Phần 3 - D
Sáng chủ nhật, tôi về nhà cả ngày với cha mẹ tôi. Sân nhà chúng tôi ngổn ngang. Phân xưởng ngũ kim Wu-lee được bổ nhiệm một lãnh đạo mới nhiều tham vọng, ngay ngày đầu tiên nhậm chức đã tuyên bố sẽ triển khai phân xưởng của mình tới tận sân nhà chúng tôi dựng lán để xe đạp. Ông ta cho công nhân chặt hết cây cối, rau cỏ để dựng khu lán. Chúng tôi phản đối, đấu tranh to tiếng suốt ngày hôm ấy. Nhưng họ nhiều người hơn. Đó là những người mới tuyển dụng, những con người đang tuyệt vọng. Chúng tôi mất sân, ximăng được đổ đầy lên cỏ. Cha mẹ tôi nói với người lãnh đạo:
- Ông không thể làm vậy với chúng tôi. Chúng tôi phải chịu đựng tiếng ồn máy móc và mùi hoá chất bao năm nay rồi. Ông không thể được đằng chân lân đằng đầu, không thể tước đoạt nốt mảnh sân duy nhất màu xanh của chúng tôi.
Cha mẹ tôi gần như van xin. Người lãnh đạo không lay chuyển. Ông ta nói:
- Tôi làm thế để mở ra những chỗ làm cho những người thất nghiệp, những con người tuyệt vọng đang cần bát cơm ăn. Ông bà nghĩ tôi muốn họ ra sao? Xã hội cầu bơ cầu bất ư? Ý thức của ông bà đâu? Ông bà không động lòng thương cảm với những người vô sản sao?
Ngày ở nhà hôm đó thật chán chường. Hoa ở trường nội trú. San Hô ở nông trường Lửa Đỏ. Chính Vũ được trường trung học gửi đến xí nghiệp máy kéo học làm công nhân. Bố tôi suốt ngày ngồi bên bàn làm việc về đề án cuốn sách giật gân "Bay tới mặt trăng". Ông dựng bản đồ sao Hoả và Mặt trăng. Mẹ bảo bố sẽ là thành viên của hệ mặt trời chứ không phải của gia đình nữa. Tôi ngắm nhìn bố vẽ những hố đen. Bố vẽ cần mẫn, kính trễ xuống mũi. Bố bảo:
- Để bố giảng cho con cái gì làm cho trăng sang, con muốn nghe không?
Tôi nói:
- Trăng sáng hay không, cũng thế thôi.
Sau bữa trưa, mẹ ngồi xuống với cuốn sách "Hồng lâu mộng". Mẹ gọi tôi và giới thiệu cuốn sách. Mẹ nghĩ giờ tôi đủ chin chắn để đọc nó. Mẹ bảo cũng nên đọc vì ông Mao từng nói không được đọc cuốn sách này như một chuyện tình lạc hậu, vườn sau, mà nên học tập như một tài liệu giáo dục. Cuốn sách dựng lên một bức tranh sinh động xã hội phong kiến Trung Quốc, bản chất xấu xa của giai cấp thống trị. Đó là lời dạy mới nhất của ông Mao. Tôi bảo mẹ:
- Để dịp khác con đọc.
Tôi không nói với mẹ, tôi đã lấy trộm và đọc nó một thời gian dài khi mẹ giấu nó trong nhà xí. Chính tôi đã dùng nó để viết thư tình hộ Nghiêm cho anh Báo. Tôi đã chép những câu cú, những vần thơ trong sách. Đó là chuyện tình tôi đã kể cho Nghiêm nghe. Nghiêm chưa bao giờ đọc sách ấy, nhưng chị nhớ hết mọi tình tiết của truyện.
Tôi yêu cầu mẹ tôi cắt nghĩa tình yêu. Mẹ tôi bảo rằng tôi làm mẹ bối rối. Mẹ bảo rằng không có bài học nào học được chuyện yêu đương, bởi mỗi người đều phải hành động tuân theo sự dẫn dắt của bản ngã.
Dẫn dắt của bản ngã. Tôi chưa từng tuân theo nó hay sao? Nghiêm và tôi đã học được từ bản ngã và làm điều tốt nhất cho nhu cầu của chúng tôi biết cần phải thế nào. Con sông tuổi xuân của chị trào qua hai bờ khi chị không được phép có một người đàn ông để yêu. Tôi đã phải giả làm người đàn ông cho chị. Nhưng tôi yêu chị bằng tình yêu nồng nàn của tôi.
Một cuộc mít-tinh lớn ở trường quay. Sau đó mỗi đơn vị được phát một tài liệu phê phán Chu - Khổng để đọc. Chính phủ muốn công nhân đọc ở giữa kẽ các dòng chữ và bắt đầu mạn đàm về thủ tướng Chu, sự ốm yếu của ông, mâu thuẫn của ông với đồng chí Giang Thanh. Chúng tôi được chỉ đạo nghi ngờ sự trung thành của ông với ông Mao. Đến lượt tôi đọc những dòng này. Tôi đọc hững hờ. Tôi không quan tâm tới những việc của ông Chu. Nó làm tôi chán ngắt. Quần chúng được yêu cầu bình luận. Thì mọi người bình luận. Những luận bàn vô nghĩa. Chúng tôi phải giữ cho Trung Quốc đỏ mãi - vẫn câu chữ mà Loa điện thường mào đầu.
° ° °
Tôi thấy một túi lưới đầy rùa chết và một con cá rắn xanh nâu ở trong sân. Hôm đó là sáng thứ hai, tôi được phân công tìm mua một số tài liệu học tập ở một hiệu sách gần nhà tôi. Tôi quyết định dừng chân tại nhà mình. Từ khi không còn được để ý tới nữa, mọi người trong xưởng phim thường không chú ý tới sự vắng mặt của tôi. Khi tôi xuống xe, tôi lấy làm lạ không hiểu ai mang cá và rùa tới. Bà hàng xóm bảo tôi, bạn cô đợi mấy tiếng đồng hồ ở cầu thang rồi.
Tôi thầm đoán xem ai. Tôi không đỗ nổi xe khi đoán trúng. Rùa và cá gợi cho tôi mùi hương vị của nông trường Lửa Đỏ. Tôi dựa xe vào tường, tôi nhảy bổ vào. Tôi nhìn thấy chị nhô lên khỏi cầu thang, Nghiêm, đại đội trưởng của tôi, trông như một cô dâu. Bộ tóc cắt ngắn, cao tận tai, chị mặc jacket màu lam mới toanh, áo sơ mi đỏ, cổ mở rộng khuy, váy ngắn xanh thẫm và đôi giày đen cũng mới toanh. Chị có vẻ cả quyết và bình tĩnh. Dẫu vẫn còn xanh xao, chị không còn rầu rĩ nữa. Chị nhìn tôi cố tự kiềm chế, rồi chị chào tôi giọng run run. Tôi biết chị nhớ tôi khốn khổ. Tôi bước tới nắm bàn tay chị. Lúc này chị đã hiểu, tôi cũng nhớ chị khốn khổ chẳng kém gì.
Tôi nói:
- Em không ngờ chị đấy.
Chị bảo:
- Vừa xong thu hoạch vụ mùa, chị rửa sạch rùa và cá sáng nay mang cho em. Chị mới bắt hôm qua.
Tôi chăm chú nhìn chị. Tôi cố xem chị đã thay đổi bao nhiêu so với lần cuối cùng tôi nhìn chị. Tôi cố hiểu xem chị làm vậy có ổn không. Chị quay mặt đi và bảo:
- Em xem, toàn rùa ươn, cá chết.
Tôi dẫn Nghiêm vào nhà. Tôi mở cửa và để chị ngồi ngoài sảnh. Tôi rót cho chị một tách trà. Tôi nhìn chị. Tôi không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Tôi nói:
- Trông chị được lắm.
Chị nói:
- Chị không biết, chị cho rằng chị sinh ra từ nơi thấp hèn. Chị cảm thấy mình như một con lợn - điều đó chẳng thành vấn đề với chị.
Chị dừng lại rồi lặng im. Chị nhìn xung quanh rồi chỉ bức vẽ ông Mao trên tường. Chị bảo:
- Đẹp đấy, ai vẽ thế?
- Hoa vẽ, bài tập về nhà ấy mà.
Nghiêm thở dài và bảo chị luôn mong biết vẽ, rồi chị gạt bỏ bởi không bao giờ vẽ nổi sống mũi ông Mao cho thẳng.
Chị chỉ chiếc giường gỗ to và bảo:
- Giường to nhỉ.
Tôi nói:
- Vâng, em và Hoa ngủ ở đây, nhưng nó chỉ về nhà ngày chủ nhật.
Nghiêm hỏi sức khỏe mẹ tôi. Tôi bảo:
- Vẫn thế thôi. Bà không được cho nghỉ ngày nào. Ngày nào cũng phải đi làm. Bà đi làm, rồi ốm, khi nhịp tim tới một trăm mốt, bà được chứng chỉ bác sĩ cho nghỉ một ngày. Bà về nhà nghi ngơi. Hôm sau lại phải đi làm và vòng đau ốm lại bắt đầu.
Tôi hỏi chị có gặp San Hô, em gái tôi, ở nông trường không. Nghiêm nói:
- Gặp một lần. Nó cùng tiểu đội đang khuân gạch. Nó chậm chạp, ì ạch ở hàng cuối. San không được khỏe như em. Tôi bảo:
- Em biết. Em nhớ một lần mẹ nói với em: San yếu lắm. Hai tuổi nó vẫn chưa đi được. Vú em mẹ thuê lấy cắp phiếu thực phẩm của San gửi về làng quê nuôi con mình.
Tôi hỏi Nghiêm có cách nào giúp được em tôi. Nghiêm bảo:
- Ồ, thôi đi. San Hô không phải là người duy nhất trong lao tù.
Nghiêm nói:
- Nhìn chị xem, chị già rồi.
Chị đang ngắm chị trong gương. Tôi nhìn vào gương ngắm chị. Cài lại khuy cổ, chị nói:
- Đời cứ trôi, trôi đi thực sự.
Tôi hỏi:
- Anh Báo thế nào?
Nghiêm liếc mắt nhìn tôi và bảo:
- Bố anh ấy vừa mất, anh ấy về Thượng Hải chịu tang.
Tôi hỏi:
- Chị đến với anh ấy chứ?
- Em nghĩ chị là ai? Con dâu ư? Muốn thế nào, Báo cũng phải rời nông trường về trước còn chị hôm nay mới tới được đây.
- Chị hẹn ngày với anh ấy chứ?
Tôi nhìn chị. Chị lặng im. Chị nhấp trà và cúi xuống những mẫu chữ trên bàn, rồi chị xem báo. Một lúc sau chị bảo:
- Em biết đấy, chị chưa bao giờ bắt đầu bằng anh ấy. Nhưng đó là món ăn cũ rồi, ý chị muốn nói là quan hệ của chúng mình ấy. Những năm tháng đẹp nhất đời chị đã không cùng anh ấy. Anh ấy thiếu mất cái đó. Chị đang ụt ịt như một con lợn phải không? Ồ, tất nhiên chị viết thư cho anh ấy. Làm sao chị có thể nói chị chưa bao giờ bắt đầu bằng anh ấy? Em đã trao thư của chị cho anh ấy, chẳng phải ư? ...Rồi em bỏ mặc chị, anh ấy đến với chị. Ý chị nói anh ấy đã gửi thư cho chị. Anh ấy yêu cầu chị gặp anh ấy ở xưởng gạch. Anh nói anh luôn thèm muốn chị, nhưng anh sợ sức ép về chính trị. Bí thư của anh ở ngay sau anh. Em có nhớ cô gái lùn ục ịch, em thường miêu tả cho chị không? Cái con mẹ bao giờ cũng lù lù hiện ra khi em chuyển thư cho Báo không?
- Có, em có nhớ. Em nhớ Hồng già.
Nghiêm tiếp tục:
- Dẫu sao giờ đây đại đội của anh ấy cũng đang lâm vào cảnh tồi tệ. Những cánh đồng của họ sát biển, mặn hơn của chúng ta. Anh ấy thậm chí mất hết thóc giống. Anh ấy cho lính ăn. Anh ấy không còn gì để gieo trồng. Anh ấy còn thất vọng hơn chị. Vậy em hiểu chứ, bọn chị lại nói chuyện vớ vẩn ấy. Anh ấy nói luôn yêu những bức thư của chị! Lạy Phật, thư của chị! Thế rồi, dĩ nhiên, chị thú nhận chị chẳng bao giờ viết những thư ấy. Em biết không, anh ấy ép chị phải nói rõ sự thật. Chị nói về em, ồ, làm gì phải cáu lên, em biết đấy, em viết hay hơn chị, thế chẳng tốt hơn sao? Có thế thôi. Em ngượng ư?
- Anh ấy yêu chị chứ?
- Anh ấy bảo anh ấy yêu, những chị không thể biết được anh ấy yêu đến mức nào.
- Còn chị?
- Ồ, em biết đấy, chị không sành về chuyện đó.
Chị nhấp trà và nhai lá trà.
- Chị mong em cũng thích anh ấy - Chị vừa nói vừa nuốt lá trà.
- Chị đã...
Tôi vừa nói Nghiêm đã cúi đầu bẽn lẽn như đã hiểu tôi sắp hỏi điều gì.
- Ồ... - Chị nói - Nông trường quá nguy hiểm để... Em biết đấy, dễ bị tóm lắm.
Chị nhìn tôi, đỏ mặt.
- Làm thế nào để em giúp được chị?
- Anh ấy đang đến đây.
Tôi bật dậy nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Cái gì? Ai? Bao giờ?
Chị nói, chị mời anh ấy tới gặp chị ở đây, chiều nay.
- Liều thế!
Chị bảo chị cũng đoán vậy.
- Nhưng em biết không, chị chỉ định gặp anh rồi uống một tách trà cùng nhau thôi mà. Làm gì mà phải hốt hoảng đến thế?
Tôi cười sự nói dối vụng về của chị:
- Chỉ ngồi và uống trà thôi ư? - Tôi bảo - Sẽ chỉ như bị xước khi xỏ chân vào ủng thôi mà, sau đó, nó sẽ làm cho chị cảm thấy ngứa ran lên.
- Ồ, em biết chị, trừ phi...
Tôi nói:
- Vâng, có thể em sẽ làm được một việc gì đó.
Mặt chị ửng lên. Chị bảo:
- Mong em giúp chị.
Tôi gật đầu:
- Em biết chị muốn anh ấy.
- Ồ...
- Chị muốn anh ấy chứ? Chị có thích một chỗ riêng với anh ây trong ít lâu không?
Chị quay mặt về phía cửa sổ khẽ gật đầu:
- Em gác cho chị chứ? - Chị chậm rãi hỏi, mắt không nhìn tôi.
- Em sẽ - Tôi nói - Em sẽ là vệ sĩ của chị, mãi mãi là vệ sĩ của chị. Em muốn thế mà.
Chị nói:
- Thật vậy ư? - Chị quay lại nhìn tôi. Chị nhìn vào mắt tôi và hỏi - Thật vậy không?
Tôi đứng lên và đi vào bếp. Tôi không chịu nổi đôi mắt rực cháy của chị.
Tôi đang pha trà cho chị và cho tôi mà cảm giác chung đụng của chị cứ ngấm qua tôi. Tôi cảm thấy hơi ấm của cơ thể chị. Tôi đã chiếm hữu cơ thể đó. Hai tay tôi rung lên. Nước nóng tràn qua hai tách trà lên trên sàn làm ướt chân tôi. Tôi vơ chiếc khăn lau, lau sàn nhà. Đầu óc tôi tiếp tục hình dung những điều trông thấy. Tôi có thể thấy được niềm hân hoan trên khuôn mặt chị, niềm hân hoan bị chiếm hữu, niềm hân hoan được xâm nhập vào sâu. Tôi có thể cảm thấy được sự ẩm ướt của chị. Tôi có thể nghe thấy tiếng rên như thú vật của chị. Tôi biết người chị cử động ra sao khi chị được tưới tắm và chị không kìm nổi siết chặt tôi, chặt nữa vào chị, ép vàp tôi, miết người tôi vào da thịt chị, để lại những vết răng trên vai tôi. Tôi muốn được làm một người quan sát Báo làm những gì tôi đã làm và những gì tôi đã không làm.
Nghiêm đứng ngay cửa bếp nhìn tôi.
Bấy giờ là mười giờ sáng. Chúng tôi chỉ còn vài giờ nữa trước khi Báo đến. Nghiêm hỏi tôi liệu tôi có vấn đề gì với đơn vị làm việc của tôi không. Tôi bảo tôi sẽ lại nói dối. Nghiêm hỏi nói dối thế nào. Tôi nghĩ một lúc và bảo tôi sẽ đập gẫy xe đạp và nói với Xô Viết Hồng là tôi bị tai nạn giao thông. Nghiêm hỏi:
- Liệu có xong không?
Tôi bảo:
- Nói dối hay không nói dối, kết quả vẫn thế thôi. Đằng nào họ cũng vẫn không tin em.
Nghiêm ngỏ ý chúng tôi đi tắm ở nhà tắm công cộng ở đường phố Muối. Tôi đồng ý. Chúng tôi dắt tay nhau như hai nữ học sinh. Hai đuôi tóc chị cháy nắng, ngả màu vàng. Một người hàng xóm nhìn thấy chúng tôi đi qua, ông gật đầu chào tôi, nhìn Nghiêm và hỏi:
- Họ hàng ở quê lên à?
Rồi ông hỏi Nghiêm:
- Cô có thích Thượng Hải không?
- Ma-ma-hoo-hoo - Nghiêm đáp bằng thổ ngữ Thượng Hải.
- Ồ - người hàng xóm ngạc nhiên và bảo cô ấy nói tiếng Thượng Hải khá lắm.
Nghiêm bảo:
- Tôi là người Thượng Hải mà, ông không tin à?
Người đàn ông lắc đầu:
- Cô trông như người Tây Tạng.
Nghiêm bảo:
- Ta đến Bách hóa tổng hợp đi, chị sẽ mua vài thứ muốn mua từ lâu.
Chúng tôi đi qua đám đông và dừng chân trước cửa hàng số hai Bách hóa tổng hợp Thượng Hải. Chúng tôi tới quầy vải vóc. Nghiêm bảo:
- Chị quá già với những màu chị thích, hay là mặc chúng vào trong, em nghĩ thế nào?
Tôi bảo mặc như đồ lót thì quá đắt. Chúng tôi chuyển tới quầy may mặc. Nghiêm nhìn thấy bộ đồ lót màu đỏ tươi.
Ngay lập tức, chị yêu cầu người bán hàng cho xem một đôi. Không hỏi ý kiến tôi, chị mua cả hộp quần lót đỏ tươi.
- Thôi đi - Chị bảo tôi khi tôi nhìn chị mỉm cười.
Tôi bảo:
- Chị không quên đi được cái màu đỏ hay sao? - Tôi bật cười.
Chị hỏi:
- Có gì đáng cười?
Tôi bảo:
- Em chợt nhớ ra chúng mình thường quen lấy áo đỏ làm túi đựng sách đỏ như thế nào.
- Ồ, chị mê màu đỏ, ai thích màu nào mặc màu ấy.
- Đó có phải là những gì chị từng ước muốn không?
- Đúng là em luôn hiểu chị hơn cả giun trong ruột chị.
Tôi bảo tôi sợ đồng nghiệp nào đó ở đơn vị trông thấy. Chị nói:
- Lũ cặn bã ấy là cóc khô gì.
- Chị không hiểu những người ở xưởng phim. Họ là lũ sói đói. Họ không ưa em.
Nghiêm bảo:
- Nhưng em thi vào cơ mà. Chả lẽ họ không tôn trọng em?
- Lu ở khắp nơi - Tôi nói.
- Ồ, bây giờ chị hiểu rồi.
Lối ra ầm ấm tiếng Nam và tiếng Bắc. Mặc dầu cửa hàng cũng chẳng có nhiều thứ để chọn mua, Thượng Hải vẫn là trung tâm thời trang của cả nước. Nhân dân ngoại thành vài năm mới tới một lần để mua quần áo đã không hợp mốt mấy thế hệ. Họ ngồi trên vỉa hè, hút thuốc và để lộ hàm răng cáu đen.
Chúng tôi qua một phố có một màn ảnh đang trình chiếu kinh kịch. Nghiêm thong thả nhìn từng hình ảnh, bất thình lình bảo tôi:
- Chị vẫn mơ em có mặt trong đó - Chị quay lại bảo - Trong mơ, em chẳng còn giống em chút nào. Em đã là một người khác, một người nào đó giống như Lu. Chị cho đó chỉ do chị khiếp sợ. Nhìn em xem, em chẳng thay đổi mấy.
Tôi nói:
- Giá em thay đổi, có khi lại may hơn.
Chúng tôi vẫn bước mà ngừng chuyện trò. Tôi thấy không sao nghĩ nổi về Nghiêm lúc ra về. Tôi cũng không sao nghĩ nổi về cuộc đời chị lúc trở lại nông trường Lửa Đỏ.
Một cô gái trẻ bước lại phía chúng tôi. Cô tươi rói như một trái đào vừa hái trên cây. Cô mặc chiếc váy sọc chéo màu xanh nước biển và đi đôi dép nhựa màu xanh lá. Nghiêm chăm chú nhìn cô rồi chân cô. Tôi bảo:
- Chị đừng ghen với những móng chân xinh đẹp của cô ta.
- Móng chân chị bị rỉ sét làm hỏng hết rồi. Chị thích đi dép lắm, nhưng không được nữa.
Chị tỏ ra không thân thiện khi đi giữa những cô gái thành phố. Những con người chăm chú nhìn bộ mặt dầu dãi của chị làm rầu lòng chị. Chúng tôi tới một hiệu cháo, hơi nóng bốc lên. Nghiêm tới ngồi vào bàn quay mặt vào tường. Một chị phục vụ mặt dài ngoằng tới lau chiếc bàn bẩn thỉu. Chúng tôi gọi hai bát cháo đỗ đỏ. Cháo mang tới, cạnh bát sắc như răng chó. Chúng tôi thận trọng ăn bằng thìa. Nghiêm gọi tiếp bánh bao. Chị ăn bốn, tôi ăn hai. Cửa hiệu dán kín tường những chân dung và lời dạy của ông Mao. Tường nhem nhuốc đầy dấu tay quệt đỗ đỏ. Những chân dung ông Mao ngả ố màu vàng nâu. Mùi thuốc lá sặc sụa. Tôi và Nghiêm ngồi, không nói gì với nhau. Chị phục vụ tới, mặt chị ta chảy thêm, chị ta bảo: - Ngồi ********* ra đấy mãi ư?
Nghiêm lườm lườm nhìn chị ta. Chị ta bảo:
- Không bằng lòng cái gì, chị nhà quê?
Nghiêm vẫn im. Tôi hỏi:
- Chị không niềm nở được một chủt sao?
Chị ta trả miếng luôn:
- Tại sao tôi phải niềm nở với các chị? Các chị là cái thớ gì, các chị nhà quê?
Nghiêm nhìn chị ta từ đầu xuống chân. Tôi hiểu chị đang nghĩ tới một thế tấn công. Chị phục vụ nhễ nhại mồ hôi. Chị ta vừa lau bàn vừa chửi rủa.
- Ta đi thôi - Nghiêm nói.
Ra ngoài đường phố, Nghiêm bảo chị có thể biến chị ta thành trò cười, nhưng dẫu sao chị ta cũng đáng thương. Chị bảo:
- Những con người bất hạnh thường nguy hiểm.
Chúng tôi mua hai vé tắm vòi, mỗi vé năm mươi xu. Số vé của chúng tôi: 220 và 221. Nhà tắm ở phía sau cửa hàng gạo. Hàng trăm xe đạp dựng thành nhiều dãy trên vỉa hè. Đàn ông và đàn bà đi ra đi vào vùng vẫy trong nhà tắm, guốc gỗ gõ coong coong trên nền xi măng.
Chúng tôi đứng vào hàng nữ chờ vào. Một người đàn ông mặt lưỡi cày đứng gác cửa ra vào. Tiếng ông ta oang oang:
- Số 185, tắm bồn.
Ông ta réo lên và để 1 người vào. Mười phút trôi qua, k oai ra. Người đàn bà đứng trước chúng tôi chuyện gẫu với người gác. Bà phàn nàn về sự lề mề của khách tắm. Người gác bảo:
- Ai chả thế, mỗi năm vài ba lần đến tắm, phải trả tiền nhiều lại phải đợi lâu, tất nhiên họ cũng muốn sao cho xứng đồng tiền, tắm càng lâu càng tốt. Vị vậy có người té xỉu trong bồn tắm cũng không có gì là lạ.
Người gác vừa cười vừa lắc đầu.
- Tôi thì không đâu - Người đàn bà nói - Thật là ngớ ngẩn, tôi không thể tưởng tượng nổi khi bị khênh ra trần truồng.
Người gác nói:
- Ai mà biết được? Có điều tôi cam đoan với mọi người ở đây rằng khi ra bà sẽ nhẹ hơn một cân.
Đám đông cười với người gác. Một phụ nữ đi ra.
- Số 186, tắm bồn.
Người gác cho người khác vào. Tôi hỏi:
- Vòi tắm thế nào?
- Chưa có vòi tắm nào xong cả. Như tôi đã nói với cô, mọi người đều tranh thủ thời gian.
Nghiêm bảo:
- Nhẽ ra ta trả thêm một chút tiền để được tắm bồn đôi.
Tôi nói:
- Em ngờ bồn tắm không sạch.
Tôi ra hiệu cho chị hãy nhìn người đàn bà đứng sau chúng tôi vài mét, rõ ràng có vấn đề về một bệnh ngoài da nào đó. Nghiêm gãi đầu và bảo:
- Ồ, không.
Người đàn bà đứng trước chúng tôi hỏi người gác:
- Ông có biết câu chuyện rắc rối xảy ra mấy tháng trước đây không?
Người gác nói:
- Sao tôi lại không biết.
Người đàn bà hỏi:
- Chuyện xảy ra với gã đàn ông tởm lợm ấy thế nào?
Người gác nói:
- Tất nhiên bị bắt rồi tống giam. Đây không phải là lần đầu hắn giở trò kiểu ấy. Hắn thạo chuyện này rồi. Hắn có bộ mặt khá đẹp và không khó khăn gì ăn mặc giả đàn bà.
Người đàn bà hỏi:
- Sao ông để hắn vào cửa.
Người gác hơi ngượng:
- Làm sao tôi biết được. Vài trăm phụ nữ qua đây mỗi ngày. Làm sao tôi có thể nói hắn là đàn ông. Nếu hắn bình thường, hắn đã chẳng xếp vào hàng phụ nữ.
- Rốt cuộc ông tóm hắn thế nào?
Người gác nói:
- Ồ, có một bà già, bà ta khá già, trạc bảy mươi tuổi, rất hay yêu sách. Bà ta chẳng bao giờ quan tâm tới việc thân thể mình bị người khác nhìn. Bà ta chạy khắp nhà tắm, trần truồng, phàn nàn rằng nước quá nóng. Bà ta đến té xỉu nếu không khí cứ bốc hơi mù mịt. Mọi người biết đấy, khi không khí bớt hơi mọi vật sẽ nhìn rõ hơn. Bất chợt bà ta để ý thấy cái mọi người biết là cái gì của hắn rồi. Thế là bà ta ngất xỉu. Chúng tôi khênh bà ta ra chườm lạnh cho bà. Khi tỉnh lại, bà kể cho chúng tôi bà trông thấy cái gì. Gã đàn ông vừa mặc xong quần áo. Hắn cố tìm cách trốn thoát, nhưng tôi là một người ăn kiêng. Sức khỏe của tôi chưa bao giờ làm tôi lỡ việc.
Người đàn bà quay lại thở dài bảo chúng tôi:
- Thật là quái gở phải không?
Người gác nói:
- Có gì mà quái gở? Mỗi năm chẳng đến hàng trăm đàn ông bị tóm vì nhòm qua cửa sổ phòng tắm đàn bà đấy ư?
Người gác kể cho người đàn bà nghe năm trước ông ta tóm được một người đàn bà trong chiếc bồn tắm lớn của đàn ông.
- Chị ta trông như con trai, cao, thon, ngực lép và cái đồ của chị ta rất, rất rậm... chị ta thường đến bồn tắm luôn và bảo là phu khuân vác. Nghe giọng nói, chịu không nhận ra, đại khái như một thằng con trai có giọng con gái mà thôi. Lần nào tôi cũng cho vào. Tôi có bao giờ nghi ngờ việc chị ta giả làm đàn ông đâu. Chị ta thân thiện, tốt, mua thuốc lá cho tôi luôn.
- Rồi làm thế nào chị ta bị phát hiện?
Mọi người sốt ruột muốn nghe chuyện, người gác châm thuốc, hắng giọng và khề khà:
- Cháo nóng không thể húp vội, phải không nào? - Ông ta tiếp tục - Một chuyện lạ xảy ra. Vé tắm bồn đàn ông bán hết vẫn còn người chờ. Tôi bỗng nghi ngờ. Tại sao khách hàng bất chợt trở nên thích tắm đến vậy? Thế ròi bàn ra tán vào, những người đàn ông như mắc câu trong bồn tắm. Hơi nóng mù mịt, như đi trong sương mù. Có bàn tay lạ cứ vuốt nắn dương vật của họ. Đầu óc họ chơi vơi. họ trở thành những kẻ tìm kiếm. Tiếng tắm át đi tiếng rên của họ. Mụ đàn bà thực ra là... Thôi, mọi người bắt tôi nói ra chuyện ấy ư? Mụ ta đúng là một con vật.
- Kể cho chúng tôi nghe làm thế nào ông tóm được đi - Người đàn bà giục người gác - Nào kể đi.
Người gác bảo:
- Bà thấy đấy, muốn bắt cọp tôi phải vào hang.
Người đàn bà trợn mắt:
- Ông định nói... ông đã làm việc đó?
Người gác gật đầu:
- Nhưng mục đích chỉ là để hót mụ ta đi thôi.
Người đàn bà trừng trừng nhìn ông ta:
- Ông không thể nói ông đã không làm bất cứ trò gì với mụ ta, phải không?
Người gác lấy tay che mồm thì thào với người đàn bà:
- Mụ ta như con chó cái động đực. Khó khăn lắm mới gỡ nổi mụ ta. Khi tôi giải mụ tới đồn công an, nói thật với bà tôi thấy hết sức buồn lòng. Thân thể mụ, nó như... mụ ngồi trên... tôi. Như một con vật. Mẹ kiếp, tôi cho rằng tôi chẳng bao giờ quên nổi mụ.
Cuối cùng, người gác gọi đến số vé của chúng tôi. Chúng tôi đưa vé bước vào nhà tắm. Lối vào hẹp, trần nhà lại cao. Tắm vòi nam bên trái, tắm vòi nữ bên phải. Màn gió vải xanh treo trước lối vào. Hơi nóng tỏa ra mỗi khi màn mở. Chúng tôi vào, nhung nhúc người. Hơi nóng mù mịt. Ngay lối vào, một chị mặt rắn câng ngồi đó, tay đeo băng đỏ, một tay cầm chùm chìa khóa, tay kia chiếc chuông. Chị ta rung chuông và hét lên:
- Giữ ví tiền, túi xách cẩn thận. Ăn cắp sẽ bị trừng phạt. Đừng quên trả lại chìa khóa tủ. Không được giặt quần áo trong này.
Chúng tôi không tìm được tủ. Mọi người bận rộn đổi cho nhau. Chúng tôi thấy một bà già vừa dùng xong tủ, liền chiếm lấy. Tôi bảo Nghiêm, tôi vẫn còn nghĩ về những chuyện người gác kể. Tôi không tin nổi những chuyện như thế lại xảy ra trong ngôi nhà này. Nghiêm bảo:
- Chị cho có thể xảy ra. Em nhìn xem, hơi mù mịt thế này, thực tế có nhìn rõ mấy đâu?
Tôi nhìn xung quanh, quả vậy không nhìn xa được.
Nghiêm vừa cởi quần áo vừa nhìn tôi. Hình như chị muốn phô cho tôi thân thể chị là thứ duy nhất còn chưa thay đổi khi mà thời gian và thời tiết đã làm tàn úa khuôn mặt và trí não chị. Công việc nông trường giữ cho cơ bắp chị cường tráng, thân thể chị đậm đà, ngực chị căng chắc. Dẫu không còn thân thiết với ý nghĩ của chị, thân thể chị trước mặt tôi khiến tôi nhớ lại thời chúng tôi cùng hát bài "Tổ quốc tôi" với Tiểu Lục. Sự thèm khát của tôi như tấy lại trong tấm thân trần truồng của chị. Người đàn bà mặt câng câng, tay cầm chuông nhìn xoáy vào Nghiêm. Chị ta mồm hét, tay rung chuông, nhưng mắt dán lên cơ thể chị. Giữa những thân hình nhẽo nhèo trong phòng tắm, thân thể Nghiêm lừng lững như một cây thông giữa bụi rậm. Ngực chị như hai búp sen chĩa thẳng ra kiêu hãnh. Chị đang không nhét nổi quần áo của chúng tôi vào chiếc tủ. Tôi phủ lên hai vai chị chiếc khăn tắm. Người đàn bà mặt câng liền nhìn đi phía khác. Tôi nghĩ người đàn ông gác cửa, nếu hắn ở quanh đây, hắn phải ngắm nhìn chị đến thế nào. Tôi nói ra ý nghĩ của tôi với chị. Nghiêm đùa:
- Em thì khác gì?
Cuối cùng chị cũng nhét hết quần áo của chúng tôi vào tủ. Chúng tôi cùng bước lại phía vòi tắm. Nghiêm bảo:
- Chị rất thích em nhìn chị.
Tôi bảo:
- Nhẽ ra chúng ta có thể dùng bồn tắm đôi và quên đi bệnh ngoài da.
Chị bảo:
- Vòi tắm vẫn cứ tốt. Ta vào đi thôi.
Không khí dày đặc hơi nước.
Phòng tắm có rất nhiều vòi, nhưng đã bị chiếm hết. Người nào cũng đang bận kỳ cọ. Nước nóng phun lên đều đặn. Chúng tôi cả hai chỉ tìm được một vòi. Tôi bảo Nghiêm cứ tắm, để tôi ra bảo người đàn bà mặt câng câng. Chị ta bảo:
- Vậy cô phải đợi vòi nào tắm xong hoặc tắm chung với bạn cô.
Tôi hỏi có phải đợi lâu không.
- Có thể dăm phút, cũng có thể năm mươi phút.
Tôi vào bảo Nghiêm như vậy. Nghiêm bảo chị cảm thấy chúng mình lại ngủ chung màn với nhau.
- Em kỳ lưng hộ chị chứ?
Tôi cầm xà phòng xát vào tấm khăn cọ lưng cho chị. Tôi xát thêm xà phòng vuốt lên lưng chị. Lâu lắm rồi tôi không được chạm đến thân thể này và giờ mới hiểu được thiếu vắng nó biết bao nhiêu. Chị dừng lại trước vòi phun và bảo tôi cọ mạnh nữa vào. Tôi càng cọ ngực chị càng căng lên. Hai tay tôi nóng lên, tôi ngừng cọ. Đến lượt Nghiêm cọ cho tôi. Tôi nhìn xung quanh.
Một người tắm bên phải tôi đang xả nước. Chị ta liếc nhìn Nghiêm chiêm ngưỡng vẻ cường tráng của chị.Nghiêm nhận ra và chăm chú nhìn lại. Người kia cúi đầu, bối rối. Thân hình người đàn bà kia làm tôi nghĩ đến một thứ đồ nội thất, lưng mỏng như cánh cửa, ngực lép, vú thõng, chân như chân bàn, mặt như quả cà nấu chín. Người đàn bà vơ hộp xà phòng, quần áo, quấn khăn tắm vào người đi ra. Tôi đứng vào vòi tắm, chúng tôi tắm chung cho tới khi thấy mệt.
Chúng tôi trong phòng thay quần áo dày đặc hơi. Tôi mặc nhanh hơn Nghiêm. Tôi ngắm chị mặc. Chị biết và mỉm cười với tôi. Chị biết tôi thích ngắm chị. Chị cúi xuống lấy khăn lau vai. Tôi chiêm ngưỡng chiếc cổ thon dài, đôi vai rộng, vẻ mỹ lệ của chúng. Đấy là tấm thân đêm đêm tôi đã từng quen ngấu nghiến. Ngực chị, sự căng đầy của chúng. Tôi ao ước lại được mơn man. Nghiêm cong người với nịt ngực phía sau tôi. Ngực chị cọ vào mặt tôi.
- Em yêu chị - Tôi thì thào với chị.
- Chị biết - chị mỉm cười với tôi.
Chị luồn nịt ngực và cài khuy. Tôi nhét tấm khăn vào túi. Chị buộc giày. Lúc ra khỏi phòng tắm, chị bảo tôi:
- Chị đã trở nên hư đốn hơn em tưởng nhiều.
Lúc đó là buổi trưa, trên đường về nhà, mỗi người chúng tôi ăn một bát mì. Một bà già đứng ở góc phố. Bà bê một chiếc rổ phủ chiếc khăn ướt. Bà đang bán vụng trộm hoa nhài. Chúng tôi trả năm mươi xu và mua một xâu. Tôi đưa hoa lên mũi, chúng tôi ngửi hoa suốt dọc đường về nhà. Nghiêm vẫn còn một cánh dính ở miệng. Tới phố tôi ở, chị ăn cánh hoa.
Nghiêm nằm dài trên chiếc giường uể oải nghịch hoa nhài. Tôi giật hoa trên tay chị và rắc cánh hoa lên tóc chị. Tôi hít người chị. Tôi hít nỗi buồn thầm kín của chị. Chị tháo dây lưng, cởi áo choàng. Chị bảo muốn được chết trên chiếc giường này. Tôi hôn chị và chị ứa nước mắt. Chị quay đi khỏi tôi. Chị đang bị nỗi buồn xâm chiếm. Tôi giúp việc chở che cho chị. Những chiếc hôn của tôi như bảo chị tôi thiếu vắng chị biết bao nhiêu. Nhưng điều duy nhất chúng tôi không thể nói đó là Báo. Bất kể chuyện chúng tôi thèm muốn nhau khốn khổ thế nào, cảnh ngộ đẩy chúng tôi phải xa nhau. Cuộc xa nhau tuyệt vọng. Không báo trước, không xô đẩy, chợt một cái, chúng tôi không còn là thân thiết của nhau. Nghiêm thất vọng, tôi thất vọng. Chúng tôi đã không muốn nhận ra rằng chúng tôi vẫn đang cầm cự sống cho một cái gì đó, một quá khứ đã chết chẳng còn phồn hưng được nữa. Chúng tôi là những mầm mạ đã bị nhổ khỏi bùn, chúng tôi nằm đó, rễ phơi ra. Nhưng chúng tôi không muốn khuất phục. Chúng tôi không bao giờ khuất phục. Chúng tôi là những anh hùng. Chúng tôi chỉ cố bắc cầu qua khe trống. Chúng tôi đang cố đem hết sức lực của mình. Mầm mạ cố mọc vươn lên không cần bùn. Cố làm sống sót cái bất khả. Chúng tôi đã kiên cường chống lại sự tàn nhẫn của thời tiết hoành hành. Nỗi tuyệt vọng thấm sâu vào da thịt xương tủy chúng tôi. Tôi muốn để chị nhìn thấy tôi khóc. Nhưng chị đã thấy nước mắt của tôi khi tôi hôn chị. Chị bảo:
- Thôi, hãy để nó như một giấc mơ.
Tôi nói:
- Anh Báo đang trên đường tới đây. Chẳng lẽ chúng ta không chuẩn bị là vừa sao?
Có tiếng bước chân ở cầu thang. Tôi bảo:
- Bố em đấy. Bây giờ chúng ta làm thế nào?
Nghiêm mặc vội áo choàng và thắt lại dây lưng. Tôi lấy ra một đồng và bảo chị:
- Chị đi mua cho em ngay hai chiếc vé ở rạp Gió Đông.
- Tại sao?
- Để bố em khỏi dính vào việc của chúng ta.
- Phim gì?
- Phim "Lênin năm 1918" và "Lênin hồi tháng Mười". - Tôi đáp - Nhớ mua hai phim liền, em muốn bố em phải lưu lại rạp ít nhất bốn tiếng.
Nghiêm nói:
- Không, chúng ta không được làm thế với ông.
Tôi bảo:
- Cứ để việc đó cho em.
Tôi dẫn Nghiêm tới cửa sổ sau và bảo chị tụt xuống đấy theo mái nhà. Khi chị đã tuột xuống được rồi và đã vượt qua hàng rào, tôi đóng cửa sổ lại.
Tôi hỏi bố chuyện gì khiến ông hôm nay về nhà sớm thế. Bố nói có những tin tốt lành. Bảo tàng lịch sử quốc gia Thượng Hải sắp mở cửa trở lại. Nhân viên bảo tàng đã tới gặp thủ trưởng nhà in mượn bố tôi về chỉ đạo triển lãm vũ trụ. Bố tôi phấn chấn nói:
- Bố vẫn hằng mong đợi tin này. Làm việc với các vì sao là mơ ước của bố. Bố đã mệt mỏi về việc dịch các bản thảo kỹ thuật cho Albani. Thứ tiếng Nga cổ lỗ của bố sẽ chẳng bao giờ khá hơn. Nào, làm cho bố bát cơm rang, con gái. Tôi đi nấu ăn cho bố, lúc bố bới sục ngăn kéo. Tôi hi vọng Nghiêm mua được vé không xảy ra chuyện gì. Thông thường những phim ấy không có người xem, bởi đấy là hai bộ phim nước ngoài duy nhất chiếu đi chiếu lại hàng bao năm rồi. Mọi người đều rõ nội dung và bọn thanh niên thường tụng những lời này của Lênin khắp xóm: Chúng ta sẽ có bánh mì, chúng ta sẽ có sữa, cách mạng sẽ thành công, Liên bang Xô Viết muôn năm.
Bố đang ăn, Nghiêm về. Tôi giới thiệu họ với nhau. Nghiêm cúi đầu bẽn lẽn.
Bố bảo:
- Cháu có thấy người chế tạo vệ tinh trái đất đang treo trên trần không?
Nghiêm ngẩng đầu nhìn lên trần. Bố cười rồi bảo:
- Thứ lỗi cho bác, bác muốn được nhìn mặt người bạn tốt nhất của con gái bác. Bác mong cháu đừng để ý tới câu nói đùa của bác.
Nghiêm cố tỏ ra tự nhiên. Bố bảo:
- Bạn bè của con gái bác ai cũng rụt rè, còn con gái bác lại tợn như một con khỉ, phải không?
Nghiêm cúi đầu, đỏ mặt lên.
- Không đồng ý hả - Bố nói - Thế thì cháu chưa thực sự hiểu nó rồi.
Ông có vẻ sung sướng, hiếm khi ông hoạt bát như vậy. Tôi lợi dụng luôn:
- Bố này, con mua cho bố hai vé xem phim.
- Ồ, tốt quá, phim gì?
Tôi nói phim: Lênin tháng Mười và Lênin năm 1918.
- Ồ không - Ông nói - Bố xem phim ấy hàng trăm lần rồi. Khối việc bố thực sự nên làm hơn.
- Bố muốn làm con thất vọng ư? - Tôi nói và đặt vé trên bàn - con nghĩ bố thường thích những thứ của Nga.
Tôi ngồi phịch xuống xị mặt. Tôi đợi. Và bố tôi, đúng như tôi mong đợi:
- Thôi được, bố đành chiều con gái. Vừa nói ông vừa nhặt hai chiếc vé trên bàn.
- Ồ, bố, bắt đầu được mười phút rồi, bố đi ngay đi, con chắc bố sẽ thích.
Tôi đẩy bố ra ngoài. Bố vừa bước xuống cầu thang vừa lắc đầu.
Nghiêm nói:
- Chị cảm thấy có tội.
Tôi bảo:
- Chị cứ tin em, bố em sẽ vui mà. Mỗi khi đi xem phim, bố thường như trẻ con, hoàn toàn bị bộ phim lôi cuốn, em biết bố em mà. Bây giờ chúng ta an toàn rồi.
Nghiêm hỏi phòng này có an toàn không? Đó là một sảnh nhỏ với những cửa sổ to lắp kính và cửa kính ra vào, kính phủ thảm hoa xanh. Nghiêm hỏi:
- Em sẽ gác cho chị phía bên sau thảm che chứ?
Tôi gật đầu. Tôi bảo chẳng ai về giờ này.
- Phía ngoài cửa sổ là những cây to che khuất tầm nhìn hàng xóm. Trên tán lá là bầu trời. Chị không lo chim rình, phải không? Chị có thể ngắm mây thay hình đổi dạng. Em vẫn làm thể luôn.
Nghiêm ngồi trên giường, trong khi tôi che rèm, gấp chăn, xếp gối. Nghiêm nhìn tôi. Tôi quay mặt đi, bởi tôi không chịu nổi cái nhìn của chị. Tôi không chịu nổi chị nhìn vào lòng mình. Mắt Nghiêm đang nói những điều không nói được. Tôi thấy chị đang ngại ngùng về sự an toàn. Tôi ngả người ngó ra ngoài cửa sổ. Nghiêm hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói:
- Mong anh Báo.
Nghiêm trở nên bối rối. Chị tới ngồi bên tôi. Chị ôm lưng tôi. Chị bảo chị phải vượt qua sự căng thẳng này. Tôi nói:
- Sao chị không hôn em?
Tôi cảm nhận đôi môi của chị. Vòng tay chị ôm tôi. Tôi bảo:
- Lá cây xanh đến thế, lau sậy hẳn phải mọc um tùm ở nông trường. Có một đám mây bay qua. Chị có nghĩ nó giống như một quả bóng bông khổng lồ không?
Chị không trả lời tôi. Chị vẫn làm những gì chị đang làm. Tôi nhìn xuống sân. Phần màu xanh của sân. Tôi ngắm cơn mưa hoa đào rụng từ cành cây, những cánh hoa trên đỉnh những cánh hoa. Tôi để mặc hơi ấm của Nghiêm truyền qua tôi. Tôi cố trấn tĩnh. Tôi không còn nhìn thấy nổi sân. Sân chỉ là một đại dương xanh rờn. Tôi đang cùng Nghiêm bồng bềnh trên những thủy triều.
Báo hiện ra trên xe đạp ở lối vào ngõ. Anh đeo một chiếc túi vải bằng nhựa tổng hợp đen trên lưng. Anh có bộ tóc mới cắt, chải kem. Mắt anh trông nhớn nhác, chân anh do dự. Anh như tên kẻ trộm mới hành nghề. Mặt anh đỏ lên như mắc tội. Anh mặc bộ đồng phục màu xanh nước biển. Anh nhìn tôi. Anh vẫy tôi, lúng túng, nụ cười kỳ cục. Tôi vẫy lại anh và bảo sẽ xuống mở cửa cho anh. Từ cửa sổ tôi quay mặt lại. Nghiêm vẫn quỳ. Chị ngẩng lên nhìn tôi, mắt rực cháy. Tôi cố nén mình lại. Tôi quỳ trước mặt chị. Tôi bảo:
- Báo đang ở dưới kia, em dẫn anh ấy lên chứ?
Tôi xuống mở cửa cho Báo. Anh cúi đầu đi vào. Anh quá ư xúc động không chào nổi tôi. Tôi đóng cửa, bước gấp trên cầu thang. Báo theo tôi lên và vào sảnh. Nghiêm đang nhấp trà trên bàn. Báo tháo túi đặt ngay dưới chân mình, ngồi đối diện. Ồ, anh hắng giọng rồi rặn thành tiếng cười khô khan. Nghiêm không nhìn anh. Im lặng. Một lúc lâu lúng túng. Chúng tôi, mắt người nọ cố tránh mắt người kia. Báo không biết để tay vào đâu. Anh bắt đầu nói. Anh nói gặp trắc trở ở dọc đường. Anh mượn xe đạp của chú anh, một người gác cửa về hưu. Xích xe quá cũ, lại bị bẹp săm. Nghiêm vẫn không nhìn anh, hỏi đám tang thế nào. Báo bảo tốt đẹp. Nghiêm hỏi về mẹ anh. Báo bảo bà khỏe. Thỉnh thoảng bà về quê thăm bà dì thứ chín của anh. Dì anh đang sống đơn độc. Con trai bà, em họ của anh vừa bị bắt và bị xử tù. Nghiêm hỏi tại sao. Báo bảo không biết, có lý do gì rất mờ ám. Dì anh không bao giờ chịu nói rõ cho mọi người trong nhà. Em họ anh hai mươi bảy tuổi, một tay vĩ cầm, đã viết một ca khúc có tên "Tặng nàng". Nghiêm hỏi:
- Anh ta có dan díu gì với đàn bà à?
Báo gật đầu bảo tên cô là Nguyệt. Yên lặng. Ba cái đầu hướng về ba vương quốc riêng của mình. Báo liếc nhìn đồng hồ. Đồng hồ mới, một chiếc đồng hồ đeo tay chế tạo tại Thượng Hải. Nghiêm nhấp một ngụm trà khác. Chim ngoài cửa sổ hót véo von.
Nghiêm không hỏi Báo điều gì khác nữa. Báo không biết nêu chủ đề gì. Họ ngồi như hai đại đội trưởng ngồi họp ở nông trường bộ giữ mồm giữ miệng. Tôi bảo dự báo thời tiết đài truyền thanh chiều nay có mưa mao-mao.
Báo nói:
- Ồ, thế à?
Nghiêm nói:
- Ôi, mưa lông bò.
Tôi bảo:
- Phải, em luôn thích mưa lông bò.
Báo nói:
- Tôi cũng thế.
Nghiêm nói:
- Tôi cũng vậy.
hai người nhìn nhau.
Tôi vào bếp pha một ca trà nhài. Tôi trở lại sảnh đặt trà trước mặt Báo. Tôi rót thêm nước vào ca trà của Nghiêm rồi ngồi xuống. Mùi hoa nhài tỏa khắp phòng. Tia nắng xiên trong phòng từ từ ngả về phía tây. Đồng hồ trong phòng tích tắc như nhịp tim đập chậm. Tôi đứng lên, kéo rèm cửa xuống. Căn phòng ngợp bóng xanh.
Trước khi tôi rời khỏi sảnh, Báo nhìn tôi với vẻ thanh minh. Nó nhắc tôi nhớ lại ngày tôi tới đại đội 32 trao thư cho anh. Tôi muốn anh trao cho tôi cái nhìn đó biết chừng nào. Tôi nhớ tới sự thất vọng của tôi. Sự thất vọng của Nghiêm. Nỗi buồn tương tư của chị. Tôi đã không thể tha thứ cho Báo. Tuy nhiên, tôi lại đã tha thứ cho anh. Vì anh đã từng là lý do khiến Nghiêm cần tôi. Vì anh làm cho chúng tôi hai nhập thành một.
Tôi khóa cửa kính lại đằng sau tôi. Tôi vào bếp. Tôi kéo một chiếc ghế ra ngồi và nhìn qua cửa sổ. Tôi ngắm một bà hàng xóm với bộ tóc mới làm như một chiếc nấm bóng mượt, đi ngang qua mang theo rổ rau bi na. Tôi ngắm lũ trẻ chơi trò ném đá. Tôi ngắm nhìn trong khi khói nấu tỏa ra từ cửa sổ đối diện và một bà nội trợ đổ một xô nước xuống mặt đường. Tôi ngắm nhìn. Nhưng đầu óc tôi tách rời khỏi tôi. Đầu óc tôi đang cùng với Nghiêm và Báo.
Ông thợ may già đi vào ngõ. Ông ta trông như một bắp ngô khô. Ông bê bàn khâu ra và kê ở sát tường sân, ngày nào cũng thế. Ông chẳng bao giờ vội. Ông trải chiếc áo khoác may dở lên bàn và lôi chiếc kim từ chiếc hộp gỉ nhỏ. Ông đeo kính vào và xâu kim. Ông không xâu được. Ông lấy răng vuốt chỉ xâu lại lần thứ hai. Tôi theo dõi ông, những óc vẫn để trong tiền sảnh. Tiếng đồng hồ kêu to hơn. Tôi quay lại, bước thẳng vào trong bếp. Tôi không nghe tiếng động nào trong sảnh.
Tôi cố chặn những thèm khát của mình. Cái thèm khát được chứng kiến họ. Cái thèm khát được chứng nghiệm phần tôi khác, đó là Nghiêm. Tôi cảm thấy hình như tôi chưa hề ra khỏi sảnh. Tôi ở trong Nghiêm. Lẽ ra ba thay vì hai người trong sảnh. Lòng tò mò của tôi phình ra. Cơn khát của tôi là bất khả kháng. Nghiêm biết tôi đang gác cho chị. Chị biết tôi ở sau những tấm vải che. Chị muốn tôi tham dự chuyện này, phải thế hay không? Tôi không giữ nổi khi thấy môi chị hé mở, hơi thở chị nóng hổi thế nào. Tôi có thể cảm thấy hai cánh tay vòng quanh vai tôi. Những cánh tay như rắn quấn lấy người tôi. Tôi không thể nói được cánh tay ấy là của Nghiêm hay của Báo, hay của cả hai người. Tôi muốn được cảm nhận cơ thể của Báo. Tôi muốn được cả ba chúng tôi xoắn chặt vào nhau như những dây điện.
Những ngón tay của tôi vừa chạm vào mép vải đã run lên. Tôi đinh ninh làm như thế là không phải. Tôi ghét những tên do thám. Nếu Báo thấy sẽ thế nào? Sẽ xảy ra chuyện gì? Liệu Nghiêm có căm ghét tôi vì đã phá hủy niềm hoan lạc của chị không? Liệu Báo có tức giận không?
Tôi ép mình trở lại bếp. Lại nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy ông thợ may già đang là chiếc áo khoác. Ông là cổ, rồi các ống tay. Ông đặt bàn là lên lò, đợi nó nóng lên. Ông quạt lò, lửa bốc. Ông bất chợt quay lại phía tôi, mỉm cười với tôi. Nụ cười của ông khiến tôi nghi ngờ. Một nụ cười bí hiểm, ông đang dò xét những gì chúng tôi đang làm ư? Ông thường vẫn có nụ cười gieo tai họa, ý nghĩa mập mờ. Tôi có nên đề phòng không? Tôi có nên báo cho Nghiêm biết về ông không? Ông lên nhà thì mất bao lâu? Nếu ông lên tôi sẽ phải làm gì?
Ông thợ may già, một người tích cực của tiểu khu được kính nể. Ông từng tố cáo những tên trộm cắp, những kẻ ngoại tình. Ông được biểu dương vì "khứu quan cách mạng" của mình. Niềm vui lớn nhất của ông không phải là may quần áo mà là sục sạo đằng sau những cánh cửa. Ông liên quan đến nhiều chuyện lục đục gia đình. Ông luôn luôn được tuyên dương trên bảng đen của Quận. Lúc này ông vẫn mỉm cười với tôi. Tôi mỉm cười lại. Tôi với chiếc dây thép ngoài cửa sổ, giả vờ xem quần áo phơi trên dây đã khô chưa. Ông tiếp tục là. Ông ngậm ngụm nước, nhấc chiếc bàn là lên và phun nước lên hai ống tay chiếc áo khoác, hơi nước bốc lên.
Tôi quay trở lại phòng khách. Tôi bị hành hạ bởi những gì tôi không thể tham dự. Óc tôi vẽ lên những bức tranh cho tôi. Những bức tranh hoang dại. Tôi bước thận trọng! Tôi rón rén, cố không gây tiếng động. Chân tôi dừng lại trước những miếng vải che. Tôi đứng đó lắng nghe một cách khó khăn. Hơi thở tôi rất gấp. Tôi chẳng nghe thấy gì. Chẳng thấy gì hết.
Lòng thèm khát chộp lấy tôi. Tôi thận trọng, thận trọng hé mép thảm xanh. Tôi nhìn vào, thoạt tiên lù lù một màu đỏ và hình dung ra đó là màu đỏ chiếc quần lót của Nghiêm. Tay tôi rụng rời. Mép vải khép lại. Tôi cảm thấy như da mình bị róc ra. Tim tôi tan vỡ. Tôi không hiểu nổi những cảm nhận của tôi. Tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại bị xúc phạm bởi cái gì mình thấy. Tôi quên khuấy những gì tôi cần làm.
Anh đang chiếm hữu chị. Báo đang chiếm hữu Nghiêm. Cách anh vuốt ve chị chứng tỏ anh yêu chị. Tôi có thể nói vậy. Tôi biết lúc anh không yêu chị trông anh thế nào: anh ngạo mạn, lịch thiệp và giả vờ quan tâm. Nhưng giờ đây anh hoàn toàn bị thấm hút. Anh là nô lệ của tình yêu. Anh đang trong nước mắt. Cung cách anh mơn man chị khiến tôi căm ghét anh. Anh thì thầm với chị. Anh kể lể về nỗi đau khổ của anh đã không đủ sức để yêu chị thỏa lòng. Tôi căm ghét sự thành thật của anh. Tôi cảm thấy bị xâm đoạt. Cơn ghen của tôi là không đội trời chung. Nó từ chối không chia cùng bầu trời với Báo. Tôi giận dữ với tình yêu của anh.
Nghiêm đang trong chiếc váy trắng mỏng. Mắt chị nhắm lại, chị đẹp lạ lùng. Nó làm tôi tan chảy. Báo đang cởi nịt ngực chị, rồi thọc tay vào. Chị đáp ứng và khích lệ anh. Chị ưỡn ngực lên mời anh. Nước mắt tôi vỡ ra, không kiểm soát nổi. Anh vòng tay ôm chị và rúc đầu vào ngực chị. Anh từ từ ngẩng lên và chăm chú nhìn vào mắt chị. Mắt anh không rời mắt chị từ khi lọt sâu vào người chị. Anh hôn mắt chị. Nước mắt anh ướt đẫm má chị. Chị lấy ngón tay chải tóc anh, vòng hai cánh tay ôm lấy lưng anh. Anh kêu lên vì khoái lạc và chị cũng kêu theo. Tôi không còn nghĩ gì được nữa. Những cảm nhận của tôi tiếp tục trong khi trí óc tôi ngừng. Tôi thấy hai cơ thể làm tình, nữa rồi lại nữa. Tôi ngửi thấy mùi hoa nhài. Tôi nhớ tới hương vị của Nghiêm. Tôi nghe tiếng thở mạnh và tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi kinh hoàng bởi cảm xúc đó và quên mất tôi đang bí mật theo dõi hai người.
Tôi chưa kịp nhận ra mình đang làm gì, Nghiêm đã nhìn thấy tôi. Chị thấy tôi đang rơi nước mắt đằng sau cửa kính. Thảm che bị vạch sang một bên, chị ngăn Báo lại và ngồi dậy. Chị chằm chằm nhìn tôi. Báo bối rối, rồi cũng nhìn thấy tôi. Anh choáng người. Anh mặc quần áo vào. Nghiêm, vẫn trần truồng, ngồi nghiêm như một pho tượng. Chị nhận ra việc này đã gây cho tôi thế nào. Chị đã xếp đặt chuyện này. Chị cảm nhận được cơn điên dại của tôi. Chị nhìn về phía khác. Hai tay chị ôm đầu. Chị nói:
- Xin mời vào.
Tôi mở cửa bước vào. Tôi không nói được một lời. Báo hỏi:
- Có ai đến ư? Chúng tôi phải đi chứ?
Tôi muốn nói: "Em xin lỗi", nhưng nước mắt của tôi cứ tràn ra. Tôi nhớ ra mình đã phải giả vờ. Tôi phải giả vờ làm như giữa tôi và Nghiêm chẳng có chuyện gì. Chị là đại đội trưởng của tôi. Tôi là lính của chị và là vệ sĩ của chị, mãi mãi như vậy. Nghiêm thong thả mặc quần áo vào. Chị nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc. Lúc đó, tôi mới nói được với Báo:
- Anh có muốn uống trà nữa không?
Báo nhìn Nghiêm rồi bảo tôi anh muốn đi tắm. Tôi dẫn anh tới buồng tắm rồi trở lại sảnh. Nghiêm đang cài khuy quần áo. Tôi bước tới quỳ trước mặt chị. Chị ôm tôi và bảo:
- Chị xin lỗi đã làm như vậy, nhưng đành phải chịu thôi. Chị nghi giờ đây chúng ta đã sẵn sàng ai đi đường nấy với cuộc đời riêng của mình. Em không còn dính dáng gì với nông trường Lửa Đỏ.
Tôi vào bếp nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi để mặc cho nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Em sẽ mãi mãi yêu chị, chẳng quan tâm những gì chị đã làm để đẩy em ra khỏi chị, tôi nói với lòng mình như thế. Ông thợ may già vẫn khâu. Cái ngõ nhỏ vẫn thật là yên tĩnh. Tôi đổ một ít nước vào siêu đặt lên bếp lò nhóm lửa, đợi nước sôi. Tôi nghe thấy tiếng thở hồng hộc trong sảnh. Báo đang rên rỉ. Có tiếng vật lộn. Rồi Nghiêm chịu.
Tôi lại muốn nhìn qua miếng vải che xanh. Nghiêm đang ngồi trên lòng Báo. Báo đang ngốn ngấu chị. Anh có đọc nổi chất thơ trên người chị như tôi không? Anh có hiểu nỗi lòng chị ca hát thế nào như tôi đã hiểu không? Tôi cố chối bỏ những gì tôi trông thấy, cố làm cho tôi tin rằng Nghiêm không yêu anh. Nhưng Nghiêm cứ kéo tôi về thực tại. Chị biết tôi không thể thôi quan sát chị. Chị muốn đẩy lòng tôi vào cõi chết. Tôi quan sát chị. Từng sợi tóc của chị ướt đẫm mồ hôi.Tóc Báo cũng vậy. Nghiêm đang hướng mặt về phía tôi, cằm chị ngửa ra, mắt nhắm lại. Chị đang cố vắt kiệt sức mình. Chị đã có anh trong chị. Mặt anh úp vào ngực chị. Anh thầm thì. Anh thì thào gọi tên chị nữa, nữa. Hai tay anh ép vào đôi mông chị. Chị thở mỗi lúc một mạnh hơn, hai cánh tay ôm vòng quanh người anh như con rắn quấn quanh con sóc. Chị hôn anh đắm đuối. Chị đang trình diễn cho tôi xem. Chị làm thế cho tôi xem. Tôi cảm thấy mình lăn lóc trên mặt đất mà vẫn đang bước tiếp giống như quả trứng của con gà mái Râu xồm. Tôi không kéo kín vải che. Tôi buộc tôi đối mặt với Nghiêm để trải qua cái chết của tình yêu của tôi đối với chị, để chấp nhận những gì số phận đem tới cho tôi. Tôi nhớ chị đã nói với tôi chị còn hư đốn hơn tôi tưởng. Chị đang làm điều này để tôi căm ghét chị, để tôi quên chị, để sao chị có thể quên tôi, để có thể chấm dứt được nỗi đau đớn chị đã từng phải gánh trải. Chị luôn luôn là kẻ đề xướng, vừa là người vận dụng. Chị luôn luôn kiểm soát được chị. Chị phá hủy tình yêu của chúng tôi để giữ lấy tình yêu. Chị đang giết chết tình yêu của chúng tôi bằng chính bàn tay chị. Tôi căm ghét tính ích kỷ của chị. Tôi không muốn bị đem ra thực nghiệm lúc này. Tôi cảm thấy tiếc cho Báo, vì anh ngốc nghếch trong tình yêu, anh không biết anh đang dính vào chuyện gì. Có thể tôi nhầm. Có thể con người Nghiêm vốn không phải thế, một nữ anh hùng đích thực, một nữ thánh với vòng hào quang sáng chói trên đầu. Có thể chị đã thay đổi, bởi nông trường, bởi chính đời chị, bởi tôi đã bỏ rơi chị để chị một mình đơn lẻ trong màn. Có thể chị đã hư đốn tới mức tôi không tưởng tượng nổi, tới mức không còn lòng tin vào tình yêu hoặc bất cứ điều gì. Có thể cơn khát của Báo làm chị quên đi những gì chị muốn nhớ lại. Có thể rút cục chị đang làm những điều phải làm trong việc tới nhà tôi thuyết phục tôi.
Nghiêm có vẻ xanh xao khi chị mở cửa. Chị và Báo đều đã quần áo chỉnh tề. Sự bình thản của tôi có lẽ làm chị ngạc nhiên, bởi chị nói:
- Chúng mình muốn đi thôi.
Chị muốn thoát khỏi tôi. Tôi liền bảo:
- Chúc mừng!
Tôi không hiểu sao nhưng tôi nói mất rồi. Tôi cười. Tôi bảo Báo:
- Em rất vui được canh gác cho hai người. Bao giờ cần em nữa đừng ngại cho em biết.
Tôi bảo Nghiêm:
- Tạm biệt và hãy cẩn thận.
Tôi định cố vòng tay ôm chị, nhưng không thể được.
Chị làm tôi tởm lợm. Chị cảm thấy điều đó. Chị ngồi xuống giả vờ buộc dây giày. Nhưng chị cố kìm nước mắt. Chị hiểu, cũng như tôi hiểu, chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chị nói với Báo:
- Ta đi thôi.
Như còn cảm thấy nợ tôi điều gì, Báo cảm kích nói:
- Cô giúp tôi được một việc lớn lao. Tôi biết cảm ơn cô thế nào cho đủ đây?
Tôi nói:
- Hãy chăm sóc người phụ nữ của anh.
Anh bảo:
- Tôi mừng vì cô không phải là đàn ông, nếu không cô sẽ là người đoạt mất cô ấy.
Mặc dầu Báo nói điều ấy thực lòng, nhưng nó vẫn vang lên cợt nhạo tôi. Tôi nói với cả hai:
- Điều ấy đã từng là niềm hoan lạc của tôi.
Tôi thấy tôi không thể nói gì hơn nữa, tôi ra mở cửa cho họ. Tôi bỗng nghe tiếng bước chân ở cầu thang. Đó là mẹ tôi. Tôi bảo Nghiêm và Báo:
- Khoan đã, chào mẹ tôi một câu đã, được không?
Họ gật đầu. Tôi nhảy bổ vào trong sảnh và đưa mắt nhìn quanh. Mọi thứ đã ngăn nắp: gối, chăn, ghế. Mẹ tôi bước vào. Tôi nói:
- Mẹ này, đây là hai người khách của con từ nông trường tới, đây là chị Nghiêm, còn đây là anh Báo.
Mẹ bảo:
- Ôi Nghiêm hả, con gái bác luôn mồn nói về cháu đấy.
Bà nhìn từ Nghiêm sang Báo. Họ đỏ mặt, cúi đầu.
Tôi bảo:
- Mẹ này, hai người muốn đi. Mẹ kéo tôi vào bếp, bảo tôi:
- Con không làm gì thết họ còn ra thế nào?
Tôi bảo mẹ, tôi đã thết trà họ rồi. Mẹ bảo:
- Trà là cái gì, thết họ món súp khoai, nước trên lò đang sôi, mẹ chỉ nấu quãng mười phút là xong.
Tôi bảo:
- Không cần đâu mẹ ạ, con phải quên chị ấy. Con phải để Nghiêm đi.
Sáu giờ chiều, cha tôi mới xem xong hai phim về.
Ông mệt mỏi và nhức đầu. Ông bảo tôi đừng bao giờ bắt ông đi xem phim nữa. Tôi không kể gì với ông hay với bất cứ người nào trong gia đình. Tôi cảm thấy cô đơn. Đêm đó, mưa mao-mao vỗ lên cửa sổ, chảy ròng ròng trên kính như những dòng nước mắt tuôn rơi.