạo, mong giải huyệt cho hắn, nhưng không làm sao giải được, một ả kêu lên :
- Tiểu thơ, đây là độc môn thủ pháp, tiểu tỳ không giải được.
Nghe nói là độc môn thủ pháp, Trịnh Hiểu Thiên không muốn bị bêu xấu, nên đứng yên nhìn Thanh y thư sinh, ý muốn nhờ chàng giải huyệt.
Thanh y thư sinh hiểu ý, phất tay một cái, tên hắc y liền cử động. Diễn biến mọi sự từ nãy đến giờ, tên hắc y đã nghe rõ, thấy rõ. Nên vừa được cử động, hắn không dám manh động, cất vội thanh đao, rồi quay lưng bỏ đi luôn.
Trịnh tiểu thơ, qua ánh mắt thầm cảm ơn Cao Nhẫn, và như muốn nhắc Cao Nhẫn nhớ đến lời khuyên lúc nãy của mình. Trịnh tiểu thơ nói thêm :
- Xin Cao công tử nhớ lời ta đã nói. Cáo biệt!
- Khoan đã!
Chàng thanh niên nọ lên tiếng.
- Trịnh tiểu thơ, việc giữa kẻ hèn này và tiểu thơ còn chưa xong, sao tiểu thơ vội bỏ đi?
- Điều các hạ hỏi, ta đã nói vì ta không biết, nên ta khó thể trả lời. Còn việc động thủ thì... thật sự lúc này ta không cảm thấy hứng thú!
- Bất kể tiểu thư có hứng hay không, kẻ hèn này vẫn mong tiểu thư cho biết Tam tú Thần Ưng hạ lạc ở đâu?
Đến đây, Cao Nhẫn vội chen lời :
- Huynh đài tìm Tam tú Thần Ưng?
Bạch y công tử hỏi lại :
- Cao huynh biết họ? Phải! Tại hạ đang cần tìm Tam tú Thần Ưng.
Cao Nhẫn ngạc nhiên hỏi nữa :
- Để làm gì?
Bạch y công tử môi mím chặt, mắt hơi lộ hung quang, không đáp ngay, rồi lại lắc lắc đầu đáp :
- Chưa thể nói được! Trịnh tiểu thơ, mong tiểu thơ đáp ứng yêu cầu này của tại hạ được không?
Trịnh Hiểu Thiên đang nghi vấn về ý đồ tìm Tam tú Thần Ưng của đối phương, nên trả lời ngay :
- Yêu cầu chi? Các hạ cứ nói ra đi, nếu trong khả năng, ta sẵn sàng đáp ứng.
Bạch y công tử cười nhẹ thốt :
- Điều này không có chi là khó khăn, hoàn toàn trong tầm tay của tiểu thư, đó là khi tiểu thư biết tung tích của các sư huynh, mong tiểu thư nhắn cho rằng người họ Đinh đang tìm họ. Được chứ?
Trịnh Hiểu Thiên càng ngạc nhiên hơn gặng lại :
- Họ Đinh? Là các hạ?
- Không thể nói rõ hơn được! Mong tiểu thơ hiểu cho! Tiểu thơ chỉ cần nói thế, họ đủ hiểu.
- Được, ta đáp ứng. Tạm biệt!
Sau khi bọn người Trịnh Hiểu Thiên đã đi xa, Cao Nhẫn định đưa gã Cái bang lúc này đã hôn mê tìm nơi chữa thương. Bạch y công tử đoán được nên nói :
- Cao huynh tìm nơi chữa thương? Tại hạ biết một chỗ!
- Ở đâu? Mong huynh đài chỉ hộ.
- Nhưng Cao huynh liệu chữa khỏi thương tích của tiểu cái này không?
- Tại hạ chưa từng thử, nên khó nói được!
- Thôi được, tại hạ cũng đôi chút biết về y đạo, để tại hạ giúp Cao huynh một tay!
Nghe nói, cả mừng, vì Cao Nhẫn thực sự chưa từng có kinh nghiệm về việc chữa các vết ngoại thương, kể cả nội thương cũng thế. Nghe Bạch y công tử đồng ý giúp đỡ, Cao Nhẫn như trút được gánh nặng, thở ra nhẹ nhõm.
Cao Nhẫn định trao gã Cái bang cho Bạch y công tử, thì hắn đã khoát tay nói nhanh :
- Không được! À... mà không, ý tại hạ muốn nói là Cao huynh nên đỡ người này cùng đi, vì thật sự tại hạ cũng có đôi điều muốn nói với Cao huynh.
Không để ý đến thái độ lúng túng của Bạch y công tử, lại nghe có điều cần nói, Cao Nhẫn giật mình :
- Điều chi?
Bạch y công tử mỉm cười :
- Để xong hẳn nói, chúng ta cùng đi.
Nói rồi phóng người, rẽ vào đoạn con đường nhỏ trước mặt. Cao Nhẫn vội xốc người gã Cái bang chạy theo.
Vừa đến bìa một cánh rừng nhỏ, thấp thoáng đã thấy một ngôi miếu nhỏ, Bạch y công tử đã đứng tại đó, nhìn thấy Cao Nhẫn cũng đã đến, Bạch y công tử nép người khỏi cửa miếu :
- Cao huynh, vào đi!
Bước vào miếu, quan sát chung quanh, ngôi miếu chắc là đã không người nhang khói, nhện giăng bụi bám. Nhưng trên nền miếu, trước tiền điện đã có ai đó quét dọn sạch sẽ.
Ngước nhìn Bạch y công tử, Cao Nhẫn như muốn hỏi. Bạch y công tử thấy thế, liền giải thích :
- Chỗ này, đệ đã lưu lại đây được hai hôm, cũng cố quét dọn, tạm làm chỗ trú chân. Vì không tiện vào thành!
Đặt gã Cái bang nằm xuống, do chạm nền đá lạnh gã Cái bang vừa lạnh vừa đau, nên rên lên một tiếng, rồi tỉnh lại. Cao Nhẫn hỏi ngay :
- Tiểu ca! Tiểu ca ra sao rồi?
Gã Cái bang cố gượng đau, trả lời :
- Đa tạ công tử quan tâm, tiểu nhân không sao, vài vết thương do binh đao, làm tiểu nhân mất máu thế thôi! Bó thuốc, nghỉ ngơi vài ngày là khỏi ngay!
- Bó thuốc? Thuốc gì?
Cao Nhẫn thật sự ngạc nhiên, nên lẩm nhẩm.
Bạch y công tử nghe rõ lời lẩm nhẩm của Cao Nhẫn nên phì cười rồi nói :
- Thuốc kim sang chỉ huyết hoặc linh đơn để trị nội thương, thế Cao huynh không biết à?
Lúng túng, Cao Nhẫn ấp úng nói :
- Tại hạ... không nghĩ đến điều này, nên không mang theo gì cả!
- Thế huynh đệ đồng môn, các vị thúc bá không chỉ vẽ gì cho huynh sao?
- Tại hạ chỉ có một mình, không anh em, không họ hàng!
- Thảo nào! Thế Cao huynh người địa phương nào? Sao lại không họ hàng, thân thích?
- Tại hạ... không biết là mình thuộc địa phương nào, không họ hàng, là không họ hàng, vậy thôi!
Thấy Cao Nhẫn có vẻ khó chịu, Bạch y công tử không hỏi nữa, đưa tay vào bọc lấy ra một túi nhỏ, trút từ trong túi ra một gói giấy và vài lọ be bé. Bạch y công tử mở gỏi giấy ra, đưa cho Cao Nhẫn :
- Đây là kim sang, thuốc đặc biệt của bổn môn, Cao huynh xem này.
Nhón lấy một ít bột trắng trắng, rắc vào vết thương ở sau lưng của gã Cái bang đệ tử. Máu đang rỉ ra đỏ ối, gặp thuốc ngừng lại ngay. Gã đệ tử Cái bang xuýt xoa nói :
- Thật là kiến hiệu, tiểu nhân cảm giác vết thương đã đỡ đau nhiều lắm!
Rắc tiếp bột này vào các vết thương khác, chỉ một lát sau, tên đệ tử Cái bang ngồi bật dậy, nhìn Bạch y công tử ngạc nhiên hỏi :
- Công tử là đệ tử của bậc cao nhân nào mà kim sang của công tử thật là kiến hiệu như thần!
Nhìn Cao Nhẫn, Bạch y công tử có phần nào đắc ý, không trả lời câu hỏi của tên khất cái, mà lại lấy tiếp ra từ một lọ nhỏ, một viên linh đan màu hồng nhạt. Viên linh đan vừa được lấy ra, đã tỏa ra một mùi thơm nhè nhẹ, làm sảng khoái tinh thần. Đưa viên linh đan cho Cao Nhẫn cầm, nói :
- Đây là linh đan, đặc chế của bổn môn, Cao huynh biết không! Người bị nội thương, ngoài vận công tự chữa thương cũng cần phải có linh đan trợ lực. Cao huynh hãy cho hắn ta dùng, thì sẽ biết!
Cao Nhẫn đón nhận linh đan, gật đầu như đã hiểu, trao cho tên đệ tử Cái bang :
- Tiểu huynh đệ, ngươi dùng thử xem sao?
Tên khất cái không chút e dè, đã đưa viên linh đan vào miệng nuốt ngay.
Bạch y công tử nói liền :
- Ngươi nên ngồi điều tức, dùng công lực bản thân mà dẫn thuốc, ắt sẽ có kết quả!
Biết là Bạch y công tử có ý muốn nói cho mình nghe, nên Cao Nhẫn gật đầu cảm ơn.
Trong lúc tên khất cái ngồi vận công điều tức, Bạch y công tử nói :
- Trong lúc hắn đang vận công, chúng ta ngồi đây một là nói chuyện, hai nữa làm hộ pháp luôn cho hắn. Vì người đang trị thương cấm kỵ sự phân tâm, vì phân tâm sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại.
Cao Nhẫn đáp :
- Đa tạ huynh đài ra ơn chỉ giáo, Cao Nhẫn tôi thật sự là không có kinh nghiệm gì về việc này cả!
- Còn các việc khác? Lề lối giang hồ? Hay các cấm kỵ của các môn phái, của các bậc cao nhân? Cao huynh biết không?
Lắc đầu, Cao Nhẫn lúng túng nói :
- Điều đó... điều đó...
- Vậy là thật sự Cao huynh không biết gì cả, đúng không? Bước chân vào chốn giang hồ hiểm trá, người như Cao huynh rất dễ gặp nguy hiểm! Tiểu đệ nói lời ngay, mong Cao huynh đừng chấp!
- Không, Cao Nhẫn tôi tạ ơn còn không đủ, làm sao lại trách huynh đài?
- Cảm ơn Cao huynh đã không khách sáo! Còn tên họ tiểu đệ, huynh không hỏi hay sao?
Lúng túng lại càng thêm lúng túng, Cao Nhẫn nói :
- Tại hạ... xin hỏi quý huynh đài họ tên là gì?
Đưa tay che miệng, khúc khích cười, Bạch y công tử đáp :
- Tiểu đệ tên Phượng, họ là Đinh!
Nghe tên Đinh Phượng, lại nghe giọng cười khúc khích trong như ngọc, Cao Nhẫn vì chưa lịch duyệt giang hồ, không giữ được ý, hỏi ngay Đinh Phượng :
- Đinh Phượng? Tên của huynh đài sao nghe như tên của nữ nhân?... Ấy chết, tại hạ lỡ lời! Đinh huynh, xin thứ lỗi!
Đinh Phượng không một chút giận dữ, thấy sự thành thật của Cao Nhẫn, lòng lại phát sinh hảo cảm :
- Không sao! Cao huynh nào có gì thất lễ? Họ tên cha mẹ đặt, phải sao chịu vậy!
Rồi như để đổi đề tài, Đinh Phượng hỏi Cao Nhẫn :
- Cao huynh liên quan thế nào với tên khất cái này?
- Đinh huynh, điều này tại hạ không nói ngoa, đây là lần đầu tiên tại hạ gặp gã!
- Thế sao Cao huynh lại quan tâm đến gã?
- Một phần không thể làm ngơ trước một kẻ đang gặp bước đường cùng, phần khác... là vì... trước đây lâu lắm rồi, tại hạ có ơn tri ngộ với một đệ tử Cái bang, nên không thể không quan tâm.
- Ơn tri ngộ? Là ai? Nếu không quan trọng, Cao huynh có thể nói rõ hơn?
- Cũng không có gì mà tại hạ phải giấu, trước sau gì tại hạ cũng phải nói cho Đinh huynh và gã này nghe. Vì sau đó tại hạ có việc cần hỏi gã.
Kịp lúc, gã Cái bang đã điều tức xong, vừa xả công đã nghe Cao Nhẫn và Đinh Phượng nói ở phần cuối, nên gã hỏi :
- Công tử và bản bang có ơn tri ngộ như thế nào? Người đó là ai? Xin công tử nói rõ trước!
- Tiểu ca, tiểu ca chắc có nghe nói đến người này chứ, Tiểu Truy Phong Vương Thuận?
- Vương đại sư ca? Sao lại không nghe! Tiểu nhân là sư đệ của người. Công tử có quen?
- Tiểu ca là huynh đệ của Vương đại ca? Là đệ tử của Truy Phong Tẩu Cái Mã tiền bối? May thật, may thật!
- Công tử là ai lại biết đến ân sư?
- Thế tiểu ca có nghe Mã tiền bối nói qua về cái chết của Vương đại ca không? Có nghe người nhắc đến đứa bé thuở ấy, là huynh đệ kết nghĩa của Vương đại ca không?
- Công tử! Công tử là cậu bé ấy? Có, có, ân sư có nhắc đến tên công tử! Hình như công tử được gọi là... là... Tiểu Nhẫn!
Cao Nhẫn và gã đệ tử Cái bang, sư đệ của Tiểu Truy Phong Vương Thuận đồng thốt lên một lúc. Thốt xong, cả hai cùng nắm chặt tay nhau, cười thật là vui, vui vì sự ngẫu nhiên mà cả hai cùng gặp gỡ.
Đang cười, Cao Nhẫn tức Tiểu Nhẫn nghe Đinh Phượng lẩm bẩm :
- Tiểu Nhẫn, Tiểu Nhẫn... nghe quen quá!
- Sao, Đinh huynh đã nghe nói về tại hạ à?
- Cao huynh! Cao huynh làm tiểu đệ rối trí rồi, tiểu đệ đang nghĩ đây, nghĩ ngay đây... Ra rồi.
- Sao?
Cao Nhẫn và gã khất cái lại cùng nôn nóng.
- Cao huynh, Cao huynh chắc không quên người này.
- Ai?
- Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã...
- Là Lã bá bá! Đinh huynh, Đinh huynh gặp Lã bá bá sao?
- Còn sao lại không gặp? Cao huynh! Một mạng này là do Lã bá bá ban cho!
Nói được đến đây, Đinh Phượng lại ôm mặt khóc. Cao Nhẫn và gã Cái bang ngạc nhiên nhìn nhau, rồi cùng lắc đầu, ngồi im.
Đinh Phượng, sau một lúc khóc, đã bình tĩnh, nhìn trân trối Cao Nhẫn, rồi lên tiếng :
- Cao huynh, đệ không thể giấu huynh được! Đệ đây là... Muội đây chính là đứa con còn sống sót của Đinh gia...
- Bất Ủy Khuất Đinh trang chủ, Đinh huynh... Đinh tiểu thơ là con của Đinh trang chủ, Đinh lão gia?
- Phải!
- Thảo nào, Đinh tiểu thơ lại không truy tìm Tam tú Thần Ưng? Tại hạ xuất sơn chuyến này, việc tìm Tam tú Thần Ưng cả bọn, cũng là một mục đích của tại hạ!
Hiểu rõ ra, cả ba cùng mừng vui, lại hàn huyên nhau không ngớt lời, lúc xuýt xoa thán phục, lại chắc lưỡi tiếc rẻ, hoặc hậm hực tức giận.
Gã đệ tử Cái bang, tên gọi Hoàng Nhân, là đệ tử thứ hai của Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng. Đinh Phượng, ái nữ của Đinh Nhất Quán, sau khi được Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh cứu thoát đã gởi ở một nơi thân cận, sau đó đến đưa Đinh tiểu thơ về Không Động.
Sau khi trình bày nguyên ủy sự việc, thương cảm cho nàng, Nhất Quyền Đoạn Ngục Võ Thanh Ngưng, Chưởng môn phái Không Động phá lệ thu nữ đồ đệ. Vậy Đinh Phượng cùng Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình lại là huynh muội.
Do sự việc của Ảo Ma cung chưa rõ ràng, nên thuật qua mọi sự từ khi mất tích, Cao Nhẫn không nói rõ mình là Đế cung Cung chủ của Ảo Ma cung, chỉ nói qua cái không may lại gặp may, tìm được bí kíp võ công. Sau khi luyện xong, xuống núi, để tìm gặp lại người đại ca xưa, đồng thời tìm bọn Tam tú Thần Ưng để trả thù rửa hận. Còn việc Quân chủ, thì Cao Nhẫn thật sự không nghĩ đến từ lâu.
Nhắc đến tên Quân chủ, Hoàng Nhân nói :
- Cao đại ca, tên Quân chủ đó, tuy chưa ra mặt, nhưng Hiệp Thiên bang của hắn, thật sự đang là mối đại họa của võ lâm!
- Đại họa?
Cao Nhẫn thật ngạc nhiên khi nghe điều này. Đinh Phượng khẳng định :
- Đúng thế, phái Không Động tiểu muội lúc này thật sự là tan tác, đấy là kiệt tác của Hiệp Thiên bang.
- Hiệp Thiên bang? Thế, thế... vị Trịnh tiểu thơ nọ không còn là người của Kim Ưng bang sao?
Nghe nhắc đến tên Trịnh Hiểu Thiên, Đinh Phượng lộ vẻ ganh tức :
- Cao huynh còn nhắc đến ả? Ả và cả Kim Ưng bang đều là ưng khuyển của bọn Hiệp Thiên bang.
- Lại thế nữa?
Hoàng Nhân nối tiếp lời của Đinh Phượng :
- Trịnh cô nương thì không đáng nói, bọn Tam tú Thần Ưng mới đúng là bọn người lòng lang dạ sói, bán đứng Kim Ưng bang, trong đó nộp cả sư phụ cho bọn lang sói Hiệp Thiên bang, hầu tâng công đoạt lợi. Trịnh cô nương thì... không biết lòng dạ thế nào? Có điều hiện nay thật sự là tay sai cho Hiệp Thiên bang.
Cao Nhẫn ngẩn người, lộ vẻ không ngờ sự việc lại đến thế này, nên ngồi trầm tư. Bỗng Hoàng Nhân nhớ ra, hỏi Cao Nhẫn :
- Cao đại ca, đại ca nói có vài điều muốn hỏi tiểu đệ, là những điều gì?
Cao Nhẫn được nhắc, bèn hỏi :
- Hoàng đệ! Cớ sao ta tìm khắp trong thành, lại không thấy bóng dáng mặt đệ tử Cái bang nào?
Đinh Phượng như còn ấm ức vì Cao Nhẫn lúc nãy như có vẻ không tin lời cô ta nói về Trịnh Hiểu Thiên, nên cay cú trả lời :
- Còn sao nữa, người Kim Ưng bang và Hiệp Thiên bang truy sát và tận diệt Cái bang chứ sao.
- Truy sát? Tận diệt? Thật không Hoàng đệ?
Hoàng Nhân gật đầu, căm hận, kể :
- Cuối năm trước, Quân chủ của Hiệp Thiên bang sau khi thu phục các phái Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Hoa Sơn, và Trường Bạch, thâu tóm Kim Ưng bang, truy đuổi Tiềm Long bang lại quay qua Cái bang uy hiếp. Bang chủ bản bang sau khi thương nghị với các Trưởng lão, vì khiếp uy của Hiệp Thiên bang, sợ tiền đồ giống như bang Tiềm Long, nên làm kế không thành, ra lệnh cho toàn bang ẩn mặt, giấu tên, thay hình đổi dáng, để tránh việc lạm sát bản bang đệ tử. Thấy không uy hiếp được bản bang, Quân chủ Hiệp Thiên bang ra lệnh đồ sát, bắt được đệ tử nào trước thì truy bức tìm tung tích Bang chủ và các trưởng lão, sau lại giết chết. Đệ tử bản bang tuy căm giận, nhưng vì phải phục tùng lệnh trên, nên phải trốn chu trốn nhủi. Trường hợp như đệ ngày hôm nay là sự minh chứng. Nếu không kịp gặp Cao đại ca và Đinh tiểu thơ, đệ khó mà toàn mạng!
Càng nghe nói, Cao Nhẫn càng thấy ghê sợ cho dã tâm cùng sự độc ác của tên Quân chủ và đồng bọn. Lửa giận phừng lên. Mãi một lúc sau, cố đè nén cơn giận lại, Cao Nhẫn lại hỏi :
- Còn Thiếu Lâm? Không Động?
Đinh Phượng trả lời :
- Thiếu Lâm thì tên Quân chủ chưa động tới, vì hắn nghĩ một là thu phục toàn võ lâm Trung Nguyên vào tay rồi, thì Thiếu Lâm đối với hắn chỉ là việc lấy đồ trong túi. Hai là lúc này số nhân vật võ lâm không nằm trong bang phái nào cũng còn rất đông, chưa kể các cao nhân đã ẩn cư, hắn mà động đến Thiếu Lâm, được coi là cội nguồn võ học Trung Nguyên, hắn e sanh điều bất lợi, nên hắn để đấy chưa động chạm. Còn Không Động, sư phụ của tiểu muội nhờ liên kết được một số nhân vật lợi hại, nên mấy lần bị vây đánh, tuy có tổn thương, nhưng vẫn chưa chịu khuất phục. Tuy vậy, vấn đề bị tên Quân chủ đánh chiếm chỉ là việc một sớm một chiều mà thôi. Tiểu muội hôm nay đi đến đây cũng là ý của sư phụ mà thôi!
- Đinh tiểu thơ định đi đâu? Tìm ai?
Thấy nói cả buổi, mà Cao Nhẫn một tiếng tiểu thơ, hai tiếng Đinh tiểu thơ, Đinh Phượng tức lắm mà không nói được, ngần ngừ một lúc mới trả lời :
- Tiểu muội hôm nay đến đây là mong gặp được...
- Ai?
Ngỡ Cao Nhẫn hỏi mình là gặp ai, mà sao Cao Nhẫn lại quát lớn, Đinh Phượng thoáng giận. Nhưng nhìn lại thần sắc của Cao Nhẫn, thì Đinh Phượng mới biết là lầm. Vì lúc này Cao Nhẫn đang phát lộ thần uy, tai nghiêng ra ngoài, nghe ngóng, rồi cười vang lên, nói to :
- Ta cứ ngỡ là ai lại rình rập nghe lén, té ra là bọn Kim cẩu bang! Này, có giỏi thì bước vào đây, vào đi, cả ba cùng vào đi!
Nghe Cao Nhẫn nói, Đinh Phượng và Hoàng Nhân tỏ vẻ không tin.
Nhất là Đinh Phượng, vì ít nhiều Đinh Phượng cũng là đệ tử của một bậc Chưởng môn, tôn sư một phái, đã dùi mài võ nghệ năm năm, tuy không lâu hơn Cao Nhẫn, nhưng vẫn còn hơn Cao Nhẫn tự học, học mò, mà nàng không nghe một động tĩnh nào. Thế mà Cao Nhẫn lại khẳng định là có, có ba tên. Còn biết đích xác là người của Kim Ưng bang!
Nhưng dẫu không tin, nàng và Hoàng Nhân bắt buộc phải tin, vì đã thấy Cao Nhẫn cười khẩy nói :
- Các người không muốn ra mặt thì thôi! Cho ta gởi lại mỗi người một tiểu án, đem về cho lão Quân chủ và nói nhắn với lão rằng Cao Nhẫn rồi có lúc sẽ tìm đến!
Nói xong, bóng chàng đã mất hút, văng vẳng nghe ba tiếng kêu 'hự' ở ba góc miếu, xa xa. Rồi lại thấy Cao Nhẫn đứng trước cửa miếu, nhìn vào miệng cười cười, chàng nói :
- Chỉ là ba tên chuột nhắt, làm gián đoạn cuộc nói chuyện của chúng ta. Hoàng đệ, có dám vào thành không? Đi, ta, Hoàng đệ và Đinh tiểu thơ vào thành, hôm nay ta phải khao cả hai, mừng cho sự tương ngộ.
Nói xong, tay dắt Hoàng Nhân, ra dấu mời Đinh Phượng đi theo.
Chàng bước ra khỏi miếu.
Đinh Phượng khâm phục thực sự trước võ công của chàng, hai mắt sáng lên, không chậm trễ bước theo ngay.
- Chương 1 - Bí ẩn gò Loạn Thạch
- Chương 2 - Trăm năm tồn bí ẩn. Tiểu Nhẫn ngộ khai kỳ
- Chương 3 - Thoát hiểm nguy, bắt đầu lưu lạc. Vượt hiểm nghèo, trở lại nhân gian
- Chương 4 - Không phải Cái Bang lại ăn mày. Đã ăn mày lại gặp Cái Bang
- Chương 5 - Bởi bộ giáp Giang hồ xâu xé. Vì lòng nhân, xa vào tay giặc
- Chương 6 - Đâu là chánh, đâu là tà?
- Chương 7 - Đường về Đại Biệt sơn trùng trùng hiểm nguy
- Chương 8 - Một phen ngộ tử kỳ. Thoát hiểm đắc kỳ duyên
- Chương 9 - Ảo Ma chân kinh
- Chương 10 - Du nhập Giang hồ
- Chương 11 - Hiển lộ võ công. Quần ma khiếp vía
- Chương 12 - Giải cứu Đường Gia. Ma vương xuất hiện
- Chương 13 - Về chốn cũ phá bỏ Loạn Thạch cước. Bước kiên trình nhi nữ tỏ tình thâm
- Chương 14 - Giúp Cái Bang thoát vòng nguy khốn. Hiển thần uy, một kiếm phá Tam Tài
- Chương 15 - Võ Lâm nhị thần
- Chương 16 - Gặp lại cố nhân, vui buồn lẫn lộn
- Chương 17 - Võ Đang, Nga Mi: Chánh phái?
- Chương 18 - Không Động sơn
- Chương 19 - Vạn nẻo tìm thù nhân. Hiểm nguy giăng điệp trùng
- Chương 20 - Hồng Đạn Tử Vân Hương
- Chương 21 - Vào hang hùm Nhị Long quyết bắt hổ
- Chương 22 - Thịnh hội Quân Sơn (1)
- Chương 23 - Thịnh hội Quân Sơn (2)
- Chương 24 - Nhị hộ pháp Ảo Ma Cung
- Chương 25 - Chấp chưởng đế vị Cung chủ Ảo ma cung
- Chương 26 - Họa vô đơn chí
- Chương 27 - Kim Lăng mộ của người chết hay người sống?
- Chương 28 - Phật không vào địa ngục thì ai vào?
- Chương 29 - Long tranh - Hổ đấu - Đạo ma tranh cường
- Chương 30 - Chim lồng cá chậu
- Chương 31 - Ngục tù tăm tối. Thân phận tỏ tường
- Chương 32 - Tháo cũi xổ lồng. Trái tim tan nát. Lạnh giá tâm hồn
- Chương 33 - Nhân định thắng thiên
- Chương 34 - Báo cừu rửa hận (Hết)