Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
Ngoài những con người chân thực sống ở trại Crawley (mà tính mộc mạc và trong sạch kiểu thôn quê của họ cho thấy rằng cuộc sống thôn dã hơn hẳn cuộc sống ở thành thị), chúng tôi thấy cần giới thiệu với các bạn đọc cả những người thân của họ sống gần đây, trong nhà thờ, tức là vợ chồng ông Bute Crawley.
g quận mà lão rất thân, thế nào từ cách nhà thờ đến dăm bảy dặm đường các bạn cũng có thể nhìn thấy con ngựa cái màu hạt dẻ với đôi mục kỉnh của lão. Giọng lão khá trong, lão hay hát bài "Gió nồm, trời vẩn mây", và khi lấy giọng cho mọi người đồng ca thì ai cũng tán thưởng.
Khi cưỡi ngựa đi săn, lão khoác một tấm áo thày tu màu muối tiêu, và lại là một trong những tay câu cá cừ nhất toàn quận.
Bà Bute Crawley, vợ lão tu sĩ, là một người đàn bà nhỏ nhắn, nhanh nhẹn; bà thường viết hộ những bài giảng đạo cho đức cha rất thánh. Vốn ưa quanh quẩn ở nhà suốt ngày cùng hai cô con gái, cho nên trong phạm vi nhà thờ bà độc quyền cai trị; bà rất khôn ngoan cho phép ông chồng được tha hồ tự do tung hoành ở ngoài. Ông ta mặc ý đi về, muốn ăn ở nhà bạn bè bao nhiêu bữa tùy sở thích, vì tính bà Bute Crawley vốn tần tiện, rất thuộc giá rượu. Kể từ khi bà ta vớ được cậu mục sư trẻ tuổi ở Crawley Bà chúa (bà là con nhà gia thế, con gái cố trung tá Hector McTavish; bà và cụ bà thân sinh xưa đã "câu" mãi mới được Bute ở Harrowgate). Bà vẫn là một người vợ đảm đang tiết kiệm.
Nhưng dầu bà có quán xuyến đến đâu, lão chồng cũng vẫn mang công mắc nợ như thường. Nguyên món tiền nợ tiền ăn tại ký túc xá trường đại học hồi bố lão ta còn sống cũng đã phải mất mười năm mới trả hết. Đến năm 179 ... vừa thoát nạn trả nợ, lão đã đánh cuộc một trăm đồng ăn một rằng con Kangaru không thắng, song nó lại đoạt giải Derby.
Từ đó lão mục sư bắt buộc phải vay nợ trả lãi cắt cổ, gỡ mãi không xong. Thỉnh thoảng bà em khác mẹ cũng có gửi giúp một trăm đồng, nhưng lẽ dĩ nhiên lão hy vọng nhất vào việc bà này từ giã cõi trần... tức là lúc: "Bỏ mẹ rồi (lão hay nói thế), Matilda phen này mất đứt về tay tôi nửa số tài sản của mụ nhé".
Thế là lão nam tước và ông em có đủ mọi cớ mà hai anh em ruột có thể có để xích mích với nhau. Trong rất nhiều việc làm ăn của gia đình, cụ Pitt vẫn có thế hơn. Không những ông Pitt con không săn bắn, mà còn dựng một căn nhà nguyện riêng ngay trước mũi ông chú; còn Rawdon thì, ta đã biết, sắp sửa vớ được cái gia tài kếch xù của bà cô. Những chuyện tranh chấp như thế, những việc tính toán sống chết... những cuộc chiến đấu lặng lẽ giành món chiến lợi phẩm là cái gia tài... vẫn khiến cho anh em ruột càng thêm thương mến lẫn nhau trong Hội chợ phù hoa.
Chính tôi đã được biết một nhà kia, hai anh em yêu thương nhau suốt nửa thế kỷ rồi bỗng thù nhau chỉ vì một tờ giấy bạc năm đồng; cho nên không thể nào không thấy tình yêu đối với con người quả thật là một điều đẹp đẽ và lâu bền...
Vậy thì một người như Rebecca đến trại Crawley Bà chúa, cũng như việc cô ta dần dần chiếm được cảm tình của tất cả mọi người ở đây, không thể nào lọt ra ngoài con mắt của bà Bute Crawley được. Bà Bute biết rõ cả những chuyện vặt bên trại như cái thăn bò ăn bao nhiêu hôm mới hết, lần này phải giặt bao nhiêu quần áo bẩn, mé tường phía nam có bao nhiêu quả đào, khi bị mệt bà chủ uống bao nhiêu liều thuốc...Những chuyện như thế đối với một số người ở thôn quê là những chuyện rất quan trọng... Vậy thì, bà Bute không thể bỏ qua cô giáo dạy trẻ mà không chịu dò hỏi kẽ tóc chân tơ về lai lịch và tính tình của cô này. Giữa đám đầy tớ bên trại và bên nhà thờ vẫn luôn luôn có một mối cảm tình mật thiết. Các bạn đồng nghiệp bên trại sang chơi bên bếp nhà thờ bao giờ cũng được tiếp đãi một cốc rượu; về khoản này anh em bên trại vốn không được dồi dào ... cho nên bà tu sĩ có thể biết đích xác mỗi một thùng rượu bia bên trại nấu bằng bao nhiêu lúa mạch...mối quan hệ giữa giới đày tớ bên trại và bên nhà thờ càng ngày càng mật thiết cũng như giữa các vị chủ nhân vậy.
Và thông qua con đường ấy, gia đình nọ biết rõ ràng từng công việc của gia đình kia. Chuyện này có thể coi được như dĩ nhiên, bởi vì nếu bạn và em bạn ăn ở với nhau tốt, thì em bạn làm gì hà tất bạn phải chú ý; song nếu hai người xích mích với nhau thì ngay việc em bạn đi, về, bạn cũng rõ, y như bạn là mật thám theo dõi vậy.
Đến trại được ít lâu, Rebecca đã chiếm được một chỗ trong những tài liệu của bà Bute Crawley hàng ngày ghi về hoạt động bên trại. Nội dung những tài liệu ấy đại khái như sau: "Con lợn đen bị thịt rồi...nặng x cân...thăn đem muối... pa-tê thịt lợn và chân giò ăn bữa trưa...ông Cramp ở Mudbury đến bàn với cụ Pitt về việc bỏ tù John Blackmore...Pitt họp mọi người để giảng đạo (có ghi đủ tên người đến dự nghe) ... Mụ kia vẫn bình thường... hai cô con gái chơi với cô giáo.
Tài liệu còn cung cấp thêm : ... "cô giáo : ... "cô giáo mới là một người quản lý rất hiếm có...Cụ Pitt rất "cưng" cô này... cả ông Crawley cũng vậy... ông ta đọc cả sách đạo cho cô nghe" ...
- Cái quân côi cút khốn nạn!
Bà Bute Crawley bé nhỏ, nóng nảy, năng nổ mặt đen ấy giận quá thốt lên như vậy.
Cuối cùng, tài liệu cho biết "cô giáo đã được lòng khắp mọi người, cô viết thư hộ cụ Pitt, lo việc cho cụ, tính toán tiền nong giúp cụ...còn được tin cậy hơn bất cứ ai trong nhà, kể cả phu nhân; ông Crawley và các cô..."; đọc đến đây bà Bute Crawley tuyên bố Rebecca là một con ** xảo quyệt, chắc đang ngấm ngầm mưu toan chuyện gì ghê gớm lắm đây. Cứ thế, mọi việc xảy ra bên trại trở thành đầu đề bàn tán bên bàn thờ, và đôi mắt sắc của bà Bute luôn luôn theo dõi tất cả mọi diễn biến bên doanh trại của đối phương...và còn nhiều hơn cả mọi sự có thực nữa.
Bà Bute Crawley gửi bà Pinkerton, Mall, Chiswick.
Thánh đường, Crawley Bà chúa, ngày...tháng chạp.
Quý bà thân mến,
Từ ngày tôi được thụ hưởng sự giáo dục quý báu vô giá của bà tới nay kể đã bao nhiêu năm rồi nhưng tôi vẫn không sao quên được mối tình yêu kính nồng thắm đối với bà Pinkerton, và Chiswick thân yêu. Mong rằng bà vẫn mạnh khỏe. Công việc xã hội và nhiệm vụ giáo dục hàng chục năm nữa vẫn cần đến sự có mặt của bà Pinkerton. Bà bạn tôi là Fuddleston phu nhân có nói chuyện rằng muôn tìm một cô giáo để trông nom mấy cô con gái (tôi nghèo quá, không đủ tiền nuôi cô giáo dạy con tôi); tôi bảo: "Ngoài con người tài năng không ai sánh kịp là bà Pinkerton, còn ai đáng hỏi ý kiến hơn ?" Nói tóm lại, thưa bà, trong số học sinh tại quý trường, liệu có cô nào đảm đương tốt trách nhiệm trên tại nhà bà bạn tôi được chăng? Tôi xin cam kết rằng bà bạn tôi nhất định không mượn ai làm cô giáo ngoài người được bà lựa chọn.
Nhà tôi thường hay nói rằng ông ấy thích tất cả những thứ gì của trường bà Pinkerton. Tôi thiết tha mong mỏi có dịp được giới thiệu nhà tôi và hai cháu với người bạn thân của tôi thời còn trẻ, và là người đã từng được vị từ điển học đại danh của nước ta hâm mộ. Nếu bà có dịp đi qua Hampshire, ông Crawley nhà tôi nhờ tôi thưa rằng rất hy vọng được bà chiếu cố đến các thánh thất quê mùa của chúng tôi Đó là tệ xá của...
Người bạn thân thiết của bà Macta Crawley
T.B. Vị nam tước anh ruột ông Crawley nhà tôi cùng chúng tôi, than ôi! Vẫn không được hòa thuận như lẽ ra những con chiên ngoan đạo phải như vậy. Ông ấy mới mượn một cô giáo để dạy hai cô con gái; tôi nghe nói cô ta có cái may mắn đã được giáo dục ở Chiswick. Tôi được nghe phong thanh nhiều tin tức về cô ta; vì tôi rất quý hai đứa cháu gái tôi...tuy hai nhà có sự bất hòa, nhưng tôi vẫn mong được coi chúng như con đẻ... và vì tôi rất muốn chú ý đến bất cứ cô học trò nào đã được bà dạy dỗ, cho nên, thưa bà Pinkerton thân mến, xin bà cho tôi được rõ lai lịch của cô thiếu nữ ấy; vì nhớ đến bà, tôi rất muốn kết bạn với cô ta.
M. C.
Bà Pinkerton gửi bà Bute Crawley Johnson Haox,
Chiswick, tháng chạp năm 18...
Bà bạn thân mến, Tôi có hân hạnh nhận được thư bà, vội viết thư trả lời ngay. Được có người hưởng ứng công việc giáo dục của chúng tôi, nặng nề, là việc giáo dục con trẻ. Càng hân hạnh hơn được biết cô Martha MacTavish nhí nhảnh và giỏi giang, cô học trò xuất sắc ngày xưa của tôi, nay đã là bà Bute Crawley. Tôi rất sung sướng hiện được chăm sóc rất nhiều con em của những người xưa đã là bạn đồng học của bà...nếu như các cháu gái yêu quý nhà ta ưng để cho tôi săn sóc việc học tập thì thật là hân hạnh.
Nhân tiện xin gửi lời kính chào Fuddleston phu nhân và rất hân hạnh được giới thiệu (bằng thư) với phu nhân hai cô bạn gái của tôi là cô Tuffin và cô Hawky.
Cả hai cô đều hoàn toàn đủ tư cách dạy các ngoại ngữ Hy-lạp, La-tinh và tiếng Do Thái thông dụng, các môn toán học và lịch sử, các ngoại ngữ Tây-ban-nha, Pháp, Ý, và môn địa lý, âm nhạc (thanh nhạc và nhạc khí), có thể khiêu vũ không cần phải có thầy bên cạnh hướng dẫn, lại thạo cả những kiến thức về khoa học tự nhiên. Cả hai đều sử dụng quả địa cầu rất khéo. Không những thế, cô Tuffin là con gái của cố đức cha Thomas Tuffin (cựu sinh viên học đường Corpus, Cambridge) còn dạy được cả tiếng Sy-ri, và cả khoa Hiến pháp thường thức nữa. Song, vì cô ta mới có mười tám tuổi, lại rất xinh đẹp, nên có lẽ cô ta không tiện giúp việc tại gia đình ngài Huddleston Fuddleston.
Trái lại, cô Letitia Hawky không được xinh lắm, đã hai mươi chín tuổi, mặt rỗ nhằng nhịt, dáng đi hơi khập khiễng, tóc đỏ, mắt hơi hiếng một chút. Cả hai cô đều ngoan đạo và hạnh kiểm tốt như nhau. Dĩ nhiên về tiền thù lao thì tùy theo tài năng của họ.
Xin trọng kính chào đức cha Bute Crawley.
Kẻ đầy tớ trung thành và phục tùng nhất của bà.
Barbara Pinkerton.
T.B. Cái cô Sharp mà bà nói chuyện là cô giáo dạy tư trong gia đình tôn ông Pitt Crawley, nam tước, nghị sĩ quốc hội: trước kia cô ta là học trò của tôi; tôi không có điều gì phàn nàn về cô ta. Mặc dù bề ngoài cô ta coi không được dễ chịu lắm, song không thuộc tạo hóa theo ý ta được. Tiếng tăm của bố mẹ cô ta cũng không được tốt lắm (bố cô ta xưa là một họa sĩ, đã nhiều phen phá sản; còn mẹ cô ta, điều này tôi biết mà sợ quá, là một vũ nữ ở rạp Opera); tuy nhiên cô ta có rất nhiều khả năng, và tôi cũng không ân hận rằng đã nuôi dạy cô ta hoàn toàn vì lòng nhân từ.
Người ta giới thiệu với tôi mẹ cô ta là một nữ bá tước người Pháp, vì trốn tránh những sự khủng khiếp của cuộc cách mạng mà phải lưu vong ra nước ngoài, nhưng tôi khám phá ra chính thức bà ấy chỉ là một kẻ hạ tiện, tính tình đồi bại; điều tôi sợ nhất là tính tình bà mẹ có thể, một lúc nào đó, có tính chất gia truyền, và phát lộ ra ở cô con gái mà tôi coi là quân bỏ đi. Nhưng cho đến bây giờ, cách ăn ở của cô ta cũng đứng đắn (tôi tin vậy), và tôi yên trí rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra làm thay đổi tính tình cô ta trong phạm vi gia đình lịch sự và thượng lưu của ngài Pitt Crawley danh tiếng.
Cô Rebecca Sharp gửi cô Amelia Sedley.
Đã mấy tuần nay, em chưa viết được thư thăm chị Amelia thân mến, vì những chuyện vặt vãnh hàng ngày ở "trại Chán ngấy" (em vừa đặt tên thế đấy) chẳng đáng kể chị nghe; chị để ý làm quái gì đến củ cải kỳ này thu hoạch nhiều hay ít, con lợn béo cân nặng mười ba hay mười bốn ston hoặc bầy gia súc ăn củ cải đường, có béo hay không. Từ bữa viết thư cho chị, ngày nào cũng giống như ngày nào. Trước bữa ăn sáng, đi bách bộ một lượt với cụ Pitt cùng chiếc nạng của lão, ăn sáng xong, dạy học (cũng gọi là dạy học!) trong phòng học, rồi cùng cụ Pitt đọc và viết về những chuyện thày kiện, chuyện cho tương lai, chuyện mỏ than, kênh đào (em đã thành thư ký của lão rồi đấy); cơm trưa xong, nghe ông Crawley thuyết lý, hoặc đánh bài với lão nam tước; mặc em chọn cách giải trí, nam tước phu nhân chỉ nhìn một cách thản nhiên. Hình như dạo này bà ta đẹp ra vì mới ốm, và do đó mới có thêm một vị khách đến trại, tức là một ông bác sĩ trẻ tuổi. Phải, chị ạ, đàn bà còn trẻ, không bao giờ cần phải tuyệt vọng. Ông bác sĩ trẻ tuổi có bắn tin với một người bạn của chị rằng nếu em muốn trở thành bà Glauber thì sẽ được sẵn sàng đón tiếp để trang điểm thêm cho bộ mặt của phòng thuốc. Em mới bảo cái ông trơ tráo ấy rằng ông đã có cái chày mạ vàng và cái cối tán thuốc, nhà cửa thế cũng đẹp chán rồi. Như thể em sinh ra là để làm vợ một ông thày thuốc nhà quê ấy không bằng! Bị cự tuyệt tàn nhẫn, ông Glauber giận lắm, bèn trở về nhà uống một cốc nước lạnh, và thế là khỏi hẳn bệnh tương tư. Cụ Pitt rất tán thành quyết định của em; giá bị mất cô thư ký bé bỏng chắc cụ buồn phiền lắm đấy. Em tin rằng lão ma bùn ấy quý em cũng chẳng hơn gì lão vẫn hay quý báu người khác. Lấy chồng, phải, mà lại lấy một ông lang nhà quê, sau này...không, không làm sao người ta có thể quên ngay những chuyện cũ nhanh chóng như vậy; nhưng thôi, em chả nói nữa. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện ở "Trại chán ngấy".
Khoảng ít lâu nay, không còn phải là "Trại chán ngấy" nữa rồi. Chị ạ, bà Crawley đến chơi, mang theo đủ cả ngựa béo, đầy tớ béo, chó béo...tức là cái bà lớn Crawley giầu nứt đố đổ vách, có bảy vạn đồng bạc vốn đặt lãi đồng niên năm phần trăm...bà ta (hoặc đúng hơn là món tiền ấy) được hai ông anh trai thi nhau thờ phụng. Bà lão đáng quý hình như bị bệnh chóng mặt thì phải; thảo nào hai ông săn sóc bà em chu đáo gớm. Họ tranh nhau đưa gối cho bà tựa, đưa cà phê cho bà uống. Bà cụ bảo: "Khi nào tôi về quê thì tôi không cần đem vú già Briggs đi theo vì , cô ạ, ở đây hai ông anh tôi là vú già, một đôi vú già giỏi việc ra phết".
Bà ta cũng hay khôi hài lắm.
Bà Crawley mà về quê chơi thì cả trại tưng bừng hẳn lên, và ít nhất là trong một tháng, tưởng như ngài Walpone xưa kia sống lại. Chúng em tha hồ dự tiệc và đi chơi bằng xe bốn ngựa...bọn hầu giở những bộ chế phục mới nhất màu vàng thanh ra mặc. Chúng em uống rượu vang và rượu sâm banh thỏa thích y như từ xưa đến nay hàng ngày vẫn quen uống như thế. Trong phòng học, được phép thắp nến, và lại được đặt cả lửa để sưởi. Crawley phu nhân phải lấy trong tủ một bộ áo màu xanh lá đậu đẹp nhất ra mặc; còn hai cô học trò của em thì vứt đôi giày nặng chình chịch và bộ áo kép chật ních bằng vải ta-tăng rũ rích đi, mặc áo choàng bằng voan, đi tất lụa, đúng kiểu tiểu thư con gái các vị nam tước. Hôm qua, Rose đến tìm em, trông thương hại quá...con lợn giống Wiltshire (cô bé thích con lợn này lắm) húc cô ta ngã, và dẫm lên trên làm hỏng cả bộ áo lụa hoa lila đẹp lắm...giá việc này xảy ra độ một tuần lễ trước, thế nào cụ Pitt cũng chửi rầm lên, cũng béo tai cô bé khốn khổ và bắt cô ta phải ăn bánh nhạt uống nước lã ít nhất là một tháng. Nhưng lão chỉ bảo: "Này, bao giờ cô mày về tỉnh rồi, ta sẽ bảo cho", rồi cười, y như coi chuyện ấy là không đáng quan tâm. Mong rằng trước khi bà Crawley về cơn giận của lão cũng qua đi. Em mong thế vì em quý Rose lắm. Thế mới biết đồng tiền khéo giúp người ta hòa thuận với nhau thật!
Xem cách ăn ở của hai anh em nhà Crawley- em muốn nói cụ Pitt và ông em cố đạo - chứ không phải hai anh em ông Crawley kia đâu; mới lại thấy bà Crawley và món tiền bảy vạn đồng còn có thêm một tác dụng rất hay nữa: quanh năm họ ghét nhau như đào đất đổ đi, vậy mà đến lễ Giáng sinh, họ lại quý nhau như vàng. Năm ngoái, em đã viết thư kể cho chị rõ chuyện ông thày tu đáng ghét hay thi ngựa ấy vẫn có thói thích lải nhải thuyết giáo với chúng em ở nhà thờ, mà cụ Pitt thì cứ ngáy khò khò để trả lời. Khi bà Crawley đến chơi thì chẳng hề nghe thấy nói có chuyện gì xích mích... Bên trại sang thăm bên nhà thờ, và ngược lại.Vị mục sư và ngài nam tước bàn những chuyện nuôi lợn chuyện săn trộm, chuyện làm ăn trong quận một cách hỷ hả nhất đời, chén chú chén anh với nhau không hề to tiếng. Em chắc rằng. .. nhất định là bà Crawley không muốn thấy hai người xích mích với nhau, và thề rằng bà sẽ cho gia đình nhà Crawley ở Shropshire mà thông minh ra, thì em chắc sẽ vớ được món tiền ấy. Nhưng chết cái lão Crawley ở Shropshire kia cũng là thày tu, giống ông anh họ ở Hampshire; một lần đưa ra mấy câu đạo đức quá, bị bà Crawley ghét cay ghét đắng tức tốc bỏ đi ngay (chả là bà giận mấy ông cháu đằng này, bèn sang đấy chơi); chắc lão kia cũng muốn giở trò giảng đạo trong nhà hắn.
Lúc bà Crawley đến chơi, sách giảng đạo của chúng em phải cất kín một chỗ, còn ông Pitt, người bị bà ta ghét cay đắng thì tự thấy nên lánh mặt ra tỉnh chơi. Mặt khác cái anh chàng công tử trẻ tuổi... "tay chơi" , gọi thế mới đúng...tức là đại úy Crawley lại mò tới, có lẽ chị cũng muốn biết qua anh chàng là người thế nào.
Phải, anh ta là một cậu công tử trẻ tuổi, cao lớn. Người cao đến sáu bộ, tiếng nói oang oang, văng tục luôn mồm, thích quát tháo đầy tớ vậy mà họ quý anh ta ra phết, anh ta vốn rất rộng rãi về chuyện tiền nong, cho nên sai bọn đầy tớ gì chúng cũng làm ngay. Tuần trước một viên mõ tòa và người thừa sai từ Luân-đôn xuống để bắt anh chàng đại úy; họ đang lần mò ngoài bức tường bao quanh vườn cảnh thì bị bọn gác bắt được, suýt nữa bị giết, chúng đánh cho một trận, đem trấn nước, và sắp sửa đem bắn về tội săn trộm, thì lão nam tước can thiệp tha cho.
Em thấy rõ anh chàng đại úy này rất khinh bố đẻ, anh ta gọi bố là lão xuẩn, lão bần tiện, lão nhà quê, và nhiều tên hiệu khác hay ho nữa. Đối với phụ nữ, anh chàng khét tiếng một cách đáng sợ. Anh ta đem cả ngựa săn về nhà, chơi bời với bọn tai mắt trong quận; anh ta tùy thích mời ai ăn tiệc thì mời, cụ Pitt không dám từ chối sợ bà Crawleyphậtý, sau này sẽ mất phần trong tờ di chúc khi bà ta chết về bệnh chóng mặt. Có nên kể chị nghe chuyện anh chàng đại úy tán tỉnh em thế nào không nhỉ? Em cứ kể, chuyện hay lắm. Một buổi tối, chúng em tổ chức khiêu vũ. Có tôn ông Giles Wapshot cùng hai cô con gái và không rõ bao nhiêu người khác nữa tới dự. Thế rồi em nghe thấy anh chàng bảo: "Lạy Chúa, cô ta trông kháu khỉnh quá", ấy là muôn ám chỉ đứa đầy tớ thấp kém của chị đấy. Anh ta lại chiếu cố nhảy với em hai điệu nhảy dân gian. Anh ta cười cười nói nói rất thoải mái vui vẻ với những nhà quý tộc trẻ tuổi, uống rượu, đánh cuộc, cưỡi ngựa, và nói chuyện cùng họ về việc săn bắn. Nhưng anh ta bảo bọn con gái nhà quê "buồn" lắm; kể ra em thấy anh ta nói cũng không sai. Giá chị được thấy đối với em họ kênh kiệu thế nào nhỉ! Trong khi họ khiêu vũ, em cứ phải ngồi nín thinh chơi dương cầm. Nhưng đêm hôm nọ, anh ta ở phòng ăn bước ra, mặt hơi đỏ; thấy em bị đối đãi như vậy, anh ta lớn tiếng tuyên bố rằng em nhảy giỏi nhất đám, và thề độc rằng thế nào cũng phải mượn vài người nhạc công ở Mudbury về.
- Để tôi chơi một điệu nhảy dân gian cho. Bà Bute Crawley nhanh nhảu nói (bà này đã có tuổi, mặt đen, quấn khăn, hơi hơi gù, mắt thì hấp ha hấp háy); Rebecca đáng thương của chị cùng anh chàng đại úy vừa nhảy xong một bài thì, chị có biết không, bà ta lại ban cho em cái hân hạnh là khen em nhảy đẹp! Thật chưa bao giờ có chuyện lạ như vậy. Cái bà Buten Crawley kiêu ngạo ấy là em họ bá tước Tiptoff, bà này đã không thèm hạ mình xuống mà đến thăm Crawley phu nhân, trừ trường hợp có bà em chồng ở tỉnh về chơi. Thật đáng thương cho Crawley phu nhân! Phần lớn khoảng thời gian những buổi họp mặt vui vẻ như thế bà ta phải nằm trên gác uống thuốc.
Tự nhiên bà Bute thân thiết với em quá. Bà ta bảo: "Cô Sharp thân yêu, sao cô không đưa hai em nó sang bên nhà thờ. Các em, nó bên này thích được chơi với hai chị nó lắm đấy". Em biết bà ta có ý định gì rồi. ông Clementi thật đã không uổng công dạy em chơi đàn dương cầm; bà Bute định lợi dụng em dạy đàn cho con bà đấy; em cứ là đi guốc vào bụng bà ta; nhưng rồi em cũng sang...em quyết định sẽ làm vừa lòng bà ta;. .. Đó là nhiệm vụ của một cô giáo dạy trẻ nghèo không bè bạn, không người che chở, phải không chị ? Bà vợ nhà tu sĩ khen mãi rằng học trò của em rất tấn tới; bà ta nghĩ rằng em cảm động lắm, chắc thế...cái bà nhà quê giản dị ấy mới đáng thương chứ.... Làm như em chú ý đến học trò lắm đấy!
Chị Amelia thân yêu ơi, em mặc cái áo voan Ấn Độ và cái áo lụa hồng chị cho, họ bảo tôn vẻ người lên nhiều lắm. Bây giờ cũng đã cũ lắm rồi, nhưng chị cũng rõ đấy, con gái nhà nghèo chúng em lấy tiền đâu ra mà may áo mới (<76>). Chị sung sướng thật chỉ cần đánh xe ngựa trên phố St. James, thế là muốn mua thứ gì thì bác mua cho ngay. Thôi, tạm biệt chị.
Thân mến.
Rebecca.
T.B. Hai chị em cô Blackbrooks (con gái đô đốc Blackbrooks) là hai cô tiểu thư trẻ, đẹp, mặc toàn áo may ở Luân đôn; giá chị được nom thấy mặt hai cô lúc đại úy Rawdon chọn mời em cùng nhảy. Em vẽ họ dưới đây này, giống họ như hệt. Thôi, tạm biệt, tạm biệt.
Bà Bute Crawley giả dối với Rebecca, nhưng cô gái thông minh này cũng biết thừa. Lúc đã được Rebecca hứa sẽ sang thăm bên nhà thờ, bà bèn vận động với bà già Crawley, con người vô cùng thế lực, để bà này khuyên bảo cụ Pitt. Bà già tốt bụng này vốn ham vui, lại ưng mọi người xung quanh cũng vui vẻ sung sướng như mình, bằng lòng ngay; bà sẵn sàng nối lại mối dây hòa thuận thân thiết giữa hai anh em ruột. Hai bên thỏa thuận rằng từ rày trở đi con trẻ hai nhà sẽ sang chơi với nhau: và dĩ nhiên sự hòa thuận chỉ bền trong phạm vi thời gian bà cụ già còn cầm cán cân hòa giải.
Trên đường về nhà, khi qua vườn cảnh, nhà tu sĩ hỏi vợ:
- Sao bà lại đi mời cái thằng Rawdon Crawley chó má ấy ăn cơm làm gì? Sao mà tôi ghét nó thế. Nó khinh bọn quê mùa chúng mình như bọn mọi đen ấy. Chưa moi được những chai rượu gắn si vàng của tôi ra uống thì nó chưa yên đâu; mười si-linh một chai đấy, mẹ kiếp! Mà tính tình nó mới khiếp chứ...cờ bạc như ranh...rượu chè be bét...hư hỏng đủ mọi phương diện. Có lần nó đấu súng bắn chết một người đấy. Công nợ thì ngập mặt. Mà nó đã nẫng tay trên mất của mình phần lớn gia tài của bà Crawley cơ chứ. Bà lão bảo rằng (nói đến đây, vị tu sĩ nắm quả đấm giơ lên mặt trăng, lẩm bẩm cái gì như thề độc, rồi buồn rầu tiếp) sẽ ghi vào tờ di chúc cho nó năm vạn đồng. Thế là không còn được lấy ba vạn để chia nhau.
Bà vợ thầy tu đáp:
- Tôi nghe bà ấy cũng sắp "ngoẻo" đến nơi rồi. Lúc ăn cơm xong, tôi thấy mặt bà ấy đỏ quá. Tôi phải nới bớt dải áo hộ.
Ông thày tu đáng kính nói khe khẽ:
- Bà ấy uống bảy cốc sâm-banh; mà cái lão anh mình nó muốn đầu độc mình chắc, sâm-banh gì mà tởm thế...nhưng bọn các bà có biết cái quái gì...
Bà Bute Crawley đáp:
- Phải, chúng tôi thì còn biết gì.
Ông thày tu lại tiếp:
- Ăn cơm xong, bà ấy uống rượu mạnh, lại uống cà-phê pha với ca-cao. Cho tôi một tờ giấy năm đồng bắt tôi uống một cốc tôi cũng xin chịu. Nó kích thích tim thì có mà chết đứt. Đố bà ấy chịu nổi; bà Crawley ấy...thế nào cũng ngoẻo... xương thịt Matilda chỉ một năm nữa là đi đứt.
Hai vợ chồng ông thầy tu vừa đi vừa trịnh trọng tính toán với nhau, đồng thời nghĩ đến những món nợ, nghĩ đến con trai là Jim nội trú ở trường đại học, và Frank ở Woolwich, cùng bốn cô con gái; bốn cô này chẳng cô nào trông ra hồn người, một xu dính túi không có, chỉ nhòm vào tờ di chúc tương lai của bà cô.
Im lặng một lúc...
- Pitt lại khốn nạn đến mức bán trước quyền kế thừa cai quản à? Cái thằng con trưởng, cái thằng dát như cáy ấy lại đang nhấp nhổm vào Quốc hội cơ đấy.
Bà vợ đáp:
- Lão Pitt Crawley thì còn từ cái gì. Mình phải xin bà Crawley bắt lão hứa lo việc ấy cho thằng James mới được.
Ông em quý nói:
- Lão Pitt thì "trăm voi chẳng được bát nước xáo". Xưa lão đã hứa rằng khi ông cụ mất đi, lão sẽ trả hết tiền phí tổn nội trú ở trường đại học cho tôi; lão hứa sẽ xây thêm một gian phụ cho nhà thờ; lão còn hứa cho tôi đám ruộng của thằng Jibb, và cái bãi cỏ sáu ây-cơ...nói cứ như rồng như phượng ấy! Lại cũng chính cái thằng con trai lão.. . cái thằng chó đểu, bài bạc, bịp bợm, sát nhân ấy, tức là thằng Rawdon Crawley, nó vớ được phần gia tài to nhất của bà Matilda. Chúa nào chứng cho chúng nó. Cái quân chó má ấy nó có đủ mọi thói xấu trên đời, không kể thói đạo đức giả là thói xấu thằng anh nó giữ độc quyền.
Bà vợ bảo:
- Xuỵt, im đi ông lão. Chúng mình đang ở trên đất của lão Pitt đấy.
- Bà Crawley, tôi đã nói là hắn có đủ mọi thói xấu. Bà đừng có chèn tôi. Thế nó không bắn chết đại úy Marker là gì? Chẳng phải nó bóc lột nhà quý tộc trẻ tuổi Dovedale ở quán "Cây dừa" thì là ai? Nó hay thằng nào ngăn cản cuộc đánh nhau giữa là thằng Bill Soame và Cheshire Trump, làm cho tôi mất toi bốn mươi đồng bạc tiền đánh cuộc. Bà còn lạ gì những chuyện ấy. Còn về chuyện trai gái thì bà còn nhớ có lần ngay trong phòng xử kiện, trước mặt tôi...
Bà vợ đáp:
- Ông Crawley ơi; thôi, tôi van ông, đừng giở những chuyện ấy ra với tôi nữa.
Lão thầy tu cáu quá, nói:
- Thế mà bà đi mời cái thằng khốn nạn ấy đến nhà? Chính bà đã đẻ ra một lũ con, lại là vợ một tu sĩ của Nhà thờ Anh quốc. Trời đất ơi!
Vợ lão cười khinh bỉ đáp:
- Ông Bute Crawley, ông ngu xuẩn lắm.
- Được lắm, thưa bà. Ngu xuẩn hay không...Martha ạ, tôi không nói rằng tôi khôn ngoan được như bà; không phải thế. Nhưng tôi không muốn nhìn mặt thằng Rawdon, rõ chưa? Tôi sẽ đi thăm Huddleston xem con chó mực của lão rồi đi thăm bà Crawley. Tôi sẽ bỏ ra năm mươi đồng đánh cuộc con Lancelot chạy thi sẽ ăn đứt con chó kia, hoặc bất cứ con chó Anh nào khác. Nhưng nhất định tôi không nhìn mặt cái thằng Rawdon Crawley chó má.
Bà vợ đáp:
- Ông Crawley ơi, ông lại say như mọi khi rồi.
Sáng hôm sau, lúc lão thầy tu ngủ dậy gọi lấy rượu bia để "súc miệng", bà vợ nhắc lão nhớ lại dự định đi thăm ngài Huddleston Fuddleston vào hôm thứ bảy: Lão yên trí thế nào cũng được một đêm say sưa nên trù tính sáng chủ nhật sẽ phi ngựa trở về nhà thờ sớm cho kịp giờ làm lễ. Thế mới biết bọn con chiên trong xứ đạo Crawley sung sướng thật, vì ông cha xứ của họ chẳng thua gì nhà quý tộc chúa đất.
Chưa ở chơi được bao lâu mà bà Crawley, cái bà lão dửng mỡ người kinh đô ấy, đã bị ma lực của cô Rebecca quyến rũ, như cô đã quyến rũ bao nhiêu tâm hồn trong trắng khác ta đã biết. Một hôm, cùng giong xe ngựa đi chơi theo lệ thường, bà thấy cần ra lệnh cho "cô giáo bé bỏng" theo mình về chơi Mudbury. Trong cuộc đi chơi, Rebecca đã chinh phục được bà; cô đã làm được cho bà này cười bốn bận, và khiến bà rất vui lòng suốt bữa đó. Cụ Pitt định tổ chức một bữa tiệc long trọng mời khắp mặt các nhà quý tộc trong vùng đến dự. Bà Crawley nói với cụ Pitt:
- Sao lại không để cho cô Sharp dự tiệc? Này bác, bác nghĩ tôi có thể bàn chuyện giáo dục con trẻ với Fuddleston phu nhân hoặc thảo luận về pháp luật với cái con ngỗng là lão Giles Wapshot được chăng? Tôi muốn để cô ta cùng dự tiệc. Nếu không đủ chỗ thì bảo Crawley phu nhân ở trên gác. Nhưng còn cô Sharp...chết chưa? Cả hàng quân, chỉ có mình cô ta nói chuyện còn nghe được!
Dĩ nhiên, sau cái mệnh lệnh dứt khoát ấy thì cô giáo dạy trẻ Sharp được lệnh ra cùng ngồi dự tiệc ở dưới nhà.
Rồi đến khi ngài Huddleston, dáng điệu hết sức trang trọng kiểu cách, khoác tay bà Crawley bước vào phòng ăn, và sắp sửa ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, thì bà già này bỗng kêu lên the thé:
- Becky Sharp? Cô Sharp! Lại đây, ngồi cạnh tôi cho vui; để ngài Huddleston ngồi cạnh Wapshot phu nhân cũng được.
Tan tiệc, khách khứa đã lên xe ngựa ra về cả, bà Crawley vẫn chưa thỏa mãn, còn bảo:
- Becky, lên phòng trang điểm của tôi nhé; chúng ta sẽ nói xấu bọn họ nghe chơi với nhau.
Mà thật, ngồi riêng với nhau, đôi bạn tri kỷ đã làm đúng như lời. ông lão Huddleston lúc đang ăn tiệc cứ luôn mồm thở phì phà phì phò. Còn ngài Giles Wapshot thì có lối húp "xúp" kêu cứ òm ọp; bà vợ mắt trái làm sao cứ hấp ha hấp háy; những nét đặc biệt ấy cũng như những câu chuyện buổi tối Becky rí rỏm tả lại rất tài: nào là chuyện chính trị, chuyện chiến tranh, chuyện họp Quốc hội, chuyện đua ngựa và bao nhiêu là chuyện quan trọng nhạt nhẽo mà cái bọn quyền quý xứ quê vẫn thích nói với nhau. Còn bộ áo của hai cô con gái nhà Wapshot và cái mũ vàng nổi danh của Fuddleston phu nhân thì bị cô Sharp "xé rách tơi tả"; bà thính giả nghe chuyện khoái trá vô cùng. Bà bảo:
- Cô em ơi, cô thật là một báu vật (<77>) vô song. Ước gì cô đi được Luân đôn với tôi nhỉ. Nhưng tôi không thể đem cô ra làm trò cười như đối với mụ Briggs được; không, không... cô gớm lắm, cô quá thông minh...phải không, Firkin?
Bà Firkin đang chải mấy sợi tóc lơ thơ còn bám vào sọ bà Crawley ngẩng phắt mặt lên đáp một cách hết sức mỉa mai: "Dạ, cô ấy thông minh lắm ạ"; nói cho đúng thì bà Firkin cũng có tính ghen ghét, đó là cái nguyên tắc xử thế chung của tất cả mọi người đàn bà lương thiện.
Sau bữa cự tuyệt ngài Huddleston Fuddleston, bà Crawley ra lệnh cho Rawdon Crawley ngày nào cũng phải khoác tay dẫn bà vào phòng ăn; Cô Becky thì ôm chiếc gối đi theo sau...hoặc cô khoác tay bà, còn Rawdon ôm gối cũng được. Bà bảo:
- Chúng mình phải ngồi cạnh nhau mới xong; cô em ạ, khắp quận này chỉ có ba chúng ta là những con chiên ngoan đạo tư duy nhất thôi đấy.
- Nếu quả thế thì đạo chúa trong quận Hants cũng đang "xuống" quá thật.
Bà Crawley không phải chỉ biết "ngoan đạo" một cách lý thú như thế, bà còn là người có nhiều tư tưởng hết sức tự do; bà luôn luôn tìm cơ hội phát triển những tư tưởng áy một cách rất tự nhiên. Bà thường bảo Rebecca:
- Này cô em, dòng dõi là cái gì? Cô cứ trông ông Pitt, anh tôi và gia đình Huddleston; họ sinh cơ lập nghiệp ở đây từ triều vua Henry đệ nhị đấy. Cô cứ trông lão Bute đáng thương với cái chức mục sư kia... trong bọn họ có người nào thông minh và có giáo dục bằng cô không? Bằng cô à bọn họ so với mụ Briggs người hầu của tôi, và bác Bowls, quản gia của tôi, cũng chưa bằng ấy chứ. Cô em đáng yêu ạ, cô là một người hoàn toàn...một quý vật, dứt khoát thế đấy... Trí tuệ nửa vùng này góp lại cũng không bằng được cô đâu. Nếu quả thật con người ta có phúc là có phận thì cô phải làm một bà công tước mới xứng... Không, ở đời không cần có những bà công tước làm gì: nhưng cô không nên chịu thua kém ai; cô em ạ, tôi coi cô ngang hàng tôi về mọi phương diện đấy, và...kìa cô, bỏ hộ tôi thêm ít than vào lò với, cô sửa lại chiếc áo dài này hộ tôi nhé; cô tài may vá lắm, chẳng ai bằng.
Cứ thế, bà lão nhân từ thường nhờ cô ta đưa thư giúp mình, chải tóc hộ, và đêm đêm đọc tiểu thuyết Pháp để bà nghe, cho đến lúc bà ngủ say mới thôi.
Vào thời đó, một số độc giả có tuổi chắc còn nhớ, giới quyền quý đang rất sôi nổi bàn tán về hai việc xảy ra, khiến cho theo lời vài tờ báo, mấy ông quý tộc áo (<78>) có việc làm ăn. Viên hạ sĩ cầm cờ Shafton trốn biệt tích cùng công nương Barbara Fitzurse là con gái và người thừa kế của bá tước Bruin; còn ông Vere Vane, là một nhà quý tộc tuổi đã tứ tuần, tính tình xưa nay vẫn đứng đắn, lại là chủ một gia đình đông con, đột nhiên quái gở thay, bỏ nhà đi theo bà Rougemont, một đào hát già đã sáu mươi nhăm cái xuân xanh?
Bà Crawley nói:
- Tôi thích nhất là những người biết noi gương sáng của Quận công Nelson. Ông ta chết vì một người đàn bà. Làm tài trai phải biết sống như vậy mới đáng mặt. Tôi vẫn ưa những cuộc hôn nhân táo bạo ... điều tôi thú nhất là một nhà quý tộc lấy con gái một người thợ xay bột làm vợ, y như bá tước Flowerdale ngày xưa ấy...làm cho bọn đàn bà tức điên lên... Này cô em, ước gì có một nhà tai mặt nào đi trốn với cô nhỉ; trông cô cũng xinh đấy chứ?
Rebecca đáp:
- Đi trốn với hai anh phu trạm? Ồ, thú vị ấy.
- Và điều thứ hai tôi thích là một anh con trai nghèo xác xơ đi trốn với một cô con gái nhà giàu. Tôi đang mong cho thằng Rawdon đi trốn với đứa nào thì hay.
- Đi trốn với một người giầu, hay một người nghèo?
- Ồ khỉ lắm! Tôi mà không cho nó tiền thì một xu dính túi nó cũng không có . Nó công nợ ngập mặt (<79>)... Nó cần gây dựng lại cơ nghiệp; nó phải mở mặt ra với thiên hạ chứ!
Rebecca hỏi:
- Ông ấy có thông minh không ạ?
- Thông minh ấy à? Nó còn có biết cái quái gì ngoài chuyện ngựa nghẽo, chuyện trung đoàn, chuyện săn bắn, ăn chơi; nhưng phải làm sao cho nó làm nên. .. thằng bé hư đốn một cách đáng yêu quá. Cô có biết chuyện nó bắn chết một người, và bắn thủng mũ một ông già vì đã xúc phạm đến nó không? Cả trung đoàn quý nó lắm. Ở phố Wattier và ở quán "Cây dừa" nữa, bọn trai trẻ coi nó như ông trùm (<80>).
Khi cô Rebecca Sharp viết thư kể lại cuộc dạ hội ở trại Crawley Bà chúa cho cô bạn thân nghe cô cũng tả cả cái cung cách đại úy Crawley đã đề cao mình lần đầu tiên thế nào; nhưng không rõ tại sao, cô không miêu tả đầy đủ câu chuyện trên. Trước đó, đã nhiều lần viên đại úy đặc biệt săn sóc đến cô; có đến năm sáu lần, anh chàng tìm cách gặp cô trong lúc đang đi bách bộ chơi; có đến hàng năm chục lần, viên đại úy mắt sáng lên khi gặp cô đi qua hành lang. Có những buổi tối, lúc Becky hát, viên đại úy cứ bám lấy cây đàn dương cầm của cô đến hàng chục bận (phu nhân lúc này ở trên gác vì mệt, cũng chả ai để ý đến bà ta) .
Anh chàng đại úy đã gửi cho cô nhiều bức thư, tức là những lá thư hay ho nhất mà anh chàng sĩ quan ngự lâm thô lỗ kia có thể nghĩ ra đánh vần mà viết nổi (nhưng đối với đàn bà thì sự đần độn cũng cứ thành công như mọi đức tính khác). Khi anh ta luồn lá thư đầu tiên vào mấy tờ nhạc lúc cô đang hát, thì cái cô giáo bé nhỏ này đứng ngay dậy nhìn thẳng vào mặt anh chàng, lấy điệu bộ kiểu cách cầm lấy mảnh giấy hình tam giác quạt mát rồi ném tọt vào ngọn lửa lò sưởi; đoạn cô ta cúi chào anh chàng một cái sát tận đất, rồi về chỗ cũ, bắt đầu hát vui vẻ hơn trước.
Bà Crawley ăn trưa xong đang lim dim ngủ thấy bài hát đứt đoạn, vội hỏi.
- Cái gì đấy?
- Tại có một lỗi nhạc đấy ạ.
Cô Sharp vừa đáp vừa cười; Rawdon Crawley giận tưởng phát điên lên được.
Thấy bà Crawley tỏ ra chiều chuộng cô giáo mới một cách quá rõ ràng, bà Bute Crawley không những không ghen ghét mà còn đon đả chào mời cô ta sang chơi bên nhà thờ; bà mời cả anh chàng Rawdon Crawley là kẻ kình địch với chồng bà về khoản lãi năm phần trăm của bà lão nữa. Tốt đẹp vậy thay? Bà Bute Crawley và ông cháu đi lại thăm nom nhau rất thân mật. Anh chàng này bỏ cả săn bắn, bỏ cả những thú vui ở nhà Fuddleston; anh ta không cùng ăn với bọn quân nhân đồn trú tại Mơtbơry nữa...Bây giờ, anh ta thú nhất là đi lang thang sang địa phận nhà thờ Crawley...
Bà Crawley cũng sang đấy chơi, cả hai đứa bé cũng đi với cô Sharp, vì mẹ chúng ốm. Một buổi tối kia, có hai người sóng đôi ra về với nhau, không có bà Crawley cùng đi - vì bà ưng đi xe ngựa hơn. Cuộc đi chơi dưới ánh trăng qua cánh đồng của nhà thờ, qua cái cổng nhỏ thông vào một khu vườn hẹp, xuyên qua đám cây cối rậm rạp tối om, ngược theo con đường cái lớn dẫn về trại Crawley Bà chúa, thật vô cùng hấp dẫn đối với hai con người vốn ưa những phong cảnh kỳ thú, là viên đại úy và cô Rebecca.
Cô này nước đôi mắt biếc sáng lấp lánh nhìn lên trời noi:
- Ôi, những ngôi sao, những ngôi sao kia! Khi tôi nhìn sao trên trời tôi cảm thấy như mình đã thoát tục.
Anh chàng cao hứng cũng đáp:
- Ồ à hừm...vâng, cô Sharp ạ, tôi cũng thế đấy.
Cô bèn hút thử một điếu, điệu bộ nom thật nhí nhảnh; cô khẽ thở phù khói ra, khẽ kêu rú lên, và khẽ cười khúc khích, rồi trả điếu thuốc đại cho viên đại úy. Anh chàng đưa tay lên xoắn bộ ria, lập tức rít một hơi dài làm cho đốm lửa sáng rực lên dưới lùm cây rậm tối, và thề độc:
"Trời ơi ... Ồ ... à ... đây là điếu thuốc ngon nhất đời tôi đấy...à. Trí thông minh cũng như lối chuyện trò của anh chỉ hay ho và lý thú đối với một anh lính ngự lâm thô lỗ mà thôi.
Còn cụ Pitt già nua kia thì đang ngồi uống rượu bia và hút tẩu thuốc cùng bác John Horrocks, bàn chuyện sắp thịt một con cừu khi lão vẫn liếc qua cửa sổ rình đôi trai gái, và văng tục mà bảo rằng nếu không vì nể bà cụ Crawley thì lão đã quẳng cả thằng Rawdon lẫn hành lý ra cửa cho đáng kiếp cái thằng khốn nạn.
Bác Horrocks cũng nhận xét:
- Hắn quả thật là tồi; cái thằng lính hầu Flethers của hắn còn đểu hơn nữa; nó lục tung cả phòng của bà quản gia lên để mò ăn mò rượu, làm như bố người ta không bằng.
Ngừng lại một lúc, bác thêm:
- Nhưng cụ ạ, cháu coi cô Sharp cũng xứng đôi với cậu ta đấy chứ...
Thật ra thì cô ta cũng xứng đôi...với cả bố lẫn con.
- Tập 1 - Chương mở đầu - Mấy lời giáo đầu
- Chương 1 - Chiswick mall
- Chương 2 - Sharp và Amelia chuẩn bị mở cuộc tấn công
- Chương 3 - Rebecca trước kẻ địch
- Chương 4 - Cái túi lụa xanh
- Chương 5 - Dobbin của chúng ta
- Chương 6 - Vauxhall
- Chương 7 - Crawley ở trại Crawley bà chúa
- Chương 8 - Riêng và kín
- Chương 9 - Những nhân vật trong gia đình
- Chương 10 - Cô Sharp bắt đầu kết bạn
- Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
- Chương 12 - Một chương thật là trữ tình
- Chương 13 - Trữ tình và những thứ khác nữa
- Chương 14 - Bà Crawley tại nhà riêng
- Chương 15 - Chồng cô Rebecca xuất hiện trong chốc lát
- Chương 16 - Bức thư trên chiếc gối may
- Chương 17 - Đại úy Dobbin sắm dương cầm
- Chương 18 - Ai chơi chiếc dương cầm Dobbin mua?
- Chương 19 - Bà Crawley dưỡng bệnh
- Chương 20 - Đại úy Dobbin đóng vai sứ giả của ông tơ hồng
- Chương 21 - Cãi nhau vì một cô gái triệu phú
- Chương 22 - Lễ cưới và tuần trăng mật
- Chương 23 - Đại úy Dobbin tiếp tục vận động
- Chương 24 - Ông Osborne xóa tên con trong quyển thánh kinh
- Chương 25 - Các nhân vật chính trong truyện thấy cần từ giã Brighton
- Chương 26 - Giữa Luânđôn và Chatham
- Chương 27 - Amelia đi theo trung đoàn của chồng
- Chương 28 - Amelia sang Bỉ
- Chương 29 - Brussels
- Chương 30 - Thiếp bên song cửa, chàng ngoài chân mây
- Chương 31 - Joe Sedley trông nom em gái
- Chương 32 - Joe đi trốn và chiến tranh kết thúc
- Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà
- Chương 34 - Cái tẩu của James Crawley bị quẳng đi
- Tập 2 - Chương 35 - Mẹ góa con côi
- Chương 36 - Làm thế nào sống đàng hoàng không một đồng lợi tức
- Chương 37 - Câu chuyện tiếp tục
- Chương 38 - Một gia đình lâm vào cảnh khó khăn
- Chương 39 - Một chương toàn chuyện tồi tệ
- Chương 41 - Becky về thăm nhà chồng
- Chương 42 - Những việc xảy ra trong gia đình Osborne
- Chương 43 - Bạn đọc cần đi vòng qua đảo Vọng Giác
- Chương 44 - Từ Luân Đôn đến Hampshire
- Chương 45 - Giữa Hampshire và Luân Đôn
- Chương 46 - Vật lộn và thử thách
- Chương 47 - Lâu đài Gaunt
- Chương 48 - Mời bạn đọc bước chân và giới thượng lưu
- Chương 49 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng
- Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
- Chương 51 - Màn kịch đố chữ
- Chương 52 - Bây giờ mới rõ mặt đại nhân
- Chương 53 - Giải thoát và tai họa
- Chương 54 - Ngày chủ nhật sau cuộc xô xát
- Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ
- Chương 56 - Về câu chuyện cũ
- Chương 57 - Từ Đông phương trở về
- Chương 58 - Anh bạn thiếu tá của chúng ta
- Chương 59 - Chiếc dương cầm ngày xưa
- Chương 60 - Trở lại xã hội thương lưu
- Chương 61 - Tắt đi hai ngọn đèn
- Chương 62 - Trên bờ sông Rhein
- Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
- Chương 64 - Một chương lông bông
- Chương 65 - Lạc thú và việc làm ăn
- Chương 66 - Chuyện xích mích của những kẻ yêu nhau