Gửi bài:

Chương 16

Ở đầu bàn dành cho khách nam giới câu chuyện mỗi lúc một rôm rả. Viên đại tá kể lại rằng bản tuyên chiến đã được công bố ở Petersburg và chính mắt ông ta đã được trông thấy một bản gửi cho quan tổng tư lệnh.

- Tại sao chúng la lại phải đi gây chiến với Buônapáctê nhỉ? - Sinsin nói - Hắn đã giáng cho nước Áo một đòn chí mạng, Tôi e rằng lần này lại đến lượt ta mất.

Viên đại tá là một người Đức cao lớn, đẫy đà và hồng hào, cứ trông cũng đủ rõ ông ta là một quân nhân cần mẫn và có lòng yêu nước. Câu nói của Sinsin làm ông ta phật lòng. Ông ta nói với cái giọng lơ lớ của người ngoại quốc:

- Ngài bảo tại sao ư? Thì hoàng thượng đã nói rồi đấy. Trong bản tuyên ngôn Người có dạy rằng: Người không thể thờ ơ ngồi nhìn những mối nguy cơ đang đe doạ nước Nga, rằng sự anh ninh của quốc gia, danh dự của quốc gia và tính chất thiêng liêng của những mối liên minh..., - không hiểu tại sao đại tá nhấn mạnh vào hai chữ liên minh này dường như thực chất của vấn đề là nằm trong hai chữ ấy.

Và với cái trí nhớ tinh tường không thể sai sót của một người quen giao thiệp với các giới chính trị, đại tá đọc lại đoạn mở đầu của bản tuyên ngôn... và ước nguyện, mục đích duy nhất và nhất quyết của hoàng đế là lập lại hoà bình ở châu Âu trên những nền tảng vững chắc - tất cả những điều đó đã khiến Người phải quyết định điều động một phần quân đội vượt biên giới và thi hành những biện pháp mới để cố gắng đạt đến ý định nói trên.

- Đấy, thưa ngài chính vì thế đấy, - đại tá kết luận, rồi nốc một cốc rượu bia và liếc nhìn bá tước có ý chờ đợi một lời tán đồng.

Sinsin vừa cau mày vừa mỉm cười, nói:

Ngài có biết câu tục ngữ: "Yerma, Yerma tại sao chẳng ngồi nhà mà quay xa" Làm như vậy mới thật là hợp với chúng ta chứ?

Kìa xem như Xuvorov tài giỏi thế mà còn bị đánh thua liểng xiểng nữa là, chứ như ngày nay chúng ta làm gì còn những người như Xuvorov? - Tôi xin hỏi ngài như vậy, làm gì còn? - Sinsin nói, luôn mồm nhảy từ tiếng Nga sang tiếng Pháp.

Viên đại tá vỗ bàn nói:

- Chúng ta phải chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng và ch...chết vì hoàng đế của chúng ta, được như vậy mọi việc sẽ đều tốt đẹp Còn lý sự thì cà... àng ít lại cà... àng tốt (ông ta kéo dài từ "càng" ra) phải, lý sự in ít ấy - đại tá kết luận rồi quay sang phía bá tước - Đấy bọn kỵ binh già chúng tôi quan niệm như vậy đấy, không còn gì hơn. Còn anh thì anh lập luận thế nào hả anh kia? Anh là một thanh niên, lại là một kỵ binh trẻ tuổi, anh quan niệm như thế nào? - Đại tá quay sang Nikolai nói thêm.

Bấy giờ Nikolai nghe nói tới chiến tranh đã bỏ rơi cô bạn gái ngồi đấy và bao nhiêu tâm trí đều đổ dồn về phía đại tá, hết sức chăm chú nhìn ông và lắng nghe ông nói chuyện.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài, - Nikolai đỏ mặt, vừa đáp vừa lấy tay quay quay chiếc đĩa ăn và đổi chỗ mấy chiếc cốc, vẻ cương quyết và quả cảm, tưởng chừng như ngay giờ phút này chàng đang trải qua một nguy cơ gì to lớn lắm, - Ti quả quyết cho rằng người Nga phải chiến thắng, nếu không chỉ còn một chết nữa mà thôi. - Nikolai vừa nói xong đã thấy ngay rằng lời lẽ của mình quá long trọng và hoa mỹ, không hơp với không khí lúc bấy giờ, và mọi người đều thay như vậy.

Juyly ngồi cạnh Nikolai thở dài nói:

- Hay quá, câu anh vừa nói hay quá!

Sonya bắt đầu run lên bần bật và đỏ mặt lên đến tận tai, rồi cả phía sau gáy, cổ và vai Sonya cũng ửng đỏ lên trong khi Nikolai nói. Piotr lắng nghe lời đại tá nói và gật đầu tỏ ý tán đồng.

- Đấy như thế mới hay chứ!

Viên đại tá lại vỗ bàn nói lớn:

- Anh thật là một tay phiêu kỵ chân chính, anh bạn trẻ ạ!

Chợt có tiếng nói trầm trầm của Maria Dmitrievna ở đầu bàn đằng kia nói với lại:

- Này các ông ở đằng kia nói chuyện gì mà ồn lên thế?- Bà nói tiếp với viên đại uý phiêu kỵ - Việc gì mà ông đập bàn đập ghế? Ông nổi cáu lên với ai đấy? Ông tưởng quân Pháp đang ở trước mặt ông hẳn?

- Tôi nói sự thật thôi mà, - đại tá mỉm cười nói.

- Vẫn là chuyện chiến tranh cả đấy, - bá tước nói vọng qua bàn ăn. - Chả là tôi có thằng con nó sắp đi mà, bà Maria Dmitrievna ạ, con tôi nó sắp đi đấy.

- Còn tôi thì có đến bốn đứa con ở trong quân đội, nhưng tôi có buồn phiền gì đâu: việc gì cũng do trời định cả, nằm nhà mà sưởi cũng có thể chết, và ra trận cũng cứ có thể được Chúa phù hộ - bà Maria Dmitrievna nói, giọng ồm ồm của bà vang từ đầu đến cuốt bàn một cách dễ dàng, không phải cố gắng chút nào hết.

Thằng em trai của Natasa nói:

- Ê, chị không dám hỏi đâu nhé, chả dám hỏi đâu!

- Tao hỏi cho mà xem - Natasa đáp:

Mặt Natasa bỗng nóng bừng lên, vẻ hớn hở và liều lĩnh như người sắp làm một việc gì rất tinh nghịch. Natasa nhổm dậy, đưa mắt nhìn Piotr bấy giờ ngồi trước mặt như để mời anh ta nghe mình nói, rồi quay về phía mẹ hỏi:

- Mẹ ơi! - giọng nói trẻ con trầm trầm của Natasa vang lên từ đầu bàn bên này đến đầu bàn bên kia.

- Gì đấy con? - bá tước phu nhân hoảng sợ hỏi, nhưng nhìn qua vẻ mặt con, bá tước phu nhân thấy rõ rằng đây là một trò nghịch ngợm, liền nghiêm nghị vẫy tay bảo im và lắc đầu tỏ ý hăm doạ.

Các tân khách im lặng.

- Mẹ ơi! Chốc nữa ăn tráng miệng món gì thế hở mẹ? - giọng nói trẻ con của Natasa lại vang lên, quyết liệt hơn trước, không hề ngập ngừng.

Bá tước phu nhân muốn cau mày, nhưng không được. Bà Maria Dmitrievna giơ ngón tay lên doạ:

- Đồ cô-đắc! Bà nói, giọng nạt nộ.

- Phần đông các tân khách đều đưa mắt nhìn các bậc phụ huynh trong nhà, không biết nên có thái độ như thế nào đối với trò nghịch ngợm này.

- Mày liệu hồn đấy? - Bá tước phu nhân nói.

- Mẹ ơi, chốc nữa ăn tráng miệng món gì thế? - Natasa thét lần này giọng đã dạn dĩ hẳn lên và có vẻ nũng nịu vui vẻ. Bấy giờ Natasa đã dám chắc rằng trò đùa nghịch của mình sẽ được tiếp nhận vui vẻ.

Sonya và chú Petya béo tốt cười rũ ra.

- Đấy, mình hỏi rồi đấy - Natasa nói thầm với em trai và lại đưa Bà Maria Dmitrieva nói:

- Sẽ có kem đấy, nhưng mày không được ăn đâu.

Natasa thấy rõ rằng chẳng việc gì phái sợ hãi cả, cho nên cũng chẳng sợ bà Maria Dmitrievna nữa.

- Bác Maria Dmitrievna! Kem gì thế? Cháu không thích kem mận đâu?

- Kem cà rốt đấy!

- Không! Kem gì kia? Bác Maria Dmitrievna, kem gì thế hả bác, - Natasa nói to gần như thế lên - Cháu muốn biết rõ.

Bà Maria Dmitrievna và bá tước phu nhân cười phá lên, và tất cả các khách khứa đều cười theo. Họ cười không phải vì câu trả lời của bà Maria Dmitrievna mà vì cái khéo léo và cái cả gan lạ lùng của Natasa, là người biết cách và đã dám ăn nói với bà Maria Dmitrievna như vậy.

Đến khi đã biết được rằng sẽ có kem dứa, Natasa mới chịu ngồi yên.

Trước khi dọn kem, người ta rót sâm banh ra. Âm nhạc lại cử lên, bá tước và phu nhân ôm nhau hôn và các tân khách đứng dậy ehúc mừng bá tước phu nhân, chồm qua bàn tiệc chạm cốc với bá tước với các trẻ và chạm cốc lẫn nhau. Các giai nhân hầu tiệc lại chạy đi chạy lại dọn dẹp bàn ăn, lại có tiếng kéo ghế và các tân khách lại trở ra phòng khách hoặc vào phòng bá tước theo thứ tự như cũ, nhưng mặt đỏ hơn trước nhiều.

Mục lục
Ngày đăng: 24/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Zokadice - Yathzee with friends

Mục lục