Chương 21
Các bồi thẩm đã xem xong tang vật, chánh án tuyên bố Toà án kết thúc cuộc thẩm vấn; đang mong giải quyết cho xong vụ án sớm, lão liền mời ngay uỷ viên công tố nói; lão hy vọng anh chàng phó chưởng lý nầy đã là người thì cũng muốn rảnh để còn đi ăn, đi hút và cũng biết thương đến đồng loại. Nhưng phó chưởng lý chẳng thương mình, cũng chẳng thương người khác. Vốn đã ngu dốt, hắn lại thêm cái bất hạnh là đã tốt nghiệp trung học với một huy chương vàng và sau đó ở đại học, lại được khen thưởng về luận án "những hình dịch trong Luật La-mã", bởi vậy hắn đâm ra hợm mình và tự mãn cao độ - cái đó cũng có phần còn do chỗ hắn thường thành công trong quan hệ với phụ nữ - và kết quả là hắn đã trở thành một thằng cực kỳ ngu xuẩn. Khi được lão chánh án mời nói, hắn từ từ đứng lên khoe tấm thân duyên dáng trong bộ đồng phục thêu, đặt tay lên bàn, khẽ nghiêng đầu, đưa mắt nhìn bao quát cả phòng họp, lướt qua không thèm nhìn các bị cáo, rồi mới bắt đầu nói.
"Thưa các ngài bồi thẩm, vụ án đem trình với các ngài đây là một trường hợp phạm tội có thể nói là điển hình".
Lời mào đầu nầy, hắn đã chuẩn bị cho bài nói của mình trong lúc đọc các biên bản.
Theo ý hắn, lời buộc tội của hắn phải có tầm quan trọng về mặt xã hội và phải giống như các bài cãi nổi tiếng của các trạng sư nổi tiếng. Thực ra, số người đến xem xử án chỉ vẻn vẹn có một người đánh xe và ba người đàn bà, một bà thợ may, một chị nấu bếp và người chị tên Ximon. Nhưng cái đó không hề gì. Những bậc danh tiếng xưa nay bước đầu cũng chẳng đã từng như vậy cả sao. Phương châm của hắn là phải tỏ ra xứng đáng với địa vị cao quý của mình, nghĩa là đi sâu vào ý nghĩa tâm lý của tội ác và vạch trần những ung nhọt của xã hội ra.
"Thưa các ngài bồi thẩm, các ngài đang thấy trước mặt tôi một tội ác đặc sắc, nếu có thể nói như vậy được của cuối thể kỷ nầy. Tội ác nầy có thể nói là đã mang những nét đặc trưng của tình trạng sa đoạ đáng buồn đang làm hại những phần tử của xã hội ta, có thể nói là được thực hiện rõ dưới các tia sáng chói loà của vụ án nầy...".
Hắn nói rất lâu, cố gắng, một mặt, nhớ lại những điều thông thái hắn đã nghĩ sẵn từ trước, mặt khác, và đó là chủ yếu, không phải ngừng lại một phút, sao cho bài nói của hắn trôi chảy, thao thao suốt một giờ mười lăm phút. Chỉ có mỗi một lần hắn dừng lại và cứ nuốt nước bọt mãi khá lâu. Nhưng rồi hắn cũng vượt qua được và bù lại cho sự trì trệ nhất thời bằng một tràng hùng biện mạnh mẽ hơn. Hắn nói, lúc thì ôn hoà, đường mật, đứng tựa hết chân nầy sang chân kia, mắt nhìn các bồi thẩm, lúc thì bình tĩnh, thản nhiên vừa nói vừa nhìn sổ tay; có lúc lại hùng hổ kết tội, quay nhìn công chúng và đoàn bồi thẩm. Không một lần nào hắn thèm đoái hoài nhìn đến các bị cáo đang chăm chú dán mắt vào hắn.
Bản buộc tội của hắn đầy rẫy những danh từ mới được giới công tố rất ưa dùng, những danh từ mà thời đó và ngay ngày nay vẫn còn được coi là thành tựu mới nhất của trí tuệ khoa học: nào là tính di truyền, bẩm tính phạm tội, nào là Lombroso, Tarde, nào là tiến hoá, là đấu tranh sinh tồn, nào là thôi miên và ám thị, cả về Charcot, lẫn thuyết thoái hoá(1).
Theo cách gọi của viên phó chưởng lý thì người lái buôn Xmienkov là điển hình của người dân Nga sung sức thuần phác tính tình rộng rãi, vì cả tin và độ lượng nên đã sa vào tay bọn người cực kỳ truỵ lạc, và làm mồi cho chúng.
Ximon Kactinkin, sản phẩm của dòng dõi nông nô, là một kẻ đần độn vô học, sống không theo một khuôn phép nào, tôn giáo cũng không có. Efimia, nhân tình của hắn, là một nạn chân của tính di truyền: ở thị đã biểu lộ tất cả những dấu vết của sự thoái hoá. Nhưng động lực chủ yếu gây ra tội ác nầy là Maxlova, đại biểu xấu xa nhất cho sự đồi truỵ của xã hội đương thời.
"Thị nầy - hắn nói và vẫn không nhìn nàng, - là một kẻ đã được hưởng thụ sự giáo dục, như chúng ta đã biết qua lời mụ chủ của thị vừa khai trước toà. Thị không những biết đọc, biết viết mà còn biết nói cả tiếng Pháp nữa. Mồ côi cha mẹ, thị hẳn đã mang sẵn trong mình mầm mống của tội ác: được nuôi dạy trong một gia đình quý tộc có học thức đáng lý thị có thể sống bằng một nghề trong sạch vẻ vang, nhưng thị đã bỏ những ân nhân của thị, chạy theo những ham muốn nhục dục, và để thoả mãn tình dục, thị đã đi làm nhà thổ; trong nghề nầy thị đã trội hơn chị em đồng nghiệp do học thức của thị và nhất là thưa các ngài bồi thẩm, như các ngài đã nghe mụ chủ của thị vừa nói ở đây, - nhất là bằng tài lung lạc được khách làng chơi nhờ có một bí quyết riêng; bí quyết nầy mới đây đã được khoa học phân tích, đặc biệt là đã được trường phái Saccô nghiên cứu, và được gọi tên là sức ám thị... Thị dùng sức ám thị để mê hoặc người khách to lớn, hiền lành cả tin giàu có như Charcot kia: thị đã lợi dụng lòng tin của người ấy để trước là cướp tiền sau là giết ông ta không hề thương xót!
- Nầy! Đúng là hắn đi lan man rồi! - Lão chánh án cúi về phía viên thẩm phán nghiêm khắc vừa mỉm cười vừa nói.
Viên nầy trả lời:
- Một thằng ngu kinh khủng!
- Thưa các ngài bồi thẩm, - phó chưởng lý uốn éo tấm thân thon thả làm duyên, tiếp tục - số phận của những người nầy là ở trong tay các ngài; mà số phận của xã hội cũng một phần do sự phán quyết của các ngài định đoạt. Các ngài hãy đi sâu, hiểu cho thấu ý nghĩa của tội ác nầy, - như người ta vẫn nói - như Maxlova nầy đang gây cho xã hội; các ngài hãy phòng ngừa cho xã hội khỏi bị truyền nhiễm; các ngài hãy cứu vớt lấy những phần tử vô tội khỏe mạnh của xã hội nầy, đừng để họ bị truyền nhiễm, nhiều khi đến thiệt mạng.
Và tưởng chừng như chính mình đang bị đè nặng dưới tầm quan trọng xã hội của bản tuyên án sắp tới: phó chưởng lý vô cùng hứng thú về bài nói của mình, gieo phịch người xuống ghế.
Nếu tước bỏ những lời văn hoa hùng biện thì ý chính của bài hắn nói chỉ là Maxlova đã mê hoặc người lái buôn, chiếm được lòng tin của người ấy, và khi cầm chìa khoá đến buồng của khách sạn lấy tiền, nàng đã định chiếm đoạt tất cả số tiền; nhưng vì bị Efimia và Ximon bắt gặp nàng đã phải chia cho họ. Rồi để thủ tiêu mọi dấu vết tội lỗi nàng đã trở lại khách sạn với người lái buôn và đầu độc người ấy tại đó.
Khi phó chưởng lý buộc tội xong, ở ghế trạng sư có một người trung niên mặc áo đuôi én ngực đeo một miếng vải trắng hồ cứng, hình bán nguyệt, đứng dậy, hăng hái bênh vực cho Kactinkin và Boskova. Đó là luật sư bào chữa cho hai người nầy với số tiền thuê là ba trăm rúp; hắn cãi trắng cho bọn kia và trút hết tội lỗi lên đầu Maxlova.
Mở đầu, hắn bác bỏ lời khai của Maxlova nói khi nàng lấy tiền thì có mặt cả Boskova và Kactinkin; hắn nhấn mạnh rằng lời khai đó ở miệng một kẻ đã rõ ràng can tội đầu độc thì không thể có giá trị được. Số tiền hai nghìn năm trăm rúp - hắn nói có thể do hai người làm ăn cần cù lương thiện kia đã kiếm ra; hằng ngày, họ được các khách trọ thưởng cho, khi năm đồng, lúc ba đồng. Còn số tiền của người lái buôn thì đã bị Maxlova đánh cắp, thị nầy đã đem giao số tiền ấy cho một người nào khác, hoặc đã đánh mất đi vì đêm đó thị ở trong một trạng thái không bình thường. Còn tội đầu độc thì chỉ có một mình Maxlova phạm thôi.
Tên thầy cãi yêu cầu các bồi thẩm thừa nhận Kactinkin và Boskova là vô can trong việc ăn trộm tiền; và nếu các vị bồi thẩm cho họ là có phạm tội nầy thì xin đừng buộc họ vào tội đầu độc và cố ý mưu sát. Để kết luận và châm chọc phó chưởng lý, hắn nêu lên rằng những nhận định sáng ngời của ngài phó chưởng lý về tính di truyền, tuy có làm sáng tỏ những vấn đề khoa học về tính di truyền, song không thể ứng dụng vào trường hợp nầy được, vì Boskova là con cái nhà ai, không người nào biết rõ.
Giận giữ, gầm ghè, phó chưởng lý nguệch ngoạc mấy chữ trên một mảnh giấy và nhún vai, tỏ thái độ ngạc nhiên khinh bỉ.
Người bào chữa cho Maxlova liền đứng lên. Giọng dụt dè, ngượng ngập, ông ta đọc bản biện hộ. Không phủ nhận Maxlova có dính lýu vào việc đánh cắp số tiền, ông ta chỉ nhấn mạnh về chỗ nàng không có ý định đầu độc Xmienkov, nàng cho người lái buôn uống thứ thuốc bột kia chỉ cốt cho người ấy ngủ. Cũng định trổ tài hùng biện, ông đề cập đến trường hợp Maxlova bị lôi cuốn vào con đường truỵ lạc vì một tên đàn ông nào đến nay vẫn chưa bị trừng phạt, thế mà tội lỗi nầy nàng lại phải chịu hết; song cái lối đi vào lĩnh vực tâm lý như vậy không đưa đến kết quả gì và nó khiến cho mọi người nghe cứ thấy ngường ngượng thế nào. Do đó, khi ông ta lúng túng nói về sự bạc ác của bọn đàn ông và tính yếu đuối của phụ nữ thì chánh án, để gỡ cho ông, đã yêu cầu ông đi sát vào thực chất của vấn đề hơn.
Viên trạng sư vừa dứt lời, phó chưởng lý lại đứng lên.
Để bảo vệ lý luận của hắn về tính di truyền chống lại người thầy cãi trước, hắn chứng minh rằng dù không biết được những người nào đã đẻ ra Boskova thì không vì thế mà tính chính xác của học thuyết về di truyền kia bị giảm giá trị đi chút nào. Vì định luật di truyền đã được khoa học xác nhận vững chắc đến mức không những có thể từ tính di truyền tìm ra được tội ác, mà còn có thể từ tội ác suy ra tính di truyền. Còn về lối bào chữa giả định rằng Maxlova sa vào con đường truỵ lạc là do trước đây đã bị một kẻ quyến rũ tưởng tượng nào đó, hắn đặc biệt nhấn mạnh một cách cay độc vào hai chữ "tưởng tượng", thì trái lại, toàn bộ mọi sự việc đã cho thấy rằng chính thị đã từng quyến rũ, mê hoặc biết bao nhiêu kẻ bất hạnh sa vào tay thị. Dứt lời, hắn ngồi xuống, vênh vênh đắc thắng.
Sau đó, các bị cáo được phép tự bào chữa.
Efimia Boskova một mực chối không biết gì cả, không can dự vào việc gì cả, mụ khăng khăng cho rằng Maxlova mới là kẻ đã gây ra tất cả mọi tội lỗi.
Ximon chỉ nhắc đi, nhắc lại mấy lần rằng:
- Tuỳ các ngài xử tôi không có tội; thật là oan ức.
Maxlova chẳng nói chẳng rằng. Lão chánh án hỏi nàng có muốn nói thêm gì để tự bảo vệ không, nàng chi ngước mặt nhìn lão, nhìn tất cả mọi người chung quanh như một con thú bị săn dồn đến bước đường cùng, rồi nàng nhìn xuống và oà lên khóc nức nở.
- Ông làm sao thế? - Nhà thương gia ngồi bên hỏi Nekhliudov, ông vừa nghe thấy chàng bật lên một tiếng lạ tai, một tiếng nức nở bị nén xuống.
Nekhliudov vẫn chưa nhận ra hết ý nghĩa của tình trạng mình hiện nay, chàng cho vì thần kinh mình quá yếu nên mới có cái tiếng nấc không nén nổi ấy bật ra và nước mắt mới trào lên giàn giụa. Chàng đeo kính lên để che mắt, rồi lấy mùi soa ra xỉ mũi.
Chàng chỉ lo bị nhơ nhuốc sí nhục nếu mọi người trong phòng xử án nầy biết rõ hành vi trước đây của mình; mối lo sợ đó đã che lấp không cho chàng thấy rõ những chuyển biến đang diễn ra trong tâm hồn mình.
Lúc nầy, mối lo sợ ấy mãnh liệt hơn cả.
Chú thích:
(1) Lombroso (1836-1909) thầy thuốc Ý đồng thời là một nhà nghiên cứu về phạm tội học, chủ trương rằng kẻ phạm tội là một bệnh nhân hơn là một tội nhân. Tarde (1843-1904) một nhà xã hội học Pháp, có nghiên cứu về phạm tội học. Charcot (1825-1893) thầy thuốc Pháp nổi tiếng về các công trình nghiên cứu bệnh nhân thần kinh
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
- Chương 61
- Chương 62
- Chương 63
- Chương 64
- Chương 65
- Chương 66
- Chương 67
- Chương 68
- Chương 69
- Chương 70
- Chương 71
- Chương 72
- Chương 73
- Chương 74
- Chương 75
- Chương 76
- Chương 77
- Chương 78
- Chương 79
- Chương 80
- Chương 81
- Chương 82
- Chương 83
- Chương 84
- Chương 85
- Chương 86
- Chương 87
- Chương 88
- Chương 89
- Chương 90
- Chương 91
- Chương 92
- Chương 93
- Chương 94
- Chương 95
- Chương 96
- Chương 101
- Chương 97
- Chương 102
- Chương 103
- Chương 98
- Chương 99
- Chương 104
- Chương 100
- Chương 105
- Chương 106
- Chương 107
- Chương 108
- Chương 109
- Chương 110
- Chương 111
- Chương 112
- Chương 113
- Chương 114
- Chương 115
- Chương 116
- Chương 117
- Chương 118
- Chương 119
- Chương 120
- Chương 121
- Chương 122
- Chương 123
- Chương 124
- Chương 125
- Chương 126
- Chương 127
- Chương 128
- Chương 129 - Hết