Chương 16
Tinh cầu thứ sáu là tinh cầu mười lần rộng hơn. Ở trên đó có một tôn ông già đang viết những cuốn sách dày cộp.
– Kìa! Kia là một nhà thám hiểm! Ông ta kêu lên thế khi nhìn thấy ông hoàng nhỏ.
Ông hoàng nhỏ ngồi lên bàn và thở một lúc. Em đã đi một quãng đường khá xa.
– Chú từ đâu đến? Tôn ông già hỏi.
– Cuốn sách bự này là cuốn sách gì vậy? Ông hoàng nhỏ hỏi. Ông làm gì ở đây?
– Ta là nhà địa lý, tôn ông già nói.
– Nhà địa lý là người như thế nào?
– Đó là một nhà bác học biết rõ đâu là sông biển, núi non, thành phố và sa mạc.
– Thế thì thích thật, ông hoàng nhỏ nói. Bây giờ ta mới gặp được một nghề ra nghề.
Rồi em đưa mắt nhìn cái hành tinh của nhà địa lý, xung quanh em. Em chưa hề nhìn thấy một hành tinh uy nghi như vậy.
– Tinh cầu của ông đẹp quá. Có đại dương không ông?
– Ta không biết, nhà địa lý nói.
– A! (ông hoàng nhỏ thất vọng). Còn núi non?
– Ta không biết, nhà địa lý nói.
– Và các thành phố, và các con sông, và các sa mạc?
– Ta cũng không biết nốt, nhà địa lý nói.
– Ông là nhà địa lý cơ mà!
– Đúng, nhà địa lý nói. Nhưng ta có là nhà thám hiểm đâu. Ta hoàn toàn thiếu các nhà thám hiểm. Nhà địa lý không phải là người đi đến các thành phố, sông biển, núi non, đại dương và sa mạc. Nhà địa lý rất quan trọng không thể đi lung tung. Ông ta không rời bàn giấy của mình. Nhưng ông ta tiếp các nhà thám hiểm. Ông ta phỏng vấn họ, và ông ta ghi chép lại những hồi ức của họ. Và nếu hồi ức của một trong các nhà thám hiểm ấy mà đáng chú ý thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về tư cách của nhà thám hiểm ấy.
– Tại sao vậy?
– Bởi vì nhà thám hiểm ấy mà nói dối sẽ gây nên những sai lầm tai hại trong các sách địa lý. Và cả nhà thám hiểm nào uống rượu nhiều quá nữa.
– Tại sao vậy? Ông hoàng nhỏ hỏi.
– Vì các bợm nhậu thấy một thành hai. Thế là nhà địa lý sẽ ghi hai dãy núi ở một nơi chỉ có một dãy.
– Tôi có biết một người nếu mà làm nhà thám hiểm thì sẽ tệ hại đấy, ông hoàng nhỏ nói.
– Có thể như thế. Vậy nên khi tư cách của nhà thám hiểm được chứng minh là tốt rồi, thì người ta mới điều tra về phát hiện của anh ta.
– Người ta đi xem hay sao?
– Không, như thế thì phức tạp quá. Nhưng người ta đòi hỏi nhà thám hiểm cung cấp bằng chứng. Ví dụ như tìm thấy một hòn núi lớn, người ta buộc anh ta phải mang về những tảng đá bự.
Nhà địa lý bỗng nhiên xúc động:
– Nhưng mà chú, chú đến từ xạ Chú là một nhà thám hiểm! Chú hãy tả cho ta cái hành tinh của chú đi!
Rồi nhà địa lý, sau khi đã mở cuốn sổ to, liền gọt bút chì. Thoạt tiên người ta ghi bằng bút chì các chuyện kể của nhà thám hiểm. Đợi cho nhà thám hiểm cung cấp bằng chứng rồi, người ta mới ghi lại bằng bút mực.
– Thế nào? Nhà địa lý hỏi.
– Ồ! Chỗ tôi ấy ư, ông hoàng nói, chẳng có gì đáng chú ý lắm, nó bé tí tẹo mà. Tôi có ba quả núi lửa. Hai quả hoạt động, một quả tắt. Nhưng biết đâu đấy.
– Biết đâu, nhà địa lý nói.
– Tôi cũng có một bông hoa.
– Chúng tôi không ghi nhận bông hoa, nhà địa lý nói.
– Sao thế? Nó là thứ đẹp nhất kia mà!
– Bởi hoa vốn phù du.
– Thế nào gọi là "phù du"?
– Các sách địa lý, nhà địa lý nói, là những cuốn sách chính xác nhất. Chẳng bao giờ lỗi thời cả. Chẳng mấy khi một quả núi lại chuyển chỗ. Chẳng mấy khi một đại dương lại cạn nước. Chúng ta viết nên những điều vĩnh cửu.
– Song những núi lửa đã tắt có thể thức dậy được, ông hoàng nhỏ ngắt lời. Thế nào gọi là "phù du"?
– Núi lửa tắt hay hoạt động với bọn ta cũng thế thôi, nhà địa lý nói. Cái ta kể tới, đó là quả núi. Nó không thay đổi.
– Nhưng thế nào gọi là "phù du"? Ông hoàng nhỏ lặp lại, suốt đời, em đã không chịu bỏ qua một câu hỏi, một khi đã nêu nó ra.
– Gọi như thế có nghĩa là "đứng trước hiểm hoa. bị tiêu diệt".
– Cái hoa của tôi đang đứng trước hiểm hoa. bị tiêu diệt ư?
– Chắc rồi.
Đoá hoa của tôi vốn phù du, ông hoàng nhỏ tự nhủ, và nàng chỉ có bốn cái gai để chống trọi ở đời! Thế mà ta để nàng một mình ở quê nhà!
Đấy là điều nuối tiếc đầu tiên của em. Nhưng em lấy lại can đảm:
– Bây giờ ông khuyên tôi nên đi thăm đâu? Em hỏi.
– Hành tinh trái đất, nhà địa lý trả lời. Hành tinh ấy nổi tiếng lắm...
Thế là ông hoàng nhỏ ra đi, lòng mơ đến đoá hoa của mình.