Gửi bài:

Chương 12

Phải, đó chính là Katiusa.

Và sau đây là mối quan hệ giữa Nekhliuzov với nàng:

Nekhliuzov gặp nàng lần đầu, hồi chàng đang học năm thứ ba trường đại học; trong dịp hè, chàng đến ở nhà các cô để chuẩn bị luận án về quyền sở hữu ruộng đất. Một năm, chàng vẫn thường về nghỉ hè với mẹ và chị tại ấp của mẹ chàng ở vùng phụ cận Moskva. Nhưng năm ấy, chị chàng đã đi lấy chồng, mẹ chàng thì đi nghỉ dưỡng sức ở nước ngoài. Nekhliuzov phải viết luận án, chàng bèn quyết định đến nghỉ ở nhà các cô. Ở nơi xa xôi hẻo lánh nầy thì được yên tĩnh, không bị phân tán tư tưởng, các bà cô lại rất quý cháu trai đồng thời là người kế tự duy nhất của mình, còn chàng thì cũng quý mến các bà, quý mến nếp sống giản dị theo lối cổ của các bà.

Mùa hè năm đó, tâm trạng Nekhliuzov hào hứng lạ thường, cái tâm trạng một thanh niên lần đầu tiên, không phải nghe ai chỉ bảo mà tự mình nhận thức được tất cả vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc đời, tất cả tầm quan trọng của sự nghiệp dành cho con người, nhìn thấy khả năng vô cùng tận của bản thân và của thế giới tiến tới chỗ tận thiện tận mỹ và dốc hết tâm lực vào đó, không phải chỉ với một niềm hy vọng mà với một tấm lòng tràn đầy tin tưởng là sẽ đạt được tới chỗ mơ tưởng đó. Cũng năm ấy ở trường đại học, chàng đã đọc cuốn Tình thái xã hội của Spencer. Lý luận của ông nầy về quyền sở hữu ruộng đất đã để lại trong tâm trí chàng một ấn tượng rất sâu sắc, nhất là chàng lại là con một bà điền chủ lớn. Cha chàng không giàu, nhưng mẹ chàng khi lấy chồng đã mang theo về một vạn mẫu ruộng làm của hồi môn. Bấy giờ là lần đầu tiên chàng hiểu tính chất tàn khốc, bất công của chế độ chiếm hữu ruộng đất; vả lại chàng vốn thuộc loại người khi hy sinh vì đạo nghĩa thì thấy tâm hồn vô cùng sung sướng, cho nên chàng bèn quyết định không sử dụng quyền sở hữu ruộng đất của mình và đem chia cho nông dân tất cả chỗ đất đai thừa hưởng của cha. Luận án của chàng đã được xây dựng theo chủ đề đó.

Năm ấy, lúc ở nhà các cô, hằng ngày chàng dậy thật sớm, trước khi mặt trời mọc, có khi từ ba giờ sáng nhiều hôm trời còn sương mù, chàng ra tắm ở con sông nhỏ nằm dưới chân đồi rồi trở về khi hoa cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Đôi khi dùng cà phê sáng xong, chàng ngồi viết luận án hoặc đọc tài liệu tham khảo; nhưng thường có nhiều hôm, chàng không đọc mà cũng chẳng viết, rời khỏi nhà, đi lang thang trên các cánh đồng, trong các khu rừng. Trước bữa cơm, chàng chợp mắt ở một chỗ nào đó ngoài vườn, rồi trong bữa ăn, vốn vui tính chàng làm các bà cô cũng vui vẻ, tươi cười; sau đó, chàng cưỡi ngựa hoặc bơi thuyền: buổi tối, chàng đọc sách hoặc ngồi chơi bói bài với các bà. Thường thường, ban đêm, nhất là những đêm sáng trăng, chàng không ngủ được chỉ vì trong lòng cảm thấy một niềm vui sống mênh mông, sôi nổi quá có khi chàng đi bách bộ suốt đêm trong vườn cho đến sáng, tâm hồn chìm đắm vào những mơ mộng, suy nghĩ triền miên.

Tháng đầu tiên, chàng sống êm đềm và tươi vui bên các bà cô như vậy, không hề để ý đến cô gái nửa là con nuôi, nửa là hầu phòng - nàng Katiusa có đôi mắt đen láy bước đi thoăn thoắt nhẹ nhàng.

Lớn lên trong cánh tay mẹ, đến mười chín tuổi Nekhliuzov lúc đó vẫn còn là cậu bé ngây thơ trong trắng.

Nữ giới đối với chàng không gợi một ý niệm gì ngoài ý niệm về hôn nhân và theo cách chàng hiểu thì tất cả những phụ nữ nào không thể kết hôn với chàng được chàng đều không coi là phụ nữ mà chỉ là những con người.

Nhưng một chuyện đã xảy đến. Cũng vụ hè năm ấy hôm lễ Thăng tiên, các bà cô có một bà khách láng giềng sang chơi, các con bà ta cũng theo sang: hai cô con gái với một cậu con trai, học sinh trung học; lại có thêm một hoạ sĩ trẻ tuổi, con nhà nông dân, cùng ở nhà bà ta nữa.

Uống trà xong, bọn trẻ chơi đuổi bắt nhau trên bãi cỏ mới xén trước nhà. Katiusa cũng được rủ chơi. Sau mấy lần thay đổi đồng bạn, đến lượt Nekhliuzov cùng chạy với nàng: Lúc nào chàng nhìn Katiusa cũng thấy thích thú nhưng chàng không hề có ý nghĩ rằng giữa hai người lại có thể có một mối quan hệ gì đặc biệt.

- Hừ, giờ thật khó mà tóm được đôi nầy, trừ phi họ trượt ngã hoạ chăng! - Anh hoạ sĩ trẻ tuổi vui tính nói mặc dù với đôi cẳng ngắn, gióng cong nhưng rắn chắc của con nhà nông, anh ta chạy rất cừ.

- Chẳng bao giờ anh bắt được chúng tôi đâu! - Katiusa nói.

- Một hai ba! - Người ta vỗ tay ba cái ra hiệu.

Katiusa cố nín cười nhanh nhẹn đổi chỗ cho Nekhliuzov, nắm lấy bàn tay to của chàng trong bàn tay nhỏ bé, khô cứng, rắn chắc của mình, chạy lao về bên trái, tiếng váy hồ cứng kêu sột soạt.

Nekhliuzov chạy nhanh và không muốn để anh chàng hoạ sĩ bắt được, chàng đã mở hết tốc lực. Khi chàng ngoái cổ trông lại thì thấy anh hoạ sĩ đang đuổi Katiusa, nhưng với cặp giò dẻo dai mau lẹ của tuổi trẻ, nàng chạy vút lên, thoát hẳn tay anh ta và chạy càng xa dần mãi về bên trái. Ở phía trước mặt có một lùm tử đinh hương, phía sau đó chưa có ai chạy đến. Katiusa đưa mắt cho Nekhliuzov, sẽ hất đầu ra hiệu bảo chàng chạy ra phía sau lùm cây ấy để lại bắt gặp nhau(1). Chàng hiểu và chạy ra đằng sau bụi tử đinh hương. Không ngờ ở đó có một cái rãnh mọc kín cỏ gai; chàng hụt chân ngã vào đám cỏ, bàn tay bị gai đâm và ướt đẫm những giọt sương chiều đọng trên lá. Chàng nhổm dậy ngay, tự cười với mình và chạy ra chỗ đất quang.

Katiusa tươi cười, mắt đen láy như những trái mận dạỉ ướt, chạy vút đến. Họ gặp nhau và nắm lấy tay nhau.

- Anh vừa bị gai đâm vào tay rồi chứ gì? - Vừa thở mạnh nàng vừa mỉm cười hỏi và ngước mắt nhìn thẳng vào mặt chàng, còn tay kia nàng sửa lại bím tóc bị sổ tung.

- Tôi không biết ở đây có cái rãnh. - Nekhliuzov cũng cười trả lời, không buông tay Katiusa.

Nàng đứng sát gần và Nekhliuzov cũng không hiểu tại sao lại ghé sát vào mặt nàng. Katiusa không lảng tránh, chàng càng xiết chặt lấy tay cô gái và hôn nàng trên môi.

- Chết chửa - Nàng nói và gỡ vội tay, chạy lảng xa.

Tới bụi tử đinh hương, nàng ngắt hai cành trắng gần trụi lá, khẽ đập lên khuôn mặt nóng bừng, ngoái nhìn lại Nekhliuzov, rồi vung mạnh cánh tay ra phía trước, nàng chạy về với các bạn.

Từ hôm đó, mối quan hệ giữa Nekhliuzov và Katiusa đã thay đổi thành mối quan hệ giữa đôi thanh niên nam nữ còn trong trắng ngây thơ quyến luyến nhau.

Khi thấy Katiusa bước vào phòng hay khi thấy thấp thoáng bóng chiếc tạp dề trắng của nàng xa xa, là cả một trời tươi sáng rực rỡ hiện lên trước mắt chàng; cái gì chàng cũng thấy thú vị hơn, quan trọng hơn, chàng thấy cuộc sống đầy thú vị. Nàng cũng có cảm giác như thế.

Và chàng vui không phải chỉ khi gặp mặt Katiusa hay khi có nàng ở gần, mà cả khi chàng nghĩ rằng trên đời nầy có Katiusa, và để sánh với nàng lại có Nekhliuzov.

Giả sử chàng có nhận được thư của mẹ trách móc, hay nếu bản luận án của chàng viết không chạy, hoặc nếu chàng cảm thấy nỗi buồn vô cớ của tuổi thanh niên, chàng chỉ cần nhớ lại rằng có Katiusa trên đời, rồi chàng sẽ gặp nàng, là bao nỗi ưu tư đều tan biến hết.

Katiusa bận nhiều công việc trong nhà, nhưng nàng tháo vát làm tròn mọi việc và lúc rỗi nàng đọc sách.

Nekhliuzov đưa nàng xem những tác phẩm của Dostoievsky và của Turgeniev mà chàng mới đọc xong.

Nàng thích nhất cuốn "Tạnh ngớt" của Turgeniev. Họ thường trao đổi với nhau một đôi câu khi gặp nhau trong hành lang, trên bao lơn, ngoài sân và có khi cả trong căn phòng nàng ở chung với bà Matrena Paplovna, người hầu phòng già của hai bà cô; thỉnh thoảng Nekhliuzov đến đây uống trà, nhấm nháp ít đường. Có mặt bà Matrena Paplovna thì những câu chuyện họ nói với nhau rất hứng thú; nhưng khi chỉ có hai người thì họ lại sượng sùng khó nói. Những lúc đó, khóe mắt họ lại nói những điều khác hẳn và quan trọng hơn nhiều những điều từ miệng họ thất ra; môi họ díu lại, những lúc ấy họ thấy hoảng sợ và vội vàng lảng xa nhau.

Trong thời gian Nekhliuzov ở nhà các cô lần đầu, mối quan hệ giữa đôi bạn chỉ có thế. Song, các bà đã nhận thấy và lấy làm lo sợ, các bà viết thư ra nước ngoài báo cho công tước phu nhân Elena Ivanovna, mẹ Nekhliuzov biết. Cô Maria Ivanovna thì sợ cháu Dmitri của bà dan díu với Katiusa. Nhưng bà chỉ sợ hão: Nekhliuzov yêu Katiusa thật, song chính bản thân chàng cũng không biết là mình đã yêu, chàng yêu như những thanh niên còn ngây thơ mới bắt đầu yêu, và chính tình yêu ấy lại giữ cho cả hai người khỏi bị sa ngã. Không những chàng không hề có ý muốn chiếm thân thể nàng mà chỉ mới nghĩ tới điều đó cũng đủ làm cho chàng thấy ghê tởm. Nỗi lo ngại của cô Sofia Ivanovna là người có tâm hồn thơ mộng thì có căn cứ hơn nhiều. Bà biết tính cháu bà dứt khoát, cương quyết, nên bà sợ khi nó đã yêu đứa con gái ấy, nó sẽ lấy làm vợ, bất chấp cả chuyện môn đăng hộ đối.

Nếu lúc bấy giờ Nekhliuzov nhận thức rõ mối tình của mình đối với Katiusa và nhất là lúc bấy giờ nếu có người tìm cách thuyết phục cho chàng thấy rằng chàng không thể gắn bó số phận mình với một người con gái như thế được thì chắc chắn, với tính cương trực xưa nay của mình, chàng sẽ nhất quyết nói là không có một lý do nào có thể ngăn cản chàng lấy một người con gái, không kể người con gái ấy là ai, miễn là chàng yêu người đó.

Nhưng các bà cô Nekhliuzov giấu kín không ngỏ mối lo của các bà cho chàng biết, còn chàng đến lúc ra đi cũng vẫn chưa nhận thấy là mình yêu Katiusa.

Chàng nghĩ rằng tình cảm của chàng đối với nàng chỉ là một biểu hiện của niềm vui sống dào dạt dâng tràn đầy trong con người mình và niềm vui ấy đã được cô bạn xinh tươi kia chia sẻ. Nhưng đến lúc chàng lên đường, thấy Katiusa đứng trên thềm nhà, cạnh hai cô, đôi mắt to hiêng hiếng, đen láy, đấy lệ nhìn theo, thì chàng mới cảm thấy rằng từ nay chàng bỏ mất một cái gì rất đẹp, rất quý, sau nầy không bao giờ còn tìm thấy lại được nữa. Và chàng thấy buồn vô hạn.

- Chào Katiusa ở lại! Cảm ơn vô cùng, - chàng bước lên xe với qua bên trên mũ bà Sofia Ivanovna nói lại với nàng.

- Anh đi nhé: anh Dmitri Ivanovich! - Nàng nói, giọng dịu dàng, quyến luyến. Rồi cố giữ những giọt nước mắt chỉ chực trào ra khỏi mí, nàng vụt chạy vào trong nhà để được khóc cho thoả lòng.

Chú thích:

(1) Để tránh được người đuổi mình mà lại nắm lấy tay nhau như trước. Lệ chơi phải như vậy (N.D)

Mục lục
Ngày đăng: 14/04/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc

Mục lục