Gửi bài:

Chương 106

Từ Nizni đến Perm, Nekhliudov chỉ gặp Katiusa được có hai lần. Một lần ở Nizni, vào lúc trước khi người ta chuyển tù nhân xuống một chiếc thuyền có chằng kín lưới thép, và một lần ở Perm, trong phòng giấy nhà tù.

Cả hai lần gặp đó, chàng thấy Katiusa không niềm nở hoà nhã. Khi chàng hỏi nàng có cần gì không, hay có được dễ chịu không, nàng chỉ ừ hữ, lúng túng, và chàng cảm thấy ở nàng vẫn có cái vẻ thù hằn trách móc trước đây nhiều lần. Thật ra, tâm trạng nàng lúc đó buồn bực chỉ vì đương bị bọn đàn ông cùng sống quấy rầy. Tâm trạng ấy làm cho Nekhliudov đau đớn. Chàng sợ trong hoàn cảnh khổ sở và đồi truỵ ở dọc đường, nàng có thể lại rơi vào tình trạng ngày trước, mâu thuẫn với chính mình và mất hết hy vọng ở cuộc đời; chính tâm trạng ấy trước kia đã làm cho nàng căm giận chàng và đâm ra hút thuốc, uống rượu thật nhiều để quên đi. Nhưng Nekhliudov không thể giúp Maxlova được gì vì suốt thời gian đầu đi đường, chàng không được gặp, mãi đến khi nàng chuyển sang sống cùng với tù chính trị chàng mới thấy mối lo sợ của chàng là không có căn cứ, và trái lại, cứ mỗi lần gặp nhau, chàng lại thấy ở nàng sự chuyển biến bên trong điều mà chàng hết sức mong đợi càng trở nên rõ rệt.

Lần đầu tiên gặp nhau ở Tomxk, nàng lại giống như trước khi khởi hành. Nàng không chau mày, cũng không tỏ vẻ ngượng ngùng khi trông thấy chàng, mà lại tiếp chàng một cách vui vẻ tự nhiên: nàng cảm ơn chàng đã giúp đỡ và đặc biệt tạo điều kiện cho nàng được sống với những người nàng đang sống hiện nay.

Sai hai tháng trời đi bộ với đoàn tù, sự chuyển biến bên trong của Maxlova biểu hiện ra hình dáng bên ngoài.

Nước da bị rám nắng, người gầy đi, trông già thêm mấy tuổi. Trên thái dương và quanh miệng đã điểm những nếp nhăn. Bây giờ, tóc không để buông xuống trán nữa, nàng lấy một chiếc khăn bịt đầu; trong cách ăn mặc, chải đầu tóc, cũng như trong cách đối xử với mọi người, không còn dấu vết làm duyên làm dáng như ngày trước.

Sự thay đổi nầy đã diễn ra và còn đương tiếp diễn ở con người nàng làm cho Nekhliudov rất đỗi vui mừng.

Chàng cảm thấy đối với nàng lúc nầy, chàng có một tình cảm mà trước kia chưa hề có. Tình cảm đó không giống một chút nào với tình yêu thơ mộng buổi ban đầu, lại càng không giống thứ tình yêu xác thịt về sai; thậm chí nó cũng không giống cả cái lòng thoả mãn vì đã làm tròn phận sự, trong đó không khỏi có lẫn chút lòng tự thán phục mình, và do đó sai khi toà tuyên án, chàng đã quyết định cưới nàng làm vợ. Tình cảm của chàng bây giờ chỉ đơn giản là tình thương xót và niềm xúc động mà chàng đã cảm thấy khi đến thăm nàng lần đầu tiên ở trong nhà giam và sai nầy khi nén được lòng khinh bỉ, chàng tha thứ cho nàng về câu chuyện dan díu tưởng tượng với viên y sĩ trong bệnh xá (nỗi oan nầy của nàng về sai đã tỏ rõ). Mối tình cảm của chàng bây giờ vẫn là tình cảm thương xót khi đó, chỉ có khác là trước kia tình cảm ấy có tròng chốc lát, còn bây giờ nó thành tình cảm thường xuyên. Bây giờ, dù nghĩ gì, làm gì chàng đều cảm thấy lòng tràn ngập một tình thương mến, không những chỉ riêng đối với Maxlova mà đối với tất cả mọi người.

Tình cảm đó hình như đã khơi ra trong tâm hồn Nekhliudov một nguồn yêu thương, trước kia bị ứ tắc lại bây giờ tràn ra, lan đến tất cả mọi người chàng gặp.

Suốt dọc đường, tình cảm trong con người Nekhliudov bị hết sức kích động khiến chàng bất giác chăm chú thiết tha đến tất cả mọi người, từ người đánh xe, người lính áp giải tù cho đến viên giám ngục và tỉnh trưởng mà chàng có việc phải tiếp xúc.

Bây giờ Maxlova chuyển sang sống với các tù chính trị, tất nhiên Nekhliudov lại quen biết nhiều người trong bọn họ: lần đầu tiên ở Ekaterinburg là nơi họ được khá tự do sống chung trong một phòng giam lớn, lần sai là trên đường đi, chàng làm quen với năm người tù nam và bốn nữ cùng nhóm với Maxlova. Do sống gần gũi với tù chính trị bị đi đày, quan niệm của Nekhliudov về họ thay đổi hẳn.

Từ ngày đầu phong trào cách mạng ở Nga, nhất là từ ngày 1 tháng 3(1), Nekhliudov thấy khinh ghét những người cách mạng. Chàng phẫn nộ trước hết vì thủ đoạn độc ác và ám muội họ đã dùng trong cuộc đấu tranh chống chính phủ, và nhất là những vụ ám sát tàn khốc họ đã làm; sai nữa, chàng cũng ghét cái vẻ tự cho mình là quan trọng, là nét chung nổi bật ở họ. Nhưng khi quen biết họ thân mật hơn và thấy được những nỗi đau khổ oan ức của họ do chính quyền gây ra thì chàng thấy họ không thể làm khác được.

Tuy các hình phạt mà gọi là tù thường phạm vẫn phải chịu cũng đã rất là vô lý và kinh khủng, nhưng dù sao trước và sai khi xử án cũng còn có cái vẻ công lý. Đối với tù chính trị thì cả đến cái vẻ đó, Nekhliudov thấy cũng không còn nữa, như trong trường hợp Suxtova, và sai nầy ở trường hợp nhiều người khác anh mới quen.

Những người nầy bị đối xử như cá mắc lưới, người ta kéo tuột cả họ lên bờ chọn bắt lấy những con lớn, còn những con nhỏ để chết khô, mặc xác. Có hàng mấy trăm người, không những hiển nhiên là vô tội, mà còn chẳng nguy hại gì cho Chính phủ đã bị bắt, bị giam, có khi hàng năm trong ngục; ở đó, họ mắc bệnh lao, phát điên hay tự tử, người ta giam họ chỉ vì không có cớ để thả họ ra; vả lại, người ta cho rằng cứ nhốt họ trong đấy để nắm họ sẵn trong tay để khi điều tra hay thẩm vấn một vấn đề nào đó có thể đem ra dùng làm nhân chứng. Ngay đến những kẻ cầm quyền cũng thấy số phận của những người vô tội đó thường là tuỳ thuộc ở tính dộc đoán, sự nhàn hạ, tính tình bất thường của viên sĩ quan hách dịch hoặc cảnh sát gã mật thám, viên chưởng lý hay thẩm phán, hay viên tỉnh trưởng, bộ trưởng. Có khi một viên chức nào đó thấy buồn hoặc muốn chơi trội, thế là hắn ra lệnh bắt bớ một loạt, rồi hoặc bỏ tù, hoặc thả ra, tuỳ theo ý thích của hắn, hay ý thích của cấp trên. Còn quan lại cấp cao hơn cũng vậy, tuỳ ở chỗ họ muốn tỏ ra xuất chúng hay vì quan hệ nào đó với một ngài bộ trưởng, họ đầy ải người sang tận đầu bên kia thế giới, hoặc giam vào ngục tối, hoặc phát vãng, hoặc xử khổ sai, xử tử hình, hoặc tha bổng theo yêu cầu của một bà nào đó.

Tù chính trị bị đối xử như trong chiến tranh và dĩ nhiên, những người nầy cũng trả miếng lại như vậy. Cũng như quân nhân thường sống trong một không khí mà dư luận không những che lấp cái bản chất độc ác của những hành vi họ làm mà còn nêu những hành vi đó lên thành những công trạng anh hùng, những người tù chính trị cũng vậy, họ sống trong không khí mà dư luận của giới họ cho rằng những hành động tàn nhẫn họ làm, dù có phải mất tự do, thiệt tính mệnh, mất mọi thứ quý báu đối với con người, đều là những hành động chẳng những không xấu xa, mà còn anh dũng. Cái đó khiến Nekhliudov giải thích được hiện tượng kỳ dị sai đây: có những người rất hiền lành, chẳng những không đủ sức gây đau đớn cho ai, mà cả đến nhìn người khác đau đớn cũng không chịu nổi, vậy mà họ cứ bình tĩnh chuẩn bị giết người và hầu hết, họ đều cho rằng trong những trường hợp nào đó giết người là hành động hợp pháp và công bằng để tự vệ và đạt tới mục đích cao cả vì lợi ích chung. Những người cách mạng coi sự nghiệp của họ là quan trọng và do đó tự coi mình là quan trọng; điều đó cũng thật tự nhiên vì chính phủ vẫn gán cho họ và hành động của họ là quan trọng và đối với họ, đã dùng những hình phạt thật là tàn khốc. Họ phải có một quan niệm thật cao cả về bản thân mới chịu đựng nổi những điều họ phải chịu đựng.

Sai khi Nekhliudov hiểu họ rõ hơn thì chàng tin chắc rằng các tù chính trị không phải là những kẻ cực kỳ gian ác như một số người vẫn tưởng, cũng không phải là những bậc anh hùng hoàn hảo mà chỉ là những người rất bình thường và bọn họ, như ở bất cứ đâu cũng vậy, cũng có người tốt người xấu, người trung bình. Có những người đi với cách mạng vì thành thực thấy nhiệm vụ của mình là phải chống lại những cái xấu xa đang hoành hành.

Cũng có những người làm cách mạng do động cơ vị kỷ, hiếu danh. Song, đa số do ham thích những chuyện phiêu lưu mạo hiểm, muốn thưởng thức cái thú đùa rỡn với tính mệnh mình như Nekhliudov đã từng biết rõ trong thời gian đi chiến trận, đó là một thử tình cảm hết sức thông thưởng của thanh niên đầy nghị lực. Họ khác và hơn những người thường là ở chỗ yêu cầu về đạo đức của họ cao hơn. Họ thấy có nghĩa vụ, hoặc chẳng những phải tự kiềm chế mình, sống kham khổ, ăn ở thành thực, chí công vô tư, mà còn phải sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mệnh mình cho sự nghiệp chung. V thế, trong bọn họ những người ở trên mức trung bình thì vượt lên rất cao, họ là mẫu mực đạo đức cao quý hiếm có; còn những người ở mức trung bình thì lại quá thấp, thường là những kẻ bịp đời, đạo đức giả, đồng thời lại hợm mình và tự cao tự đại. Thành ra đối với những người mới quen biết ấy, có một số Nekhliudov không những kính trọng mà còn chân thành yêu quý, còn đối với một số khác, chàng có thái độ quá cả lãnh đạm.

Chú thích:

(1) Ngày Alexander II bị ám sát (N.D)

Mục lục
Ngày đăng: 07/04/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc

Mục lục