Gửi bài:

Chương 115

Đợi mọi người ăn cơm uống nước xong để được nói chuyện riêng với Katiusa như mọi bận, Nekhliudov ngồi nói chuyện với Krinxov. Trong những câu chuyện chàng kể cho Krinxov nghe có câu chuyện Maka nói với chàng và đầu đuôi câu chuyện Maka phạm tội. Krinxov chăm chú nghe, đôi mắt long lanh nhìn Nekhliudov. Đột nhiên, anh nói: "Phải, tôi thường nghĩ đấy chúng ta cùng đi bên cạnh họ, nhưng "họ" là ai? Chính là những người vì họ chúng ta đấu tranh, thế mà chẳng những chúng ta không biết họ là ai, mà không muốn biết đến họ nữa. Và tệ nhất là họ lại căm ghét chúng ta và nhìn chúng ta thù địch. Có kinh khủng không?"

- Chẳng có gì là kinh khủng, - Novotvorov thoáng nghe câu chuyện, chêm vào. - Quẩn chúng thì bao giờ cũng chỉ tôn sùng uy quyền thôi, - tiếng anh nói sang sảng. - Bây giờ thì chính phủ có quyền, nên họ tôn sùng chính phủ và ghét chúng ta. Mai đây chúng ta nắm chính quyền thì họ lại sẽ tôn sùng chúng ta.

Lúc đó bên kia tường vọng sang một tràng tiếng chửi rủa, có tiếng xích loảng xoảng, tiếng xô đẩy đập huỳnh huỵch vào tường rồi tiếng người kêu la. Có người nào đó bị đánh và có tiếng kêu: "Cứu tôi với!".

- Đó lũ súc vật! Chúng ta với họ chung đụng thể nào được? - Novotvorov bình thản nói.

- Anh bảo họ là súc vật thế mà ông Nekhliudov đây vừa kể cho tôi nghe một việc như thế nầy đây, - Krinxov bực tức trả lời, và anh kể lại chuyện Maka đã mạo hiểm không sợ hy sinh tính mệnh để cứu người đồng hương như thế nào. - Hành động ấy đâu phải là hành động của một con vật mà là một hành động anh hùng.

- "Tình cảm chủ nghĩa!" Novotvorov trả lời mỉa mai. - Chúng ta khó mà hiểu được những cảm xúc của những con người đó và động cơ hành động của họ. Anh cho đó là do lòng cao thượng, nhưng có thể đó chỉ là lòng đố kỵ với người tù khổ sai kia thôi.

- Tại sao anh không bao giờ muốn nhìn thấy cái hay ở người khác? - Maria Paplovna bỗng nổi nóng lên nói (nàng gọi ai cũng bằng anh, chị).

- Nhìn thấy sao được những cái vốn dĩ không có.

- Sao lại không có? Thế người kia không liều mình, bất chấp cả cái chết thảm khốc đấy a?

- Tôi nghĩ rằng, - Novotvorov lại nói, - nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt công việc, thì điều kiện thứ nhất là (Kondratiev đương đọc sách dưới ánh đèn, lúc nầy bỏ sách xuống chăm chú nghe những lời nói của thầy) chúng ta đừng có tưởng tượng hão huyền, mà phải nhìn thẳng vào thực chất của sự việc. Chúng ta phải mang hết sức ra làm việc cho quần chúng và không mong gì họ đền đáp lại. Quần chúng chỉ là đối tượng hoạt động của chúng ta chứ không thể cộng sự với chúng ta được chừng nào mà họ còn cứ ỳ ra đấy như hiện nay, - rồi anh tiếp tục nói như giảng bài. - Cho nên nếu ta trông vào sự giúp đỡ của họ khi họ chưa kinh qua một quá trình phát triển - cái quá trình mà hiện nay ta đương chuẩn bị cho họ - thì thật là ảo tưởng:

- Quá trình phát triển nào? - Krinxov đỏ mặt lên nói. - Chúng ta miệng nói là phản đối độc đoán và chuyên chế, nhưng thử hỏi đó có phải là một thứ chuyên chế ghê tởm nhất không.

- Chẳng có chuyên chế gì hết. Tôi chỉ nói là tôi biết con đường quần chúng phải đi qua, và tôi có thể chỉ cho họ thấy, - Novotvorov bình tĩnh trả lời.

- Nhưng làm thế nào mà anh tin chắc con đường anh chỉ cho họ là con đường đúng? Phải chăng tổ chức Tài phán của Giáo hội(1) và những án tử hình của cuộc Đại cách mạng(2) lại không phải là con đẻ của chuyên chế.

- Thế mà họ cũng dựa vào khoa học để biết được con đường duy nhất đúng đấy. Họ lầm không có nghĩa là tôi cũng lầm. Vả lại giữa những mộng ước viển vông của các nhà tư tưởng và những sự kiện có cơ sở vững chắc của khoa học kinh tế khác nhau nhiều lắm.

Tiếng nói của Novotvorov sang sảng trong buồng, một mình anh ta tiếp tục nói, những người khác đều im lặng.

- Lúc nào họ cũng tranh luận, - Maria Paplovna nói khi Novotvorov ngừng một phút.

- Thế còn chị, chị nghĩ thế nào - Nekhliudov hỏi Maria.

- Tôi nghĩ anh Anatoli (tức Krinxov) đúng, chúng ta không nên bắt quần chúng phải nhìn theo quan điểm của chúng ta.

- Còn cô, Katiusa, cô nghĩ thế nào? - Nekhliudov mỉm cười hỏi Maxlova, và đợi trả lời, trong bụng sợ nàng nói câu gì hớ.

- Tôi nghĩ là quần chúng bị lăng nhục, - nàng nói, mặt đỏ bừng, - tôi cho là người dân thường bị lăng nhục nhiều quá.

- Mikhailovna nói đúng, rất đúng, - Nabatov nói to - Dân chúng bị lăng nhục hết sức và nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho họ không còn bị lăng nhục nữa.

- Thật là một ý kiến lạ lùng về nhiệm vụ của cách mạng, - Novotvorov nói, vẻ bực tức, và lặng lẽ hút thuốc.

- Tôi không thể nói chuyện với hắn được. - Krinxov lẩm bẩm, rồi anh im lặng.

- Và tốt hơn hết là đừng nói, - Nekhliudov nói tiếp.

Chú thích:

(1) Tên chỉ các toà án do Giáo hội thành lập ở một số nước châu Âu thời trung cổ và cả thời cận đại để điều tra, truy nã, trừng trị một cách hết sức tàn nhẫn những người dị giáo. Tổ chức nầy đã vi phạm trắng trợn quyền tự do tín ngưỡng (N.D).

(2) Ý muốn chỉ cuộc cách mạng Pháp 1789 (N.D).

Mục lục
Ngày đăng: 07/04/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc

Mục lục