Chương 60
Hai tuần nữa thì đơn kháng án được Khu mật viện xét; Nekhliudov tính đến ngày đó sẽ đi Petersburg để nếu đơn bị bác, chàng sẽ đệ sớ lên Hoàng thượng xin ân xá, theo lời khuyên của viên luật sư đã thảo đơn. Đơn kháng án mà bị bác - cũng theo ý kiến của viên luật sư, trường hợp nầy rất có thể xảy ra vì những lý lẽ viện ra để chống án rất yếu, thì đoàn tù nhân, trong đó có cả Maxlova, có thể sẽ lên đường vào đầu tháng sáu. Bởi thế, để kịp sửa soạn theo nàng đi Siberi, là điều chàng đã cương quyết làm, ngay từ bây giờ, Nekhliudov phải đi thăm qua một lượt khắp các trại ấp để thu xếp mọi công việc cần thiết.
Trước tiên, chàng đến Kuzminxkoie; cái trang ấp nầy ở gần hơn cả và là một vùng đất đen rộng lớn, một nguồn thu nhập quan trọng vào bậc nhất. Hồi còn thơ ấu và suốt cả thời niên thiếu, chàng sống ở đó. Về sau, khi lớn lên, chàng có trở về nhà hai bận và một lần, tuân theo lời mẹ, chàng đã dẫn về một viên quản lý người Đức, cùng hắn kiểm kê dụng cụ tài sản của ấp. Vì vậy, từ lâu chàng đã nắm rõ được tình hình làm ăn trong ấp cũng như mối quan hệ giữa nông dân và phòng quản lý, tức là với điền chủ. Nói cho lịch sự, thì quan hệ nầy là một sự phụ thuộc hoàn toàn, còn nói trắng ra, là người nông dân làm nô lệ cho điền chủ.
Đây không phải là sự lệ thuộc về thể xác của một số người nào đó vào người chủ chế độ nầy đã bị huỷ bỏ từ năm 1861, mà là sự lệ thuộc nói chung, và nhất là của những người nông dân vào bọn điền chủ lớn; và có khi, trong trường hợp đặc biệt, họ còn lệ thuộc cả vào những người sống ngay bên cạnh họ nữa. Nekhliudov biết thế, và chàng không thể không biết điều đó được, vì một lẽ rất dễ hiểu là những cơ ngơi nầy sở dĩ có được, chính là nhờ vào sự lệ thuộc đó. Nhưng nói là chàng biết điều đó thôi cũng chưa đủ chàng còn hiểu rõ rằng đấy là một sự bất công, một điều tàn ác nữa. Chàng đã biết thế từ thuở chàng còn là một anh sinh viên, tin tưởng và truyền bá học thuyết của Henry Georges, cái học thuyết đã khiến chàng đã đem trao cho nông dân số ruộng đất của cha chàng để lại; lúc đó, chàng coi sự chiếm hữu ruộng đất trong thời đại nầy là một tội ác chẳng khác gì tội chiếm hữu nông nô ở nửa thế kỷ trước.
Quả tình, sau khi giải ngũ, khi chàng đã quen thói ăn tiêu mỗi năm gần hai vạn rúp, thì tất cả những nhận thức trên không còn có sức thúc ép gì nữa đối với cuộc sống của chàng. Chàng đã quên hết và chẳng những không bao giờ tự hỏi xem tiền mẹ chàng vẫn cấp cho chàng tiêu, lấy từ đâu ra, mà chàng còn cố ý không nghĩ gì đến điều đó nữa. Tuy nhiên, sau khi bà mẹ chết, chàng phải đứng ra thừa kế gia tài và quản lý lấy tài sản, nghĩa là quản lý lấy ruộng đất, thì vấn đề của chàng đối với việc chiếm hữu ruộng đất lại được đặt ra. Cách đây một tháng, Nekhliudov có lẽ đã nghĩ rằng chàng không thay đổi được cái trật tự hiện hành vì chàng không trực tiếp quản lý ruộng đất, chàng ở xa, chỉ nhận tiền hoa lợi và như vậy, ít nhiều chàng cũng yên tâm, không phải băn khoăn gì mấy. Bây giờ chàng đã quyết định mặc dù sắp phải đi Siberi, mặc dù mối quan hệ của chàng đối với thế giới lao tù sẽ có nhiều khó khăn phức tạp và vì thế phải tốn kém rất nhiều, chàng không thể để nguyên hiện trạng nầy được mà phải thay đổi nó đi, dù có thiệt đến quyền lợi bản thân đi nữa: Chàng quyết định không tự kinh doanh lấy nữa mà cho nông dân thuê lại ruộng đất với một giá rẻ để họ có thể sống độc lập, không phải lệ thuộc vào chủ đất.
Nhiều khi suy nghĩ, chàng thấy cái địa vị chủ đất của mình cũng tương tự như những chủ nô ngày trước, chàng coi việc cho nông dân thuê lại rộng đất mà không thuê người để cày cấy lấy nữa, cũng giống như chủ nô đổi cách bóc lột tô lao dịch ra cách thu tô tiền. Đó không phải là một cách giải quyết triệt để, nhưng cũng là một bước tiến tới, một bước chuyển từ một hình thức áp bức quá thô bạo sang một hình thức áp bức bớt thô bạo hơn.
Và chàng quyết định hành động theo hướng đó.
Chàng đến Kuzminxkoie vào lúc giữa trưa. Để đơn giản hoá cách sống của mình, chàng không đánh điện báo trước, mà chỉ thuê một chiếc xe hai ngựa kéo ở ga về trang ấp. Người xà ích là một gã thanh niên, mặc chiếc áo khoác ngoài bằng vải Nam kinh, có nếp gấp nhỏ ở dưới thân, anh ta ngồi ghé một bên ghế theo kiểu những tay lái xe ngựa; anh ta rất thích chuyện trò với nhà quý tộc nhất là trong khi hai người nói chuyện thì hai con ngựa một con trắng thắng vào càng xe chân khập khiễng và một con buộc ngoài theo xe, gầy giơ xương thở khò khè - có thể đủng đỉnh bước một, điều mà chúng vẫn ưa thích xưa nay.
Người xà ích không biết mình đang đánh xe cho chính ông chủ ấp, cứ kể chuyện về tên quản lý ở Kuzminxkoie.
Nekhliudov cũng cố ý gỉấu không cho anh ta biết mình là ai.
- Thằng cha người Đức nầy thật là sang nhất trần đời? - Anh đánh xe nói, anh ta từng sống ở thành thị và đọc nhiều tiểu thuyết. Ngồi quay né người về phía Nekhliudov, anh giơ chiếc roi dài quất đen đét, lúc vung lên cao lúc vụt xuống thấp, vẻ kiêu hãnh với cái vốn hiểu biết của mình. - Hắn vừa tậu một cỗ ba con ngựa vàng mơ và khi hắn ngồi xe đi chơi với mụ vợ thì phải biết! Tôi chỉ nói thế chắc ngài cũng thừa hiểu. Mùa đông vừa qua hôm lễ Giáng sinh, hắn đã trồng một cây thông trong gian phòng lớn nhà ông chủ, tôi chả đánh xe đưa khách đến nên biết rõ: trên cây thông mắc cả đèn điện nữa. Khắp tỉnh, chẳng đâu có được như thế Tiền bạc hắn vơ vét được như núi gớm quá! Hắn cần gì, quyền hành ở cả trong tay mà lại! Nghe đâu hắn vừa mới tậu một cái ấp đẹp lắm.
Nekhliudov tưởng mình đã dửng dưng không còn quan tâm gì đến sự thể người quản lý trông nom ruộng đất cho mình thế nào và hắn trục lợi ra sao nữa. Vậy mà khi nghe anh đánh xe lưng dài kia kể chuyện. anh thấy khó chịu.
Chàng thích thú ngắm cảnh trời đẹp đẽ ngày hôm đó chàng ngắm nhìn những đám mây đen sám: dày đặc thỉnh thoảng kéo che lấp bóng mặt trời chàng ngắm những cánh đồng lúa mới chỗ nào cũng nhan nhản những nông dân đang cày đắp gốc lúa kiều mạch. Chàng nhìn đồng lúa xanh rờn với những con sơn ca cất cánh bay vút lên cao những khu rừng nhỏ đã phủ khắp một lớp lá non, xanh mơn mởn, chỉ trừ có mấy cây sồi đâm lộc muộn: chàng ngắm những cánh đồng cỏ với những đàn bò, ngựa thả xen lán nhau đang gặm cỏ và những thửa ruộng đằng xa với những người nông dân đang cày. Nhưng chốc chốc: chàng lại mang máng thấy có một điều canh cánh trong lòng, và khi tự hỏi xem điều gì thì chàng lại nhớ ngay đến câu chuyện anh đánh xe vừa nói về tên người Đức quản lý đất đai của mình ở Kuzminxkoie.
Nhưng khi tới Kuzminxkoie, chàng bị lôi cuốn vào công việc bề bộn và cái cảm giác nầy tan biến hết ngay.
Việc xem xét sổ kết toán và cuộc trao đổi giữa chàng với một viên thư ký anh nầy đã nêu lên một cách ngây thơ tất cả cái lợi thế do chỗ ruộng đất của nông dân đã ít ỏi lèo tèo, lại nằm lọt vào trong lòng đất đai của địa chủ, càng làm cho chàng thêm quyết tâm từ bỏ việc tự mình kinh doanh lấy ruộng đất và đem nó trao lại cho nông dân.
Xem xét sổ sách và nói chuyện với viên thư ký, chàng biết rằng, cũng như trước kia, hai phần ba số đất đai tốt nhất của chàng đều do những công nhân nông nghiệp cày cấy với những máy móc hoàn thiện, trong khi đó, một phần bạ còn lại thì thuê nông dân cày cấy, trả công năm "rúp" một mẫu. Nói một cách khác, với số tiền công năm "rúp", người nông dân sẽ phải cày mỗi mẫu ba lượt, bừa ba lượt, và sau đấy, sẽ gieo mạ, rồi cắt, lượm hoặc gặt, hái, mang lúa về tận sân đập, nghĩa là làm trọn vẹn một công việc mà người thợ tự do, công có hạ lắm cũng phải đòi mười "rúp" một mẫu.
Tất cả các thứ viên quản lý cung cấp cho nông dân đều tính theo giá cao nhất và bắt họ phải trả bằng công lao động. Người nông dân buộc phải làm để được thả gia súc vào đồng cỏ, để có củi đun, có lá khoai tây ăn và vì hầu hết mọi người đều mắc nợ phòng quản lý. Vì thế, những thửa ruộng xa lại cho nông dân thuê với giá đắt gấp bốn lần lợi tức thu được nếu đem số ruộng đó bán đi lấy tiền cho vay lãi năm phân. Nekhliudov biết rất rõ các điều nầy từ lâu, nhưng lúc nầy chàng vẫn thấy những cái đó như một điều mới lạ, và không khỏi ngạc nhiên tại sao bản thân chàng và những con người cùng một địa vị xã hội như chàng lại không biết gì đến cả cái tình trạng không bình thường ấy. Viên quản lý trình bày cho Nekhliudov thấy nếu đem cho nông dân thì chàng sẽ mất không cả số công cụ và số súc vật, vì sau đó, dù có muốn bán chúng lấy một phần tư giá tiền cũng chẳng được. Hắn quả quyết là nông dân sẽ làm cho đất đai xấu đi và Nekhliudov sẽ thiệt rất nhiều nếu đem ruộng đất cho nông dân thuê. Những lý lẽ đó càng làm cho chàng tin rằng đem ruộng đất cho nông dân thuê và hy sinh một phần lớn thu nhập của mình, chàng sẽ làm được một việc thiện...
Chàng quyết định làm cho bằng xong việc nầy trong thời gian chàng còn ở đây. Việc gặt hái, bán thóc, bán công cụ, súc vật và những nhà cửa bỏ không, viên quản lý sẽ làm sau khi chàng đã đi rồi. Còn giờ đây, chàng yêu cầu hắn triệu tập, vào ngày hôm sau, một cuộc họp nông dân ba thôn trong khu Kuzminxkoie để chàng cho họ biết quyết định của mình và để thoả thuận với họ về giá cả. Thấy mình đã cương quyết chống lại được những lý lẽ của viên quản lý, lại dứt khoát hy sinh lợi ích cá nhân cho nông dân, Nekhliudov cảm thấy khoan khoái; chàng bước ra khỏi văn phòng, vừa đi dạo quanh, vừa suy nghĩ.
Chàng lần theo những luống hoa năm nay bỏ đại, không ai chăm sóc, ở ngay trước cửa nhà viên quản lý, tạt qua sân quần vợt đầy rau diếp dại, rồi men theo con đường nhỏ trồng bồ đề, trước kia chàng vẫn quen đến đó hút xì gà và ba năm trước đây, cũng chính trên con đường nầy, Bà Kirimova xinh đẹp được mẹ chàng mời đến ấp nghỉ, đã tán tỉnh và làm duyên với chàng. - Vừa phác qua óc đại ý những lời lẽ chàng định nói ngày hôm sau với nông dân, Nekhliudov vừa đi về phía nhà viên quản lý. Sau khi ngồi uống trà và thảo luận một lần nữa với anh ta về cách thức thanh toán công việc lòng thanh thản, chàng trở về căn phòng đã sửa soạn cho chàng ở nhà trên. Căn phòng nầy vốn dành cho khách khứa qua lại.
Trong căn phòng gọn gàng xinh xắn có những bức tranh hoạ phong cảnh thành Vơnidơ, một tấm gương treo ở khoảng giữa hai cửa sổ một chiếc giường lò xo rất sạch, một cai bàn tròn trên để một bình nước một bao diêm và một cái kéo cắt bấc đèn. Trên chiếc bàn lớn kê trước tấm gương: đặt chiếc va li của chàng đã mở trong đó có một hộp đồ cạo mặt và lọ nước hoa với mấy quyển sách chàng mang theo: một cuốn "Nghiên cứu về luật hình" bằng tiếng Nga và hai cuốn khác cùng tác phẩm đó một bằng tiếng Đức một bằng tiếng Anh. Chàng dự định sẽ đọc vào những lúc rảnh rỗi: giữa những cuộc đi thăm các làng, nhưng hôm nay không có thì giờ, chàng nằm yên cố ngủ để ngày mai chuẩn bị thật sớm cho buổi nói chuyện với nông dân.
Ở góc phòng là một chiếc ghế bành kiểu cũ bằng gỗ đào hoa tâm có chạm khảm; nhìn chiếc ghế, chàng nhớ lại khi xưa nó vẫn ở trong buồng mẹ chàng, và chàng bỗng dấy lên trong lòng một cảm giác thật không ngờ.
Chàng thật tiếc khi nghĩ đến ngôi nhà rồi đây sẽ đổ nát, đám vườn sẽ bị bỏ hoang vu, những khu rừng sẽ bị chặt hết cây và khi nghĩ đến tất cả những chuồng bò, chuồng ngựa, nhà xe, máy móc, bò ngựa, nghĩa là tất cả cái cơ ngơi nầy, mặc dù chàng đã chẳng có một chút công lao gì góp vào đấy, nhưng chàng biết là đã tốn bao nhiêu công sức mới gây nên và gìn giữ được. Trước kia, lúc mở đầu chàng tưởng từ bỏ tất cả những của cải nầy cũng dễ dàng thôi: nhưng bây giờ chàng bỗng thấy luyến tiếc chúng chàng tiếc đất dai tiếc nửa số thu nhập giờ đây chàng rất cần đến chúng. Và lập tức có ngay những luận diệu về hùa với chàng những luận điệu cho rằng làm như thế là dại không nên đem chia ruộng đất cho nông dân, không nên huỷ hoại cơ nghiệp của mình như vậy.
Một tiếng cất lên nói: "Đất đai ta không có quyền chiếm hữu nó! Đã không có quyền chiếm hữu thì ta cũng không được giữ tất cả cái dinh cơ nầy. Vả lại ta sẽ đi Siberi thì còn cần gì đến nhà cửa ruộng đất nữa".
"Tất cả những điều đó thì đúng đấy - một tiếng nói khác nhủ lại - nhưng trước hết rồi đây anh không thể suốt đời sống ở Siberi được. Nếu anh lấy vợ: anh có thể có con và khi anh thừa hưởng một cái cơ nghiệp hoàn chỉnh thì anh sẽ giao nguyên vẹn nó lại cho con cái anh. Đối với đất đai, con người cũng có bổn phận chứ! Cho phắt đi, phá tan đi: cái đó rất dễ: gây dựng lên được mới thật là khó. Cái chính là phải suy nghĩ cho chín chắn về cuộc đời của anh, anh quyết định sẽ sống ra sao rồi theo cách đó mà tính cách sử dụng đúng đắn tiền nong, tài sản. Nhưng anh đã quyết tâm chưa? Mà có quá thật anh hành động theo lương tâm của anh không? Hay là anh làm thế chỉ cốt để hãnh diện với mọi người?"
Nekhliudov tự hỏi. Chàng không thể không nhận thấy ý kiến mọi người sẽ nhận xét mình có ảnh hưởng đến những quyết định của chàng. Và càng nghĩ miên man càng có nhiều vấn đề được đặt ra và càng khó giải quyết.
Để rũ bỏ những điều suy nghĩ vấn vương, chàng ngả mình xuống chiếc giường sạch sẽ tinh tươm. Chàng muốn ngủ đi để ngày mai đầu óc sáng sủa, chàng có thể giải quyết được hết mọi vấn đề hiện đang rối như mớ bòng bong.
Nhưng chàng vẫn thao thức không sao ngủ được; qua khung cửa sổ mở rộng, cùng với khí đêm mát mẻ và ánh trăng, tiếng ếch nhái ì ộp trút vào phòng, thỉnh thoảng có xen lẫn tiếng mấy con hoạ mi ở xa tận cuối khu vườn hót và chép mỏ; và tiếng hót của một con khác ở gần hơn, trong bụi tử đinh hương đang nở hoa ngay dưới cửa sổ.
Lắng nghe tiếng hoạ mi hót, tiếng ếch nhái ì ộp, chàng liên tưởng đến bản nhạc của người con gái viên giám ngục, nhớ đến viên giám mục, chàng lại nhớ đến Maxlova, và tiếng ếch nhái ì ộp làm chàng nhớ lại đôi môi run run khi chàng nói: "Anh cứ để mặc xác tôi". Rồi tên quản lý người Đức bắt đầu thụt xuống cái ao đầy ếch nhái. Phải giữ hắn lại. Nhưng không phải chỉ có hắn mà bỗng dưng lại hoá ra là Maxlova, đang thét lên những lời thống trách chàng: "Tao là một con tù khổ sai, còn mầy là vị công tước".
"Không, ta sẽ không lùi bước đâu, - Nekhliudov tự nhủ.
Chàng chợt tỉnh lại và tự hỏi "cái điều ta đang làm đây tốt hay xấu? Ta cũng chẳng biết nữa. Vả lại cần quái gì? Thế nào cũng được tất? Ngủ cái đã!".
Và chàng bắt đầu đắm mình xuống cái chỗ mà tên quản lý và Maxlova đã thụt xuống, rồi tất cả mọi vật đều chìm xuống đó.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
- Chương 61
- Chương 62
- Chương 63
- Chương 64
- Chương 65
- Chương 66
- Chương 67
- Chương 68
- Chương 69
- Chương 70
- Chương 71
- Chương 72
- Chương 73
- Chương 74
- Chương 75
- Chương 76
- Chương 77
- Chương 78
- Chương 79
- Chương 80
- Chương 81
- Chương 82
- Chương 83
- Chương 84
- Chương 85
- Chương 86
- Chương 87
- Chương 88
- Chương 89
- Chương 90
- Chương 91
- Chương 92
- Chương 93
- Chương 94
- Chương 95
- Chương 96
- Chương 101
- Chương 97
- Chương 102
- Chương 103
- Chương 98
- Chương 99
- Chương 104
- Chương 100
- Chương 105
- Chương 106
- Chương 107
- Chương 108
- Chương 109
- Chương 110
- Chương 111
- Chương 112
- Chương 113
- Chương 114
- Chương 115
- Chương 116
- Chương 117
- Chương 118
- Chương 119
- Chương 120
- Chương 121
- Chương 122
- Chương 123
- Chương 124
- Chương 125
- Chương 126
- Chương 127
- Chương 128
- Chương 129 - Hết