Gửi bài:

Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà

Xin bạn đọc nhớ hộ cho rằng sau những trận thắng doanh liệt ở Flanders, khi quân đội ta đang tiến lên để chiếm những pháo đài thuộc biên giới nước Pháp trước khi chiếm đóng nước này thì ở nước Anh một số nhân vật có liên quan đến giai đoạn lịch sử hiện nay và sẽ phải xuất hiện để được ghi vào niên sử vẫn cứ sống hoàn toàn yên ổn. Suốt thời gian xảy ra những trận đánh đầy nguy hiểm kia, bà Crawley vẫn sống ở Brighton, cũng không lấy làm xúc động lắm về những biến cố lớn lao đang diễn ra. Những tin tức quan trọng này khiến cho báo chí đâm ra thú vị; bà Briggs đọc báo Tin tức thấy đăng tin Rawdon chiến đấu rất dũng cảm, và lại được thăng chức. Bà cô nghe, nói:

- Rõ tiếc, thằng bé lầm lẫn một cách tai hại ngay khi mới bước vào đời. Con nhà gia thế lại có địa vị xã hội như thế, làm gì nó chẳng lấy được con nhà tử tế, con gái một nhà sản xuất rượu chẳng hạn, như cô Grains ấy, của hồi môn có tới hai mươi lăm vạn đồng; nó cũng rất có thể kết thân với những gia đình tai mặt ở Anh quốc; và nó sẽ được hưởng gia tài của tôi... nó, hoặc con cái nó sau này bởi vì, bà Briggs ạ, tôi chưa muốn chết vội đâu, mặc dầu bà chỉ mong tôi chết cho thoát nợ. Thế mà bây giờ nó đành chịu nghèo xơ xác, lấy một con vũ nữ làm vợ.

- Bà Crawley thân yêu ơi, bà nỡ nào không thương xót người chiến sĩ dũng cảm mà tên tuổi đã được nhắc tới trong sổ sách quang vinh của đất nước? Bà Briggs nói vậy; bà rất phấn khởi về trận đánh Waterloo, và thích hễ có dịp là ăn nói kiểu lãng mạn như thế - ông đại úy, bây giờ tôi có thể gọi ông trung tá rồi - ông trung tá chẳng đã hành động khiến cho tên tuổi dòng họ Crawley lừng lẫy danh tiếng đó sao?

Bà Crawley đáp:

- Bà Briggs, bà xuẩn lắm. Trung tá Crawley đã đem tên tuổi dòng họ Crawley dìm xuống vũng bùn rồi. Cưới con gái một lão thầy dạy vẽ làm vợ, chết thật ?...Cưới một tùy nữ?...Con bé ấy chỉ đáng gọi như thế thôi bà Briggs ạ. Nó cũng chỉ như bà thôi... Có điều nó trẻ hơn, đẹp hơn và thông minh hơn bà nhiều. Không biết chừng bà còn a tòng với con bé khốn kiếp tứ cố vô thân ấy cũng nên. Cháu tôi chết về bàn tay xảo quyệt của nó; còn bà thì lúc nào cũng gân cổ lên mà ca tụng. Phải, chính bà a tòng với nó. Nhưng tôi bảo cho bà biết trước, bao giờ tôi viết chúc thư bà sẽ thất vọng cho mà xem. Bà viết ngay hộ tôi lá thư gửi ông Waxy, bảo tôi cần gặp ông ta ngay lập tức.

Ít lâu nay bà Crawley có thói quen gần như ngày nào cũng viết thư cho ông Waxy luật sư riêng của bà, vì bà cứ thay đổi lại mãi nội dung lá chúc thư, bối rối quá, không biết định đoạt số phận gia tài của mình ra sao. Tuy nhiên, bà già cũng đã bình phục lại nhiều. Cứ nghe bà luôn luôn mỉa mai giễu cợt bà Briggs thì đủ rõ.

Người đàn bà này chịu đựng tất cả một cách ngoan ngoãn, hèn nhát; thái độ đành lòng ấy nửa như rộng lượng, nửa như giả dối... tóm lại, đó là sự phục tùng của kẻ nô lệ, mà những người đàn bà tính tình như thế, ở cương vị như thế bắt buộc phải biểu lộ. Ai là người chưa từng được thấy đàn bà họ đối xử tàn tệ với nhau ra sao? Những sự dằn vặt đàn ông ta phải chịu không thấm vào đâu, so với cách đối xử thâm độc, đầy khinh miệt như những mũi tên hàng ngày từ tay những mụ nữ bạo chúa xuyên vào trái tim những người đàn bà nghèo khổ. Những kẻ nạn nhân đáng thương?

Nhưng hãy trở lại câu chuyện; bà Crawley khỏi bệnh, lại đâm ra hết sức trái thói, độc ác... cũng như ta thường nói, vết thương đang lên da non thì hay ngứa ngáy. Trong thời gian bà Crawley đang bình phục, bà Briggs là nạn nhân duy nhất được phép ra mắt người ốm. Song bà con thân thuộc khác cũng không quên bà lão đáng quý, họ đều cố gắng khiến bà ta không quên họ bằng cách gửi quà cáp và thư từ thăm hỏi.

Trước tiên, phải kể ngay đến anh cháu trai là Rawdon Crawley. Sau trận Waterloo nổi tiếng vài tuần lễ, khi báo Tin tức đã công bố tin viên sĩ quan này chiến đấu anh dũng và được thăng chức, thì chiếc tàu thủy Dieppe chở về Brighton cho bà Crawley một hộp tặng phẩm, kèm theo một lá thư lời lẽ chí hiếu của ông cháu trung tá. Trong hộp, thấy có một đôi lon vai của nhà binh Pháp, một tấm Bắc đẩu bội tinh và một cái cán gươm.... đấy là những kỷ vật của trận đánh vừa qua. Nội dung lá thư kể lại với giọng trào phúng rằng những vật đó là của một tên sĩ quan Pháp chỉ huy đội quân Ngự lâm; tên này vừa thề rằng "Ngự lâm quân thà chịu chết, không bao giờ lùi" thì một phút sau đã bị một anh lính trơn bắt sống làm tù binh; anh ta lấy báng súng đập gãy gươm của tên sĩ quan Pháp. Rawdon bèn lấy ngay chiếc cán gươm gãy làm kỷ niệm. Còn đôi lon vai và tấm Bắc đẩu bội tinh là của một tên trung tá kỵ binh Pháp; tên này bị Rawdon giết chết tại trận. Rawdon thấy tốt nhất là gửi mấy vật này về làm quà cho bà cô quý mến nhất đời của mình. Không biết anh ta có thể tiếp tục viết thư từ Paris về cho bà cô được không? Quân đội đang tiến tới đó. Nếu vậy, anh ta sẽ có thể viết thư thuật lại nhiều chuyện thú vị của kinh đô nước Pháp, cùng tin tức về một số bạn cũ của bà Crawley; hồi họ còn lưu vong sang nước Anh, bà đã đối đãi với họ rất tử tế trong khi họ gặp bước khốn cùng.

Bà gái già sai bà Briggs viết cho viên trung tá một bức thư, lời lẽ ngọt ngào, ngợi khen chiến công của anh ta, lại khuyến khích anh ta cứ tiếp tục viết thư về. Nội dung lá thư đầu tiên của thằng cháu lý thú quá, làm cho bà lão đâm ra thèm xem tiếp những lá thư sau. Bà ta giải thích cho bà Briggs nghe thế này: "Bà Briggs này, tôi biết tỏng rằng tài văn chương của thằng Rawdon cũng chỉ như bà thôi, làm gì viết nổi một bức thư hay đến thế, lại cái con mẹ ranh Rebecca nó đọc từng chữ cho thằng chồng chép đấy thôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi không có quyền được giải trí đôi chút, cho nên tôi muốn nó tưởng rằng tôi vui lòng lắm".

Chắc bà không ngờ rằng chẳng những chính tay Rebecca viết thư, mà cũng chính tay cô nhặt nhạnh mấy vật kỷ niệm kia để về làm quà... Ngay sau trận Waterloo, có vô số người bán rong những di tích của trận đánh; Rebecca chỉ mất có mấy đồng phơ-răng. Riêng nhà tiểu thuyết là người biết hết mọi chuyện cũng biết điều đó.

Dẫu sao chăng nữa, lá thư đầy lời lẽ ngọt ngào của bà Crawley cũng khiến hai vợ chồng Rawdon rất phấn khởi; họ hy vọng bà cô đã hồi tâm, vì thấy bà vui vẻ lắm. Đúng như lời Rawdon nói trước, hai vợ chồng may mắn được theo đoàn chiến thắng tới Paris. Từ đó họ viết thư gửi về cho bà cô, ra sức kể vô khối chuyện lý thú.

Bà vợ ông thầy tu về nhà thuốc thang cho chồng bị gãy xương đùi cũng gửi thư hỏi thăm, nhưng phong thư trả lời của bà Crawley chẳng vui vẻ tí nào. Đối với bà em chồng, bà Bute, người đàn bà sắc mắc, nhanh nhảu, độc tài ấy đã phạm một sai lầm tai hại nhất đời. Bà Bute đã đàn áp bà Crawley và tất cả nhà...thành ra bị họ chán ngấy.

Nếu bà Briggs là người có đôi chút thông minh, chắc bà phải rất thú vị khi được bà chủ ra lệnh viết thư trả lời bà Bute rằng, từ ngày bà Bute ra về, thì bà Crawley khỏe ra nhiều, lại yêu cầu bà Bute không việc gì phải lo lắng, mà cũng không dám phiền bà này bỏ nhà bỏ cửa để lên săn sóc nữa. Đối với nhiều người đàn bà khác, thì thắng được kẻ vẫn đối xử ngạo mạn, độc ác với mình là điều đáng hả dạ; nhưng thực ra bà Briggs không phải là người tinh ranh lắm, nên đến lúc thấy kẻ thù bại trận, bà ta lại thấy thương thương.

Bà Bute nhận được thư, nghĩ thầm: "Mình rõ thật ngu, cái bữa gửi biếu đôi gà tây, việc gì phải báo trước trong thư là mình sẽ lên thăm. Lẽ ra mình sẽ lên thăm. Lẽ ra mình cứ yên lặng mà mò đến, không cho mụ già lẩm cẩm ấy biết trước mới phải, có thế mới cướp được mụ trong tay con mẹ Briggs ngốc nghếch và con bé hầu buồng quỷ quyệt kia chứ. ông Bute ơi là ông Bute! Sao ông lại đi gãy xương đùi làm gì cho tôi khổ"!

Tại sao thế nhỉ? Chúng ta đã thấy Bà Bute chơi một nước bạc khá cao lúc vận còn đỏ; bà ta đã hoàn toàn chế ngự được cả nhà, bà Crawley rồi cơ mà? Nhưng cũng chính vì bị đàn áp quá đáng nên hễ gặp dịp là họ nổi loạn ngay tức khắc. Bà Bute và cả nhà bà nghĩ rằng, chính bà là nạn nhân của sự ích kỷ và phản bội ghê gớm; bà đã hy sinh bao nhiêu để chăm lo cho bà Crawley mà bây giờ bị bạc đãi một cách dã man quá. Người đàn bà ngoan đạo này thấy tin Rawdon được thăng chức đăng ầm ĩ trên báo Tin tức thì tức cuồng người lên. Bây giờ nó làm đến trung tá, lại chịu tước Tùy giá hiệp sĩ rồi, không chừng bà cô nghĩ lại mất; mà cái bọn Rebecca đáng ghét ấy lại được yêu quý như trước nữa chăng? Bà vợ ông cha xứ lập tức thảo ngay hộ chồng một bài thuyết giáo, phân tích sự phù phiếm của những chiến công quân sự và thịnh vượng của những kẻ xấu; ông thầy tu đáng kính lấy cái giọng tốt nhất đọc từ đầu chí cuối mà không hề hiểu được một chữ. Hôm ấy Pitt Crawley cũng có mặt trong số thính giả. Pitt đưa hai cô em khác mẹ đến nhà thờ nghe giảng đạo, vì lão nam tước già hồi này không sao đến dự luôn luôn được.

Từ ngày Becky Sharp bỏ đi, lão già ma bùn này mặc sức ngập lặn trong những thú tính hạ cấp, khét tiếng bừa bãi cả một vùng; anh con trai đành cứ câm nín chịu đau khổ. Chiếc mũ của cô Horrocks được dịp trang điểm bằng những cái dải lộng lẫy hơn bao giờ hết. Những gia đình nền nếp hãi hùng lánh xa trại Crawley và ông chủ của nó như lánh hủi. Cụ Pitt la cà xuống nhà các tá điền, ngồi uống rượu với họ. Đến phiên chợ, lão lại ngồi chén chú anh với bọn nông dân ngay trong quán rượu ở Mudbury,và các vùng lân cận. Lão ngồi sóng đôi với cô Horrocks, giong xe bốn ngựa đi chơi Southampton; khắp quận, tuần nào người ta cũng chờ tin đám cưới lão đăng trên tờ báo địa phương; con trai lão cũng yên trí như vậy, song không dám nói ra.

Quả thật là một gánh nặng nhục nhã cho Crawley. Anh này vẫn có thói quen chủ tọa những buổi họp của các giáo sĩ, hoặc những tổ chức có tính chất tôn giáo trong vùng, và thường nói thao thao bất tuyệt hàng mấy tiếng đồng hồ liền; bây giờ anh ta thấy lưỡi mình như cứng lại, bởi vì mỗi khi đứng lên nói, anh ta có cảm tưởng thiên hạ đang xì xào rằng: "Con trai lão Pitt vô lại đấy, giờ này có lẽ lão già đang say sưa trong quán rượu cũng nên". Có một lần Crawley đang công kích đời sống của vua xứ Timbuctoo vì không biết hắn giấu giếm trong bóng tối có đến bao nhiêu vợ, thì một tên say mèm trong đám đông hét ầm lên: "Ông trẻ đạo đức giả ơi, ở trại Crawley Bà chúa nhà ông, có bao nhiêu vợ thế?"Cử tọa sửng sốt, và bài diễn thuyết của Pitt cũng đi đứt. Cụ Pitt thề từ giờ đến chết không mượn cô giáo dạy trẻ nữa; nếu Pitt Crawley không đe bố, bắt buộc lão già phải cho hai cô con gái vào nội trú trong trường học, thì có lẽ hai cô thiếu nữ cũng đến hư đốn mất.

Mấy người cháu trai và cháu gái của bà Crawley tuy có những chuyện xích mích cá biệt đối với nhau, nhưng đều nhất trí ở điểm cùng hết sức cố gắng yêu quý bà cô, thi nhau mà tỏ lòng kính mến. Bà Bute thì gửi biếu gà tây, và mấy cái bắp cải thật ngon, lại kèm theo một cái túi thật đẹp và một chiếc gối cài kim khâu do chính tay hai cô gái yêu làm; hai cô cũng mong được bà cô thân yêu nhớ đến tý chút. Còn Pitt thì gửi biếu nào đào, nào nho, lại cả thịt thú rừng săn trong trại. Xe ngựa đi Southampton vẫn phải chở những tặng vật ấy đến Brighton cho bà Crawley. Thỉnh thoảng Pitt cũng đi xe ngựa đến thăm bà cô. Vì có chuyện bất hòa với bố nên hồi này Pitt vắng nhà luôn. Không những thế, anh chàng thích đến Brighton, còn vì công nương Jane Sheepshanks; hai bên có đính ước với nhau, như ta đã rõ. Công nương sống ở Brighton với mấy chị em gái và mẹ là bá tước phu nhân Southdown; xưa nay người đàn bà cương nghị này vẫn nổi tiếng trong giới đạo đức.

Chúng ta cũng phải dành ít lời nói qua về bá tước phu nhân cùng gia đình quý phái của bà... vì hiện nay cũng như sau này bà ta có nhiều liên quan với gia đình Crawley.

Về người đứng đầu gia đình Southdown thứ tư, thì không có gì đáng nói lắm; anh ta được cử vào Nghị viện (cũng như bá tước Wolsey) do sự bảo lãnh của ông Wilberforce. Một thời ông ta đã được người đỡ đầu cho mình về chính trị rất tin cậy; hồi còn trẻ, quả thật anh ta cũng là người đứng đắn; nhưng ông thân sinh ra anh ta vừa chết đi không bao lâu, bà mẹ đã nghe đồn đại nhiều về con trai: nào là hay đàn đúm chơi bời bậy bạ, nào là thua bạc mất vô khối tiền ở sòng bạc nhà Wattier và ở quán "Cây dừa"; bà mẹ lấy làm khổ tâm không thể tưởng tượng được. Anh ta đem cả gia tài ra ký cược lấy tiền tiêu trước, đi chơi đâu cũng giong xe bốn ngựa, lại làm ông bầu tổ chức thi đấu quyền Anh.

Hiện anh ta còn thuê cả một "lô" ghế tại rạp Opera để thết đãi bè bạn toàn một bọn trai trẻ chưa vợ bán giời không văn tự. Người quen bà mẹ góa có của ấy hễ nhắc đến tên anh ta là ai cũng phải phàn nàn.

Công nương Emily hơn em trai rất nhiều tuổi; cô này khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu đạo lý và là tác giả mấy cuốn sách thú vị đã nói ở trên, và nhiều bài thơ tôn giáo ấy là một cô gái ở vậy đã quá lứa, không còn tơ tưởng mấy tý đến chuyện chồng con, bây giờ bao nhiêu tình cảm còn lại dốc vào sự thương xót những người da đen. Hình như cô ta là tác giả bài thơ xinh xinh sau đây:

Hãy đưa ta đến hòn đảo nào chói nắng,

Phía trời tây xa tít giữa trùng dương.

Nơi nghìn năm trời xanh cười tươi tắn.

Mà người da đen vạn kiếp khóc thê lương.

Cô ta vẫn còn thư từ đi lại với nhiều mục sư ở hầu hết các thuộc địa Đông Âu và Tây Ấn của ta; hình như cô còn mang một mối tình u ẩn với cha xứ Silas Hornblower; nghe đâu ông này bị bọn người bán khai tại những đảo xa xôi miền cực nam xa xôi xăm mình mất rồi.

Còn công nương Jane, ý trung nhân của Pitt Crawley, như ta đã rõ. Là người tính tình hiền hậu, e lệ, nhút nhát và ít nói. Thấy anh trai hư hỏng, cô chỉ khóc lóc, và tự lấy làm xấu hổ vì mình vẫn quý anh như cũ. Nhiều khi, cô vẫn giấu giếm viết những mẩu thư ngắn gửi cho anh. Suốt đời, cô chỉ có mỗi một điều bí mật khiến cho lương tâm cắn rứt là cô một lần đã cùng bà quản gia có tuổi lén đến thăm Southdown ở Albany, và thấy anh trai gớm ghiếc, cái ông mãnh trời đánh - đang hút xì gà, ngồi trước một chai rượu ca-cao. Cô rất khâm phục chị gái, rất kính mến mẹ; lại thường vẫn coi Pitt Crawley là người đàn ông lịch sự, tài giỏi nhất thiên hạ, sau Southdown dĩ nhiên, vì đối với cô, Southdown là một vị thiên thần đã chết. Cô coi mẹ và chị là hai người đàn bà siêu quần, họ lo lắng hết thảy cho cô; họ nhìn cô với thái độ thương hại khả ái của những người phụ nữ đối đãi với những người tầm thường hơn mình. Mẹ cô may quần áo cho cô, mua sách cho cô, sắm mũ cho cô, suy nghĩ hộ cô nữa. Cô sinh ra đời để cưỡi ngựa đi chơi, để tập đàn dương cầm, cũng như để làm mọi việc khác theo sở thích của Southdown phu nhân. Nếu như không nhân dịp công nương Jane được vào chầu nữ hoàng Charlotte mà phải bỏ "quần yếm" ra thì có lẽ bá tước phu nhân còn cứ bắt cô đeo mãi, mặc dù cô đã hai mươi sáu tuổi.

Khi mấy mẹ con bà bá tước đến Brighton, Crawley chỉ đến thăm riêng họ; anh ta chỉ gửi lại nhà bà cô một tấm danh thiếp, và nhã nhặn hỏi thăm bác Bowls hoặc anh phụ việc vài lời về tình hình sức khỏe của người ốm. Lần gặp bà Briggs từ hiệu sách về nhà, khệ nệ ôm một chồng tiểu thuyết, Crawley đỏ mặt lên một cách khác thường, lúc tiến lại bắt tay người bạn của cô mình, vì tình cờ lúc đó anh ta đang cùng đi với công nương Jane; anh ta bèn giới thiệu Briggs với người yêu: "Công nương Jane, cho phép tôi giới thiệu người bạn tốt nhất và cũng là người thân cận dịu dàng nhất của cô tôi, bà Briggs là tác giả tập thơ Tiếng Tơ Lòng mà cô nương rất ưa đọc". Công nương Jane cũng đỏ mặt lên, giơ bàn tay bé nhỏ của mình ra cho bà Briggs nắm; cô ấp úng nói mấy câu không đầu không đuôi về mẹ mình, rồi hứa sẽ đến thăm bà Crawley, đồng thời tỏ ý rất vui mừng được làm quen với bè bạn và thân nhân của Pitt Crawley.

Lúc chia tay đôi mắt cô nhìn bà Briggs dịu dàng như mắt chim bồ câu; Pitt Crawley thì cúi rạp xuống chào bà này, như anh ta vẫn chào quận chúa Pumpernickel, hồi anh ta còn nhận chức tùy viên ngoại giao bên cạnh quận chúa.

Thật là một nhà ngoại giao có thủ đoạn, xứng đáng là học trò của ngài Machiavellian Binkie (<145>). Chính anh ta đưa cho công nương Jane xem tập thơ của bà Briggs; anh ta nhớ có lần bắt gặp tập thơ này ở trại Crawley Bà chúa; thấy có lời tác giả đề tặng bà mẹ kế đã quá cố, anh ta bèn mang đến Brighton; ngồi trên chuyến xe Southampton, anh ta đọc thơ, lấy bút chì gạch đánh dấu rồi trao cho công nương Jane. Lại cũng chính anh ta trình bày với Southdown phu nhân rằng nếu gia đình Southdown liên hệ chặt chẽ với bà Crawley thì sẽ có lợi như thế nào... theo ý anh ta thì có lợi cả về vật chất và tinh thần: bây giờ bà Crawley hoàn toàn trơ trọi; Rawdon vì cái tính hoang toàng và cái tội lấy vợ không "môn đăng hộ đối" đã bị bà ghét cay ghét đắng rồi; bà Bute Crawley thì tham lam, hám lợi và ngang ngược quá. Bà gái già đã phải nổi loạn chống lại sự lạm quyền quá quắt ấy. Riêng Pitt Crawley xưa nay vẫn tránh không chịu tranh thủ cảm tình của bà lão; anh ta thấy có lẽ mình kiêu ngạo không đúng chỗ; bây giờ chính là lúc cần áp dụng những biện pháp thích đáng, vừa để cứu vớt linh hồn bà lão khỏi sa xuống địa ngục, vừa nhằm ăn chắc cái gia tài của bà về phần mình với tư cách là trưởng họ Crawley.

Southdown phu nhân vốn là người cả quyết, hoàn toàn tán thành đề nghị của con rể, định cải đạo bà Crawley ngay tắp lự. Hồi còn ở đất Southdown và lâu đài Trottermore, vị sứ giả to béo và ghê gớm của chân lý này thường ngồi xe giong khắp nơi, có kỵ sĩ theo hầu; bà ném hàng bó sách đạo cũng như bà ra lệnh cho bác Hicks đoạt thuốc súng của một anh James nào đó mà không cần đến sự can thiệp của các mục sư tại chức. Hồi bá tước Southdown còn sống - ông này mắc bệnh, tính tình giản dị - ông chồng vẫn có thói quen tán thành mọi việc làm, mọi ý kiến của bà Matilda (mà tư tưởng ấy cũng khá phức tạp, vì bà chịu ảnh hưởng của đủ mọi thứ học giả ly khai với chính giáo), bà không nề hà gì mà không ra lệnh cho tất cả tá điền và người hầu phải tin tưởng như mình. Cho nên, bất cứ vị tu sĩ nào đến chơi, là đức cha Saunders McNitre người Scotch hay đức cha Luke Waters thuộc dòng Wesleyan, hoặc đức cha Giles Jowls ông thợ giầy mộ đạo, người đã tự phong cho mình chức linh mục y như Napoléon tự tôn làm hoàng đế vậy...bất cứ ai đến chơi, bà cũng bắt cả nhà từ lớn chí bé cùng bà quỳ xuống nghe các vị ấy cầu kinh mà nói "A-men" tất. Trong lúc ấy, vì ốm, nên ông già Southdown được phép cứ ở trong phòng mình để uống rượu, đọc báo. Ông lão quý công nương Jane nhất nhà; cô này cũng săn sóc yêu quý cha thực tâm nhất nhà. Công nương Emily là tác giả cuốn "Người thợ giặt ở Finchley"; cô ta miêu tả trong sách những sự trừng phạt ở thế giới bên kia ghê gớm quá (sau này cô có thay đổi quan điểm) làm ông bố già nhút nhát đọc đến mà phát ốm; các ông thày thuốc tuyên bố rằng cứ khi nào nghe con gái thuyết giáo là ông lão lại lên cơn bệnh.

Nghe Pitt Crawley, anh con rể tương lai khuyến khích mình, Southdown phu nhân đáp:

- Thế nào tôi cũng đến thăm. Thầy thuốc chữa cho bà Crawley là ai đấy nhỉ?

Pitt Crawley đáp là ông Creamer.

- Anh Pitt ơi, lão này có biết thuốc men là cái gì đâu, uống thuốc của lão nguy hiểm lắm. Nhờ ơn Chúa tôi đã nhiều lần có dịp tống khứ lão ta ra khỏi nhiều gia đình đấy; cũng có một đôi lần tôi đến không kịp. Tôi đã không cứu được tướng Glanders tội nghiệp đang chết ngắc ngoải trong tay gã ngu ngốc đó; tôi đến thăm thấy thế bèn lấy thuốc viên của Podgers cho nuốt thấy hồi lại đôi chút, nhưng rồi cũng hỏng. Chậm quá mất rồi. Ông ta chết cũng nhẹ nhàng, được sang thế giới bên kia, thế cũng là việc hay. Anh Pitt ạ, phải tống khứ lão Creamer đi mới xong.

Pitt tỏ ý hoàn toàn tán thành. Anh ta quen chịu ảnh hưởng của bà mẹ vợ tương lai có tính tình cương quyết. Chính anh ta đã quen tiếp những Saunders McNitre, Luke Waters, Giles Jowls, và uống cả thuốc viên của Podgers lẫn của Rodgers hoặc thuốc nước của Pokey, nghĩa là đủ mọi thứ thuốc vật chất và tinh thần tự tay bà bá tước trao cho. Lần nào từ biệt gia đình này ra về, anh ta cũng kính cẩn ôm theo hàng chồng sách thần học lăng nhăng và sách thuốc lang băm. Ôi, những người bạn quen thuộc với Hội chợ phù hoa của tôi ơi, có ai chưa bao giờ phải chịu đựng sự thống trị của một vị bạo chúa nhân từ như thế không? Tha hồ cho ta nói: "Kính thưa quý bà, năm ngoái tôi đã theo lệnh quý bà uống thuốc của Podgers, tôi đã tin tưởng là thuốc hay rồi, sao bây giờ tôi lại cứ phải đổi ý kiến mà uống thuốc của Rodgers nữa cơ chứ?" Vô ích; người tín đồ mới mẻ ấy không thể lấy lý luận mà thắng được, lập tức khóc hu hu lên; thế là cuối cùng kẻ xa rời chính đạo đành bưng lấy bát thuốc, nói: "Vâng, vâng, thì thuốc của Rodgers hay hơn vậy."

Dĩ nhiên, về mặt tinh thần, bà ấy cần được săn sóc ngay lập tức. Trót uống thuốc của lão Creamer rồi, rất có thể chết lúc nào không biết đấy; mà chết với một tâm trạng như thế nào, anh Pitt? Một tâm trạng khủng khiếp? Tôi sẽ lập tức phái đức cha Irons đến ngay. Jane đâu, viết ngay thư thay mặt mẹ gửi cha Bartholomew Irons, xưng với cha bằng ngôi thứ ba, mời đức cha tối nay đến chơi xơi nước, hồi sáu giờ rưỡi. Đức cha nhiệt tình lắm. Thế nào đức cha cũng phải gặp bà Crawley ngay đêm nay, trước khi bà ấy đi nghỉ. Còn Emily, con gái yêu của mẹ ơi, con phải sắp sẵn ngay một chồng sách để biếu bà Crawley. Lấy quyển Một tiếng gọi trong đám lửa. Tiếng kèn báo động Jericho, Cái nồi vỡ hay là cuốn Kẻ ăn thịt người được cải đạo nhé...

Công nương Emily góp ý:

- Cả cuốn Người thợ giặt ở Finchley nữa, mẹ ạ. Mới đầu ta phải vuốt ve dịu dàng chứ.

Nhà ngoại giao Pitt ngắt lời:

- Thôi thôi, các chư vị. Để tỏ ý hết sức tôn trọng ý kiến của Southdown phu nhân tôn kính, con thiết thưởng ta bắt đầu ngay với bà Crawley bằng những chuyện đứng đắn quá, e không lợi. Nên nhớ rằng bà ấy đang yếu, và xưa nay, ít khi, phải, rất ít khi bà ấy chú ý tới những chuyện dính đáng đến hạnh phúc vĩnh cửu của mình.

Công nương Emily tay lăm lăm ôm sáu quyển sách đã đứng lên:

- Ta bắt tay ngay vào việc chứ, chú Pitt?

- Nếu chị hành động đột ngột quá, bà ấy sợ. Tôi biết tính bà cô tôi, ta vào đề đột ngột quá thì hỏng bét. Bà ấy sẽ phát hoảng và bực mình. Chưa biết chừng bà ấy sẽ quẳng mấy cuốn sách vào một xó, không thèm nhìn mặt chúng ta nữa.

- Chú Pitt ạ, chú cũng ưa xã giao chẳng kém gì bà Crawley.

Công nương Emily nói rồi ôm chồng sách ra thẳng.

Pitt hạ thấp giọng nói tiếp, không để ý đến lời Emily:

- Phu nhân Southdown quý mến ạ, chẳng nói chắc bà cũng hiểu, nếu ta không nhẹ nhàng, thận trọng, thì hỏng hết, không hy vọng gì hưởng món gia sản của bà cô con đâu. Xin bà nhớ cho rằng cô con có bảy mươi vạn đồng bảng vốn, tuổi lại già mà ốm yếu quặt quẹo luôn. Bà cụ định cho thằng em con là trung tá Crawley hưởng gia tài, nhưng hủy di chúc đi rồi. Đang lúc bà cụ bực mình, ta phải dùng cách mơn trớn mới hy vọng dẫn được về con đường phải; sỗ sàng là hỏng việc. Cho nên, chắc bà đồng ý với con rằng...rằng...

Southdown phu nhân đáp ngay:

- Dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi, Jane, thôi; không cần biên thư cho ông Irons, con ạ. Nếu bà ấy còn yếu, chưa thảo luận được, ta đợi bao giờ khỏe hàng hay. Mai, tôi sẽ đến thăm bà Crawley.

Pitt ngọt ngào thêm:

- Mà con có ý kiến, có nhẽ ta không nên mang Emily đi theo; chị ấy hăng hái quá, không lợi. Bà nên cho công nương Jane cùng đi, cô ấy dịu dàng, có lợi hơn.

Southdown phu nhân đáp:

- Phải lắm, Emily sẽ làm hỏng hết việc mất.

Lần này, bà ta chịu nhượng bộ, không dùng đến chiến thuật quen thuộc của mình, nghĩa là mỗi khi muốn khuất phục ai, bà thường đánh phủ đầu bằng một lô sách đạo (y như kỵ binh Pháp trước khi tấn công phải bắn một loạt đại bác đã). Vậy thì hoặc vì sức khoẻ, vì hạnh phúc vĩnh cửu sau này của người bệnh, hoặc vì tiền không rõ, Southdown phu nhân đã chịu nhượng bộ.

Hôm sau, người ta thấy chiếc xe ngựa đồ sộ của gia đình Southdown dừng lại bệ vệ trước cửa nhà bà Crawley. Trên vách xe, có vẽ một hình quả trám, trên có huy hiệu bá tước (ba con cừu non sơn màu bạc trên nền xanh đậm tức là dấu hiệu đặc biệt của gia đình Southdown, ở một góc có tô màu đen trên nền kim nhũ, ngụ ý thuộc dòng họ Binkie).

Anh hầu người cao lớn trao cho bác Bowls một tấm danh thiếp của bá tước phu nhân gửi cho bà Crawley, và một tấm gửi cho bà Briggs. Tối hôm ấy, công nương Emily cũng gửi cho bà Briggs một bọc sách, trong đó có cuốn truyện Người thợ giặt... cùng nhiều cuốn sách khác như Bánh vụn trong nhà bếp, Chảo và lò, Bộ áo của Tội lỗi. Đại loại toàn những sách ghê gớm cả, để bà Briggs và các gia nhân khác đọc.

Mục lục
Ngày đăng: 02/09/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Zokadice - Yathzee with friends

Mục lục