Chương 20 - Kết thúc
Một đêm vui nọ, trong lúc gác cổng ra vào thiên đường của mình, Pila Tecnêra chết trên chiếc ghế xích đu mây. Người ta đã chôn bà lão không có quan tài theo đúng nguyện vọng cuối cùng của người quá cố. Tám người đàn ông lực lưỡng dùng thừng chão từ từ hạ huyệt chiếc ghế xích đu có bà lão ngồi xuống một cái huyệt được đào ngay ở giữa sân khiêu vũ. Những cô gãi mulata(1) mặc đồ đen, khóe lóc đến xanh xám cả mặt mày, làm vội lễ cầu nguyện cho bà lão trong lúc tháo các chuỗi hạt đeo cổ, những dải nơ buộc đầu, những vòng tay, rồi ném chúng xuống huyệt, trước lúc người ta lấp kín mồ và dựng lên trên đó một bia mộ không tên tuổi, không năm tháng và phủ kín những vòng hoa trà xứ Amazôn. Sau khi đầu độc cho chết hết những con vật cảnh, dùng gạch và vữa bịt kín các cửa ra vào và cửa sổ, bọn họ tản mát mỗi người một ngả đi khắp thế gian mang theo những chiếc hòm gỗ bên trong trang trí ảnh thánh, ảnh hoạ báo nhiều màu sắc, ảnh người yêu, những người tình chốc lát, những người tình cũ lâu năm, những người tình ma quái, đó là những tay ỉa ra kim cương, những tay ăn thịt đồng loại những tay được phong là vua cờ bạc ở ngoài khơi.
Ðó là sự phán xử cuối cùng. Trong phần mộ của Pila Tecnêra, giữa những bản nhã ca và vòng hạt của gái điếm, những rác rưởi của quá khứ đang mục rữa, đó là những gì còn lại ít ỏi ở Macônđô kể từ sau chuyến ra đi của nhà thương thái xứ Catalunha. Do nỗi nhớ một mùa xuân vĩnh viễn thôi thúc, ông già thông thái xứ Catalunha đã buộc phải đóng cửa hiệu sách và trở về làng quê ở ven bờ Địa Trung Hải. Không một ai cảm nhận được việc cụ quyết định hồi hương. Để chạy trốn các cuộc chiến tranh liên miên cụ đã đến Macônđô vào đúng lúc Công ty chuối thịnh vượng, và cụ không nghĩ sẽ làm gì khác hơn là mở một hiệu sách chuyên bán sách cổ được in bằng vài ngoại ngữ, mà những khách hàng ngẫu nhiên đến đã sợ hãi lật giở chúng như lật giở những cuốn sách bẩn tưởi trong lúc chờ đến lượt mình vào đoán mộng hoặc xem số ở căn nhà đối diện. Cụ đã bỏ một nửa đời người ngồi ở ngoài sân sau nóng bức, để miệt mài ghi lại thứ văn chương kiểu sức của mình bằng thứ mực màu viôlet trên những tờ giấy xé ra từ vở học trò mà không một ai biết đích xác cụ viết gì. Khi Aurêlianô biết cụ thì cụ đã có hai thùng to đựng đầy những trang viết như vẽ mà về một phương diện nào đó chúng khiến ta nghĩ đến những tấm da thuộc ghi chữ của Menkyađêt, và kể từ dạo ấy cho đến khi ra đi cụ lại viết đầy thùng thứ ba, do đó quả là có lý khi nghĩ rằng trong suốt thời kỳ ở Macônđô cụ không làm gì khác ngoài việc chỉ ngồi viết mà thôi. Những người duy nhất cụ có quan hệ là bốn người bạn, những người vẫn đến đây đổi những con quay và diều giấy để lấy sách của cụ và cụ đã cho họ đọc Sênêca(2) và đọc Oviđiô(3) khi bọn họ còn đang theo học bậc tiểu học. Với tình cảm trìu mến thân thương cụ đối xử với các nhà cổ điển như đối với những người bạn cùng ngủ một phòng đã có trong đời mình. Và cụ thông hiểu nhiều điều đáng lẽ không nên biết, tỷ như Thánh Agustin bên trong chiếc áo khoác ngoài còn mặc thêm một chiếc áo gilê nỉ bó sát lấy người cho đến năm mười bốn tuổi và tỷ như cái ông Acnanđô đê Vilanôva, một thày đồng, vì bị bò cạp cắn mà trở nên liệt dương ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Nhiệt tình của cụ dành cho các trang viết là một bức tranh đan lẫn những lời kính trọng và những lời đàm tiếu của dân địa phương. Vì phải học tiếng Catalan để dịch chúng ra tiếng Tây Ban Nha, Anphônxô đã đút vào túi quần vài trang viết ấy được cuộn lại cùng với những mẩu báo và cả những trang sách giáo khoa, rồi một đêm nọ anh đánh mất tất cả ở nhà một trong những cô điếm làm tình cho qua cái đận đói khát này. Khi cụ già thông thái biết chuyện, đáng lẽ phải mắng chửi anh một trận nên thân, thì cụ đã cả cười mà bình luận rằng đó là số phận hợp lẽ tạo hoá của văn chương. Trái lại, không có một sức mạnh nhân văn nào đủ sức thuyết phục cụ không mang theo ba thùng to đựng đầy các trang viết này khi hồi hương, và cụ đã xổ ra hàng tràng tiếng Cactagô(4) để đuổi bọn nhân viên kiểm soát trên tàu hoả khi bọn này định chuyển các thùng bản thảo xuống toa hàng coi chúng như là hàng hoá, cho đến khi cụ buộc bọn họ phải để cho mình mang chúng đi theo trên toa hành khách. "Thế giới chẳng còn gì nực cười hơn khi mà con người được ngồi ở toa khách còn văn chương phải nằm ở toa hàng". Đó là điều duy nhất nghe cụ nói thành lời. Cụ đã trải qua một tuần vất vả với những công việc cuối cùng cho chuyến ra đi, bởi vì cứ càng đến gần giờ khởi hành cụ càng kém vui hơn, ý nghĩ thiếu mạch lạc bị xáo trộn lung tung hết, và các đồ vật được để chỗ này lại thấy ở chỗ khác, cụ bị ám ảnh bởi chính đám ma quái từng trêu chọc Phecnanđa.
- Collons(5) - cụ chửi. - Ta ngồi xổm lên điều luật hai mươi bảy của hội nghị Tôn giáo Luân Ðôn.
Hecman và Aurêlianô khuân vác giúp cụ. Họ giúp cụ như giúp một đứa trẻ, họ để các vé và các giấy tờ di chuyển trong một cái túi rồi lấy ghim băng gài lại cho cụ, họ làm cho cụ cả một danh mục dài, tỉ mỉ ghi lại tất cả những việc làm từ khi rời khỏi Macônđô cho tới khi tàu cập bến ở Bacxêlôna(6), nhưng họ lại vô ý ném vào bãi rác chiếc quần có để một nửa số tiền cụ ki cóp được. Ðêm trước ngày khởi hành, sau khi đã đóng đinh các thùng đựng giấy má lại và nhét hết quần áo vào chính cái va-li cụ mang tới đây, nheo đôi mi mắt hình con hến lại, với điệu bộ ban phước trơ trẽn, cụ chỉ vào những đống sách đã theo mình trong suốt cuộc lưu vong, và nói với các chiến hữu:
- Ðấy ta để lại cho các bạn cái thứ cứt đái ấy.
Ba tháng sau, các bạn nhận được một bì thư to tướng gần hai mươi bức thư và hơn năm mươi bức ảnh, được tích lại trong suốt cuộc hành trình nhàn rỗi trên biển khơi. Mặc dù không đề ngày tháng nhưng thứ tự của chúng đã nói rõ trình tự cụ ngồi viết các bức thư này. Trong những bức thư đầu với giọng điệu hài hước vốn có của mình, cụ kể cho bọn họ nghe về những chuyện lý thú xảy ra trong chuyến vượt đại dương, về cơn bực tức muốn quật ngã lão áp tải hàng hoá không cho phép cụ đưa ba chiếc thùng đựng bản thảo vào phòng nằm trên hẩm tàu, về sự yếu hèn mà thông thái của một mệnh phụ rất sợ hãi con số mười ba, không vì thói mê tín dị đoan mà vì hình như bà ta cảm thấy con số này báo trước bà ta sẽ ở lại mặc dù cuộc hành trình trên biển chưa được kết thúc, và về cuộc thi mà cụ giành được phần thắng ngay trong bữa tối đầu tiên trên tàu thuỷ, vì cụ nhận ra mùi củ cải mặc ban đêm trong các suối ở vùng Leriđa(7) ngay trong thứ nước ăn mang trên tàu. Tuy nhiên, với ngày tháng tuần tự trôi, thực tại trên tàu ngày một ít khiến cụ phải để ý hơn; ngay cả những sự kiện xảy ra mới nhất, thông thường nhất cũng khiến cho cụ càng cảm thấy chúng xa xưa hơn, vì con tàu càng bỏ xa bờ châu Mỹ bao nhiêu thì ký ức càng trở nên buồn bã bấy nhiêu. Cái quá trình hoài nhớ diễn tiến ấy dường như cũng bộc lộ trên những tấm ảnh. Trong những tấm ảnh đầu tiên, cụ hiện hình trong dáng vẻ hạnh phúc, mặc chiếc áo của thương binh, mái tóc bạc như tuyết trong ánh nắng tháng mười chói chang của vùng biển Caribê. Trong những tấm ảnh sau, cụ hiện hình trong tấm áo khoác sẫm màu, cổ quàng một tấm khăn lụa, vẻ người buồn bã và trầm tư bởi sự trống vắng, ngồi trên sàn một chiếc tàu nặng nề đang chệnh choạng đi như kẻ mộng du trên mặt biển lúc đang thu. Hecman và Aurêlianô viết thư trả lời cụ. Trong các tháng đầu cụ viết thư rất chăm chỉ đến mức lúc ấy họ cảm thấy gần gũi cụ hơn ngay cả khi cụ còn ở Macônđô và họ cảm thấy như bớt đi nỗi bực dọc vì đã để cụ ra đi Lúc đầu cụ viết thư cho họ, báo cho họ hay rằng tất cả vẫn bình thường, rằng ở ngôi nhà cụ chào đời vẫn còn nguyên con ốc sên màu hồng, rằng những con cá trích khô vẫn thơm nguyên mùi trong thùng bánh, rằng nhttng thác nước của làng vẫn toả hương thơm khi chiều buông. Lại một lần nữa cụ gửi đến cho bọn họ những trang vở học trò được viết như vẽ bằng mực màu viôlet, trong đó cụ tặng cho mỗi người bạn một đoạn thơ đặc biệt. Tuy vậy mặc cho chính cụ đã không nhận ra, những bức thư đầy tâm huyết ấy đã dần dần chuyển thành những bài thơ điền viên mang đầy ý nghĩa của kẻ tỉnh mộng. Trong những đêm đông, trong lúc ngồi trông nồi xúp sôi ở lò sưởi, cụ nhớ đến cái không khí oi nóng ở sân sau, nhớ tiếng kêu o o của ánh mặt trời trên những cây hạnh đào phủ đầy bụi, nhớ tiếng còi tàu trong không khí nóng hầm hập lúc đang trưa, chính là nỗi hoài nhớ mà cụ ngồi ở Macônđô nhớ nồi xúp sôi trong lò sưởi, nhớ những tiếng rao của người bán cà phê và nhớ những con chiền chiện lanh lẹn báo mùa xuân đến. Bị dằn vặt bởi những nỗi hoài nhớ đối diện nhau như những tấm gương soi vào nhau, cụ đánh mất cảm giác diệu kỳ về thực tại phi thực tại, cho đến khi cụ kết thúc bằng việc khuyên tất cả bọn họ hãy chạy khỏi Macônđô, hãy quên tất cả những gì cụ đã dạy họ về cuộc đời, về tình người, hãy ỉa vào Hôraxiô và bất kỳ nơi nào họ tới, hãy nhớ rằng quá khứ là bịp bợm, rằng kí ức con người không có đường trở lại, rằng tất cả mùa xuân cổ kính là không thể khôi phục lại và rằng ái tình phóng đãng và cuồng say là một sự thật chốc lát mà thôi.
Anvarô là người đầu tiên quan tâm đến lời khuyên hãy rời bỏ Macônđô. Anh bán hết của cải, kể cả con hổ bị nhốt trong sân nhà vẫn thường nhe nanh doạ những khách bộ hành ở ngoài đường, và mua một chiếc vé đi mãi mãi trên một đoàn tàu hoả không bao giờ ngừng du lịch. Trên những tấm bưu ảnh mà anh gửi từ những nhà ga nghỉ lại dọc đường, anh miêu tả đầy thán phục những hình ảnh chốc lát mình nhìn thấy qua ô cửa sổ toa xe, như thể anh đang xé vụn và ném vào cõi lãng quên một bài thơ dài của sự chạy trốn: những người da đen mơ mộng trên những cánh đồng bông trắng xứ Luisiana, những chú ngựa có cánh trên thảm cỏ xanh xứ Kentucki, những đôi nhân tình Hy Lạp trong buổi hoàng hôn địa ngục xứ Anzôn, cô gái mặc áo len đỏ vẽ tranh thuỷ mặc trên những hồ xứ Misigơn đã lấy bút làm điệu bộ chào anh, nhưng đó không phải là lời chào từ biệt mà là lời chào chứa chan hy vọng được gặp lại vì cô không biết rằng mình đang nhìn theo một đoàn tàu một đi không trở lại.
Sau đó Anphônxô và Hecman cùng bỏ đi vào một ngày thứ bảy với ý định sẽ trở về vào ngày thứ hai nhưng chẳng bao giờ người ta được biết tin tức gì về họ. Một năm sau kể từ ngày cụ già thông thái người Catalunha ra đi, người bạn duy nhất còn ở lại Macônđô là Gabrien, vẫn lêu lổng, hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương hại của Nigrômanta, để trả lời những câu hỏi thi của một tờ tạp chí Pháp, mà phần thưởng lớn nhất của nó là chuyến đi thăm thủ đô Pari. Aurêlianô, vốn là người nhận đặt báo, đã giúp anh điền các câu hỏi, đôi lúc ở ngay tại nhà anh, còn hầu như lúc nào cũng ở bên những lọ sứ xinh xinh và mùi cây thuốc nữ lang của hiệu thuốc duy nhất ở Macônđô, nơi ở của Mecxêđet, người yêu bí mật của Gabrien. Ðó là cái duy nhất sẽ còn lại của một thời quá khứ mà sự huỷ diệt của nó không bao giờ trọn vẹn, bởi vì nó cứ tự huỷ hoại một cách chậm chạp, tự hao kiệt ngay trong chính nó và từng phút từng phút một nó tự kết liễu mà sẽ không bao giờ chấm dứt sự tự kết liễu. Thị trấn đã bước tới những điểm nút ấy của sự đình trệ, do đó khi Gabrien trúng thưởng và đi Pari với hai bọc xống áo, một đôi giày và toàn tập tác phẩm của Rabơle, anh đã buộc phải ra hiệu cho người thợ máy để ông tế dừng tàu lại nhận mình lên.
Ðường phố Thổ Nhĩ Kỳ cũ lúc bấy giờ là một cái bãi hoang, nơi những người Arập cuối cùng đã chịu để cho thần đói lôi mình đến cõi chết theo tập quán ngàn đời ngồi trước cửa, bởi vì đã nhiều năm nay họ phải bán tới mét vải chéo go cuối cùng và trong những chiếc tủ kính tối om om chỉ còn lại những tượng người không đầu. Khu phố của Công ty chuối, mà có lẽ Patrixia Brao cố kể lại cho con cháu mình nghe về nó trong những đêm buồn nhớ có dưa gang ngâm giấm xứ Pratvôn Alơbơmơ, đã là một đồng bằng đẩy cỏ dại. Vị cha xứ già, người đến thay cha xứ Anhen và tên của cụ chẳng ai thèm biết đến, đang chờ đợi Thượng đế rủ lòng thương, nằm tênh hênh trên chiếc võng, đau đớn vì bệnh viêm khớp và mất ngủ vì sự hoài nghi, trong khi đó thằn lằn và chuột cãi cọ nhau xem ai sẽ được thừa kế ngôi nhà thờ bên cạnh. Ở thị trấn Macônđô bị lãng quên ấy, nơi ngay tới cả chim chóc cũng lãng quên nó, nơi bụi và hơi nóng đã trở nên rất khó chịu đến mức thở cũng phải vất vả lắm, Aurêlianô và Amaranta Ucsula là hai người duy nhất hạnh phúc và là những người sung sướng nhất trên trái đất này, mặc dù họ bị vây bọc bởi nỗi cô đơn và tình yêu, đặc biệt là nỗi cô đơn của tình yêu trong một ngôi nhà hầu như không tài nào ngủ được bởi tiếng động ầm ầm của bày kiến gây nên.
Gastôn đã trở về Bruxen, vì đợi máy bay chán chê mê mỏi vẫn không thấy nó đến nên có một ngày nọ ông đã nhét vào va-li những đồ dùng tuỳ thân và tài liệu thư tín của mình rồi ra đi với ý định trở về đây bằng máy bay trước khi những đặc ân của ông phải nhượng lại cho một nhóm phi công Ðức, vốn đã trình lên các nhà chức trách tỉnh này một kế hoạch nhiều tham vọng hơn so với kế hoạch của ông. Kể từ buổi chiều hai người làm tình với nhau lần đầu tiên, Aurêlianô và Amaranta Ucsula vẫn tiếp tục tranh thủ những lúc vắng nhà hãn hữu của người chồng để mà yêu nhau cuồng nhiệt trong những phút giây gặp gỡ chốc lát và luôn luôn bị ngắt quãng bởi người chồng bất đồ trở về. Nhưng khi thấy chỉ còn lại hai người ở nhà thì họ liền mệt lử trong những giây phút ngây ngất của ái tình muộn mằn. Ðó là một cơn đam mê buông thả, điên loạn, đến mức khiến cho xương cốt của Phecnanđa ở trong mồ phải run lên vì sợ và ở trong trạng thái nhảy múa liên tức. Những tiếng rền rĩ đầy sướng vui, những bài hát đầy thèm khát của Amaranta Ucsula đã âm vang bùng lên vào lúc hai giờ chiều ngay trên chiếc bàn trong nhà ăn cũng như vào lúc hai giờ sáng ở trong kho lương thực. "Ðiều làm em đau khổ, - cô cười, - là chúng mình đã để mất quá nhiều thời gian". Và trong cơn cuồng nhiệt cho thoả đam mê ấy, cô nhìn thấy đám kiến đang phá trụi vườn hoa rồi gặm gỗ nhà cho thoả cơn đói lâu ngày, và cô nhìn thấy dòng kiến đỏ ấy lại một lần nữa chiếm cứ mất hành lang nhưng cô chỉ bận tâm chiến đấu với kiến đỏ khi nhìn thấy chúng ở trong phòng ngủ của mình. Aurêlianô bỏ bê các trang văn viết trên những tấm da thuộc, lại ở lý trong nhà, trả lời cho xong chuyện những bức thư của cụ già thông thái xứ Catalunha. Bọn họ đánh mất cảm giác về thực tại, ý niệm về thời gian và nhịp điệu của những thói quen hàng ngày. Bọn họ lại đóng kín cửa ra vào và cửa sổ để khỏi mất thời gian cởi quần áo, và tồng ngồng đi lại ở trong nhà như Rêmêđiôt - Người đẹp từng thường xuyên mong muốn, và cùng nhau lăn lộn trên những vũng bùn ngoài sân trong khi thân thể không một mảnh vải che, rồi có một buổi chiều nọ bọn họ suýt bị chết ngạt khi làm tình với nhau ngay trong bồn tắm. Trong một thời gian ngắn bọn họ phá tan hoang nhà cửa hơn cả sự phá phách của lũ kiến đỏ: làm gãy hết bàn, ghế, tủ ở phòng khách, làm rách bươm chiếc võng từng chịu đựng rất tốt những cuộc ái ân buồn tẻ nơi trại lính của đại tá Aurêlianô Buênđya, xổ tung ruột chăn, lấy bông lõi tung khắp sàn để làm nhau ngạt thở. Mặc dù Aurêlianô là một người tình cũng đủ ngón chơi dữ dằn như tình địch của anh, nhưng Amaranta Ucsula lại là người đạo diễn anh các trò tiêu khiển trong thiên đường đổ vỡ ấy và cô làm việc này rất nhiệt tình như thể cô đã tập trung trong tình yêu cái nghị lực cuồng nhiệt mà cụ tổ Ucsula đã hiến dâng cho nghề làm kẹo nặn hình con giống Ngoài ra, trong lúc cô sung sướng hát và cười ngặt nghẽo trước những trò chơi của mình thì Aurêlianô ngày một trầm tư hơn, bởi nỗi niềm đam mê của anh vốn lặng lẽ và nguội lạnh. Tuy nhiên cả hai người đi tới những đỉnh điểm của nghệ thuật chơi bời, đến mức khi họ mệt lử trong lúc phè phỡn thì họ lại càng nghịch ngợm thú vị hơn trong lúc nghỉ ngơi. Bọn họ lại hiến dâng tâm sức cho sự sùng bái thần tượng đối với cơ thể mình, ấy là lúc họ phát hiện ra rằng những lúc nghỉ ngơi sau cơn hoan lạc có những khả năng không thể khai thác hết được, nó còn thích thú hơn nhiều so với những khả năng của dục tình. Trong lúc anh lấy lòng trắng trứng gà bôi lên bộ vú cứng dỏng lên của Amaranta Ucsula để mà bóp, hoặc lấy dầu dừa bôi lên đôi vế săn chắc và bụng mềm mại của cô để mà mơn trớn thì cô coi cơ thể cường tráng của Aurêlianô như một con búp bê để nghịch ngợm, lấy son bôi môi để vẽ mắt hề cho anh, dùng chì kẻ mày để vẽ cho anh bộ ria Thổ Nhĩ Kỳ, đeo cho anh chiếc cà vạt Organxa và đội cho anh chiếc mũ làm bằng giấy bạc. Có một đêm, bọn họ lấy mứt đào bôi khắp người từ chân đến đầu rồi như chó họ liếm cho nhau. Rồi như một lũ điên rồ, họ ân ái với nhau ngay ở hành lang và họ bị đánh thức bởi đàn kiến ăn thịt sắp nuốt sống họ. Trong lúc các cuộc truy hoan ngừng nghỉ, Amaranta Ucsula viết thư trả lời Gastôn. Cô cảm thấy ông quá bận rộn và xa lắc đến độ với cô cuộc trở về của ông là không thể có được. Ở một trong những bức thư gửi về trước tiên, ông kể rằng các bạn hữu của mình quả thật có gửi chiếc máy bay đi, nhưng một hãng đường biển ở Bruxen, vì nhầm lẫn, đã gửi nó đến Tangandika, và tại hải cảng này nó sẽ được chuyển đến cho cộng đồng của những người Makônđô(8). Sự nhầm lẫn ấy đã gây ra nhiều phiền phức đến mức chỉ cần thu hồi lại chiếc máy bay cũng phải mất hai năm. Thế là Amaranta Ucsula không phải đề phòng sự trở về bất thình lình của chồng mình. Về phần mình, Aurêlianô không có liên hệ với thế giới bên ngoài nào khác, ngoài những lá thư của cụ già thông thái xứ Catalunha và những tin tức về Gabrien qua miệng Mecxêđet, cô gái bán thuốc lặng lẽ. Lúc chầu đó là những liên hệ thực sự. Ðể ở lại Pari, Gabrien đã trả lại chiếc vé khứ hồi để lấy tiền tiêu và sau đó anh sống bằng cách bán báo cũ và vỏ chai do các cô hầu phòng lôi ra từ trong khách sạn đô phin buồn tẻ. Lúc ấy, Aurêlianô có thể mường tượng thấy anh thường xuyên mặc chiếc áo len cổ to mà chỉ cởi ra khi các sân hiên Môngpacnat đầy những cặp uyên ương mùa xuân đi dạo và trong căn buồng nồng nặc mùi súp lơ sôi, nơi Rôcamatô đã chết đói, anh phải ngủ ngày và thức viết về ban đêm để khiến cơn đói lòng nhầm giờ đỡ hành hạ mình. Tuy nhiên, những tin tức về Gabrien mà anh nhận được ngày một kém chính xác hơn và các bức thư của cụ già thông thái ngày một thưa nhạt, buồn tẻ hơn, đến mức Aurêlianô đã quen nghĩ về họ như Amaranta Ucsula nghĩ đến chồng mình, và rồi cả hai người bồng bềnh sống trong một thế giới trống trải, nơi ái tình là thực tại duy nhất vừa có tính thường nhật lại vừa có tính vĩnh hằng.
Bỗng nhiên, tin Gastôn sẽ trở về đến với họ như một tiếng sét đánh ngang tai ngay trong cái thế giới vô thức đầy hạnh phúc ấy. Aurêlianô và Amaranta Ucsula mở to hai con mắt, xem lại lòng mình, rồi tay đặt lên trái tim mình họ nhìn thẳng vào mặt nhau và hiểu rằng họ gắn bó với nhau đến mức sẽ nhận cái chết nếu phải xa nhau. Thế là cô viết cho chồng mình một bức thư nói những sự thật trái ngược hẳn nhau, trong đó cô khẩn khoản nói rằng cô vẫn yêu ông và khao khát được gặp lại ông, đồng thời cô cũng nói rõ rằng mình sẽ không thể sống được nếu không có Aurêlianô và coi đó như một tiền định không thể nào tránh được. Trái với điều bọn họ mong đợi, với thái độ điềm tĩnh, có thể nói là thái độ của người cha, qua một thư dài hai trang kín đặc chữ, Gastôn đã trả lời họ, ông lưu ý bọn họ nên đề phòng những ý nguyện bồng bột nảy sinh từ chỗ bọn họ đang đam mê và đoạn cuối lá thư ông hoàn toàn đồng ý sẽ không trở lại Macônđô bởi vì ông tin rằng bọn họ sẽ hạnh phúc như ông đã hạnh phúc trong cuộc đời vợ chồng ngắn ngủi của mình. Ðó là một thái độ hết sức bất ngờ đến mức Amaranta Ucsula cảm thấy mình bị sỉ nhục với ý nghĩ rằng mình đã chuẩn bị cho chồng một cái cớ mà ông ta từng mong đợi để phó mặc cô cho số phận. Sáu tháng sau, sự hận thù càng thêm sâu sắc hơn khi Gastôn từ Lêôpônvin là nơi ông đã nhận lại chiếc máy bay, lại viết thư cho cô chỉ yêu cầu gửi cho mình chiếc xe đạp ẩy chân mà theo ông nói nó là cái duy nhất trong số những gì ông để lại ở Macônđô còn có giá trị tình cảm. Aurêlianô bình tĩnh chăm sóc phòng ngủ của Amaranta Ucsula, cố gắng chứng tỏ cho cô biết rằng anh là một người chồng xứng đáng trong lúc thuận lợi cũng như trong lúc khó khăn, và những túng bấn hàng ngày đang vây hãm họ khi những đồng tiền cuối cùng của Gastôn để lại bị tiêu nhẵn đã tạo nên cho họ một sự ràng buộc của tình đoàn kết tuy không rực sáng và kiêu ngạo như nỗi đam mê nhưng đã giúp họ yêu nhau say đắm hơn và khiến họ rất hạnh phúc như đã từng hạnh phúc trong chính cái thời kỳ họ sống cuộc sống đầy sắc dục. Khi Pila Tecnêra mất, bọn họ đang chờ đón đứa con sắp ra đời.
Trong lúc có chửa, Amaranta Ucsula định hành nghề sản xuất những cái vòng làm từ xương sống cá. Nhưng ngoại trừ Mecxêđet, là người nhận mua của cô một tá, không có ai mua những chiếc vòng này. Lần đầu tiên trong đời, Aurêlianô ý thức được rằng cái tài ngoại ngữ, sự hiểu biết bách khoa, khả năng nhớ kỳ lạ không cần biết những chi tiết nhỏ nhặt của các sự kiện và địa điểm xa xưa của anh, mọi thử ấy đều vô dụng như cạnh cái hộp khảm ngọc của vợ anh, mà lúc này có lẽ trị giá bằng toàn bộ số tiền của tất cả những cư dân cuối cùng ở Macônđô cộng lại. Họ sống nhờ phép màu. Mặc dù Amaranta Ucsula không để mất tính tình vui vẻ cũng như những mánh khoé của cô trong các cuộc thác loạn, cô đã làm quen với việc sau bữa cơm trưa ngồi ở hành lang để mà suy tư và mơ màng ngủ. Aurêlianô ở bên cạnh cô. Ðôi lúc họ lặng lẽ ngồi cho đến khi màn đêm buông xuống, người nọ nhìn vào mắt người kia, để trong im lặng ân ái với nhau bằng tất cả tâm hồn như trước đây họ từng ân ái với nhau trong sự ồn ĩ. Một tương lai bấp bênh không xác định buộc họ phải hướng tình cảm về quá khứ. Họ nhìn vào nhau mà thấy chính mình trong cái thiên đường thời mưa lụt đã mất, bì bõm lội trong những vũng nước bùn ở ngoài sân, giết những con thằn lằn để đeo lên người Ucsula, chơi trò chôn sống cụ và chính những hình ảnh được hồi tưởng lại ấy đã làm cho họ thấy rõ sự thật là mình hạnh phúc ngay từ khì mới có trí nhớ. Do dõi sâu vào quá khứ mà Amaranta Ucsula nhớ ra một buổi chiều cô bước vào xưởng kim hoàn và mẹ cô đã kể cho cô biết rằng chú nhóc Aurêlianô là đứa con vô thừa nhận bởi vì bà đã bắt được nó nằm trong chiếc làn. Mặc dù cảm thấy lời giải thích ấy là không có căn cứ xác thực, nhưng bọn họ cũng không có nguồn tài liệu nào khác để thay lời giải thích này bằng một lời giải thích đúng đắn hơn. Sau khi suy đi tính lại tất cả các khả năng, điều duy nhất mà hai người chắc chắn hơn cả là Phecnanđa không phải là mẹ đẻ của Aurêlianô. Amaranta Ucsula thiên về ý nghĩ cho rằng Aurêlianô là con của Pêtra Côtêt, người mà cô chỉ còn nhớ được những chuyện nhơ nhuốc hoang đường và chính lời đoán định đó đã gây nên trong tâm hồn họ nỗi kinh hoàng.
Aurêlianô đau đớn trước ý nghĩ sáng tỏ rằng mình là em trai vợ mình nên anh đã trốn vào tu viện để tìm một dấu vết đáng tin nào đó về nguồn gốc của mình trong cái đống tài liệu bừa bộn đã bị gián nhấm. Lời ghi chú lễ đặt tên xa xưa nhất mà anh thấy là lời ghi chú về Amaranta Buênđya, người được cha Nicanô làm lễ đặt tên cho ở tuổi thiếu nữ, đó là thời kỳ cha đi lại khắp làng, bằng cách lợi dụng sự kích thích của sôcôla, cố chứng minh cho sự hiện tồn của Thượng đế. Sau khi lật hết bốn cuốn danh bạ anh thấy những lời ghi chú và ngày sinh của mười bảy anh em Aurêlianô thì anh đã tưởng rằng mình là một trong số mười bảy người này nhưng các ngày làm lễ rửa tội ấy lại quá xa xưa so với tuổi của anh. Thấy anh đang lạc lối trong cái mê cung để tìm cho ra gốc gác ruột thịt của mình và run rẩy vì hoang mang, vị cha sứ mắc chứng tê thấp nằm trên võng quan sát anh và với giọng chậm chạp, hỏi anh tên là gì.
- Aurêlianô Buênđya, - anh trả lời.
- Vậy con chớ mất công tìm kiếm. - Với thái độ dứt khoát cha sứ thốt lên. - Từ lâu rồi, ở đây có một con đường được gọi tên như thế, và bởi thế dân chúng lúc ấy quen đặt tên cho con mình bằng tên đường phố.
Aurêlianô run lên vì giận dữ:
- Trời ơi? - anh nói. - Vậy là cha cũng không tin.
- Tin cái gì kia?
- Cha không tin rằng ngài đại tá Aurêlianô Buênđya đã tiến hành ba mươi hai cuộc nội chiến và đã thất bại hoàn toàn. Cha cũng không tin rằng quân đội đã quây chặt rồi quét liên thanh giết chết ba ngàn người lao động và rằng chúng đã chất xác chết lên một đoàn tàu dài hai trăm toa để ném xuống biển.
Với cái nhìn thương hại, cha sứ nhìn anh:
- Ôi! Con ơi? - cha thở dài, - với cha, chỉ cần biết chắc rằng con và cha đang tồn tại trong lúc này là đủ rồi, đủ lắm rồi?
Vậy là Aurêlianô và Amaranta Ucsula chấp nhận câu chuyện chiếc làn là một bằng chứng về nguồn gốc của Aurêlianô, không phải vì họ tin nó mà chỉ vì nó có tác dụng khiến tâm hồn họ thanh thản. Trong lúc cái bào thai ngày càng lớn lên, bọn họ càng khăng khít với nhau đến mức tuy hai mà là một, ngày càng hoà tan mình vào cái cô đơn trong một ngôi nhà ọp ẹp mà chỉ một làn gió thổi cũng sập. Bọn họ tự hạn chế trường hoạt động của mình vào một không gian thực sự cần thiết nghĩa là từ phòng ngủ của Phecnanđa, nơi bừng sáng những giờ hoan lạc tĩnh tại, cho đến hành lang, nơi Amaranta Ucsula ngồi khâu giày và mũ cho trẻ sơ sinh, và là nơi Aurêlianô ngồi viết thư phúc đáp thư cụ già thông thái người xứ Catalunha mà thỉnh thoảng anh mới nhận được. Phần còn lại của ngôi nhà đã đầu hàng các lực lượng phá huỷ của thiên nhiên đang ngày càng siết chặt vòng vây. Xưởng kim hoàn, căn phòng của Menkyađêt, những vương quốc nguyên thuỷ và trầm mặc của Santa Sôphia đê la Piêđat, tất thầy đều chìm trong một khu rừng hoang hiện tồn ngay trong nhà mà chẳng một ai dám bước chân vào. Bị thiên nhiên hung bạo vây chặt, Aurêlianô và Amaranta Ucsula vẫn tiếp tục trồng các cây kinh giới và bảo vệ thế giới của mình bằng những vạch vôi để dựng lên những chiến luỹ cuối cùng của cuộc chiến tranh tự ngàn xưa giữa con người và lũ kiến đỏ. Mái tóc dài không được chải chuốt, gương mặt thâm tím những vết bầm máu, đôi chân xuống máu cứ nề ra vào buổi sáng, cái cơ thể son sẻ đầy yêu đương như thân con chồn của cô trước đây bây giờ đang xổ ra, tất cả những thứ đó đã khiến cho Amaranta Ucsula mất đi cái dáng vẻ trẻ trung hồi trở về nhà với lồng chim bạch yến bất hạnh và người chồng ngoan ngoãn, nhưng đã không làm thay đổi được sức mạnh tinh thần của cô. "Ðồ cứt đái", cô vẫn thường cười cợt: "Ai mà dám nghĩ rằng thực ra chúng ta sẽ tự kết liễu mình bằng cách sống như những kẻ ăn thịt đồng loại". Sợi chỉ cuối cùng còn ràng buộc họ với thế giới bên ngoài bị đứt nốt vào lúc cái thai vừa được bảy tháng, khi bọn họ nhận được một lá thư, nhưng đó hiển nhiên không phải là thư của cụ già thông thái người xứ Catalunha. Phong thư được gửi đi từ Bacxêlôna bị rách mép, nhưng vì được viết với một nét chữ nắn nót bằng mực xanh nên nom ưa mắt. Nó có diện mạo đơn sơ và không đề tên người gửi, giống như những lá thư của kẻ thù. Aurêlianô giằng lấy lá thư từ tay Amaranta Ucsula khi cô sắp sủa bóc nó ra.
- Anh không thích lá thư này, - Aurêlianô nói. - Anh không muốn biết trong thư nói gì.
Quả như điều anh dự cảm, cụ già thông thái người xứ Catalunha không viết thư cho anh. Cái bức thư xa lạ, vốn không một ai đọc, nằm trên chiếc giá kệ nơi Phecnanđa đã có lần bỏ quên chiếc nhẫn cưới, mặc cho gián nhấm và tiếp tục nằm ở đấy để tự thiêu huỷ trong ngọn lửa nội tại của tin tức không lành, trong khi đó những người tình cô đơn bơi ngược dòng thời gian của những ngày cuối cùng ấy, những ngày không thay đổi và bất hạnh, trôi nhanh đi trong nỗ lực vô ích nhằm ném họ xuống cõi hư vô buồn chán và lãng quên. Vốn hiểu rõ sự đe doạ ấy, Aurêlianô và Amaranta Ucsula tay cầm tay cùng sống cho đến những tháng cuối cùng để bằng tình yêu chung thuỷ hoàn thiện việc hoài hai đứa con trai được bắt đầu bằng những cơn thác loạn gian dâm. Về ban đêm, họ ôm nhau nằm trên giường không hề run sợ trước những tiếng động ầm ầm của bầy kiến đang làm tổ, tiếng bay rào rào của bày gián cũng như tiếng thở rền rĩ và âm vang của cỏ dại thi nhau mọc tại các phòng bên. Rất nhiều lần bọn họ bị các bóng ma đi lại đánh thức dậy. Họ nghe thấy Ucsula đang chiến đấu với luật lệ của sự sáng thế để duy trì dòng dõi của mình, nghe thấy Hôsê Accađiô Buênđya đang tìm kiếm chân lý hão huyền của những phát minh vĩ đại, nghe thấy Phecnanđa đang lầm rầm cầu kinh, nghe thấy đại tá Aurêlianô Buênđya đang ngây dại đi trước sự lừa phỉnh của chiến tranh và những con cá vàng, nghe thấy Aurêlianô Sêgunđô đang kiệt sức vì cô đơn trong các cuộc vui nhậu nhẹt điên cuồng, và thế là họ hiểu rằng những ám ảnh chủ yếu ấy có giá trị chống lại cái chết và họ lại hạnh phúc với ý nghĩ sáng tỏ rằng bọn họ sẽ tiếp tục yêu nhau với tư chất của mình khi đã chết, khi ấy một số loại động vật tương lai sẽ giúp họ tiêu diệt những loài sâu bọ đang quét sạch những con người ở cái thiên đường khốn cùng này.
Vào lúc sáu giờ chiều một ngày chủ nhật, Amaranta Ucsula trở dạ đẻ. Bà đỡ vui vẻ của các cô gái làm tình nuôi miệng đã đặt cô nằm trên chiếc bàn ăn, rồi cưỡi trên bụng cô, đấm thùm thụp lên người cô, cho đến khi những tiếng kêu của cô bị tiếng khóc oe oe của đứa hài nhi bụ bẫm lấn át. Qua làn nước mắt, Amaranta Ucsula nhìn thấy nó là một Buênđya của những Buênđya vĩ đại, khoẻ mạnh và kiên quyết như Hôsê Accađiô, với đôi mắt mở to thao láo và rực sáng như mắt của những người có tên Aurêlianô, và đã sẵn sàng làm lại nòi giống mình từ đầu, sẵn sàng thanh lọc những thói xấu nguy kịch và thiên hướng thích cô đơn của dòng họ mình, bởi đứa hài nhi này là người duy nhất trong một thế kỷ đã được hoài thai bằng tình yêu.
- Nó hoàn toàn là một kẻ ăn thịt đồng loại, - cô nói, - sẽ đặt tên cho nó là Rôđrigô.
- Không, - chồng cô phản đối, - sẽ đặt tên cho nó là Aurêlianô và nó sẽ thắng cả ba mươi hai cuộc chiến tranh.
Sau khi cắt rốn cho nó, bà đỡ liền lấy tấm giẻ lau thứ nước nhờn màu xanh bọc khắp cơ thể nó. Aurêlianô soi đèn cho bà làm. Chỉ đến khi lật sấp đứa hài nhi xuống, mọi người mới nhận thấy nó còn có một cái gì đó khác hẳn với mọi người đàn ông. Thế là họ cúi xuống nhìn cho kỹ. Ðó là một cái đuôi lợn.
Họ không hề lo lắng. Aurêlianô và Amaranta Ucsula không biết rõ lai lịch gia đình mình cũng như không nhớ những lời nhắc nhủ tâm huyết của Ucsula, và bà đỡ đã an ủi họ với lời dự đoán rằng cái đuôi vô dụng ấy sẽ có thể rụng đi khi đứa trẻ thay răng sữa. Sau đó bọn họ không có dịp để nghĩ về cái đuôi lợn, bởi vì Amaranta Ucsula bị rong máu không thể nào cầm được. Với việc dùng mạng nhện và tro đã ngào nước người ta định cứu cô nhưng vô hiệu, việc làm này cũng chẳng khác gì lấy tay bịt miệng vòi nước đang phun. Trong những giờ đầu, cô cố lấy sức giữ thái độ vui vẻ. Cô cầm tay Aurêlianô đang hoảng hốt để van nài anh đừng lo, rồi nói với anh rằng người như cô sinh ra đời không phải để chết trái với ý nguyện, rồi cô cười chế giễu những biện pháp ngô nghê của bà đỡ. Nhưng rồi trong lúc Aurêlianô ngày một mất hy vọng thì hình bóng cô ngày một nhoè dần như thể người ta đang xoá cô bằng ánh sáng, cho đến khi cô chìm đi trong cơn hôn mê. Buổi sáng ngày thứ hai người ta dẫn một người đàn bà đến bên giường cô nguyện cầu những bài kinh sôi nổi, đọc rõ tên người và tên con vật, nhưng bầu nhiệt huyết của Amaranta Ucsula vẫn lì trơ trước tất cả mọi trò nhân tạo khác với tình yêu. Chiều ngày thứ hai, sau hai mươi bốn giờ lo âu và thất vọng, bọn họ biết rằng cô đã chết bởi vì lượng máu trong cô đã cạn không phương cứu chữa, và gương mặt nhìn nghiêng của cô đanh lại, những nếp nhăn trên mặt biến đi khiến khuôn mặt cô trở thành một vầng mặt trời trắng bệch, và cô lại cười.
Cho đến lúc này Aurêlianô chưa hiểu được anh yêu các bạn mình đến như thế nào, anh cần có họ đến như thế nào và anh mong được gặp họ đến như thế nào. Anh đặt đứa hài nhi vào chiếc làn do mẹ nó đã chuẩn bị sẵn, lấy tấm khăn choàng đắp cho tử thi, rồi lang thang không phương hướng trong cái làng hoang vắng để tìm một hẻm núi dẫn về thời quá khứ. Anh gọi cửa hiệu thuốc, là nơi thời gian gần đây anh không đến, và cái mà anh thấy lại là một xưởng mộc. Bà già mở cửa cho anh, tay cầm một ngọn đèn dầu, tỏ lòng thương hại anh lạc đường và khăng khăng bảo anh rằng đây không phải là hiệu thuốc, rằng ở đây chưa bao giờ là hiệu thuốc, cũng không bao giờ quen một cô gái có cổ cao ba ngấn với đôi mắt mơ huyền được gọi tên là Mecxêđet. Anh gục đầu vào cửa hiệu sách cũ của cụ già thông thái người xứ Catalunha để khóc lóc mà tin rằng bằng những tiếng khóc muộn màng, mình đang trả nợ một cái chết mà anh không muốn khóc đúng lúc để khỏi làm đứt quãng sự quyến rũ của tình yêu. Anh nắm tay lại đấm mạnh vào những bức tường gạch của cái nhà chứa Cậu bé vàng, cái tên do Pila Tecnêra đặt, không hề để ý tới những chiếc đĩa vàng màu da cam đang rực rỡ bay ngang bầu trời mà trước đây trong một đêm hội, đứng ở sân những chú diệc, anh đã háo hức ngắm nhìn. Một đội đàn phong cầm chơi những bài hát của Raphaen Escalôna, người cháu của đức giám mục, người kế thừa của cụ Phranxiscô - Con Người ở quán nhậu ngoài trời thuộc xóm cờ bạc đã hoang vắng bóng người. Chủ quán, người có cánh tay khô quắt, như thể bị cháy sẹo vì đã dùng nó để làm hại đời mẹ mình, đã mời Aurêlianô cùng uống một chai rượu mạnh, rồi sau đó Aurêlianô lại mời ông ta cùng uống một chai nữa. Chủ quán kể cho Aurêlianô nghe nỗi bất hạnh của cánh tay mình. Aurêlianô kể cho ông ta nghe nỗi bất hạnh của trái tim mình, khô quắt và sẹo cháy vì đã dùng nó để làm hại đời chị gái mình. Kể xong bọn họ cùng khóc lóc bên nhau rồi Aurêlianô bỗng thấy nỗi đau của lòng mình vợi hẳn đi. Nhưng khi đơn độc một mình đứng trong buổi đêm về sáng cuối cùng ở Macônđô, anh dang rộng hai cánh tay ngay giữa quảng trường, sẵn sàng đánh thức cả thế gian tỉnh giấc, với tất cả tâm hồn, anh gào:
- Bạn bè là một lũ con hoang.
Nigrômanta lôi anh ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa những thứ nôn ra và nước mắt. Cô đưa anh về phòng, lau chùi cho anh và cho anh uống một ca nước mía. Cô lấy than xoá đi những vạch đánh dấu các khoản tiền anh còn nợ sau không biết bao nhiêu lần ngủ với cô mà nghĩ rằng bằng cách này cô sẽ an ủi anh và cô gợi lại những nỗi buồn cô đơn một cách thoải mái để anh khỏi phải khóc một mình. Khi tỉnh dậy, sau một giấc ngủ chập chờn và ngắn ngủi, Aurêlianô nhận ra mình đang đau đầu. Anh mở mắt và nhớ đến đứa hài nhi. Anh không thấy đứa hài nhi trong chiếc làn. Bỗng anh sướng ngây ngất vì tin rằng Amaranta Ucsula từ cõi chết đã tỉnh lại để chăm nom đứa trẻ. Nhưng xác chết như một tảng dá vẫn nằm nguyên dưới tấm khăn choàng. Vì nhớ rõ rằng khi về đến nhà đã thấy của buồng ngủ mở toang nên Aurêlianô liền rảo bước đi qua hành lang sực nức mùi kinh giới mỗi buổi sáng, anh thò đầu vào phòng ăn nơi vẫn còn bừa bãi các thứ rác rưởi sau khi đỡ đẻ xong: cái chảo lớn, những tấm vải trải giường bê bết máu, những giành tro, và cả cái rốn quăn của đứa hài nhi nằm trong chiếc tã lót trải rộng trên mặt bàn bên cạnh chiếc kéo và cuộn chỉ. Ý nghĩ bà đỡ đã trở lại ôm ẵm đứa bé trong suốt đêm qua đã mang lại cho anh một chút thanh thản trong lòng để suy nghĩ. Anh gieo mình trên chiếc ghế xích đu mây, vẫn chính là chiếc ghế xích đu mà Rêbêca trong buổi đầu của gia đình này đã ngồi để dạy các bạn thêu, sau đó Amaranta ngồi chơi cờ đam với đại tá Hêrinênđô Mackêt, Amaranta Ucsula ngồi may quần áo cho trẻ sơ sinh, và trong ánh chớp rực sáng của trí thông minh anh đã ý thức được rằng mình không thể chịu đựng nổi sức nặng của quá khứ đang đè lên tâm hồn mình. Vì bị nỗi hoài nhớ của chính mình và của người khác phóng những mũi lao tử thương làm cho mệt mỏi, Aurêlianô ngạc nhiên nhìn những tấm mạng nhện ương bướng phủ trên vườn hồng chết đứng, nhìn cỏ dại bền bỉ mọc lên um tùm ở khắp nơi, nhìn không khí bình lặng ôm trùm trong buổi mai đỏ rực của tháng hai. Thế là anh nhìn ra đứa hài nhi. Lúc này nó chỉ còn là một bộ da phồng khô cứng mà loài kiến ở khắp trái đất đã kéo tới rồi nặng nhoè khiêng nó đi theo những lối mòn lởm chởm đá về tổ. Aurêlianô không thể cựa quậy được. Không cựa quậy được không phải vì nỗi sợ hãi kinh hoàng khiến anh ngồi yên mà vì trong phút giây kỳ ảo đó những khoá mã chính xác của cụ Menkyađêt đã hiện ra trước mắt anh và thứ văn tự viết trên những tấm da thuộc kia đã được sắp đặt một cách chính xác trong thời gian và không gian của những con người: Người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ.
Ở bất kỳ một hành động nào trong cuộc đời mình, Aurêlianô chưa bao giờ minh mẫn như khi anh quên đi những người thân đã chết của mình và quên đi nỗi đau thương cho họ, anh lấy then chắn cửa của Phecnanđa đóng chặt các cửa lại để ở yên trong nhà vì lúc đó anh hiểu số phận của mình đã được viết trên những tấm da thuộc của cụ Menkyađêt. Anh thấy chúng mới nguyên nằm bên cạnh những cây cối thời tiền sử và những vũng bùn ẩm ướt cùng những côn trùng rực sáng từng ném ra khỏi phòng tất cả dấu ấn của con người trên mặt đất, rồi anh không còn đủ bình tĩnh để đưa những tấm da thuộc ra chỗ sáng, trái lại anh đứng nguyên ở đấy, vẫn nhìn rất rõ chữ, như thể chúng được viết bằng tiếng Tây Ban Nha dưới ánh sáng rực rỡ lúc đang trưa. Anh bắt đầu đọc thành lời những trang viết đã được mã hoá ấy. Ðó là chuyện về gia đình được cụ Menkyađêt viết tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trước đây một trăm năm. Cụ đã viết nó bằng tiếng Phạn vốn là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, cụ đã mã hoá những bài thơ có vần của hoàng đế Augustô bằng mật mã riêng và những bài thơ không vần bằng mật mã của quân đội Hy Lạp. Ẩn ý cuối cùng của cụ mà Aurêlianô bắt đầu nhận ra khi anh thôi không để cho tình yêu của Amaranta Ucsula làm cho lú lẫn, nằm ở ngay chỗ Menkyađêt không sắp đặt các sự kiện theo thứ tự thời gian mà tập trung cả một thế kỷ những chuyện hàng ngày lại, làm cho chúng cùng tồn tại trong một lúc. Hào hứng trước thành tựu đạt được, Aurêlianô đọc to lên, không hề vấp váp, những bài nhã ca mà chính cụ Menkyađêt đọc cho Accađiô nghe và thực ra đó là những lời tiên tri về sự hành hình của ông, rồi anh đọc lời tiên đoán trước về sự ra đời của người con gái đẹp nhất trần gian hoàn toàn bay lên trời, rồi đọc được cội nguồn của hai anh em sinh đôi sau ớ đã từ bỏ việc giải mã thứ văn chương khó hiểu được viết trên những tấm da thuộc, họ phải từ bỏ không vì họ thiếu quyết tâm và nhẫn nại mà vì những ý định của họ đến quá sớm trước khi những tấm da thuộc được trăm tuổi. Trong lúc này, vì háo hức muốn biết nguồn gốc của mình, Aurêlianô liền bỏ cách một đoạn. Lúc đó bắt đầu nổi gió, một thứ gió mới khởi phát, còn yếu ớt, mang theo nó những tiếng nói của quá khứ, những tiếng thì thào của hoa phong lữ cổ xưa, và những tiếng thở dài não nuột của những ai đã tỉnh mộng trước những nỗi hoài nhớ da diết nhất. Nhưng Aurêlianô không nhận ra nó vì cũng trong lúc đó anh đã phát hiện ra những dấu hiệu sẽ nói rõ con người mình ở trong một người ông hám của và háu gái từng để cho sự nhẹ dạ lôi mình đi qua hoang mạc để tìm một người đàn bà và đã không đem lại hạnh phúc cho bà. Aurêlianô nhận ra ông ngoại mình và tiếp tục dò tìm những con đường lẩn quất của cha mẹ mình, rồi anh bắt gặp cái giây phút hoài thai của mình giữa những con bò cạp và đàn bướm vàng trong một nhà tắm lúc hoàng hôn, nơi một anh thợ cơ khí đang thoả cơn thèm khát nhục dục của mình với một người đàn bà nổi loạn đã hiến thân cho anh ta. Anh đang quá sừng siết đến mức không nhận ra sự chuyển mình rùng rùng lần thứ hai của cơn gió mà sức mạnh bão tố của nó đang giật đứt những bản lề cửa, lật tung mái hiên nhà phía đông, và làm rạn nứt sàn xi măng. Chỉ đến lúc ấy anh mới phát hiện ra rằng Amaranta Ucsula không phải là chị gái mình, mà là dì ruột của mình, và rằng tên cướp biển Phranxixcô Đrăc đã tấn công Rioacha nhằm làm cho họ tìm kiếm lẫn nhau hoài trong cái mê cung cùng huyết thống rắc rối nhất mãi cho đến khi đẻ ra một con vật huyền thoại sẽ kết thúc dòng họ mình. Lúc này Macônđô chi còn là một cơn lốc dữ dội đầy bụi và rác rưởi cứ xoáy tít mù nhờ cơn dông bão từng được nói tới trong Kinh thánh đang vần vũ, đó cũng là lúc Aurêlianô lật lướt nhanh mười một trang để khỏi mất thời gian vào những sự kiện đã quá quen biết, và khi bắt đầu giải mã đoạn nói về cái giờ phút mình đang sống, anh giải mã theo cách mình đã sống trong các sự kiện ấy. Và trong lúc giải mã trang cuối cùng, bằng cách đoán trước anh đọc nó như thể anh đang nhìn vào một tấm gương biết nói. Lúc này, anh lại bỏ qua một quãng để đọc trước những lời tiên tri và để xác định ngày và hoàn cảnh xảy ra cái chết của chính mình. Tuy nhiên, trước khi đọc đến bài thơ cuối cùng, anh đã hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ ra khỏi căn phòng này nữa bởi anh đã thấy trước rằng thành phố những tấm gương (hay đúng hơn thành phố những ảo ảnh) sẽ bị gió cuốn đi và sẽ bị xoá sạch khỏi ký ức con người trong lúc anh, Aurêlianô Babilônia, giải mã xong các tấm da thuộc, và tất cả những gì được viết trong những tấm da thuộc này sẽ không được lặp lại và mãi mãi không bao giờ được lặp lại, bởi vì những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này.
Chú thích:
(1) Gái lai đen.
(2) Luxiô Aunêô Sênêca (- 65). một triết gia Tây Ban Nha Latinh sinh tại Corđôba.
(3) Publiô Oviđiô Nasôn, nhà thơ Latinh sinh tại Sanmôra (sinh năm 43 trước Công nguyên và chết năm 17 sau Công nguyên), tác giả của Arte de Amor (Nghệ thuật tình yêu) và Metamorfosis (Sự biến hình).
(4) Tiếng nói của cư dân sống ở thành Cactagô, một thành phố cổ xưa của châu Phi.
(5) Có lẽ là tiếng cactagô trong nguyên bản có nghĩa rất tục.
(6) Một thành phố Tây Ban Nha nằm trên bờ Ðịa Trung Hải.
(7) Lenđa: một tỉnh thuộc Tây Ban Nha nằm giữa sông Sêgrê và sông Ebrô.
(8) Makônđô ở đây thuộc châu Phi.
Hết.