Chương 29 - Brussels
Joe thuê một đôi ngựa để kéo chiếc xe mui trần của anh ta, chiếc xe song mã lộng lẫy kiểu Luân-đôn, trong những cuộc giong xe đi chơi Brussels, trông anh ta cũng có mẽ người đáo để. George cũng mua riêng một con ngựa, anh ta và Dobbin vẫn thường cưỡi ngựa đi kèm bên cạnh chiếc xe, trên xe có Joe và em gái ngồi. Hôm ấy, như thường lệ, họ ra công viên chơi, và thấy rõ George nói đúng; hai vợ chồng Rawdon Crawley cũng có mặt ở Brussels.
Rebecca đi giữa một đám đông cưỡi ngựa, toàn những người tai mặt ở Brussels; cô ta bận một tấm áo kỵ mã thật lịch sự bó khít người, cưỡi một con ngựa Ả-rập nhỏ rất đẹp, dáng điệu vô cùng thoải mái; hồi còn ở trại Crawley Bà chúa, cô ta đã được cụ Pitt và chính Rawdon dạy cho cưỡi ngựa nhiều lần. Cô sóng ngựa đi bên viên tướng hào hoa Tufto.
Bà thiếu tá O'Dowd bảo với Joe đang bắt đầu đỏ tía mặt lên:
- Đích thị công tước rồi. Còn người cưỡi ngựa nâu là bá tước Uxbridge. Trông mới lịch sự làm sao? Cậu Molloy Malony nhà tôi giống ông ta như hai giọt nước vậy!
Mới đầu Rebecca không tiến lại chiếc xe ngựa, nhưng lúc nhìn thấy cô bạn cũ Amelia ngồi ở trong thì cô chào bằng một nụ cười thật duyên dáng, giơ bàn tay lên hôn gửi một cái và vẫy về phía chiếc xe, đoạn cô lại quay sang tiếp tục câu chuyện với tướng Tufto. Ông này hỏi: "Viên sĩ quan béo ị đội mũ đính lon vàng kia là ai đấy?" Rebecca đáp đó là một viên chức trong công ty Đông Ấn. Rawdon Crawley thúc ngựa tách khỏi đám đông tiến ra thân mật bắt tay Amelia, và bảo Joe: "Thế nào, ông bạn, mạnh khỏe chứ?" Đoạn anh ta quay sang cứ trố mắt lên mà nhìn vào tận mặt bà O'Dowd cùng cái túm lông cài trên mũ; bà này yên trí anh chàng phải lòng mình đứt đuôi rồi.
George từ phía sau lập tức cùng Dobbin thúc ngựa tiến lên, họ giơ tay lên vành mũ chào mấy vị khách quan trọng. Osborne nhìn thấy ngay trong số đó có cả cô vợ Rawdon. Thấy Rawdon thân mật ghé vào bên xe trò chuyện với Amelia, anh ta khoái lắm, bèn sôi nổi bắt chuyện với viên sĩ quan tùy tòng của tướng Tufto. Còn Rawdon và Dobbin thì chỉ khẽ gật đầu chào nhau một cách hết sức lạnh nhạt.
Crawley bảo George rằng mình cùng tướng Tufto hiện đang trọ tại khách sạn Công viên, lại hứa với George sẽ đến thăm ngay anh ta tại chỗ ở riêng. George nói:
- Ba hôm nay không gặp mặt anh, buồn quá. Tôi vừa tổ chức một bữa tiệc tại khách sạn...cũng khá vui. Bá tước Bareacres cùng phu nhân và công nương Blanche cũng có lòng đến dự... giá có mặt thì tuyệt.
Thấy bạn đã tỏ rõ mình cũng đang trở thành một con người sang trọng, George từ biệt Rawdon; Rawdon nhập vào đoàn quý khách cưỡi ngựa, còn George và Dobbin lại quay về kèm hai bên xe ngựa của Amelia.
Bà O'Dowd lại nói:
- Công tước cưỡi ngựa trông đẹp nhỉ? Họ Wellesleys và họ Molony là thân thích với nhau đấy. Nhưng thật khốn khổ, tôi chẳng dám mơ đến chuyện tự giới thiệu mình với Công tước, có lẽ cứ để ngài nhớ ra mà nhận họ hàng trước thì phải hơn.
Lúc nhân vật quan trọng kia đã đi rồi, Joe mới cảm thấy thoải mái hơn trước; anh ta cũng góp ý kiến:
- Công tước thật là một quân nhân có tài. Thử hỏi xưa nay ai thắng được trận nào như trận Salamanca? Phải không, Dobbin? Nhưng có biết ngài nghiên cứu kỹ thuật quân sự ở đâu không? ở Ấn Độ đấy, thưa người anh em. Rừng rậm chính là trường học quân sự của các vị tướng lĩnh, xin nhớ hộ thế cho. Bà O'Dowd ạ, tôi cũng có quen công tước; trong một buổi dạ hội, cả tôi và ngài cũng đã cùng nhảy với cô Cutler, con gái ông Cutler trong đội pháo binh; cô ta đẹp tuyệt trần đời; ở Đumdum ấy mà.
Suốt buổi đi chơi hôm ấy, họ chỉ bàn tán với nhau về cuộc gặp gỡ mấy nhân vật quan trọng, ngay trong bữa ăn cũng vậy, mãi tới giờ đi xem hát ở rạp Opera mới thôi.
Cảnh tượng dường như không khác gì ở nước Anh.
Trong rạp hát toàn những bộ mặt quen thuộc người Anh; từ lâu khắp thành phố người ta đã sôi nổi ca tụng cách làm đầu của phụ nữ Anh-cát-lợi. Cách chải tóc của bà O'Dowd cũng được chú ý không kém. Mớ tóc quăn trước trán có đính một hàng ngọc Ailen; theo ý bà, cả rạp hát không ai có vật trang sức nào đẹp bằng. Phải ngồi cạnh bà O'Dowd, Osborne khổ tâm vô cùng nhưng bà này hễ nghe nói mấy ông bạn trẻ đi đâu chơi là nhất định mò đến tìm kỳ được bởi lẽ bà đinh ninh rằng được đi chơi cùng bà, họ phải sung sướng lắm lắm.
George thường vẫn yên trí để vợ ngồi một mình với bà O'Dowd. Anh ta bảo vợ:
- Mọi lần bà ấy có ích cho em lắm; nhưng may quá, bây giờ có Rebecca rồi, em sẽ bầu bạn với cô ta, còn cái bà Ailen kia thì ta xin đủ thôi.
Nghe chồng nói, Amelia không đáp, mà làm sao biết được cô đang nghĩ gì nhỉ?
Ngó qua Hý viện Brussels, bà O'Dowd cũng thấy hay hay, nhưng vẫn cho không bằng Hý viện Dublin ở phố Fishamble được; và theo ý bà âm nhạc của người Pháp cũng không thể nào so sánh với thứ âm nhạc du dương của tổ quốc bà. Bà cứ bô bô nói hết chuyện này đến chuyện khác, thản nhiên như không, hết cụp rồi lại mở cái quạt giấy đem theo làm nó kêu cứ soàn soạt.
- Này Rawdon, anh yêu của em, cái bà kỳ quặc ngồi cạnh Amelia kia là ai thế Một người đàn bà ngồi trong lô ghế phía trước mặt hỏi vậy (bà này ở nhà riêng vẫn quen suồng sã với chồng, nhưng trước đám đông lại càng tỏ ra thân mật hơn nữa). Anh có nhìn thấy người đội khăn có đính cái gì vàng vàng kia kìa, mà mặc áo sa tanh đỏ, có đeo cái đồng hồ to tướng không?
- Ngồi gần người đàn bà xinh xinh bé nhỏ mặc áo trắng ấy à?
Một ông sang trọng đứng tuổi ngồi cạnh người đàn bà nói trên cũng lên tiếng; trên ngực áo của ông này có đính một hàng cuống huy chương, cổ thắt một chiếc cà-vạt hoa trắng to tướng; ông ta mặc bao nhiêu là áo gi-lê.
- Người đàn bà xinh xinh mặc áo trắng là Amelia đấy, thưa trung tướng: chả người đàn bà đẹp nào thoát được khỏi mắt ngài, ngài thật tệ quá.
- Ồ, trên đời này, tôi chỉ thấy có một người đẹp thôi, thưa bà- viên tướng thú vị đáp.
Người đàn bà cầm bó hoa to tướng đập vào người lão một cái.
Bà O'Dowd nói:
- Đích thị ông ta rồi. Chẳng phải bó hoa ông ta mua ngoài chợ hoa là gì!
Rebecca thấy cô bạn gái nhìn về phía mình, bèn đưa bàn tay xinh xinh lên miệng gửi một cái hôn. Bà thiếu tá O'Dowd lại tưởng cái hôn ấy dành cho mình bèn mỉm cười thật duyên dáng đáp lại, làm cho anh chàng Dobbin bất hạnh kia lại phải nhảy bổ ra ngoài "lô" ghế một lần nữa.
Hết màn kịch, George bỏ chỗ ngồi ra ngoài một lát; anh ta đến chào Rebecea tại chỗ cô này ngồi; gặp Rawdon ngoài hành lang, hai người trao đổi với nhau mấy câu về những chuyện xảy ra trong nửa tháng vừa qua. George láu lỉnh hỏi:
- Anh thấy ngân phiếu của tôi hợp lệ chưa?
Rawdon đáp:
- Tốt lắm anh bạn ạ. Rất hân hạnh được để cho anh phục thù. Ông cụ nhà "nghĩ lại" chưa?
George đáp:
- Chưa, nhưng rồi cũng ổn thôi, vả lại anh cũng biết tôi còn ít tiền của bà cụ để lại cho. Bà cô đã "hồi tâm" rồi chứ?
- Gửi cho tôi được hai mươi đồng, gớm; cái bà lão chết tiệt,vắt cổ chầy ra nước. Bao giờ chúng ta lại gặp nhau nhỉ? Thứ ba này trung tướng dùng cơm ở ngoài. Thứ ba anh đến chơi được không? Bảo Sedley cạo bộ râu đi. Một anh dân thường lại để râu xồm xoàm và mặc áo có khuy hoa là nghĩa lý quái gì? Thôi nhé thứ ba cố đến chơi, nghe không.
Đoạn Rawdon cùng hai người trai trẻ ăn bận sang trọng đi chỗ khác; hai người này cùng làm việc với anh ta tại phòng tham mưu của trung tướng. George không được vui lòng lắm vì bị mời đến chơi đúng vào ngày viên trung tướng dùng cơm ở ngoài.
Anh ta nói:
- Tôi muốn vào chào chị ấy một tý.
Rawdon đáp:
- Hừm, xin tùy anh.
Anh chàng có vẻ không bằng lòng; hai người sĩ quan trẻ tuổi láu lỉnh nháy mắt với nhau. George từ giã họ qua hành lang đi về "lô" ghế của viên trung tướng; anh ta nhớ rất kỹ số phòng.
- Cứ vào!
Có tiếng nói thanh thanh vọng ra; anh bạn của chúng ta bước vào, thấy ngay Rebecca trước mặt. Cô ta đứng phắt dậy vỗ tay, và chìa cả hai bàn tay ra cho George bắt; được gặp George cô ta cũng thích quá. Viên trung tướng huân chương đầy ngực cứ trân trân ngó anh chàng, mặt lầm lì cau lại, coi bộ như muốn hỏi anh là cái thằng quái nào thế nhỉ?
Rebecca say sưa reo lên:
- Đại úy George thân mến? Anh thật tốt quá, lại đến tận đây! Trung tướng và em đương sắp cảm thấy buồn. Thưa trung tướng, đây là đại úy George mà tôi đã nói chuyện với ngài.
Viên trung tướng chỉ hơi nghiêng nghiêng mình gọi lại đáp:
- Đúng thế, đại úy George thuộc trung đoàn nào nhỉ?
George nói số trung đoàn của mình, anh ta ước gì được nói thêm rằng đó là một đơn vị kỵ binh rất tinh nhuệ.
Viên tướng vẫn kiêu hãnh ra mặt, tiếp:
- Chắc vừa mới từ Tây Ấn về phỏng? Trong cuộc chiến tranh vừa rồi không thấy tham chiến nhiều. Đông quân ở đây chứ, đại úy George?
Rebecca xen vào:
- Không phải là đại úy George, ngài thật chẳng biết cái gì, đại úy Osborne.
Viên trung tướng vẫn cứ cau có hết nhìn Becky lại nhìn George.
- Đại úy Osborne, phải. Có họ hàng gì với gia đình quý tộc L-Osborne không đấy?
- Chúng tôi cùng mang chung một huy hiệu của dòng họ.
George đáp vậy, mà sự thực quả có như thế. Mười lăm năm về trước, ông Osborne đã đi hỏi một nhà chuyên môn và "cóp" đúng cái huy hiệu của nhà L - kia trong sách "Danh bạ quý tộc" để sơn lên chiếc xe của mình. Nghe George tuyên bố vậy, viên tướng không đáp; ông ta cầm lấy chiếc ống nhòm xem hát - hồi ấy người ta chưa chế ra loại ống nhòm hai ống kính - giơ lên quan sát khắp phòng. Nhưng Rebecca trông thấy rõ con mắt bên kia của ông đang chiếu ra những tia lửa hằn học về phía mình và George.
Cô càng tỏ vẻ thận trọng hơn:
- Chị Amelia có mạnh khỏe không? Nhưng em chẳng cần phải hỏi: chị ấy trông đẹp ra đấy. Còn cái người đàn bà đẹp beo béo ngồi cạnh chị ấy là ai thế? Ý trung nhân của anh chứ gì? Gớm, đàn ông các anh tệ thật. Lại cả anh Sedley đang ăn kem kìa: coi bộ anh ấy ăn ngon quá! Thưa trung tướng, sao chúng ta lại chưa ăn kem nhỉ?
Cơn giận dữ của viên trung tướng bùng lên:
- Để tôi đi mua mang về bà xơi ạ?
George ôn tồn:
- Xin lỗi ngài, cứ để tôi.
- Không, em cũng muốn đến chỗ Amelia một tí: chị ấy thật đáng quý. Đại úy George, đưa tay cho em vịn.
Nói đoạn, cô gật đầu chào viên tướng, lanh lẹn bước ra ngoài hành lang. Lúc chỉ có hai người đi cạnh nhau, cô ta đưa mắt nhìn George một cách thật lạ lùng mà láu lỉnh, cái nhìn ngụ ý. "Anh có hiểu câu chuyện ra sao không? Có thấy hắn phát điên phát rồ vì tôi không"? Nhưng George không nhận thấy. Anh ta còn bận sắp đặt kế hoạch riêng của mình, và đang mải mê thích thú với ý nghĩ mình có khả năng hấp dẫn đàn bà rất tài.
Rebecca cùng người đàn ông chiếm được cô ta vừa ra khỏi, viên tướng khẽ thốt lên một tiếng chửi khá tục tĩu, đến nỗi kẻ chép chuyện chắc chắn rằng nếu có viết ra thì những người thợ sắp chữ trong nhà in cũng không dám in. Tiếng chửi ấy phát từ đáy lòng viên trung tướng; kể cũng lạ thay, thế mới biết con người ta khi cần thiết ai cũng có thể dốc ra hàng kho những câu nói thô bỉ, tục tĩu đầy giận dữ và hằn học đến như vậy.
Đôi mắt xinh đẹp của Amelia cũng đang lo lắng chăm chú theo dõi cử chỉ của cặp trai gái đã khiến cho viên tướng phát khùng lên vì ghen. Nhưng khi Rebecca bước vào trong lô ghế của cô, Amelia ôm chầm lấy bạn, mặc dầu đang ở chỗ đông người. Cô ôm lấy người bạn thân thiết mà hôn ngay trước mặt mọi khán giả, ngay cả trước mặt viên tướng, vì lúc này lão đang hướng ống nhòm về phía "lô" ghế của Osborne. Bà Crawley cúi chào. Cô thật lịch sự. Cô ngắm nghía mãi cái trâm Cairngorm và những hạt kim cương Ai len sáng ngời của bà O'Dowd và nhất định bảo rằng kim cương ấy đích thị là của mỏ Golconda. Cô ta chuyện trò tíu tít, quay đi ngó lại, uốn éo, mỉm cười với người này, tươi tỉnh với người nọ, cốt để cho con người ghen tuông, ngồi mé bên kia nom, thấy rõ qua chiếu ống nhòm xem hát.
Lúc màn vũ ba-lê bắt đầu (trong màn kịch này các nghệ sĩ đã tỏ ra có thiên tài vô địch), Becky trở về "lô" ghế của mình, lần này khoác tay đại úy Dobbin. Không, lần này cô không muốn đi cùng George: anh ta cần phải ở lại; để trò chuyện với cô Amelia thân yêu quý báu nhất đời của anh ta chứ.
Dobbin lặng lẽ dẫn Rebecca về "lô" ghế của cô ta không nói một lời, mặt buồn thiu như người đi đưa đám; lúc trở về chỗ của mình, anh ta thì thầm với George:
- Con mụ đóng kịch khéo thật. Cứ lăn lộn uốn éo như con rắn ấy. Anh có thấy không, suốt thời gian ngồi ở đây, cô ta đóng kịch cho lão trung tướng ở bên kia xem đấy.
George nhe hàm răng trắng muốt cười, giơ tay vê vê bộ ria mép màu phổ phách:
- Đóng kịch hả?... Cóc cần; cô ta là hoa khôi đẹp nhất nước Anh đấy. Dobbin, anh không lịch sự một tí nào. Nhưng mà kìa, nhìn xem; cô ta chưa nói, tướng Tufto đã toét miệng ra cười rồi? Chao ôi! Đôi vai mới xinh làm sao! Emmy, sao em không mua lấy một bó hoa! Ai cũng đem theo hoa cả. Bà O'Dowd chen vào:
- Thế sao ông không mua một bó?
Cả Dobbin và Amelia thầm cám ơn câu trả lời đúng lúc của bà này, nhưng sau đó hai người đàn bà đều không có vẻ được hài lòng. Amelia buồn rầu nhận thấy kẻ địch của mình lộng lẫy quá, duyên dáng quá, trội hơn hẳn mình.
Còn bà O'Dowd suốt buổi tối hôm ấy cũng lặng thinh sau sự xuất hiện rực rỡ của Rebecca, không tán chuyện về Glenmalony nữa.
Mấy ngày sau, có lần Dobbin hỏi George:
- George, anh định bao giờ mới chừa đánh bạc đấy? Anh hứa với tôi như thế có dễ đã một thế kỷ rồi nhỉ?
-Còn anh, anh định bao giờ mới nghỉ dạy luân lý cho tôi? Việc quái gì anh phải lo? Chúng tôi chơi cò con với nhau thôi mà. Đêm qua tôi được. Anh cho rằng Crawley bịp à? Cứ chơi thực thà với nhau thì từ giờ đến cuối năm tôi cũng hòa vốn.
- Nhưng tôi tin rằng nếu hắn thua, hắn không có tiền trả đâu.
Lời khuyên của Dobbin cũng chẳng có tác dụng gì hơn mọi lần. Bây giờ Osborne và Crawley đã thành đôi bạn nối khố. Tướng Tufto đi dự tiệc ở ngoài luôn. Kề sát bên phòng của viên trung tướng là căn phòng của hai vợ chồng viên sĩ quan tùy tòng; tại đây, bao giờ George cũng được tiếp đón nồng hậu.
Lần vợ chồng George đến thăm vợ chồng Crawley ở đây, thái độ của Amelia khiến cho lần đầu tiên xuýt nữa hai vợ chồng thành ra giận nhau. George mắng vợ một cách thô bạo vì cô không muốn đi với mình, và lúc đến chơi, sao lại tỏ thái độ kiêu ngạo, kẻ cả quá đối với vợ Rawdon là bạn cũ. Amelia không đáp lại một lời. Nhưng đến lần thăm viếng thứ hai thì cô lại càng tỏ ra vụng về lúng túng, vì thấy chồng cứ ngó mình chằm chằm, còn Rebecca thì lại thỉnh thoảng liếc mắt nhìn mình soi mói. Dĩ nhiên Rebecca càng tỏ ra thân mật gấp bội, không hề chút nào chú ý đến thái độ lạnh nhạt của bạn.
- Hình như Amelia trở thành kiêu ngạo hơn từ khi tên ông cụ được nêu trong...từ khi cụ Sedley gặp rủi ro thì phải.
Rebecca bảo nhỏ George, cố ý làm dịu bớt câu nói.
Cô ta tiếp:
- Thật đấy. Hồi chúng ta còn ở Brighton, em đã có cái hân hạnh được chị ấy ghen thì phải. Bây giờ, em đoán chắc rằng chị ấy thấy em và Rawdon sống chung với trung tướng, chị ấy ghét đấy. Nhưng mà anh nghĩ xem, túng như chúng em, nếu không có bạn san sẻ bớt sự chi tiêu thì làm thế nào? Anh tưởng Rawdon không đủ sức bênh vực danh dự cho em sao. Nhưng em cũng đội ơn Emmy lắm, đội ơn lắm lắm.
George đáp:
- Dào ôi ? Ghen đấy! Gái nào là gái chẳng hay ghen?
- Còn đàn ông các anh thì không? Tối hôm đi xem Opera, anh và tướng Tufto, hai người chả ghen với nhau là gì? Này, hôm ấy lão muốn ăn thịt em, vì em cùng đi với anh sang thăm cô vợ vớ vẩn của anh đấy; em thèm vào để ý đến anh và lão ta.
Vợ Rawdon vừa nói vừa lắc đầu một cách rất xược.
- Anh dùng cơm ở đây nhé? Nhà em ăn cơm với viên tổng tư lệnh. Nghe như có nhiều tin quan trọng lắm. Họ đồn rằng quân Pháp đã vượt biên giới rồi. Sẽ không có ai quấy rầy chúng ta đâu.
Tuy vợ hơi khó ở, nhưng George cũng nhận lời. Đến hôm nay anh chàng mới lấy vợ chưa được sáu tuần lễ, thế mà anh ta không tức giận khi thấy vợ mình bị một người đàn bà khác giễu cợt. Anh chàng tốt bụng ấy cũng không biết bất mãn với chính mình nữa. George nghĩ thầm: "Kể ra thế cũng tồi, nhưng mặc kệ; chả lẽ làm tài trai có một người đàn bà đẹp cứ nhất định lăn đến với mình thì bảo làm thế nào?" Anh chàng vẫn thường mỉm cười gật gật cái đầu một cách có ý nghĩa, bảo với Stubble và Spooney cùng những người bạn khác trong câu lạc bộ sĩ quan rằng: "Tôi cũng khá là lả lơi với đàn bà"; bọn này tỏ vẻ khâm phục tài ba này còn hơn cả lòng dũng cảm của anh chàng.
Từ thượng cổ đến nay, trong Hội chợ phù hoa, sau những chiến thắng về quân sự, thì chiến thắng trong ái tình vẫn là nguồn kiêu hãnh đối với đàn ông; nếu không, tại sao mấy cậu học sinh vẫn huênh hoang khoe gái mê mình, và Don Juan lại trở thành bất hủ?
Osborne yên trí rằng mình sinh ra đời để chinh phục đàn bà, và phụ nữ mê mình như điếu đổ. Cho nên anh ta không dám cưỡng lại định mệnh, cứ hoàn toàn thản nhiên phục tùng ý trời. Thấy Emmy không hề tỏ ý rầy la ghen tuông, chỉ lặng lẽ kín đáo sầu khổ một mình, anh ta cho rằng vợ không hay biết gì về chuyện yêu đương lộ liễu giữa mình và Rebecca : Bất cứ khi nào cô này rỗi rãi là thấy hai người cùng sóng ngựa đi chơi với nhau. George nói dối Amelia là mình bận lo việc của đơn vị (Amelia biết thừa anh chàng nói dối); mặc vợ lẻ loi ở nhà với ông anh ruột, tối nào anh ta cũng đến nhà Crawley để cúng tiền cho anh chồng và để tưởng rằng chị vợ chết mê chết mệt vì mình.
Rất có thể hai vợ chồng nhà này cũng chưa bao giờ âm mưu dứt khoát với nhau rằng trong khi, chị vợ ve vuốt anh chàng trẻ tuổi thì anh chồng moi tiền, nhưng họ hoàn toàn hiểu mánh khóe của nhau; cho nên Rawdon hoàn toàn vui vẻ, mặc Osborne ra vào tùy thích.
George mải mê với những người bạn mới, thành ra giữa anh ta và William Dobbin không được thân mật như cũ. George thường tránh mặt bạn ở chỗ đông người hoặc trong đơn vị vì, như ta đã biết, anh ta không ưa gì bạn "lên lớp" về luân lý cho mình nghe. Dobbin bực mình về nhiều cách cư xử của George, muốn bảo cho bạn biết rằng tuy anh ta có bộ râu quai nón rậm thật và vẫn tự hào là lịch duyệt, nhưng thực ra còn ngây thơ như một cậu học sinh, rằng Rawdon đang rắp tâm biến George thành nạn nhân của gã như bao kẻ khác từ trước đến nay, lúc nào vét hết tiền, hắn sẽ đá đít anh chàng thẳng cánh; nhưng nghĩ lại, Dobbin thấy cũng vô ích; đời nào George chịu cho là phải.
Vì vậy, những khi đến nhà Osborne thỉnh thoảng may mắn được gặp ông bạn cũ, Dobbin hết sức tránh không gợi đến câu chuyện đau lòng vô ích ấy làm gì. Còn anh bạn George của chúng ta thì đang bận say sưa ngập lặn trong những thú vui của Hội chợ phù hoa.
Từ thời Darius đến nay, chưa bao giờ có một bọn theo quân đội để ăn bám nào đẹp đẽ lộng lẫy như cái bọn đoàn sĩ quan tùy thuộc của quận công Wellington ở Bỉ vào năm 1815. Có thể nói rằng hội hè tiệc tùng kéo dài liên miên cho mãi tới khi chiến sự nổ ra. Ngày rằm tháng sáu cùng năm này, có một buổi dạ hội lịch sử do một quận chúa tổ chức. Khắp Brussels nô nức chờ đợi. Tôi đã được chính những bà có mặt tại thành phố hồi đó kể lại rằng giới phụ nữ bàn tán sôi nổi về cuộc dạ hội; họ còn quan tâm hơn cả đối với tin tức kẻ thù ngoài mặt trận. Người ta đánh nhau, vận động nhau, van xin nhau để có bằng được một chiếc vé dự dạ hội. Song cũng chỉ những bà sang trọng của người Anh mới có, vì họ không từ một cách nào cốt sao len lỏi được vào chỗ ăn chơi của các vị thượng lưu nước họ.
Joe và bà O'Dowd thèm một tấm tiếp mời quá, nhưng không kiếm đâu ra. Mấy người bạn của họ may mắn hơn; thí dụ nhờ có hầu tước Bareacres chạy chọt, có lẽ để trả nợ bữa tiệc bữa nọ. George vớ được một tấm thiếp,mời đại úy và bà Osborne; anh chàng lấy làm hân hạnh quá. Dobbin là bạn của mọi viên tướng chỉ huy sư đoàn, một hôm vừa cười vừa chìa cho "bà Osborne" xem một tấm thiếp mời tương tự, làm cho Joe phát tức lên vì thèm muốn; George ngạc nhiên quá, không biết anh bạn làm thế nào mà cũng chui được vào xã hội thượng lưu. Ông bà Rawdon thì dĩ nhiên cuối cùng cũng được mời, vì quen một viên thiếu tướng chỉ huy lữ đoàn kỳ binh.
George sắm sửa áo mới và đủ mọi đồ trang sức cho Amelia. Đúng buổi tối đã ấn định, hai vợ chồng đi xe ngựa đến dự buổi dạ hội nổi tiếng. Nhưng Amelia không quen một người nào tại đây. Osborne mon men lại gần Bareacres phu nhân; mụ này đánh bài lờ, coi như cho George tấm thiếp mời thế là quá đủ. George mặc Amelia ngồi nghĩ ngợi một mình trên một tấm ghế dài. Có lẽ anh ta cho rằng mình đã sắm áo mới, lại dẫn vợ đến dự dạ hội, cho vợ giải trí, thế cũng đã quá lịch sự rồi chăng? Trong thâm tâm, Amelia cũng không cảm thấy vui lắm ngoài anh chàng Dobbin thực thà kia, cũng không người nào đến quấy rầy cô. Buổi dạ hội đối với Amelia là một thất bại thảm hại (vì anh chồng hơi bực bội); nhưng trái lại, lần đầu tiên, bà Rawdon bước vào xã hội thượng lưu lại thành công rực rỡ.
Cô ta đến rất muộn, mặt tươi cười rạng rỡ, bận một tấm áo đẹp tuyệt. Đứng giữa toàn những bậc quý khách, trước bao nhiêu ống nhòm hướng về phía mình, Rebecca có vẻ vẫn điềm nhiên, hoàn toàn tự chủ như khi cô ta dẫn đám học trò nhỏ trong trường học bà Pinkerton đến nhà thờ. Cô quen biết khối đàn ông ở đấy, và những tay công tử bột cứ bâu lấy cô. Các bà các cô thì thầm với nhau rằng Rawdon đã rủ cô ta trốn khỏi một tu viện, và cô ta chính là một người thuộc dòng họ Montmorency. Thấy Becky nói tiếng Pháp rất thạo, người ta lại càng cho tin đồn ấy là có cơ sở; mọi người đồng ý rằng cử chỉ của cô rất lịch sự, dáng điệu cực phong nhã. Có đến năm chục người đàn ông lập tức xúm xít vây quanh, yêu cầu được cái vinh dự khiêu vũ với Becky. Cô ta đáp rằng đã có người mời rồi, và chỉ nhảy rất ít. Sau đó, cô lập tức tiến về chỗ Emmy ngồi rầu rĩ đau khổ một mình không ai chú ý đến; thật là một đòn điếng người đối với người thiếu nữ trẻ dại này. Vợ Rawdon đến bên cạnh nói với cô bạn Amelia thân yêu toàn những lời thân ái nhất đời, với một điệu bộ hết sức kẻ cả. Cô ta chê áo của Amelia may vụng, tóc Amelia tết không khéo, và tỏ ý ngạc nhiên sao bạn mình lại có thể đi một đôi giầy như thế được. Becky cam kết sáng hôm sau sẽ bảo người thợ may áo chẽn (<130>) của mình đến giúp Amelia. Cô ta lại hết lời khen buổi dạ hội rất vui, toàn những người quen biết cả, người tầm thường thì hết sức ít. Sau một nửa tháng và sau ba bữa tiệc lớn, người đàn bà trẻ tuổi này đã có đủ thì giờ học thuộc lòng những tiếng lóng của giới thượng lưu, nói thạo không kém gì những tay chính cống; có điều Becky nói tiếng Pháp quá thạo, người ta có thể nhân đó mà đoán ra rằng cô không phải là con nhà dòng dõi. Lúc mới vào gian phòng hội, George bỏ mặc Amelia ngồi một mình trên chiếc ghế dài; đến lúc thấy có Rebecca ngồi cạnh vợ, anh ta lập tức quay lại. Lúc này Becky vừa mới diễn thuyết cho bạn nghe xong về những thói xấu George đang mắc phải:
- Trời ạ, chị thân yêu ơi, chị phải bảo anh ấy thôi đi, đừng đánh bạc nữa, nếu không rồi thì tai vạ vào thân đấy, đêm nào Rawdon và anh ấy cũng chơi bài; chị biết đấy, anh ấy có giàu đâu; nếu không cẩn thận rồi Rawdon sẽ được hết tiền mất. Sao buổi tối không đến em chơi cho vui, cứ ngồi nhà buồn thiu với cái ông đại úy Dobbin kia? Kể ra ông ta cũng dễ thương lắm, nhưng mà hai chân to bè bè ra ai mà yêu được. Bàn chân anh ấy nhà chị trông xinh lắm...anh ấy đã lại kia...đi đâu về đấy, ông tướng? Chị Emmy đang khóc đỏ mắt vì anh đấy. Anh tìm em để nhảy điệu quadrille phải không?
Thế là cô ta đặt bó hoa và chiếc khăn san xuống cạnh Amelia, rồi thoăn thoắt cùng George bước ra khiêu vũ.
Chỉ có đàn bà mới độc địa đến thế. Dễ thường ở đâu những mũi tên nhọn của cô có tẩm thuốc độc, nó làm cho người ta đau đớn gấp nghìn lần thứ khí giới cùn của đàn ông. Cô Emmy đáng thương của chứng ta suốt đời chưa biết thù ghét ai, giễu cợt ai, giờ đây đành chịu bất lực trong bàn tay tàn nhẫn của kẻ địch.
George khiêu vũ với Rebecca độ hai ba lần...Amelia cũng chẳng biết rõ là mấy lần nữa. Cô cứ ngồi trơ trọi trong một xó, chẳng ai buồn để ý tới; chỉ có Rawdon thỉnh thoảng lại gần nói vài câu chuyện vụng về. Đến khuya, đại úy Dobbin mới đánh bạo mang đồ giải khát lại cho cô và ngồi bên cạnh. Dobbin không muốn hỏi thăm tại sao cô có vẻ sầu khổ như thế, nhưng vì nước mắt cứ muốn trào ra nên Amelia phải nói thác rằng vợ Rawdon vừa mách George vẫn bê tha bài bạc. Dobbin nói:
- Kể cũng lạ, khi người ta đã mê cờ bạc thì người ta bằng lòng chui vào cái cạm bẫy rất vô lý của những thằng khốn kiếp.
Emmy đáp:
- Đúng thế.
Nhưng cô đang nghĩ đến chuyện khác; không phải chuyện mất tiền làm cho cô buồn khổ.
Cuối cùng, George trở lại tìm chiếc khăn san và bó hoa của Rebecca. Cô này đã đi chỗ khác rồi, cũng không thèm quay lại từ biệt Amelia lấy một lời. Người đàn bà đáng thương mặc chồng mình đi lại, không hé răng nói nửa lời, cứ ủ rũ gục đầu xuống ngực. Có người đã gọi Dobbin ra chỗ khác; anh ta đang thì thầm nói chuyện với bạn là viên tướng chỉ huy sư đoàn, không để ý đến việc George bỏ đi lần này. Lúc George trao bó hoa lại cho Rebecca thì trong bó hoa có cài một mảnh giấy cuộn tròn lại như con rắn giữa những bông hoa mĩ miều. Rebecca thoáng nhìn bó hoa, nhận ngay ra mảnh giấy. Hồi còn trẻ, cô ta đã từng nhiều lần dùng phương pháp thông tin này. Cô đưa tay ra nhận bó hoa, hai luồng mắt giao nhau; George thấy rõ Becky đã hiểu sẽ tìm thấy gì trong bó hoa. Rawdon vội vàng dắt vợ đi; anh chàng này còn đang bận bịu nghĩ ngợi điều gì nên không kịp nhận ra bạn và vợ đang ra hiệu cho nhau. Vả lại điều đó cũng chỉ là chuyện vặt, Rebecca giơ một bàn tay cho George và như mọi khi, liếc mắt rất nhanh nhìn anh chàng, đoạn cúi chào rồi đi. George nghiêng mình đáp lễ; anh ta không đáp lại Crawley, cũng chẳng nghe thấy Crawley nói gì nữa, vì đầu óc còn đang sôi nổi quay cuồng với những ý nghĩ của kẻ thắng trận.
Amelia cũng nhìn thấy phần đầu của cảnh trả lại bó hoa. George chiều ý Rebecca trở lại lấy hộ hoa và khăn san thì có gì là lạ? Mấy hôm nay, George đã từng làm công việc ấy có hàng chục lần, nhưng không hiểu sao lần này Amelia không thể chịu được. Đột nhiên nắm chặt lấy cánh tay Dobbin ngồi bên cạnh, nói:
- William, anh vẫn luôn luôn tử tế với tôi... tôi... tôi...thấy hơi khó ở. Đưa tôi về nhà.
Amelia cũng không thấy mình đã gọi Dobbin bằng tên thánh của anh ta, như George thường gọi bạn. Dobbin vội vàng đưa vợ bạn đi ngay. Chỗ vợ chồng George ở cũng gần đây thôi; hai người len lỏi qua đám đông đứng chen chúc bên ngoài. Trông những người này còn có vẻ sôi nổi hào hứng hơn cả những người dự hội bên trong.
Đã hai ba lần, đi chơi khuya về thấy vợ còn thức đợi mình, George cáu kỉnh gắt vợ; vì vậy lần này Amelia về nhà là đi nằm ngay; nhưng cô không ngủ được vì trí óc còn đang bị bao nhiêu ý nghĩ giày vò; ngoài đường tiếng người phi ngựa và bao nhiêu tiếng ồn ào không ngớt mà cô cũng không nghe thấy gì.
Trong khi ấy, Osborne say sưa như điên dại, đi thẳng đến chiếu bạc, đặt một tiếng bạc thật lớn. Anh ta trúng liên tiếp mấy tiếng bạc liền, nghĩ thầm "Tối hôm nay, mình gặp đủ mọi thứ may mắn". Nhưng sự may mắn trong canh bạc cũng không làm dịu được sự sôi nổi trong lòng. Một lúc sau, anh ta móc túi lấy tiền được bạc đi đến quầy rượu giải khát nốc một lúc mấy cốc rượu vang. Anh ta đang ba hoa cười nói ầm ỹ với những người xung quanh như kẻ điên thì bị Dobbin tóm được, Dobbin đã đến chỗ đánh bạc, nhưng không thấy. Mặt George đỏ tía vui vẻ bao nhiêu thì mặt Dobbin tái nhợt và trang trọng bấy nhiêu.
- A ha, Dop! Lại đây làm vài cốc, anh bạn quý ơi! Rượu của ngài Quận công thì tuyệt! Này, ông cho vài cốc nữa đây. Anh ta run rẩy giơ cốc ra để lấy rượu. Dobbin vẻ mặt vẫn trang nghiêm đáp:
- George, về thôi. Đừng uống nữa.
- Uống đi, không gì thú vị hơn đâu. Cứ uống đi, rồi da mặt anh sẽ hồng lên cho mà xem. Này, cầm lấy.
Dobbin lại gần thì thầm điều gì với bạn. George giật nảy mình, gào lên một tiếng "Hoan hô" như phát dại, đặt phăng chiếc cốc lên mặt bàn rồi lập tức khoác tay bạn bước ra phố. William nói:
- Quân địch vượt sông Samber rồi. Đội tả quân của chúng ta đã giáp chiến. Ba tiếng đồng hồ nữa chúng ta xuất quân.
George bước ra ngoài, khắp người rần rật lên vì hào hứng, tin tức đợi chờ từ lâu nay đã đến một cách quá đột ngột. Lúc này mọi chuyện bướm ong rắc rối còn có nghĩa lý gì nữa? Trên con đường đi đến trại binh anh ta rảo bước, đầu óc quay cuồng trăm nghìn ý nghĩ... cuộc sống trong quá khứ, và may rủi trong tương lai... rồi cô vợ và có thể cả đứa con nữa, đứa con anh ta rất có thể vĩnh biệt mãi mãi mà chưa hề biết mặt...ôi, George hối hận quá về thái độ của mình đêm hôm nay; liệu anh có đủ thư thái trong tâm hồn khi từ biệt con người thùy mị vô tội đã hết lòng yêu anh ta mà bị rẻ rúng không?
Tưởng lại cuộc đời có vợ ngắn ngủi trong mấy tuần lễ vừa qua, anh ta thấy mình đã xài phá một cách đáng sợ số vốn cỏn con. Thật là vô cùng dại dột và bừa bãi. Giả thử gặp chuyện gì không may, liệu còn để lại được những gì cho vợ? George cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu của Amelia. "Tại sao mình lại cưới Amelia làm vợ nhỉ? Mình có đủ tư cách lập gia đình đâu? Tại sao lại cưỡng lời ông cụ? Bao giờ ông cụ cũng vẫn rộng lượng đối với mình cơ mà?". Bao nhiêu tình cảm phức tạp bề bộn trong lòng: hy vọng, hối hận, cao vọng, yêu thương, và ích kỷ nữa.
George ngồi vào bàn viết một bức thư gửi cho cha, khi nhớ lại cái điều trước kia anh đã nói, khi anh ta nhận đấu súng tay đôi với người khác. Lúc gấp bức thư vĩnh biệt lại thì trời cũng vừa tảng sáng. Anh ta dán lại, và hôn bức thư một cái. Anh nghĩ rằng mình quá bội bạc mà bỏ người cha rộng lượng ấy để ra đi và nghĩ đến trăm ngàn điều tốt mà ông già nghiêm khắc đã làm cho anh.
Lúc về nhà, George ngó vào phòng Amelia thấy vợ nằm yên lặng, hai mắt như đang nhắm lại; thấy vợ ngủ, anh ta rất vui. Khi rời dạ hội về nhà, thấy người hầu đang sửa soạn hành lý George ra hiệu cho bác này yên lặng; việc sửa soạn làm rất nhanh và kín đáo. Anh tính toán không biết nên vào đánh thức vợ dậy hay là viết giấy gửi lại để Joe sẽ báo tin xuất quân cho Amelia biết? George bước vào phòng nhìn vợ một lần nữa. Lần trước, khi George bước vào phòng Amelia chưa ngủ nhưng cứ nhắm mắt, không muốn chồng thấy mình thức lại cho là mình có ý trách móc gì. Nhưng thấy chồng trở về với mình sớm như vậy, người đàn bà nhút nhát này cảm thấy yên tâm hơn. Lúc George rón rén bước ra khỏi phòng, cô quay nhìn về phía chồng rồi nhẹ nhàng ngủ thiếp đi. George lại quay vào; lần này anh ta đi rón rén khẽ hơn. "Khuôn mặt dịu dàng tai tái hiện ra dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đêm đôi vành mi đỏ vì khóc đã nhắm chặt; một cánh tay tròn trĩnh, mịn màng trắng làm sao? Thật hiền hậu thùy mị và lẻ loi làm sao! Vậy mà sao ta quá ích kỷ, tàn nhẫn, bội bạc?".
Anh ta đến bên giường nhìn vợ ngủ, lòng tràn đầy hối hận, lương tâm day dứt. "Một kẻ tồi tệ như mình sao dám nghĩ đến việc cầu nguyện cho con người trong sạch như Amelia? Cầu Chúa ban phúc lành cho nàng". George đến bên cạnh giường, nhìn vào bàn tay bé nhỏ mịn màng, bàn tay cũng như đang ngủ say. Và anh lặng lẽ cúi xuống bộ mặt hiền hậu tai tái ngả trên tấm gối.
Hai cánh tay xinh đẹp giơ lên vòng lấy cổ George:
- George, em còn thức đấy.
Người con gái đáng thương vừa nói vừa thổn thức, trái tim nhỏ bé đang kề sát ngực George như muốn vỡ ra. Thì ra cô vẫn thức; đáng thương quá, nhưng thức làm gì? Vừa lúc ấy, từ chỗ tập trung quân, tiếng kèn đồng bắt đầu lanh lảnh vang lên bay lan ra khắp tỉnh. Và cả thành phố choàng thức dậy giữa những tiếng trống của đoàn quân nhạc bộ binh và tiếng kèn hơi kêu rin rít của đoàn quân xứ Scotland.
- Tập 1 - Chương mở đầu - Mấy lời giáo đầu
- Chương 1 - Chiswick mall
- Chương 2 - Sharp và Amelia chuẩn bị mở cuộc tấn công
- Chương 3 - Rebecca trước kẻ địch
- Chương 4 - Cái túi lụa xanh
- Chương 5 - Dobbin của chúng ta
- Chương 6 - Vauxhall
- Chương 7 - Crawley ở trại Crawley bà chúa
- Chương 8 - Riêng và kín
- Chương 9 - Những nhân vật trong gia đình
- Chương 10 - Cô Sharp bắt đầu kết bạn
- Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
- Chương 12 - Một chương thật là trữ tình
- Chương 13 - Trữ tình và những thứ khác nữa
- Chương 14 - Bà Crawley tại nhà riêng
- Chương 15 - Chồng cô Rebecca xuất hiện trong chốc lát
- Chương 16 - Bức thư trên chiếc gối may
- Chương 17 - Đại úy Dobbin sắm dương cầm
- Chương 18 - Ai chơi chiếc dương cầm Dobbin mua?
- Chương 19 - Bà Crawley dưỡng bệnh
- Chương 20 - Đại úy Dobbin đóng vai sứ giả của ông tơ hồng
- Chương 21 - Cãi nhau vì một cô gái triệu phú
- Chương 22 - Lễ cưới và tuần trăng mật
- Chương 23 - Đại úy Dobbin tiếp tục vận động
- Chương 24 - Ông Osborne xóa tên con trong quyển thánh kinh
- Chương 25 - Các nhân vật chính trong truyện thấy cần từ giã Brighton
- Chương 26 - Giữa Luânđôn và Chatham
- Chương 27 - Amelia đi theo trung đoàn của chồng
- Chương 28 - Amelia sang Bỉ
- Chương 29 - Brussels
- Chương 30 - Thiếp bên song cửa, chàng ngoài chân mây
- Chương 31 - Joe Sedley trông nom em gái
- Chương 32 - Joe đi trốn và chiến tranh kết thúc
- Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà
- Chương 34 - Cái tẩu của James Crawley bị quẳng đi
- Tập 2 - Chương 35 - Mẹ góa con côi
- Chương 36 - Làm thế nào sống đàng hoàng không một đồng lợi tức
- Chương 37 - Câu chuyện tiếp tục
- Chương 38 - Một gia đình lâm vào cảnh khó khăn
- Chương 39 - Một chương toàn chuyện tồi tệ
- Chương 41 - Becky về thăm nhà chồng
- Chương 42 - Những việc xảy ra trong gia đình Osborne
- Chương 43 - Bạn đọc cần đi vòng qua đảo Vọng Giác
- Chương 44 - Từ Luân Đôn đến Hampshire
- Chương 45 - Giữa Hampshire và Luân Đôn
- Chương 46 - Vật lộn và thử thách
- Chương 47 - Lâu đài Gaunt
- Chương 48 - Mời bạn đọc bước chân và giới thượng lưu
- Chương 49 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng
- Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
- Chương 51 - Màn kịch đố chữ
- Chương 52 - Bây giờ mới rõ mặt đại nhân
- Chương 53 - Giải thoát và tai họa
- Chương 54 - Ngày chủ nhật sau cuộc xô xát
- Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ
- Chương 56 - Về câu chuyện cũ
- Chương 57 - Từ Đông phương trở về
- Chương 58 - Anh bạn thiếu tá của chúng ta
- Chương 59 - Chiếc dương cầm ngày xưa
- Chương 60 - Trở lại xã hội thương lưu
- Chương 61 - Tắt đi hai ngọn đèn
- Chương 62 - Trên bờ sông Rhein
- Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
- Chương 64 - Một chương lông bông
- Chương 65 - Lạc thú và việc làm ăn
- Chương 66 - Chuyện xích mích của những kẻ yêu nhau