Phần 2 - A
Sáng 15 tháng 4 năm 1974, gia đình tôi tiễn tôi đến quảng trường nhân dân. Mười xe tải lớn đỗ ở trung tâm quảng trường. Những lá cờ đỏ và những chữ màu vàng kim mang tên: "Nông trường Lửa Đỏ" được buộc chặt bên sườn mỗi xe tải. Những lá cờ bay phần phật hết cỡ, sáng loá màu máu tươi.
Tôi đăng ký. Một phụ nữ khoảng hai mươi lăm tuổi, tóc cắt ngắn tận tai, đôi mắt hình nửa vành trăng chào đón tôi. Chị niềm nở. Chị tự giới thiệu là đồng chí Lu. Chị nhắc đi nhắc lại, chúc mừng tôi, vịn vai tôi và bảo:
- Hãy tự hào về bản thân mình!
Chị mỉm cười, đôi mắt nửa vành trăng của chị trở thành trăng vuông, chị bắt tay tôi và gắn bông hoa giấy đỏ lên áo khoác của tôi. Chị bảo:
- Ấy, cười lên nào, giờ chúng ta là gia đình.
Tôi trèo lên chiếc xe tải không đông người lắm. Bố tôi chuyển cho tôi chiếc vali. Mẹ trông ốm yếu, Hoa và San tới vịn cánh tay mẹ. Vũ chòng chọc nhìn tôi. Đôi mắt sâu của nó như hai hố giếng màng màng. Bố vẫy tôi và gắng gượng mỉm cười. Ông vừa nói vừa cố gắng một cách vô ích để pha trò.
- Bây giờ thì đi khỏi đây đi.
Gia đình tôi đứng ngay trước mặt tôi, như dựng một bức tranh u buồn. Đó là bức tranh của sầu đau, một bức tranh của không bao giờ thế nữa. Tôi đứng ngoài bức tranh ấy.
Tôi muốn bảo gia đình tôi đi về, bởi họ còn đứng lâu chừng nào, cay đắng trong tôi còn tăng lên. Nhưng tôi không thể nói điều gì. Tôi quá buồn nên không thể nói nổi bất cứ điều gì. Nhưng tôi đang mười bảy. Tôi dũng cảm. Tôi hướng về nơi gió thổi, tôi nói về tương lai - Giờ đây đã sẵn sang, hãy đến thử thách ta!
Khi xe tải chuyển bánh, đám đông rền rĩ. Các bậc cha mẹ không muốn rời cánh tay các con mình. Tôi nhìn đi chỗ khác. Tôi nghĩ về quá khứ anh hùng của tôi, tôi đã luôn tự hào biết bao vì là một người cách mạng nhiệt tình. Tôi ép tôi cảm thấy tự hào và như thế tôi thấy chút ít dễ chịu hơn. Đồng chí Lu nhìn tôi, thấy tôi không vẫy tay tạm biệt gia đình. Chị đến bên tôi và nói:
- Khá lắm.
Chị yêu cầu chúng tôi hát lên bài hát lời dạy của ông Mao. Chị lĩnh xướng:
- Đi tới miền quê, đi tới biên cương, đi tới bất kỳ nơi đâu đất nước cần chúng ta hơn cả.
Chúng tôi bắt đầu hát cùng Lu. giọng hát của chúng tôi khá yếu như những con bò đực ở nông trường. Lu văng mạnh cánh tay giục hát nhanh. Chẳng ai chú ý tới chị. Đây là lúc hồi ức bén rễ. Lúc tuổi thanh xuân bắt đầu tàn. Tôi chăm chú nhìn cha mẹ đang đứng như những cây cà chết cóng, đầu rũ xuống ngực. Nước mắt tôi trào lên. Tôi hát thật to. Tôi gào lên. Lu nói vào tai tôi:
- Khá lắm, dũng cảm lắm.
Tay chị đang cầm cờ của nông trường Lửa Đỏ. Những chiếc xe tiến lên, ngược lại chiều gió. Bụi mờ mịt, hình ảnh của thượng Hải mờ dần.
Trên xe chẳng ai giới thiệu mình với ai. Ai nấy ngồi kề sát hành lý của mình. Chúng tôi như thể ngồi đưa tang. Vài giờ sau chúng tôi được bầu trời đầy sao đêm đón nhận. Tôi bắt đầu nhớ bố. Tôi nghĩ tới những đêm ông kéo tôi, Hoa, San Hô, Chính Vũ ra khỏi giường quan sát dải Ngân Hà và những vì sao. Ông muốn chúng tôi trở thành những nhà thiên văn. Giấc mơ bản thân ông không có cơ hội hoàn tất. Nó cũng trong sáng như đêm nay, bầu trời, dải Ngân Hà, sao Mộc, sao Hoả, sao Kim và một vệ tinh trái đất do con người lần đầu tiên chế ra trong quỹ đạo...
° ° °
Đang thiu thiu ngủ gật, tôi ngửi thấy mùi biển Đông Trung Quốc, Lu bảo chúng tôi đã tới nông trường Lửa Đỏ. Bấy giờ đã là chiều muộn. Trước mắt chúng tôi là một biển sậy mênh mông vô tận. Nhưng chiếc xe tản về các hướng khác nhau. Như con nhện nhỏ, xe chúng tôi bò vào trong màu xanh. Bầu trời thấp và âm u quá chừng. Thấp như cái trần nhà có thể với tay.
Tôi xuống xe, hai chân buốt nhói. Hai bên đầu gối tôi là hai dãy trại hình chữ nhật xây bằng gạch xỉ than. Giữa hai trại là một bể nước công cộng dài và có nhiều vòi. Tôi thấy mọi người đi vào hai dãy trại. Người ở đây trông có vẻ mệt mỏi, chán chường, quần áo bẩn thỉu, tóc cáu nhờn. Họ chẳng hề để ý tới chúng tôi.
Tôi nhấc vali lên chợt có tiếng hô:
- Tập hợp! Chỉ huy đến!
Chỉ huy? Tôi đang ở trong một trại lính? Bối rối tôi quay về phia Lu lúc này đang chăm chú về hướng Đông, nụ cười đã hoàn toàn biến mất. Trông chị có vẻ khắc khổ. Tôi dõi theo mắt chị về phía cánh đồng mênh mông.
Một bóng nhỏ hiện ra ở phía chân trời.
Chị cao to, đường bệ, bước tới oai vệ. Chị mặc bộ quần áo quân phục giải phóng cũ, giặt nhiều lần và gần như bạc trắng, thắt lưng dây to bản khoảng tám phân. Chị để hai bím tóc dày và có cái nhìn của một người chiến thắng.
Chị mỉm cười khi dừng lại cách chúng tôi dăm bước. Chị bắt đầu kiểm tra chúng tôi từng người một. Chị có đôi mắt rực lửa, dữ dội, nhìn vào đó, tôi thấy uy lực của một con mãnh sư. Chị có nước da sạm nắng gió, lông mày rậm, mũi xương, gò má cao, và cái miệng đầy đặn như hình một hạt dẻ nước. Chị có đôi vai cực kì rộng như của chiến vương cổ đại. Chị đi chân đất, ống tay và ống quần đều xắn lên cao. Hai tay chống hai bên sườn. Khi mắt chị dồn vào tôi, tôi run lên vô cớ. Chị như thiêu cháy tôi bằng ánh mặt trời trong đôi mắt chị. Tôi như bị lột trần.
Chị bắt đầu nói nhưng không rõ tiếng. Mọi người lặng xuống và nghe thấy một giọng nói như thể thì thầm: "Nhiệt liệt chào mừng các bạn, những tân binh của nông trường Lửa Đỏ, gắn bó với chúng tôi như - chị hắng giọng và nhấn mạnh từng lời - như cùng chung máu mủ. Chị nói chị nhiệt liệt chúc mừng chúng tôi đã đoạn tuyệt với thế giới nhỏ bé của những quan tâm cá nhân để tham gia vào cuộc hành quân với quân số khá cao đến thế. Chị nói chúng tôi như vậy đã thực hiện được những bước đầu tiên của cuộc trường chinh. Bất chợt chị cao giọng, chị nói chịu muốn giới thiệu bản thân chị. Chị nói tên chị là Nghiêm Thắng. Nghiêm tức là kỷ luật. Thắng là chiến thắng. "Các bạn có thể gọi tôi là Nghiêm". Chị nói: Chị là bí thư Đảng và là chỉ huy đại đội này. Một đại đội đang tạo nên những thay đổi lay trời chuyển đất về mọi mặt. Chị lại hạ giọng gần như thầm thì. Chị bảo chị thật ra có nhiều điều để nói vào một dịp như thế này. Nhưng chị muốn nói lên một điều. Đến đây, chị to giọng:
- Đừng ai trong các người ********* vào mặt tôi! Đừng ai trong các người làm thất vọng danh hiệu vinh quang "Đại đội bảy tiên tiến", đại đội kiểu mẫu của quân đội toàn nông trường Lửa Đỏ.
Chị hỏi chị trình bày quan điểm như vậy có rõ không?
Và chúng tôi giật mình hô:
- Rõ!
Phẩy tay trước mũi như để xua đi mùi gì khó ngửi, chỉ hỏi chúng tôi có muốn không còn yếu ớt như trước đây không. Chị lặp lại câu hỏi và muốn nghe chúng tôi nói: Rõ! Theo đúng cách của một quân nhân. Và chúng tôi đồng thanh hăng hái hô theo.
Chị nói như thế mới tốt và mỉm cười. Nụ cười của chị thật dễ thương. Nhưng nó không kéo dài quá ba tích tắc. Chị nghiêm nghị trở lại bà cho chúng tôi biết nông trường có mười ba nghìn thành viên và đại đội tôi có bốn trăm. Chị nói chị mong mỗi người chúng tôi sẽ vận động như một đinh vít trong cỗ máy cách mạng rộng lớn. Bản thân hãy vươn lên. Chạy, chạy và chạy, chị nói bởi nếu bạn dừng lại bạn sẽ han gỉ. Chị nói chúng tôi phải nhớ, mặc dầu chúng tôi không được phát đồng phục quân nhân, chúng tôi vẫn sẽ được huấn luyện như những người lính thực thụ. Chị nói:
- Tôi không bao giờ nói suông, không bao giờ.
Những câu nói đó của chị khắc ghi rất lâu trong trí nhớ của tôi. Vì nó được diễn đạt như cách nói của một kẻ cứng cổ.
Như bị ngợp vì choáng váng, chẳng ai động đậy khi Nghiêm kêu chúng tôi giải tán. Lu giơ tay chào Nghiêm, và Nghiêm lùi lại một bước khỏi hàng quân và giới thiệu Lu là phó chỉ huy cảu mình.
Lu nói chị có đôi điều để nói với đơn vị. Chị bước tới trước mặt các hàng quân. Chị toe toét cười khi mở miệng. Bằng một giọng mổ xẻ, chị nói mặc dầu chị mời được chuyển đến đại đội này, nhưng đã là Đảng viên lâu năm của gia đình Cộng sản Đảng. Khởi đầu chị kể về lịch sử Đảng Cộng sản với cuộc họp đầu tiên trên một chiếc thuyền nhỏ gần Thượng Hải. Chị nói rồi nói mãi cho đến khi mặt trời rút lại những tia nắng cuối cùng và sương bao phủ lấy chúng tôi.
Tôi được phân về căn nhà số 3 dành cho phụ nữ. Phòng tôi chiều rộng khoảng gần ba mét, dài khoảng năm mét với bốn chiếc giường tầng. Tôi có bảy bạn cùng phòng. Khoảng không gian duy nhất của riêng mỗi người là ở trong chiếc màn được mắc vào những thanh tre mỏng. Nền nhà là đất nện.
Ngay hôm sau chúng tôi được lệnh làm việc ở những cánh đồng lúa. Môt cô gái tên là Tiểu Lục làm việc cùng hàng với tôi. Một con đ********* bám vào chân cô. Cô cố dứt con đ********* ra, nó lại rúc vào sâu hơn, rồi biến mất trong da, để lại những vết đen trên bề mặt. Cô thét lên hãi hùng. Tôi gọi một người lính từng trải có tên là Phong Lan đến giúp đỡ. Phong Lan đến day day vào chỗ da trên đầu con đ*********. Con đ********* tự ý chui ra. Tiểu Lục cảm kích trước sự giúp đỡ của tôi và chúng tôi trở thành bạn tốt.
Tiểu Lục mười tám tuổi. Giường cô cạnh giường tôi. Cô xanh xao, xanh xao đến mức có thể phơi nắng suốt ngày cũng không đổi màu da. Ngón tay cô thon và đẹp. Cô vãi phân lợn như thể cô đang sắp đồ nữ trang. Bước chân cô duyên dáng như một cây liễu trong làn gió dịu. Những bím tóc dài của cô đung đưa sau lưng. Mỗi khi nói cô thường nhìn xuống nền nhà. Tính cô bẽn lẽn. Nhưng cô thích hát. Cô kể với tôi cô được bà nội mình nuôi. Bà cô vốn là một nghệ sĩ opera trước thời cách mạng văn hóa. Cô được thừa hưởng giọng hát của bà. Bố mẹ cô được phân công tới làm việc ở những mỏ dầu rất xa bởi họ là trí thức. Hàng năm họ về nhà một lần vào dịp tết. Cô chưa bao giờ muốn biết nhiều về bố mẹ mình, nhưng cô lại biết hết những vở tuồng cổ mặc dù cô không bao giờ hát tuồng cổ ở nơi công cộng. Ở nơi công cộng cô hát bài "Tổ quốc tôi", một ca khúc dân gian có từ ngày giải phóng. Giọng hát của cô là niềm kiêu hãnh của trung đội. Nó giúp chúng tôi vượt qua lao động cực nhọc, vượt qua những chuỗi ngày chúng tôi phải dậy từ năm giờ sáng và làm việc ngoài đồng đến chín giờ đêm.
Cô là người táo bạo. Cô dám chăm chút sắc đẹp của mình. Cô thắt những bím tóc của mình bằng những dải lụa màu sắc sặc sỡ trong khi chúng tôi chỉ buộc bằng dây thun nâu. Vẻ nữ giới của cô cợt nhạo chúng tôi. Tôi theo dõi cô, và cảm thấy hiểm họa trong sự táo tợn của cô. Tôi vốn là đội trưởng Hồng vệ binh. Tôi hiểu các nguyên tắc. Tôi hiểu ranh giới mong manh giữa đúng và sai. Tôi theo dõi Tiểu Lục. Sắc đẹp của cô. Tôi muốn ngày ngày buộc tóc bằng dải lụa màu rực rỡ. Nhưng tôi không có gan khinh thường nguyên tắc. Tôi đã từng luôn luôn nghiêm túc.
Tôi phải thừa nhận rằng Tiểu Lục đẹp. Nhưng tôi và tất cả những người lính khác đều nói cô không đẹp. Chúng tôi buộc tóc bằng thun nâu, màu bùn, màu phân lợn, màu trí não chúng tôi. Bởi chúng tôi tin tưởng một người Cộng sản chân chính sẽ chẳng bao giờ quan tâm tới cái mẽ bề ngoài theo lối của cô, vẻ đẹp tâm hồn mới đáng quan tâm. Tiểu Lục không bao giờ cãi cọ với ai. Cô chẳng để tâm tới những gì chúng tôi nói. Cô mỉm cười một mình. Cô nhìn xuống đất, mỉm cười tự đáy lòng, cười một mình, với những dải lụa màu, thế là thỏa mãn. Dẫu mệt mỏi đến đâu, Tiểu Lục vẫn luôn luôn đi bộ bốn mươi lăm phút tới trạm nước nóng xách nước về tắm rửa. Cô kiên nhẫn và vui vẻ cọ bùn cho sạch móng tay. Tối tối, tôi lau rửa trong màn, còn tôi, nằm trong màn theo dõi cô, móng tay tôi như những vuốt thú để trên đùi.
Tiểu Lục tự hào chỉ cho tôi cách cô dùng vải vụn may thừa để khâu thành đồ lót đẹp lại được thêu khéo những hình hoa, lá, bướm, chim. Cô mắc dây phơi gần cửa sổ nhỏ giữa hai giường chúng tôi để hong đồ lót. Trong căn phòng trần trụi của chúng tôi, chiếc dây phơi như một triển lãm nghệ thuật.
Tiểu Lục khuấy đảo tôi. Cô khuấy đảo cả phòng, cả trung đội, cả đại đội. Cô thu hút con mắt chúng tôi. Chúng tôi không cưỡng nổi nhìn cô. Những người vô tâm nhất cũng không thể rời mắt khỏi cô, thứ sinh linh đầy dáng vẻ tư sản này. Tôi khinh thường nỗi thèm khát của mình được phô xuân sắc. Một thèm khát xấu xa. Tôi tự bảo tôi như thế cả trăm lần. Tôi đã mười bảy tuổi rưỡi. Tôi khâm phục Tiểu Lục can đảm. Can đảm chữa lại quần áo được cấp phát. Cô chiết lại lưng áo sơmi, sửa lại ống quần cho đôi chân có vẻ dài hơn. Cô không ngượng ngùng vì bộ ngực căng đầy. Chập tối, cô thường xách hai thùng nước nóng, lưng thẳng, ngực căng. Cô bước về phòng chúng tôi, vừa đi vừa hát. Bầu trời sau cô có màu xanh thẫm. Bọn lính đàn ông nửa người nửa ngợm chăm chú nhìn cô khi cô đi qua. Cô như sao hôm của tối nông trường. Tôi ghen thầm và ngưỡng mộ cô. Tháng sáu nóng, cô dám ra ngoài không mang nịt ngực. Nhìn cô bước về phía tôi, hai vú nảy lên, tôi căm ghét nịt ngực của mình. Cô làm tôi cảm thấy mình tàn héo mà chưa từng bừng nở sắc xuân.
Ngày dài, dài thế. Việc làm như vô tận. Năm giừo sáng chúng tôi đã đang cắt thầu dầu. Nhuững hạt đen lẫn trên cổ tôi, lọt vào giày tôi mỗi khi tôi đặt nằm cây xuống. Tôi chẳng buồn lau mồ hôi nhỏ giọt làm xót mắt. Tôi không có thì giờ. Trung đội chúng tôi là trung đội nhanh nhất đại đội. Chúng tôi lao đi như những mũi tên. Chúng tôi băng qua cánh đồng theo đội hình bậc thang. Khi làm việc, chúng tôi chìm ngập trong biển cây. Chúng tôi không thẳng lưng lên được. Chúng tôi chẳng có thời giờ để mà thẳng lưng. Nhưng trong khi đó có một lần, Tiểu Lục đã đứng thẳng lưng. Chúng tôi nói những lời khiếm nhã với cô:
- Thật nhục nhã, đồ ưởi xác!
Chúng tôi chưa chịu dừng cho đến khi Tiểu Lục cong lưng làm việc. Chúng tôi xử sự như vậy với bất kỳ ai trừ Nghiêm. Nghiêm là kẻ cưỡi ngựa. Chúng tôi là ngựa của chị, chi vung roi quất chúng tôi phi. Chúng tôi cảm thấy hơi ớn lạnh sống lưng mỗi khi chị bước tới kiểm tra công việc. Tôi dõi theo bước chân của chị đi qua chỗ tôi. Tôi không dám ngẩng đầu. Tôi chăm chú dồn vào những gì đôi tay tôi đang làm. Chị dừng lại và xem tôi làm. Tôi cắt và xếp cây gọn ghẽ. Tôi cố không để những hạt đen rơi như mưa xuống. Chị đi khỏi là tôi thở phào.
Đôi quần lót thêu tay đẹp nhất của Tiểu Lục đã bị lấy cắp. Việc đó được coi như một tội có tính tư tưởng. Chi bộ đại đội triệu tập một cuộc họp tại phòng ăn. Bốn trăm con người tất cả đều ngồi thành hàng trên những chiếc ghế con. Nghiêm nêu vấn đề liên quan đến vụ ăn cắp. Không ai nhận mình lấy cắp. Lu tức giận bảo chị không chịu nổi những hành vi như thế. Chị nói sự việc cái gì bị lấy cắp, việc đó mới làm cho chúng ta thấy nhục nhã. Chị nói đảng sẽ phát động một chiến dịch chính trị để phòng ngừa những hành vi tái diễn. Chị nói đây là lỗi của lãnh đạo đại đội hơn là của lính. Nghiêm đứng dậy xin lỗi vì đã xao lãng việc chăm lo ý thức của lính. Chị xin lỗi Đảng. Chị phê phán Tiểu Lục ưa phù phiếm. Chị lệnh cho cô phải tự kiểm điểm. Chị bảo Tiểu Lục sau này không được treo đồ lót ở gần cửa sổ.
Tiểu Lục đang cọ móng tay lúc trời tối. Cô dùng bàn chải cố cọ sạch cái màu nâu, màu gỉ sét cáu bẩn ở móng tay. Tôi nằm gối đầu tay theo dõi sự kiên nhẫn của cô. Tiểu Lục nói cô thất vọng về Nghiêm. Cô nói:
- Tôi vẫn nghĩ chị ấy nhiều tính người hơn Lu. Lu là một con chó. Tôi không trông đợi chị ta chĩa đôi ngà voi. Những Nghiêm phải được coi như con voi. Nhẽ ra chị ấy phải có ngà thay vì khua những chiếc răng chó.
Tôi không bình luận gì. Tôi thấy khó bình luận về Nghiêm. Tôi không biết từ bao giờ tôi trở thành người ngưỡng mộ Nghiêm. Giống như những người khác trong đại đội, tôi bảo vệ chị một cách máy móc. Trong những giờ giải lao trên cánh đồng chúng tôi bàn tán nhiều giai thoại về Nghiêm. Tôi được Phong Lan cho biết Nghiêm vào Đảng từ tuổi mười tám. Năm năm trước, trước khi Nghiêm tới, đất đai vùng nông trường Lửa Đỏ còn rất cằn cỗi. Chị đã dẫn trung đội 20 Hồng vệ binh của mình tới cải tạo nó. Phong Lan là một trong số đó. Nghiêm nổi tiếng vì đôi vai sắt của mình. Chuyển bùn đi xa để xây dựng kênh tưới tiêu, mỗi ngày chị gánh hai mươi chuyến, mỗi chuyến non một cây số, hai thùng bùn nặng trên bảy chục ký, vai chị phồng lên như chiếc bánh bao. Nhưng chị vẫn gánh, mặc đòn gánh làm đôi vai vãi máu. Chị tin vào sức mạnh ý chí. Sau một năm chỗ phồng to như hai nắm đấm. Chị là người gánh nặng số một của đại đội. Phong Lan kể chuyện Nghiêm như kể vè một vị thánh.
Buổi chiều, tôi thấy Nghiêm vác những bó to nặng. Chị xếp hết lớp lau sậy này đến lớp lau sậy khác cho đến khi trên hai vai chị như vác một ngọn đồi, chỉ còn thấy hai chân di chuyển. Chị có những cơ bắp của đàn ông. Bàn chân chị giống như bàn chân của thú vật móng vuốt.
Những người lính cũ miêu tả không biết mệt hình ảnh người nữ anh hùng của họ. Vài năm trước, có một đám cháy sau kho ngũ cốc. Những lều rạ và những cánh đồng đang vào vụ gặt bốc cháy. Tất cả các Hồng vệ binh đều khóc. Nghiêm đứng trước hàng quân, một bím tóc cháy rụi, mặt đỏ rát, áo quần ám khói tuyên bố: niềm tin của chị vào chủ nghĩa cộng sản là tất cả những gì chị cần để tái tạo ước mơ của mình. Trong năm tháng đại đội đã xây xong những căn nhà. Chị được tôn sùng. Chị còn thật hơn ông Mao.
Đêm rất khuya, khi lắng nghe tiếng Tiểu Lục tắm tôi lại hình dung ra Nghiêm bím tóc cháy rụi, da thịt phổng rộp bởi lửa dại đằng sau...Nghiêm trở thành người lĩnh xướng trong vở kinh kịch của tôi. Tôi bắt đầu hát "Phân đội nữ hồng binh". Tiểu Lục hòa giọng với tôi, sau đó là tất cả các bạn cùng phòng. Tôi đang hát bài hát của Nghiêm. Nghiêm là một người nữ anh hùng trong đời thực. Trong lúc hát tôi muốn vươn tới chị, tôi muốn trở thành chị. Tôi muốn trở thành một nữ anh hùng. Tôi ngưỡng mộ Tiểu Lục như một người bạn, nhưng tôi cần Nghiêm để tôn thờ.
Cây liễu bên ngoài lắc lư nghiêng ngả mạnh. Lá quất lên cửa kính. Đêm nặng gió. Ngày mai sẽ là một ngày gian khổ khác đây. Một nỗi buồn thấm thía, tôi thấy đầy những suy nghĩ của mình về Nghiêm. Chị đã truyền những cảm hứng cho tôi. Việc Tiểu Lục thất vọng về Nghiêm không làm giảm ngưỡng mộ của tôi đối với chị. Tôi cần người dẫn dắt để vực tôi lên. Lưng tôi đau sụn. Móng tay tôi xỉn màu nâu, da tôi nứt nẻ. Những tiêu điểm của tôi là Nghiêm. Trong lúc nghĩ về chị, tôi ngủ lúc nào không biết.
Tôi khởi đầu bắt chước cách Nghiêm đi, nói và ăn mặc. Dây lưng tôi chỉ rộng gần bốn phân rưỡi. Tôi muốn nó rộng thêm vài phân nữa. Tôi cắt bím tóc dài của tôi ngắn bớt, ngắn đúng bằng tầm bím tóc của Nghiêm. Tôi cố gánh càng nhiều miễn sức tôi chịu nổi khi trung đội được cử đi đào một kênh tưới mới. Tôi cũng gánh cho đến khi vãi máu chỗ phồng vai. Khi đau đớn nhói tim, tôi ép tôi hãy nghĩ về Nghiêm, nghĩ tới cách chị vượt qua đau đớn.
Để gây ấn tượng với Nghiêm, mỗi tối họp phê và tự phê tôi đều phát biểu. Tôi thẳng thắn phơi bày yếu kém của mình. Mọi người làm theo. Chúng tôi giúp nhau kiểm tra tư tưởng, tẩy bỏ những sai lầm. Chúng tôi tin rằng nếu không làm nổi như thế, tâm hồn chúng tôi sẽ bị tư tưởng tư sản xấu xa tiêu diệt. Ông Mao đã cảnh cáo chúng tôi rằng tư tưởng xấu xa có thể có ở khắp mọi nơi, giấu mặt, đợi thời cơ thuận lợi lọt vào chúng ta. Đấu tranh giai cấp cần được nhắc nhở từng ngày, từng tháng, từng năm. Chúng tôi thảo luận về tính cách của mỗi người làm sao hoàn thiện bản thân và giữ vững tác phong, xây đắp một ý chí kiên cường, ý chí thần kỳ. Một ý chí bao giờ cũng chiến thắng. Mãi sau tôi cũng không nhận ra đó là những ngày đầy ý nghĩa, những ngày của tình yêu cuồng nhiệt và những ngày thỏa mãn khát khao. Tôi nhiệt tình trong các cuộc họp này. Dẫu Nghiêm tỏ ra không chú ý đến tôi, tôi vẫn không chán nản. Tôi không ngừng thành tâm và tin tưởng cuối cùng tôi sẽ chiếm được lòng tin của chị.
Tôi thuộc số người được tham dự chương trình huấn luyện quân sự do ban chỉ huy nông trường tổ chức. Tôi vui mừng vì được coi là đáng tin về chính trị. Chương trình bao gồm một loạt bài khóa căng thẳng về bắn súng, sử dụng lựu đạn và tác chiến. Nghiêm bảo chị sẽ chưa buông tha chúng tôi cho đến khi chúng tôi bị ướp trong mồ hôi. Chúng tôi bị dựng dậy khỏi giường, vũ khí, đèn pin sẵn sang, tiến hành các cuộc tuần tra ban đêm trong vòng vài ba phút.
Một đêm đầu hè tôi bị đánh thức bởi một mệnh lệnh khẩn cấp. Chỉ huy trung đội qua cửa sổ gọi tôi, trong vài phút tôi đã có mặt trong đơn vị.
Không khí ẩm ướt dịu mát mặt tôi. Chúng tôi di chuyển linh hoạt, gần như lén lút xuyên qua đám lau sậy. Tới cánh đồng lúa mì, một lệnh nạp đạn được thì thầm đưa ra.
Tôi tỉnh người ra. Đây là lệnh đầu tiên dùng vũ khí. Có cái gì đó nghiêm trọng xảy ra, tôi nạp đạn súng của tôi.
Rồi tôi nghe thấy giọng Nghiêm, chị lệnh cho chúng tôi nằm xuống và tiến lên. Đó là giọng của một kẻ sát nhân. Chúng tôi băt đầu trườn qua cánh đồng lúa mì. Tôi nắm chặt súng. Người lính nam phía trước bắt đầu ngừng bò và truyền về phía sau lệnh chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi nằm đó nín thở và lắng nghe. Côn trùng kêu và lúa mì dịu ngọt. Đêm thật tĩnh lặng. Muỗi xuyên qua quần áo đốt tôi. Ở khoảng xa xa có tiếng gì đó. Rồi im. Tôi nghĩ đó chỉ là tiếng do tôi tưởng tượng ra. Hai tiếng khác nhau, một tiếng đàn ông và tiếng kia của đàn bà đang thì thầm. Tôi nghe một tiếng kêu êm dịu. Tôi nhận ra tiếng của Tiểu Lục.
Ý nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là: tôi không thể để cho Tiểu Lục bị bắt như thế này. Cô là người bạn tốt nhất của tôi, là thứ khí trời duy nhất trong căn phòng ngột ngạt của chúng tôi. Cô chưa hề nói tôi hay bất cứ điều gì về chuyện dan díu với đàn ông. Dẫu tôi hiểu tại sao, vẫn phải thừa nhận đây là điều nhục nhã. Một đồng chí tốt phải coi như đem hết năng lực, tuỏi xuân của mình cho cách mạng. Cô ta cho tới sắp ba mươi, khi hôn nhân được coi là hợp lý, ngay cả việc nghĩ tới một người đàn ông cũng không được phép. Tôi nghĩ đến những hậu quả Tiểu Lục sẽ phải gánh chịu nếu cô bị bắt. Tôi thấy rõ tương lai của cô sẽ bị lụi tàn từ đây. Cô sẽ bị xã hội ruồng bỏ, gia đình ghẻ lạnh. Tôi trườn lên phía có tiếng người. Một bàn tay rắn chắc bất chợt ấn người tôi xuống đất. Đó là Nghiêm. Tôi chống lại cố thoát khỏi chị. Nắm tay của chị chắc như tảng đá. Chị hình như hiểu rõ điều gì đang xảy ra.
Tiếng thì thầm và thở mạnh trở nên mạnh hơn. Nghiêm nghiến răng lại và buông tiếng thở dài. Tôi cảm thấy sức mạnh cơ thể chị. Thoắt một cái chị rời nắm tay khỏi tôi và bất chợt hô vang:
- Sẵn sàng!
Như một tiếng bom nổ cạnh tôi. Nghiêm chĩa đèn pin về phía Tiểu Lục và người đàn ông. Có tới ba chục cái đèn pin trong đó có tôi đồng loạt bật sáng.
Tiểu Lục kêu thét lên, tiếng thét xé đêm tối. Cô đang trong chiếc áo đẹp nhất của mình, chiếc áo thêu hoa mận hồng. Ánh đèn pin chiếu lên đôi mông trần của cô. Tiếng thét của cô như xuyên vào tim tôi. Tim tôi như bị xé ra từng mảnh.
Người đàn ông cùng với Tiểu Lục cũng trần như nhộng, đeo kính trông cỏ vẻ một tay nghiền sách. Anh ta kéo quần lên và định chạy nhưng bị nhóm của phó chỉ huy Lu bắt ngay. Lu rút súng chĩa vào đầu tay nghiền sách. Anh ta không thuộc đại đội chúng tôi, nhưng tôi nhớ đã trông thấy anh ta ở chợ. Anh ta đã mỉm cười với Tiểu Lục, nhưng khi tôi hỏi cô biết anh ta ư, cô bảo là không.
Tiểu Lục vừa khóc vừa run, cô lảo đảo lê người về phía để quần áo của mình, hai tay cố che kín đôi mông.
Tôi hạ thấp đèn chiếu.
Nghiêm từ từ lại gần người đàn ông. Chị hỏi tại sao anh ta lại làm thế với Tiểu Lục. Giọng chị run run. Tôi ngạc nhiên vì thấy chị long lanh nước mắt.
Người đàn ông cắn môi nhìn lại. Anh ta không nói một lời. Nghiêm ném chiếc dây lưng của mình xuống và ra lệnh cho những người lính nam đánh con người này. Chị bước đi rồi bỗng dừng lại bảo chị sẽ rất vui nếu lính của mình làm cho con người đó hiểu được phụ nữ ngày nay không còn là nạn nhân của dục vọng đàn ông nữa. Chỉ cởi jacket của mình khoác cho Tiểu Lục. Chị dịu dàng bảo cô:
- Ta về thôi.
Tay nghiền sách không tỏ ra có tội, bị đá, bị quất, anh ta cắn răng khỏi kêu la.
Tôi trở về trại cùng những lính nữ khác. Từ khoảng cách xa chúng tôi còn nghe thấy tiếng kêu khan của tay đàn ông và tiếng Lu quát tháo:
- Đánh chết tên cưỡng bức đi.
Tiểu Lục không ngừng khóc thút thít.
Một phiên tòa công khai được tổ chức ở phòng ăn. Tiểu Lục phải chịu thử thách bốn ngày liền "tẩy não" mạnh. Theo một cảnh sắp đặt trước, Tiểu Lục cao giọng và nghẹn ngào tuyên bố là cô bị cưỡng bức. Tờ giấy cô đọc hai lần tuột khỏi tay cô. Tay nghiền sách người yêu của cô bị kết tội. Tôi sẽ không bao giờ quên nổi vẻ mặt của anh ta khi án tử hình được tuyên cáo. Như chợt tỉnh cơn ác mộng, anh thình lình quỵ xuống. Bộ mặt nhàu nát bầm tím của anh bừng sáng khi Tiểu Lục bước vào phòng.
Tôi ngồi cạnh Nghiêm. Tôi nghe thấy chị trao đổi với Lu. Họ nói rằng tay đàn ông này đã bị đầu độc quá sâu nặng bởi tư tưởng tư sản. Nghiêm thở dài giọng buồn bã. Lu bảo tốt nhất là Đảng phải lãnh đạo để chấm dứt ngay sự lan truyền độc tố này. Nghiêm đồng ý và bảo ít ra cũng cứu được Tiểu Lục. Lu phát biểu ngắn gọn và kết thúc buổi xét xử. Chiếc xe lật nhào phía trước dùng để cảnh tỉnh những chiếc xe đằng sau, Lu nói như vậy với đại đội. Tiếng kêu thét của Tiểu Lục vang mãi trong tôi suốt tuần lễ. Tôi nghĩ tới việc nói chuyện với Tiểu Lục, nhưng cảm thấy có tội nặng khi nói chuyện với cô.
Không ai nói gì về tay đàn ông nữa sau cuộc hành hình, dẫu anh ta vẫn nằm trong tâm trí mọi người. Tiểu Lục ngừng tắm rửa. Có những lời phàn nàn về mùi cô bốc ra Khi tôi xách hai thùng nước nóng về hỏi cô có cho phép tôi giặt đồ lót hộ tôi hay không, cô cầm kéo và cắt chúng ra từng mảnh. Cô cắt cụt ngủn những bím tóc dài của mình và không buồn chải tóc. Dãi dớt chảy xuống từ môi cô. Đêm cô hát những bài hát cấm. Rồi mỗi lúc một tồi tệ hơn. Quá nửa đêm cô vẫn không ngừng hát. Cô hát những vở tuồng cổ, hết vở này sang vở khác. Cô diễn bằng những cánh màn trong phòng. Muỗi chui vào màn. Những người trong phòng trở nên tức giận. Họ trói Tiểu Lục vào giường. Những cô vẫn tiếp tục tới khi rạng sáng. Khi chúng tôi thức dậy, tất cả giày dép đều biến mất. Tiểu Lục đã lấy và ném tất cả xuống ao sau kho thóc của đại đội. Tiểu Lục đã phát điên, nhưng không ai muốn đối mặt với ý nghĩ ấy. Tôi không thể diễn tả nổi những cảm xúc của tôi. Tôi đã phá hủy đời cô. Chúng tôi đã giết hại cô. Chúng tôi điên. Chúng tôi đã bóp cổ cô cho tới phát điên.
Người cùng phòng báo cáo tình hình của cô. Nghiêm không chịu tin là Tiểu Lục bị điên. Chị bảo tất cả chúng tôi im mồm. Chị yêu cầu Phong Lan, Lu và tôi đưa Tiểu Lục đến bệnh xá nông trường.
Chúng tôi dẫn Tiểu Lục đi bằng chiếc máy kéo. Bốn chúng tôi giữ cô như giữ con vật đến lò sát sinh. Nghiêm quàng jacket của mình lên người Tiểu Lục. Chị che cho Tiểu Lục khỏi gió mạnh, chị che cho cô như một đứa trẻ sơ sinh.
Các bác sĩ làm nhiều trắc nghiệm trên cơ thể Tiểu Lục những không thể hình dung ra điều gì đã trở nên tệ hại đối với cô. Họ bảo Nghiêm không còn làm thêm được điều gì nữa và yêu cầu chị đem Tiểu Lục về. Nghiêm gầm lên. Chị đe dọa tố cáo bọn họ đều là lũ phản động nếu bọn họ không đi tới một chẩn đoán có thể chấp nhận. Các bác sĩ thanh minh với chị. Cuối cùng họ chuyển Tiểu Lục tới một bệnh viện ở Thượng Hải. Ở đấy cô được chẩn đoán là mắc chứng tinh thần suy sụp.
Mấy tháng sau, khi Tiểu Lục từ bệnh viện trở về, tôi không thể nào nhận ra cô. Thuốc an thần và thuốc bổ chỉ định dùng cho cô đã làm cô tăng cân.
Cô béo ra như một con gấu.
Cô lại được đưa về một chiếc giường trong phòng tôi. Hầu như suốt ngày cô ngồi lặng trên giường, mắt nhìn trừng trừng về một hướng. Hai đồng tử đôi khi đảo lên đảo xuống trong tròng mắt như đọc não mình. Tóc cô như mớ rác. Tôi chợt nghĩ tới những buổi chiều sau bữa cơm, cô thường gội đầu, chải và hong khô tóc trong ánh tà dương. Tôi nhớ lại bài "Tổ quốc tôi" cô hát rất hay.
Có những cô gái như những bông hoa đẹp
Những chàng trai cơ thể cường tráng trí tuệ mở mang
Xây dựng đất nước Trung Hoa mới
Chúng ta hạnh phúc biết bao được cùng làm việc, cùng đổ mồ hôi.