Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
Ngài Tapeworm đối xử lịch thiệp đến như thế, thảo nào chẳng khiến cho Sedley có cảm tình; cho nên ngay sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, anh ta lên tiếng tuyên bố rằng kể từ khi bắt đầu cuộc du lịch, chưa thấy nơi nào thú vị bằng thị trấn Pumpernickel. Vì sao Joe hào hứng đến thế, kể cũng chẳng có gì là khó hiểu. Anh chàng Dobbin vẫn cười thầm mỗi khi nghe ngài cựu ủy viên tài phán lên mặt hiểu biết tả lại lâu đài Tapeworm và lai lịch họ hàng nhà quý tộc này, tự nhiên cứ như không; thật ra mới sáng nay, anh ta dậy sớm ngồi giở cuốn "Danh bạ quý tộc" mang theo ra tra cứu mãi mới biết. Theo lời Joe thì chính anh ta đã có lần gặp bá tước Bagwig thân sinh ra ngài Tapeworm; rõ ràng là anh ta đã gặp một lần, gặp ở... ở buổi lễ "Ngự tẩy"... Dobbin còn nhớ không nhỉ? Và khi nhà ngoại giao giữ đúng lời hứa đến thăm, Joe đã tiếp đãi hết sức long trọng, cúi rạp xuống mà chào, chưa bao giờ nhà ngoại giao được tiếp đón như vậy. Ngài đại biện vừa tới, Joe quay sang nháy mắt với bác Kirsch người phái viên này đã có chỉ thị từ trước, lập tức bước ra ngoài, ra lệnh chuẩn bị đủ các thứ: Thịt nguội, nước hoa quả ép, và các thứ kẹo mứt; bác đặt tất cả lên khay bưng vào. Joe nhất định nài vị quý khách phải dùng một ít mới chịu.
Tapeworm không mong gì hơn là có cớ ngồi lại để ngắm đôi mắt long lanh của bà Osborne (nước da tươi mịn của Amelia gặp ánh sáng ban ngày lại càng đẹp), cho nên lão vui vẻ nhận lời mời ngồi nán lại. Lão lựa vài câu hỏi cực khéo, yêu cầu Joe cho biết về Ấn Độ và về những vũ nữ ở đó; lão lại hỏi Amelia có phải đứa trẻ xinh xắn vẫn đi theo cô là con trai không, rồi lão ca tụng mãi Amelia, bảo rằng cô làm cho bao nhiêu người trong rạp hát phải chú ý đến; Amelia nghe nói ngạc nhiên lắm. Lão còn cố hấp dẫn cả Dobbin bằng những câu chuyện về cuộc chiến tranh vừa qua; lão kể rằng đoàn quân tình nguyện quận Pumpernickel dưới quyền chỉ huy của vị thế tử, hiện nay là quận công Pumpernickel, đã lập rất nhiều chiến công hiển hách.
Tapeworm quả đã thừa hưởng được của dòng họ khá nhiều đức tính lịch thiệp; xưa nay lão vẫn sung sướng đinh ninh rằng một khi lão đã đưa mắt tống tình người đàn bà nào thì nhất định người ấy phải xiêu lòng. Từ biệt Emmy ra về, lão chắc mẩm trong bụng rằng khoa tán và cái mẽ người hấp dẫn của mình hẳn đã làm cho người đàn bà chết mê chết mệt. Lão bèn về nhà ngồi viết một lá thư tình thật hay ho gửi cho Emmy. Nhưng Emmy không bị chết mê chết mệt; cô chỉ hơi bối rối trước cái cười đờ đẫn nhăn nhở của lão, trước cái khăn tay lụa nõn sực mùi nước hoa và đôi ủng gót cao bóng loáng của lão. Nghe lời lão tán tụng, cô chỉ hiểu đại khái. Vốn rất ít kinh nghiệm trong việc giao tiếp với đàn ông (Emmy chưa hề bao viờ tiếp xúc với một tay tán gái lành nghề) cho nên cô chỉ thấy ngài quí tộc Tapeworm là một cái gì kỳ quái hơn là đáng yêu; và nếu như cô không phải lòng lão ta, chắc chắn đối với lão, cô rất ngạc nhiên. Trái lại, Joe tỏ vẻ rất hài lòng. Anh ta nói:
- Ngài bá tước mới lịch sự làm sao chứ. Ngài bảo rằng sẽ phái viên thầy thuốc riêng đến đây thăm bệnh cho tôi, con người quý hóa có một. Kirsch, anh mang danh thiếp của chúng ta đến nhà bá tước Schlusselback ngay, nghe không: Thiếu tá và ta đang muốn vào triều kiến càng sớm càng hay đây. Sửa soạn sẵn bộ lễ phục của ta, Kirsch... cả lễ phục của thiếu tá nữa. Phàm là người Anh thượng lưu hễ ra ngoại quốc là phải đến thăm vị đại diện của nước mình và đến ra mắt vị quốc vương xứ mình đến du ngoạn, như thế mới là có lễ độ. Khi viên thầy thuốc của bá tước Tapeworm, tức là bác sĩ Von Glauber, thầy thuốc riêng của ngài quận công, đến thăm sức khỏe cho Joe, lão tán tỉnh làm cho anh chàng tin ngay rằng muốn trẻ lại như con trai và làm cho người thon bớt đi thì không gì bằng theo thuốc của lão và tắm suối nước nóng ở Pumpernickel. Lão tán:
- Năm ngoái tướng Bulkeley có đến đây; ngài cũng là một vị tướng người Anh, to béo còn gấp đôi ông nữa cơ. Thế mà chỉ theo thuốc của tôi có ba tháng, ngài đã gầy hẳn đi; và sau có hai tháng ngài đã khiêu vũ được với Glauber nam tước phu nhân rồi đấy.
Vậy là ý Joe đã quyết: ở đây có nước suối nóng, có ông bác sĩ, có triều đình, lại được ngài đại biện sứ quán khuyến khích, anh ta bèn tuyên bố sẽ lưu lại thị trấn thú vị này nốt mùa thu. Và giữ đúng lời hứa, ngày hôm sau, vị đại biện sứ quán đưa Joe và viên thiếu tá đến ra mắt Victor Aurelius XVII, bá tước Schlusselback, thị vệ đại thần của hoàng gia, đích thân ra tiếp để dẫn vào triều kiến vị tiểu quốc vương (<115>).
Thế là lập tức họ được mời vào dự tiệc trong triều. Joe quyết định lưu lại chơi Pumpernickel một thời gian; tin này được tung ra, các bà các cô lịch sự nhất trong tỉnh ùa nhau kéo đến thăm Osborne. Trong đám này, bà nào nghèo rớt mùng tơi cũng phải là nam tước phu nhân trở lên; Joe khoái trí vô kể.Anh ta viết thư gửi về Anh cho Chutney báo tin rằng uy tín của Công ty Đông Ấn Độ ở nước Đức rất lớn; Joe kể thêm rằng mình đang dạy cho người bạn mới là bá tước Schlusselback cách săn lợn rừng theo lối Ấn Độ, và hai vợ chồng người bạn mới của mình tức là bá tước và phu nhân thật là những con người lịch sự tốt bụng nhất trần đời.
Emmy cũng được đưa đến ra mắt hoàng gia, theo phong tục của triều đình, hàng năm không được phép bận áo tang vào triều trong một số ngày nhất định; cho nên bữa ấy Emmy khoác một tấm áo choàng màu hồng, trên ngực đính một hạt kim cương. Cô được anh trai dẫn vào triều kiến. Bộ áo tôn hẳn vẻ đẹp của Emmy lên, khiến cho Quận công và khắp mặt quận chúa trong triều ai cũng phải trầm trồ khen ngợi (dĩ nhiên ta không cần nói tới anh chàng thiếu tá; từ trước đến giờ ít khi Dobbin có dịp thấy Amelia bận áo dạ hội, lần này anh ta nhất định tuyên bố rằng Emmy trẻ hẳn ra, trông như chưa đến hai mươi lăm tuổi).
Hôm đến dự cuộc dạ hội do Hoàng gia tổ chức Emmy cũng bận tấm áo ấy; cô nhảy một điệu vũ Ba-lan với thiếu tá Dobbin.
Điệu nhẩy cũng dễ, nên Joe có hân hạnh được trổ tài với Schlusselback bá tước phu nhân, một bà lão gù lưng rắn eo, nhưng đã trải qua đến mười sáu đời quý tộc cha truyền con nối, và có họ với đến một nửa số hoàng gia nước Đức. Truyện "Hội Chợ Phù Hoa " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Thị trấn Pumpernickel nằm trong một cái thung lũng êm đềm, có dòng sông mầu mỡ Pump chảy qua...dòng sông này đổ vào sông Rhine, nhưng vì hiện không có bản đồ trong tay, nên chúng tôi không thể nói thật đích xác là ở chỗ nào. Một đôi chỗ, mặt sông khá rộng, phải dùng phà để qua lại; có vài khúc sông nước chảy mạnh, đủ sức cho chạy một cái cối xay bột. Ngay tại thị trấn Pumpernickel, vị anh hùng vĩ đại lừng danh Victor Aurelius XIV vốn là quận công cách đây ba đời đã cho xây một chiếc cầu rất đẹp; trên cầu có dựng tượng của chính mình đứng giữa một bầy nữ thủy thần, và những biểu tượng của chiến thắng, của hòa bình, và của sự phồn vinh. Tượng tạc ngài đứng đặt một chân lên cổ một tên Thổ Nhĩ Kỳ nằm phủ phục (sử chép rằng trong trận Sobieski giải phóng thành Vienna, ngài có tham chiến và đã cầm giáo xuyên thủng ngực một tên lính ngự lâm Thổ). Tên lính địch hấp hối giãy giụa một cách khủng khiếp ngay dưới chân, nhưng ngài hoàn toàn bình tĩnh, vẫn điềm nhiên mỉm cười, cầm cây kiếm chỉ về phía quảng trường Aurelius; lẽ ra ngài định dựng lên tại nơi này một lâu đài tuyệt đẹp, một kỳ quan của thời đại. Tiếc thay bậc vương công có chí lớn ấy không đủ tiền; cho nên công trình kiến trúc của Monplaisir tiên sinh (người Đức vẫn gọi là Monplaisir) mới bị đình lại; và hiện nay quảng trường cũng như tòa lâu đài rơi vào một tình trạng điêu tàn, tuy rất rộng, gấp đến mười lần diện tích cần thiết cho triều đình của vị đương kim quốc vương. Khu vườn thượng uyển của hoàng gia được sắp đặt như để ganh đua với kiểu vườn hoa của cung điện Versailles. Trong vườn có đắp nhiều nền cao, và đặt những bồn nước; ở giữa dựng vài cái máy phun nước đồ sộ tạc theo những hình có ý nghĩa tượng trưng; mỗi khi có lễ hội, máy nước lại thi nhau phun ra những tia nước đủ mọi cỡ, làm cho người xem mất vía vì cơn giận của thủy thần. Có cái hang Trophonius (<116>) trong đó các vị thần nửa người nửa cá đúc bằng chì không những phun nước mà còn phát ra từ hai lỗ tai những tiếng kêu ghê khiếp, nhờ có một cái máy đặc biệt giấu ở trong; lại có một bồn nước có tạc hình nữ thủy thần đang tắm; một cái khác dựng theo hình thác Niagara. Hàng năm đều có mở hội vào ngày khai mạc khóa họp quốc hội, hoặc nhân những dịp kỷ niệm sinh nhật hoặc ngày thành hôn của hoàng gia, nhân dân địa phương đến xem, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Từ kháp các tỉnh, tỉnh xa nhất chỉ cách Pumpernickel khoảng gần mười dặm... từ tỉnh Bolkum nằm trên miền biên giới phía tây, ngạo nghễ nhìn sang nước Phổ, từ tỉnh Growitz, ngăn cách với địa phận thuộc quyền quốc vương Potzenthal bởi con sông Pump (tại tỉnh này quốc vương có một tòa lâu đài riêng dùng để nghỉ ngơi khi ngài ngự đi săn), nhân dân bận áo chẽn màu đỏ, đầu đội mũ nhung, hoặc mũ vành ba góc, miệng ngậm tẩu thuốc phì phèo lũ lượt kéo nhau từng đoàn từ những thôn xóm làng mạc rải rác giữa ba thị trấn lớn trong nước và nằm dọc theo dòng sông Pump đổ về kinh đô, chen lấn nhau trong lâu đài của hoàng gia để thưởng thức những cuộc vui tổ chức trong ngày hội. Những dịp ấy, rạp hát mở cửa cho xem không mất tiền; những máy phun nước của Monblaisir tiên sinh được dịp thi thố tài năng (cũng may mà lại có đông người xem, vì nếu chỉ có một mình thì mới nhìn cũng đủ chết khiếp)... rồi vô khối những thầy lang đến rao hàng, đoàn xiếc cưỡi ngựa đến trổ tài (ai cũng còn nhớ có lần ngài quận công chết mê chết mệt vì một chị đào hát tên là chị Vivandiere xinh xinh (<117>) Nghe nói chị này là một tay gián điệp hoạt động cho nước Pháp). Dân chúng được phép thả cửa vào thăm các gian phòng trong tòa lâu đài mông mênh của hoàng gia. họ tha hồ mà trầm trồ khen ngợi cái sàn nhà nhẵn thín trơn tuột, những bức thảm thêu và những chiếc ống nhổ đặt trước cửa bao nhiêu là gian phòng nhiều không đếm xuể. Có cả một gian phòng đặc biệt do ngài Aurelius Victor XV tự tay vẽ kiểu - ngài vốn là một vương công ưa hành lạc có phần hơi quá độ - người ta kể chuyện với tôi rằng gian phòng này là một công trình tuyệt tác kỳ diệu để phục vụ cho sự khoái lạc hào hoa. Trên tường toàn những tranh vẽ về sinh hoạt của Bacchus và Ariadne(<118>) tình tự với nhau, trong phòng đặt những cần trục đặc biệt có thể nhấc bàn ăn đưa ra ngoài, hoặc mang từ ngoài vào, như vậy người ngồi dự tiệc được tự nhiên không cần đến đầy tớ hầu hạ. Sau khi Victor Aurelius XV chết đi, bà vợ góa là công chúa Bacbara giữ quyền nhiếp chính trong thời gian con trai chưa đến tuổi trưởng thành. Bà là một người tính tình khắc khổ và mộ đạo, thấy chồng chết vì quá say mê tửu sắc bà bèn ra lệnh cấm không được dùng đến gian phòng này nữa.
Hý viện của thị trấn Pumpernickel rất nổi tiếng trong khu vực này của nước Đức. Hồi vị đương kim quận công còn trẻ, ngài cứ nhất định bắt rạp phải công diễn những tác phẩm ca vũ nhạc do chính ngài sáng tác, thành thử có một thời gian tình hình hý viện có phần hơi tiêu điều; người ta đồn rằng một bữa ngài ngồi tại chỗ dàn nhạc dự nghe một buổi tổng diễn tập; đang lúc quá nóng, ngài phang vào đầu viên nhạc trưởng một cái vỡ cả một cây kèn đồng vì ông này điều khiển dàn nhạc quá chậm chạp. Trong thời kỳ này, quận chúa Sophia cũng sáng tác nhiều vở hài kịch, giá đem diễn thì khán giả đến ngáp dài. Bây giờ thì vị quý tộc này chỉ cho biểu diễn sáng tác của mình cho riêng mình xem thôi, còn quận chúa cũng chỉ cho đem các vở kịch của mình ra trình diễn khi nào có các vị quý khách nước ngoài đến thăm cái triều đình bé nhỏ của bà.
Cái triều đình ấy cũng được tổ chức huy hoàng ra trò. Mỗi khi có dạ hội, dù có tới bốn trăm thực khách được mời ăn, cứ bốn người lại có riêng một gia nhân bận chế phục màu tía có đính đăng- ten đứng hầu. khách khứa dùng toàn bát đĩa bằng bạc. Hội hè yến tiệc tổ chức thường xuyên. Quận công có đủ các quan thị vệ, các quan giám mã theo hầu, và quận chúa cũng có một bầy thị nữ và một nữ quan chuyên việc trang phục, không kém gì hoàng gia của bất cứ một nước lớn nào khác.
Hiến pháp của xứ này dựa trên cơ sở một chế độ chuyên chế ôn hòa; một quốc hội được lập nên để kiềm chế bớt quyền hạn của chính phủ; nhưng Quốc hội có khi được bầu lên. cũng có khi không.
Suốt thời gian sống ở Pumpernickel, tôi chưa hề nghe nói đến họp quốc hội lần nào. Dinh của thủ tướng đặt ở tầng gác hai trong tòa Quốc hội; còn văn phòng của ngài Tổng trưởng Bộ ngoại giao thì đặt ở tầng trên cửa hiệu bán bánh ngọt Zwieback. Quân đội của Nhà nước gồm có một đám nhạc binh khi cần, phụ trách cả những công việc linh tinh trên sân khấu. Cứ kể cảnh tượng cũng thú vị: Ban ngày vừa mới nghe họ biểu diễn âm nhạc suốt buổi sáng tại quảng trường Aurelius, đối diện với quán cà-phê chỗ chúng tôi ngồi dùng điểm tâm, đến tối đã lại thấy mấy ông tướng lên sân khấu rồi; họ đánh phấn, bôi môi, bận quần áo Thổ Nhĩ Kỳ,khi ra trò thì đeo gươm gỗ, hoặc đóng vai các chiến sĩ La-mã thời cổ vác kèn đồng thổi. Ngoài đội nhạc binh ra, quân đội còn gồm một số rất đông sĩ quan giàu có, nhưng theo chỗ tôi biết thì lính chỉ có một nhúm. Không kể đội lính phòng vệ, còn có độ ba bốn người bận sắc phục khinh kỵ binh vẫn đứng canh gác trước tòa lâu đài của quận công - nhưng tôi không thấy họ cưỡi ngựa bao giờ; vả lại đang thời buổi thái bình thịnh trị, việc quái gì mà phải dùng đến kỵ binh cơ chứ?... mà xét cho cùng(<119>) thì kỵ binh còn biết phóng ngựa đi đâu?
Ở đây ai ai cũng đi lại thăm viếng láng giềng của mình - ấy là tôi nói những nhà quý tộc, vì dĩ nhiên không lẽ tôi lại quan tâm đến giới bình dân. Phu nhân de Burst tiếp khách mỗi tuần một lần; de Schnurrbart phu nhân cũng có buổi tiếp khách thường kỳ đã ấn định... Mỗi tuần hý viện mở cửa hai lần, triều đình mở tiệc chiêu đãi một lần, tóm lại cuộc đời trôi đi trong một chuỗi ngày toàn những trò du hý liên tiếp, rất đúng kiểu sinh hoạt bình thường của Pumpernickel.
Dĩ nhiên không ai chối cãi được rằng tại đây không có những vụ xung đột. Sinh hoạt chính trị ở Pumpernickel cũng khá sôi nổi, đảng phái tranh chấp cũng gay go ra trò. Có nhóm của bà Strumpff; có đảng của bà Lederlung: Một bên được sứ bộ của chúng ta nâng đỡ, còn bên kia thì được vị đại biện sứ quán nước Pháp là de Macabau tiên sinh ủng hộ. Ngay từ khi vị đại diện của nước ta tuyên bố nâng đỡ bà Strumpff (ai cũng phải công nhận bà này hát hay hơn bà Lederlung nhiều, vì giọng bà cao hơn giọng của kẻ thù những ba cung) thì hễ ngài đưa ra bất cứ một ý kiến gì là lập tức bị nhà ngoại giao đại diện cho nước Pháp lên tiếng phản đối ngay.
Giới quý tộc trong thị trấn không người nào là không đứng về phe này hoặc phe kia. Bà Lederlung là một người đàn bà mảnh dẻ xinh đẹp, có giọng hát rất trong (quả có thế); còn bà Strumpff thì, nói của đáng tội, sắc đẹp và tuổi trẻ không còn ở thời kỳ "trăng tròn gương, hoa phong nhị" nữa rồi, mà vóc người lại đang phát phì ra.
Thí dụ như trong màn cuối của vở kịch "Thụy du" (<120>)chẳng hạn; bà này, bận áo ngủ, tay cầm cây đèn bước ra sân khấu, rồi phải trèo qua cửa sổ bước lên tấm ván của cái cối xay gió bên ngoài; lúc ấy khó khăn làm bà ta mới chui lọt được qua khung cửa, và tấm ván phải chịu đựng một sức quá nặng, võng hẳn xuống mà rít lên ken két... Nhưng đến lúc bà ta hát đoạn kết thúc của bản vũ nhạc thì tuyệt! Nhất là khi bà ta sôi nổi say sưa nhảy xổ vào hai cánh tay của chàng Elvino - gần như có thể đè chết tươi anh chàng - Còn cái bà Lederlung bé nhỏ kia... nhưng thôi, chuyện trò lan man mãi.
Sự thật là hai người phụ nữ ấy đã đóng vai đại diện cho hai đảng phái ở Pumpernickel, một đảng có cảm tình với nước Anh, một đảng có cảm tình với nước Pháp; và xã hội thượng lưu ở đây cũng chia ra hai phe hướng về hai nước lớn kia. Ủng hộ phe chúng ta thì có ngài tổng trưởng Bộ nội vụ, ngài giám mã đại quan, ngài bí thư đặc biệt của quận công, và quan thiếu phó; nâng đỡ phe thân Pháp thì có ngài tổng trưởng Bộ ngoại giao, tổng tư lệnh quân lực phu nhân (ngài tổng tư lệnh đã từng chiến đấu dưới cờ của Napoléon): ngài thị vệ đại thần và phu nhân (phu nhân ưa nhất là ăn mặc theo mốt Paris; muốn mua mũ hoặc tìm hiểu điều gì về khoa phục sức của người Pháp thì đã có de Macabau tiên sinh phụ trách). Viên bí thư sứ quán Pháp là Grignac, một người trẻ tuổi xảo quyệt không kém gì quỷ Xa tăng; khắp thị trấn chỗ nào cũng thấy những tập an-bum có những tranh biếm họa do hạn vẽ để liễu cột Tapeworm.
Trụ sở và chiêu đãi sở của đảng thân Pháp đặt tại "Khách sạn Paris"; khách sạn này ra sức ganh đua với khách sạn "Hoàng thái tử" về mặt tiện nghi sang trọng. Dĩ nhiên, trước công chúng, các vị thượng lưu thuộc hai phe đối với nhau rất mực lịch sự; nhưng họ tấn công nhau bằng những bài thơ châm biếm lời lẽ cay độc cứ y như hai bác đấu sĩ ở Devonshire cầm roi quật đen đét vào cẳng chân nhau mà mặt cứ lạnh như tiền, không động đậy một thớ thịt. Tapeworm cũng như de Macabau, khi gửi công văn về cho chính phủ mình, thế nào cũng kèm theo một tràng dài toàn những lời công kích đối phương. Đại khái, sứ quán của chúng ta thường viết thế này: "Quyền lợi của các Anh quốc tại đây cũng như trong toàn thể nước Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự có mặt của phái bộ nước Pháp hiện đảm nhiệm sứ mệnh; viên đại sứ người Pháp thuộc hạng người vô cùng xảo quyệt; hắn không từ một thủ đoạn đê tiện nào không làm; để đạt mục đích hắn không do dự trước mọi tội ác. Hắn gièm pha đại diện của nước Anh với triều đình; hắn vu cáo chính phủ nước ta một cách vô cùng bỉ ổi; và không may thay, hắn lại được một vị tổng trưởng đặc biệt có thế lực trong triều, nhưng nổi danh dốt nát ủng hộ". Về phía phái bộ của Pháp, họ viết như sau: "Ông Tapeworm vẫn tiếp tục biểu lộ một thái độ khiêu khích ngu xuẩn đặc biệt Anh-cát-lợi, và một thái độ bần tiện đối với một quốc gia vĩ đại nhất thế giới là nước ta. Mới hôm qua, người ta nghe thấy hắn nói xấu quận chúa Berri; trước đó ít lâu hắn đã phỉ báng quận công Angouleme anh hùng của chúng ta; hắn còn táo gan dám nói bóng rằng ngài quận công Orleans đã âm mưu khởi loạn chống lại ngai vàng nước Pháp. Ở chỗ nào không giở thủ đoạn đe dọa ngu xuẩn ra được, thì hắn không tiếc vàng bạc để mua chuộc. Hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách kia, hắn cũng đã tranh thủ được sự nâng đỡ của một số yếu nhân trong triều... Tóm lại, Pumpernickel không thể nào yên ổn, nước Đức không thể nào thái bình, nước Pháp không thể nào được tôn trọng, và Âu châu không thể nào ổn định nếu con rắn độc kia chưa bị chà nát dưới gót chân!" Và đại khái như thế... Mỗi khi phe này hoặc phe kia thảo một lá công văn lời lẽ "cay cú" như vậy gửi về nước, thế nào tin ấy cũng lọt ra ngoài.
Bước vào mùa đông chưa được bao lâu thì Emmy đã phải lo tổ chức một buổi tối tiếp tân, cô đã khoản đãi khách khứa một cách giản dị nhưng không kém phần lịch sự. Cô đã mướn một ông thầy giáo người Pháp để luyện thêm - ông này khen cô nói tiếng Pháp rất đúng giọng, và học tập rất mau tiến bộ. Sự thật thì Emmy đã học tiếng Pháp từ lâu, và đã có dịp củng cố lại môn ngữ Pháp để có đủ sức kèm Georgy học thêm. Bà Strumpff được mời đến để dạy cô học hát. Cô hát rất hay, giọng hát trong trẻo, hấp dẫn đến nỗi mỗi khi bên này học hát thì Dobbin ở căn nhà bên kia đường phía dưới phòng ông thủ tướng cũng mở cửa sổ ra để lắng nghe. Một vài bà mệnh phụ người Đức vốn tính đa cảm, lại cũng không kiểu cách câu nệ lắm, cứ xoắn lấy Emmy và đã bắt đầu "chị chị em em" với cô rồi. Những câu chuyện vặt ấy kể cũng nhàm, nhưng lại liên quan đến quãng đời hạnh phúc nhất của Emmy. Viên thiếu tá tự lãnh nhiệm vụ kèm Georgy học; anh ta dạy nó dịch tập lịch sử Caesar bằng tiếng La-tinh và khoa toán học, mặc dầu thằng bé đã có một ông thầy người Đức thuê riêng để săn sóc việc học vấn. Chiều chiều Emmy ngồi xe ngựa đi chơi, có Dobbin và Georgy cưỡi ngựa đi kèm.
Tính cô vẫn nhút nhát như cũ, con ngựa thằng Georgy cưỡi chỉ hơi tỏ ra trái chứng một chút cũng đủ làm cho cô kêu ầm lên vì sợ hãi. Trong những cuộc dạo chơi ấy, Emmy ngồi cạnh một người bạn người Đức giong xe đi loanh quanh, còn Joe thì ngả lưng trên ghế sau, lim dim ngủ.
Hồi này Joe càng ngày càng có cảm tình sâu sắc đối với nữ bá tước Fanny de Butterbrod, một người đàn bà trẻ tuổi xinh xắn, đa cảm, tính tình khiêm tốn. Bà này tuy là nữ bá tước thật nhưng nghèo xác, lợi tức đồng niên không được lấy mười đồng tiền vàng.
Fanny cũng thẳng thắn tuyên bố rằng được làm chị dâu của Amelia ấy là trời ban cho mình một hạnh phúc lớn nhất trên đời. Vậy thì suýt nữa Joe đã có thể sơn thêm một cái huy hiệu nữ bá tước bên cạnh huy hiệu riêng trên vách xe và trên cán dĩa của mình...nhưng bỗng xảy ra một việc làm đảo lộn hất cả mọi dự định tốt đẹp nói trên.
Nhân lễ thành hôn của vị thế tử giữ ngôi trừ nhị ở Pumpernickel với quận chúa Amelia ở Humbourg - Schlippenschloppen, hoàng gia tổ chức một cuộc hội lớn. Trong dịp này, người ta cũng đã phô trương nọi sự lộng lẫy chưa hề thấy kể từ khi ngài Victor XIV ưa xa xỉ kia tạ thế đến nay. Khắp mặt các vị thế tử, quận chúa và các quan đại thần các tiểu quốc láng giềng đều được mời đến dự hội. Tại Pumpernickel giá thuê phòng cao vọt, lên tới nửa cơ-rao một giường mỗi đêm. Các bậc vương công quý tộc khắp nơi đổ về lắm quá; quân đội của nhà nước cạn sạch người vì phải cung cấp lính hộ vệ cho các ngài. Quận chúa lấy chồng theo thủ tục đại diện, bá tước Schlusselback thay mặt chú rể, đám cưới tổ chức tại nhà ông cụ thân sinh ra nữ bá tước. Nhân dịp này, nhân dân được mua vô khối hộp đựng thuốc lá (bác thợ kim hoàn của triều đình nói với tôi thế, bác được lệnh bán ra, nhưng sau đó lại mua vào).
Hàng thúng huy chương thánh Michael của hoàng gia Pumpernickel được mang ban phát cho cá nhà quý tộc trong triều. Chúng tôi cũng nhận được hàng bó dây đeo huy chương và bội tinh thánh Catherine Schlippenschloppen. Viên đại diện nước Pháp vớ được cả hai loại. Theo nguyên tắc, Tapeworm không được quyền nhận bội tinh của nước ngoài, lão nói:
- Thằng cha đeo huy chương đầy mình, nom chẳng khác gì con ngựa kéo xe trưng bày trong hội chợ nông nghiệp. Cho chúng nó đeo huy chương; nhưng rồi xem thắng lợi về tay đứa nào.
Cuộc hôn nhân này là một thắng lợi của chính sách ngoại giao của Anh, vì bọn thân Pháp đã đề nghị và cực lực ủng hộ một cuộc hôn nhân với quận chúa thuộc hoàng gia Potztausend- Donnerwetter; lẽ dĩ nhiên sứ quán của ta phản đối ông này.
Cuộc lễ hội mở ra đón tiếp hết thảy bàn dân thiên hạ. Trên khắp các nẻo đường người ta đã dựng lên những cổng chào kết hoa để mừng đón cô dâu mới. Chiếc vòi nước thánh Michael to tướng phun ra một thứ rượu vang chua loét, đồng thời vòi nước ở quảng trường pháo binh cũng tia lên những dòng rượu bia. Các loại vòi nước thi nhau hoạt động. Người ta lại trồng "cột mỡ" trong các công viên để các bác nông dân các nơi về xem hội đua tài; ai muốn leo thì leo; leo được thì vớ đủ thứ: Đồng hồ, đĩa bạc, xúc xích có tết nơ hồng, tất cả treo lủng lẳng trên ngọn. Thằng Georgy hì hục leo lên với được một cái xúc-xích, nó giật phắt lấy rồi tụt một mạch xuống đất nhanh như chớp, ai nom thấy cũng phục lăn. Nhưng Georgy leo cột mỡ cốt để trổ tài cho thiên hạ xem thôi. Nó đem khúc xúc-xích lấy được cho một bác nông dân; bác này leo mãi được gần đến nơi thì tuột xuống, cứ đứng tần ngần dưới chân cột vì thất bại.
Sứ quán Pháp thắp nhiều hơn chúng ta sáu cái đèn, nhân dịp này. Nhưng để trả miếng, chúng ta đưa ra một cái đèn đặc biệt có vẽ hình Sự Bất hòa chạy trốn khi nhìn thấy cặp tân lang và tân giai nhân tiến lại; thú vị nhất là hình thù Sự Bất hòa, nom giống hệt viên đại sứ Pháp; ấy thế là bọn Pháp thua trắng mắt. Tôi tin chắc rằng sau này Tapeworm được thăng chức và được ban Bội tinh Tùy giá, chính là nhờ đã lập nên chiến công hiển hách này.
Khách ngoại quốc đến dự hội đông nghìn nghịt. Dĩ nhiên là có rất nhiều người Anh. Không kể những buổi dạ hội do triều đình tổ chức, còn có những buổi hội khiêu vũ mở ra cho quần chúng tại tòa thị sảnh và tại khu du hý công cộng. Tại tòa thị sảnh lại dành riêng một gian phòng để đánh bài và chơi trò quay số. nhưng chỉ chơi trong thời gian mở hội. Một công ty của người Đức ở Ems hoặc Aix-la-Chapelle đứng ra tổ chức những trò giải trí này. Sĩ quan và dân chúng trong thị trấn Pumpernickel tuyệt đối không được tham dự trò chơi này nhưng người ngoại quốc, dân quê và phụ nữ thì tha hồ; ai muốn mất tiền hoặc vét túi thiên hạ thì cứ việc vào.
Cái thằng Georgy quỷ sứ lợi dụng lúc người lớn đi dự dạ hội trong triều, bèn bảo Kirsch dẫn đến xem hội ở tòa thị sảnh; túi nó lúc nào cũng sẵn tiền. Có một lần nhân cùng đi với Dobbin đến đây chơi, nó đã ngó trộm vào gian phòng đánh bạc, nhưng dĩ nhiên không được phép vào. Lần này được tự do, thằng bé hối hả mò ngay đến chỗ giải trí đặc biệt này, cứ loanh quanh mãi bên bác hồ lỳ và các con bạc đang bận rộn tíu tít về chuyện ăn thua. Đàn bà đến đánh bạc cũng nhiều. Một số đeo mặt nạ che kín mặt; phong tục này phổ biến trong thời gian hội hè hỗn độn.
Có một người đàn bà tóc vàng bận một bộ áo xoàng xĩnh, trông đã tàng tàng, đeo mặt nạ, để lộ ra hai con mắt sáng quắc một cách kỳ lạ. Mụ ngồi bên một cái bàn chơi trò quay số, tay cầm một mảnh bìa và một cái ghim, trước mặt đặt hai đồng flô-rin. Mỗi khi nhà cái tuyên bố màu và số trúng giải, người đàn bà lại lấy ghim vạch vào mảnh bìa đánh dấu thật cẩn thận. Mụ chỉ dám đặt tiền khi nào thấy màu đen hay màu đỏ đã lên thông vài bận liền. Cử chỉ người đàn bà này khiến cho người ta ngạc nhiên.
Dầu đã thận trọng và kiên nhẫn đến thế, nhưng mụ vẫn đoán lầm. Hai đồng flô-rin cuối cùng theo nhau chui tọt vào trong ngăn kéo của bác hồ ly, lúc bác lạnh lùng tuyên bố màu và số nào trúng giải. Người đàn bà thở dài nhún đôi vai để trần vốn đã quá lộ liễu trong tấm áo buổi tối, rồi cắm mạnh cái ghim xuống mặt bàn xuyên qua mảnh bìa; mụ gõ gõ ngón tay, ngồi yên một lúc. Lát sau mụ lên nhìn quanh, gặp ngay bộ mặt thực thà của Georgy đang ngó chăm chăm vào cái bàn quay số, thằng bé mới hay chứ! Không biết nó mò đến đây làm gì thế. Lúc người đàn bà nhìn thấy thằng bé, mụ giương đôi mắt lóng lánh sau chiếc mặt nạ ngó trân trân vào mặt nó một hồi rồi hỏi:
- Cậu không chơi à? (<121>)
Thằng bé đáp:
- Thưa bà, không.(<122>)
Nhưng có lẽ người đàn bà nghe giọng nói của thằng bé đã biết nó là người nước nào, cho nên mụ dùng tiếng Anh hỏi tiếp, tiếng nói lơ lớ pha giọng ngoại quốc.
- Cậu chưa đánh bạc bao gờ... cậu giúp chị một tý nhé?
- Giúp cái gì cơ?
Thằng Georgy lại đỏ mặt đáp. Bác Kirsch đang ham cuộc đỏ đen (<123>) không để ý đến cậu chủ.
- Cậu chơi hộ chị một cái tý nhé. Cậu cứ đặt tiền hộ vào số nào cũng được, bất cứ số nào.
Mụ lôi trong ngực ra một cái túi, móc ra một đồng tiền vàng, đồng tiền vàng duy nhất còn lại, và đặt vào tay thằng Georgy.
Thằng bé cười và làm theo lời người đàn bà. Lần này trúng ngay số ấy được giải. Người ta vẫn bảo rằng "đánh bạc có thần hay đãi tay mới", đúng thật.
Người đàn bà vơ tiền về, nói:
- Cảm ơn cậu nhé. Tên cậu là gì nhỉ?
- Tên cháu là Osborne.
Georgy vừa đáp vừa thọc tay vào túi mân mê mấy đồng tiền vàng sắp sửa thử một tiếng bạc, thì đúng lúc ấy viên thiếu tá bận bộ quân phục và Joe mặc theo lối hầu tước vừa dự dạ hội trong triều về, bước vào. Nhiều người khách thấy buổi dạ hội trong triều tẻ quá, bỏ về sớm; họ ưa những thú vui xô bồ tại tòa thị sảnh hơn. Có lẽ Joe và Dobbin đã về nhà, nhưng không thấy Georgy đâu, hai người lại đi tìm. Vừa nhìn thấy thằng bé, Dobbin lập tức tiến lại nắm lấy vai nó kéo sềnh sệch ra khỏi nơi giải trí tai hại này. Đoạn anh ta mới nhìn quanh, thì thấy ngay Kirsch đang mải chúi mũi vào đám bạc. Dobbin bước lại hỏi tại sao bác dám dắt Georgy đến một nơi như thế này.
Bác Kirsch vừa say rượu lại đang mê lên vì canh bạc, đáp:
- Mặc xác tôi, cũng phải giải trí một tý chứ, Ơ kìa! Tôi có phải là người hầu của ông đâu?(<124>).
Thấy bác đang cơn máu mê, Dobbin không buồn nói thêm làm gì. Anh ta kéo Georgy đi ra và hỏi xem Joe có muốn cùng về không. Lúc ấy Joe đang đứng kề sát người đàn bà đeo mặt nạ, mụ này xem ra đang gặp vận đỏ. Joe có vẻ rất chú ý đến canh bạc.
Viên thiếu tá hỏi:
- Joe, có nhẽ anh nên cùng về với tôi và Georgy thì hơn.
Joe đáp:
- Tôi ở lại một tý rồi về sau với thằng cha Kirsch kia cũng được.
Dobbin vì nhã nhặn nghĩ rằng không nên phản đối Joe ngay trước mặt tháng cháu trai; anh ta để Joe ở lại, đưa Georgy về trước.
Ra khỏi tòa thị sảnh, trên đường về nhà, Dobbin hỏi Georgy:
- Lúc nãy cháu có đánh bạc không?
Thằng bé đáp:
- Không ạ.
- Cháu hãy lấy danh dự của một người thượng lưu hứa với bác rằng sẽ không bao giờ đánh bạc nhé?
Georgy hỏi lại:
- Tại sao, hở bác? Cháu thấy vui lắm mà.
Viên thiếu tá, với giọng nói sôi nổi hùng biện, giải thích cho nó rõ tại sao không nên đánh bạc. Dobbin định lấy ngay George là cha nó ngày trước làm thí dụ để thuyết phục thằng bé, nhưng nghĩ lại, không muốn nói bất cứ điều gì không tốt đẹp về người bạn đã quá cố nên anh ta lại thôi. Đưa Georgy về nhà cẩn thận rồi, Dobbin về giường nằm, nhưng vẫn để ý nhìn xem ánh đèn trong phòng thằng bé sát ngay mé ngoài phòng của Amelia đã tắt chưa. Độ nửa giờ sau, đèn trong phòng Amelia cũng tắt. Không rõ vì cớ gì anh ta để ý tỷ mỷ đến thế.
Riêng Joe vẫn la cà ở lại bên bàn quay số. Anh ta không phải là người máu mê cờ bạc, nhưng giá thỉnh thoảng giải trí tý chút cho vui thì cũng không phản đối. Nhân sẵn mang theo trong túi mấy đồng Napoléon, Joe bèn móc ra một đồng, với tay qua cái vai đẹp để trần của người đàn bà bé nhỏ ngồi trước mặt đặt xuống bàn. Cả hai người cùng được. Người đàn bà hơi nhích người ra, vơ vạt áo lại cho gọn nhường chỗ cho Joe ngồi xuống chiếc ghế cạnh mình.
- Ông ngồi xuống đây; mong rằng ông sẽ đem lại may mắn cho tôi.
Giọng nói của người đàn bà lại lơ lớ pha giọng ngoại quốc, khác hẳn lúc nãy khi cảm ơn thằng Georgy đã chơi giúp tiếng bạc may mắn, mụ nói bằng tiếng Anh rất thoải mái và đúng giọng. Anh chàng to béo đưa mắt ngó quanh xem có ai là người tai mặt để ý đến mình không, rồi mới ngồi xuống. Anh ta lẩm bẩm:
- A, hay lắm; cầu chúa ban phúc lành cho tôi... Tôi đang cầu sao được vậy, chắc chắn tôi sẽ đem sự may mắn đến cho bà.
Joe còn lúng túng tiếp theo mấy lời chúc tụng không nghe rõ.
Người đàn bà đeo mặt nạ hỏi:
- Ông có hay chơi luôn không?
Joe hãnh diện quăng ra một đồng tiền vàng đáp:
- Chơi tý ty gọi là thôi.
Người đàn bà láu lỉnh đáp:
- Phải, gọi là cho đỡ buồn ngủ sau bữa ăn, phải không?
Nhưng thấy Joe nhìn mình tỏ vẻ hốt hoảng, mụ tiếp theo bằng giọng nói thanh thanh của người Pháp:
- Ông đánh bạc không cốt được tiền. Tôi cũng vậy. Tôi đánh bạc để quên, nhưng không sao quên nổi. Tôi không sao quên nổi quá khứ ông ạ. Thằng cháu gọi ông bằng bác sao mà giống bố nó như đúc. Còn ông... trông ông vẫn như xưa... nhưng không, cũng có thay đổi ít nhiều. Ai cũng thay đổi, ai cũng quên hết cả; không có người nào là chung tình.
Joe bối rối hỏi:
- Trời đất ơi, bà là ai vậy?
- Joseph Sedley, ông không đoán ra ư?
Người đàn bà bé nhỏ đáp bằng một giọng buồn rầu; đoạn gỡ chiếc mặt nạ xuống nhìn thẳng vào mặt Joseph:
- Anh quên em rồi.
Joe há hốc mồm ra vì ngạc nhiên:
- Lạy Chúa tôi. Bà Crawley!
Người đàn bà đặt tay mình lên tay Joe, chữa lại:
- Rebecca.
Nhưng trong lúc nói chuyện với Joe, Rebecca vẫn không quên để ý theo dõi canh bạc. Cô ta nói tiếp:
- Em trọ ở khách sạn "Con Voi". Anh cứ hỏi thăm bà de Raudon thì tìm thấy. Hôm nay em có gặp chị Amelia thân yêu của em một lần. Hồi này chị ấy đẹp ra nhiều; chị ấy sung sướng thật! Anh cũng vậy. Tất cả mọi người đều có hạnh phúc, chỉ riêng em là khổ sở, anh Joseph Sedley ạ.
Nói đoạn cô ta đẩy đồng tiền của mình đặt bên cửa màu đỏ sang bên màu đen. Nhưng làm như vì vô tình chạm bàn tay vào chứ không phải là cố ý, đồng thời cô ta đưa chiếc mùi xoa có viền một hàng đăng-ten đã rách bươm lên chùi mắt.
Lần này vẫn lên màu đỏ,. thế là Rebecca mất sạch số tiền được từ nãy. Cô ta bảo Joe:
- Chúng ta đi thôi. Anh đi với em một tý nhé... đối với nhau, chúng là bạn có...có phải thế không anh Sedley thân mến?
Vừa lúc ấy Kirsch tiên sinh cũng cạn túi. Hắn đi theo ông chủ ra ngoài đường. Trời sáng trăng; đèn bắt đầu tắt dần từng ngọn một. Trong bóng tối lờ mờ, khó lòng theo dõi được cặp trai gái cho rõ ràng.
- Tập 1 - Chương mở đầu - Mấy lời giáo đầu
- Chương 1 - Chiswick mall
- Chương 2 - Sharp và Amelia chuẩn bị mở cuộc tấn công
- Chương 3 - Rebecca trước kẻ địch
- Chương 4 - Cái túi lụa xanh
- Chương 5 - Dobbin của chúng ta
- Chương 6 - Vauxhall
- Chương 7 - Crawley ở trại Crawley bà chúa
- Chương 8 - Riêng và kín
- Chương 9 - Những nhân vật trong gia đình
- Chương 10 - Cô Sharp bắt đầu kết bạn
- Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
- Chương 12 - Một chương thật là trữ tình
- Chương 13 - Trữ tình và những thứ khác nữa
- Chương 14 - Bà Crawley tại nhà riêng
- Chương 15 - Chồng cô Rebecca xuất hiện trong chốc lát
- Chương 16 - Bức thư trên chiếc gối may
- Chương 17 - Đại úy Dobbin sắm dương cầm
- Chương 18 - Ai chơi chiếc dương cầm Dobbin mua?
- Chương 19 - Bà Crawley dưỡng bệnh
- Chương 20 - Đại úy Dobbin đóng vai sứ giả của ông tơ hồng
- Chương 21 - Cãi nhau vì một cô gái triệu phú
- Chương 22 - Lễ cưới và tuần trăng mật
- Chương 23 - Đại úy Dobbin tiếp tục vận động
- Chương 24 - Ông Osborne xóa tên con trong quyển thánh kinh
- Chương 25 - Các nhân vật chính trong truyện thấy cần từ giã Brighton
- Chương 26 - Giữa Luânđôn và Chatham
- Chương 27 - Amelia đi theo trung đoàn của chồng
- Chương 28 - Amelia sang Bỉ
- Chương 29 - Brussels
- Chương 30 - Thiếp bên song cửa, chàng ngoài chân mây
- Chương 31 - Joe Sedley trông nom em gái
- Chương 32 - Joe đi trốn và chiến tranh kết thúc
- Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà
- Chương 34 - Cái tẩu của James Crawley bị quẳng đi
- Tập 2 - Chương 35 - Mẹ góa con côi
- Chương 36 - Làm thế nào sống đàng hoàng không một đồng lợi tức
- Chương 37 - Câu chuyện tiếp tục
- Chương 38 - Một gia đình lâm vào cảnh khó khăn
- Chương 39 - Một chương toàn chuyện tồi tệ
- Chương 41 - Becky về thăm nhà chồng
- Chương 42 - Những việc xảy ra trong gia đình Osborne
- Chương 43 - Bạn đọc cần đi vòng qua đảo Vọng Giác
- Chương 44 - Từ Luân Đôn đến Hampshire
- Chương 45 - Giữa Hampshire và Luân Đôn
- Chương 46 - Vật lộn và thử thách
- Chương 47 - Lâu đài Gaunt
- Chương 48 - Mời bạn đọc bước chân và giới thượng lưu
- Chương 49 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng
- Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
- Chương 51 - Màn kịch đố chữ
- Chương 52 - Bây giờ mới rõ mặt đại nhân
- Chương 53 - Giải thoát và tai họa
- Chương 54 - Ngày chủ nhật sau cuộc xô xát
- Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ
- Chương 56 - Về câu chuyện cũ
- Chương 57 - Từ Đông phương trở về
- Chương 58 - Anh bạn thiếu tá của chúng ta
- Chương 59 - Chiếc dương cầm ngày xưa
- Chương 60 - Trở lại xã hội thương lưu
- Chương 61 - Tắt đi hai ngọn đèn
- Chương 62 - Trên bờ sông Rhein
- Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
- Chương 64 - Một chương lông bông
- Chương 65 - Lạc thú và việc làm ăn
- Chương 66 - Chuyện xích mích của những kẻ yêu nhau