Chương 121
Khi Nekhliudov tỉnh dậy thì các người đánh xe đã rời quán trọ từ lâu. Bà chủ quán đã uống trà xong, vừa đi vào vừa lấy khăn lau mồ hôi trên cái cổ béo trắng và nói là có một người lính đem thư từ trại giam đến. Thư của Maria Paplovna, báo tin bệnh của Krinxov không ngờ nặng quá. "Chúng tôi lúc đầu định để anh ấy ở lại đây và cùng ở lại với anh ấy, xong không được phép nên chúng tôi sẽ đưa anh ấy cùng đi; nhưng chúng tôi sợ sẽ xẩy ra điều chẳng lành. Anh cố gắng thu xếp xin cho đến thành phố sắp tới, anh ấy được nghỉ lại và một người trong bọn chúng tôi được ở lại trông nom. Nếu để được phép ở lại tôi có phải lấy anh ấy thì tôi cũng sẵn sàng".
Nekhliudov nhờ anh làm công trẻ ra trạm thuê ngựa hộ rồi vội vã thu xếp hành lý. Chàng chưa uống hết chén trà thứ hai thì một chiếc xe trạm ba ngựa kéo đã đến đỗ trước cửa, nhạc leng keng, bánh xe rít vang trên bùn khô cứng như lăn trên đường đá. Nekhliudov trả tiền bà chủ quán cổ béo núc ních, vội vã lên xe và bảo người đánh xe phóng thật nhanh đuổi kịp đoàn tù. Vừa đến chỗ ra khỏi cổng bãi chăn gia súc của làng thì xe chàng đuổi kịp mấy chiếc xe chở tù ốm và hành lý. Những cỗ xe nầy đang chạy rầm rầm trên mặt bùn khô đã bắt đầu mịn mặt.
Viên sĩ quan không có đấy, hắn đi lên đầu. Bọn lính đi theo sau, dọc hai bên lề đường, chắc chúng vừa uống rượu xong, nên trò chuyện vui vẻ lắm. Đoàn xe khá đông: ở những xe đi đầu, mỗi xe chất sáu người thường phạm ốm, ngồi sát nhau; ở mỗi xe cuối có ba tù chính trị. Trên xe cuối cùng có Novotvorov, Grabet và Kondratiev. Trên xe trước liền đó có Ranxeva, Nabatov và một người tù nữ yếu, bị tê thấp, được Maria Paplovna nhường chỗ cho. Còn ở xe thứ ba, có Krinxov nằm trên cỏ khô với mấy chiếc gối. Maria ngồi bên cạnh, lưng dựa vào thành xe. Nekhliudov bảo người đánh xe dừng lại kề bên, chàng xuống xe và lại gần Krinxov. Một người lính say lấy tay xua xua, muốn cản Nekhliudov, nhưng chàng không để ý cứ tiến lại gần xe Krinxov, tay bám lấy thành xe và đi bên cạnh: Krinxov mặc áo da cừu, đội mũ lông, miệng bịt một chiếc mùi xoa, người trông xanh xao và gầy guộc hơn trước nhiều. Đôi mắt đẹp của anh nom rất to và lóng lánh hẳn lên. Đường đi gập ghềnh khiến anh bị lắc mạnh; anh nằm đấy, mắt chăm chăm nhìn Nekhliudov, nhưng khi chàng hỏi thăm sức khỏe thì anh chỉ nhắm mắt và lắc đầu, vẻ buồn bực; hình như anh tập trung nghị lực để chịu đựng những cái xóc của xe. Maria Paplovna ngồi phía bên kia xe, nàng đưa mắt nhìn.
Nekhliudov, tỏ ý rất lo ngại về tình trạng của Krinxov.
Nhưng rồi nàng nói ngay, với một giọng vui vẻ.
- Hình như lão sĩ quan đã ngượng mặt, - nàng nói to để khỏi bị tiếng xe át đi. - Buzovkin đã được tháo xích và bế con. Cùng đi với anh ta có Katiusa. Ximonxon và cả Vera nữa, cô ấy thay tôi.
Krinxov nói câu gì không nghe rõ, tay chỉ Maria Paplovna. Anh cau mặt cố nhìn họ và lắc đầu. Nekhliudov cúi xuống gần anh để nghe. Krinxov gạt khăn bịt ở miệng ra thì thào:
- Bây giờ khá hơn nhiều rồi. Miễn là đừng bị lạnh.
Nekhliudov gật đầu và lại đưa mắt nhìn Maria Paplovna:
- Vấn đề ba vật thể thế nào? - Krinxov lại thì thầm, cổ gượng cười, - giải quyết chắc gay đấy nhỉ?
Nekhliudov không hiểu, nhưng Maria Paplovna cho biết là anh ấy muốn nói đến vấn đề toán học trứ danh về vị trí của mặt trời, mặt trăng và trái đất mà Krinxov ví đùa với quan hệ của ba người Nekhliudov, Katiusa và Ximonxon. Krinxov gật đầu tỏ ý là Maria đã giảng đúng câu nói đùa của anh.
- Giải quyết vấn đề không phải ở tôi, - Nekhliudov nói.
- Anh có nhận được thư của tôi không? Anh giúp cho chứ? - Maria Paplovna hỏi.
- Đương nhiên! - Nekhliudov trả lời.
Chàng thấy trên mặt Krinxov thoáng có vẻ không hài lòng. Chàng đi về xe mình, hai tay nắm lấy thành xe; đường gồ ghề, gập những quãng có ổ gà, xe cứ nẩy bật lên. Nekhliudov vượt lên phía trước đoàn tù; đám người nầy mặc áo xám và áo choàng da cừu, chân xích, tay khoá từng đôi một, kéo dài đến ba phần tư dặm đường. Nekhliudov nhận ra ở phía bên kia đường chiếc khăn quàng xanh của Katiusa, chiếc áo choàng đen của Vera, tấm áo ngắn, cái mũ đan và bít- tất đen trắng của Ximonxon, ngoài bít-tất có dây da chằng như giầy cỏ. Anh ta đi với tù nữ và đương chuyện trò với họ rất sôi nổi.
Trông thấy Nekhliudov, hai người phụ nữ nghiêng mình chào, còn Ximonxon nhấc mũ một cách trịnh trọng.
Nekhliudov không có gì cần nói, nên không dừng lại cho xe vượt lên phía trước. Lúc nầy đường đã bớt gồ ghề, người đánh xe cho ngựa chạy nhanh hơn, nhưng luôn luôn phải cho xe lánh sang bên để tránh những đoàn xe tải dài đi cùng chiều hoặc đi trở lại. Con đường đầy vết bánh xe sâu lõm hẳn xuống băng qua một cánh rừng thông âm u, hai bên có lẫn những cây phong và cây lạc diệp tùng chưa rụng hết lá, màu vàng tươi hoặc vàng nhạt. Đi được nửa chặng đường thì ra khỏi khu rừng. Hai bên đường là những cánh đồng rộng mênh mông và xa xa, có những giá thập ác vàng tươi và nóc hình bán cầu của một tu viện. Trời sáng hẳn, mây đã bay hết, mặt trời nhô lên khỏi rừng: lá cây còn ướt ao chuôm, thập ác, nóc tu viện lóng lánh dưới ánh mặt trời. Trước mặt, xế về phía bên phải, những đỉnh núi xa xa bắt đầu nổi lấp lánh trắng trên nền trời xanh. Xe đi vào một làng lớn thuộc vùng ngoại ô một thị trấn. Trên đường làng, người đi lại đông như kiến, cả người Nga và người thổ dân, mũ áo kỳ dị. Đàn ông, đàn bà, người say, người tỉnh họ xúm đông, trò chuyện tíu tít quanh các cửa hàng, tiệm ăn, quán rượu hay các xe tải. Sắp đến một thành phố.
Người lái xe ra roi, giật cương về phía phải rồi ngồi chếch về một bên ghế đưa dây cương về cả bên phải, anh ta cố ý muốn trổ tài, cho xe chạy nhanh qua phố chính, rồi cứ giữ tốc độ đó mà phóng xuống bờ sông. Qua con sông phải đi phà. Chiếc phà đang ở giữa dòng chảy xiết và đang đi về phía bờ bên nầy. Trên bờ có hai mươi cỗ xe đang đợi, Nekhliudov không phải đợi lâu. Phà được đưa lên ngược dòng đã khá xa, nay được nước xuôi chảy xiết, tiến nhanh tạt vào bến.
Những người chở phà cao lớn, trầm lặng, đôi vai to rộng, bắp thịt rắn chắc, chân đi ủng, mình mặc áo lông cừu Thành thạo và lanh lẹ, họ quăng thừng néo chặt vào cọc; khi đã bắt chất cầu phà xong, họ cho các xe ở dưới phà lên bờ, rồi mới cho xe đợi trên bờ xuống. Phà xếp chật đẩy ngựa và xe; trông thấy nước, các con ngựa chùn lại. Con sông rộng, nước chảy xiết vỗ vào hai mạn phà làm dây neo căng thẳng. Khi phà đã đầy ắp và xe của Nekhliudov đã đánh xuống (ngựa đã tháo), len vào giữa những xe khác đứng ở một bên phà, thì những người chở phà tháo chốt ra, cởi thừng cho phà sang sông, mặc lời nài kêu của những người không chen được xuống.
Trên phà im lặng, không có tiếng động nào ngoài tiếng chân những người chở phà, và tiếng ngựa chồn chân đập đập mồng xuống mặt sàn.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
- Chương 61
- Chương 62
- Chương 63
- Chương 64
- Chương 65
- Chương 66
- Chương 67
- Chương 68
- Chương 69
- Chương 70
- Chương 71
- Chương 72
- Chương 73
- Chương 74
- Chương 75
- Chương 76
- Chương 77
- Chương 78
- Chương 79
- Chương 80
- Chương 81
- Chương 82
- Chương 83
- Chương 84
- Chương 85
- Chương 86
- Chương 87
- Chương 88
- Chương 89
- Chương 90
- Chương 91
- Chương 92
- Chương 93
- Chương 94
- Chương 95
- Chương 96
- Chương 101
- Chương 97
- Chương 102
- Chương 103
- Chương 98
- Chương 99
- Chương 104
- Chương 100
- Chương 105
- Chương 106
- Chương 107
- Chương 108
- Chương 109
- Chương 110
- Chương 111
- Chương 112
- Chương 113
- Chương 114
- Chương 115
- Chương 116
- Chương 117
- Chương 118
- Chương 119
- Chương 120
- Chương 121
- Chương 122
- Chương 123
- Chương 124
- Chương 125
- Chương 126
- Chương 127
- Chương 128
- Chương 129 - Hết