Chương 32 - Vài lời khích tướng buông nhè nhẹ - Hai hổ tranh phong quyết sống còn
Vương-Duy-Dương tung hoành trên đất Tề, Lỗ, Triệu, Yên hơn 40 năm làm cho quần hùng phải khiếp vía nên lão ta trở nên tự đắc, cho rằng võ công của mình là vô địch, không có ai địch nổi. Lần này đích thân chỉ huy đoàn bảo tiêu đến Giang-Nam, tưởng rằng Hoàng-Đế sẽ đền bù cho những khó nhọc ban thưởng xứng đáng để cho sự nghiệp thêm hiển vinh, nào ngờ lại phải chuốc lấy những nỗi trái ngang uất hận. Vì vậy, lão ta nhất định không chịu ăn uống, yêu cầu nhất định phải được yết kiến quan Thống-Lãnh Ngự-lâm quân để phân trần.
Vương-Duy-Dương đang la hét chửi rủa thì một người chừng 30 tuổi, mặc y phục Ngự-lâm quân vào hàng cao phẩm bước vào. Người đó chính là Mạnh-Kiện-Hùng, nghe lời Trần-Gia-Cách vào tiếp xúc với Vương-Duy-Dương. Với dáng điệu của một quan lớn, Mạnh-Kiện-Hùng chẳng thèm đếm xỉa gì đến Vương-Duy-Dương, ngang nhiên kéo ghế ngồi, hách dịch cất tiếng hỏi:
-Kẻ nào với danh hiệu là Uy-Chấn Hào-Sóc đâu?
Vương-Duy-Dương sẵn cơn thịnh nộ nên lớn tiếng đáp:
-Chính là tôi đây! Đó chẳng qua là giang hồ thân hữu gọi vậy chứ không phải do tôi cố ý tự đặt ra! Nếu Phúc đại nhân thấy trái tai tôi lập tức nói với bạn bè từ nay tước bỏ cái ngoại hiệu đó!
Mạnh-Kiện-Hùng lạnh lùng nói:
-Phúc đại nhân là dòng dõi quý phái hoàng-tộc, há lại đi để ý đến cái đám giang hồ như các ngươi.
Vương-Duy-Dương uất ức nói:
-Tôi hộ tống bảo vật cho Hoàng-Thượng từ Bắc-Kinh trải qua bao nhiêu hiểm trở nguy nan mà không hề sơ xuất mảy may. Chẳng hiểu vì cớ gì ại bị nhốt vào lao tù như thế này?
Mạnh-Kiện-Hùng hỏi:
-Thật ngươi chưa hiểu vì lẽ gì à?
Vương-Duy-Dương đáp:
-Hẳn là vậy!
Mạnh-Kiện-Hùng nhìn Vương-Duy-Dương soi mói từ đầu đến chân một hồi rồi mới nói:
-Chỉ sợ ngươi tuổi già sức yếu, tinh thần suy nhược, không chịu nổi sự hãi hùng kinh khiếp đó thôi!
Những câu Mạnh-Kiện-Hùng vừa nói là những điều tối kỵ mà Vương-Duy-Dương ghét nhất. Lão ta không dằn được vận nội công vào bàn tay chặt mạnh vào một góc của chiếc bàn. Góc bàn bị chặt đứt như bị dùng dao bén mà gọt đẽo. Mảnh bàn rớt xuống đất nát ra như cám.
Vương-Duy-Dương lửa giận bốc lên phừng phừng hét lên:
-Vương-Duy-Dương này tuổi đã cao thật nhưng võ công thì vẫn còn trẻ lắm. Trên đời không có thứ nào có thể làm cho Vương-Duy-Dương này có thể kinh hãi và khiếp nhược được cả!
Mạnh-Kiện-Hùng khẽ gật đầu đáp:
-Lão Vương ngươi kể ra cũng khá anh hùng đấy! Nhưng trên giang hồ lão ít nhất còn phải đứng sau hai người nữa. Chẳng hay ngươi có nghe câu nói của giới hắc đạo là: Thà đụng Diêm-Vương, chớ chọc lão Vương. Thà chịu ba thương, đừng gặp một Trương?
Vương-Duy-Dương vênh váo nói:
-Đó là vì bạn bè muốn nhấn mạnh cái tính khí nóng nảy và ý chí cứng cỏi của tôi mà đặt ra câu ấy thôi.
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Té ra lão Vương trong câu đó chính là ngươi thật đó sao? Nhưng tại sao giới hắc đạo lại đem chữ Vương mà đặt trước chữ Trương như vậy? Không lẽ võ công của ngươi lại cao hơn người mang họ Trương kia?
Vương-Duy-Dương bị nói khích nhịn không được đứng thẳng lên bước tới một bước nói:
-À! Chắc là Hỏa-Thủ Phán-Quan định đem lão phu này lên bàn cân để so sánh giá trị đây mà! Lão ta thật là hồ đồ nên mới có việc như thế này!
Mạnh-Kiện-Hùng làm mặt nghiêm nghị nói:
-Trương đại nhân là thượng cấp của ta! Ngươi có biết hay không?
Vương-Duy-Dương khinh khỉnh đáp:
-Tôi chỉ biết một người có tên là Trương-Siêu-Trọng có chân trong đội Ngự-lâm quân, thế thôi!
Mạnh-Kiện-Hùng hỏi:
-Ngươi biết mặt Trương đại nhân chứ?
Vương-Duy-Dương đáp:
-Dẫu cùng ở Bắc-Kinh thật, nhưng lão ta làm quan cho triều đình, tôi là thường dân. Tuy nghe danh nhưng chưa từng làm quen bao giờ!
Mạnh-Kiện-Hùng xuýt xoa nói rằng:
-À, thì ra thế đấy! Bọn ta trong Ngự-lâm quân vẫn nghe Trương đại nhân tỏ lòng hâm mộ ngươi từ lâu rồi. Hiện tại, Trương đại nhân đang có mặt tại Hàng-Châu. Đại nhân nói rằng lúc ở Bắc-Kinh, vì bận hầu cận Hoàng-Thượng cho nên khó có thể hạ mình để tìm đến ngươi được. Bây giờ cả hai cùng ở ngoài vòng kinh-thành nên Trương đại nhân có ba việc muốn bàn với ngươi. Chỉ cần ngươi chịu hứa chắc một lời sẽ lập tức tha ngay.
Vương-Duy-Dương hậm hực nói:
-Ta bị lâm vào tình trạng thế này thì cần gì phải thương lượng thế này hay thế nọ? Muốn gì thì cứ nói đi! Chẳng hay Hỏa-Thủ Phán-Quan yêu cầu ta những điều gì?
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Toàn những việc dễ dàng, chẳng chút khó khăn. Vương tổng tiêu-đầu hà tất phải nóng giận. Điều thứ nhất là yêu cầu Vương tổng tiêu đầu bỏ ngay ngoại hiệu Uy-Chấn Hà-Sóc!
Vương-Duy-Dương đáp ngay không do dự:
-Được! Còn việc thứ nhì?
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Yêu cầu Vương tổng tiêu-đầu dẹp bỏ ngay Trấn-Viễn tiêu cục!
Vương-Duy-Dương nổi giận hét như sấm:
-Ta lập nên Trấn-Viễn tiêu cục cả 40 năm nay, không bao giờ dung túng đám hắc đạo! Trương đại nhân bảo ta dẹp bỏ đi có nghĩa là sao? Nhưng thôi, cũng được! Còn việc thứ ba?
Mạnh-Kiện-Hùng dừng lại mấy giây rồi mới nói:
-Yêu cầu Vương tổng tiêu-đầu mời tất cả đồng đạo võ lâm tập họp lại đông đủ bảo với họ đảo ngược câu ví kia thành Thà chịu ba thương đừng gặp một Trương, thà đụng Diêm-Vương đừng chọc lão Vương. Đồng thời Trương đại nhân cũng không muốn nhìn thấy Vương tổng tiêu-đầu cầm cây Bát-Quái đao kia nữa!
Vương-Duy-Dương nghe nói liền nổi giận đùng đùng, hét lên từng hồi như sư tử rống:
-Ta với Trương-Siêu-Trọng không thù không oán cớ sao y dám khinh thị ta như vậy?
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Ngươi hưởng đủ tất cả rồi, nào là danh dự cho đến giàu sang phú quý, thậm chí cả bổng-lộc triều đình cũng không thiếu, đã 40 năm còn chưa đủ hay sao? Tốt hơn hết ngươi nên nghe lời Trương đại nhân kẻo hối không kịp đó!
Ý của Trương đại nhân đã quá rõ ràng, không lẽ ngươi không hiểu? Một núi không bao giờ có thể có hai cọp được. Đó là lẽ tự nhiên từ xưa đến nay.
Vương-Duy-Dương nói:
-Sở dĩ Trương-Siêu-Trọng làm nhục ta là không ngoài mục đích muốn nổi danh. Trường hợp ta không chịu thì y nhốt ta mãi hay sao? Ta thà liều chết chứ không để cho kẻ khác lợi dụng việc công để kiếm lợi riêng cho mình đâu!
Mạnh-Kiện-Hùng khẽ cau mày nói lớn:
-Trương đại nhân là hào kiệt trên đời, há lại làm chuyện mờ ám bao giờ! Ngươi đừng nghĩ quấy mà mang tội phạm thượng! Trương đại nhân đã đưa ra ba việc cho ngươi rõ. Nếu ngươi biết thuận theo chiều gió thì sẽ được thả ra liền, còn như vẫn ngoan cố thì Trương đại nhân vẫn cho ngươi một cơ hội để tiếp tục xưng hùng. Đúng giờ Ngọ hôm nay tại ngọn núi phía Bắc thành Hàng-Châu, nếu ngươi không phục thì tới đó để lãnh giáo quyền thuật và kiếm pháp lợi hại của Trương đại nhân! Ngươi thấy phải chăng là Trương đại nhân lòng dạ quảng đại, đường đường chính chính không chèn ép ai cả. Ta thành thật khuyên ngươi nên chấp nhận ba việc trên là hơn. Trương đại nhân đang hồi sung sức trong khi ngươi tuổi đã xế chiều, xương cốt đã bại hoại, liều mạng mà làm gì!
Những lời Mạnh-Kiện-Hùng chẳng khác nào những thùng dầu tạt vào ngọn lửa đang cháy dữ dội. Vương-Duy-Dương nói như hét lên:
-Vương-Duy-Dương này đã hơn 40 năm tung hoành lừng lẫy trên giang hồ, có đời nào lại chịu nhận ba việc nhục nhã như thế! Không cần nói nhiều! Ta nhất định phải xem thử bản lãnh Hỏa-Thủ Phán-Quan đến đâu mà dám khinh người thái thậm như thế!
Mạnh-Kiện-Hùng nói:
-Trương đại nhân không muốn việc này đến tai Hoàng-Thượng bởi vì tính Hoàng-Thượng hay thương hại người già cả yếu đuối nên có thể ngăn cản mà trách cứ Trương đại nhân là sao lại ỷ võ nghệ siêu quần mà nỡ ra tay đánh người cao tuổi đáng thương có công hộ tống bảo vật. Vì vậy, nếu ngươi không sợ thì cứ một mình một đao mà tìm đến. Người nào đem theo trợ thủ quyết không phải là anh hùng hảo hán. Còn nếu như ngươi biết tự lượng sức mình thì nên chịu ba điều Trương đại nhân đã đưa ra.
Vương-Duy-Dương bị Mạnh-Kiện-Hùng nói khích một hồi thì không thể nào chịu đựng được nữa nói lớn:
-Nếu phải bỏ đám nắm xương tàn này nơi núi rừng, Vương-Duy-Dương này cũng cam chịu, nhưng quyết không để cho Hỏa-Thủ Phán-Quan khinh thường được.
Mạnh-Kiện-Hùng lại nói:
-Tính Trương đại nhân vốn cẩn thận nên không muốn bị Hoàng-Thượng sau này chất vấn. Nếu ngươi muốn quyết đấu thì hãy mau hạ chiến thư để có gì sau này Trương đại nhân trình bày với Hoàng-Thượng trường hợp ngươi bị thảm bại rồi thẹn quá hóa giận mách lại Hoàng-Thượng.
Vương-Duy-Dương nghe nói lập tức ưng chịu ngay. Vương-Duy-Dương run tay đề mấy hàng như sau:
Gửi Trương-Siêu-Trọng đại nhân,
Lời nói cũng như hành động của ông tỏ ra khi người thái quá! Hôm nay đúng giờ Ngọ, tôi hẹn gặp ông tại đỉnh núi phía Bắc thành Hàng-Châu để phân tài cao hạ. Nếu tôi thua thì mọi việc để cho ông mặc tình xử trí.
Vương-Duy-Dương
Vốn là một kẻ vũ phu, chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu, lại đang lúc giận giữ nên run tay, nghĩ sao viết vậy, tuồng chữ nghuệch ngoạc. Mạnh-Kiện-Hùng mỉm cười cầm thư ra đi.
Vương-Duy-Dương hỏi:
-Xin huynh đài cho biết tên họ để sau này khi gặp lại tiện bề xưng hô.
Mạnh-Kiện-Hùng cười nói:
-Tôi thuộc kẻ hậu sinh, có đáng gì cho Vương tổng tiêu-đầu phải bận tâm đến!
Dứt lời Mạnh-Kiện-Hùng đi thẳng ra ngoài, đóng cửa lại. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội biết Vương-Duy-Dương xưa nay rất sợ quan quyền nên sẽ chẳng dám trốn đi, thành thử cũng không cần phải canh gác chặt chẽ làm gì. Hơn nữa, tuy gọi là nhà giam, nhưng chỉ có vài cánh cửa mỏng sơ sài. Với võ nghệ của Vương-Duy-Dương thì nếu lão ta muốn trốn thoát thì thật không phải là chuyện khó...
Trong khi đó, người bị nhốt ở phòng kế bên là Thiết-cầm sát Hàn-Văn-Xung đang ngồi rầu rỉ chợt nghe bên gian nhà phía trái có tiếng la hét chửi rủa ầm ĩ. Lấy làm lạ, Hàn-Văn-Xung để ý lắng tai nghe thì nhận ra là giọng của Tổng tiêu-đầu Trấn-Viễn tiêu cục Vương-Duy-Dương.
Hàn-Văn-Xung ngạc nhiên hỏi thầm:
-Sao Tổng tiêu-đầu lại lọt vào chốn này? Mà sao lại mắng chửi Hỏa-Thủ Phán-Quan như vậy?
Nguyên Thiết-cầm sát Hàn-Văn-Xung hôm ấy rượt theo con bạch mã bị Triệu-Bán-Sơn bắt về nhốt vào trong một căn phòng nhỏ này. Y tự biết lần này lọt vào tay Hồng Hoa Hội ắt khó mà toàn được tánh mạng nên chán nản, rầu rỉ vô cùng.
Hàn-Văn-Xung vừa định buông tiếng hỏi vọng sang thì chợt có hai người xô cửa bước vào nói:
-Xin mời Hàn đại gia vào sảnh đường có việc cần gấp.
Đến sảnh đường, Hàn-Văn-Xung thấy ở bàn ghế phía bên trái có ba người ngồi. Người ngồi chính giữa chính là Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội Trần-Gia-Cách. Hai người kia, Hàn-Văn-Xung nhận ra là Châu-Trọng-Anh và Từ-Thiện-Hoằng. Y cúi gầm mặt xuống đất chứ không dám nhìn thẳng vào mặt ai cả.
Trần-Gia-Cách ngồi chễm chệ trên ghế nói:
-Hàn đại ca! Lần trước gặp nhau ở Cam-Túc, không ngờ lần này lại tái ngộ ở chốn này. Âu cũng là duyên trời đưa đẩy!
Trầm ngâm giây lâu, Hàn-Văn-Xung nói:
-Hôm ấy tôi đã hứa là sẽ rửa tay gác kiếm về sống ẩn dật với túi thơ bầu rượu. Nhưng Vương tổng tiêu-đầu với tôi có chút tình nghĩa, viết thư nài nỉ tôi cố gắng giúp ông ta thêm một chuyến nữa nên không thể nào từ chối được. Đây là do tình bằng hữu đưa đẩy chứ chẳng phải tôi có ý định tung hoành ngang dọc đây đó trên giang hồ nữa. Hơn nữa, lần bảo tiêu này có liên hệ đến phủ Trần Tướng-quốc ở Hải-Ninh, tưởng công tử cũng không nỡ...
Hàn-Văn-Xung chưa nói hết câu thì Từ-Thiện-Hoằng đã lớn tiếng chặn ngang, ngắt lời:
-Hàn bằng hữu! Trên giang hồ phải lấy chữ tín làm trọng. Nếu không chịu giữ lời thì còn gì để nói nữa!
Hàn-Văn-Xung giận quá hóa liều nói:
-Ta đã rơi vào tay các người, muốn giết thì cứ giết, hà tất phải...
Trần-Gia-Cách vội lấy tay ngăn lại, ngắt lời:
-Hàn đại ca chớ nên nói như vậy! Anh em Hồng Hoa Hội chúng tôi với Vương tổng tiêu-đầu từ lâu vẫn có chút tình giao hảo. Lần này Vương tổng tiêu đầu vì chúng tôi mà ra mặt đụng độ với Hỏa-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng. Thế thì Hàn đại ca với chúng tôi có khách chi người một nhà? Việc trước kia xin bỏ hết đi, đừng nhắc tới nữa! Chỉ xin hỏi giữa Hàn đại ca và Trương-Siêu-Trọng có giao du mật thiết không?
Hàn-Văn-Xung nghe xong cảm thấy người nhẹ nhõm, đáp:
-Hồi ở Bắc-Kinh có gặp nhau vài lần. Tuy nhiên sang hèn khác nhau, phận ai nấy giữ. Hơn nữa lão ta vẫn tự phụ là võ nghệ cao siêu, có cao chúng taôi ra gì đâu, thì nói gì đến chuyện giao du mật thiết!
Trần-Gia-Cách gật đầu mấy cái, nói:
-Thế thì đủ rồi. Hàn đại ca thử đọc bức thư này.
Dứt lời, Trần-Gia-Cách đưa chiến thư của Vương-Duy-Dương viết gửi Trương-Siêu-Trọng cho Hàn-Văn-Xung đọc.
Ban đầu nghe Trần-Gia-Cách nói, Hàn-Văn-Xung vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng khi được đọc lá thư, đồng thời kiểm chứng lại những lời chửi rủa Trương-Siêu-Trọng của Vương-Duy-Dương ban nãy ở trong phòng thì không còn nghi ngờ gì nữa nói ngay:
-Nếu vậy thì để tôi gặp Vương tổng tiêu-đầu bàn tính kế hoạch đối phó với Trương-Siêu-Trọng gấp rút!
Trần-Gia-Cách nói:
-Hiện thời chưa cần gấp lắm. Tôi định nhờ Hàn đại ca cầm thư này đem đến trao cho Trương-Siêu-Trọng, rồi sau đó trở về bàn với Vương tổng tiêu-đầu cũng chưa muộn.
Hàn-Văn-Xung gật đầu ưng thuận. Trần-Gia-Cách lại gọi lớn:
-Thập-nhị ca! Anh ra đây có việc!
Từ bên trong, Thạch-Song-Anh bước ra. Trần-Gia-Cách đưa đến gặp mặt Hàn-Văn-Xung nói:
-Người anh em họ Thạch này sẽ đi chung, hộ tống Hàn đại ca đến gặp Trương-Siêu-Trọng. Anh ta sẽ đóng vai là tiêu sư của Trấn-Viễn tiêu cục. Hàn đại ca hẳn chưa rõ việc Vương tổng tiêu-đầu bị Trương-Siêu-Trọng làm nhục ra sao. Việc này thật dài dòng, không thể nói hết trong một lúc được. Sau khi đưa thư cho Trương-Siêu-Trọng xong, người anh em này sẽ kể hết cho Hàn đại ca biết hết mọi việc.
Hàn-Văn-Xung nghe nói bỗng hoài nghi chưa không tiện hỏi. Trần-Gia-Cách thấy vậy hỏi:
-Hàn đại ca có điều gì không vừa lòng xin cứ cho biết.
Hàn-Văn-Xung đáp:
-Không! Không! Tôi sẵng sàng làm theo lời công tử đã dặn.
Từ-Thiện-Hoằng đoán rằng Hàn-Văn-Xung đã có bụng hoài nghi liền lên tiếng:
-Xin đợi một chút!
Từ-Thiện-Hoằng vào trong đem rượu ra rót đầy chung trao cho Hàn-Văn-Xung nói:
-Tiểu đệ ăn nói hồ đồ, xin dùng chút rượu để tạ tội. Hàn đại ca phải uống cạn thì dệ mới yên lòng.
Hàn-Văn-Xung nói:
-Hay lắm! Hay lắm!
Sau khi uống cạn chung rượu, Hàn-Văn-Xung nói với Trần-Gia-Cách:
-Giờ thì tôi lên đường thôi!
Trần-Gia-Cách nói:
-Xin làm phiền Hàn đại ca!
Hàn-Văn-Xung bỏ thư vào túi. Vừa bước ra khỏi cửa thình lình nghe Từ-Thiện-Hoằng kinh hãi la lớn:
-Trời ơi, nguy rồi! Tôi rót lộn bình rượu cho Hàn đại ca uống!
Ai nấy nghe nói đều quýnh lên, Hàn-Văn-Xung thì mặt mũi tái lại.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Nhưng không đến nỗi nào, vẫ còn may! Chất rượu độc này dùng để tẩm vào ám khí nên không màu, không sắc nên vô ý dễ lầm lắm. May mắn là tôi nhìn thấy cái bình liền lập tức nhớ ra chứ nếu không thì thật là tai hại. Cứ lấy thuốc giải độc mà uống thì vô hại, không việc gì cả.
Một tên gia nhân của Mã-Thiện-Quân nói:
-Thuốc giải độc hiện tại không có sẵn, còn để ở tư gia ngoài thành.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Đừng đẻ phí thì giờ! Mau phi ngựa tức tốc ra ngoài ấy đem về thì mới kịp.
Tên gia nhân vâng lời lên ngự đi ngay. Từ-Thiện-Hoằng nói với Hàn-Văn-Xung:
-Tiểu đệ thật vô ý, tộ đáng chết! Từ giờ đến lúc đem thuốc giải độc về cũng còn khá lâu. Chi bằng Hàn đại ca cứ chịu khó đem bức thư này cho Trương-Siêu-Trọng trước, lúc trở về Thạch bằng hữu sẽ kể hết cho đại ca chuyện xích mích giữa Uy-Chấn Hà-Sóc và Hỏa-Thủ Phán-Quan. Thứ thuốc độc này dẫu nguy hiểm vô cùng, chỉ có thuốc giải kia là trị được mà thôi. Nhưng không sao, phải ít nhất cũng vài giờ thì chất độc mới bắt đầu ngấm. Lúc Hàn đại ca trở về thì chắc chắn thuốc giải đã có sẵn, chỉ cần uống một liều là giải được ngay.
Hàn-Văn-Xung biết đây là một âm mưu có tính toán trước chứ không phải là sự ngẫu nhiên tình cờ nên lườm Từ-Thiện-Hoằng một cái rồi mới chịu đi. Thạch-Song-Anh cũng đi theo.
Chờ cho hai người đi khỏi, Châu-Trọng-Anh nghiêm nghị bảo Từ-Thiện-Hoằng:
-Ta nhận thấy Hàn-Văn-Xung không phải là hạng người gian ác độc địa. Sao con lại nỡ dùng độc mà hại y?
Từ-Thiện-Hoằng cười đáp:
-Thưa nhạc-phụ, ruợu ấy không có độc!
Châu-Trọng-Anh ngạc nhiên hỏi:
-Không có độc à?
Từ-Thiện-Hoằng đáp:
-Thưa nhạc-phụ, đó là Quỳnh-Hoa mỹ tửu nguyên chất, uống vào còn phấn khởi tinh thần là đàng khác!
Sẵn bình rượu còn cầm trên tay, Từ-Thiện-Hoằng tự tay rót đầy một chung uống một hơi cạn, cười nói:
-Chỉ vì ban nãy con trông thấy hắn có ý nghi ngờ chúng ta nên sợ hắn nói bậy bạ với Trương-Siêu-Trọng làm hỏng việc của chúng ta nên mới nghĩ ra cách này để lũng đoạn tinh thần của hắn. Có như thế hắn mới chịu cố gắng làm đúng mệnh lệnh của Tổng-Đà-Chủ. Chờ khi nào hắn trở về con sẽ cho hắn uống thêm một chung nữa, gọi là rượu giải độc.
Nghe Từ-Thiện-Hoằng giải thích, ai nầy đều ôm bụng lăn ra cười, phục chàng là cao kiến...
Thạch-Song-Anh theo Hàn-Văn-Xung tới dinh thự của Lý-Khả-Tú. Hai người phải đợi ở phòng khách, chờ quân lính vào báo với Triêu-Siêu-Trọng.
Lúc ấy, Trương-Siêu-Trọng đang ngồi một bên Văn-Thái-Lai canh gác thì chợt có một tên lính tâm phúc của Lý-Khả-Tú vào báo:
-Trương đại nhân! Có khách tới thăm!
Nhìn tấm danh thiếp tên quân đưa viết Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương, Trương-Siêu-Trọng hừ; một tiếng tự nhủ:
-"Đến xin tiếp kiến mà để cả ngoại hiệu trên danh thiếp thế này à?"
Xoay qua tên lính, Trương-Siêu-Trọng nói:
-Mi ra thưa lại với khách rằng ta đang có công tác không thể tiếp kiến được, muốn gì cứ để lại địa chỉ, hôm khác ta sẽ tìm đến nói chuyện.
Tên quân đi một lát rồi trở lại cầm phong thư trao cho Trương-Siêu-Trọng mà thưa:
-Khách nhất định không chịu đi, có phong thư này trao cho đại nhân.
Trương-Siêu-Trọng cầm thư lên đọc thì trong lòng vừa tức giận vừa buồn rầu, không hiểu mình đã gây thù oán gì với Vương-Duy-Dương mà lão ta nhất định phải nằng nặc đòi tỉ thí cho bằng được. Y liền gọi tên quân nói:
-Mi đến thưa với Lý tướng-quân rằng ta phải ra ngoài tiếp khách, hãy mau phái người tới tạm canh chừng khâm phạm giúp ta trong chốc lát.
Chờ cho bốn tên thị vệ tới canh chừng Văn-Thái-Lai cẩn thận đâu đó, Trương-Siêu-Trọng mới khoác chiếc áo dài vào trong mình, vào trong phòng khách. Vừa trông thấy Hàn-Văn-Xung, Trương-Siêu-Trọng vội vàng thi lễ hỏi:
-Vương tổng tiêu đầu không đến sao?
Chỉ vào Thạch-Song-Anh, Hàn-Văn-Xung nói:
-Vị Thạch tiêu sư đây sẽ trình bày tất cả cùng đại nhân.
Trương-Siêu-Trọng quăng phong thư của Vương-Duy-Dương lên bàn, hỏi:
-Tôi từ lâu vẫn ngưỡng mộ oai danh của Vương tổng tiêu-đầu. Tôi chưa hề có điều gì xích mích với Vương tổng tiêu-đầu, cớ sao ông ta lại bảo tôi là khi người quá lẽ là nghĩa làm sao? Rất có thể đây là ngụy kế ly gián của kẻ địch chứ chẳng không! Phiền hai vị dạy bảo cho biết đâu là sự thật?
Thạch-Song-Anh lạnh lùng đáp:
-Vương tổng tiêu-đầu là thái sơn bắc đẩu của võ lâm. Vì vậy trong võ lâm có điều gì đốn mạt xảy ra thì ông ta lập tức sẽ can thiệp ngay, chứ cần gì phải xích mích với không xích mích! Nếu không là vậy thì làm sao xứng đáng với danh hiệu Uy-Chấn Hà-Sóc?
Trương-Siêu-Trọng cả giận đứng dậy nói lớn:
-Vương-Duy-Dương bảo ta làm chuyện đốn mạt trong võ lâm à?
Thạch-Song-Anh bĩu môi, làm ra vẻ khinh khi khiến Trương-Siêu-Trọng càng tức giận hơn nữa. Y gằn giọng hỏi:
-Tôi đã làm gì để mất mặt các bằng hữu đồng đạo võ lâm, xin cho biết!
Thạch-Song-Anh nói:
-Vương tổng tiêu-đầu có mấy lời muốn hỏi Trương đại nhân. Điều thứ nhất là với danh nghĩa của con nhà võ, bất luận là môn phái nào, việc đáng ghét nhất, đáng khinh nhất là thái độ khi tôn diệt trưởng. Trương đại nhân là cao thủ phái Võ-Đang sao không nể mặt sư huynh mà chạy theo bả công danh. Đã vậy còn vô lễ chống đối rồi định giở trò định hãm hại? Việc ấy có không?
Trương-Siêu-Trọng lớn tiếng đáp:
-Đó là chuyện riêng của mông phái anh em tôi, không can dự gì đến người ngoài!
Thạch-Song-Anh lại nói tiếp:
-Điều thứ hai là trên giang hồ, không kể là hắc đạo, bạch đạo (#1), trước hết là phải lấy tín nghĩa làm đầu. Trương đại nhân với Hồng Hoa Hội không thù không oán sao lại tham quan, tham tiền bày mưu gạt gẫm bắt sống Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai, còn để lụy đến một đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch trong Thiết-Đảm-Trang phải chết thảm. Xin đại nhân thử tự vấn lương tâm xem có xấu hổ, bị cắn rứt không?
Trương-Siêu-Trọng cả giận nói:
-Tôi ăn lộc vua, trung thành với vua. Mắc mớ gì đến Trấn-Viễn tiêu cục mà can dự vào chứ?
Thạch-Song-Anh nói:
-Trương đại nhân tự phụ mình võ nghệ cao cường, dưới mắt chẳng xem ai ra gì cả. Bao nhiêu năm sống ở Bắc-Kinh, Trương đại nhân có giúp ích gì cho các võ lâm đồng đạo, banh hội trong giang hồ chưa? Hay là chỉ biết vị kỷ hại nhân (#2), bày mưu bày kế làm hại người hiền. Hẳn đại nhân còn nhớ cái màn kim thiền thoát xác (#3) một mình chạy trốn làm cho Ngô-Quốc-Đống thiếu chút nữa bỏ mạng, còn Trấn-Viễn tiêu cục phải bỡ ngỡ trước cường địch để đến nỗi bao nhiêu người bị thương, vô số người bỏ mạng đó chứ! Chung quy cũng chỉ do một mình Trương đại nhân mà ra cả!
Mấy câu nói của Thạch-Song-Anh làm cho cả Trương-Siêu-Trọng lẫn Hàn-Văn-Xung đều giật mình, nghĩ thầm:
-"Thì ra đầu đuôi khiến cho Vương-Duy-Dương uất hận chính là việc này!"
Lần đó tại Cam-Lương, Diêm-Thế-Chương, Thái-Vĩnh-Minh đều bỏ mạng, Tiền-Chính-Luân bị trọng thương. Tất cả Hàn-Văn-Xung đều hay biết cả. Giờ đây nghe Thạch-Song-Anh nhắc lại, Hàn-Văn-Xung không sao dằn được bèn tiếp lời:
-Việc ấy thì Trương đại nhân quả thật không còn chối cãi vào đâu được. Vì vậy, đừng trách tại sao Vương tổng tiêu-đầu thù ghét đại nhân!
Thạch-Song-Anh lạnh lùng nói:
-Còn biết bao nhiêu điều nữa chưa nói đến. Nhưng thôi, chỉ cần nói ba điều ấy thôi là đủ. Trương đại nhân trả lời thế nào nghe cho xuôi thì trả lời!
Bị Thạch-Song-Anh chất vấn hết đường chối cãi và không biết trả lời sao, Trương-Siêu-Trọng thẹn quá hóa giận quát lớn:
-Tên tiểu tử ngông cuồng này! Trước mặt Thái-Tuế mà dám lớn lối loạn ngôn! Mi có độn thổ cũng đừng mong sống sót!
Thạch-Song-Anh đứng dậy lùi ra sau một bước, giọng cười cợt nói:
-Cái gì vậy? Uy-Chấn Hà-Sóc thách mi tỉ võ. Mi lại nhát gan không dám nhận lời nên đòi ăn thua đủ với ta để cho đỡ thẹn đó hả? Đúng là thứ con rùa rụt cổ!
Trương-Siêu-Trọng nghe Thạch-Song-Anh nói vậy thì tự ái nổi dậy, không hùng hổ hăm dọa nữa mà cười lớn lên cho đỡ thẹn mà nói:
-Cái gì nhát gan? Cái gì con rùa rụ cổ? Nếu vậy thì đúng giờ Ngọ hôm nay tại Bắc Cao Phong (#4) ta quyết cùng Vương-Duy-Dương tranh tài cao thấp. Kẻ nào không dám đến không phải là hản hán.
Thạc-Song-Anh nói:
-Mi không đúng hẹn thì từ nay trở đi đừng nên ló mặt ra chốn giang hồ nữa! Vương tổng tiêu-đầu chỉ đi có một mình chứ không mang theo tiêu sư nào cả. Nếu mi có anh hùng thì đừng mang theo thị vệ với quan quân làm gì cho hèn người!
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Lão già hủ lậu Vương-Duy-Dương kia chỉ có hư danh mà thôi! Chẳng lẽ một mình ta không đủ hạ lão hay sao mà phải cần đem người theo giúp sức?
Thạch-Song-Anh nói:
-Vương tổng tiêu-đầu không quen lối khoe khoang mà chỉ nói chuyện bằng công phu chân chính khổ luyện mà thôi. Mi không phục thì cứ việc tha hồ mắng chửi, ta chẳng thèm để vào tai.
Thạch-Song-Anh có tài ăn nói lanh lợi nên Trương-Siêu-Trọng bị chọc tức mà không cách nào mở miệng ra được. Thấy Trương-Siêu-Trọng im lặng, Thạch-Song-Anh nói tiếp:
-Thôi! Thế là đủ rồi! Chúng ta xin cáo từ thôi. Thật là tội nghiệp cho ngươi! Chỉ vì một phút không chịu nhẫn nhục mà công phu rèn luyện bấy nhiêu năm đành phải chôn vùi dưới tay Uy-Chấn Hà-Sóc. Nghĩ mà đáng tiếc.
Đôi mắt Hỏa-Thủ Phán-Quan chợt nổi lửa, y tung ra một chưởng nhan như điện xẹt. Thạch-Song-Anh định lách mình tránh thoát nhưng không kịp, bị trúng vào ngay bả vai, lùi ra sau mấy bước. Trương-Siêu-Trọng liền bồi tiếp một chưởng đánh vào ngay ngực Thạch-Song-Anh.
Thạch-Song-Anh thấy vậy liền thi triển ngay một thế lâm tước vỹ trong Thái Cực Quyền hất mạnh tay Trương-Siêu-Trọng qua một bên.
Trương-Siêu-Trọng thấy nội-gia công phu của Thạch-Song-Anh lợi hại như thế cũng phải khen thầm.
Thạch-Song-Anh lùi lại sau thủ thế nói lớn:
-Được lắm! Mi khôn dám cùng Vương tổng tiêu-đầu quyết đấu thì cứ việc so tài với ta ngay tại đây.
Trương-Siêu-Trọng cười lớn nói:
-Mi về nói với Vương-Duy-Dương đúng giờ Ngọ tạo Bắc-Cao-Phong, đừng sai hẹn!
Thạch-Song-Anh cười nhạt rồi cùng với Hàn-Văn-Xung ra về. Khi về đến nhà Mã-Thiện-Quân, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đã chờ đợi đón sẵn ở đó. Thạch-Song-Anh mỉm cười nhìn tất cả mọi người nói:
-Hắn ta sẽ có mặt vào giờ Ngọ.
Hàn-Văn-Xung mặt mày nhăn nhó như muốn nói điều gì. Từ-Thiện-Hoằng hiểu ý bưng chung rượu đến trước mặt nói:
-Hàn đại ca không phải lo, đệ đã chuẩn bị rượu giải độc sẵn sàng rồi.
Hàn-Văn-Xung chưa hiểu gì cả thì Châu-Trọng-Anh cười ha hả nói:
-Trò đùa này phải nên chấm dứt đi thôi để khỏi mích lòng nhau! Chẳng có chung rượu nào có độc cả, chẳng qua chỉ là trò vui đùa mà thôi. Thiện-Hoằng, con mau ra tạ lỗi với Hàn đại ca đi.
Từ-Thiện-Hoằng nghe lời, bước tới vòng tay nói:
-Xin Hàn đại ca miễn chấp cho!
Sau đó chàng kể rõ đầu đuôi cho Hàn-Văn-Xung nghe. Tuy không được vui lắm, nhưng cơn giận của y cũng đã nguôi nên không còn căm thù Từ-Thiện-Hoằng như trước nữa.
Lúc ấy, Mạnh-Kiện-Hùng đến gặp Vương-Duy-Dương nói:
-Trương đại nhân đã nhận lời, bây giờ ông đi là vừa. Nếu ông muốn thay đổi ý kiến thì bây giờ còn kịp, chứ còn tới Bắc-Cao-Phong rồi thì Trương đại nhân chỉ nói chuyện bằng quyền cước và đao kiếm mà thôi chứ quyết không nói chuyện bằng lời đâu đó. Mội lần nữa, tôi xin lập lại là nếu ông muốn nghĩ lại thì bây giờ còn kịp.
Vương-Duy-Dương dậm chân xuống đất hét lớn:
-Hà tất phải nói gì thêm nữa! Vương-Duy-Dương hôm nay không còn coi sự sống chết ra gì nữa rồi!
Vương-Duy-Dương lên đường đi Bắc-Cao-Phong. Mạnh-Kiện-Hùng ra dấu, hai gã tráng đinh khiêng cây Tử-Kim Bát-Quái-Đao và cái túi đựng kim tiêu đi theo.
Vương-Duy-Dương cầm đao lên tay, giắt túi lên lưng chợt thấy Hàn-Văn-Xung đón đường lại dặn:
-Lần này xin Tổng tiêu-đầu nhớ cẩn thận đề phòng.
Vương-Duy-Dương hỏi:
-Bạn biết tất cả rồi sao?
Hàn-Văn-Xung gật đầu nói:
-Chính tôi đã gặp Trương-Siêu-Trọng kia mà!
Vương-Duy-Dương lại hỏi:
-Hắn mắng tôi thế nào?
Hàn-Văn-Xung với vẻ mặt do dự đáp:
-Những lời nói của kẻ tiểu nhân, Tổng tiêu-đầu cũng chẳng cần nghe nhắc lại làm chi!
Vương-Duy-Dương nói:
-Bạn cứ nói, đừng ngại.
Hàn-Văn-Xung thuật lại lời nói của Trương-Siêu-Trọng mà còn có vẻ bực mình:
-Hắn... hắn bảo anh là thằng già hủ lậu... chỉ có hư danh... Ôi thôi, đủ điều!
Vương-Duy-Dương hừ một tiếng nói:
-Tôi chỉ có hư danh thôi à? Đến lúc đó mới biết được. Nếu tôi có điều gì bất hạnh thì xin Hàn lão đệ nghĩ tình mà lo liệu giùm tiêu cục và gia đình vợ con nhé!
Hàn-Văn-Xung thở dài, cố tìm lời an ủi:
-Võ công của Tổng tiêu-đầu cái thế, chắc gì Trương-Siêu-Trọng đã là đối thủ mà phải gửi gắm làm gì? Tổng tiêu-đầu cứ mạnh dạn, hăng hái ra trận. Tôi chờ đọi tin lành về tới.
Vương-Duy-Dương cầm Bát-Quái-Đao, dùng khinh công nhắm thẳng hướng Bắc-Cao-Phong đi như bay. Địa thế nơi này vô cùng hiểm trở. Trên đỉnh núi có một khoảng trống nhẵn nhụi, chung quanh có cây cối xanh tươi.
Vương-Duy-Dương vừa đến nơi thì có một người mặc áo ngắn, quần thắt ống, mặt mũi sáng sủa, trông cực kỳ oai vệ. Người ấy nhìn thẳng vào mặt Vương-Duy-Dương hỏi:
-Có phải Vương-Duy-Dương đó không?
Nghe người ấy đem tên tục của mình ra gọi, Vương-Duy-Dương cả giận. Nhưng thấy đối phương là một võ quan cao phẩm thì trong lòng cũng hơi nể nang, đáp:
-Phải! Tại hạ chính là Vương-Duy-Dương! Còn các hạ có phải là Hỏa-thủ Phán-Quan Trương đại nhân đó chăng?
Trương-Siêu-Trọng cười đáp:
-Chính là tại hạ! Chúng ta tranh tài bằng quyền cước hay binh khí đây, xin cứ nói mau, đừng làm tốn thì giờ vô ích.
Vương-Duy-Dương nghĩ thầm:
-"Ta chỉ cần cho hắn nếm thử mùi Bát-Quái-Chưởng cũng đủ để cho hắn biết rằng ta không phải chỉ có hư danh."
Nghĩ vậy, Vương-Duy-Dương nói:
-Tôi muốn được lãnh giáo Vô-Cực-Huyền Công là một môn võ nổi danh trên võ lâm từ lâu.
Trương-Siêu-Trọng đáp:
-Hay lắm!
Dứt lời, hai tay y chắp lại đưa tới. Biết Trương-Siêu-Trọng chờ mình ra tay trước, Vương-Duy-Dương tay trái đánh dùng một đòn "dung không thám trảo chộp vào bả vai Trương-Siêu-Trọng, đồng thời tay mặt dùng một chiêu mãnh hổ phục thung móc thẳng vào tay trái Trương-Siêu-Trọng.
Trương-Siêu-Trọng lùi ra sau ba bước, dùng Vô-Cực Huyền-Công hóa giải được hết các chiêu thức của Vương-Duy-Dương.
Hai người quần qua quần lại, cùng nhau trao đổi ít chiêu. Trương-Siêu-Trọng bỗng cúi người xuống, chân trái khẽ quét ngang một đường. Vương-Duy-Dương vội vàng nhảy lên cao mà né tránh, hai tay nhắm ngy mặt Trương-Siêu-Trọng bổ tới. Trương-Siêu-Trọng thuận đà sử dụng luôn hai thế không kích thương ưng và thọ tiêu cầm viên ra một lượt. Vương-Duy-Dương liền đảo tay vung ra hai chưởng hóa giải hết được chiêu thức của Trương-Siêu-Trọng.
Hai bên sau đó giở hết tuyệt kỹ ra đánh, mong áp đảo được đối phương. Đánh nhau cho đến lúc mặt trời đứng bóng, không biết là bao nhiêu hiệp mà vẫn không phân thắng bại.
Vương-Duy-Dương tự biết mình tuổi già, sức lực không thể bằng được đối phương. Nếu trận đấu càng kéo dài bao nhiêu, phần bất lợi sẽ về mình bấy nhiêu. Biết rõ điều lợi hại, Vương-Duy-Dương chân dẫm lên vị trí bức đồ Tiên Thiên Bát Quái, thi triển tuyệt kỹ Du Thân Bái Quái Chưởng, buộc Trương-Siêu-Trọng phải vội vã phóng theo.
Mục-đích của Du Thân Bát Quái Chưởng là bắt buộc địch thủ phải theo mình, xoay tả, trở hữu, chạy vòng quanh để thừa cơ hội tìm sơ hở mà đánh vào. Nếu địch thủ nhìn thấy trước mặt thì thoáng một cái, y sẽ bi kích ở sau lưng. Nếu địch thủ mà đứng im thì thế nào cũng hoa mắt lên khi nhìn đối phương liên hồi giẫm lên vòng Bát-Quái, và trận đấu sẽ kết thúc ngay.
Bị Vương-Duy-Dương bắt phải xoay một vòng, Trương-Siêu-Trọng đã hiểu ngay môn võ lợi hại của đối phương. Không đợi cho Vương-Duy-Dương lách mình ra đáng sau, Trương-Siêu-Trọng đã nhảy đến trước mặt đánh ngay một chưởng vào ngay hông Vương-Duy-Dương. Nhưng chưởng của Trương-Siêu-Trọng chưa đến nơi thì Vương-Duy-Dương đã nhảy ra đàng sau lưng Trương-Siêu-Trọng.
Thấy địch thủ chưa đạp lên Bát-Quái cứu cung thì đoán chắc Vương-Duy-Dương sẽ từ vị trí cung Khảm chạy qua vị trí cung Ly bèn huy động song chưởng đánh ngay vào cung Càn. Cứ như thế, hai người xoay chuyển đến mấy vòng, tay vừa đánh ra đã thu ngay trở lại, mà quyền cước chưa hề chạm vào nhau.
Trương-Siêu-Trọng lúc đầu còn theo được Vương-Duy-Dương, nhưng càng đánh càng cảm thấy đối phương càng nhanh thì không khỏi lo ngại. Bị kém thế, Trương-Siêu-Trọng phải giở tuyệt chiêu Vô-Cực Huyền-Công ra mà đối địch, theo lối đánh lấy nhu trị cương. Thân hình Trương-Siêu-Trọng thoáng một cái đã trở về lại chỗ cũ (#5), lấy tịnh để khắc động của đối phương.
Thấy Trương-Siêu-Trọng đột nhiên lại đứng yên một chỗ, Vương-Duy-Dương vội nhảy ra sau lưng Hỏa-Thủ Phán-Quan dùng một thế kim long thám trảo đánh vào hậu tâm. Trương-Siêu-Trọng hoành tay trái ra sau chụp lấy cổ tay Vương-Duy-Dương theo phương pháp bế mục hoán chhưởng (#6). Thấy vậy, Vương-Duy-Dương bèn đổi sang vị trí cung Đinh.
Vương-Duy-Dương hết sức nóng nảy, lại lách mình ra sau lưng Trương-Siêu-Trọng, cả hai tay đều dùng hư chiêu đánh vào người đối phương liên tiếp hai lần. Sau đó, Vương-Duy-Dương mới nhắm ngay bả vai Trương-Siêu-Trọng đánh xuốn một quyền.
Đang để ý lo chống đỡ hư chiêu, Trương-Siêu-Trọng bỗng thấy quyền của Vương-Duy-Dương đánh ngay bả vai mình thì cả sợ nhưng không thể nào tránh kịp được.
Tay phải Trương-Siêu-Trọng đành đưa ra sau lưng đón lấy quyền của Vương-Duy-Dương và tay trái dùng quyền đánh mạnh vào khuỷu tay mặt của địch thủ theo thế tiên kiếm trảm long, một chiêu hết sức lợi hại trong bế mục hoán chưởng.
Thấy Trương-Siêu-Trọng ra tay quá lẹ, không những cản được chiêu thức của mình lại mà còn trả lại một quyền. Vương-Duy-Dương liền vung mạnh cánh tay một cái, tạt ngược chưởng lên, đồng thời tay trái nhắm thẳng bả vai Trương-Siêu-Trọng đánh xuống một chưởng.
Trương-Siêu-Trọng cả kinh, thấy không thể nào đỡ kịp mà cũng hết đường né tránh liền vận nội công chịu đựng. Chưởng của Vương-Duy-Dương vừa đụng vào bả vai, Trương-Siêu-Trọng vội vàng phi thân ra đàng sau để đối phương khỏi thừa cơ mà tấn công tiếp nữa. Tuy vậy, Trương-Siêu-Trọng cũng tự biết là mình đã nhượng bộ đối phương một chiêu.
Đối với những cao thủ thượng thặng, chỉ trong một điểm nhỏ như thế là đủ để phân hơn kém rồi. Trương-Siêu-Trọng bền gọi lớn:
-Tôi nhìn nhận là quyền pháp của Tổng tiêu-đầu hết sức ca minh, không cần phải tỉ thí thêm nữa. Bây giờ chúng ta hãy tỉ thí bằng binh khí nhé!
Câu nói vừa dứt, Trương-Siêu-Trọng đã rút thanh Ngân-Bích-Kiếm ra khỏi vỏ. Vương-Duy-Dương cũng rút cây Tử-Kim Bát-Quái-Đao ra thủ sẵn trên tay.
Bấy giờ, hai người đứng sát bên nhau nên mới có dịp trông rõ mặt mũi của nhau. Vương-Duy-Dương nhìn thấy hai bên sống mũi và mí mắt của Trương-Siêu-Trọng sưng vù, tím bầm cả lại.
Vương-Duy-Dương lấy làm lạ, không hiểu trên đời ai lại có được bản lãnh để đánh Trương-Siêu-Trọng thê thảm như vậy. Đến như lão ta tuy gọi là thắng nhưng chỉ là khẽ đụng được vào người Trương-Siêu-Trọng mà thôi. Lão ta khôn biết là đêm qua Trương-Siêu-Trọng bị Trần-Gia-Cách đánh cho mấy quyền và điểm huyệt. Và có lẽ đó là lý do mà hông nay Trương-Siêu-Trọng phải nhường lão một thế.
Trương-Siêu-Trọng đã quyết chí trả thù nên vừa rút Ngân-Bích-Kiếm ra là đánh liên tu bất tận, tung ra toàn những chiêu lợi hại, không kể trời trăng mây nước chi hết.
Nhìn thấy kiếm quang của thanh Ngân-Bích-Kiếm, Vương-Duy-Dương biết ngay đây là một thanh bảo kiếm có một không hai trên đời, nếu để chặt trúng vào binh khí của mình ắt khó mà còn được nguyên vẹn. Vì vậy, mặc dù thi triển Bát-Quái-Đao, Vương-Duy-Dương phải hết sức giữ gìn, không dám để cho hai binh khí chạm vào nhau.
Vương-Duy-Dương vừa đánh vừa cố gắng bảo vệ các chỗ nhược trên người. Trương-Siêu-Trọng đánh mãi mà vẫn không tìm được sơ hở. Vương-Duy-Dương múa đao theo thế thiết ngưu canh địa (#7), vung đao tới chém một cách thật là dũng mãnh, Trương-Siêu-Trọng nghiêng đầu né sang một bên rồi dùng thế thiên thân đảo huyền (#8), đưa lưỡi kiếm chém thẳng lên đầu Bát-Quái-Đao.
Vương-Duy-Dương không thâu đao về kịp. Chỉ nghe một tiếng keng, đầu lưỡi Bát-Quái-Đao đã bị chặt đứt lìa. Vương-Duy-Dương buột miệng khen:
-Bảo kiếm thật tốt quá!
Lui lại đàng sau một bước, Vương-Duy-Dương nói:
-Chúng ta mỗi người thắng một trận, kể như hòa. Trương đại nhân bằng lòng chấm dứt cuộc tỉ thí chứ?
Vương-Duy-Dương nghĩ nên mượn cơ hội này để chấm dứt cuộc tranh phong, và cũng là để chấm dứt mọi oán thù để cùng giữ thể diện cho cả đôi bên. Nhưng không ngờ Trương-Siêu-Trọng nghe Vương-Duy-Dương khen kiếm mình tốt thì lại không bằng lòng, cho là Vương-Duy-Dương chỉ chịu thua vì không có binh khí tốt bằng mình chứ không phải vi sút kém tài nghệ. Vì vậy, Trương-Siêu-Trọng liền khoát tay nói:
-Không phải thế! Chưa phân thắng bại mà! Cuộc tỉ thí này chưa thể chấm dứt được.
Một nhát kiếm lại đâm thẳng tới. Hai bên lại quần nhau thêm gần cả trăm hiệp nữa. Vương-Duy-Dương mồ hôi ra rũ rượi, tự biết không thể kéo dài thêm trận đấu được nữa, mà cần phải tìm biện pháp giành thắng lợi mà chấm dứt cuộc tranh phong.
Cầm năm, sáu ngọn kim tiêu trong tay, khẽ chuyền cây đao qua tay trái, Vương-Duy-Dương thét lớn:
-Xem kim tiêu!
Mũi kim tiêu nhắm huyệt đạo của Trương-Siêu-Trọng phóng tới, đồng thời sau đó là một nhát đao chém tới. Đó là phương pháp đao trung hợp tiêu, một tuyệt kỹ của Uy-Chấn Hà-Sóc.
Trương-Siêu-Trọng né tránh được nhát đao phía trên, dùng kiếm gạt ngọn kim tiêu ở phía dưới. Không chậm trễ, Vương-Duy-Dương chém tiếp một đao, rồi lại phóng thêm một mũi kim tiêu tấn công. Thủ pháp Vương-Duy-Dương quá lẹ nên Trương-Siêu-Trọng chỉ còn biết cố gắng mà né tránh thôi chứ không còn nghĩ đến chuyện trả đòn nữa.
Mặc dù chiếm được ưu thế, nhưng Vương-Duy-Dương vẫn không tài nào hạ được Trương-Siêu-Trọng. Trong khoảnh khắc, Vương-Duy-Dương đã phóng hết 21 trong số 24 kim tiêu mang theo.
Vương-Duy-Dương lại vung tay lên một cái. Trương-Siêu-Trọng định hướng, đưa tay ra đón bắt lấy mũi kim tiêu nhưng chẳng thấy gì cả. Trong lúc Trương-Siêu-Trọng dồn hết tâm trí để chụp lấy kim tiêu thì Vương-Duy-Dương chân đạp lên vị trí cung Chấn dùng thế Lực tý Hoa Sơn (#9) chém thẳng vào mặt Trương-Siêu-Trọng một đao. Thấy nhát đao vô cùng mạnh mẽ, Trương-Siêu-Trọng không dám dùng sức chống trả, lách mình qua một bên rồi dùng thế Hoành vân đoạn phong (#10) đâm xéo vào hông đối phương.
Chiêu thế của Trương-Siêu-Trọng vô cùng mau lẹ và bất ngờ. Vương-Duy-Dương biết không thể nào né tránh kịp liền quay ngược đao trở xuống để gạt kiếm của Trương-Siêu-Trọng. Không ngờ thanh Bát-Quái-Đao vừa chạm vào thanh Ngân-Bích-Kiếm của Trương-Siêu-Trọng đã bị chặt đứt thành hai khúc.
Vương-Duy-Dương hét lên một tiếng cầm nửa thanh đao trên tay phóng vào mặt Trương-Siêu-Trọng. Vừa cúi mọp người xuống tránh khỏi, ba mũi kim tiêu cuối cùng trong tay Vương-Duy-Dương đã phóng tới tấn công trên dưới ba phía. Trương-Siêu-Trọng kêu lên một tiếng ối, thanh Ngân-Bích-Kiếm rời khỏi tay y rơi xuống đất và cả thân hình y ngã ngửa ra sau.
Thì ra Vương-Duy-Dương cố ý dụ Trương-Siêu-Trọng di chuyển theo hướng mặt trời soi để cho y chói mắt rồi thừa cơ ném ba ngọn kim tiêu còn lại thật đột ngột khiến Trương-Siêu-Trọng trở tay không kịp ngã ngửa ra, không dậy nổi.
Vương-Duy-Dương thấy vậy gọi lớn:
-Không sao đâu Trương đại nhân! Tôi có đem theo kim sang dược (#11) đây!
Thấy Trương-Siêu-Trọng nằm bất động, Vương-Duy-Dương vội vã chạy đến cúi xuống nghe thử nhịp tim ở lồng ngực của y thế nào. Đang lom khom, bất chợt nghe Trương-Siêu-Trọng hét lên một tiếng rồi từng tia kim quang xẹt lên. Biết việc chẳng lành, Vương-Duy-Dương dùng thế thiết bảng kiều lộn người ra sau.
Cả hai bên hông và hai bả vai Vương-Duy-Dương nhức nhối khôn tả. Biết mình bị trúng ám khí, Vương-Duy-Dương giận dữ vô cùng, rống lên như hổ gầm, không ngờ tâm địa Trương-Siêu-Trọng lại hèn hạ, độc ác đến như thế. Định xông tới liều mạng với Trương-Siêu-Trọng một phen thì các vết thương trên người bị ám khí phóng trúng trở nên nhức nhối vô cùng khiến Vương-Duy-Dương không sao chịu nổi, ngã xuống đất nằm sóng xoải.
Trương-Siêu-Trọng đứng dậy cười ha hả lên một tràng đắc thắng, rút mũi kim tiêu ở tay ra, lấy thuộc rịt vết thương và xé áo buộc lại cẩn thận.
Vương-Duy-Dương cả giận mắng:
-Trương-Siêu-Trọng! Tra không ngờ mi lại có thể dùng thủ đoạn đê tiện như vậy! Mi còn mặt mũi nào để nhìn mặt các anh hùng hào kiệt trên thế gian này nữa?
Trương-Siêu-Trọng cười đểu, nói:
-Nơi đây chỉ có ta với mi, còn ai biết được nữa? Ngươi hưởng lộc trời bấy nhiêu đó cũng đủ rồi, còn tiếc gì nữa? Ngày này sang năm là giỗ đầu của mi đó!
Vương-Duy-Dương biết Trương-Siêu-Trọng có ý định giết mình thì căm phẫn vô cùng, luôn miệng chửi rủa không ngừng. Trương-Siêu-Trọng nhảy tới điểm vào á huyệt của Vương-Duy-Dương khiến lão ta cứng họng không còn nói được gì nữa, nhưng đôi mắt vẫn như nẩy lửa, biểu lộ sự uất ức cùng cực mà không sao nói được.
Trương-Siêu-Trọng nhặt nửa khúc Bát-Quái-Đao của Vương-Duy-Dương đào một cái hố khá sâu rồi xách ngang hông Vương-Duy-Dương kéo đến gần hố xô xuống miệng nói lớn:
-Uy-Chấn Hà-Sóc cái con bà mi!
Dứt lời, Trương-Siêu-Trọng định dùng chân lấp đất xuống hố chôn sống Vương-Duy-Dương. Nhưng Hỏa-Thủ Phán-Quan vừa mới giơ chân lên thì bỗng đâu một tràng cười lanh lảnh từ đâu vang lên...
Chú thích:
(1-) Hắc đạo, bạch đạo: tà và chánh.
(2-) Vị kỷ hại nhân: vì lợi mình mà làm hại đến người.
(3-) Kim thiền thoát xác: con ve sầu lột vỏ.
(4-) Bắc Cao Phong: đỉnh núi cao phía Bắc thành Hàng-Châu.
(5-) Bảo nguyên quy nhất.
(6-) Bế mục hoán chưởng: nhắm mắt trả đòn.
(7-) Thiết ngưu canh địa: trâu sắt cày đất.
(8-) Thiên thân đảo huyền: giải trời thắt ngược.
(9-) Lực tý Hoa Sơn: sức vác núi Hoa.
(10-) Hoành vân đoạn phong: vung mây chặt gió.
(11-) Kim sang dược: thuốc rịt vết thương.
- Chương 1 - Mở đầu
- Chương 2 - Phù Dung châm năng giáo Lý Mộng Ngọc - Bạch Long kiếm hạ sát Tiêu Văn Kỳ
- Chương 3 - Hồng Hoa Hội quyết tôn Thiếu Đà Chủ - Tiêu Thanh Đồng thề đoạt Khả Lan Kinh
- Chương 4 - Trương Trọng Siêu vung thanh kiếm báu - Dư Ngư Đồng thổi ống sáo vàng
- Chương 5 - Nơi lữ quán, lập cao mưu hạ thủ - Chốn giang hồ, ôm trọng trách bôn ba
- Chương 6 - Miếu Hắc Hổ, thần uy kinh mãnh thú - Thành An Tây tương kiến hội quần anh
- Chương 7 - Thiết Đảm Trang, rắp tâm lừa con trẻ - Vọng Nguyệt Đình, quyết chí bắt phạm nhân
- Chương 8 - Thất thế anh hùng ninh thọ nhục - Đắc thời cao thủ đáo công thành
- Chương 9 - Nuốt hận đương gia theo chí lớn - Đau lòng trang chủ giết con yêu
- Chương 10 - Ái tình một sợi dây oan nghiệt - Nhân thế muôn đời khổ lụy thân
- Chương 11 - Hận cũ còn mang nghe khó trả - Ân sâu trót chịu biết sao đền
- Chương 12 - Thiết Đảm Trang vô phương biện bạch - Hồng Hoa Hội thị vũ dương uy
- Chương 13 - Trần Gia Cách trổ tài giao đấu - Châu Trọng Anh giàu nghĩa khả tuân
- Chương 14 - Lấy oán trả ân khi ngộ nhận - Đổi thù thành bạn lúc phân minh
- Chương 15 - Đường xa thăm thẳm tìm hào kiệt - Rượu bánh thơm ngon ghẹo tiểu thư
- Chương 16 - Quyết chí tìm chàng vì nghĩa trọng - Tình cờ trộm ngựa rõ mưu thâm
- Chương 17 - Đà chủ đa mưu năng khiển tướng - Đương gia hội kế khả tranh công
- Chương 18 - Đất lở gầm trời tan đại địch - Kinh về cố chủ nặng ân tình
- Chương 19 - Huyết hận nhìn quanh đầy huyết hận - Oan gia ngoảnh lại vẫn oan gia
- Chương 20 - Liều mạng vì người mong chuộc lỗi - Mặc thân vàng đá cũng vui lòng
- Chương 21 - Hỏa Thủ Phán Quan khoe dũng lược - Tây Xuyên Song Hiệp trổ kỳ tài
- Chương 22 - Phận rủi còn đeo người nghĩa khí - Trời già vẫn tựa kẻ gian hùng
- Chương 23 - Trong cơn biến mấy người vì bạn - Gặp lúc nguy ai kẻ giúp mình
- Chương 24 - Truyền võ vừa lòng chiêu rể quý - Giúp người gặp nạn cướp quân gian
- Chương 25 - Tiếng đàn thánh thót nghe văng vẳng - Tình nghĩa sơ giao đượm chứa chan
- Chương 26 - Hổ huyệt long đàm quan thánh diện - Trường giang nguyệt hạ thỉnh tri âm
- Chương 27 - Trời rằng quyết chẳng dung tha đất - Đất cũng thề không vị nể trời
- Chương 28 - Trở về tướng phủ nơi sinh trưởng - Gặp lại tri âm chốn miếu đường
- Chương 29 - Vây chặt thành cao theo diệu kế - Vào trong hầm kín đụng cừu nhân
- Chương 30 - Làm trò ma quỷ bày mưu quái - Bắt kẻ hùng gian cướp ngọc bình
- Chương 31 - Những chuyện hoang đường rồi cũng thấy - Từng màn bí mật hé dần ra
- Chương 32 - Vài lời khích tướng buông nhè nhẹ - Hai hổ tranh phong quyết sống còn
- Chương 33 - Giở thói đê hèn cam chịu nhục - Ra tay nghĩa hiệp bỗng thành thân
- Chương 34 - Tình vợ, tình chồng, tình phụ tử - Nghĩa thầy, nghĩa chủ, nghĩa kim bằng
- Chương 35 - Hoàng Đế đa tình hương quốc sắc - Anh hùng nan quá mỹ nhân quan
- Chương 36 - Có đói mới thương người đói khổ - Không tù sao hiểu chốn tù lao
- Chương 37 - Huynh đệ hai người trao chí hướng - Phu thê một cặp sánh chung đường
- Chương 38 - Hoàng Đế xin thề luôn một dạ - Anh hùng cũng quyết chẳng hai lòng
- Chương 39 - Hai kẻ vui vầy duyên hảo hợp - Một người ước hẹn kiếp ba sinh
- Chương 40 - Ngàn dặm âm thầm theo lý tưởng - Nhiều phen mạo hiểm cứu tình lang
- Chương 41 - Cõi thế sao mang nhiều nỗi khổ - Áo tu có rửa sạch lòng trần
- Chương 42 - Bóng tiên nga tắm sau đồi - Tình si vương vấn lòng người ngẩn ngơ
- Chương 43 - Dùng tài khắc phục chiêu cường địch - Ra sức tranh phong cứu mỹ nhân
- Chương 44 - Gian tặc tham danh tâm tán tận - Anh hùng vì nghĩa chí đồng thanh
- Chương 45 - Hiệp nữ trổ tài chôn giặc Mãn - Quần hùng hợp sức giúp người Duy
- Chương 46 - Hào kiệt xum vầy cùng nữ hiệp - Quần ma điên đảo với nha đầu
- Chương 47 - Bơ vơ một bóng nơi sa mạc - Lận đận từng phen chốn hiểm nghèo
- Chương 48 - Thú hoang khi đói tìm mồi xé - Thù bạn như nhau gặp họa chung
- Chương 49 - Thoát nanh dã thú xa nhân thú - Lên chốn non cao nhập cổ thành
- Chương 50 - Trổ tài thần dẹp uy cao thủ - Giết sói lang trừ hại tế nhân
- Chương 51 - Ân Cừu kết liễu, kiếm thư hoàn (Hết)