Phần 2 - B
Tôi thức thâu đêm vào lần sinh nhật thứ mười tám trong màn. Một nỗi lo lắng không tên xâm chiếm tôi. Cảm thấy nó giống như một chiều mùa hạ đầm đìa mồ hôi. Nóng một cách nhức nhối. Không khí như đóng váng. Đó là sự chín đậm của cơ thể. Nó bắt đầu vữa. Cơ thể gào thét bên trong cố phá vỡ sự tù túng. Tôi dạo dực bất an.
Lau sậy đâm mầm ra dưới gầm giường tôi. Tôi phải cắt chúng vì chúng đâm qua chiếu tre của tôi. Tôi phải bắt chúng ngừng lại nếu không chúng sẽ đâm tôi. Chúng đã đâm tôi trước rôi. Tôi phải nhổ cả rễ chúng. Nhưng loài lau sậy là không hủy diệt được. Chúng không sợ mặn và sinh tồn bừa bãi. Khi tôi nghĩ đến chúng đã biến đi rồi, thì chúng lại quay lại. Chúng mọc bất cứ chỗ nào. Dù đó là muối. Tôi nghĩ muối làm tăng sức mạnh cho lau sậy. Chúng bí mật sát cánh bên nhau. Chúng mới thực sự là trại viên Lửa Đỏ.
Tôi nhảy trên giường xuống và ngồi xổm. Tôi nhổ những cây sậy lên và bẻ từng cây làm đôi. Tôi lai chui vào màn, gài cửa màn lại và phát chết được ba con muỗi. Tôi găm nó xuống và nhìn những giọt máu trên màn. Sự bạo lực chộp lấy tôi như sự hồi sinh của cây lau sậy từ nơi đâu đó. Nó là cơ thể. Hẳn là như thế. Chất thanh xuân, chất muối của nó. Cơ thể và bạo lực gắn chặt lấy nhau. Chúng gào thét trong tôi, bẻ gẫy tôi ra làm đôi. Tôi dùng một chiếc gương nhỏ khảo sát cơ thể tôi, khảo sát từng chi tiết các bộ phận kín. Tôi lưu ý lắng nghe cơ thể tôi. Tôi nghe thấy tiếng bức bối, rối loạn của nó. Nó đang cố nắm bắt lấy một cái gì đó, một sự tiếp xúc kỳ lạ để làm giảm nỗi lo âu của nó nhưng vô ích. Cơ thể đòi thoát ngay khỏi kẻ ngự trị nó là trí não. Nó giận. Nó lôi tôi tới nơi tôi không muốn tới. Tôi bắt đầu có những ý nghĩ về đàn ông. Tôi mơ thấy được nhiều bàn tay sờ vuốt. Tôi ghê tởm bản thân tôi.
Nó bạo liệt. Cơ thể tôi đang trong cơn đói. Tôi không làm cho nó gắn vào nổi. Tôi trở mình suốt đên. Lẻ loi vây bọc lấy tôi, lo âu làm tôi đau đớn. Tôi nằm ngửa duỗi thẳng người như bị gông trong tù. Hai tay tôi phủ lấy người tôi, tôi không biết tìm cách nào để lấy lại yên bình. Tôi có thể cảm thấy như một con quái vật đang lớn dần trong tôi, một quái vật của dục vọng. Mỗi ngày nó một lớn lên đẩy các cơ quan khác của tôi sang bên. Tôi không có khả năng kháng cự. Tôi không nhìn nổi đường ra. Chiếc màn là một nấm mồ với chút không khí ôi thiu. Cảm thấy bị thương tích mà tôi không kêu nổi. Tôi phải canh chừng tôivì không ai khác kêu trong căn phòng này. Các bạn cùng phòng tôi không có gì chung giống tôi ư?
Muỗi cắn tôi. Tôi tìm chúng, chúng đậu ở các góc màn, chúng béo mầm và đờ đẫn sau khi hút máu. Tôi nhằm, phát. Muỗi bay đi mất. Tôi đợi, săn đuổi, đợi, lại nhằm và tấn công. Tôi phát được một con, nó bẹp dí trong tay tôi, nhầy nhụa máu. Máu của muỗi, máu của tôi, đêm nào cũng săn muỗi, bóp chúng cho kì chết. Những chấm máu trên màn nói lên thành tích của tôi. Tôi đùa với những con muỗi chân dài. Tôi thán phục vẻ thanh nhã của tạo vật. Tôi thường cho phép một con đậu vào đầu gối tôi và theo dõi nó đốt tôi. Tôi để mặc nó đốt cho tới lúc no nê. Rồi tôi bóp nó bằng hai ngón tay, thật mạnh và ngắm nhìn giọt máu nâu nhỏ xuống.
Việc giết muỗi không làm cho đầu óc tôi được thư thái. Đầu óc tôi không còn là thứ đầu óc tôi từng biết. Nó không còn là thứ trí não hoàn toàn không thể han gỉ. Tôi bắt đầu có những ý nghĩ về những cô gái ô nhục, những cô gái trong năm học trung học của tôi. Là lớp trưởng, tôi được chỉ định ngồi cạnh họ suốt mấy học kỳ để giúp họ đi đúng con đường đã vạch. Tôi có nhiệm vụ uốn nắn họ và ảnh hưởng đến họ. Dù tôi không bao giờ được giải thích họ sai lầm gì, tôi chỉ biết họ được gọi là "La-sai" - Một tiếng lóng để chỉ những cô gái làm điều đáng xấu hổ với đàn ông và bị những người có đạo đức lên án. Những cô gái đó không biết tự trọng. Họ bị gọi là "Sứ sẹo". Không ai muốn gần họ. Họ không có chút tương lai nào. Họ không có tương lai. Họ là hạng rác rưởi. Xếp họ ngồi cạnh tôi chứng tỏ sự độ lượng của Đảng. Đảng không bao giờ bỏ qua những tội lỗi. Đảng cứu vớt họ. Tôi đại diện cho Đảng.
Ngồi cạnh những cô gái đó hàng bảy năm trời, tôi đọc được trái tim họ bị vò xé thế nào. Tôi học được rằng không bao giờ được đặt mình vào vị trí của họ, phải xa lánh khỏi đàn ông. Tôi ngưỡng mộ những người phụ nữ mẫu mực được xã hội ca ngợi. Những nữ anh hùng trong những vở kinh kịch cách mạng đều không có chồng, không cả tình yêu. Nữ anh hùng trong đời tôi, Nghiêm, hình như cũng không có bất cứ điều gì để làm với đàn ông. Liệu chị có cảm thấy bồn chồn? Chị cảm thấy ra sao với cơ thể mình? Gần đây, chị có vẻ ít nghiêm túc hơn trước. Chị ngừng phát biểu trước các cuộc họp. Mặt chị thõng thượt như có mây che suốt tuần. Tôi thấy chị cố thử nói chuyện với Tiểu Lục. Tiểu Lục phản ứng lại một cách kỳ quặc. Cơ chơi với sậy hoặc nghịch những tấm huy chương trên bộ quân phục của Nghiêm một cách ngớ ngẩn. Cô cười như lên cơn. Nghiêm có vẻ bối rối và đau đớn. Chị lắc vai Tiểu Lục. Chị cầu xin cô nghe chị nói. Nhưng chị như đang nói với cây cỏ.
Chiều muộn, sau khi đã mài sắc lưỡi liềm, tôi trở về phòng ngồi sát cạnh Tiểu Lục. Các bạn trong phòng đều bận. Như những con tầm quấn tơ, họ ngồi đan áo nịt, túi và khăn quàng, không ai nói chuyện.
Tôi ngồi vào màn và khép cửa màn. Tôi nhìn lên đỉnh màn. Cô đơn xâm chiếm lòng tôi. Tôi chẳng khác gì con bò tôilàm việc cùng nó. Ngày nào chúng tôi cũng bị mặt trời hâm đốt, quỳ trên đất cứng, gieo hạt bông và cây sậy. Nó làm tôi buôn tẻ, Đầu óc tôi trở nên han gỉ. Nó hình như không còn hoạt động gì. Thân thể đã đầm đìa mồ hôi, nó còn chẳng sản ra được ý nghĩ nào. Nó bập bềnh trên một màu trắng. Óc tôi bị cô lại thành muối, khô cong dưới ánh mặt trời.
Hạt bông chúng tôi gieo bò ra khỏi đất, giống như một tạo vật yểu sinh cùng với sậy hoang khắp xung quanh. Khi chúng mới nảy mầm, chúng giống như một người tí hon đội chiếc mũ nâu. Sáng sớm chúng còn mơn mởn, nhưng trưa chúng đã bị tàn phá bởi cái nắng chang chang và tối hầu hết bị chết trước khi sương mù kịp đem đến cho chúng hơi ẩm mát. Khi chúng chết hoặc bắt đầu chết, những chiếc mũ nâu rơi xuống đất và người tí hon rũ xuống một cách sầu thảm. Những mầm sống sót vươn lên và lớn dần. Chúng tiếp tục vật lộn qua một ngày khác. Trong vòng một tuần, những mũ nâu rời ra, đầu của người tí hon tự xẻ làm đôi. Đó chính là hai lá mầm. Ở nông trường la, chúng tôi chẳng bao giờ lớn lên theo điều chúng tôi mong chờ, bởi lũ lau sậy tàn bạo và trơ tráo hút hểt nước chất màu. Lau sậy vươn dài những cánh tay đón hết ánh sáng mặt trời. Những cây bông thường ngả sang một bên, chúng sống dưới bóng của lau sậy. Hoa của chúng thật đáng thương. Trông chúng giống như khuôn mặt hồng nhạt của các góa phụ. Quả bông - rốt cục cũng được phòi ra - là những hạt khô cứng, mảnh, méo, bị sâu bọ nấp trong thân cây gặm nhấm. Không còn đánh giá nổi loại nào. Nếu có chút ít còn được đánh giá thì bông được xếp vào loại bốn. Chúng tôi thường ân đầy những quả bông vào bao và vận chuyển đến nhà máy giấy thay vì xí nghiệp bông sợi.
Tôi cảm thấy mình như một trong những quả bông khô cằn này. Nhẽ ra phải phổng phao lên, tôi lại quắt queo lại. Tôi chống lại sự quắt queo. Tôi quay lại dựa vào Phong Lan. Tôi đang khát. Phong Lan rất nhiệt tình kết bạn với tôi. Cô mời tôitới ngồi ở giường cô. Cô nói về các mẫu đan. Cô nói không ngừng. Cô bảo tôi đây là lần thứ tư cô đan vẫn chiếc áo lót ấy. Cô chỉ cho tôi từng chi tiết mẫu đan và bảo tôi mỗi khi đan xong cô thường lại tháo rời ra và đan lại, vẫn dùng sợi đan đó. Cô bảo đan móc là niềm vui lớn nhất của cô trên đời. Cô phải đan. Chẳng có gì khác làm cô hứng thú. Cô chăm chú nhìn vào que đan. Cô không thoát ra khỏi ngoài việc đó. Ngón tay cô chuyển động nhắc tôi nghĩ đến một con dế nhai cỏ. Tôi chăm chú nhìn sợi đan bị ngốn dần từng phân. Tôi ngỏ ý muốn nói chuyện về một cái gì khác, kinh kịch chẳng hạn. Cô từ chối không nghe. Mồm nói, tay cô vẫn thoăn thoắt đan áo lót. Con dế nhai sợi đan, từng phân từng phân một, giờ này sang giờ khác, ngày nọ qua ngày kia. Tôi bắt đầu nói về kinh kịch. Tôi hát: "Chúng ta hãy học tập cây tùng xanh trên đỉnh núi Đại Sơn". Phong Lan buồn ngủ, cô chui vào màn rồi ngáy vang. Cô khiến tôi muốn giết cô. Cứ tưởng tượng đó là cách tôi sống trong những ngày còn lại của đời mình khiến tôi phát điên.
Tôi thấy Nghiêm thường một mình ra ngoài cánh đồng khi chiều muộn mang theo một cái vò. Một buổi chiều trong sương dày đặc, tôi quyết định đi theo chị. Tôi đợi trong bỉển sậy. Chị mang theo chiếc vò màu da lươn, chị đang tìm kiếm cái gì đó dưới rễ sậy. Chị đang cố bắt những con rắn độc. Chị rất nhanh tay và khéo léo.
Chị vứt những con rắn vào vò. Tôiđi theo chị. Hết đoạn nọ đến đoạn kia. Bị dẫn theo những điều thần bí chị đang phát ra. Tôi nấp và hít mùi lau sậy, mùi biển, mùi sương mù và đêm tối. Ngày hôm sau tôi cũng đi theo chị. Hàng mấy dặm đường trong lau sậy. Tôi ngủ ngon hơn. Tôi tò mò vì ý định của Nghiêm, lý do chị liều đời đi bắt rắn.
Mưa ròng rã suốt ngày. Chúng tôi được lệnh ngồi đợi trong phòng chờ trời quang. Tôi ngồi, thầm khấn mưa gió hãy thật lâu, càng lâu càng tốt. Chỉ có mưa chúng tôi mới được phép nghỉ ngơi. Mỗi khi mưa, tôi thường nhẹ nhõm. Tôi chạy ra ngoài, ngẩng mặt lên, vươn hai cánh tay lên trời để cảm nhận, để nếm và để cảm ơn mưa. Tôi thường để cho mưa giọt xuống mặt, luồn trong tóc, chảy xuống cổ, xuống lưng, hông, xuống hai chân và những ngón chân tôi.
Lúc ngồi bên cửa sổ, tôi đắm chìm trong suy nghĩ của mình, mắt chăm chăm nhìn vào cây liễu. Mưa chuyển thành loại mưa mao mao, mưa "lông bò", như những người nông dân thường gọi. Tôi chăm chú nhìn sang chiếc cửa sổ đối diện với tôi. Đó là chiếc cửa sổ căn phòng các lãnh đạo đại đội. Cửa sổ của Nghiêm. Chiếc cửa sổ làm tôi khó chịu. Tôi thường tự hỏi không biết những người sau chiếc cửa sổ ấy sống như thế nào. Tôi biết họ rất rõ trong bộ quân phục, nhưng không biết gì về họ ở trong màn. Những đêm họ ngủ ra sao? Có đêm nào giống như đêm của tôi không?
Cửa sổ đối diện mở. Tôi chui vào màn. Tôi theo dõi họ qua cánh màn. Đó là chỉ huy trưởng. Chị thò cánh tay ra ngoài. Chi đang cảm nhận mưa. Chị ngửa cằm hướng lên trời xám. Mắt chị nhắm lại. Chị giữ nguyên tư thế đó. Thật là một tư thế đến riêng tư. Giữa chị và bầu trời. Liệu chị có cảm nhận cùng lối tôi cảm nhận: Lẻ loi và chán chường? Sau khi Tiểu Lục phát điên, sự tôn sùng của tôi đối với Nghiêm trở nên chua chát. Nỗi buồn của tôi đối với Tiểu Lục đã trở thành hờn giận đối với Nghiêm. Tôi xác định Nghiêm không còn xứng đáng với niềm tôn trọng của tôi nữa. Chị là kẻ sát nhân. Dẫu tôi cũng vậy. Nhưng chị làm việc đó có chủ định, và là điều không thể tha thứ. Tôi thi hành quyết định của chị. Tuy vậy vẫn có một sự cưỡng lại lớn dần trong tôi. Tôi thấy bản thân không chịu nghĩ rằng Nghiêm không xứng đáng với lòng tôi kính trọng. Do một lý lẽ lạ lùng nào đó, tôi cảm thấy tôi vẫn cần Nghiêm như một nữ anh hùng để tôn thờ, để noi theo, để hành động theo như một tấm gương. Đó là điều tôi đã được dạy phải sống như thế nào. Tôi cần nó giống như kiểu Phong Lan cần đan móc để tồn tại, để vượt qua.
Càng ngày tôi càng thèm khát chinh phục Nghiêm. Thật lòng hơn là, chinh phục bản thân, bởi vì Nghiêm đã tượng trưng cho niềm tin của tôi. Tôi muốn chị nói cho tôi hay điều gì đã lôi kéo chị đến một hành động tàn bạo đến như vậy đối với Tiểu Lục. Tôi muốn giật đi chiếc mặt nạ Bí thư của chị, để xem cái gì ở bên trong đầu chị. Tôi muốn chị phải hàng phục. Tôi bị ám ảnh.
Bất ngờ chị quay về phía tôi và dừng lại. Chị thấy tôi đang chăm chú nhìn chị. Chị đặt ngón tay lên miệng và khẽ huýt gió. Chị lôi những ý nghĩ của tôi đi xa. Chị khép cửa sổ, không một cái vẫy tay,một cái gật đầu, một ý bóng gió về bất cứ điều gì.
Mưa đã ngừng, bầu trời còn chất những đám mây đen nặng. Mây như đổ ụp xuống đầu chúng tôi. Quần áo tôi hong khô trước khi lên giường còn ẩm ướt và đầy bùn. Tôi kéo chúng từ dây phơi xuống, rồi mặc vào và lê mình ra ngoài đồng.
Chúng tôi đang cấy mạ. Chúng tôi làm việc ba giờ liền không nghỉ. Tôi đang làm việc ở phía đầu của một cánh đồng và tôi đang chú ý đến một vệt máu trên nước bùn. Tôi lần theo vệt máu và thấy Phong Lan đang lom khom trên mặt nước, hai ống quần đỏ máu. Phong Lan luôn có chuyện với kỳ kinh. Kinh thường kéo dài hàng nửa tháng, huyết ra làm cho cô kiệt sức. Cô bảo tôi lần đầu có kinh không hiểu rồi nó sẽ ra sao. Cô cảm thấy xấu hổ nếu hỏi ý kiến ai. Cô ấn áo bẩn vào trong quần. Máu đông lại nhưng cô bị nhiễm trùng. Tôi hỏi sao cô không kể cho mẹ hoặc một người bạn nào về việc này. Cô bảo mẹ cô ở một trại lao động và bạn cô còn biết ít hơn cô. Bạn cô còn không biết chắc Mao chủ tịch là đàn ông hay đàn bà.
Tôi hỏi Phong Lan tại sao cô không yêu cầu trung đội trưởng cho nghỉ một ngày. Cô nói đã yêu cầu. Cô bị khước từ. Trung đội trưởng chuyển cô tới Lu và Lu bảo việc cấy phải hoàn thành vào giữa đêm nay nếu không sẽ lỡ thời vụ.
Tôi bảo Phong Lan rằng tôi nghĩ Lu là một tên cách mạng cơ hội, yêu cầu người khác là một mác xít trong khi bản thân lại là kẻ xét lại. Phong Lan không tán thành. Cô nói Lu cũng cứng rắn với bản thân mình. Cô nói Lu không bao giờ nghỉ một ngày khi bị hành kinh. Phong Lan bảo mỗi lần như thế Lu thường bị co giật nặng. Một lần Phong Lan thấy Lu kêu và nhăn nhó trong buồng tắm. Tôi không biết nói gì hơn nữa. Tôi bảo Phong Lan, cấy xong phần tôi, tôi sẽ giúp đỡ cô càng sớm càng tốt.
Mưa lại bắt đầu nặng hạt hơn. Tôi làm nhanh để có thể giúp Phong Lan. Cánh tay và ngón tay của tôi cử động như không phải của tôi nữa. Đứng lên để duỗi lưng, tôi nhận thấy Nghiêm ở cách tôi vài khoảnh. Chị cấy như khiêu vũ, chuyển mạ từ tay trái sang tay phải và ấn mạ xuống bùn đúng thời điểm bước chân quay lại. Quần áo ướt dính chặt vào cơ thể.
Tôi cố làm tốt nhất để thi đua. Nghiêm đáp lại sự thách thức. Chị đùa dỡn với tôi như mèo vờn chuột nhắt. Chị tăng nhanh tay cấy và bỏ tôi xa lại đằng sau, rồi bất chợt chậm lại để tôi theo kịp trước khi lai vượt lên trước. Cấy xong một luống, chị cấy sang luống khác không cả ngoảnh đầu.
Bầu trời trở nên sẫm hơn. Một chiếc loa điện phát ra những bài ca Mao dẫn. Lính bị kiệt sức giống như cây bị bão quật. Hai chiếc đèn vĩ đại được mang ra cánh đồng và bánh bao được đưa tới. Lính kéo tới các thùng bánh. Lu ngăn chúng tôi lại. Chị quát:
- Không ăn uống gì cho đến khi công việc được hoàn tất.
Dạ dày chúng tôi bắt đầu nhai chính bản thân nó. Nhưng chúng tôi không dám nói lại Lu. Chúng tôi sợ chị. Rồi tới giọng của chỉ huy trưởng. Giọng chị như sấm:
- Cô làm cái trò ngu xuẩn gì thế? Chẳng nhẽ tri giác thông thường của cô không mách bảo cô, con người là cỗ máy và thực phẩm là dầu đốt của nó sao?
Nghiêm vẫy tay như thể xúc cả chúng tôi về phía bánh bao. Chị hô:
- Đến thôi!
Chúng tôi chạy như đàn lợn tới máng ăn.
Phong Lan ứa nước mắt khi rốt cuộc tôi cũng tới giúp được cô, và ở một khoảng dài phía sau, chúng tôi vừa nhai bánh vừa cấy. Chúng tôi xong lúc mười giờ. Phong Lan cảm ơn tôi, khóc vì được giải thoát. Cô nói mẹ cô sẽ tự vẫn nếu bà chứng kiến cảnh này. Chán chường, tôi bảo Phong Lan đừng nói nữa. Tôi bảo nếu Nghiêm có thể làm được điều đó, chúng ta cũng làm được. Chúng ta không phải là những người duy nhất sống theo mẫu sống ở đây, có hàng trăm nghìn thanh niên đang đi cùng một thứ giày. Phong Lan gật đầu. Cô lấy ống tay áo lau nước mắt. Tôi buồn cho cô. Tôi không thich sự mủi lòng của cô. Khi tôi ra khỏi cánh đồng, cuộc họp được triệu tập. Một trong hai chiếc đèn pha quét lên luống chúng tôi cấy. Hàng triệu con muỗi tụ tập trong ánh sáng đèn. Lu hô chú ý. Lu muốn nói về chất lượng ngày làm việc. Lu đưa loa cho Nghiêm. Nghiêm bị phủ kín bởi bùn, chỉ đôi mắt lóe sáng. Chị ra lệnh quét đèn chiếu sáng, một khoảng hàng tá mạ nổi bềnh trên mặt nước.
Công việc được làm qua quít ở phía mép cánh đồng.
- Ai làm ở đây tốt nhỉ? - Nghiêm hỏi một cách châm biếm.
Mạ sẽ chết trước khi ngày rạng. Chị muốn chúng tôi nhìn vào những cây mạ chết. Nhìn nghiêm khắc vào. Chị bảo những cây mạ là những đứa con nhỏ của chị.
Lính bắt đầu kiểm tra lại cánh đồng một cách giận dữ. Một tiếng nói gầm lên:
- Bộ phận phải chịu trách nhiệm với việc cấy ẩu là trung đội bốn.
Phần đất của chúng tôi. Tôi biết đó là khoảng ruộng tôi đã cố để theo kịp Nghiêm.
Lu ra lệnh người chịu trách nhiệm bước ra khỏi hàng để nhận sự phê phán của quần chúng. Phong Lan cảm thấy nỗi sợ hãi của tôi và nắm chặt tay tôi. Lu nói:
- Không ai được bỏ về trước khi lỗi lầm được thừa nhận.
Tôi thu hết can đảm và đang định bước ra. Nghiêm bất chợt tuyên bố rằng: chị thích để đồng chí ấy tự sửa chữa lỗi của mình.
Đồng lúa trở nên tĩnh lặng dưới ánh trăng. Sương mù dần buông và không gian tĩnh lặng. Côn trùng cất lời ca câu lạc bộ ban đêm. Hương lúa phả lên người tôi. Trăng ló ra khỏi đám mây. Tôi thúc chân xuống bùn và bắt đầu sửa lại việc mình đã làm. Bàn chân tôi sưng phồng. Tôi hát một lời dạy của ông Mao để tránh khỏi buồn ngủ.
Tôi đã quyết định
Không sợ chết
Vượt mọi khó khăn
Tôi tranh đấu để chiến thắng
... Tôi đã quyết định rồi
Bầu trời cùng chất mây màu da cam khi tôi thức giấc. Mặt trời đã lên rồi. Tôi nằm trên bùn, xương khớp đau nhức, biết mình vẫn chưa xong công việc. Ý nghĩ phải làm xong công việc làm cho lưng tôi đau mỏi. Đ********* bâu đầy hai ống chân tôi. Tôi không còn sức gạt chúng đi, chúng hút no máu tôi và rụng xuống. Tôi trong cơn tuyệt vọng. Tôi phải làm xong công việc. Tôi không có đủ can đảm để đối mặt với sự bỏ rơi của Đảng. Tôi sợ bị ghét bỏ.
Tôi ép tôi phải ngồi dậy. Tôi nhìn quanh và nghĩ tôi đang mơ. Tôi đã làm xong công việc, xong suốt đến tận bờ. Tôi nhìn về phía mặt trời. Có ai đó cách tôi chừng ba mươi mét thăm đồng.
Nước mắt tôi trào lên, bởi vì tôi trông thấy Nghiêm. Chị đang bước trong ánh mặt trời. Chị là mặt trời. Trái tim lạnh giá của tôi ấm lên.
Tôi đứng dậy và đi về phía chị.
Chị ngoảnh lại và nghe tiếng tôi tới gần.
Tôi dừng bước trước mặt chị. Tôi không nói nổi một lời.
Chị gật đầu với tôi, rồi cúi xuống sửa nốt mấy giành mạ cuối cùng. Chị rửa tay ở kênh tưới. Chị thấy đ********* bâu ở hai chân tôi và bảo tôi gạt chúng đi. Chị nói đêm qua Phong Lan đến chỗ chị và đã kể mọi điều với chị. Chị bảo chị rất mừng khi thấy tôi đã ở cánh đồng suốt đêm qua. Chị bảo tôi đã làm những gì tôi phải làm. Chị gỡ bím tóc, cúi xuống gội đầu dưới máng. Chị vắt nước tóc mình và hất tóc về phía sau. Chị bảo khi chị tìm thấy tôi, trông tôi như một con rùa lớn.
Chị nghĩ tôi nhút nhát hoặc thế nào đó. Chị ngừng lại rồi bảo tôi làm cho chị thấy chị có tội, bởi tôi có thể mắc bệnh đau khớp. Nếu tôi bị, sẽ là một mất mát với đảng.
Tôi lau cho đôi mắt trong trẻo.
Chị nhìn vào mắt tôi hé một nụ cười trên khuôn mặt chị. Chị bảo chị tin tôi có ý chí mạnh mẽ, chị thích những người có ý chí mạnh. Chị nhìn về phía mặt trời một lúc rồi bảo:
- Chị muốn em là người lãnh đạo trung đội bốn.
Chị sẽ thu xếp chuyển tôi tới phòng chị để tôi có thể tranh luận nhiều vấn đề với các lãnh đạo của đại đội. Nói rồi chị bước nhanh về khu lán trại.
Tôi đứng dưới ánh mặt trời sáng chói, cảm nhận sự vươn lên của một niềm hy vọng.