Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
Bây giờ xin Nàng thơ là nguồn cảm hứng của cuốn truyện khôi hài này hãy tạm rời bỏ những chỗ gió mây cao xa nơi thường bay lượn mà vui lòng hạ xuống đậu trên nóc nô nhà thấp lè tè của ông John Sedley ở Brompton xem cuộc sống ở đây diễn ra thế nào.
u gái nói chuyện gì bà cũng nghe ra giọng bóng gió toàn những chuyện đe doạ với bắt nợ. Cô bé Clapp bây giờ đã thành một thiếu nữ; cô bị bà Sedley lên án là một con bé hỗn láo mất dạy không chịu được. Bà không sao tưởng tượng nổi vì lẽ gì mà Amelia quý cô bé đến thế, cứ cho cô bé quanh quẩn cả ngày trong phòng, lại đi chơi với cô ta luôn. Sự túng thiếu quả đã đầu độc đời sống của người đàn bà xưa kia vốn vui tính và tốt bụng. Thấy Amelia đối với mình vẫn một mực dịu dàng thuần thục, bà thờ ơ như không, lại còn giễu cợt cô vì cứ muốn lựa ý cho mẹ vui lòng. Bà đay nghiến cô vì tội quá chăm nom thằng con trai mà bỏ quên cha mẹ. Từ ngày Joe rút số tiền trợ cấp, gia đình chú bé Georgy không được vui vẻ lắm; sự đói rách đang đe doạ mọi người trong nhà.
Amelia bóp óc nghĩ mãi tìm cách tăng thêm phần nào số lợi tức chết đói của gia đình. Có thể dạy học được không nhỉ? Hay là vẽ bưu ảnh, làm hàng thêu? Cô đã thấy nhiều người đàn bà khéo tay hơn cô làm đầu tắt mặt tốt cả ngày mà chỉ được hai penni. Một hôm Amelia đi mua hai tấm bìa Bristol có khung kim nhũ về ra sức vẽ thật đẹp... một cái vẽ một người thanh niên mục đồng mặc áo gi lê đỏ, mặt hồng hào tươi cười nổi bật trên nền phong cảnh vẽ chì... cái kia vẽ một thiếu nữ mục đồng dắt một con chó con đi qua một cái cầu, đánh bóng thật khéo. Đoạn cô đem đến hiệu mỹ nghệ phẩm Brompton, chỗ đã mua hai tấm bìa, hy vọng ông chủ hiệu sẽ mua lại. Lão nhìn thấy hai tác phẩm nghệ thuật ấu trĩ, không sao giấu được nụ cười giễu cợt. Lão liếc mắt nhìn người đàn bà vẫn đứng chờ ở ngoài cửa hàng rồi gói hai bức tranh vào giấy dầu trả lại cho người đàn bà goá cùng đi với cô Clapp; cô này chưa bao giờ thấy ai vẽ đẹp như vậy; yên trí rằng ít nhất ông chủ hiệu cũng phải trả tới hai trăm đồng ghi nê. Hai chị em lại mang dạm bán ở các cửa hiệu khác trong thành phố, trong bụng vừa lo lắng, vừa hy vọng. Người thì đáp: "Không mua những thứ này", kẻ thì gắt lên: "Ra đi!" Thế là mất toi ba mươi sáu penni. Hai bức tranh được đem về treo trong phòng ngủ của cô Clapp; cô thiếu nữ vẫn tin là tranh vẽ khéo nhất đời.
Amelia suy nghĩ thật cẩn thận rồi nắn nót viết một tấm biển quảng cáo thật đẹp, nội dung thế này: "Một phụ nữ đứng đắn có chút thì giờ rảnh, muốn tìm việc dạy các em gái nhỏ học tiếng Anh, tiếng Pháp, địa lý, lịch sử và âm nhạc... Hỏi bà Amelia Sedley, tại nhà ông Brown". Cô đem tấm ảnh đến hiệu mỹ nghệ phẩm Brompton được lão chủ cho dựng nhờ trên quầy hàng; được vài hôm tấm ảnh bị bụi bám cáu đen lại. Nhiều lần Amelia vẫn lảng vảng qua cửa hiệu, hy vọng rằng lão chủ có tin mừng báo cho chăng, nhưng chẳng bao giờ thấy lão ra hiệu gọi vào. Mấy lần đến hiệu mua vài thứ lặt vặt, lão cho biết chả có tin tức gì. Thương hại thay người thiếu phụ dịu dàng yếu đuối kia, làm sao chống đỡ cho lại được với cuộc sống phũ phàng?
Mỗi ngày Amelia càng thêm rầu rĩ héo hon. Cô cứ trân trân ngó con trai với đôi mắt đầy lo lắng: thằng bé hiểu sao nổi ý nghĩa cái nhìn ấy. Có đêm, cô choàng thức dậy, rón rén bước ra ghé nhòm vào căn phòng của con xem thằng bé ngủ yên hay là bị bế trộm đi rồi. Hồi này cô ít ngủ lắm, lúc nào tâm trí cũng bị một nỗi lo lắng ám ảnh. Có những đêm dài dằng dặc bốn bề lặng ngắt, cô ngồi khóc và cầu nguyện... Cô đã cố gắng bao nhiêu để xua đuổi ý tưởng phải xa cách đứa con, nhưng vô hiệu. Ý nghĩ ấy vẫn cứ trở lại trong tâm trí, vì cô thấy mình là bức tường duy nhất ngăn cách con trai với sự sung túc. Không thể xa con được. Không sao xa con được! Ít nhất là hiện nay; có thể là một ngày nào đó sau này. Ôi! Nhưng mới nghĩ đến mà đã không sao chịu đựng nổi.
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Amelia khiến cho cô đỏ mặt và bối rối... nếu chịu lấy viên mục sư làm chồng thì bố mẹ cô vẫn có thể sử dụng số lợi tức của cô mà con trai lại có nơi nương tựa chắc chắn; nhưng nhớ đến George và nhìn tấm hình chồng treo trên tường cô lại tự trách mình. Tình yêu và sự e lệ không cho phép cô hy sinh; cô run rẩy, lánh xa điều ấy như lánh xa một tội lỗi. Những ý tưởng như vậy làm sao có thể có được ở con người trong trắng hiền hậu như Amelia?
Cuộc đấu tranh này ta chỉ miêu tả bằng một vài dòng nhưng thực tế đã kéo dài suốt mấy tuần lễ trong tâm trí Amelia. Trong thời gian này, cô không biết thổ lộ tâm tình với ai, mà cô cũng không có ai là tri kỷ. Mỗi ngày cô lại lùi thêm một bước trước kẻ địch đang tấn công mình, nhưng cô vẫn không chịu thú nhận rằng mình đành phải đầu hàng. Nhưng sự thực tàn nhẫn hằng ngày liên tiếp nhau lặng lẽ đè nặng lên tâm trí cô, rồi ở lỳ đó. Cả gia đình phải chịu cảnh túng đói, nheo nhóc, bố mẹ bị thiếu thốn, bị khinh rẻ, con trai bị đối xử bất công, từng vị trí một, những công sự ngoại vi của toà thành bị vây hãm mất dần, nhưng trong thành tấm linh hồn đáng thương kia vẫn say sưa ấp ủ kho báu duy nhất của mình.
Khởi đầu cuộc chiến đấu, Amelia đã viết một bức thư, lời lẽ ngọt ngào, khẩn khoản, gửi cho anh trai ở Calcutta; cô xin anh đừng rút món tiền trợ cấp trước vẫn gửi cho cha mẹ, lại miêu tả bằng những lời lẽ bi đát tình trạng túng thiếu trơ trọi của gia đình.
Nào có biết đâu sự thực khác hẳn. Joe vẫn gửi về đều đặn số tiền trợ cấp hằng năm; nhưng bây giờ người nhận tiền lại là một lão cho vay lãi ở khu City. Ông già Sedley đã "bán lại" món tiền trợ cấp đồng niên ấy lấy một số tiền để đeo đuổi công cuộc kinh doanh vô vọng của mình. Emmy tính khoảng thời gian từ lúc gửi thư đi đến lúc nhận được thư trả lời. Cô đã ghi ngày gửi thư vào trong một quyển sổ tay. Nhưng cô không hề cho viên thiếu tá cha đỡ đầu của Georgy biết tí gì về những nỗi lo lắng ưu tư của mình. Từ buổi viết thư chúc mừng anh ta sắp cưới vợ, cô chưa viết thư cho Dobbin. Cô bạn duy nhất đã tận tình săn sóc cô... bây giờ cũng xa lắm rồi.
Một bữa hai bố con ông Sedley có dịp ngồi một mình với nhau; hôm ấy, sự bế tắc đã đến tột cùng; chủ nợ thúc tiền, bà mẹ thì chỉ những than với khóc, ông bố lại càng rầu rĩ hơn mọi ngày, người nọ tránh mặt người kia vì người nào cũng bận theo đuổi những ý nghĩ riêng đang giày vò mình. Amelia muốn an ủi cha, bèn kể lại việc mình viết thư cho Joe... chắc chắn độ ba bốn tháng nữa thế nào cũng có thư trả lời. Joe tuy vô tâm, nhưng vẫn là người rộng rãi. Biết cha mẹ đang gặp cảnh quẫn bách, lẽ nào anh ta lại từ chối không giúp đỡ?
Bấy giờ ông già mới kể hết sự thật với con gái, rằng con trai ông vẫn trợ cấp chu đáo, nhưng ông dại dột đem "đổ xuống sông xuống biển" cả rồi. Ông không dám nói thực việc này sớm hơn.
Trong khi ông run run thú thực với con, ông thấy vẻ mặt Amelia tái nhợt như trách ông sao lại hành động giấu giếm như vậy. Ông quay mặt đi chỗ khác, cặp môi run run, nói:
- Ồ, chắc bây giờ con khinh ba lắm nhỉ?
Amelia khóc nấc lên, ôm lấy cổ cha, hôn lấy hôn để đáp:
- Ba ơi, không phải thế đâu. Bao giờ ba cũng thương chúng con, chẳng qua ba muốn cho con được sung sướng đấy thôi. Con không buồn vì thiếu tiền đâu...Con buồn vì...Trời đất ơi! Xin hãy thương tôi, ban cho tôi đủ sức chịu đựng sự thử thách này.
Cô lại hôn cha thật âu yếm rồi bỏ đi. Ông bố vẫn chưa hiểu con gái định nói gì, vẫn chưa biết vì sao con gái lại có vẻ đau khổ lúc bỏ đi như thế. Thì ra Amelia đã chịu đầu hàng trước hoàn cảnh khó khăn rồi: cô đã nghe xong lời tuyên án. Đành phải rời bỏ đứa con trai cho người khác vậy thôi... nó sẽ quên mẹ nó. Đứa con trai mà cô coi như trái tim, như kho báu... đứa con trai là niềm vui, là nguồn hy vọng, là tình yêu mà cô thờ phụng gần như một vị thần. Vậy mà đành phải từ bỏ nó... bây giờ chỉ còn một việc là theo George sang thế giới bên kia mà thôi, rồi từ trên thiên đường, hai vợ chồng sẽ theo dõi đứa con trai yêu quý để chờ ngày cùng nó xum họp.
Amelia chùm mũ lên đầu, gần như không biết mình đang làm gì; cô bước ra ngoài, men theo những đường phố thường ngày Georgy vẫn đi ở trường về; cũng trên những đường ấy cô vẫn đi đón con. Hồi ấy đang tháng năm, Giory được nghỉ nửa ngày; cây cối đầy những búp lá non, bầu trời sáng sủa quang đãng. Thằng bé trông thấy mẹ chạy vội lại, miệng líu ho hát, mặt mũi hồng hào, khoẻ mạnh; tập vở buộc dây đeo lủng lẳng bên sườn.
Con trai đây rồi, cô giang hai tay ôm ghì lấy nó. Không thể thế được! Không sao đành lòng rời bỏ nó cho được! Thằng bé hỏi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ làm sao thế? Mặt mẹ tái đi kia kìa?" Amelia nói: "Không sao cả con ạ", rồi cúi xuống hôn con.
Đêm hôm ấy, Amelia bảo con đọc truyện Samuel cho mình nghe. Chuyện kể rằng mẹ Samuel và Hannah cai sữa cho con xong, bèn đem nó đến cho vị đạo trưởng Eli để dạy dỗ nó trở thành một giáo sĩ của Chúa. Georgy đọc lời thánh ca, lời Hannah xưng tụng ơn Chúa: "Thượng đế tuỳ ý khiến mọi người được giàu nghèo. Chỉ người mới có uy quyền cho vinh hay bắt nhục. Người có sức nâng kẻ nghèo lên từ nơi khổ cực. Và nếu không nhuần gội ơn Người, nào ai có được sức mạnh trên đời".
Câu chuyện còn kể rằng Samuel được mẹ may cho một tấm áo nhỏ; hàng năm bà mang đến cho con khi đến làm lễ hiến tế ở đền thánh. Amelia lấy lời lẽ ngọt ngào giản dị giảng cho con nghe ý nghĩa của câu chuyện cổ, cho con hiểu rằng mặc dầu Hannah quý con trai vô cùng, bà vẫn phải xa con vì tôn trọng lời nguyền cũ; khi ngồi nhà may áo, xa cách đứa con yêu dấu, chắc bà nghĩ đến nó rất nhiều; còn Samuel hẳn cũng không bao giờ quên mẹ; khi được gặp lại đứa con đã khôn lớn (thấm thoát cũng chẳng bao lâu), chắc bà Hannah sung sướng không biết ngần nào. Amelia cố giữ nước mắt khỏi rơi khi lấy giọng ngọt ngào trang nghiêm giảng cho con nghe, nhưng đến đoạn hai mẹ con Samuel gặp lại nhau thì cô nghẹn lời, không nói được nữa, trái tim dường như vỡ ra từng mảnh; cô ghì chặt con vào ngực, bồng con lên tay mà đu đưa, và lặng lẽ nhỏ những dòng nước mắt cao quý của tấm lòng người mẹ hy sinh vì chí đã quyết, người đàn bà goá bắt đầu sửa soạn những công việc coi là cần thiết để thực hiện ý định của mình.
Một hôm cô Osborne ở khu phố Russell nhận được thư của Amelia (đã mười năm nay Amelia chưa hề cầm bút viết lại số nhà và tên phố nơi ở cũ... vì hễ cầm bút định viết thì cả cuộc đời thiếu nữ những chuyện đã qua lại sống lại trong tâm tưởng); cô đỏ cả mặt lên, ngước nhìn ông bố đang rầu rĩ ở chỗ thường ngày mé đầu bàn.
Bằng những lời đơn giản, Amelia kể lại trong thư vì sao mình thay đổi ý định, không giữ con ở với mình nữa, vì không may cha cô lại mới gặp tai hoạ, bây giờ phá sản hoàn toàn rồi. Số tiền lợi tức của cô ít ỏi quá, chỉ vừa đủ để trợ cấp cho cha mẹ nên không sao lo việc ăn học của Georgy cho tử tế được; dẫu rằng xa con cô đau khổ vô cùng, cô cũng cầu Chúa ban cho cô đủ sức chịu đựng, mong con được hưởng hạnh phúc; cô hiểu rằng con trai sẽ đến ở với những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để nó được sung sướng. Cô tả lại tình hình thằng bé theo sự tưởng tượng của mình, nghĩa là nghịch ngợm, không chịu câu thúc, không ưa nặng lời, thích được chăm nom vuốt ve. Trong phần tái bút, cô còn ghi thêm rằng muốn có một tờ giấy cam kết cho phép cô gặp con luôn luôn.... Cô quyết không chịu xa con, nếu không có điều kiện này.
Nghe cô Osborne run run đọc hết lá thư, ông Osborne nói:
- Thế nào, bà kiêu kỳ chịu khuất phục rồi à? Sắp chết đói, hả? Ha, ha! Tao đã biết mà!
Ông cố gắng giữ thái độ kiêu ngạo, cứ chăm chú đọc báo như cũ nhưng không sao bình tĩnh được. Ông vừa khúc khích cười, vừa rủa thầm sau tờ báo. Cuối cùng ông phải quẳng tờ báo xuống bàn, rồi vẫn như mọi lần, ông cau mặt nhìn con gái và bỏ đi vào căn phòng làm việc bên cạnh; lát sau, ông mang một chiếc chìa khoá lại, ném cho cô Osborne, bảo:
- Lên sửa soạn sẵn cái phòng mé trên phòng của tao... phòng của nó ngày trước ấy.
Cô con gái run rẩy đáp:
- Thưa ba, vâng.
Căn phòng này trước kia là của George. Hơn mười năm nay cửa phòng chưa mở ra lần nào. Trong phòng vẫn để nguyên một số đồ vật như quần áo, giấy má, khăn tay, roi ngựa và mũ, có một bộ cần câu và những dụng cụ săn bắn, lại có một tập niên giám của quân đội năm 1814 ngoài bìa có ghi tên Osborne, một cuốn từ điển nhỏ, anh ta thường tra cứu khi viết và một tập kinh thánh của bà mẹ cho; tất cả vẫn đặt trên mặt lò sưởi, cùng một đôi cựa gót giày và một lọ mực đã khô cạn dưới lớp bụi của mười năm trời đằng đẵng. Trên mặt bàn vẫn còn một quyển vở chi chít những dòng chữ của George viết.
Lúc cùng mấy người hầu mới đặt chân vào trong phòng, cô Osborne bồi hồi xúc động quá; cô nằm vật lên chiếc giường nhỏ, mặt tái nhợt đi. Bà quản gia nói:
- Thật là một tin mừng đấy thưa cô...thật đấy, thưa cô...bây giờ nhà ta lại vui vẻ như xưa nhỉ, thưa cô... chắc chú bé sắp về, thôi thì tha hồ mà sung trong! Rồi khối người ở May Fair phải ghen tỵ với chú đấy thưa cô.
Bà ta rút chiếc then gài cánh cửa sổ, một luồng không khí ùa vào trong phòng.
Trước khi đi, ông Osborne bảo con gái:
- Con nên gửi cho chị ta một ít tiền. Không được để nó thiếu thốn một thứ gì. Cho nó một trăm đồng.
Cô Osborne hỏi:
- Thế mai con đến thăm chị ấy nhé.
- Cái đó tuỳ cô, nhưng nhớ không được cho nó lại đây, không bao giờ, mẹ kiếp! Nó đến mà cả Luân đôn đổ của vào nhà này tao cũng không chịu. Nhưng bây giờ hãy chu cấp cho nó đầy đủ. Liệu mà thu xếp cho ổn thoả đấy.
Ông Osborne dặn dò vắn tắt mấy câu như vậy rồi đi đến khu City làm việc như thường lệ.
Tối hôm ấy, Amelia ôm lấy ông bố già nua mà hôn, rồi đặt vào bàn tay ông lão một tấm giấy một trăm đồng, nói:
- Có tiền đây rồi, ba ạ.. Còn còn.. má ơi, má đừng gắt với Georgy nữa nhé; cháu nó... cháu nó không còn ở đây lâu với chúng ta nữa đâu.
Cô nghẹn lời, không nói thêm được, lặng lẽ bước về phòng.
Chúng ta cũng nên đóng cánh cửa đó lại để khỏi nghe thấy lời cầu nguyện và chứng kiến nỗi đau khổ của cô. Tôi nghĩ tốt nhất là không nên nói nhiều về tình thương yêu con và nỗi lòng chua xót của cô làm gì.
Hôm sau theo đúng lời hẹn trong thư, cô Osborne đến thăm Amelia. Hai người tỏ ra thân mật với nhau. Xét cái nhìn và nghe vài câu nói của cô Osborne, người đàn bà goá đáng thương này thấy ngay ít nhất cũng không bị cô ta chiếm mất địa vị của mình trong trái tim con trai. Cô Osborne tính tình lạnh lẽo, nhưng cũng biết xúc động và tốt bụng. Giả sử kẻ địch lại còn trẻ và xinh đẹp, tính tình cởi mở, nồng nàn hơn thì có lẽ người mẹ cũng không yên tâm lắm.
Về phần cô Osborne, thấy người đàn bà goá lâm vào hoàn cảnh đáng thương, cô nhớ đến những chuyện cũ, cũng lấy làm động tâm. Người mẹ khốn khổ đã hạ khí giới đầu hàng rồi, hôm ấy hai người sắp đặt với nhau những chi tiết sửa soạn cho việc đầu hàng.
Hôm sau nữa, Georgy được nghỉ học để gặp mặt cô nó. Amelia mặc hai cô cháu trò chuyện với nhau, bỏ vào trong phòng nằm. Cô muốn tập chịu đựng cảnh xa con... cũng giống công nương Jane Grey đã đưa tay sờ thử lưỡi búa sắc bén trước khi để cho nó hạ xuống cắt đôi cuộc đời mỏng manh của mình. Ngày nọ qua ngày kia, những cuộc thăm hỏi bàn bạc, sửa soạn cứ tiếp tục diễn ra. Amelia báo tin cho con biết một cách hết sức thận trọng. Cô cứ tưởng thằng bé hay tin phải bị xúc động mạnh lắm; trái lại nó tỏ vẻ hí hửng; người mẹ đáng thương buồn bã quay mặt đi. Hôm ấy thằng bé đến trường huênh hoang kháo lại tin mừng với các bạn học, rằng nó sắp về với ông nó, ông nội sinh ra cha nó chứ không phải ông ngoại thỉnh thoảng vẫn đến trường đâu; nó sắp có vô khối tiền, sắp đi xe ngựa, sắp có ngựa để cưỡi đi chơi, sắp đi học ở trường to hơn; bao giờ có tiền nó sẽ đi mua một hộp bút chì màu và mua bánh rán ăn thoả thích. Người mẹ thương con thấy tính nó sao giống bố như đúc.
Vì tôn trọng sự đau khổ của Amelia, chúng ta không nỡ tả lại tỉ mỉ những ngày cuối cùng Georgy còn ở cùng với gia đình.
Và ngày ly biệt đã tới; một chiếc xe ngựa đến đỗ ở cửa. Hành lý đơn giản của Georgy chỉ gồm toàn những vật kỷ niệm, đã để sẵn từ trước ngoài phòng khách... Georgy bận bộ quần áo mới mà người thợ may đã tới từ mấy hôm trước để đo may. Mặt trời mới rạng, nó đã nhảy bổ từ trên giường xuống, lấy quần áo mới ra mặc. Mẹ nó nằm ở phòng bên lắng nghe con sửa soạn, không nói gì, nhưng lòng đau thắt lại. Bao nhiêu ngày qua cô đã chờ đợi buổi hôm nay, nào sắm sửa các thức vặt vãnh cho con, đánh dấu sách vở và áo quần của thằng bé, chuyện trò với nó cốt cho nó quen dần với sự thay đổi sắp xảy ra...Cô yên trí rằng con trai cần được sửa soạn chu đáo như vậy. Đối với thằng bé, thay đổi thì thay đổi, nó cần gì? Nó càng thích. Những câu trả lời khi mẹ nó hỏi về với ông sẽ làm gì khiến cho người đàn bà góa đáng thương thấy rõ con trai mình không vì cuộc ly biệt mà buồn khổ bao nhiêu. Nó bảo: "Con sẽ cưỡi ngựa về thăm mẹ luôn, con sẽ ngồi xe ngựa về đón mẹ đi chơi, hai mẹ con sẽ giong xe đi chơi ở công viên, mẹ thích thứ gì, con sẽ mua cho mẹ".
Người mẹ đáng thương đành bằng lòng với lối biểu lộ tình cảm gắn bó một cách hơi ích kỷ của con trai, vẫn cố tin rằng nó vẫn thực tâm yêu quý mẹ. Cô nghĩ thầm: "Tất nhiên nó phải quý mẹ nó chứ. Trẻ con vẫn thế, đứa nào cũng khát khao cái mới, thằng Georgy không ích kỷ đâu. Nó chỉ tỏ ra có tinh thần tự chủ thôi. Nó có quyền được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu nó có cao vọng thì lại càng tốt. Cho đến nay, vì tình yêu ích kỷ, dại dột của người mẹ, chính mình đã tước đoạt mất của con trai những quyền lợi chính đáng".
Đàn bà nhiều khi có thái độ nhút nhát tự hạ mình khiến ta rất cảm động. Họ cam tâm thay chồng nhận hết phần lỗi về mình, bao nhiêu sai trái họ chịu hết, họ tự kết án về những tội lỗi họ không hề phạm, và nhất định che giấu cho kẻ thủ phạm chính thức. Chính những kẻ làm tội đàn bà nhiều nhất lại được họ đối đãi tốt nhất... vì trời sinh ra đàn bà vốn nhút nhát nhưng nanh nọc, kẻ nào tỏ ra quỵ lụy với họ, lập tức bị hành hạ ngay.
Amelia tự chuẩn bị cho việc chia tay với con trai bằng cách câm nín mà đau khổ; cô tập ngồi cô đơn hàng giờ liền để sửa soạn cho con ra đi. Georgy đứng cạnh mẹ, thờ ơ không hề chú ý xem mẹ đang làm gì. Mẹ nó đã nhỏ xuống hòm quần áo của con bao nhiêu giọt nước mắt. Mẹ nó đã lấy bút đánh dấu nhiều đoạn trong những cuốn sách nó thích và cẩn thận gói ghém cho nó đủ các thứ đồ chơi cũ cùng nhiều kỷ vật. Trong khi người mẹ đứt từng khúc ruột thì đứa con ra đi mặt mày hớn hở. Trời đất ạ, nghĩ tội nghiệp thay cho tấm lòng thương con vô ích của những người mẹ trong Hội chợ phù hoa này.
Vài hôm qua đi, sự kiện lớn trong đời Amelia thế là đã xảy ra trọn vẹn. Không có vị thần nào can thiệp mà cứu vãn được, đứa con thế là bị hy sinh, bị giao phó cho số mệnh, và người đàn bà goá từ đó phải sống trơ trọi một mình.
Thằng bé về nhà thăm mẹ luôn luôn. Nó cưỡi một con ngựa non có một bác xà ích ngồi kèm sau lưng; ông Sedley thấy cháu sang trọng thế, thích lắm; ông kiêu hãnh đi kèm bên cạnh nó ngoài phố.
Amelia nhìn con nhưng nó đâu còn là con trai của cô nữa. Thằng bé lại cưỡi ngựa đến thăm cả bạn trẻ cùng học trong ngôi trường nhỏ để phô trương sự giàu có sang trọng mình mới được hưởng. Mới có hai ngày mà nó đã học được cái điệu bộ hơi khệnh khạng và có vẻ bề trên. Me nó nghĩ bụng sao mà nó giống bố nó xưa kia thế, sinh ra như chỉ để chỉ huy người khác.
Hồi này, tiết trời đẹp. Những hôm con trai không về thăm nhà, chiều tối, Amelia còn đi bộ ra tận Luân đôn...Cô đến mãi tận phố Russell, ngồi trên tảng đá bên hàng rào công viên, đối diện với ngôi nhà của ông Osborne. Mặt đá êm ái mát lạnh. Nhìn lên cô trông thấy cửa sổ phòng khách sáng trưng. Và vào khoảng chín giờ tối, cô nhìn lên căn phòng trên gác chỗ Georgy ngủ; cô biết chắc đó là phòng của con - Georgy đã nói cho cô hay. Đèn tắt, cô vẫn ngồi đặt hết tâm hồn vào lời cầu nguyện cho con, rồi lặng lẽ run rẩy bước về. Về đến nhà cô mệt nhoài người; có lẽ sau mỗi cuộc đi mệt mỏi ấy, cô ngủ ngon giấc hơn, và lại có hy vọng gặp Georgy trong mộng.
Một ngày chủ nhật, tình cờ Amelia lại đến khu phố Russell, cách nhà ông Osborne một quãng (nhìn tận từ xa, cô vẫn nhận được ra ngôi nhà ấy); tiếng chuông lễ đổ hồi, hai cô cháu thằng Georgy từ trong nhà bước ra đi lễ nhà thờ. Một thằng bé quét đường đến cạnh xin bố thí; anh người nhà theo hầu cầm sách kinh cho hai cô cháu định đuổi nó đi; nhưng Georgy đứng lại, móc túi lấy tiền cho nó.
Cầu chúa ban phúc lành cho thằng bé! Emmy chạy vòng quanh mé bên kia công viên, đến bên thằng bé quét đường, cũng cho nó một đồng tiền. Chuông nguyện lễ vẫn thi nhau đổ hồi, Amelia cứ đi theo hai cô cháu tới nhà thờ của trại mồ côi thì rẽ vào. Cô tìm một chỗ ngồi để có thể nhìn thấy mặt con trai lấp ló dưới bức phù điêu kỷ niệm cha nó. Tiếng hát trong vắt của hàng mấy trăm đứa trẻ vang lên trong nhà thờ; chúng đang hát bài ca xưng tụng đấng từ bi tối cao. Bài đồng ca khiến cho tâm hồn thằng Georgy run lên vì thích thú. Trong một lúc, mẹ nó không nhìn rõ mặt con vì nước mắt bỗng ứa ra giàn giụa.
- Tập 1 - Chương mở đầu - Mấy lời giáo đầu
- Chương 1 - Chiswick mall
- Chương 2 - Sharp và Amelia chuẩn bị mở cuộc tấn công
- Chương 3 - Rebecca trước kẻ địch
- Chương 4 - Cái túi lụa xanh
- Chương 5 - Dobbin của chúng ta
- Chương 6 - Vauxhall
- Chương 7 - Crawley ở trại Crawley bà chúa
- Chương 8 - Riêng và kín
- Chương 9 - Những nhân vật trong gia đình
- Chương 10 - Cô Sharp bắt đầu kết bạn
- Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
- Chương 12 - Một chương thật là trữ tình
- Chương 13 - Trữ tình và những thứ khác nữa
- Chương 14 - Bà Crawley tại nhà riêng
- Chương 15 - Chồng cô Rebecca xuất hiện trong chốc lát
- Chương 16 - Bức thư trên chiếc gối may
- Chương 17 - Đại úy Dobbin sắm dương cầm
- Chương 18 - Ai chơi chiếc dương cầm Dobbin mua?
- Chương 19 - Bà Crawley dưỡng bệnh
- Chương 20 - Đại úy Dobbin đóng vai sứ giả của ông tơ hồng
- Chương 21 - Cãi nhau vì một cô gái triệu phú
- Chương 22 - Lễ cưới và tuần trăng mật
- Chương 23 - Đại úy Dobbin tiếp tục vận động
- Chương 24 - Ông Osborne xóa tên con trong quyển thánh kinh
- Chương 25 - Các nhân vật chính trong truyện thấy cần từ giã Brighton
- Chương 26 - Giữa Luânđôn và Chatham
- Chương 27 - Amelia đi theo trung đoàn của chồng
- Chương 28 - Amelia sang Bỉ
- Chương 29 - Brussels
- Chương 30 - Thiếp bên song cửa, chàng ngoài chân mây
- Chương 31 - Joe Sedley trông nom em gái
- Chương 32 - Joe đi trốn và chiến tranh kết thúc
- Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà
- Chương 34 - Cái tẩu của James Crawley bị quẳng đi
- Tập 2 - Chương 35 - Mẹ góa con côi
- Chương 36 - Làm thế nào sống đàng hoàng không một đồng lợi tức
- Chương 37 - Câu chuyện tiếp tục
- Chương 38 - Một gia đình lâm vào cảnh khó khăn
- Chương 39 - Một chương toàn chuyện tồi tệ
- Chương 41 - Becky về thăm nhà chồng
- Chương 42 - Những việc xảy ra trong gia đình Osborne
- Chương 43 - Bạn đọc cần đi vòng qua đảo Vọng Giác
- Chương 44 - Từ Luân Đôn đến Hampshire
- Chương 45 - Giữa Hampshire và Luân Đôn
- Chương 46 - Vật lộn và thử thách
- Chương 47 - Lâu đài Gaunt
- Chương 48 - Mời bạn đọc bước chân và giới thượng lưu
- Chương 49 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng
- Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
- Chương 51 - Màn kịch đố chữ
- Chương 52 - Bây giờ mới rõ mặt đại nhân
- Chương 53 - Giải thoát và tai họa
- Chương 54 - Ngày chủ nhật sau cuộc xô xát
- Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ
- Chương 56 - Về câu chuyện cũ
- Chương 57 - Từ Đông phương trở về
- Chương 58 - Anh bạn thiếu tá của chúng ta
- Chương 59 - Chiếc dương cầm ngày xưa
- Chương 60 - Trở lại xã hội thương lưu
- Chương 61 - Tắt đi hai ngọn đèn
- Chương 62 - Trên bờ sông Rhein
- Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
- Chương 64 - Một chương lông bông
- Chương 65 - Lạc thú và việc làm ăn
- Chương 66 - Chuyện xích mích của những kẻ yêu nhau