Chương 16 - Hồng nhan họa thủy bi thiên mệnh. Cô chưởng nan minh nam hải cư (Hết)
Tin này làm võ lâm khởi sắc. Tiền nhiệm minh chủ là Thất Bộ Thần Quyền Vương Quốc Trung tạ thế đã sáu năm. Nhưng lúc ấy Ngụy Trung Hiền còn nắm binh quyền, đã cấm không cho bầu minh chủ mới. Hào kiệt tam sơn ngũ nhạc hồ hởi đón chào thịnh hội. Họ mong cho mùa đông giá lạnh qua mau để lên đường đến Sơn Tây.
Nhiều người ở vùng cực nam phải khởi hành ngay trong tháng chạp, cho khỏi lỡ kỳ hạn. Đối với khách giang hồ, việc vui xuân với thê nhi không quan trọng bằng việc tham gia võ lâm đại hội. Vì năm nào xuân cũng về nhưng thịnh hội kia rất lâu mới có một lần. Nhiều vị minh chủ sống dai đến nỗi ai cũng phải chán ngán.
Trong số những hào khách ngược bắc có một hán tử râu rậm bó cằm. Gã có nước da rám đen của người quen vẫy vùng trên mặt biển. Cùng đồng hành với hán tử râu rậm ấy là đoàn kỵ sĩ đông đến mấy chục người. Không ai trong đám người ấy nhận ra lai lịch của gã. Họ có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến Hồng Nhất Điểm đại hiệp Âu Dương Chính Lan.
Ba tháng qua chàng lênh đênh trên biển nam, để bảo vệ đoàn thương thuyền đi Nam Dương chuyến đầu tiên. Không phải mình chàng mà là cùng một số người thân. Trên đường đi, họ đã trải qua hàng trăm trận thủy chiến, giết hàng trăm tên hải tặc, đốt ba mươi bốn chiến thuyền. Vì vậy, kể từ nay, mỗi lần nhìn thấy đội thương thuyền cắm cờ đôi nheo thêu chữ Quí, là chúng bỏ chạy thật xa.
Sáu mỹ nhân đã khóc lóc, van nài Chính Lan đừng dính vào ân oán võ lâm nữa. Chàng mỉm cười, hôn lên trán họ và dốc sức giúp Quí Thành Lâm khai trương ngành kinh doanh mới.
Đến đầu tháng chạp, đoàn thương thuyền nhổ neo đi chuyến thứ hai. Chính Lan thản nhiên lên thuyền rời bến, nhưng chỉ được vài dặm, chàng đã xách hành lý nhảy xuống biển, bơi vào bờ.
Cửu phụ chàng là Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt quá hiểu tính tình cháu ruột nên không ngăn cản, chỉ dặn dò chàng bảo trọng.
Thì ra Chính Lan đã nhận được tin về đại hội võ lâm. Chàng không nói ra nhưng cùng một suy nghĩ như Đại Đầu Cái, sợ rằng Thiên Ảo cung chủ lên ngôi minh chủ thì có khác gì hổ thêm cánh. Vì vậy, chàng quyết định đến Hoa Sơn xem diễn biến thế nào.
Hôm nay đã là gần cuối tháng chạp, Chính Lan tiến vào thành Hứa Xương. Chàng chọn tửu quán sang trọng nhất thành chẳng phải quen thói xa hoa, mà vì sợ đồng đạo nhận ra.
Trên lầu ba của tòa Trung Nguyên đệ nhất tửu lâu này có rất ít hào khách võ lâm. Chính Lan yên tâm lột nón rộng vành và cởi áo choàng lông, để lộ một bộ y phục lạ lùng bằng da hải cẩu mà đen xám áo không tay, nút cài ở giữa.
Đây là chiến lợi phẩm mà Chính Lan thu được trên một chiếc thuyền của bọn hải tặc biển nam. Nó rất gọn gàng, bền chắc, thích hợp với công việc của người thủy thủ nên Chính Lan rất thích. Tóm lại, giờ đây Chính Lan giống hệt như một gã hải tặc dạn dày nắng gió.
Chén rượu thơm nồng chẳng làm ấm lòng người lữ khách. Chính Lan ngơ ngẩn ngắm nhìn ngọn núi Phụng sơn, thấp thoáng xa xa, nhớ đến làn da mịn màng, thơm mùi sữa của đám tiểu hài. Giờ này chắc vợ con chàng đang rộn ràng chuẩn bị đón năm mới.
Trời đất vô tình nhưng con người lại là giống đa tình. Trong chiều đông lạnh giá, cô đơn này, cám cảnh lữ thứ không nhà, Chính Lan tự hỏi vì sao mình lại phải lao tâm khổ trí vì thiên hạ? Sinh linh đồ thán, lầm than, xã tắc suy vong là do lỗi của các hoàng đế nhà Minh, chứ nào phải của chàng? Đang suy nghĩ miên man, Chính Lan chợt giật mình vì một mùi khó chịu xộc vào mũi đó là mùi dơi.
Trên Đại Tuyết sơn cũng có khá nhiều hang dơi nên mùi hôi hám, khai nồng của chúng chẳng lạ gì với chàng cả. Chính Lan liếc sang bàn bên, phát hiện có khách mới đến. Họ gồm sáu nam nhân áo gấm sang trọng, hông cài đơn đao, và lủng lẳng một bao lụa. Chàng định thần quan sát, thấy những vật trong bao cử động, biết ngay đám hán tử thâm thấp này là bọn Ảo Quỉ của Thiên Ảo cung. Chúng vừa ăn uống vừa nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ lạ tai của bộ tộc Ngạc Luân Xuân. Dĩ nhiên Chính Lan cũng chẳng hiểu gì.
Hai khắc sau, sáu gã Ảo Quỉ rời tửu lâu. Chính Lan nấn nà thêm một lúc, nhớ đến vị bái huynh ở cửa tây thành, quyết định ghé thăm. Người này chẳng phải khách giang hồ, mà là một nho sĩ tài hoa. Trần Hồng Nhạn tuổi đã năm mươi, tinh thông thi phú và cầm kỳ thi hoạ. Lão góa vợ đã tám năm, chỉ có cô con gái Trần Viên Viên là niềm an ủi.
Chính Lan quen Trần Hồng Nhạn trong một trà thất ở Hứa Xương cách nay năm năm cũng trong một ngày cuối đông như thế này. Biết chàng không có chốn đón xuân, lão lôi về nhà, cùng nhau ngâm vịnh, vui say suốt nửa tháng trời. Thời gian gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để hai người trở thành tri kỷ. Chính Lan và Trần Hồng Nhạn đều tâm đắc cả hai học thuyết Khổng, Lão.
Trời sụp tối, Chính Lan mới đến được Trần gia trang. Gọi là gia trang cho thuận miệng, chứ thực ra cơ ngơi của họ Trần rất khiêm tốn, thanh bạch.
Chỉ là mấy gian nhà gỗ, được vây quanh bởi hàng trúc thưa. Chính Lan xuống ngựa, đứng trước cửa rào, cao giọng gọi:
- Trần huynh.
Từ trong gian giữa, một thiếu nữ thon gầy xách đén lồng đi ra. Dưới ánh đèn, gương mặt râu ria, đen đủi của Chính Lan khiến nàng sợ hãi, ấp úng hỏi:
- Chẳng hay tôn giá tìm gia phụ có việc gì?
Chính Lan nhận ra thiếu nữ này là Viên Viên, con gái của họ Trần, tính ra nàng đã đến tuổi cập kê. Nhãn quang của chàng rất tinh tường nên dù ánh sáng lù mù, chàng vẫn thấy rõ dung nhan xinh đẹp của Viên Viên. Chàng không ngờ ở tuổi mười lăm, cô bé gầy gò năm xưa đã trở thành một tuyệt thế giai nhân.
Chính Lan mỉm cười:
- Viên nhi không nhận ra thúc thúc sao? Ta là Chính Lan đây.
Viên Viên kinh ngạc, trợn tròn đôi mắt bồ câu đen láy, nhìn thật kỹ. Nàng mừng rỡ reo lên:
- Nhị thúc.
Không hiểu sao Viên Viên lại hân hoan đến nỗi đặt chiếc đèn lồng xuống đất, lao đến ôm lấy Chính Lan, úp mặt vào vai chàng khóc rấm rức như hờn trách chàng sao giờ này mới trở lại.
Năm năm trước Viên Viên mới mười tuổi, gầy ốm và nhỏ bé. Nàng thường sa vào lòng Chính Lan nũng nịu vòi vĩnh, và bắt chàng phải cõng mình mà lướt thật nhanh trong khu rừng rộng sau nhà. Thương cô bé yếu đuối, côi cút, Chính Lan đã vui vẻ làm tất cả, để được nghe thấy những tiếng cười trong vắt.
Giờ đây, mùi u hương xử nữ tỏa ra ngan ngát khiến Chính Lan bối rối. Chàng vuốt ve tấm lưng ong mềm mại, dỗ dành Viên Viên:
- Viên nhi, thúc thúc vì quá bận rộn nên không đến thăm được, hãy tha lỗi cho ta.
Viên Viên đưa bàn tay nuột nà bịt miệng chàng rồi cười khúc khích:
- Nhị thúc chẳng có lỗi gì cả, Viên nhi biết hết những tao ngộ mấy năm qua trong đời nhị thúc nên đâu dám trách móc gì. Chẳng qua vì quá vui mừng nên sa lệ đấy thôi.
Ánh mắt nàng chan chứa yêu thương và nụ cười đầy mị lực khiến Chính Lan phải thầm khen: "Con bé này còn kiều diễm, quyến rũ hơn cả các phu nhân của ta nữa."
Viên Viên cúi xuống nhặt chiếc đèn lồng, nắm tay chàng kéo đi:
- Gia phụ đang đọc sách ở nhà sau. Gặp nhị thúc người sẽ rất hoan hỉ.
Chính Lan bật cười:
- Viên nhi vào trước đi, để ta cột ngựa lại đã.
* * *
Trần Hồng Nhạn vô cùng hân hoan khi được tái ngộ Chính Lan. Lão bảo Viên Viên bắt gì làm thịt, rồi ra vườn đào vò rượu quí chôn dưới gốc mai già lên đãi nghĩa đệ. Thức nhắm đam bạc nhưng rượu thì rất ngon. Lại thêm Viên Viên trổ tài cầm ca, ôm đàn tỳ bà hát tặng Chính Lan.
Tiếng đàn, lời ca của nàng lúc thì thanh thoát, tươi vui, lúc thì trầm buồn, ai oán. Đôi mắt nhung huyền sâu thẳm thường nhìn Chính Lan như gửi gắm nỗi niềm. Trần Hồng Nhạn tửu lượng không bằng Chính Lan nên say trước, gục xuống bàn mà ngủ. Viên Viên mỉm cười rải đàn hát bài Võ Lăng Xuân của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu:
"Phong trụ trầm hương hoa dĩ tận
Nhật vãn nguyệt sơ đầu
Vật thị nhân thi sự sự hưu,
Dục ngữ lệ tiên lưu.
Văn thuyết song khuê xuân thượng bảo
Dã nghi phiếm Khinh Châu
Chỉ khủng song khuê chính mãnh châu.
Tải bất động hứu đa sầu."(21)
Bài từ Vĩ Lăng Xuân này chính là dòng huyết lệ của Dị An cư sĩ Lý Thanh Chiếu khóc người chồng bạc mệnh. Và trên gương mặt đẹp mê hồn của Viên Viên, đôi dòng châu cũng lã chã tuôn rơi theo từng nốt nhạc.
Chính Lan như bị nhận chìm trong nỗi sầu mênh mang, da diết ấy.
Chàng rùng mình nốc cạn ba chén rượu, gượng cười:
- Viên nhi còn quá trẻ sao lại hát chi khúc nhạc não nùng của người góa phụ như vậy?
Viên Viên buông đàn, nhìn sâu vào đáy mắt Chính Lan, bùi ngùi nói:
- Năm trước, Viên nhi nghe tin công tử bỏ mình dưới vực thẳm Vân Mộng sơn, nên đâm ra yêu thích bài từ này.
Chính Lan choáng váng, lờ mờ đoán ra nỗi lòng của Trần Viên Viên. Chàng thầm e ngại, đứng lên nói giả lả:
- Ta cũng say lắm rồi, Viên nhi lo dọn dẹp còn nhị thúc sẽ đưa Trần huynh vào phòng.
Nói xong, Chính Lan bế xốc Trần Hồng Nhạn, đưa vào trong rồi trở về phòng dành cho khách. Đó là tòa nhà gỗ nhỏ chỉ có hai phòng, nằm ở mé hữu nhà chính. Chàng ngạc nhiên khi thấy tòa tiểu xá này được quét dọn rất sạch sẽ, như có người ở thường xuyên. Chính Lan cũng đã quá chén nên không suy nghĩ nhiều, cởi áo gieo mình lên nệm, thiếp đi. Chàng đã từng ngủ ở đây một thời gian dài nên không e ngại vào lộn phòng cha con Hồng Nhạn đều ở cả nhà trên. Dù có là cao thủ đệ nhất thì khi say vẫn ngủ vùi như chết, đó chính là cái hại của rượu vậy.
Hơn khắc sau, Trần Viên Viên đã đẩy cửa bước vào. Nhìn thấy Chính Lan đang nằm trên giường, nàng mỉm cười sung sướng nhưng gương mặt đỏ hồng vì e thẹn.
Thân hình rắn rỏi, rám nắng của Chính Lan đã hút chặt ánh mắt của Viên Viên. Nàng tần ngần một hồi rồi cởi xiêm y, chỉ còn lại mảng yếm đào. Cơ thể nàng khá nảy nở so với số tuổi mười lăm. Viên Viên vuốt ve gò bồng đảo săn chắc của mình như muốn tự trấn an, rồi trèo lên giường. Nàng run rẩy vòng tay qua bờ ngực trần của Chính Lan, rúc đầu vào vai chàng hít lấy mùi nam nhân nồng ấm.
Lát sau, Chính Lan thức giấc vì cảm nhận được làn da mềm mại, mịn màng và mùi u hương phảng phất. Sự sợ hãi đã khiến chàng tỉnh táo, thoát khỏi trạng thái mụ mị của cơn say. Chàng không mở mắt nhưng vẫn đoán ra nữ nhân đang ôm mình là ai. Chính Lan thở dài bảo:
- Sao Viên nhi không về phòng ngủ mà lại đến đây?
Viên Viên xiết chặt vòng tay như sợ chàng ngồi dậy, thỏ thẻ:
- Đây là khuê phòng của Viên nhi mà. Hơn năm nay Viên nhi đã dọn sang đây ở.
Chính Lan toát mồ hôi:
- Chết thực, ta quả vô ý. Ngàn lần mong Viên nhi lượng thứ cho.
Chàng gượng ngồi dậy, nhưng Viên nhi đã trườn lên người chàng, nức nở khóc:
- Công tử đừng đi, từ lúc nghe tin chàng còn sống, tiểu muội đã mòn mỏi chờ đợi giây phút này. Viên Viên thề chỉ lấy mình chàng mà thôi.
Chính Lan sợ nàng khóc lớn, khiến Trần Hồng Nhạn tỉnh giấc, liền vỗ nhẹ lên lưng nàng:
- Viên nhi mau mặc y phục vào rồi hãy nói chuyện. Lỡ Trần huynh thấy cảnh này, ta chỉ có cách tự sát mà thôi.
Viên Viên thôi khóc, cười rúc rích:
- Nhị thúc đừng lo, gia phụ đã say rượu là ngủ một giấc đến chiều hôm sau mới tỉnh.
Té ra lòng Viên Viên cùng bối rối nên cách xưng hô cũng bất nhất, lúc thì công tử, lúc thì nhị thúc. Chính Lan đành bó tay, buồn rầu nói:
- Sao Viên nhi lại nỡ đưa ta vào cảnh bất nghĩa thế này? Ta là nghĩa thúc của ngươi, đâu thể kề cận nhau được.
Viên Viên bướng bỉnh đáp:
- Ngày xưa nhị thúc vẫn thường ẵm bồng Viên nhi, sao giờ lại ngại ngùng?
Và rồi nàng bật khóc, kể lể:
- Nhị thúc đừng khinh rẻ Viên nhi. Từ ngày trở thành thiếu nữ, không hiểu sao hình bóng nhị thúc cứ vương vấn mãi trong lòng. Gia phụ lại thường lui tới trà thất, nghe kể về những chiến công lẫy lừng của nhị thúc, rồi về thuật lại cho Viên nhi nghe. Dần dần niềm ngưỡng mộ kia trở thành mối tương tư lúc nào cũng chẳng hay. Viên nhi biết mình xinh đẹp nên nuôi mộng sánh đôi với bậc đại anh hùng, lẽ nào lại là tội lỗi?
Chính Lan cảm động, nhưng chẳng thể nào chấp nhận được mối si tình này. Chàng cố biện giải cho Viên Viên hiểu:
- Viên nhi cũng biết là ta có đến sáu vị phu nhân. Thú thực là họ tuy xinh đẹp nhưng không thể sánh với nàng. Nếu Viên nhi về làm vợ ta, chẳng phải là đã chịu thiệt thòi hay sao? Nhan sắc của Viên nhi đáng bậc mẫu nghi thiên hạ, chỉ cần đến được đế đô là sẽ lọt vào mắt xanh của hoàng đế. Nếu Viên nhi đã mộng lấy cho được đệ nhất nhân, nhị thúc sẽ thu xếp cho cha con ngươi đi Bắc Kinh. Nhị thúc quen với thái giám Trần Trung, tổng quản cấm cung, chắc chắn sẽ đưa được Viên nhi vào hầu thánh thượng.
Chính Lan nói một hơi dài, khô cả cổ, thế mà Viên Viên nũng nịu lắc đầu:
- Viên Viên chỉ yêu mình công tử mà thôi. Chàng mà chê bỏ, tiểu muội sẽ cắn lưỡi tự sát ngay bây giờ.
Chính Lan đành đầu hàng cô gái si tình đến mức cuồng dại này, đành gật đầu hoãn binh:
- Thôi được, nhị thúc hứa rằng sáng mai sẽ bàn lại với Trần huynh. Viên nhi hãy để ta trở về phòng.
Viên Viên hân hoan, hôn nhanh hai má chàng, rồi ngồi dậy. Chính Lan mặc lại áo, đi lên nhà trên ngủ chung với Hồng Nhạn. Họ Trần vẫn ngáy vang, chẳng hay biết gi cả. Chính Lan nằm xuống cạnh lão, suy nghĩ về Viên Viên.
Chàng biết mình không bao giờ lấy nàng. Sáu người vợ kia đã quá đủ cho đời một nam nhân. Chính Lan hài lòng với quyết định ấy, và khoan khoái đi vào giấc ngủ.
Mờ sáng, Chính Lan cố lay Trần Hồng Nhạn tỉnh giấc, kể lão nghe mọi chuyện. Chàng trao cho lão mười nén vàng rồi âm thầm rời gia trang.
Chính Lan không ngờ mình đã phạm sai lầm khi từ chối mối tình của Trần Viên Viên. Ba năm sau, Trần Hồng Nhạn lâm bạo bệnh đột tử. Viên Viên phải lên Bắc Kinh nương tựa một người biểu thúc. Lão này đã bán nàng vào thanh lâu, trở thành đệ nhất danh kỹ đất đế đô.
Tổng đốc Sơn Hải Quan Ngô Tam Quế đã chuộc nàng về làm ái thiếp. Khi Sấm Vương Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, lại bắt Viên Viên làm vợ mình. Chính vì vậy mà Ngô Tam Quế đã mở cửa quan ải, rước quân Mãn Thanh vào.
Trần Viên Viên chỉ là một cô gái bất hạnh, không có tội gì với non sông. Vì vậy, Chính Lan cũng chẳng có lỗi, chàng chỉ hành động theo đúng lương tri của một bậc chính nhân.
Thôi thì chúng ta cứ mặc cho con tạo trớ trêu, trở lại với đại hội Hoa Sơn.
* * *
Sáng ngày rằm tháng riêng, ba ngàn hào kiệt Trung Nguyên tụ tập ở bình đài trên sườn núi Hoa Sơn. Sơn Tây là vùng cao nguyên, có khí hậu lạnh nhất khu vực Hoa Bắc. Cho nên, đã là giữa tháng riêng mà tuyết vẫn rơi mau, ánh dương quang mùa xuân nhợt nhạt, và trời vẫn rét cóng xương.
Trong thời tiết này, ai cũng co ro trong áo ấm, mũ lông, khó mà nhận rõ dung mạo. Vì vậy, Chính Lan không sợ có người nhận ra. Giữa giờ thìn, năm vị chưởng môn bạch đạo từ trên Thái Hư đạo quán của Hoa Sơn đi xuống, bước lên lôi đài, cúi chào quần hùng. Quảng Tâm thiền sư phương trượng chùa Thiếu Lâm cao giọng tuyên bố:
- A di đà phật, kính cáo đồng đạo võ lâm, mấy năm nay thiên hạ loạn lạc, khắp nơi đạo tặc tung hoành, hà hiếp lê dân. Chúng ta là những người học võ, lẽ nào không vì dân mà trừ hại? Chính vì lẽ ấy, lão nạp cùng bốn vị chưởng môn đây quyết định tổ chức đại hội võ lâm, bầu ra một minh chủ thay cho cố minh chủ Thất Bộ Thần Quyền Vương Quốc Trung. Có được minh chủ rồi, nhất hô bá ứng, hiệu lệnh phân minh, mới mong quét sạch cường đạo, tạo phúc cho bách tính.
Thiền sư dứt lời, toàn trường hoan hô nhiệt liệt. Đến lượt Đại Đầu Cái Lô Chính Ngôn phát biểu:
- Cũng như những lần đại hội trước, qui củ không có gì thay đổi, nghĩa là không giới hạn tuổi tác, dân tộc. Chỉ tuyệt đối cấm dùng ám khí, độc dược, độc vật để ám toán. Ban giám đài sẽ thẩm xét và quyết định ai là người đủ tư cách tham gia. Mong chư vị nhanh chóng đăng ký.
Lô bang chủ nói xong, cùng bốn vị kia lui về chỗ ngồi của ban giám đài ở mép phía bắc lôi đài. Quần hào xôn xao bàn tán nói cười, đốc thúc bằng hữu, đồng môn thượng đài. Nhưng đâu phải ai cũng dám đứng trước võ lâm mà diễu võ dương oai. Kỳ đại hội nào cũng có cảnh máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát. Cái danh vị minh chủ võ lâm đã khiến người ta điên cuồng, xuất thủ cực kỳ độc ác. Hơn khắc sau vẫn chưa có ai lên tiếng cả. Thiên Ảo cung chủ mỉm cười, cao giọng:
- Bổn nhân là Phùng Thiệu Đính, cung chủ Thiên Ảo cung ở Phụng sơn, xin đăng ký mở màn.
Thiên Ảo cung ẩn dật ở Âm sơn mấy chục năm, mới vào Trung Nguyên, nên ít ai biết trình độ võ công của họ Phùng thế nào. Thấy lão mở đường có mười mấy cao thủ các địa phương hưởng ứng theo.
Cuối giờ thìn, số người trong danh sách đã lên đến ba mươi sáu thí sinh, lúc này mới đến lượt năm phái bạch đạo.
Từ vị trí của các đệ tử phái Nga My, một lão ni lông mày dài, bạc trắng, mặt lạnh như sương, cất tiếng:
- Bần ni là Lãnh Diện, trưởng lão phái Nga My, xin đại diện bổn phái tham gia tranh cử.
Quần hào ồ lên kinh ngạc, không ngờ phái Nga My lại cử cao thủ hàng tiền bối thượng đài. Họ càng sửng sốt hơn khi nghe người của phái Võ Đang tự giới thiệu:
- Lãnh Diện thần ni đã có nhã hứng, bần đạo là Huyền Minh chân nhân, tam trưởng lão Võ Đang cũng xin nối bước.
Phần lớn các cao thủ lỡ đăng ký đều buồn rầu, lo lắng vì biết mình chẳng thể nào địch lại hai lão bất tử kia. Nhưng quần hùng lại vô cùng hoan hỉ vì sắp được chứng kiến cuộc so tài hiếm có ấy. Niềm phấn kích càng dâng cao khi Hải Hồ chân nhân trưởng lão Hoa Sơn và Vô Ngại thần tăng, sư thúc của phương trượng Thiếu Lâm cũng đăng ký.
Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính là người gian hoạt, hiểu ra ngay ý đồ của các phái. Lão tự tin vào bản lãnh của mình, liền mỉm cười ngạo nghễ.
Đại Đầu Cái đứng lên nói:
- Lão phu không ngờ đại hội năm nay lại được các cao thủ cao niên như Thiên Ảo cung chủ và trưởng lão bốn phái bạch đạo tham gia. Xem ra, có sự chênh lệch rất lớn về bản lãnh, vì vậy, ban giám đài sẽ rất thông cảm cho những ai rút tên ra khỏi danh sách.
Lời nói khôn khéo của Lô bang chủ đã gài chặt Phùng Thiệu Đính và mở đường cho những người đang hối hận vì lỡ đăng ký. Rốt cuộc, họ đồng thanh xin rút lui, chỉ còn lại Thiên Ảo cung chủ và bốn đại biểu bạch đạo.
Đại Đầu Cái thản nhiên nói tiếp:
- Phùng cung chủ là người đăng ký đầu tiên, sẽ được quyền thượng đài khai mạc. Luật lệ là ai thua một trận thì không được tái đấu. Sau mỗi trận, người thắng được nghỉ ngơi hai khắc. Mời cung chủ và Lãnh Diện thần ni đấu trận đầu.
Bỗng có người ngắt lời lão:
- Lạ thực, sao không thấy Hồng Nhất Điểm đại hiệp xuất hiện. Mà chỉ toàn những lão già sắp chết thế này nhỉ?
Giọng của người ấy vang vang chát chúa và rất chói tai, nhưng y lại nêu được thắc mắc chung của mọi người. Cử tọa nhất tề ồ lên:
- Đúng vậy, Âu Dương đại hiệp là đại biểu xứng đáng nhất của đám hào kiệt trẻ tuổi.
Hai phần ba quần hùng đến đại hội lần này có độ tuổi dưới ba mươi. Họ cũng là người tôn sùng, ngưỡng mộ Chính Lan, nên rất thất vọng khi thấy chàng vắng mặt. Đại Đầu Cái vội đứng lên:
- Kính cáo võ lâm, mấy năm qua Âu Dương công tử đã đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp giáng ma vệ đạo. Có lẽ y cảm thấy đã đủ nên âm thầm thoái xuất, lo cho hạnh phúc của sáu vị phu nhân và đàn con. Mong đồng đạo thông cảm cho.
Một người bật cười khanh khách:
- Đúng thế, nếu tại hạ mà có được sáu mỹ nhân hoa nhường nguyệt thẹn như vậy, thì chẳng tội tình gì lặn lội đến chốn lạnh lẽo này.
Toàn trường ồ lên. Đại Đầu Cái lại nói:
- Mời Phùng cung chủ và thần ni.
Hai cao thủ chậm rãi bước lên đài. Chính Lan cố tình lên núi rất sớm nên chọn được vị trí sát với lôi đài. Chàng luôn chủ trương hậu phát chế nhân, nên sẽ chờ Phùng Thiệu Đính đánh đủ bốn trận mới xuất hiện. Chính Lan hy vọng rằng sẽ nhìn ra được lộ số võ công của Thiên Ảo cung chủ.
Lúc này, Lãnh Diện thần ni đã mỉm cười hòa nhã:
- Bần ni may mắn hơn Phùng thí chủ được vài tuổi, xin nhường thí chủ xuất thủ trước.
Nói xong, bà rút kiếm dựng trước ngực, tay kia bắt kiếm quyến chỉ xéo xuống đất. Trông bà an nhiên tự tại và vững vàng như núi Thái sơn, chứng tỏ đã đạt cảnh giới của kiếm đạo.
Thiên Ảo cung chủ không cầm vũ khí, chỉ dùng bạch thủ mà đối phó. Lúc lên đài, hai người đã cởi mũ và áo lông để khỏi vướng víu. Nhờ vậy, Chính Lan mới thấy được bộ võ phục trắng tinh trên người Phùng Thiệu Đính.
Nhưng lạ lùng ở chỗ là mái tóc đen nhánh của lão bị bịt kín bởi một chiếc khăn màu trắng. Chính Lan linh cảm rằng vật này có ý nghĩa rất quan trọng chứ chẳng phải tình cờ. Và khi họ Phùng xuất thủ, chàng biết mình đoán đúng. Quanh thân Thiên Ảo cung chủ tỏa ra màn sương huyền ảo, trắng như sữa, và lão lướt đến tấn công Thiên Diện thần ni. Từ khoảng cách một trượng, họ Phùng đẩy ra những đạo chưởng kình băng giá, trắng mờ.
Thần ni ôm kiếm lao vào màn sương ấy chẳng chút ngần ngại. Thân pháp của bà nhanh nhẹn tuyệt luân mà vẫn không sánh bằng đối thủ. Thiên Ảo cung chủ đã rời khỏi vị trí cũ, di chuyển quanh thần ni và liên tục vỗ chưởng. Thân ảnh lão chỉ còn là một vệt trắng mờ mờ, nối nhau thành một vòng tròn mà tâm điểm là cao thủ phái Nga My.
Vòng tròn lạnh lẽo ấy ngày càng thu nhỏ lại, mặc cho Lãnh Diện thần ni vẫy vùng, cố thoát ra. Bà đã thi thố những chiêu kiếm kỳ tuyệt nhất, nhưng không cách nào chém trúng đối phương, hoặc phá vỡ được vòng tròn ma quái kia. Không phải mình Chính Lan, mà là toàn trường chết lặng trước tuyệt học Thiên Ảo cung. Chàng than thầm trong bụng, biết mình không thể địch lại lão ác ma kia.
Lãnh Diện thần ni chỉ chịu đựng được hai khắc đã nghe tứ chi, thân thể tê cóng vì khí lạnh của Huyền Băng thần chưởng. Và đã đến lúc Phùng Thiệu Đính hạ độc thủ. Lão nhảy xổ vào thần ni từ phía sau lưng, bốn đạo chưởng kình vươn ra như vòi bạch tuộc, trùm lấy mục tiêu. Lãnh Diện thần ni vội bốc thẳng lên không trung để tránh đòn.
Bốn đạo chưởng phong kia lướt qua dưới chân bà. Quần hào chưa kịp mừng rỡ thì một đạo chỉ kình trắng muốt đã bay ra từ tay tả họ Phùng, xuyên lủng lưng Lãnh Diện thần ni. Đệ nhất cao thủ phái Nga My rơi xuống sàn lôi đài, trong niềm kinh hãi của mọi người. Đại Đầu Cái cố nén nỗi tuyệt vọng, đứng lên tuyên bố:
- Phùng cung chủ thắng trận này.
Các đệ tử Nga My vội nhảy lên bồng thần ni xuống chăm sóc. Chẳng nghe tiếng họ khóc lóc, vậy là thương thế của thần ni không đến nỗi trầm trọng.
Phùng Thiệu Đính đã ngồi xuống tọa công để chuẩn bị cho trận sau. Quần hào đã hết bàng hoàng, xôn xao bình phẩm. Họ cho rằng bản lãnh của Thiên Ảo cung chủ đã là vô địch võ lâm. Huyền Băng chưởng còn có thể đối phó, riêng tuyệt kỹ Huyền Băng chỉ lực thì đành bó tay. Đã trăm năm nay, không một ai học được cách dồn chân khí ra đầu ngón tay, tạo thành luồng chỉ phong bắn xa đến hơn trượng, và xuyên thủng cả luồng cương khí hộ thân mà đả thương người.
Chính Lan cau mày cân nhắc. Chàng đoán rằng Thiên Ảo cung chủ nhờ kỳ trân thiên niên Tuyết Đào nên tăng thêm được khoảng ba mươi năm công lực, cộng với tu vi sẵn có, hiện nay lão sở đắc gần chín mươi năm nội lực. Nhưng điều ấy không đáng sợ bằng Thiên Ảo Thân Pháp và Huyền Băng Chỉ. Chàng không có cách nào để giải phá hai tuyệt kỹ hãn thế ấy.
Lúc này, Phùng Thiệu Đính đã hành công điều từc xong. Lão đứng lên cao ngạo nói:
- Xin mời người thứ hai.
Đại Đầu Cái thiểu não như gã mắc mưa, uể oải làm nhiệm vụ:
- Mời Vô Ngại thần tăng, đại biểu của phái Thiếu Lâm thượng đài.
Một hòa thượng già cao gầy, không râu, đầu tròn như trứng ngỗng, đôi mày bạc phếch tuy rậm nhưng không che được cặp mắt tinh quái, lão liên. Lão cười toe toét, hớn hở như trẻ nít được mẹ cho quà, tung mình lên đài, vòng tay nói với đối thủ:
- Lão nạp cũng là người họ Phùng, mong thí chủ nhẹ tay cho.
Nghe giọng điệu vành cạnh ấy, cử tọa ồ lên cười. Thần tăng lại nói:
- Lão nạp không có râu, trong khi Phùng thí chủ nhiều râu. Vậy lão nạp không dám xem mình là già hơn, xin phép xuất thủ trước.
Vừa dứt lời, Vô Ngại thần tăng đã vung song thủ đánh liền, cũng như Quảng Tâm phương trượng, thần tăng chuyên luyện Hàng Ma chưởng pháp, nhưng ở trình độ cao hơn. Chiêu xuất như lôi, nhanh nhẹn và vô cùng mãnh liệt.
Thì ra thần tăng biết mình không chống nổi Thiên Ảo Thân Pháp của đối phương nên giả ngây, giả dại để chiếm tiên cơ. Phùng Thiệu Đính trúng kế, đành phải chấp nhận giáp chiến, dở pho Huyền Băng chưởng pháp ra chống đỡ. Vô Ngại thần tăng ra đòn liên tiếp, chiêu này nối chiêu kia, cố dồn địch thủ ra khỏi lôi đài. Chưởng kình chạm nhau nổ vang rền và Thiên Ảo cung chủ đã phải lùi hơn trượng.
Quần hùng mừng rỡ hoan hô, cổ vũ cho lão hòa thượng vui tính kia. Nhưng Phùng Thiệu Đính đã động sát cơ, dồn chân khí vào ngực chịu một chưởng như trời giáng, và trả lại bằng một đạo Huyền Băng Chỉ vào bụng đối phương.
Chưởng kình của lão thần tăng vỗ trúng tâm thất Thiên Ảo cung chủ như đánh vào một đống tuyết mềm, lực đạo giảm đi, chỉ khiến lão ta chấn động và rỉ máu miệng. Ngược lại, đạo chỉ phong đã đánh gãy một rẻ xương sườn của thần tăng, trổ ra sau lưng. Nếu hòa thượng không nhanh chan lách sang một bên thì đã mạng vong rồi.
Phùng Thiệu Đính đã chiếm được thượng phong, ập đến tấn công tới tấp, cứ như phát chưởng vừa rồi chẳng ảnh hưởng gì cả.
Vô Ngại thần tăng chịu được tám chiêu đã mượn lực phản chấn, bay xuống đất, bỏ cuộc. Lão còn quay lại xụ mặt trách móc:
- Phùng thí chủ quả là tàn nhẫn, chẳng nghĩ gì đến tình nghĩa họ hàng. Lão nạp không đấu nữa.
Lão ôm vết thương đi về chỗ của phái Thiếu Lâm để băng bó. Thần tăng vừa đi vừa nhăn nhó như khỉ khiến đám hào kiệt ngồi ở hàng trên phì cười.
Nhưng Chính Lan và ban giám đài không cười nổi. Ngôi minh chủ chắc chắn sẽ lọt vào tay Thiên Ảo cung chủ, đồng thời thanh danh của bốn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Hoa Sơn sẽ trôi theo dòng nước. Họ đã đưa ra cao thủ hạng nhất, dùng phép xa luân chiến mà cũng không thắng nổi Phùng Thiệu Đính.
Lúc này, Thiên Ảo cung chủ đã nuốt mấy viên linh đan và ngồi xuống tọa công. Chỉ một khắc sau lão đã đứng lên, mắt sáng như sao, ngạo nghễ nói:
- Xin mời người thứ ba.
Hải Hồ chân nhân, sư thúc của chưởng môn phái Hoa Sơn xách kiếm nhảy lên. Gương mặt thanh tú của chân nhân thoáng nét lo âu, vì bản lãnh của ông không hơn hai người trước.
Chính Lan thở dài, bỏ ra ngoài. Không phải chàng muốn rời núi Hoa Sơn mà là chui vào rừng vắng để cải trang lại. Chính Lan tháo búi tóc, cắt bớt đi, buông xoã quanh vai, rồi lấy rải khăn đỏ buộc ngang trán. Giờ đây trông chàng khá giống một tên hải tặc biển Đông, vì tóc chàng đã cháy bởi nắng Nam Dương.
Tạm hài lòng với cách hóa trang sơ sài ấy, Chính Lan trở lại bình đài. Nhưng chàng không ra nhập đám khán giả mà ẩn sau một tảng đá lớn, cách họ năm, sáu trượng.Lát sau, trên khán đài vọng lại tiếng rên đau đớn của Hải Hồ chân nhân.
Lão đã bị Thiên Ảo cung chủ đánh bay khỏi lôi đài, thương thế chắc nặng nề hơn hai người trước. Thiên Ảo cung chủ ngửa cổ cười vang:
- Bổn nhân cảm thấy chân khí sung mãn, không cần nghỉ ngơi, xin mời người cuối cùng.
Quần hùng nào biết dã tâm của lão, lên tiếng hoan hô con người vô địch. Ban giám đài chụm đầu vào bàn bạc. Cuối cùng Thuần Thanh đạo trưởng đứng lên tuyên bố:
- Chỉ qua ba trận vừa rồi cũng đủ biết Phùng Cung Chủ võ công đứng đầu thiên hạ, phái Võ Đang xin rút lui.
Cử tọa ồ lên phản đối vì không được xem cho mãn nhãn. Quảng Tâm phương trượng cao giọng:
- Lão nạp thay mặt ban giám đài, xin tuyên bố chức vị minh chủ võ lâm đã thuộc về⬦
Thiền sư vừa nói đến đây thì có tiếng người vọng vào:
- Khoan đã.
Quần hào quay lại thấy một hán tử tóc xoã, râu ria rậm rạp, mặc áo lông cừu đang rẽ hàng người tiến vào. Gã từ tốn bước lên lôi đài, cởi áo choàng, để lộ bộ y phục ngắn ngủn màu xám đen và làn da rám nắng. Cộng với dáng đi hai hàng kia, hán tử biểu hiện rõ mình là người quen sống trên thuyền. Gã hướng về ban giám đài, vòng tay nói một tràng tiếng Phúc Kiến pha lẫn với Bắc Kinh.
Tiếng Phúc Kiến không phổ biến ở Trung Hoa nên chẳng ai hiểu gì cả. Quần hào la ó um sùm:
- Ngươi nói gì mà như đang thóa mạ bọn ta vậy?
Đại Đầu Cái là bang chủ Cái bang, đệ tử ở khắp thiên hạ nên phải tinh thông các phương ngữ. Ông đứng lên giải thích:
- Kính cáo đồng đạo, các hạ đây tự xưng là Đài Loan đệ nhất kiếm sĩ, tên gọi Phí Tồn Nghĩa. Y đại diện cho các cao thủ vùng biển Đông vào dự đại hội, vì không biết đường đi Hoa Sơn nên đến trễ. Y muốn so tài với Thiên Ảo cung chủ.
Khách giang hồ đều hiếu sự nên hoan hỷ tán thành. Có người nói:
- Đài Loan cũng là đất của Trung Hoa, phải cho y dự thí mới đúng lẽ công bằng.
Đại Đầu Cái quay sang hỏi họ Phùng:
- Gã họ Phí này không đăng ký trước nên không có quyền thượng đài. Tuy nhiên, đồng đạo đều muốn được thưởng thức võ công của Đông Hải, vậy ý Cung Chủ thế nào?
Nãy giờ Phùng Thiệu Đính âm thầm quan sát gã cướp biển, thấy da dẻ, râu tóc đều cháy nắng, bắp thịt cuồn cuộn, chắc không phải Âu Dương Chính Lan. Lão yên tâm gật đầu:
- Không sao, bổn tòa đồng ý tiếp y một trận.
Đại Đầu Cái dịch lại cho Phí Tồn Nghĩa nghe. Gã bèn đáp lại bằng một tràng dài. Lô bang chủ bảo Thiên Ảo cung chủ:
- Họ Phí nói rằng y không giỏi khinh công, chỉ tâm đắc có ba chiêu kiếm. Vì vậy, y yêu cầu cung chủ đừng có chạy vòng quanh mà hãy tận lực đối phó. Nếu sau ba chiêu ấy, y không thắng nổi thì sẽ hạ đài, trở về biển Đông.
Thiên Ảo cung chủ cười khảy:
- Bản lãnh gã ấy được bao nhiêu mà bổn tòa phải nhọc sức thi triển khinh công?
Chính Lan tức Phí Tồn Nghĩa biết lão họ Phùng đã mắc bẫy, rút thanh Long Tuyền bảo kiếm ra thủ thế. Thanh kiếm này ít người được thấy qua nên không sợ lộ. Hơn nữa, khi lọt vào tay Thái Sơn Phủ Quân giáo chủ Bạch Liên giáo, đã được lão cho thay chuôi kiếm bằng sừng tê giác đen bóng.
Chính Lan cố tình đưa ra con số ba chiêu, nhưng thực tâm muốn phân thắng bại bằng một chiêu duy nhất.
Chàng nói thêm một câu nữa bằng tiếng Phúc Kiến, đại ý rằng kiếm pháp Đông Hải thường khởi đầu bằng cách thi thố định lực, chờ đối phương động mình mới động. Vì vậy, Phùng cung chủ bất tất phải nhường nhịn.
Đại Đầu Cái lại phải dịch cho họ Phùng và quần hào nghe.
Chính Lan đứng im như pho tượng đá, thủ thế bằng thức đầu tiên trong chiêu Phất Thủ Phiêu Miêu. Phùng Thiệu Đính cực kỳ giảo hoạt, thâm trầm nên bề ngoài ngạo nghễ nhưng trong lòng rất cẩn trọng. Lão tâm đắc câu nói của Tào Tháo: "Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta," do đó đã dồn hết công lực vào song thủ, chẳng hề dám lơ là.
Tuyết rơi phủ trắng mái tóc và vai mà gã hải tặc kia vẫn chưa chịu xuất chiêu. Quần hùng mất kiên nhẫn chửi vang:
- Gã Đài Loan dở hơi kia đã nói vậy, sao Phùng cung chủ không động thủ trước đi. Chẳng lẽ lão cũng sợ y hay sao?
Đến nước này thì Thiên Ảo cung chủ đành phải ra tay. Lão bay vút đến như ánh sao băng, song thủ vỗ liền mười tám đạo chưởng kình liên tiếp khí thế mãnh liệt như cơn bão tuyết. Chính Lan thi triển công phu Qui Tức Bảo Tâm đại pháp, khóa kín các yếu huyệt toàn thân, lao thẳng vào lưới chưởng trắng đục của đối phương. Long Tuyền kiếm rung lên, hóa thành ngàn kiếm ảnh, xé nát chưởng phong mà tiến lên. Song phương áp sát nhau, có hai tiếng rú vang lên, và một bóng người bị văng ra khỏi đài. Quần hùng ồ lên kinh ngạc khi thấy ngực phải Thiên Ảo cung chủ thủng một lỗ, máu loang ướt đẫm bạch bào. Nhưng gã hải tặc đã bị rơi đài, máu miệng rỉ ra không ngớt. Gã gượng đứng lên điểm vào bốn huyệt trên ngực, rồi lặng lẽ quay lưng bỏ đi.
Đại Đầu Cái run giọng:
- Phùng Cung Chủ đại thắng trận cuối cùng, chính thức trở thành minh chủ.
Niềm vui ấy đã khiến Phùng Thiệu Đính quên đi vết kiếm thương, hân hoan vòng tay nói:
- Bổn tòa xin mời toàn thể chư vị đến Phụng Sơn thăm Thiên Ảo cung và vui say một chuyến. Tính cước trình từ đây về Hứa Xương, thì ngày tám tháng hai là vừa kịp để tổ chức lễ mừng.
Tất nhiên, chẳng ai từ chối lời mời hấp dẫn ấy, tiếng hoan hô tân minh chủ vang dội cả vùng núi Hoa Sơn. Nói xong, Phùng Thiệu Đính hạ đài, đến bảo nhỏ bọn thủ hạ:
- Mau đuổi theo giết cho bằng được gã họ Phí.
Chúng mau mắn thi hành nhưng dù đã lục soát khắp nơi vẫn không thấy gã hải tặc kia đâu cả. Thì ra Chính Lan thọ thương khá nặng nhưng cũng cố gượng rời khỏi Hoa Sơn. Chàng vừa xuống đến chân núi, vào được cánh rừng thì ngã quị. Vừa lúc ấy, có hai bóng người chạy đến, nức nở goi:
- Tướng công.
Đó là hai hán tử thấp bé, râu rậm, da mặt đen đủi. Một người nhét vào miệng Chính Lan bốn viên linh đan, rồi họ đỡ chàng ngồi dậy truyền công lực vào cơ thể. Chính Lan hồi tỉnh, hít vài hơi rồi cười bảo:
- Té ra Thi Mạn và Tố Bình đấy ư? Ta không sao đâu, đừng khóc nữa.
Tố Bình phụng phịu trách móc:
- Tướng công suốt đời chỉ làm khổ bọn thiếp mà thôi.
Chính Lan biết lỗi, mỉm cười:
- Đừng giận ta, chỉ cần giết xong lão họ Phùng là ta sẽ hoàn toàn thuộc về các nàng.
Bỗng chàng nhăn mặt, ôm ngực và nói:
- Mau đưa ta ly khai chốn này ngay.
Hai mỹ nhân tái mặt vội cõng chàng rời hiểm địa.
* * *
Mười hai ngày sau, ba vợ chồng Chính Lan xuất hiện ở phía đông Cửu Hoa sơn. Chàng ngắm nhìn chín ngọn núi, so sánh với họa đồ trong đầu rồi vui vẻ nói:
- Chắc chắn Cửu Thiên huyền cung nằm ở ngọn núi thứ tư, từ tay phải đếm qua.
Thi Mạn lộ vẻ nghi hoặc:
- Chỉ mơ hồ như thế làm sao xác định được vị trí của đế cung?
Chính Lan cười đáp:
- Ta từng được nghe tiên sư kể rằng Cửu Thiên Đế Quân Khổng Nghị tự xưng là nam tử của Cửu Thiên Huyền Nữ giáng phàm. Như vậy chỉ cần tìm cho ra miếu thờ Cửu Thiên Nương Nương trên ngọn núi kia là xong. Nếu không phải thế thì trong họa đồ đã có thêm lời chỉ dẫn.
Hai nàng phục lăn, nhìn phu tướng bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Ba người vào tiểu trấn gần chân núi, mua lương thực, đèn đuốc, nước uống, rồi gởi ngựa để thượng sơn.
Tuyết vẫn còn rơi nhưng thưa thớt chứ không mù mịt như đất Sơn Tây. Thương thế của Chính Lan chưa khỏi hẳn nên cước trình của họ khá chậm chạp. Ngọn núi đã được chọn mang tên cũ của Cửu Hoa sơn. Nó nằm sâu bên trong, cách tiểu trấn đến bốn dặm.
Chính Lan húng hắng ho, lập tức Thi Mạn cằn nhằn:
- May mà Chu lão gia ghé thuyền vào cửa vịnh, cho người chạy về thông báo, nếu không tướng công đã bỏ mạng dưới tay bọn Ảo Quỉ rồi. Chàng còn lén bỏ đi lần nữa, thiếp sẽ trở về Quảng Tây ngay.
Chính Lan mỉm cười chứ không biện bạch gì cả. Đó là cách hữu hiệu nhất để đối phó với nữ nhân.
Ba người đi vòng quanh ngọn núi để quan sát. Đến trưa họ mới phát hiện mái ngói rêu phong đổ nát của một ngôi cổ miếu trên sườn núi. Hai nàng mừng rỡ nắm tay Chính Lan lướt về nơi ấy. Quả thực trên cửa miếu có đắp nổi năm chữ. Tuy không còn đủ nét, vẫn có thể đoán ra đó là năm chữ "Cửu Thiên Huyền Nữ miếu."
Cửu Thiên Nương Nương là một vị thần của Thiên Sư giáo, được thờ phụng ở khắp nơi. Ngay trong truyện Thủy Hử cũng nhắc đến việc Tống Giang được Cửu Thiên Huyền Nữ ban cho binh thơ.
Thi Mạn và Tố Bình phải dùng trường kiếm chặt dây leo mới vào được miếu. Cửa nẻo đều đã mục nát cả, sàn miếu thì cỏ dại cũng mọc đầy. Mái ngói chỉ còn gần nửa nên trong miếu không thiếu ánh sáng. Trên bệ thờ bằng đá tảng nguyên khối, pho tượng của Cửu Thiên Nương Nương vẫn còn nguyên vẹn với vẻ mặt trang nghiêm. Chính Lan bảo hai nàng bẻ cành cây quét sạch bảo tượng bằng hắc thạch và bề thờ rồi chăm chú quan sát.Chàng nhảy lên, nắm hai vai pho tượng xoay thử, chẳng hề có kết quả gì.
Chính Lan suy nghĩ một lúc, đặt tay lên đầu pho tượng, vận công đè thật mạnh. Kỳ diệu thay, từ vách núi phía sau miếu vọng lại tiếng kèn kẹt của cơ quan chuyển động. Ba người hân hoan chạy đến xem. Tuy dây leo, cỏ dại che phủ nhưng vẫn có thể thấy được một khung cửa hiện ra trên vách đá.
Tố Bình mau mắn vung thanh Long Tuyền bảo kiếm dọn dẹp. Thi Mạn thì bật hỏa tập, châm đuốc. Nàng cẩn thận quăng Hồng Quan Kim Xà vào trước mở đường. Không thấy có hiện tượng gì, phu thê Chính Lan mới bước vào. Té ra Cửu Thiên huyền cung chỉ là một hang động ngầm trong lòng núi Lãng Dương Sơn. Nó cũng rộng rãi mà đầy thạch nhũ như thạch động dưới đáy Vô Để Uyên, Vân Mộng sơn. Nhưng có điểm ưu việt hơn là hang này nằm sát sườn núi lên có lỗ thông sáng, thông hơi, khiến không gian sáng sủa, thoáng đãng.
Trên bức vách cuối động có khắc sâu bốn chữ: Cửu Thiên huyền cung. Dưới đó là một bệ thở vuông vức, cao nửa trượng, trên có chiếc ngai đá lớn, chạm trổ rồng phượng như long ngai của hoàng đế. Và trên ngai là một xác người mặc long bào, đầu đội mũ Triều Thiên. Tất nhiên da thịt đế quân đã khô quắt lại, trông rất đáng sợ.
Chính Lan nghiêm giọng bảo hai mỹ nhân:
- Chúng ta vào đây quấy nhiễu chốn yên nghỉ của đế quân, xét ra cũng có lỗi. Vậy hai nàng hãy theo ta mà bái tạ.
Thấy trước mặt ngai là một phiến đá hình chữ nhật rộng hơn gang, dài độ ba gang Chính Lan liền thổi sạch bụi, chống tay vào đấy mà lạy ba lạy. Thi Mạn nối tiếp chàng, rồi đến Tố Bình.
Đến cái lạy thứ ba của Tiểu Linh Thố, tức là cái thứ chín của cả bọn, bất ngờ phát sinh quái sự. Phiến đá hình chữ nhật dưới đất lún xuống, và mặt trước của bệ thờ rơi ra. Dù không thể chạm tới Tố Bình nhưng cũng khiến nàng kinh hãi nhảy lùi.
Thi Mạn cầm đuốc soi vào khoang trống, lôi ra một chiếc rương gỗ đàn hương. Chính Lan thận trọng quan sát, rồi dùng Long Tuyền kiếm chặt ổ khoá.
Hai nàng ồ lên sung sướng vì ánh châu báu lấp lánh. Chính Lan lại quan tâm đến hộp gỗ nhỏ trong ấy. Chàng cầm lên, bước ra chỗ có ánh dương quang rọi thẳng vào, mở xem.
Ngoài quyển sách bằng đồng đỏ rát mỏng, còn có một lọ pha lê trong suốt, chứa ba viên dược hoàn đỏ tươi, thơm phức.
Chính Lan đậy hộp lại, xem xét quyển sách kỳ lạ. Gọi là quyển sách vì ba mươi lá đồng kia được xâu lại với nhau thành tập, chứ thực ra chẳng giống sách chút nào. Còn chữ thì lại được viết bằng một thứ mực màu trắng, bấm vào nghe cứng rắn như men sứ.Trang ngoài cùng là bốn chữ "Cửu Thiên bí lục." Trang thứ hai là di bút của Đế Quân.
"Lão phu vốn là một thư sinh ở đất Hà Nam, không chịu làm nô tài cho triều Nguyên nên chẳng thi cử làm quan, mà ngao đường khắp chốn để quên nỗi sầu mất nước. Nào ngờ khi đến núi Cửu Hoa sơn này lại được một bậc kỳ nhân võ lâm thu làm đệ tử. Gia sư gom góp kỳ trân trong thiên hạ, luyện thành năm viên Huyết Châu tiên đan, mỗi viên tương đương với ba mươi năm công lực. Lão phu được uống hai viên, luyện võ mười năm trở thành đệ nhất cao thủ thời bấy giờ. Có được bản lãnh thông thần, lão phu phiêu bạt khắp nơi, chém giết quân Mông Cổ. Nhưng cô chưởng nan minh, sau ba lần đột nhập vào hoàng cung của Nguyên Thành Tông để hành thích mà không thành công, lão phu phẫn chí trở về Cửu Hoa sơn tu tiên. Do uống Huyết Châu đến năm một trăm mười tuổi mà lão phu vẫn chưa chết, liền khắc một tấm Cửu Thiên lệnh bài, bỏ ngoài đường quan đạo rồi tọa hoá. Ai là người vào được nơi này, xin hãy nối chí lão phu đánh đuổi quân Mông Cổ, và tạo phúc cho sinh linh.
Khổng Nghị di bút."
Hai mỹ nhân kia đã đùa nghịch thỏa thê với rương châu báu, chạy đến hỏi Chính Lan:
- Tướng công, đế quân có để lại tuyệt học gì không?
Chàng bèn đưa cho Tố Bình quyển bí lục. Hai nàng châu đầu đọc lời nhắn nhủ của Đế Quân. Thi Mạn hân hoan nói:
- Vậy tướng công hãy uống cả ba viên linh đan để có thêm chín mươi năm công lực, thừa sức đánh bại lão họ Phùng.
Chính Lan mỉm cười, lắc đầu:
- Không đâu! Ta chỉ cần uống một viên là quá đủ rồi. Ta không muốn nhìn thấy các nàng lần lượt chết đi mà vẫn còn sống trong nỗi cô đơn. Hai viên còn lại, cả nhà hòa ra, chia nhau uống, để cùng hưởng hạnh phúc.
Hai nàng cảm động, ôm lấy vai phu tướng, nhón chân hôn vào má chàng, mặc cho xác Cửu Thiên Đế Quân đang nhìn trộm. Chính Lan mở bí lục xem phần kiếm pháp, hoan hỷ nói:
- Ta chỉ cần luyện xong chiêu Cửu Cửu Dịch Thiên này là đủ để giết Phùng Thiệu Đính.
* * *
Sáng ngày tám tháng hai, quần hào tụ tập đông đủ ở Phụng sơn. Dưới chân núi giờ đây đã có một cổng tam quan đồ sộ, khắc hàng chữ "Võ lâm tổng đàn."
Mùa xuân đã về đến đất Hà Nam, cỏ cây tươi tốt và trăm hoa đua nở. Trên khoảng sân rộng giữa tổng đàn, mấy trăm bàn tiệc phủ vài hồng bày đầy rượu thịt. Theo đúng qui củ, cả năm vị chưởng môn đều phải có mặt để trao minh chủ lệnh kỳ cho họ Phùng, mặt mũi họ ủ ê, sầu não như cha chết.
Ngược lại, Thiên Ảo cung chủ tươi rói trong bộ trường bào màu xanh, thêu hình cung hổ.
Cuối giờ mão, mọi người đều đã tựu vị, chờ xong phần nghi lễ là đánh chén. Họ Phùng đã chuẩn bị sẵn trống lớn và đàn, sáo, sênh, phách. Lão chỉ đưa tay ra hiệu là các nhạc cụ ấy trỗi giọng. Trước tiên là một hồi đại cổ dài hùng dũng, rồi đến đàn sáo dặt dìu, tao nhã.
Năm vị chưởng môn bước đến trước mặt Phùng Thiệu Đính, chuẩn bị trao lệnh kỳ. Quảng Tâm thiền sư hắng giọng rồi nói:
- Kính cào toàn thể võ lâm⬦
Ông vừa nói được có thế thì những bàn sau cùng reo lên:
- Hồng Nhất Điểm đại hiệp.
Thế là hơn ngàn người la theo, vang lừng như sấm động. Họ nhất tề đứng lên đón chào vị anh hùng của mình. Chính Lan đã trở lại chân diện mục, mày râu nhẵn nhụi, trường bào thư sinh bằng lụa xanh, mũ học trò đen. Bên cạnh chàng là hai mỹ nhân xinh đẹp, thùy mị. Ba người vòng tay chào đồng đạo rồi bước đến chỗ họ Phùng và năm vị chưởng môn. Chỉ cần nhìn mái tóc có chỗ vàng hoe và gương mặt rám nắng của Chính Lan, họ đã nhận ra chàng là tên hải tặc Phí Tồn Nghĩa hôm trước.
Đại Đầu Cái mừng đến sa lệ, bước đến ôm chặt Chính Lan. Chàng liền thì thầm:
- Bang chủ mau chuẩn bị điều động lực lượng tiêu diệt Thiên Ảo cung. Tại hạ giết xong Phùng Thiệu Đính là ra tay ngay.
Giọng chàng tự tin như nắm chắc phần thắng trong tay. Lô bang chủ hiểu rất rõ con người Chính Lan nên yên tâm gật đầu. Chính Lan buông Đại Đầu Cái, chào hỏi bốn vị chưởng môn kia. Họ đều hổ thẹn vì đã bày ra đại hội, dâng chức minh chủ cho Thiên Ảo cung, nên lặng lẽ cúi đầu đáp lễ.
Phùng lão quỉ cười nhạt bảo:
- Hôm trước, ngươi giả làm Đài Loan đệ nhất kiếm sĩ, bị bổn tòa đánh trọng thương, sao giờ còn dám đến đây làm gì?
Chính Lan thản nhiên đáp:
- Lần ấy vì khinh địch nên tại hạ chưa dồn hết công lực vào chiêu kiếm, để thua cung chủ thật là oan uổng. Nếu cung chủ không sợ thì vui lòng tiếp tại hạ một chiêu kiếm nữa. Dẫu có bỏ mạng tại hạ cũng rất biết ơn.
Quần hào lại đồng thanh đốc thúc:
- Âu Dương đại hiệp đã nói thế mong cung chủ đừng phụ lòng.
Phùng Thiệu Đính không tin rằng chỉ sau ít ngày, bản lĩnh của Chính Lan có thể tăng tiến đến mức thắng được mình. Hơn nữa, lão ta cũng muốn giết chàng để trừ hậu hoạn nên chấp thuận:
- Được, các hạ đã muốn chết thì bổn minh chủ cũng chiều ý. Hãy chờ ta vào thay áo đã.
Chính Lan thầm khen lão là người thận trọng, làm gì cũng không để sơ xuất. Bộ võ phục trắng mới phát huy được hết diệu dụng của pho Thiên Ảo Thân Pháp. Họ Phùng rảo bước đi về phía tòa đại sảnh hai tầng bằng gỗ. Phòng riêng lão ở ngay tầng trên.
Quần hào đều chú mục cả vào Chính Lan nên không nhận ra hành động của Thi Mạn và Tố Bình. Hai người nắm tay nhau đi quanh khu yến tiệc. Họ không thể vượt qua hàng rào cảnh giới của trên ba trăm Ảo Quỉ, chỉ đi ngay mặt mỉm cười với chúng. Bọn người Ngạc Luân Xuân man rợ này chưa bao giờ được nhìn thấy người nữ nào đẹp hơn hai nàng, nên trố mắt ra nhìn và cười đáp lễ.
Thiên Ảo cung chủ đã quay trở ra, gọn gàng trong bộ võ phục và khăn bịt đầu trắng tinh. Chính Lan cười bảo:
- Màu trắng là màu của tang tóc, sao cung chủ lại thích nhỉ?
Họ Phùng xám mặt, lạnh lùng đáp:
- Bổn tòa để tang cho ngươi đấy, mau bước ra đây.
Lão ra hiệu cho vòng vây thủ hạ giãn rộng, tạo thành một đấu trường. Quần hùng chẳng còn màng đến ăn uống, rời bàn đến quanh chiến địa để quan sát. Không hiểu vô tình hay hữu ý, họ vây cả bọn Ảo Quỉ vào trong.
Chính Lan rút kiếm hờ hững chỉ xéo lên trời, dồn hết chín mươi năm công lực vào thân kiếm. Thiên Ảo cung chủ thấy thế thức đầu tiên hơi khác lần trước nên chăm chú nghiên cứu. Nào ngờ Chính Lan không đứng yên như lần ở Hoa Sơn mà xuất thủ ngay để chiếm tiên cơ. Có thêm ba mươi năm tu vi, thân pháp chàng giờ đây không thua gì Phùng Thiệu Đính. Lão có muốn tránh chiêu cũng không thể được.
Chính Lan dùng thuật ngự kiếm, thi triển chiêu Cửu Cửu Dịch Thiên. Thanh Long Tuyền bảo kiếm hóa thành con rồng bạc vươn bốn mươi chín móng vuốt chụp lấy đối phương.Phùng lão quỉ nhận ra chiêu này cực kỳ lợi hại, hơn hẳn chiêu trước đây.
Lão nghiến răng dồn toàn bộ công lực vào chiêu sát thủ cuối cùng trong Huyền Băng thần chưởng, dệt lưới quanh thân, hóa thành trái cầu tuyết lao đến thân đón chiêu. Chưởng phong cuồn cuộn, liên tiếp tung ra nhanh như chớp giật, cố chặn đứng bước tiến của Chính Lan. Và kèm theo là một đạo Huyền Băng chỉ hiểm ác vô cùng.
Nhưng giờ đây công lực của Chính Lan đã tăng gấp rưỡi, kiếm kình mãnh liệt xé tan màn chưởng phong, ập vào cơ thể kẻ địch.
Thiên Ảo cung chủ trúng liền chín kiếm vào thân trước, gào lên thảm khốc, gục ngã trước mặt Chính Lan. Lão chết trong niềm thất vọng ngút ngàn, vì đạo băng chỉ cũng không phá nổi màn kiếm quanh quanh thân đối phương. Quần hào phấn khởi, hò hét như điên cuồng. Bọn Ảo Quỉ sợ hãi, chưa biết phải hành động như thế nào thì Chính Lan đã vận công hét lớn:
- Thiên Ảo cung là tay sai của quân Mãn Thanh và cũng là hung thủ cướp của giết người, đồng đạo còn chờ gì nữa.
Chính Lan là thần tượng của võ lâm. Lời nói của chàng nặng như núi Thái, ai nấy đều tin phục. Do đó, hàng ngàn người kia rút vũ khí xông vào giết bọn Ảo Quỉ.
Lạ thay, chúng kháng cự rất yếu ớt, và bị hạ nhanh chóng. Đó là do Chính Lan biết chúng tội ác ngập đầu, bản tính hung dữ chẳng thể nào thay đổi được, nên đã bảo Thi Mạn thả cổ trùng khống chế. Gia dĩ, nếu không làm thế thì với bản lãnh cao cường của bọn Ảo Quỉ, đồng đạo võ lâm sẽ phải thương vong rất nhiều.
Chính Lan và các chưởng môn không tham ra trận tàn sát, phi thân về phía trong, lục soát các tòa nhà. Tiếc rằng Biển Bức Lão Tổ đã đem lũ dơi độc đào tẩu mất rồi.
Nhân lúc quần hào lo việc kiểm biên tang vật, và phủ dụ đám nữ tỳ Thiên Ảo cung, phu thê Chính Lan âm thầm bỏ đi mất dạng.
* * *
Mười lăm năm sau, nhờ Ngô Tam Quế mà quân Mãn Châu vào được Trung Nguyên. Vị hoàng đế nhà Thanh đầu tiên trên đất Trung Hoa là Thanh Thế Tổ Thuận Trị. Ông lên ngôi năm Giáp Thìn tức mới bảy tuổi.
Năm sau, Chính Lan từ Nam Hải trở về trung thổ, đột nhập tử cấm thành, định hành thích vua Thanh. Chàng tìm thấy Thuận Trị ở cung Khâu Ninh, cùng với thái hậu. Người đàn bà Mãn Châu kia quì xuống van lạy gã thích khách có gương mặt nhân từ. Chính Lan bất nhẫn, ngửa cổ than trời:
- Đúng là khí số Hoa Hạ đã tuyệt nên giang sơn mới rơi vào tay một đứa bé phương bắc tám tuổi thế này.
Nét trẻ thơ của Thuận Trị khiến chàng chẳng thể xuống tay. Chính Lan nghiêm nghị nói với nhà vua:
- Nay thấy ngươi còn nhỏ dại, ta không nỡ giết. Hãy cố gắng trở thành một vị hoàng đế tốt, tạo phúc cho bách tính Trung Hoa. Nếu không, ta sẽ trở lại lấy đầu ngươi đấy.
Thuận Trị được tha chết, bất giác sanh lòng ngưỡng mộ gã thích khách kỳ lạ, liền hỏi:
- Mong tráng sĩ cho trẫm biết danh tính?
Thích khách thản nhiên đáp:
- Ta là Âu Dương Chính Lan, nhà vua hãy cố mà nhớ lấy.
Chàng xoa đầu Thuận Trị rồi rời tử cấm thành. Chính Lan nhớ lời dạy của Hoàng Hạc Tú Sĩ, chẳng cố cưỡng lại vận trời làm gì nữa. Chàng trở về hòn đảo xinh đẹp ở vùng biển Giao Châu, sống hạnh phúc với thê tử.
Dần dà, võ lâm Trung Nguyên quên lãng Hồng Nhất Điểm. Chỉ có một lão già nát rượu, suốt ngày lẩm bẩm:
- Âu Dương Chính Lan, tha lỗi cho ta.
Người ấy là Lôi Đao Hứa Hoa.
HẾT
(1)"Ước cũ xin xem như gió thoảng,
Trời xanh hun hút cánh hồng bay."
(2)Ngàn dặm sông dài.
(3)Trên tiệc rượu ngày Trùng Dương vịnh hoa cúc trắng
(4)"Đầy vườn hoa cúc vàng như nghệ,
Một khóm như sương trắng trắng tinh.
Tiệc rượu sớm nay cũng giống thế,
Một ông đầu bạc giữa đầu xanh."
(5)"Suơng mỏng mây mờ sầu trải khắp
Nghi đỉnh trầm hương thắp
Lại đến tiết Trùng Dương
Nêm dồi chăn đắp
Hơi gió đêm qua ngập
Bên rào nâng chén Hoàng Hoa nhắp
Tay áo mùi hương ắp
Chớ bảo lòng không buồn
Rèm quyện gió tây
Người gầy hơn hoa cúc."
(6)Mưa thu lao xao.
(7)Trời đất không có lòng nhân.
(8)Đến thời nhà Minh thì Phật giáo đã hoằng dương rộng khắp Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu và thuyết nhân quả luân hồi được mọi người tin tưởng.
(9)Việc buôn bán với nước ngoài đã có từ thời nhà Hán, nhưng triều Nguyên là vương triều đã xây dựng được nhiều hải cảng đối ngoại nhất. Trước sau, triều Nguyên đã thiết lập thị Bách Ty tại bảy khu vực là Quảng Châu, Tuyền Châu, Hoàng Châu, Chánh Nguyên, Ôn Châu, Cảm Phổ và Thượng Hải. Đồng thời có quan hệ mậu dịch với gần trăm nước ngoại bang. Tuyền Châu trở thành hải cảng lớn nhất Trung Hoa. Đến thời Minh, việc buôn bán với Nam Dương rất phát đạt, nên cảng Quảng Châu lại phồn vinh hơn sáu cảng kia.
(10)Ánh chiều chiếu trên mái lầu.
(11)Nhớ Dương Liễu.
(12)"Giang Nam dọc bến trồng dương liễu,
Một biệt Giang Nam xuân đã hai.
Xa nhớ xanh xanh trên bến ấy,
Vin cành bẻ liễu biết là ai?"
(13)Ngắm trăng nhớ người xa.
(14)"Trăng lên từ dưới hồ
Soi sáng khắp muôn phương
Đêm não lòng xa cách
Canh dài nỗi nhớ thương
Tắt đèn đầy ánh nguyệt
Khoác áo thấm hơi sương
Khôn vốc trăng đưa tặng
Đi nằm mộng gặp chăng."
(15)"Quế rơi, êm ả, người nhàn
Đêm trôi lặng lẽ, xuân ngàn quạnh hiu
Trăng lên, hốt hoảng chim đèo
Lòng khe ngân dội, tiếng kêu đầu cành."
(16)Khe chim kêu.
(17)Giả heo ăn thịt cọp.
(18)"Xưa nay muôn việc xuôi nước chảy
Từ biệt người đi bao giờ về
Toan thả hươu trắng núi xanh khơi
Cần đi cứ cỡi dạo non chơi
Dễ đâu cúi đầu, gãy lưng thờ quyền quí
Khiến ta chẳng được mặt mày tươi."
(19)Chiêu Thống là tên một vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam.
(20)Dưới thời nhà Minh, tỉnh Tích Giang gồm hai phủ Giang Tô, Chiết Giang.
(21)"Gió thổi hương tàn hoa rụng hết
Ngày muộn biếng chải đầu
Cảnh đó, người đâu chuyện trước sau,
Lời nghẹn lệ tuôn mau.
Nghe nói song khê xuân đẹp lắm
Cũng muốn thả thuyền đi
Ngại nỗi song khê thuyền tí ti
Mối sầu nặng khó chuyển đi."
- Chương 1 - Hủ nho phùng mỹ nữ. Đào hoa ngộ cuồng phong
- Chương 2 - Hồng điểm đáo Giang Tô. Tây Thi hoạn cựu ước
- Chương 3 - Đại lượng đắc hiền thê. Đào hoa cung lưu huyết
- Chương 4 - Dương Châu xuất ác nhân. Nam kinh hồng diện tử
- Chương 5 - Hồ nam thu dạ tầm bằng hữu. Kiểm nghiệm tà dương tróc cuồng đồ
- Chương 6 - Gian nhân mang nhãn anh hùng khấp. Tự bất đa tình, hữu đắc chí
- Chương 7 - Miêu nữ thi diệu kế. Lục phượng hoán nhất long
- Chương 8 - Thượng kinh tam thứ phùng mai phục. Hiền phụ tâm trung duy hữu phu
- Chương 9 - Long tuyền nhất xuất tà ma khiếp. Đế địa âu dương diệt hoạn quan
- Chương 10 - Tuyệt xứ phùng sinh vân mộng giản. Vu hồ hào kiệt hội cố nhân
- Chương 11 - Tâm ngốc thùy chi tam nghĩa sĩ. Đào hoa vĩnh bất kiến đông phong
- Chương 12 - Vũ hạ pháp sư phùng tử nạn. Cốc trung chữ thị ngộ oan gia
- Chương 13 - Tuyệt bích nan phan nhân vi điểu. Thê thê hồ thủy nhân vi ngư
- Chương 14 - Mạt lộ anh hùng hồi cố thổ. Lương sơn họa khởi bạch liên vong
- Chương 15 - Chu lão thi diệu kê. Tiểu Ngưu đắc hiền thê
- Chương 16 - Hồng nhan họa thủy bi thiên mệnh. Cô chưởng nan minh nam hải cư (Hết)