Chương 6 - Lòng hào hiệp
Thứ tư, ngày 26
Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn - tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. - Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.
Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
_ Ai ném lọ mực ?
Chẳng ai hé răng.
Thầy gắt :
_ Ai ? Ai ném ?
Lúc ấy bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Garônê đứng dậy nói quả quyết :
_ Thưa thầy, con.
Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thầy hiểu ngay và ôn tồn nói :
_ Không. Không phải con.
Xong thầy lại nói :
_ Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha.
Crôtxi đứng lên nói :
_ Thưa thầy, các anh ấy chọc con, đánh và chửi con... Con mất trí... Con trót ném...
_ Thầy nói tiếp :
_ Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên.
Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu.
_ Thầy mắng :
_ Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh đã xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện !
Nói xong thầy xuống giữa lớp, lại chỗ anh Garônê ngồi. Thấy thầy đến, anh cúi đầu. Ông Perbôni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói :
_ Con có một trái tim cao thượng đáng khen !
Anh Garônê nhân dịp ấy cúi vào tai thầy nói nhỏ mấy câu. Lập tức thầy quay lại chỗ 4 kẻ tội nhân và đột nhiên bảo :
_ Thôi ! Tha cho các anh.
- Chương 1 - Ngày khai trường
- Chương 2 - Thầy giáo mới
- Chương 3 - Một tai nạn
- Chương 4 - Cậu bé miền nam
- Chương 5 - Bạn tôi
- Chương 6 - Lòng hào hiệp
- Chương 7 - Trên rầm thượng
- Chương 8 - Học đường
- Chương 9 - Lòng yêu nước của em bé thành Pađôva
- Chương 10 - Em bé quét mồ hóng
- Chương 11 - Người bán than và ông quý phái
- Chương 12 - Mẹ tôi
- Chương 13 - Học trò nghèo
- Chương 14 - Ân nhân của bạn Nelli
- Chương 15 - Em bé trinh sát
- Chương 16 - Kẻ khó
- Chương 17 - Tính khoe khoang
- Chương 18 - "Chú phó nề"
- Chương 19 - Quả cầu tuyết
- Chương 20 - Các cô giáo trường tôi
- Chương 21 - Thăm ông già bị nạn
- Chương 22 - Chàng viết mướn thành Phirenze
- Chương 23 - Lòng biết ơn
- Chương 24 - Thầy giáo phụ
- Chương 25 - Đứa con người thợ rèn
- Chương 26 - Phranti bị đuổi
- Chương 27 - Chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha
- Chương 28 - Lòng ái quốc
- Chương 29 - Bà mẹ anh Phơranti
- Chương 30 - Chiếc xe hỏa máy
- Chương 31 - Một kẻ tù phạm
- Chương 32 - Làm khán hộ cho cha
- Chương 33 - Chú hề con
- Chương 34 - Ngày cuối cùng hội giả trang
- Chương 35 - Những trẻ em mù
- Chương 36 - Lớp học tốt
- Chương 37 - Đám đánh nhau
- Chương 38 - Người tù số 78
- Chương 39 - Trước ngày 14 tháng ba
- Chương 40 - Lễ phát phần thưởng
- Chương 41 - Lòng cháu
- Chương 42 - Chú phó nề trong phút hiểm nghèo
- Chương 43 - Viện dục anh
- Chương 45 - Kỳ dưỡng bệnh
- Chương 46 - Bạn ta là thợ
- Chương 47 - Bà mẹ anh Garone
- Chương 48 - Lòng nghĩa hiệp
- Chương 49 - Hy sinh
- Chương 50 - Một vụ hỏa tai
- Chương 51 - Quê người tìm mẹ
- Chương 52 - Trường câm điếc
- Chương 53 - Đi ngoài phố
- Chương 54 - 32 độ
- Chương 55 - Cha tôi
- Chương 56 - Thú quê
- Chương 57 - Cuộc phát thưởng cho thợ thuyền
- Chương 58 - Lời đa tạ
- Chương 59 - Đắm tàu
- Chương 60 - Trang cuối cùng của mẹ tôi (Hết )