Chương XVIII
Mặt trời gần như đã lặn hẳn và để lại trên bầu trời những dải màu tía, đỏ sắp tắt. Tôi bước xuống một đường phố hẹp, nhộn nhịp và rời xa khỏi toà nhà của Rahim Khan. Đường phố là một cái ngõ ồn ào trong một mớ rắc rối những lối đi nhỏ tắc nghẽn người đi bộ, xe đạp và xe xích lô. Những biển lớn treo ở các góc đường quảng cáo Coca-cola và thuốc lá. Những tấm áp phích phim rẻ tiền phô phang những nữ diễn viên đầy nhục cảm khiêu vũ với đám đàn ông da nâu đẹp trai trên những cánh đồng hoa cúc vạn thọ.
Tôi bước vào một quán samôva nhỏ đầy khói thuốc và gọi một tách trà. Tôi tựa lưng lên chân sau chiếc ghế đang gấp lại và lau mặt. Cảm giác bị tuột xuống một cái vực đã phai mờ. Nhưng thay vào đó, tôi cảm thấy như một người vừa tỉnh giấc trong ngôi nhà riêng của mình và thấy mọi đồ đạc trong nhà đã được sắp xếp lại, đến nỗi mọi xó xỉnh, mọi rạn nứt thân thuộc trông đều xa lạ. Bị lạc hướng, anh ta phải đánh giá lại mọi vật xung quanh, và định hướng lại bản thân.
Làm thế nào mà tôi lại có thể mù đặc đến thế? Những dấu hiệu đã từng hiện trước mắt tôi trong suốt bao lâu. Bây giờ chúng vụt trở lại với tôi: Baba thuê bác sĩ Kuman chữa lại cái môi hẻ cho Hassan. Baba không bao giờ quên sinh nhật của Hassan. Tôi nhớ lại cái ngày chúng tôi đang trồng hoa tuy líp, khi tôi hỏi Baba đã bao giờ ông xem xét đến việc thuê những người ở mới chưa. Hassan sẽ không đi bất cứ đâu. Ông đã gầm lên. Nó sẽ ở ngay tại đây với chúng ta, nơi mà thuộc về nó. Đây là nhà của nó và chúng ta là gia đình của nó. Ông đã khóc, khóc khi ông Ali tuyên bố rằng sẽ cùng Hassan rời bỏ chúng tôi.
Người hầu bàn đặt một tách trà lên cái bàn trước mặt tôi. Nơi chân bàn bắt chéo thành hình chữ X có một vòng chuông đồng, mỗi chiếc lớn bằng quả óc chó. Một trong những quả chuông bị tuột ra. Tôi cúi xuống và buộc chặt nó lại. Tôi mong tôi có thể xiết chặt lại cuộc đời của riêng tôi dễ dàng như thế. Tôi uống một ngụm trà đen đặc nhất từng uống trong nhiều năm, và cố nghĩ tới Soraya, tới ông tướng và Khala Jamila, tới cuốn tiểu thuyết cần hoàn thành. Tôi cố quan sát xe cộ lồng lộn trên đường phố, mọi người ra ra vào vào những cửa hàng bánh kẹo nhỏ, cố lắng nghe nhạc Qawali đang vang lên từ chiếc đài bán dẫn ở bàn bên cạnh. Bất cứ thứ gì. Nhưng tôi vẫn cứ thấy Baba, trong cái đêm tôi tốt nghiệp, đang ngồi trong chiếc xe Ford ông vừa tặng tôi, sực mùi bia và nói: Hôm nay, bố chỉ muốn Hassan ở đây với chúng ta.
Làm sao ông có thể lừa dối tôi suốt bao năm như thế? Cả Hassan nữa ông đã đặt tôi ngồi lên đùi ông khi tôi còn nhỏ, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: Chỉ có một tội lỗi duy nhất. Và đó là ăn cắp... Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật.Ông đã chẳng nói nhưng câu đó với tôi sao? Và giờ đây mười lăm năm sau khi tôi đã chôn ông, tôi được biết rằng Baba từng là một tên ăn cắp. Và một tên ăn cắp thuộc loại xấu xa nhất, bởi những thứ mà ông đánh cắp đã từng là thiêng liêng đối với tôi: quyền của tôi được biết tôi có một đứa em trai, quyền của Hassan được biết nguồn gốc của mình, và danh dự của ông Ali. Nang của ông,Namoos của ông.
Những câu hỏi vẫn không ngừng đến với tôi. Baba đã dám nhìn thẳng vào mắt ông Ali ra sao? Ông Ali đã sống trong ngôi nhà đó thế nào, ngày này qua ngày khác, biết rõ đã từng bị chủ mình đơn phương làm nhục một cách tồi tệ nhất mà một người Afghan có thể bị làm nhục? Và tôi định hoà giải ra sao cái hình ảnh mới của Baba với hình ảnh ông đã từng in đậm trong óc tôi bấy lâu, cái hình ảnh ông trong bộ đồ veston nâu, tập tễnh bước lên lối xe vào nhà Taheri để hỏi Soraya làm vợ cho tôi?
Đây lại là một sáo ngữ nữa mà ông thầy dạy viết văn của tôi thường giễu cợt: cha nào, con nấy 1. Nhưng nó đúng phải không nào? Hoá ra, Baba và tôi còn giống nhau hơn nhiều những gì tôi vẫn biết. Cả hai chúng tôi đã phản bội lại những con người có lẽ đã hiến cả đời họ cho chúng tôi. Và từ đó mới nhận ra điều này: Rahim Khan đã gọi tôi về đây để chuộc tội không chỉ cho những tội lỗi của tôi mà còn của Baba nữa.
Rahim nói, tôi luôn luôn quá khắc nghiệt với bản thân. Nhưng tôi không hiểu. Đúng, tôi không làm cho ông Ali giẫm lên quả mìn chôn, tôi không mong bọn Taliban đến nhà để bắn Hassan. Nhưng tôi đã đuổi ông Ali và Hassan ra khỏi nhà. Phải chăng là quá gượng gạo để hình dung mọi sự có thể đã trở nên khác hơn nếu tôi không đuổi họ? Có thể Baba sẽ mang họ theo tới Mỹ. Có thể bây giờ Hassan đã có một ngôi nhà riêng của mình, một nghề, một gia đình, một cuộc sống tại đất nước nơi người dân ở đó thậm chí chẳng buồn bận tâm một người Hazara là thế nào. Có thể không. Nhưng biết đâu.
Cháu không thể đi Kabul, tôi đã nói với Rahim Khan, cháu có một người vợ ở Mỹ, một ngôi nhà, một nghề và một gia đình. Nhưng làm sao tôi có thể khăn gói trở về nhà khi những hành động của tôi có thể tước mất một cơ may cho Hassan để có vẫn những thứ như thế?
Ước gì Rahim Khan đừng gọi tôi. Tôi mong ông hãy để tôi sống trong quên lãng. Nhưng ông đã gọi cho tôi. Và những gì Rahim Khan tiết lộ cho tôi đã làm thay đổi mọi điều. Làm cho tôi thấy cả cuộc đời tôi, rất lâu trước mùa đông năm 1975, lui lại cái ngày người phụ nữ Hazara hát ru còn đang cho tôi bú, đã từng là một vòng quay của những dối trá, phản bội và bí mật ra sao.
Luôn có một con đường để tốt lành trở lại, chú đã nói vậy.
Một con đường để kết thúc vòng quay này.Với một đứa con trai bé nhỏ. Một đứa trẻ mồ côi. Con trai của Hassan. Đâu đó ở Kabul.
Trên chiếc xe kéo quay lại căn hộ của Rahim Khan, tôi nhớ Baba nói rằng vấn đề của tôi là, ai đó đã luôn hoàn thành cuộc chiến đấu của tôi thay cho tôi. Giờ đây tôi đã ba mươi tám tuổi. Tóc tôi đã rụng và có những vệt hoa râm, và mới đây thôi, những vết chân quạ đã hằn quanh đôi mắt tôi. Giờ đây tôi đã già hơn, nhưng có thể chưa đến nỗi quá già để bắt tay vào cuộc chiến đấu của chính tôi. Baba đã dối trá nhiều điều, nhưng hoá ra ông lại đã không dối trá về điều đó.
Tôi nhìn lại vào khuôn mặt tròn trĩnh trong tấm ảnh Polaroid lần nữa, mặt trời hắt nắng lên trên đó. Khuôn mặt của em trai tôi. Hassan đã từng yêu tôi, yêu tôi theo cách không ai có một tình yêu như thế bao giờ hoặc mãi mãi sẽ còn yêu như thế. Bây giờ nó đã đi mất rồi, nhưng một phần con người nó vẫn còn đang sống. Phần đó ở Kabul.
Đợi chờ.
Tôi thấy Rahim Khan đang cầu kinh namaz ở góc phòng. Ông chỉ là một cái bóng đen đang cúi đầu về phía Đông, trước một bầu trời đỏ như máu. Tôi đợi cho ông cầu kinh xong.Rồi tôi bảo ông, tôi sẽ đi Kabul. Bảo ông, sáng hôm sau sẽ gọi cho ông bà Caldwell. Ông nói:
- Chú sẽ cầu nguyện cho cháu, Amir jan.
--------------------------------
1 Like Father, like son: Cha nào, con nấy
- Chương I - Tháng Mười hai năm 2001
- Chương II
- Chương III
- Chương IV
- Chương V
- Chương VI
- Chương VII
- Chương VIII
- Chương IX
- Chương X - Tháng ba 1981
- Chương XI - Fremont, California. Những năm 80.
- Chương XII
- Chương XIII
- Chương XIV
- Chương XV
- Chương XVI
- Chương XVII
- Chương XVIII
- Chương XIX
- Chương XX
- Chương XXI
- Chương XXII
- Chương XXIII
- Chương XXIV
- Chương XXV - Hết