Chương 9 - Cá hấp hối
Vào những ngày đầu tháng Chạp, một cụ già bảy mươi tuổi, mặc dầu trời mưa, đi theo phố Varennes, qua cửa mỗi nhà lầu lại nghếch mắt tìm địa chỉ của ông hầu tước Raphaël de Valentin, trông cụ có vẻ ngây thơ như một đứa trẻ và đăm chiêu như các triết gia. Vết tích của một mối ưu tư da diết xung đột với một tính cách chuyên quyền nổi lên trên bộ mặt đó với mớ tóc dài màu xám rối bù, khô héo như một tấm giấy da cũ bị lửa làm quăn lại. Ví bằng có họa sĩ nào gặp nhân vật kỳ dị đó, bận quần áo đen, gày gò xương xẩu, chắc chắn khi trở về xưởng họ sẽ phác họa trên tập tranh của mình và ghi dưới bức chân dung: Nhà thơ cổ kính đi tìm một vần thơ. Sau khi đã kiểm tra lại số nhà mà người ta đã mách ông, Rollin sống lại[1] đó khẽ gõ cửa một tòa nhà nguy nga.
- Ông Raphaël có nhà không? - Ông lão hỏi người gác cửa mặc chế phục.
- Ông hầu tước không tiếp ai cả, - gã người hầu vừa đáp vừa ngoạm miếng bánh to tướng lấy ở một bát cà phê to ra.
- Xe của ông ấy kia mà, - ông già lạ mặt lại nói và chỉ một cỗ xe tráng lệ đỗ dưới một chiếc tán gỗ làm theo hình một chiếc lều bằng tréo go và để che bậc tam cấp. - Ông ấy sắp đi, để tôi chờ.
- Chà! Ông lão ạ, cụ cứ là chờ đây đến sáng mai, gã canh cửa lại nói. - Lúc nào chẳng có một cỗ xe chờ ông tôi. Nhưng mời cụ ra đi, tôi van cụ, tôi sẽ mất toi sáu trăm quan thực lợi chung thân nếu không có lệnh mà tôi để lọt vào đây một người lạ nào chỉ một lần thôi.
Vừa lúc đó, một cụ già cao lớn bận quần áo hoa giống một môn lại nhà quan, ở tiền sảnh bước ra, vừa hấp tấp bước xuống mấy bậc vừa ngắm nghía ông lão xin vào đang ngơ ngác...
- Vả lại, có cụ Jonathas đây, - gã canh cửa nói. - Cụ nói với cụ ấy.
Hai cụ già, do mối thiện cảm hay tò mò chung kéo lại gần nhau, ra gặp nhau ở giữa sân chính rộng, chỗ tập trung mọi ngả đường có vài đám cỏ mọc xen các hàng gạch lát. Tòa nhà im lặng một cách hãi hùng. Trông thấy Jonathas, anh những muốn tìm hiểu vẻ bí mật tỏa trên mặt ông cụ và phô bày ở tất cả mọi thứ trong ngôi nhà ảm đạm này; điều quan tâm đầu tiên của Raphaël khi tiếp nhận gia tài to lớn của ông cụ là tìm cho ra người lão bộc tận tụy mà anh có thể trông cậy ở lòng quyến luyến của ông cụ... Jonathas vui mừng đến phát khóc khi gặp lại cậu chủ mà cụ tưởng đã chào vĩnh biệt lần cuối cùng; nhưng chẳng gì làm ông cụ sung sướng hơn là được hầu tước cất nhắc lên chức vụ cao của người quản gia. Cụ Jonathas trở thành một thế lực trung gian đặt giữa Raphaël và cả thiên hạ. Làm người điều chỉnh tối cao cơ nghiệp của chủ, người chấp hành mù quáng của một ý kiến bí ẩn, dường như cụ là giác quan thứ sáu của Raphaël để tiếp nhận mọi xúc động của cuộc đời.
- Thưa cụ, tôi muốn nói chuyện với ông Raphaël, ông lão vừa nói với Jonathas vừa bước lên mấy bậc tam cấp để tránh mưa.
- Nói chuyện với ngài hầu tước ư, - viên quản gia kêu lên. - Đến như tôi là cha dượng của ông ấy mà họa hoằn ông ấy mới nói với tôi một lời.
- Thì tôi cũng là cha dượng của ông ấy, - ông lão la lên. - Nếu xưa kia bà nhà bú mớm cho ông ấy, thì chính tôi, tôi đã cho ông ấy bú sữa của nàng thơ. Ông ấy là con nuôi của tôi, con của tôi, carus alumnus![2]. Tôi đã rèn luyện đầu óc ông ấy, tôi đã bồi dưỡng trí tuệ ông ấy, phát triển thiên tài của ông ấy, và trên danh dự và vinh quang của tôi, tôi dám nói như vậy. ông ấy đã chẳng là một trong những nhân vật xuất sắc của thời đại chúng ta đó sao? Tôi, tôi đã dạy ông ấy học ở lớp sáu, lớp ba và lớp đệ nhất[3]. Tôi là giáo sư của ông ấy.
- A! Ra cụ là cụ Porriquet.
- Đúng rồi. Nhưng thưa cụ...
- Suỵt, suỵt! Jonathas làm hiệu cho hai gã phụ bếp đang nói to làm tan cái im lặng như tu viện chìm ngập cả tòa nhà.
- Nhưng, thưa cụ, - giáo sư tiếp tục nói, - có lẽ hầu tước mệt chăng?
- Cụ thân mến ạ, - Jonathas đáp. - Có Trời họa may biết ông chủ tôi ra làm sao. Cụ tính, ở Paris này không có đến hai nhà giống như nhà chúng tôi. Hai nhà thôi, cụ nghe chửa? À mà nói thật, không phải thế. Ngài hầu tước đã cho tậu cái dinh này trước kia là của một quận công kiêm nguyên lão. Ông ấy đã bỏ ra ba mươi vạn quan để thiết bị đồ đạc. Cụ thấy chưa? Ba mươi vạn quan, to đấy chứ. Nhưng mỗi phòng thật sự là một kỳ quan. Thấy cảnh nguy nga này tôi nghĩ thầm: - Được! Sinh thời cụ cố nhà cũng thế này? Cậu hầu tước sẽ tiếp đón cả thành phố và triều đình! Nhưng không, cậu ấy chẳng muốn tiếp một ai. Cụ Porriquet ạ, cậu ấy sống đến là kỳ, cụ nghe chửa? Một cuộc sống không thích hợp tí nào. Ngày nào cậu ấy cũng dậy đúng giờ. Chỉ có tôi, một mình tôi, cụ biết chửa? Là được vào buồng cậu ấy. Cứ bảy giờ sáng là tôi mở cửa, mùa hè cũng như mùa đông. Cái đó đã được thỏa thuận đến là kỳ dị. Vào đến buồng, tôi nói: - Thưa hầu tước, mời ông dậy và mặc quần áo. Cậu ấy dậy và mặc quần áo. Tôi phải đưa cậu ấy chiếc áo chùng mặc trong nhà, bao giờ cũng may theo một kiểu và bằng một thứ vải. Tôi bắt buộc phải thay chiếc khác khi nó không dùng được nữa, chỉ để tránh cho cậu ấy khỏi phải yêu cầu may áo mới. Tưởng tượng đến thế. Sự thật, tiền ăn của cậu ấy là nghìn quan một ngày, cậu ấy muốn làm gì tùy ý, cậu con cưng ấy Vả lại tôi rất mến cậu ấy, ví bằng cậu ấy tát tôi vào má bên phải thì tôi chìa má bên trái ra nốt! Nếu cậu ấy bảo làm việc gì khó khăn hơn, tôi cũng sẽ làm, cụ nghe chửa? Vả chăng, cậu ấy sai tôi đủ thứ việc vặt, thành ra lúc nào tôi cũng bận. Cậu ấy đọc báo, phải không? Có lệnh là phải để báo ở nguyên một chỗ trên nguyên một chiếc bàn. Cứ đúng giờ đó tôi cũng phải đến, tự tay tôi cạo râu cho cậu ấy và tôi không run. Bác nấu bếp sẽ mất toi một nghìn écu thực lợi chung thân hưởng sau khi cậu ấy qua đời, nếu không dọn bữa sáng cho cậu ấy nhất thiết vào mười giờ sáng, và bữa chiều vào đúng năm giờ. Thực đơn được làm cho cả năm, từng ngày một, hầu tước chẳng phải cầu ước gì. Cậu ấy ăn dâu tây khi có dâu tây, và con Maquereau[4] đầu tiên về đến Paris là dành cho cậu ấy. Chương trình đã in sẵn, buổi sáng cậu ấy thuộc lòng bữa ăn chiều. Cũng thì, cậu ấy mặc, quần áo đúng giờ đó, vẫn những quần áo ngoài đó, quần áo lót đó, bao giờ cũng do tôi, cụ nghe chửa? Đặt ở nguyên chiếc ghế bành đó. Tôi lại phải trông nom cho bao giờ cậu ấy cũng dùng nguyên một thứ khăn trải giường; khi cần đến, nếu áo rơđanhgôt của cậu ấy rách, là nói ví dụ thế, thì tôi phải thay chiếc khác mà không cần phải nói cho cậu ấy biết. Nếu tốt trời, tôi vào và nói với cậu chủ: - ông đi chơi chứ, thưa ông? Cậu ấy trả lời có hay không. Nếu cậu ấy có ý định đi chơi thì xe bao giờ cũng đóng ngựa sẵn; người đánh xe nhất thiết ngồi chờ sẵn trên xe, tay cầm roi như cụ trông thấy kia kìa. Tối đến ăn xong, một ngày cậu ấy đi Viện Ca kịch, ngày khác đi rạp ý... À không, cậu ấy chưa đi rạp Ý Đại Lợi, mãi hôm qua tôi mới thuê được lô ở đấy cho cậu ấy. Rồi đúng mười một giờ thì về ngủ. Trong ngày, những khoảng thì giờ không làm gì thì cậu ấy xem sách, cậu ấy xem sách luôn, cụ thấy không? Ý cậu ấy thế. Tôi được lệnh xem trước nhật báo phát hành để mua những sách mới, để cho ngày nào sách ra là cậu ấy đã có ngay đặt trên lò sưởi. Tôi được lệnh hàng giờ vào buồng cậu ấy để trông nom củi lửa, tất cả, để cho cậu ấy không thiếu một thứ gì; cụ ạ, cậu ấy đưa tôi một quyển sách nhỏ để học thuộc lòng tất cả mọi nhiệm vụ của tôi ghi trong đó, như quyển giáo lý sơ giản vậy. Mùa hè, tôi phải kiếm hàng lô những đá để giữ cho khí hậu bao giờ cũng mát nguyên như thế, và chỗ nào, lúc nào cũng phải có hoa mới. Chả là cậu ấy giàu có mà! Mỗi ngày cậu ấy chi hàng nghìn quan tiền ăn, cậu ấy có thể chơi ngông được lắm. Cậu bé tội nghiệp, đã khá lâu cậu ấy bị thiếu cả những thú nhu yếu! Cậu ấy chẳng làm khổ ai, cậu ấy hiền như củ từ ấy[5] chẳng bao giờ nói một lời, mà, lạ thật, im lặng hoàn toàn trong nhà, cũng như ngoài vườn. Chung quy cậu chủ tôi chẳng cần phải nói lên một ý muốn gì cả, tất cả đều răm rắp một phép, và thẳng bước! Mà cậu ấy có lý, nếu không xét nét kẻ hầu người hạ thì loạn. Tôi bảo cậu ấy hết mọi điều phải làm, cậu ấy đều nghe. Cụ không thể ngờ được cậu ấy làm đến thế nào đâu. Các gian phòng của cậu ấy đều... như... thế nào nhỉ? À! Như xâu chuỗi. Thế này nhé! Cậu ấy mở, là nói ví dụ thế, cửa phòng ngủ hay phòng làm việc, ấy thế là, xoạt! Tất cả các cửa đều tự động mở ra như máy. Bấy giờ cậu ấy có thể đi suốt từ đầu nhà đến cuối nhà không có cửa nào đóng cả... Thật là hóm mà tiện lợi, mà dễ chịu cho chúng tôi. Như thế tốn tiền ghê, kinh thật? Cuối cùng, rút cục, cụ Porriquet ạ, cậu ấy bảo tôi: "Jonathas ạ, bác hãy chăm nom tôi như một đứa hài nhi". Hài nhi, cụ ạ, cậu ấy nói đúng như thế đấy, hài nhi. Bác phải lo nghĩ hết mọi thứ tôi cần dùng, "thay tôi". Tôi là chủ, cụ nghe chửa? Và cậu ấy gần như người ở. Tại sao ư? Chà? Lạ lắm bàn dân thiên hạ chẳng ai biết cái đó trừ phi cậu ấy và ông Trời hiền! Nhất thiết là thế!
- Ông ấy làm một bài thơ đấy, - giáo sư già thốt lên.
- Cụ cho là cậu ấy làm thơ, hả cụ? Thế thì cái đó khó chịu lắm, nhỉ! Nhưng, cụ tính, tôi không tin. Cậu ấy thường bảo tôi rằng cậu ấy muốn sống như xảo mọc, sống vô ti. Mà vừa mới hôm qua thôi, cụ Porriquet ạ, cậu ấy nhìn một bông hoa huệ tây và vừa mặc quần áo vừa bảo tôi: "Tội nghiệp, bác Jonathas ạ, tôi sống như thế kia đấy, tôi sống vô ti". Bây giờ có người bảo là cậu ấy cuồng si. Nhất thiết là thế!
- Cụ Jonathas ạ, - giáo sư nói một cách nghiêm trang trịnh trọng tỏ ra rất tôn kính người hầu buồng già, - theo tôi tất cả chứng minh rằng ông chủ của cụ đang xây dựng một tác phẩm lớn. Ông ấy phải trầm tư mặc tưởng nhiều và không muốn bị xao lãng vì phải bận tâm về cuộc sống tầm thường. Giữa những công trình về trí tuệ, bậc thiên tài khuấy quên tất cả. Một hôm Newton trứ danh...
- A ha! Newton thế đấy, - Jonathas nói. - Tôi chẳng biết hắn là ai.
- Newton là một nhà kỷ hà học lớn, - Porriquet tiếp, - hai mươi bốn giờ liền ngồi tựa khuỷu tay trên bàn; hôm sau hết mơ màng, ông ấy vẫn tưởng còn là hôm trước, tưởng như vừa qua một giấc ngủ. Cậu bé thân mến, để tôi đi thăm, tôi có thể giúp ích cho cậu ấy.
- Ấy khoan! - Jonathas la lên. - Ông lão ạ, dù cụ có là vua nước Pháp đi nữa, nghe chưa, cụ cũng không thể vào được trừ phi là phá cửa hay đạp lên xác tôi mà vào thôi, cụ Porriquet ạ, để tôi chạy vào nói với cậu ấy rằng có cụ tới và tôi hỏi cậu ấy thế này: Có để cụ lên không? Cậu ấy sẽ trả lời có hay không. Chứ chẳng bao giờ tôi hỏi cậu ấy: cậu có ước không? có muốn không? có thèm không? Những tiếng đó là bị xóa bỏ trong chuyện trò. Một lần tôi lỡ thốt ra một tiếng. Ấy thế là cậu ấy nổi giận lên: - Bác muốn làm tôi chết phải không?
Jonathas để giáo sư già ở lại tiền sảnh, ra hiệu cho ông lão đừng có tiến vào; nhưng trong khoảnh khắc cụ đã trở ra vì có sự ưng thuận, và dẫn lão tiên sinh qua các gian phòng nguy nga mà các cửa đều mở cả. Từ xa cụ Porriquet nhìn thấy học trò mình ngồi bên một lò sưởi. Raphaël bận một chiếc áo chùng mặc trong nhà vải hoa to, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành lò xo, đang xem báo.
Mối ưu phiền cực độ mà dường như anh đang trải qua biểu lộ trong dáng điệu ốm yếu của thân thể suy nhược của anh; nó hiện lên ở vầng trán, ở bộ mặt xanh xao như chiếc hoa tàn úa. Một thứ duyên dáng ủy mị và những vẻ kỳ quặc riêng của những người ốm giàu có khiến người anh có vẻ khác biệt. Đôi bàn tay anh, giống tay một mỹ nhân, trắng xanh và mỏng manh. Bộ tóc vàng hung thưa đi uốn quăn bên thái dương với một vẻ đỏm dáng kiểu cách. Một chiếc mũ chỏm Hy Lạp ngả lệch về một bên đầu vì núm tua quá nặng so với vải cachemire mỏng nhẹ của mũ. Con dao bằng malachité[6] nạm vàng anh dùng để rọc sách bỏ rơi bên chân anh. Trên đùi anh có chiếc tẩu bằng hổ phách của một chiếc điếu hút thuốc kiểu Ấn Độ rất đẹp mà những vòng uốn tráng men của nó nằm dưới đất như một con rắn, và anh cũng quên hít những hơi thuốc thơm dịu. Tuy nhiên sự suy nhược chung của thân thể trẻ trung của anh lại được cải chính bằng đôi mắt xanh lơ mà tất cả cuộc sống dường như rút vào đấy, và trong đó lấp lánh một tình cảm kỳ lạ nó thoạt tiên làm người ta sửng sốt. Cái vẻ nhìn đó trông đến khó chịu. Có người xem thấy ở đó sự thất vọng; những người khác đồ rằng trong đó có một cuộc vật lộn bên trong, cũng ghê gớm như một niềm hối hận. Đó là cái nhìn sâu xa của kẻ bất lực dồn ép mọi thèm muốn vào tận đáy lòng, hay của gã hà tiện thưởng thức bằng tưởng tượng mọi lạc thú mà tiền của hắn có thể đem lại, nhưng khước từ hết để cho khỏi hao hụt tài sản: hay vẻ nhìn của Prométhée bị xiềng[7], của Napoléon thất thế, năm 1815 ở điện Elysée, khi được biết sự sai lầm về chiến lược quân thù, hỏi xin nắm quyền chỉ huy trong hai mươi bốn giờ mà không được. Cái nhìn chính cống của kẻ chinh phục và của kẻ bị đày nơi hỏa ngục! Và, hơn thế nữa, đó là cái nhìn xuống sông Seine hay vào đồng tiền vàng cuối cùng ném vào chiếu bạc của Raphaël bao nhiêu tháng trước đây. Anh khuất phục ý chí của anh, trí tuệ của anh dưới cái lương tri thô giản của một nông dân già được giáo hóa chút đỉnh sau năm mươi năm đi ở. Hầu như vui vẻ được trở thành một thứ người máy, anh khước từ cuộc đời để sống, và trút bỏ ra ngoài tâm hồn hết thảy những thơ mộng của khát khao. Để chống lại hiệu quả hơn cái quyền lực ác nghiệt mà anh đã nhận sự thách thức, anh tự làm cho mình trinh bạch kiểu Origène[8], bằng cách thiến bỏ trí tưởng tượng đi. Hôm sau ngày mà anh đột nhiên trở nên giàu có nhờ một chúc thư và thấy miếng Da lừa co lại anh tới nhà viên quản khế của anh. Ở đó, một thầy thuốc khá được tín nhiệm, trong lúc dùng đồ nước, đã kể lại một cách đúng đắn phương pháp một người Thụy Sĩ bị bệnh phổi đã dùng để chừa khỏi bệnh. Trong mười năm liền người đó không nói một tiếng, tự buộc mình mỗi phút chỉ thở sáu lần trong không khí nồng nặc của một chuồng bò cái, và theo một chế độ ăn uống rất nhẹ. - Ta sẽ như người đó! - Raphaël tự nhủ mình, vì anh nhất thiết muốn sống. Ở giữa cảnh giàu sang anh sống như một cái máy hơi nước. Khi giáo sư già giáp mặt cái xác chết trẻ trung đó, cụ giật mình; tất thảy đều như giả tạo trong cái thân thể khẳng khiu và bạc nhược đó. Khi trông thấy ông hầu tước mắt đăm chiêu, trán nặng trĩu ưu tư, cụ không nhận ra được cậu học trò nước da tươi thắm hồng hào, chân tay cứng cáp, mà cụ còn ghi nhớ. Nếu ông lão cổ kính, người phê phán sáng suốt và bảo vệ mỹ cảm, đã đọc huân tước Byron, thì ông ta đã tưởng trông thấy Manfred ở chỗ mà ông muốn nhìn thấy Childe Harold[9].
- Chào cụ Porriquet, - Raphaël vừa chào giáo sư của mình vừa nắm chặt những ngón tay giá lạnh của ông lão trong bàn tay nóng bỏng và nhớp nháp của mình. - Cụ có mạnh khỏe không?
- Tôi ấy à, khỏe lắm, - ông lão đáp, cụ sợ hãi khi đụng vào bàn tay sốt nóng đó. - Thế còn ông?
- Ồ? Tôi hy vọng giữ mình được khỏe mạnh.
- Chắc ông đang viết một tác phẩm xuất sắc nào đó?
- Không, - Raphaël đáp. - Exgi monumentum[10] cụ Porriquet ạ, tôi đã hoàn thành một tác phẩm lớn, và tôi đã vĩnh biệt mãi mãi với khoa học. Bây giờ tôi cũng không nhớ rõ bản thảo bỏ đâu nữa.
- Chắc văn chương phải thuần chính? - Giáo sư hỏi.
- Tôi hy vọng rằng ông không dùng ngôn ngừ man rợ của cái trường phái mới họ tưởng làm được kỳ công khi phát hiện Ronsard[11].
- Cuốn sách của tôi là một tác phẩm thuần túy sinh lý học.
- Ồ! Hơn là thế, - giáo sư tiếp, - trong khoa học, văn phạm phải thích ứng với yêu cầu của những phát minh. Tuy nhiên, cậu ạ, một bút pháp trong sáng, nhịp nhàng lời văn của Massillon, của ông de Buffon, của Racine vĩ đại[12] nghĩa là một bút pháp cổ điển không bao giờ làm hại cái gì hết. À mà ông bạn ạ, - giáo sư ngừng lại rồi nói tiếp - tôi quên mất mục đích cuộc đến thăm của tôi. Tôi đến là có chủ định.
Khi nhớ lại cái lối nói văn hoa dài lời, hùng biện quanh co của ông thầy mà nghề dạy học lâu ngày đã tạo thành thói quen, thì đã muộn, Raphaël gần như hối tiếc đã tiếp ông lão; nhưng anh vừa định mong cho ông lão đi khỏi thì anh vội vàng nén lại điều ước thầm đó mà đưa mắt lén nhìn miếng da lừa treo trước mặt và đặt áp vào một nền vải trắng trên đó có kẻ cẩn thận bằng màu đỏ một đường vòng đúng theo đường chu vi định số mệnh của miếng Da. Từ cái buổi truy hoan tai hại, Raphaël bóp nghẹt từng sở thích nhỏ bé nhất của mình, và sống một cách thế nào cho tấm bùa ghê gớm kia không di chuyển mảy may. Miếng Da lừa giống như một con hổ anh phải sống với nó mà không khêu gợi tính hung dữ của nó. Thế là anh kiên nhẫn lắng tai nghe những lời tán dương của giáo sư già. Ông cụ Porriquet để một tiếng đồng hồ kể lại những chuyện ông bị ngược đãi từ cuộc cách mạng tháng Bảy. Ông lão hiền lành, muốn có một chính phủ mạnh, đã ngỏ lời vì yêu nước mà ước mong cho những gã hàng xén trở về quầy hàng của chúng, những chính sách khách trở về đảm nhận việc công, những luật sư về tòa án, những nguyên lão nước Pháp về điện Luxembourg[13]; nhưng một trong những tay thượng thư bình dân của ông vua - công - dân[14] đã tố cáo ông lão là bảo hoàng mà trục xuất ông lão khỏi ghế giáo sư. Thế là ông lão không việc làm, không lương hưu trí và không có bánh ăn. Là cứu tinh của một đứa cháu nghèo mà ông phải trả tiền ăn học ở chủng viện Saint-Sulpice, ông lão đến, vì mình ít hơn là vì đứa con nuôi đó, đề nghị với học trò cũ của mình yêu cầu viên thượng thư mới, không phải phục chức cho ông, mà cử ông làm hiệu trưởng một trường trung học tỉnh nhỏ nào đấy Raphaël đang trong cơn mơ mơ màng màng không cưỡng lại được thì tiếng nói đều đều của ông lão im bặt bên tai. Vì lễ phép bắt buộc phải nhìn vào cặp mắt trắng và hầu như bất động của ông lão có lối nói chậm chạp nặng nề, anh đâm sững sờ, bị thôi miên vì một nội lực khó hiểu.
Thế thì, cụ Porriquet phúc đức ạ, - anh đáp mà chẳng biết rõ ông lão đã hỏi gì, - tôi không thể làm gì được đâu, thật đấy. Tôi rất ước mong rằng cụ sẽ đạt...
Vừa lúc đó, chẳng nhận thấy tác động của những lời nói thường tình, đầy lòng ích kỷ và vô tình đó trên vầng trán vàng và nhăn nheo của ông lão, Raphaël vùng đứng dậy như một con mang non bị kinh động. Anh nhìn thấy một vệt trắng giữa mép miếng da đen và đường tô màu đỏ, anh thét lên một tiếng rất kinh khủng làm cho giáo sư tội nghiệp hoảng hồn.
- Cút đi, đồ khỉ già! - Anh la lên, - ông sẽ được làm hiệu trưởng. Sao ông chẳng hỏi xin tôi một nghìn écu thực lợi chung thân có hơn là một ước muốn giết người không? Như thế cuộc đến thăm của ông sẽ chẳng làm hại gì tôi. Ở nước Pháp có hàng chục vạn chỗ làm, mà tính mạng tôi thì chỉ có một. Một tính mạng con người đáng giá hơn hết thảy mọi chức vụ trên đời. Jonathas đâu! - Jonathas vào. - Xem sự nghiệp của anh đấy, đồ ngu dại, tại sao anh bảo tôi tiếp ông đó? - Anh vừa nói vừa chỉ ông lão đang sững sờ - Tôi giao phó hồn vía tôi vào tay anh để anh phá hủy nó ư? Anh vừa cướp sống của tôi mười tuổi đời đó. Chỉ một lỗi như thế này nữa là anh sẽ đưa tôi đến chỗ tôi đã đưa bố tôi đến. Chẳng thà tôi ước được mỹ nương Dudley có hơn là làm ơn cho cái xác già kia, cái thứ tã người kia không? Tôi có tiền cho hắn. Vả lại nếu hết thảy những Porriquet trong thiên hạ mà chết đói, thì cái đó bận gì đến tôi?
Cơn thịnh nộ đã làm cho mặt Raphaël trắng bệch ra; một ít bọt sùi ra trên cặp môi run run, và mắt như đổ máu. Trước quang cảnh đó, hai ông lão run lên cầm cập như hai đứa trẻ đứng trước một con rắn. Chàng trai ngã phịch xuống chiếc ghế bành; trong tâm hồn anh như có sự phản ứng; nước mắt trào ra đôi mắt rực lửa.
- Chao ôi! Cuộc đời tôi! Cuộc đời tươi đẹp của tôi - anh nói. - Chẳng còn những tư tưởng hào hiệp nữa! Chẳng còn tình nghĩa nữa! Hết rồi! - Anh quay về phía giáo sư. - Cụ thân mến ơi, tai hại đã lỡ rồi, - anh dịu dàng nói tiếp. - Tôi sẽ đền bù đầy đủ sự ân cần của cụ. Như thế ít ra điều bất hạnh của tôi cũng đem lại điều hay cho một người có hảo tâm và đáng kính.
Trong cái giọng nói những lời hầu như khó hiểu kia có biết bao tâm tình khiến cho hai ông lão động lòng khóc, như người ta khóc khi nghe một điệu lâm ly hát bằng một ngoại ngữ.
- Ông ấy bị động kinh đấy, - Porriquet khẽ nói.
- Tôi thừa nhận cụ là người phúc đức, cụ thân mến ạ, - Raphaël lại dịu dàng nói tiếp, - xin cụ tha lỗi cho tôi. Bệnh tật là một tai nạn, lòng vô nhân đạo sẽ là một thói xấu. Thôi bây giờ cụ để cho tôi yên, - anh nói thêm. - Ngày mai hay ngày kia, có thể ngay chiều nay, cụ sẽ được bổ dụng, vì đảng đối kháng đã thắng đảng vận động[15]. Xin vĩnh biệt.
Ông lão rút lui, trong lòng kinh khủng và lo lắng về tình trạng tinh thần của Valentin. Cảnh vừa qua đối với cụ có cái gì là dị thường. Cụ ngờ vực cả bản thân mình và tự vấn như vừa mới bừng tỉnh khỏi một ác mộng.
- Bác Jonathas hãy nghe tôi, - chàng trai nói với người lão bộc, - Bác nên hiểu rõ nhiệm vụ tôi đã giao cho bác.
- Vâng, thưa hầu tước.
- Tôi như một kẻ bị gạt ra ngoài quy luật thông thường.
- Vâng, thưa hầu tước.
- Tất cả mọi lạc thú ở đời đùa giỡn quanh giường chết của tôi và nhảy múa như những người đàn bà đẹp trước mắt tôi; nếu tôi gọi chúng thì tôi chết. Cái chết luôn luôn đe dọa! Bác phải là một bức hàng rào giữa thiên hạ và tôi.
- Vâng, thưa hầu tước, - Người lão bộc vừa nói vừa lau những giọt mồ hôi lã chã trên vầng trán nhăn nheo. - Nhưng nếu ông không muốn nhìn đàn bà đẹp, thì tối nay ông làm thế nào ở rạp Ý Đại Lợi? Một gia đình người Anh trở về Luân Đôn đã nhường lại vé thuê dài hạn, thế là ông có một lô đẹp... Chà! Một lô huy hoàng, hạng nhất.
Raphaël chìm vào một cơn mơ mộng say sưa, chẳng còn nghe nữa.
Anh có trông thấy cỗ xe tráng lệ kia không, chiếc xe song mã bề ngoài giản dị, màu nâu, nhưng trên tấm cửa xe lấp lánh huy chương của một danh gia cựu tộc? Khi chiếc song mã phóng qua, bọn gái chơi trầm trồ thán phục, thèm thuồng vải lót satin vàng của nó, tấm thảm hãng Savonneric[16], những ren tua tươi non như rơm lúa, những chiếc đệm êm ái, và những tấm kính đục mờ. Hai tên hầu mặc chế phục ngồi đằng sau chiếc xe quý phái đó; nhưng trong xe, trên lượt là nằm gí một cái đầu nóng bỏng mắt quầng thâm, đầu Raphaël sầu não, ưu tư. Hình ảnh tai ác của giàu sang! Anh phóng qua Paris như một chiếc tên lửa, tới hàng cột trước rạp hát Favart[17], bực xe buông xuống, hai tên hầu đỡ anh, một đám đông thèm khát nhìn anh.
- Cái thằng cha ấy làm gì mà giàu thế - Một anh sinh viên luật nghèo hỏi, hắn vì không có một écu mà không được nghe những hài âm kỳ diệu của Rossini.
- Raphaël đi thong thả trong hành lang rạp hát; anh không tự hứa cho mình được hưởng thụ mảy may những lạc thú xưa kia thèm khát đến thế. Chờ diễn hồi thứ hai của vở Semiramide[18], anh đi dạo trong phòng nghỉ, lượn qua các phòng gương, chẳng thiết gì đến lô của anh mà anh chưa vào. Cái tinh thần sở hữu đã không còn trong đáy lòng anh nữa. Giống như mọi người ốm, anh chỉ nghĩ đến bệnh của anh thôi. Đứng tựa vào thành lò sưởi quanh đó ở giữa phòng nghỉ, náo nhiệt những thanh niên và ông già lịch sự, những tân và cựu thượng thư, những nguyên lão nghị viện không ghế và những ghế nguyên lão không nghị viện, như cuộc cách mạng tháng Bảy đã tạo nên, tựu trung cả một thế giới những kẻ đầu cơ và những nhà báo, Raphaël trông thấy cách mình mấy bước chân, giữa đám người kia, một nhân vật kỳ lạ, dị thường. Anh đi gần lại, mắt nhấp nháy rất xược, để ngắm con người lạ thường đó. Bức tranh thật kỳ diệu! - Anh nghĩ thầm. Lông mày, tóc, râu hình dấu phẩy kiểu Mazarin[19] mà người lạ mặt hợm hĩnh trưng lên, đều nhuộm đen: nhưng chất sáp, bôi vào làn tóc chắc là bạc quá làm thành một màu tim tím giả kệch, thay đổi tùy theo ánh đèn sáng hay mờ. Bộ mặt choắt mà bèn bọt, với những nếp nhăn được nhồi phấn đỏ và trắng cho đầy lên, biểu lộ cả sự giảo quyệt lẫn sự lo lắng. Vài chỗ trên mặt không được tô màu làm nổi bật lên một cách kỳ lạ vẻ suy nhược và nước da xám như chì: vì vậy không thể nhịn cười được khi trông thấy cái đầu đó với chiếc cầm nhọn hoắt, vầng trán dô, hao giống những bộ mặt kệch cỡm bằng gỗ chạm do những mục đồng ở nước Đức làm trong lúc nhàn rỗi. Khi lần lượt ngắm tay Adonis[20] già đó và Raphaël, một người quan sát tưởng như nhận thấy ở hầu tước cặp mắt của một chàng trai dưới mặt nạ một ông già và ở người lạ mặt cặp mắt lờ đờ của một ông già dưới mặt nạ một chàng trai. Valentin cố nhớ lại xem đã gặp ở đâu lão già bé choắt khô khốc đó: đeo cravat rất tươm, mang giày trai tráng, gõ đinh thúc ngựa thật kêu và khoanh tay như thể có đủ sức trai hăng hái để vận dụng. Dáng đi của lão ta không tỏ ra có gì là ngượng nghịu, giả tạo. Chiếc áo lễ lịch sự, cài khuy càn thận, che giấu một thân hình cổ lỗ mà vững mạnh, đem lại cho lão cốt cách của một lão già hợm hĩnh còn theo thời trang. Các loại búp bê linh hoạt đó đối với Raphaël có tất cả mọi thú vị của một sự hiện hình, và anh ngắm nó như một bức tranh của Rembrăng đã cũ, ám khói: vừa được tu sửa lại, quét sơn, đặt vào một chiếc khung mới. Sự so sánh đó làm cho anh tìm ra được dấu vết sự thật trong mớ những hồi ức lộn xộn của anh, anh nhận ra lão già bán đồ cổ con người đã đem lại sự bất hạnh cho anh. Lúc đó, nhân vật kỳ quái kia để thoát ra một tiếng cười khàn nó hiện lên trên cặp môi giá lạnh được một bộ răng già làm căng ra. Trước nụ cười đó, trí tưởng tượng linh hoạt của Raphaël cho anh trông thấy con người kia có những nét giống cái đầu Méphistophélès của Goethe[21] mà các họa sĩ đã tưởng tượng vẽ nên. Tâm hồn cứng cỏi của Raphaël bị bao nhiêu điều mê tín xâm nhập, bấy giờ anh tin ở quyền lực của ma quỷ, và mọi phép thiêng trong những truyện thần kỳ thời trung cổ và được các nhà thơ thể hiện. Trong lòng kinh khủng từ chối số phận của Faust[22], bỗng anh cầu cứu đến trời, cũng như những người hấp hối, anh nhiệt thành tin ở Chúa, Ở Đức bà Mari. Một ánh sáng rực rỡ và tươi mát khiến anh nhìn thấy bầu trời của Michel-Ange và của Sanzio d'Urbin[23]: những đám mây, một cụ già râu bạc, những đầu mang cánh, một mỹ nhân ngồi giữa một vầng hào quang. Bây giờ anh hiểu anh thừa nhận những sáng tạo tuyệt diệu đó, mà những điều tưởng tượng gần với con người giải thích câu chuyện tình cờ của anh và khiến cho anh còn có hy vọng. Nhưng khi mắt anh trở lại nhìn phòng nghỉ của rạp Ý Đại Lợi, thì anh chẳng thấy đức bà mà là một cô gái mê ly, ả Euphrasie khả ố, cái ả vũ nữ mình uyển chuyển và nhẹ nhàng đó, bận một chiếc áo rực rỡ đeo đầy hạt trai phương Đông, nóng lòng tìm tới lão già sốt ruột, và đến để trưng diện, láo xược, trán vênh lên, mắt long lanh, với cái xã hội đố kỵ và giàu có đó, để phô bày cái cơ nghiệp to lớn của lão lái buôn mà cô ả đang phá tan. Raphaël nhớ lại lời ước nguyện nhạo báng mà anh đáp lại khi tiếp nhận cái tặng vật tai hại của lão già, anh thưởng thức hết mọi khoái trá của sự trả thù khi ngắm thấy cảnh nhục nhã sâu cay của bậc hiền minh cao cả kia, trước đây ít lâu tưởng như không thể nào sa ngã được. Lão già trăm tuổi nở nụ cười bi thảm với Euphrasie, ả đáp lại bằng một lời ve vãn; lão đưa cánh tay khô khốc đỡ ả, đi quanh phòng nghỉ hai ba vòng, đón lấy một cách khoái trá, những con mắt rực tình, và những lời ca tụng của đám đông đối với tình nương của lão, mà chẳng nhìn thấy những nụ cười khinh bỉ, chẳng nghe thấy những lời nhạo báng sâu cay đối với lão.
- Cô yêu tinh kia đã bới cái xác chết đó ở bãi tha ma nào lên vậy? - Tay lịch sự nhất trong phái lãng mạn la lên.
Euphrasie nghe thấy liền mỉm cười. Tay nhạo báng là một chàng trai tóc vàng hung, mắt xanh lơ lóng lánh, người mảnh khảnh, để ria, mình bận một chiếc áo chẽn cắt ngắn, mũ lệnh bên tai, đối đáp lanh lợi, ăn nói tao nhã.
- Biết bao nhiêu cụ già, - Raphaël nhủ thầm, - kết thúc một cuộc đời chính trực, cần cù, đức hạnh bằng một việc điên rồ: Lão này gần kề miệng lỗ mà còn ve gái.
- Ấy kia! Thưa cụ, - Valentin vừa hãm lão lái buôn lại vừa liếc mắt với Euphrasie, - cụ không còn nhớ những châm ngôn triết lý nghiêm khắc của cụ nữa à?
- A ha! - Lão già giọng đã rè rè đáp, - bây giờ lão sung sướng như một thanh niên. Lão đảo ngược lại cuộc đời đấy Có cả một cuộc sống trong một giờ ân ái.
Lúc đó có tiếng chuông gọi và khán giả ra khỏi phòng nghỉ về chỗ của mình. Lão già và Raphaël chia tay nhau. Khi vào lô của mình, hầu tước trông thấy Foedora, ngồi bên kia phòng ngay trước mặt anh. Chắc vừa mới tới, nữ bá tước vắt chiếc khăn quàng ra phía sau, để hở cổ ra, làm những cử động tẩn mẩn khó tả kiểu một cô gái trai lơ chăm chú đến cách ngồi cho có tư thế, mọi con mắt đều tập trung vào nàng. Một nguyên lão nước Pháp trẻ đi theo nàng, nàng hỏi lấy chiếc ống nhòm mà nàng đã đưa cho hắn mang. Xem cử chỉ của nàng, cái cách nàng nhìn gã bạn tình mới đó, Raphaël đoán được nỗi áp chế mà kẻ kế tục của anh phải phục tùng. Chắc hẳn bị mê hoặc như anh trước kia, bị lừa dối như anh và như anh đem tất cả sức mạnh của một tình yêu chân thật để đối chọi với những tính toán lạnh lùng của mụ đàn bà đó, chàng trai kia hẳn đang chịu đựng những đau khổ mà Valentin đã may mắn khước từ. Mặt Foedora hớn hở một niềm vui khôn tả sau khi đưa ống nhòm nhìn tất cả các lô, lướt nhanh ngắm các bộ cánh, nàng có ý thức rằng với sự trang điểm của mình và sắc đẹp của mình nàng đè bẹp cả những phụ nữ đẹp nhất, lịch sự nhất của Paris; nàng cười để phô bộ răng trắng, nàng lắc lư cái đầu trang điểm hoa để cho người ta khâm phục, mắt nàng chuyển từ lô này đến lô khác, chế nhạo một chiếc mũ nồi đặt vụng về trên trán một công chúa Nga, hay một chiếc mũ hỏng kiểu mà con gái một chủ ngân hàng đội trông xấu kinh khủng. Bỗng chốc nàng tái mặt đi khi bắt gặp cặp mắt đàm đăm của Raphaël ; người tình nhân bị nàng hắt hủi làm chết điếng bằng con mắt khinh bỉ không chịu được. Khi mà không một tình nhân bị bỏ rơi nào không thừa nhận quyền lực của nàng, thì trong thiên hạ duy có một Valentin vượt ra ngoài vòng quyến rũ của nàng. Một uy quyền khi bị khinh thị mà không làm gì được là đã đến lúc suy tàn. Câu châm ngôn đó được ghi vào lòng một người đàn bà sâu hơn là vào đầu óc bọn vua chúa. Cho nên Foedora xem Raphaël như báo hiệu sự tan vỡ uy tín và đỏm dáng của nàng. Một lời anh nói đêm trước ở Viện ca kịch đã trở thành nổi tiếng ở khắp các phòng khách Paris. Lời phúng thích ghê gớm sắc nhọn đó đã khoét ra một vết thương không chữa được ở nữ bá tước. Ở nước Pháp chúng ta biết cách đốt để cứu một vết thương, nhưng chúng ta chưa có thuốc nào để trị cái tai hại của một lời nói. Khi mà mọi người đàn bà đều lần lượt nhìn hầu tước và nữ bá tước, thì Foedora những muốn thủ tiêu anh trong hầm tối của một ngục Bastille nào đó[24], là vì mặc dầu nàng có tài che giấu tình cảm, nhưng đối thủ của nàng đoán được nàng đang đau khổ. Rút cục nàng cũng thốt ra lời tự an ủi cuối cùng. Những tiếng êm ái này: ta là người đẹp nhất! Cái lời muôn thuở làm dịu mọi ưu phiền vì tính hiếu thắng của nàng đó, trở thành một lời dối trá. Khi mở màn hồi thứ hai, một người đàn bà đến ngồi gần Raphaël, trong một lô từ trước không có người. Toàn thể khán giả dưới nhà xì xào khâm phục. Cái biển những mặt người đó gợn lên những làn sóng tinh anh, và mọi con mắt đều nhìn người đàn bà lạ mặt. Cả trẻ lẫn già đều làm ồn ào kéo dài đến nỗi khi màn kéo lên những nhạc công của dàn nhạc thoạt tiên phải quay lại yêu cầu yên lặng; nhưng rồi họ cũng vỗ tay hòa theo và càng làm tăng thêm ồn ào lộn xộn. Trong các lô, người ta bàn tán xôn xao. Các bà đều giương ống nhòm, các ông già, trẻ lại lấy găng da lau viễn kính. Cơn náo nức dần dần lắng xuống, tiếng hát vang lên trên sân khấu, mọi người lại trở về trật tự. Khán giả lịch sự, hổ thẹn vì đã ngã theo một phong trào bột phát, trở lại vẻ lạnh lùng quý phái của những cử chỉ lễ phép. Những người giàu có không muốn để mọi sự ngạc nhiên vì một cái gì hết, thoạt trông vào một tác phẩm tuyệt diệu họ phải nhận cho ra cái nhược điểm khiến họ không có sự khâm phục nó là một tình cảm tầm thường. Tuy nhiên một số người vẫn đứng ngay đờ không nghe âm nhạc, họ mê say một cách ngây thơ, và chú mục vào cô gái ngồi bên cạnh Raphaël, Valentin trông thấy ở một buồng tầng dưới, và bên cạnh Aquilina, bộ mặt đê tiện và ứ máu của Taillefer, hắn nhăn nhó làm hiệu tán dương anh. Rồi anh thấy Emile đứng ở bên dàn nhạc, dường như muốn bảo anh: - Này hãy ngắm mỹ nhân ngồi bên cạnh cậu đi chứ? Sau hết là Rastignac ngồi bên cạnh một thiếu phụ, chắc hẳn một bà góa, tay xoắn đôi găng như một anh thất vọng vì bị cột tại đó mà không đến gần được nàng tiên lạ mặt. Cuộc sống của Raphaël lệ thuộc vào một bản hợp đồng mà anh tự ký kết với mình và chưa bị vi phạm, anh tự hứa không bao giờ nhìn chăm chú một người đàn bà nào. Và để khỏi bị cám dỗ, anh đeo một chiếc kính mà mắt là kính hiển vi lắp có nghệ thuật, nó làm sai lệch những nét hài hòa đẹp nhất trông thành ra thật xấu. Bấy giờ còn chưa hết kinh khủng vì câu chuyện buổi sáng, chỉ một lời cầu chúc xã giao mà tấm bùa đã lập tức co lại, Raphaël cương quyết không quay lại phía người đàn bà ngồi bên. Anh ngồi trịch thượng[25], quay lưng vào một góc lô, và ngang ngược che lấy cả một nửa sân khấu trước người đàn bà lạ mặt, tỏ vẻ khinh bỉ họ, làm như không biết ngay đằng sau mình có một giai nhân. Người đàn bà đó ngồi theo kiểu y như Valentin. Nàng tì khuỷu tay xuống thành lô và ngồi quay đầu chéo góc ba phần tư, mắt nhìn các ca sĩ, dường như ngồi để cho một họa sĩ vẽ vậy. Hai con người đó trông như cặp tình nhân bất hòa hờn nhau, quay lưng lại nhau và chỉ một tiếng yêu đương là lại ôm hôn nhau.
Thỉnh thoảng những lông hạc ở mũ hay tóc người đàn bà lại khẽ chạm vào đầu Raphaël gây lên một cảm giác khoái trá mà anh can đảm chống lại; chẳng bao lâu anh cảm thấy những nếp viền áo sa mỏng êm ái chạm vào anh, cả chiếc áo cũng sột soạt đường nếp yêu kiều, rung rinh đến mê ly lả lướt; sau hết là sự chuyển động âm thầm vì hơi thở của ngực, vai, quần áo giai nhân, tất cả sự sống êm ái của nàng bỗng chuyển sang Raphaël như một luồng điện; làn vải tuyn hay đăng-ten mơn trớn vai anh truyền sang cả hai hơi ấm ru hồn của làn vai trắng để trần kia. Do một sự éo le của con tạo hai nhân vật đó, chọi nhau vì phép lịch sự, ngăn cách vì vực thẳm của cái chết, lại cùng thở một nhịp và có lẽ đang nghĩ tới nhau. Hương trầm ngào ngạt làm cho Raphaël say sưa hoàn toàn. Trí tưởng tượng của anh, kích động vì bị cản trở, và những chướng ngại làm cho nó càng diệu kỳ hơn, mau lẹ vẽ ra hình một người đàn bà với những nét bằng lửa. Anh đột nhiên quay lại. Chắc hẳn thấy khó chịu vì chạm vào một người đàn ông lạ, người đàn bà lạ mặt cũng cử động như vậy; hai bộ mặt, linh hoạt vì chung một ý nghĩ, thế là đối diện với nhau:
- Pauline!
- Ông Raphaël !
Cả hai người cũng sửng sờ, họ im lặng nhìn nhau một lúc, Raphaël thấy Pauline ăn mặc giản dị mà thanh nhã. Qua làn áo sa trinh khiết che nửa thân trên, con mắt tinh ý có thể nhận ra màu da trắng như hoa huệ và đoán được những hình hài mà một người đàn bà phải ngưỡng mộ. Rồi vẫn là sự khiêm tốn đoan trinh của nàng, cái trong trắng thần tiên của nàng, phong độ duyên dáng của nàng. Cánh tay áo nàng để lộ ra toàn thân nàng đang run rẩy phập phồng như trái tim nàng hồi hộp.
- Chao! Ngày mai mời ông tới, - nàng nói, - tới khách sạn Saint-Quentin lấy lại những giấy má của ông. Đúng trưa tôi có mặt ở đó. Ông đúng hẹn nhé.
Nàng vội vã đứng lên và biến mất. Raphaël muốn đi theo Pauline lại sợ làm nàng mang tiếng, anh ở lại, nhìn Foedora, thấy nàng thật xấu; nhưng, không thể hiểu một lời nhạc nào, thấy trong phòng ngạt thở, lòng chán ngấy anh bỏ ra về.
- Jonathas - Anh bảo người lão bộc khi nằm vào giường - bác cho tôi nửa giọt Laudanum[26] lên một miếng đường, và đến mai đúng mười hai giờ kém hai mươi hãy gọi tôi dậy.
- Ta muốn được Pauline yêu, - hôm sau anh vừa la lên vừa nhìn tấm bùa với một nỗi lo sợ khôn tả. Miếng da vẫn y nguyên, dường như nó mất sức co lại rồi, điều chắc chắn là nó không có hiệu quả với một ước muốn đã được thỏa mãn sẵn.
- A ha! - Raphaël kêu lên, lòng cảm thấy như được thoát khỏi một chiếc áo khoác bằng chì mà anh đã mặc từ ngày anh nhận được tấm bùa, - mày dối trá, mày không tuân theo ta, hợp đồng xóa bỏ rồi! Ta được tự do, ta sẽ sống. Thế ra đó chỉ là một trò đùa tai ác. Nói thế, nhưng anh không dám tin vào ý nghĩ của bản thân. Anh mặc quần áo cũng giản dị như trước kia, và muốn đi bộ tới nhà cũ, trong tư tưởng cố sống lại những ngày hạnh phúc ấy, lúc anh còn không nguy hiểm lao vào những thèm muốn sôi nổi, lúc anh còn chưa xét đoán hết những lạc thú của con người. Anh vừa đi vừa mường tượng thấy, không phải nàng Pauline của khách sạn Saint-Quentin, mà là nàng Pauline đêm trước, người tình nương toàn vẹn ấy; mà anh hằng mơ ước, cô gái thông minh, đằm thắm, nghệ sĩ, hiểu những nhà thơ, hiểu thơ ca và sống giữa cảnh sang trọng; nói tóm lại là Foedora với một tâm hồn thanh cao, hay Pauline nữ bá tước và hai lần triệu phú như Foedora. Khi anh tới trước cái bậc cửa đã mòn, cái nền gạch lát ở cửa đã vỡ, nơi mà biết bao lần anh đã có những tư tưởng thất vọng, thì một bà già trong phòng bước ra hỏi: ông có phải là ông Raphaël de Valentin không?
- Thưa cụ vâng, anh đáp.
- Ông biết phòng ở cũ của ông rồi, - bà cụ lại nói, - có người chờ ông ở đó.
- Khách sạn này vẫn là của bà Gaudin phải không? Anh hỏi.
- Ồ! Thưa ông không. Bây giờ bà Gaudin đã là bà nam tước rồi. Bà ta ở một tòa nhà đẹp của bà, bên kia sông. Chồng bà ấy đã về. Phúc đức! ông ấy mang về có hàng trăm hàng nghìn. Người ta bảo bà ấy có thể tậu được cả khu Saint-Jacques, nếu bà ấy muốn. Bà ấy cho không tôi cửa hàng và thời hạn thuê còn dở. Chà? Kể cũng là một người đàn bà phúc hậu! Bây giờ bà ấy vẫn như trước kia, chẳng hợm mình.
Raphaël mau lẹ trèo lên nơi gác xép của anh, và khi gần hết cầu thang thì anh nghe thấy tiếng dương cầm. Pauline ngồi đó, mình bận đơn giản một chiếc áo vải chúc bâu nõn; nhưng kiểu may áo, đôi găng, chiếc mũ, chiếc khăn quàng, tất cả, ném lơ đãng trên giường, tỏ ra cả một cảnh giàu có.
- Kìa ông đã tới! - Nàng quay đầu lại kêu lên và đứng dậy với một cử động vui mừng ngây thơ.
Raphaël tới ngồi bên cạnh nàng, mặt đỏ lên, hổ thẹn, sung sướng; anh nhìn nàng mà không nói gì cả.
- Tại sao ông lại bỏ chúng tôi mà đi? - Nàng nói tiếp, cúi nhìn xuống khi mặt nàng đỏ lên. - Bây giờ ông ra sao?
- Chao! Pauline ạ, tôi đã, tôi vẫn đang khổ sở lắm.
- Đấy mà? - Nàng động lòng kêu lên. - Hôm qua thấy ông ăn mặc lịch sự tôi đã đoán biết cảnh ông, giàu có bề ngoài, nhưng thật sự vẫn như xưa, hử, ông Raphaël ?
Raphaël không giữ được mấy giọt nước mắt chảy ra, anh kêu lên: Pauline ơi! Tôi... - Anh không nói hết, mắt long lanh niềm yêu đương, và lòng tràn ngập trong vẻ nhìn.
- Chao ơi! Anh ấy yêu tôi, - Pauline la lên.
Raphaël chỉ gật đầu vì nghẹn ngào không thể nói được một lời. Thấy vậy, cô gái cầm lấy tay anh, siết chặt và nói với anh, dở cười dở khóc thổn thức: - Chúng ta giàu có giàu có sung sướng, giàu có. Pauline của anh giàu rồi. Nhưng hôm nay em lại quá nghèo. Đã biết bao lần em bảo là em sẽ đem hết của cải trên đời để trả cái lời này:anh ấy yêu tôi. Chao, anh Raphaël của em? Em có bạc triệu. Anh ưa sang trọng, anh sẽ được hài lòng; nhưng anh cũng phải ưa trái tim em, biết bao thương mến anh trong trái tim này! Anh không biết à? Cha em đã về. Em là một cô gái kế thừa giàu có. Mẹ em và ông cụ cho em được hoàn toàn làm chủ cuộc đời của em; em được tự do, anh biết không?
Như bị một cơn cuồng nhiệt, Raphaël nắm lấy bàn tay Pauline, và hôn rất nồng nàn, rất háo hức đến mức tưởng như anh bị co giật. Pauline gỡ tay mình ra, đặt lên vai Raphaël và ôm lấy anh; họ hiểu nhau, siết chặt lấy nhau và hôn nhau với tấm lòng say sưa thần thánh và tuyệt vời, không gợn chút ẩn ý, mà chỉ in dấu ở duy một cái hôn, cái hôn đầu do đó hai tâm hồn chiếm lĩnh lẫn nhau.
- Chao! - Pauline ngồi phịch xuống ghế thốt lên, - em chẳng muốn rời anh nữa. Em chẳng biết vì đâu em táo bạo đến thế này. - Nàng vừa đỏ mặt vừa nói tiếp.
- Táo bạo ư, Pauline của anh? Chà, đừng sợ, đó là tình yêu, tình yêu chân thật, sâu xa, vĩnh cửu như tình của anh, phải không?
- Ồ, anh cứ nói, nói đi, nói lại, - nàng đáp. - Đã bao lâu rồi miệng anh chẳng nói một lời cho em.
- Thế ra em đã yêu anh sao?
- Trời ơi, em đã yêu anh biết mấy! Biết bao lần em đã khóc, kia, ở đây này khi dọn buồng cho anh, xót xa vì cảnh nghèo của anh và của em. Em có thể bán mình cho ma quỷ để tránh cho anh một mối ưu phiền! Hôm nay, Raphaël của em, là vì anh thật là của em; của em cái đầu thanh tú này, của em trái tim anh? Chao, đúng thế, nhất là trái tim anh, tài sản vĩnh cửu Thế rồi, em nói gì nhỉ? - Nàng ngừng một chút rồi lại nói. - à, thế này: chúng ta có ba, bốn, năm triệu bạc, hình như thế. Nếu em nghèo, có lẽ em nhất thiết muốn mang tên họ anh, được gọi là vợ anh, nhưng lúc này đây, em muốn hy sinh cả thiên hạ vì anh em vẫn muốn và mãi mãi là kẻ hầu hạ anh. Thế đấy! Raphaël ạ, hôm nay, khi hiến anh trái tim em, thân thể em, tài sản của em, em chẳng tặng anh cái gì hơn ngày mà em để vào đây, - nàng vừa nói vừa chỉ vào ngăn kéo chiếc bàn, - cái đồng trăm xu ấy. Chao! Bấy giờ niềm vui của anh làm em đau khổ biết mấy!
- Tại sao em giàu có, - Raphaël kêu lên, - tại sao em chẳng biết tự phụ? Anh chẳng làm được điều gì cho em. - Anh bóp chặt tay mình vì sung sướng, vì thất vọng, vì yêu đương.
- Khi nào em trở thành bà hầu tước de Valentin, anh biết em lắm, hỡi bậc thiên thần, thì cái danh hiệu đó và tài sản của anh không đáng giá...
- Một sợi tóc của anh thôi, - nàng kêu lên.
- Anh cũng vậy, anh có bạc triệu, nhưng đối với chúng ta tiền của có nghĩa gì? Chà - Anh có cuộc đời của anh, anh có thể hiến nó cho em, em nhận lấy.
- Chao ôi! Tình yêu của anh, Raphaël ạ, tình yêu của anh đáng giá cả thiên hạ. Sao, tâm hồn anh là thuộc về em? Thế thì em là kẻ sung sướng nhất trong những người sung sướng.
- Có người nghe chúng ta mất.
- Chà! Chẳng có ai đâu, - nàng vừa nói vừa bất giác làm điệu bướng bỉnh.
- Thế thì, lại đây, - Valentin vừa nói vừa giơ hai tay đón nàng.
Nàng nhảy vào anh và choàng hai tay ôm cổ Raphaël:
- Anh hôn em đi, - nàng nói, - để bù lại hết mọi ưu phiền mà anh đã gây ra cho em, để xóa bỏ nỗi đau khổ mà những niềm vui của anh đã đem lại cho em, để đền bù hết những đêm em thức để sơn những bình phong của em.
- Những bình phong của em.
- Vì bây giờ chúng ta đã giàu có, anh yêu quý của em, em có thể nói với anh hết cả. Cậu bé tội nghiệp chưa. Kể cũng dễ đánh lừa những người tài năng. Làm thế nào mà mỗi tuần anh có được hai lần áo gi-lê trắng và những sơ mi tinh tươm, với vẻn vẹn ba quan tiền giặt là một tháng? Mà anh uống sữa gấp hai lần số tiền anh đưa có thể mua được Em bắt thóp anh ở tất cả mọi thứ: củi lửa, dầu đèn, và tiền nữa? Chà, Raphaël ạ, đừng lấy em làm vợ, - nàng vừa nói vừa cười, - em thế mà xảo quyệt đáo để.
- Nhưng em đã làm gì mới được chứ?
- Em đã làm việc đến hai giờ sáng, - nàng đáp, - và em biếu mẹ em một nửa tiền làm những bình phong, còn cho anh một nửa.
Họ nhìn nhau một lúc cả hai cùng ngây ngất vui sướng và yêu đương.
- Chậc! - Raphaël thốt lên, chắc một ngày hai chúng ta phải trả niềm hạnh phúc này bằng mối ưu tư ghê gớm nào.
- Anh có vợ rồi chăng? - Pauline kêu lên, - A ha! Em chẳng muốn nhường anh cho một người đàn bà nào.
- Anh chỉ có một mình, em yêu quý ạ.
- Một mình, - nàng nhắc lại. - Một mình, và thuộc về em.
Nàng trườn mình trong lòng anh, chắp tay lại và nhìn Raphaël một cách nồng nàn sùng tín.
- Em sợ hóa điên mất. Anh dễ thương biết mấy! - Nàng vừa nói tiếp vừa lùa một tay vào làn tóc vàng hung của tình nhân, - cái nữ bá tước Foedora... của anh, hắn có xuẩn không? Hôm qua em vui sướng biết mấy khi được hết thảy những người đàn ông đó chào đón. Còn hắn, có bao giờ được người ta vỗ tay hoan hô! Này, anh yêu quý ạ, khi lưng em chạm vào tay anh, em nghe trong lòng em không biết tiếng nói gì nó bảo em: Anh ấy đấy. Em quay lại thế là em trông thấy anh. Chao! Em lẫn mất, em những muốn nhảy lên ôm cổ anh trước mặt cả thiên hạ.
- Em nói lên được thì sung sướng lắm, - Raphaël kêu lên. - Nhưng anh, lòng anh se lại. Anh muốn khóc, mà không được. Em đừng rụt tay ra. Dường như anh sẽ suốt cả đời ngồi ngắm em như thế này, sung sướng thỏa lòng.
- Chao! Anh nhắc lại đi cho em nghe, người tình của em.
- Mà lời nói có nghĩa gì,- Valentin nói tiếp và để rơi một giọt nước mắt nóng hổi xuống bàn tay Pauline - Sau này, anh sẽ cố gắng nói với em mối tình của anh, còn bây giờ thì anh chỉ có thể cảm thấy nó thôi...
- Chao! - Nàng kêu lên, - tâm hồn cao thượng này, thiên tài trác tuyệt này, trái tim mà em thấu hiểu này, tất cả thuộc về em, cũng như em thuộc về anh.
- Mãi mãi, vưu vật của tôi ạ - Raphaël giọng cảm động nói. - Em sẽ là vợ anh, phúc thần của anh, bao giờ thấy mặt em anh cũng thấy tiêu tan mọi ưu phiền, tâm hồn tươi mát; lúc này đây, nụ cười thiên thần của em, có thể nói, làm cho anh thành trong sạch. Anh tưởng như bắt đầu một cuộc đời mới. Cái dĩ vãng tàn ác và những điên rồ ảo não của anh dường như chỉ còn là những cơn ác mộng. Gần em, anh thành trong trắng. Anh cảm thấy bầu không khí hạnh phúc. Chao! Em cứ ở đó mãi mãi, - anh vừa nói thêm vừa ghì chặt nàng vào lòng anh đang hồi hộp một cách thành kính.
- Cái chết đến lúc nào mặc ý, - Pauline phấn khích kêu lên, - Ta đã sống rồi.
Sung sướng thay ai đoán được niềm hân hoan của họ, người ấy hẳn đã qua cảnh đó!
- Chao! Raphaël của em, - Pauline nới, sau hàng giờ im lặng - em muốn từ nay về sau chẳng ai được vào trong gian gác xép thân yêu này.
- Phải xây bịt cửa lại, đặt một chấn song vào cửa sổ trên mái và mua lại ngôi nhà này, - hầu tước đáp.
- Phải đấy, - nàng nói. Và, sau một lúc yêu lặng: - Chúng ta có phần quên tìm những bản thảo của anh.
Họ ngả ra cười một cách ngây thơ dịu dàng.
- Chà! Tôi bất cần mọi khoa học. - Raphaël kêu lên.
- A ha! Thưa ngài, thế còn vinh quang?
- Em là niềm vinh quang duy nhất của anh.
- Khi anh viết những chữ lèo ngoèo thế này chắc anh đang đau khổ lắm, - nàng vừa nói vừa giở tập giấy.
- Pauline của anh...
- Chao! Phải, em là Pauline của anh. Thế sao?
- Em ở đâu vậy?
- Phố Xanh Lazarơ. Còn anh?
- Phố Varen.
- Chúng ta sẽ xa nhau quá nhỉ, cho tới lúc... - nàng ngừng lại và nhìn bạn tình một cách lả lơi ranh mãnh.
- Nhưng, - Raphaël đáp, - chúng ta chỉ ở xa nhau nửa tháng nữa là cùng.
- Phải đấy? Mười lăm ngày nữa chúng ta sẽ cưới. - Nàng nhảy lên như một đứa trẻ. - Chà! Tôi là đứa con bất hiếu, - nàng nói tiếp, - tôi chẳng còn nghĩ đến cha, đến mẹ, đến cái gì trong thiên hạ nữa. Anh không biết chứ, anh yêu quý! Cha em bị bệnh nặng. Cụ ở Ấn Độ về, ốm lắm. Cụ suýt nữa chết ở Havrơ, nơi chúng em đến đón cụ. Ôi! Trời, nàng vừa kêu lên vừa nhìn đồng hồ, bốn giờ. Em là chủ trong nhà: mẹ em cho em được toàn quyền, cha em thương yêu em lắm nhưng em chẳng muốn lạm dụng lòng nhân từ của các cụ, thế thì không tốt! Cha tội nghiệp, chính cụ cho em đi xem rạp Ý Đại Lợi hôm qua. Ngày mai anh sẽ đến thăm cụ, phải không?
- Phu nhân hầu tước de Valentin có cho tôi hân hạnh được dẫn bà không?
- A ha! Em mang cái chìa khóa buồng này theo đây;- nàng lại nói.- Phải chăng đây là một lâu đài, bảo vật của chúng ta?
Pauline hôn cái nữa.
- Nhìn cái kia! Trời ơi, - nàng vừa nói vừa nhìn Raphaël, - cứ thế này mãi mãi, em tưởng chiêm bao.
Chú thích:
[1] Rollin (1661-1741): Nhà sử học và sư phạm Pháp.
[2] Tiếng Latinh có nghĩa là: Con nuôi thân mến.
[3] Theo hệ thống các trường trung học Pháp thì lớp nhất là lớp đi thi tú tài phần thứ nhất.
[4] Maquereau: Một giống cá biển.
[5] Nguyên văn: Cậu ấy hiền như chiếc bánh ngon.
[6] Malachité: Một thứ đá, cũng dịch là khổng tước thạch.
[7] Prométhée: Theo thần thoại Hy Lạp, thần lửa đã lấy trộm lửa trời cho loài người, bị Zoeth (Ngọc hoàng) ra lệnh xiềng vào núi đá và một con chim kền moi gan.
[8] Origène: Nhà thần học (thế kỷ II, III), theo truyền thuyết ông tự làm mù mắt để có thể chuyên tâm giảng Kinh thánh cho phụ nữ.
[9] Manfred và Childe Harold: Hai nhân vật của hai tác phẩm cùng tên như thế của Byron, Manfrêt là hình ảnh con người có tinh thần mạnh mẽ, nhưng cô đơn đến bi thảm, chỉ nhìn vào cái "tôi" kiêu hãnh, còn Saide Haron thì là điển hình con người cá nhân ưa khoái lạc, bàng quan với xã hội chung quanh.
[10] Tiếng Latinh có nghĩa là: Tôi đã sáng tạo một công trình.
[11] Porriquet thuộc phái cổ điển ghét phái lãng mạn, phái này đánh giá cao thơ của Ronsard, nhà thơ lớn nước Pháp thế kỷ XVI.
[12] Massillon (1663 -1742): Nhà truyền giáo Pháp có tài hùng biện. Buffon (l707 -1788) nhà bác học khoa học tự nhiên Pháp nổi tiếng tác giả cuốn Bác vật học, lời văn sinh động, hùng hồn, Racine (1639 -1699): Nhà bi kịch cổ điển Pháp vĩ đại.
[13] Luxembourg: Lâu đài Luxembourg (xây thế kỷ XVI), thời đó dùng là nơi họp của Nguyên lão nghị viện.
[14] Roi-citoyen: Vua Louis-Philippe tự xưng là vua -công -dân.
[15] Đây là nói cuộc đấu tranh giữa hai chính đảng tư sản Pháp thời Quân chủ tháng Bảy (1830-1848). Đảng vận động yêu cầu những cải cách tự do. Đảng đối kháng ủng hộ chính sách của vua Louis-Philip.
[16] Savonnerie: Xưởng sản xuất thảm của hoàng gia, trước kia là hãng làm xà phòng.
[17] Favart: Nhà hát ca kịch hài hước ở Paris.
[18] Semeramide: Vở ca kịch của Rossini (1823).
[19] Mazarin: Hồng y giáo chủ Pháp chế (thế kỷ XVII).
[20] Adonis: Theo thần thoại Hy Lạp. chàng thanh niên đẹp trai tình nhân của thần Venuyx: Một người làm dáng quá mức, quá trau chuốt thân mình.
[21] Méphistophélès: Nhân vật quỷ sứ trong kịch Faust của Goethe (1749 -1832).
[22] Faust: Bi kịch của Goethe, đây là chuyện bác sĩ Faust thất vọng vì cuộc đời, vì khoa học, ký giao kèo với quỷ Méphistophélès, bán linh hồn đi để được thỏa mãn những ước nguyện của mình.
[23] Sanzio d'Urbin (1483-1529), tức họa sĩ Raphaël.
[24] Bastille: Nhà ngục nổi tiếng dưới thời quân chủ chuyên chế Pháp. Sau bị Cách mạng 1789 phá ngày 14 tháng 7.
[25] Nguyên văn: Ngồi như một bà quận công.
[26] Laudanum: Một thứ thuốc chế bằng thuốc phiện.
- Chương giới thiệu
- Chương 1 - Tấm bùa
- Chương 2 - Tấm bùa 2
- Chương 3 - Tấm bùa 3
- Chương 4 - Tấm bùa 4
- Chương 5 - Người đàn bà không tim
- Chương 6 - Người đàn bà không tim 2
- Chương 7 - Người đàn bà không tim 3
- Chương 8 - Người đàn bà không tim 4
- Chương 9 - Cá hấp hối
- Chương 10 - Cá hấp hối 2
- Chương 11 - Cơn hấp hối 3
- Chương 12 - Cơn hấp hối 4
- Chương 13 - Kết thúc