Chương 6 - Vauxhall
Tôi cũng biết rằng câu chuyện tôi đang kể chẳng có gì là đặc sắc (tuy rằng sắp đến vài chương ghê gớm đây), và cũng xin bạn đọc rộng lượng nhớ cho rằng chúng ta đang nói chuyện về gia đình một người buôn cổ phiếu ở công viên Russell, mà họ thì đang đi chơi hoặc ăn điểm tâm, hoặc dùng cơm tối, hoặc nói chuyện, hoặc phải lòng nhau, chẳng khác gì thiên hạ trong cuộc sống hàng ngày vậy; cũng chưa có một sự kiện ghê gớm kỳ lạ nào đánh dấu bước tiến bộ trong những mối tình của họ. Câu chuyện đại khái như thế này.. . Osborne yêu Amelia; anh ta mời một người bạn cũ đến dùng bữa tối rồi đi chơi Vauxhall, còn Joe Sedley cũng yêu Rebecca. Hai người có lấy nhau không? Đó là vấn đề ta đang xét.
Chúng ta rất có thể giải quyết vấn đề một cách hoặc êm đềm, hoặc lãng mạn, hài hước. Giả thử ta đặt câu chuyện vào khung cảnh Quảng trường Grosvenor, cũng những tình tiết ấy...liệu có ai thèm nghe không? Giả thử ta kể rằng Vương tước Joseph Sedley yêu, và hầu tước Osborne cũng phải lòng công nương Amelia, mối tình được vị công tước cha nàng hoàn toàn đồng ý; hoặc ta không cho chuyện xảy ra trong tầng lớp đại quý tộc, mà đặt vào trong một khung cảnh hạ lưu nhất, thí dụ cái bếp của nhà ông Sedley chẳng hạn; bác da đen Sambo đã phải lòng chị đầu bếp ra sao (mà chắc chắn là có thể) và vì chị này, bác đã choảng nhau với anh xà ích... chú bé hầu rượu đã bị bắt quả tang ăn trộm một tảng vai cừu thế nào...rồi mụ hầu phòng cô Sedley mới mượn nhất định không chịu vào buồng ngủ nếu không có cây nến... những chuyện ấy có thể dựng lên cốt gây những trận cười khoái trá, và được mệnh danh là những cảnh đời thực. Hoặc giả, trái lại, nếu chúng ta ưa những cảnh hãi hùng, và cho anh nhân tình của mụ hầu phòng mới đến làm là một tên trộm nhà nghề; hắn cùng đồng đảng lọt vào nhà giết chết bác da đen Sambo ngay dưới chân ông chủ, cướp phăng cô Amelia còn mặt áo ngủ đem đi mất cho mãi đến tập ba của cuốn truyện mới thả cho về nếu thế, có lẽ chúng tôi đã có thể dễ dàng viết được một truyện rùng rợn; độc giả hẳn phải hồi hộp mà đọc ngấu nghiến những chương sách ghê gớm đó. Nhưng xin các bạn đọc đừng chờ đợi ở đây một cuốn truyện thuộc loại như vậy; đây chỉ là một câu chuyện gia đình và xin hãy bằng lòng với một chương kể chuyện Vauxhall, chương này ngắn ngủi lắm, đến nỗi không đáng gọi là một chương nữa.
Thế mà nó vẫn là một chương, lại là một chương quan trọng nữa cơ đấy. Trong đời sống hàng ngày, chẳng đã từng có những chương bé nhỏ, hình như không có nghĩa lý gì, song thật ra đã ảnh hưởng đến cả đoạn sau của cuộc đời chúng ta đấy sao?
Vậy thì chúng ta hãy cùng bước vào trong chiếc xe ngựa với bốn cô cậu ở Công viên Russell và thẳng đường đến Vauxhall. Joe và cô Sharp ngồi ở ghế trước, giữa có một chỗ ngồi để trống. Osborne ngồi trước mặt họ, bị ép giữa đại úy Dobbin và Amelia.
Trên xe, ai cũng yên trí đêm hôm ấy thế nào Joe cũng ngỏ ý hỏi Rebecca Sharp làm vợ. Ở nhà, hai bậc cha mẹ cũng tán thành việc bố trí này, tuy ta phải nói riêng với nhau rằng ông lão Sedley đối với con trai gần như có ý khinh bỉ. Ông bảo rằng con trai ông phù phiếm, ích kỷ, lười biếng, và đàn bà quá. Ông cụ không chịu được những điệu bộ công tử bột của anh chàng, và rất tức cười về những chuyện "huyên thiên xích đế" của cu cậu. Ông lão bảo:
- Tôi sẽ cho nó nửa cơ nghiệp này, ngoài ra nó còn khối của riêng nhưng tôi cam đoan rằng ví thử ngày mai, bà, tôi và em gái nó chết, nó sẽ nói: "Đội ơn Chúa", và cứ ăn cơm tối ngon miệng như thường; cho nên tôi không vạ gì mà lo lắng cho nó. Mặc xác nó lấy ai thì lấy; đó không phải là việc của tôi.
Trái lại, Amelia rất tán thành cuộc hôn nhân của anh trai, đúng như tính tình khôn ngoan của một thiếu nữ trẻ tuổi như cô ta. Có một hai lần Joe định nói một điều gì đó rất quan trọng với em gái, mà cô em cũng rất sẵn sàng lắng nghe ông anh thổ lộ nỗi lòng, song anh chàng béo ị lại không đủ can đảm ngỏ cái điều bí mật quan trọng ủ ấp sâu kín trong trái tim mình; anh ta chỉ thở dài thật to và quay đi làm cho cô em gái cũng đến phát chán.
Điều bí mật sâu kín ấy có tác dụng khiến cho tâm trí cô Amelia dịu dàng của chúng ta lúc nào cũng bồi hồi chờ đợi, cô không hề trao đổi với Rebecca về câu chuyện tế nhị này; nhưng bù lại cô đã thân mật kể đầu đuôi câu chuyện với bà quản gia Blenkinsop; bà này lại khéo léo buông vài lời bóng gió với chị hầu gái; rất có thể chị này đã hấp tấp mách lại với chị làm bếp; và chị làm bếp lại đem tin này phổ biến với những người bán thực phẩm cho gia đình. Cuối cùng việc hôn nhân của Joe trở thành câu chuyện người nào ở Công viên Rusell cũng biết cả.
Dĩ nhiên, bà Sedley cho rằng con trai bà đã hạ thấp phẩm giá mình vì muốn cưới con gái một nghệ sĩ làm vợ.
Song bà Blenkinsop nói:
- Lạy Chúa, bà ơi, xưa kia hồi bà mới làm bạn với ông Sedley, bà cũng chỉ bán thực phẩm, còn ông nhà ta thì làm thư ký cho một người buôn tín phiếu, vốn liếng làm gì được nổi năm trăm đồng. Thế mà bây giờ cũng mát mặt đáo để. Amelia hoàn toàn đồng ý; vì vậy bà Sedley vốn tính rộng lượng, dần dần cũng xiêu lòng.
Ông Sedley thì vẫn đứng trung lập, ông nói:
- Mặc kệ thằng Joe lấy ai thì lấy; đó không phải là việc của tôi. Con bé chẳng có đồng hồi môn nào; ngày xưa bà Sedley cũng thế. Nó có vẻ cũng vui tính và thông minh, có nhẽ cũng giữ gìn thằng Joe khỏi chơi bời được đấy. Vả lại lấy nó chả tốt hơn lấy một bà da đen để đẻ ra cho nhà này một tá cháu nội da màu "súc-cù-là" à?
Thế là mọi sự dường như đều mỉm cười với cái may mắn của Rebecca. Mỗi khi xuống nhà ăn cơm, cô lại khoác tay Joe đi, như là một điều dĩ nhiên; cô đã ngồi cạnh Joe trên chiếc xe riêng mui trần của anh ta (Joe thật là một con hươu đầu đàn lẫm liệt, vì anh ta ngồi rất bình thản trên xe tự điều khiển lấy đôi ngựa xám của mình). Tuy không ai nói một lời nào về cuộc hôn nhân này, song dường như ai cũng đã rõ chuyện. Rebecca chỉ thèm có một điều là Joe ngỏ ý với mình. Chao ôi! bây giờ cô ta mới cảm thấy mình thiếu một bà mẹ, một bà mẹ âu yếm dịu dàng, có thể giải quyết vấn đề chỉ trong mười phút đồng hồ, vì chỉ qua một câu chuyện riêng nho nhỏ, tế nhị, là có thể bắt anh con trai nhút nhát này bộc bạch tâm sự của mình.
Câu chuyện ở trong tình trạng như vậy đấy, khi chiếc xe chạy qua cầu Westminster.
Mọi người rời xe bước vào khu vườn của Hoàng gia vừa đúng lúc. Khi anh chàng Joe bệ vệ bước ra khỏi chiếc xe làm cho nó kêu cót két, đám đông đứng quanh reo cười ầm lên chào đón vị công tử béo phị; anh chàng đỏ mặt cắp tay Rebecca đi, trông dáng điệu càng thêm bệ vệ, hiên ngang.
Dĩ nhiên Amelia đã có George săn sóc. Trông cô hớn hở y như một cây hồng trong ánh nắng. George nói:
- Dobbin, tôi bảo này, anh trông hộ đám khăn san và đồ dùng nhé, thật may quá lại có anh.
Thế là trong khi George đi sóng đôi với Amelia, và Joe đang thót mình lại để chui qua cổng khu vườn có Rebecca cặp kè bên cạnh, thì anh chàng Dobbin thực thà đành vui lòng đưa tay nhận lấy đống khăn quàng và trả tiền vào cửa cho cả bọn.
Anh ta kín đáo đi sau lưng họ. Anh ta không muốn làm họ mất vui. Rebecca và Joe thì anh chẳng thiết để ý đến; nhưng anh cho rằng Amelia rất xứng đáng làm vợ anh chàng George Osborne hào hoa kia; cặp tình nhân đẹp đôi đạo bước bên nhau khiến cô thiếu nữ sung sướng và hơi bỡ ngỡ. Dobbin nhìn sự hào hứng hồn nhiên của Amelia với niềm hân hoan của một người cha. Có lẽ Dobbin cũng cảm thấy giá trên tay mình có cái gì khác ngoài mấy tấm khăn quàng thì vẫn hơn (người qua kẻ lại thấy chàng sĩ quan trẻ tuổi vụng về ôm một mớ khăn áo của đàn bà thì cứ cười) nhưng Wiliam Dobbin không hay tính toán vị kỷ; trong lúc bạn mình được sung sướng tại sao mình lại không hài lòng? Trong vườn có rất nhiều thú vui; nào là hàng vạn ngọn đèn thắp sáng trưng, nào là bọn nhạc công đội mũ vành tam giác chơi những bản nhạc mê hồn dưới mô hình một chiếc vỏ ốc mạ vàng treo giữa khu vườn, rồi bọn ca công hát những bài khôi hài và trữ tình nghe rất hấp dẫn, những điệu vũ dân gian do những người dân thành Luân Đôn vừa đàn ông vừa đàn bà trình bày... chỉ thấy nhảy, vỗ tay và cười ầm ĩ; có trống báo hiệu bà Saqui sắp sửa biểu diễn trò bám thang dây leo lên giời chơi với sao, lại có một vị ẩn sĩ lúc nào cũng ngồi tĩnh tọa trong một căn đạo am đèn thắp sáng trưng. Có bao nhiêu là lối đi tối om, rất thuận tiện cho những cặp tình nhân trẻ tuổi tâm sự cùng nhau; một bọn người mặc chế phục cũ kỹ, tồi tàn, bán những ca rượu mạnh, và trong những quán ăn lấp lánh ánh đèn, bọn thực khách sung sướng ngốn những mảnh dăm-bông mỏng dính... tất cả những thú vui ấy, cả anh chàng Simpson nữa, anh chàng ngớ ngẩn tốt bụng lúc nào cũng mỉm cười, và có thể nói là đang chủ tọa cả cuộc dạ hội... tất cả, đại úy Dobbin đều không buồn chú ý lấy may may.
Anh ta mang chiếc khăn quàng Casơmia trắng của Amelia trên tay đi loanh quanh, rồi đứng dưới chiếc mô hình vỏ ốc mạ vàng xem bà Salmon trình bày bài "Chiến tranh" của Borodino, một bản sử thi phổ nhạc giễu cợt con người hãnh tiến đảo Corse mới đây vừa bị đại bại ở Nga...
Lúc quay đi chỗ khác bỗng anh ta thử lẩm nhẩm hát...và thấy mình nhắc lại điệu hát của Amelia lúc cô bước xuống thang gác đi vào phòng ăn. Dobbin phá ra cười chế nhạo chính mình, vì sự thực anh ta hát cũng không hay hơn một con cú rúc.
Lẽ dĩ nhiên, ta phải hiểu rằng những con người trẻ tuổi của chúng ta đang sánh đôi từng cặp, từng cặp một, và đang long trọng hứa hẹn với nhau suốt tối nay sẽ không rời nhau, để mười phút sau đã chia tay nhau rồi. Người đi chơi ở Vauxhall vẫn thường chia tay nhau, nhưng họ sẽ gặp nhau lại lúc bữa ăn nửa đêm để kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra từ lúc họ chia tay.
Đã có những chuyện gì xảy ra về Osborne và Amelia?
Đó là một điều bí mật. Nhưng xin bạn hãy yên trí rằng họ rất sung sướng và đối với nhau rất đứng đắn. Vì đã mười lăm năm nay, họ vẫn có thói quen đi chơi đông với nhau, nên cũng không ai cho đấy là chuyện mới lạ.
Song khi Rebecca Sharp và người bạn trai béo phị của cô đi mất hút vào trong một lối đi tối om - chỉ có độ mươi cặp khác cũng lạc lối đi vào đấy - thì cả hai cùng thấy rằng trường hợp của họ rất là tế nhị và "gay go". Riêng cô Sharp nghĩ thầm, bây giờ hoặc là không bao giờ nữa chính là lúc phải khêu gợi cho những lời ngỏ tình còn đang mấp máy trên đôi môi nhút nhát của anh chàng Sedley kia phải bật ra.
Lúc nãy, hai người vừa đứng xem một toàn cảnh của thành phố Mạc-tư-khoa; có một anh chàng thô kệch bỗng giẫm phải chân cô Sharp, khiến cô này kêu thét lên, lùi lại, ngã ngay vào cánh tay Sedley; sự việc vừa rồi càng khiến cho anh chàng thêm dịu dàng thân mật, đến mức độ anh ta lại kể thêm ít nhất là lần thứ sáu rất nhiều chuyện Ấn Độ sở trường của anh. Rebecca nói:
- Em thèm được sang Ấn Độ quá?
- Cô thích thật không?
Sedley hỏi lại, giọng nói vô cùng dịu đàng, tình tứ, và chắc chắn sắp sửa nối theo câu hỏi khéo léo ấy bằng một câu hỏi khác êm ái hơn nhiều (vì anh ta lúc này đang thở phì phò như kéo bễ, và bàn tay cô Rebecca đặt gần mé ngực anh ta có thể đếm từng nhịp đập dồn dập của trái tim cu cậu), thì ôi, tai hại làm sao! Có tiếng chuông réo lên báo hiệu sắp bắn pháo hoa; thế là xung quanh người ta chen lấn nhau chạy ào ào: đôi tình nhân đành phải buông mình trôi theo dòng người cuồn cuộn.
Đại úy Dobbin dự định đến bữa ăn đêm sẽ lại tìm bọn họ; quả thật anh ta thấy những trò chơi ở Vauxhall chẳng thú vị gì mấy...Anh ta đã nện bước qua lại tới hai lần trước ngôi quán có hai cặp tình nhân trong đó, nhưng chẳng ai để ý đến anh ta. Trên bàn bày bát đĩa cho bốn người ăn.
Hai cặp tình nhân huyên thuyên trò chuyện những đâu đâu, trông thật là hạnh phúc; Dobbin hiểu rằng mình đã hoàn toàn bị bỏ quên như chưa hề bao giờ có mặt trên đời này.
Viên đại úy nhìn bốn người, vẻ hơi đăm chiêu, nói:
- Mình có ngồi đây cũng rất thừa (<53>). Tốt hơn là đi ra nói chuyện với lão ẩn sĩ.
Anh chàng bèn rời xa cái đám ồn ào những tiếng người, tiếng động, tiếng thìa ra lách cách của bữa tiệc, lang thang đi vào một con đường tối om; đầu đường là chỗ ở của Chàng Cô đơn (<54>) quen thuộc bằng giấy bồi. Dobbin cũng không lấy gì làm vui lắm; mà thực thế, tôi đã biết, nhờ những kinh nghiệm bản thân, rằng trơ trọi một mình ở Vauxhall là một trò chơi tai hại nhất đối với một anh con trai chưa vợ.
Hai cặp tình nhân ngồi trong căn lều, hoàn toàn hạnh phúc họ chuyện trò với nhau sao mà thân mật và sung sướng thế. Joe đang lúc hăng say, hiên ngang dõng dạc ra lệnh cho bọn hầu bàn. Anh trộn rau xà-lách, mở sâm-banh, cắt thịt gà, và uống, và ăn phần lớn thức ăn trên bàn. Cuối cùng anh ta nhất định đòi bằng được một tô rượu mạnh. Ở Vauxhall ai mà không uống rượu mạnh: "Bồi, rượu mạnh đây!" Tô rượu mạnh này là nguồn gốc của tất cả câu chuyện này; mà tại sao nguyên nhân lại không phải là một tô rượu mạnh; nó cũng như bất cứ một cái gì khác chứ sao?
Xưa kia, chỉ vì một cốc thanh toan (<55>) mà nàng Rosamond kiều diễm kia phải đi vào nhà tu kín đấy thôi. Lại cũng vì một tô rượu vang mà Alexander đại đế đã phải chết, hoặc ít nhất cũng là theo lời ông Lempriere kể lại. Vậy thì chính cái tô rượu ấy đã ảnh hưởng đến vận mệnh của mọi nhân vật trong câu chuyện không có nhân vật này. Dẫu rằng hầu hết bọn họ không nếm một giọt rượu nào, tô rượu cũng vẫn ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Hai cô thiếu nữ không uống rượu: Osborne cũng không thích nốt. Cuối cùng Joe anh chàng béo tham ăn, đã một mình tu sạch cả tô rượu; kết quả của việc nốc cả tô rượu mạnh là mới đầu anh ta vui vẻ một cách kỳ lạ, rồi sau sự vui vẻ ấy hầu như biến thành khó chịu. Bởi lẽ anh ta nói chuyện và cười đùa cứ bô bô lên, làm cho đến hàng tá người tò mò tụ tập xung quanh căn lều nghe; mấy người bạn cùng ngồi ngượng hết sức. Anh ta còn tình nguyện hát một bài (với cái giọng cao mà lè nhè đặc biệt của những ông say mềm), thế là có nhẽ hầu hết đám khán giả tụ tập quanh cái mô hình vỏ ốc mạ vàng đổ xô lại xem; họ vỗ tay rào rào tán thưởng. Một người nói: "Hoan hô anh béo!" Người khác: "Hát lại đi, Daniel Lambert!" Một người thứ ba kêu lên: "Trông chẳng khác gì hề leo dây" làm cho mấy cô thiếu nữ hoảng quá; Osborne tức lắm. Anh ta hét to:
- Anh Joe ta đứng dậy đi về thôi, tôi xin anh đấy.
Hai cô thiếu nữ đứng ngay lên.
- Khoan đã, này cô em be bé xinh xinh của tôi ơi!
Joe hò lên vậy và bạo dạn như một con sư tử ôm ghì ngang lưng Rebecca. Rebecca hoảng quá nhưng không sao gỡ ra được. Thiên hạ thấy thế càng cười tợn. Joe cứ tiếp tục nốc rượu và tán tỉnh, và hát. Rồi anh ta lại nháy mắt và mềm mại giơ cốc rượu vẫy chào mọi người đứng xem, thách thức tất cả mọi người hoặc bất cứ ai dám vào uống rượu thi với mình.
Osborne suýt nữa thì đấm ngã quay một anh chàng đi ủng định xông vào lợi dụng bữa rượu và hình như không sao tránh khỏi chuyện rắc rối. May quá, vừa lúc ấy Dobbin vẫn đi chơi loanh quanh trong vườn, bước vào trong quán ăn.
- Đi chỗ khác con khỉ.
Vừa nói Dobbin vừa huých bật một số đông người đứng xem ra ngoài; thấy cái mũ vành tam giác và điệu bộ hung hãn của Dobbin, họ sợ quá chạy mất, còn anh ta bước vào trong quán, có vẻ bị xúc động tợn.
- Trời ơi? Dobbin. Thế lúc nãy anh ở đâu?
Osborne vừa hỏi, vừa giằng lấy chiếc khăn quàng Casơmia trắng trong tay bạn trùm kín lấy Amelia.
- Anh ở đây liệu thu xếp và coi sóc anh Joe hộ nhé. Để tôi đưa hai cô ra xe.
Joe định đứng lên can thiệp, nhưng Osborne chỉ mới đưa một ngón tay ra gạt, anh ta đã ngã phịch xuống ghế, viên trung úy đưa hai cô thiếu nữ ra xe một cách an toàn. Thấy họ đi, Joe còn giơ tay hôn gửi theo, và nấc lên: "Cầu Chúa cho các bạn! Cầu Chúa cho các bạn?". Đoạn Joe cầm tay đại úy Dobbin, khóc một cách rất đáng thương; anh chàng thú thực mối tình của mình với bạn: anh ta thờ phụng cô thiếu nữ vừa đi khỏi, anh ta hiểu rằng cử chỉ lỗ mãng vừa qua của mình đã làm cho cô thiếu nữ đau khổ vô cùng; anh ta muốn ngay hôm sau làm lễ cưới Rebecca ở nhà thờ Saint George, tại công viên Hanover; anh ta sẵn sàng đập cửa đánh thức cả đức giám mục Canterbury ở Lambeth; thề có trời đất, anh ta sẽ buộc đức giám mục phải tổ chức lễ cưới ngay lập tức. Đại úy Dobbin bèn lựa ý bạn, khôn khéo khuyên nên rời khỏi khu vườn hội, mau mau đến Lambeth kéo muộn. Lúc đã qua cổng, Dobbin dìu Joe Sedley lên xe rất dễ dàng, rồi đưa anh ta về nhà không xảy ra chuyện gì cả.
George Osborne cũng đã đưa hai cô thiếu nữ về nhà vô sự; lúc cửa đã đóng, đi ngang qua công viên Russell anh ta cười rũ rượi làm cho người gác lấy làm lạ quá. Amelia buồn bã nhìn cô bạn gái; cô dẫn bạn lên gác, hôn bạn và đi ngủ không nói thêm chuyện gì khác.
Rebecca thầm nghĩ: "Ngày mai chắc anh chàng phải tỏ tình. Anh chàng gọi mình là em thân yêu đến bốn lần tất cả; anh chàng còn nắm chặt tay mình trước mặt Amelia. Mai, hẳn anh chàng phải tỏ tình". Cả Amelia cũng yên trí như thế. Tôi còn dám tin rằng cô nghĩ cả đến bộ áo phù dâu sẽ mặc, nghĩ đến những món quà cưới sẽ mừng người chị dâu xinh xắn bé nhỏ của mình, nghĩ cả đến buổi hôn lễ tiếp theo, trong đó có thể là chính cô sẽ đóng một vai chủ yếu vân vân và vân vân...
Ôi, người đời mới dại dột làm sao? Các người thật chưa hiểu hết cái tai hại của một tô rượu mạnh! Uống rượu mạnh, sáng hôm sau nhức đầu như búa bổ. Về cái chân lý này, tôi có thể lấy tư cách là đàn ông mà cam đoan như vậy; trên đời này không có một bệnh nhức đầu nào như nhức đầu vì rượu mạnh ở Vauxhall. Đã hai mươi năm nay, mà tôi còn nhớ rõ hiệu quả của hai cốc rượu... hai cốc rượu vang... chỉ có hai thôi, xin lấy danh dự mà thề như vậy; thế mà Joseph Sedley đang bị đau gan, lại đã nốc ít nhất là một phần tư lít cái thứ nước khủng khiếp ấy.
Sớm hôm sau, trong khi Rebecca chắc mẩm bình minh của hạnh phúc đang rạng rỡ đón chào mình, thì Sedley cũng đang rên rỉ vì đau đớn đến nỗi không bút nào tả xiết. Không may, hồi ấy người ta chưa chế ra nước xô-đa. Các vị thực khách nào trót quá chén đêm hôm trước, chỉ có mỗi một thứ bia để uống cho giã rượu. George Osborne thấy ngài cựu ủy viên tài phán quận Boggley Wollah đang rền rĩ trên chiếc ghế xô-fa, trước mặt có chai bia. Dobbin đã có mặt trong phòng; suốt đêm hôm trước, anh ta đã tận tình săn sóc ông bạn nạn nhân của đêm vừa qua. Hai viên sĩ quan nhìn xuống vị lưu linh ngồi rũ rượi; đưa mắt nháy nhau, cùng mỉm một nụ cười thương hại đáng sợ. Cả bác hầu riêng của Sedley là người xưa nay rất đứng đắn, lúc nào cũng lặng lẽ, trông quan trọng như một ông chủ đòn đám ma, mà nhìn ông chủ bất hạnh của mình suýt nữa cũng không giữ được bản tính thường ngày.
Lúc Osborne trèo lên thang, bác ta thì thầm riêng với khách:
- Ngài ạ, đêm qua ông Sedley thật điên dại khác thường, ông tôi định đánh bác xà ích giong chiếc xe ngựa thuê. Ông đại úy phải dìu ông tôi lên thang gác như bế đứa trẻ con ấy.
Bác Brush vừa nói, vừa thoáng mỉm cười; nhưng lập tức bác ta vội lấy lại vẻ mặt nghiêm trang, lặng lẽ, bí ẩn thường ngày, khi bác mở cửa phòng khách và báo: "Ngài Hosbin".
Sau khi đã liếc nhìn nạn nhân của mình, anh chàng trẻ tuổi vui tính này hỏi:
- Thế nào, Sedley, làm sao thế? Không gẫy cái xương nào chứ? Dưới nhà có một tên xà ích, một bên mắt tím bầm, đầu quấn băng chằng chịt, đang thề sống thề chết rằng thế nào cũng kiện anh tại tòa.
Sedley yếu ớt hỏi:
- Anh nói cái gì?...Ai kiện ?
- Vì đêm qua anh choảng nó một trận - đúng không, Dobbin? Gớm, ông đánh ghê thế, chẳng kém gì Molyneux. Bác gác cổng kể lại rằng chưa bao giờ thấy ai bị đánh ngã chết giấc như vậy. Hỏi Dobbin mà xem.
Đại úy Dobbin cũng nói :
- Quả thật, anh có đánh nhau với tên xà ích, và anh đánh cũng hăng lắm.
Cả cái anh chàng mặc áo trắng ở Vauxhall nữa; Joe đấm nó khiếp quá! Các cô ấy kêu ầm cả lên? Lạy Chúa, trông thấy anh tôi vui quá; tôi cứ nghĩ bọn "dân thường" các anh nhút nhát, nhưng Joe ạ, tôi chịu không bao giờ dám dây với anh lúc say rượu đấy.
- Tôi mà đã cáu lên thì tôi cũng khiếp lắm, tôi biết thế.
Vẫn ngồi trên ghế xô-fa, Joe vừa đáp vừa nhăn mặt trông thảm quá mà lại tức cười, làm cho viên đại úy không thể giữ lịch sự được nữa; anh ta và Osborne cùng phá ra cười như nắc nẻ.
Thấy vui, Osborne tàn nhẫn trêu thêm. Anh ta vẫn cho Joe là người đần độn. Chợt nhớ đến câu chuyện tình duyên giữa Joe và Rebecca, anh ta cũng không lấy gì làm thích lắm, vì chẳng lẽ người anh vợ tương lai của George Osborne, thuộc trung đoàn thứ...lại hạ mình xuống lấy vơ váo một đứa con gái chẳng ra thế nào...một cô giáo dạy trẻ cà mèng sao? Osborne nói:
- Ông mà đánh trúng hả, ông bạn đáng thương của tôi? Ông mà cũng khiếp lắm à? Ông có đứng được vững đâu. Đêm qua ông làm cho tất cả thiên hạ cười vỡ bụng ở công viên, mà chính ông thì khóc...ông cứ bè nhè, bè nhè...có nhớ hôm qua hát bài gì không?
- Bài gì cơ? Joe hỏi.
- Một bài hát trữ tình, rồi gọi cô Rosa, Rebecca...tên cô ta là gì nhỉ, cái cô bạn gái của Amelia ấy mà, cái "cô em bé bé xinh xinh" của anh ấy mà.
Và anh chàng tàn nhẫn nắm lấy tay Dobbin, diễn lại tấn trò đêm trước; diễn viên chính ngồi đấy hoảng quá; Dobbin thương tình xin George tha cho cô, anh ta cũng mặc.
Lúc hai người ra về để cho bác sĩ Gollop săn sóc người ốm, Dobbin trách bạn; Osborne đáp:
- Tại sao tôi lại phải tha cho anh ta? Anh ta có quyền hành quái quỉ gì mà dám lên mặt chủ nhân và làm trò cho thiên hạ cười cả chúng mình ở Vauxhall? Cái cô học trò bé con đang liếc tình và "chài" anh ta là ai vậy? Thôi đi, không có cô ta, gia đình này cũng đã đủ hèn hạ lắm rồi: Kể ra một cô dạy trẻ cũng tạm được; nhưng tôi muốn chị dâu tôi là một vị phu nhân thì vẫn hơn. Tính tôi khoáng đạt, nhưng tôi cũng có cái kiêu hãnh chính đáng của tôi chứ; tôi hiểu địa vị của tôi, vậy cô ta cũng nên biết địa vị của cô ta. Tôi sẽ làm nhục cái ông béo ị đần độn ấy cho mà xem; tôi sẽ khiến anh ta không còn dám dở trò ngu ngốc quá đáng ra nữa, cho nên tôi mới bảo anh ta nên dè chừng, vì tôi sợ cô ta sẽ tấn công anh chàng trước.
Dobbin bán tín bán nghi, song cũng đáp:
- Cho rằng anh biết nhiều đi. Xưa nay anh vẫn đứng về phái Tory (<56>), và gia đình anh là một gia đình lâu đời nhất ở Anh, song...
- Anh cứ theo tôi đến thăm các cô ấy, và cứ việc đích thân tán tỉnh cô Sharp xem.
Viên trung úy ngắt lời bạn, song Dobbin từ chối không đi cùng Osborne, khi hàng ngày anh này đến Russell thăm hai cô thiếu nữ.
Lúc George từ phố Holborn đi xuống phố Southampton, anh ta bật cười, vì nhìn vào nhà ông Sedley, thấy ở hai tầng khác nhau, có hai cái đầu cùng ngó ra. Thì ra cô Amelia ngồi trên bao lơn phòng khám đang băn khoăn ngóng về phía bên kia công viên, chỗ Osborne ở, để tìm bóng viên trung úy; còn cô Rebecca ngồi trong căn phòng nhỏ của mình ở tầng trên cũng đang nóng ruột chờ cái thân hình to béo của Joseph lù lù hiện ra.
Osborne bảo Amelia:
- Chị An đang ngồi trên chòi cao, nhưng chẳng có ai đi tới cả.(<57>)
Anh ta cười, lấy làm thú vị vì câu nói đùa của mình, rồi tả lại bằng những lời lẽ hài hước nhất tình trạng đáng thương của anh trai cô Amelia.
Cô thiếu nữ đáp, vẻ mặt hết sức buồn bã:
- George ạ, em thấy anh cười như vậy thật tàn ác quá.
Nhưng thấy cô thiếu nữ rầu rĩ âu sầu, George càng buồn cười khỏe, cứ yên trí rằng trò đùa của mình là lý thú.
Lúc cô Sharp xuống nhà, anh ta liến thoắng giễu cợt cô này về chuyện sắc đẹp của cô khiến anh chàng béo ị chết mê chết mệt.
- Chao ôi, cô Sharp ạ. Giá cô nhìn thấy anh ấy sớm hôm nay...đang rên rỉ trong bộ áo ngủ hoa sặc sỡ...lăn lộn trên chiếc ghế xô-fa, giá cô trông thấy anh ấy thè lưỡi ra cho ông thầy thuốc Gollop coi bệnh...
Cô Sharp hỏi:
- Thấy ai cơ?
- Ai? Còn ai nữa? Chẳng phải Dobbin thì là ai. Đêm qua, chúng ta đã quan tâm đến anh ấy nhiều quá đấy.
Emmy đỏ bừng mặt lên đáp:
- Hôm qua, chúng mình xử tệ với anh ấy quá thật.
- Em... em quên bẵng mất anh ấy đấy. Osborne vẫn còn cười tiếp:
- Em quên là dĩ nhiên. Ai mà nhớ luôn luôn đến Dobbin được: Amelia, em biết đấy. Có ai nhớ được không, cô Sharp?
Cô Sharp lắc đầu kiêu hãnh đáp:
- Trừ lúc anh ấy đánh đổ cốc rượu vang trong bữa ăn, tôi chưa hề chú ý đến sự có mặt của đại úy Dobbin lấy một phút.
Osborne đáp:
- Tốt lắm, cô Sharp ạ. Tôi sẽ bảo với anh ấy thế.
Nghe anh này nói, cô Sharp tự nhiên bắt đầu cảm thấy thù ghét anh chàng sĩ quan trẻ tuổi; thực ra anh ta cũng hoàn toàn vô tình không có ý định gây ra sự thù ghét ấy. Rebecca nghĩ thầm: "Có lẽ hắn đang giễu cợt mình đây; chắc lúc nãy hắn nói về chuyện mình với Joseph. Không biết có phải hắn đã làm cho anh chàng sợ không. Có lẽ anh chàng không dám đến rồi". Mắt cô bỗng mờ đi và tim cô sao mà đập nhanh quá sức. Rebecca cố mỉm cười một cách ngây thơ nhất đời, nói:
- Anh chỉ được cái bộ hay nói đùa thôi, anh George ạ. Mời anh cứ nói trêu đi. Tôi chẳng có ai bênh vực đâu.
Đoạn cô lảng đi chỗ khác. Amelia nhìn George Osborne có ý trách móc; anh này cảm thấy hơi hối hận vì đã đối xử tàn nhẫn một cách không cần thiết với người con gái trơ trọi kia; anh ta đáp:
- Amelia thân yêu ơi, em tốt bụng quá. Em không hiểu lòng dạ người đời. Anh thì anh hiểu. Còn cô Sharp, cô bạn nhỏ của em, cô ta cần biết phận mình mới được.
- Anh cho rằng anh Joe sẽ...
- Anh thề rằng anh không biết gì, em yêu ạ. Anh ấy có thể lấy, hoặc cũng có thể không. Anh có phải là ông chủ của anh ấy đâu. Chỉ biết rằng anh ấy là một người ngớ ngẩn, phù phiếm, và đêm qua đã đặt cô em yêu quý bé bỏng của anh vào trong một hoàn cảnh khó xử và đáng giận. "Cô em be bé xinh xinh" yêu quý nhất đời của anh ạ.
Lúc George ra về, anh ta vẫn chưa hết cười, điệu bộ trông đến khôi hài, làm cho Emmy cũng phải cười theo.
Suốt ngày hôm ấy Joe không tới. Nhưng Amelia không ngại về chuyện ấy; cô thiếu nữ đã khôn khéo phái ngay thằng nhỏ phụ việc bác Sambo đến nhà Joseph để lấy mấy cuốn sách anh trai đã hứa cho mượn, nhân tiện hỏi thăm sức khỏe của ông anh. Bác Brush, người hầu của Joe ra trả lời rằng chủ bác ốm, vừa có bác sĩ lại thăm bệnh xong.
Amelia nghĩ hôm sau thế nào anh chàng cũng lại, nhưng không có can đảm nói một lời nào về chuyện này với Rebecca, mà suốt buổi tối hôm ấy, sau cái đêm ở Vauxhall, chính Rebecca cũng không hề đả động đến chuyện này.
Hôm sau nữa, lúc hai chị em đang ngồi trên ghế xô-fa định bụng làm một việc gì, viết thư hoặc đọc sách chẳng hạn, thì thấy Sambo bước vào phòng; bác vẫn cười cười như mọi khi, nách cắp một gói gì, còn tay cầm một chiếc khay trên có đặt một phong thư. Sambo nói:
- Thưa cô, có thư của ông Joe .
Amelia bóc lá thư mà run quá. Thư viết thế này:
Em Amelia nhân yêu, Anh gửi cho em cuốn "Đứa bé mồ côi trong rừng". Hôm qua anh mệt quá, không lại được. Hôm nay, anh đi Cheltenham. Nên tiện, em xin lỗi cô Sharp đáng mến hộ anh về cử chỉ của anh ở Vauxhall; em xin cô ấy tha lỗi cho anh, và vui lòng quên tất cả mọi lời anh nói trong lúc bị kích thích bởi bữa rượu tai hại ấy. Sức khỏe của anh bị ảnh hưởng ghê gớm quá; khi nào bình phục, anh sẽ lập tức đi chơi Scotland độ vài tháng.
Anh thân mến của em.
Joe Sedley
Đây là lời tuyên án tử hình. Thế là hết. Amelia không dám nhìn thẳng vào Rebecca; cô này đang tái mặt đi, mắt mở to chờ đợi. Amelia chỉ bỏ lá thư vào lòng bạn, rồi đứng dậy lên gác về phòng riêng nằm khóc tấm tức.
Bà quản gia Blenkinsop tìm đến an ủi; Amelia gục đầu vào vai bà thút thít khóc và cũng cảm thấy dễ chịu hẳn đi.
- Đừng buồn, cô ạ. Trước tôi không muốn nói chuyện ấy với cô, nhưng trong nhà ta không một ai ưa cô ấy, trừ lúc cô ấy mới đến thì không kể. Chính mắt tôi trông thấy cô ấy đọc trộm những thư riêng của bà. Pinner nói rằng lúc nào cũng thấy cô ấy lúi húi bên cạnh những hộp đựng đồ vặt và những ngăn kéo của cô; cô ấy lục ngăn kéo của tất cả mọi người; chị Pinner cam đoan rằng cô ấy đã lấy cuộn ru băng trắng của cô bỏ vào hộp riêng của mình.
Amelia nói:
- Tôi cho cô ấy đấy, tôi cho đấy.
Nhưng bà Blenkinsop vẫn chưa hết nghi ngờ cô Sharp. Bà ta bảo chị hầu gái:
- Chị Pinner ạ, tôi không ưa mấy cô giáo dạy trẻ lắm đâu. Họ hay lên mặt, làm điệu làm bộ như các bà hoàng ấy, mà tiền lương của họ thì nào có hơn gì tôi và chị.
Bây giờ trong nhà ai ai cũng thấy rõ thế nào Rebecca cũng phải ra đi, trừ cô Amelia tội nghiệp. Từ trên đến dưới (vẫn trừ một người), ai cũng đồng ý rằng cô ta càng đi sớm càng hay. Amelia vội lục lọi mọi ngăn kéo, ngăn tủ, túi và cái hộp đồ vặt... soát lại hết các bộ áo, khăn san, giẻ vụn, cuộn chỉ, dây đăng-ten, bí tất lụa v.v... lựa thứ này, chọn thứ khác, xếp thành một đống nhỏ để tặng Rebecca. Ông Sedley, trước đã hứa cho con gái một số ghi-nê bằng số tuổi của cô.. . Amelia bèn đến xin cha; ông nhà buôn người Anh rộng lượng ấy, cho Rebecca số tiền đó vì cô chắc bạn mình đang túng, trong khi mình chẳng thiếu một thứ gì.
Cô lại bảo George Osborne góp thêm vào một món quà; anh chàng trẻ tuổi vốn là tay hào phóng như bất cứ chàng trẻ tuổi nào trong quân đội, rất sẵn sàng đi ngay đến phố Bond, mua một chiếc mũ và một tấm áo da ngắn đẹp nhất mà có tiền là có thể mua được. Amelia rất hãnh diện khi ôm chiếc hộp đựng mũ áo đến tặng Rebecca; cô nói:
- Chị Rebecca thân mến ơi, đây là quà của anh George tặng chị đây. Anh ấy chọn hàng khéo quá! Chẳng ai chọn khéo được như anh ấy.
Rebecca đáp:
- Chẳng có ai thật. Em mang ơn anh ấy quá. Nhưng cô thầm nghĩ: "Đúng là George Osborne đã ngăn trở cuộc tình duyên của mình". Mà chính cô ta yêu George Osborne cũng vì thế.
Rebecca sửa soạn ra đi với thái độ rất bình tĩnh; cô nhận tất cả mọi vật Amelia tặng mình, sau khi cũng đã ngần ngại và miễn cưỡng một cách vừa đủ. Cô nói rằng mình biết ơn bà Sedley suốt đời, song cũng không đến làm phiền bà cụ nhiều quá, vì bà cụ ở vào hoàn cảnh khó xử, rõ ràng có ý tránh mặt không muốn gặp cô. Lúc ông Sedley đưa biếu túi tiền, Rebecca hôn tay ông cụ, xin phép được coi cụ là người bạn, người cha đỡ đầu thân thiết nhất của cô trong tương lai. Cô cư xử coi cảm động quá, làm cho ông cụ suýt nữa thì viết tặng thêm cô một tờ ngân phiếu hai chục đồng. Nhưng ông lão lại kịp kìm giữ tình cảm của mình lại. Xe ngựa đã chờ sẵn để đưa ông đi dùng bữa; ông hối hả đi còn dặn Rebecca rằng: "Con yêu mến ơi, cầu Chúa ban phúc lành cho con; khi nào có việc ra tỉnh, con nhớ lại chơi nhé. Giong xe đến tòa Quốc hội, James!".
Cuối cùng là cuộc chia tay giữa Rebecca và Amelia; tôi muốn che một tấm màn lên trên cảnh tượng này. Nhưng sau cái màn kịch mà một người thì vô tình, còn một người thì đóng trò tuyệt khéo...sau khi những sự vuốt ve, những dòng nước mắt thảm thiết, cả ống thuốc giải cảm và những tình cảm thiêng liêng nhất đã được đem ra sử dụng...
Amelia chia tay cùng Rebecca; cô này luôn miệng thề sẽ yêu quý bạn mình mãi mãi...mãi mãi và mãi mãi.
- Tập 1 - Chương mở đầu - Mấy lời giáo đầu
- Chương 1 - Chiswick mall
- Chương 2 - Sharp và Amelia chuẩn bị mở cuộc tấn công
- Chương 3 - Rebecca trước kẻ địch
- Chương 4 - Cái túi lụa xanh
- Chương 5 - Dobbin của chúng ta
- Chương 6 - Vauxhall
- Chương 7 - Crawley ở trại Crawley bà chúa
- Chương 8 - Riêng và kín
- Chương 9 - Những nhân vật trong gia đình
- Chương 10 - Cô Sharp bắt đầu kết bạn
- Chương 11 - Một chương khá là trữ tình
- Chương 12 - Một chương thật là trữ tình
- Chương 13 - Trữ tình và những thứ khác nữa
- Chương 14 - Bà Crawley tại nhà riêng
- Chương 15 - Chồng cô Rebecca xuất hiện trong chốc lát
- Chương 16 - Bức thư trên chiếc gối may
- Chương 17 - Đại úy Dobbin sắm dương cầm
- Chương 18 - Ai chơi chiếc dương cầm Dobbin mua?
- Chương 19 - Bà Crawley dưỡng bệnh
- Chương 20 - Đại úy Dobbin đóng vai sứ giả của ông tơ hồng
- Chương 21 - Cãi nhau vì một cô gái triệu phú
- Chương 22 - Lễ cưới và tuần trăng mật
- Chương 23 - Đại úy Dobbin tiếp tục vận động
- Chương 24 - Ông Osborne xóa tên con trong quyển thánh kinh
- Chương 25 - Các nhân vật chính trong truyện thấy cần từ giã Brighton
- Chương 26 - Giữa Luânđôn và Chatham
- Chương 27 - Amelia đi theo trung đoàn của chồng
- Chương 28 - Amelia sang Bỉ
- Chương 29 - Brussels
- Chương 30 - Thiếp bên song cửa, chàng ngoài chân mây
- Chương 31 - Joe Sedley trông nom em gái
- Chương 32 - Joe đi trốn và chiến tranh kết thúc
- Chương 33 - Học hàng Crawley lo lắng về bà
- Chương 34 - Cái tẩu của James Crawley bị quẳng đi
- Tập 2 - Chương 35 - Mẹ góa con côi
- Chương 36 - Làm thế nào sống đàng hoàng không một đồng lợi tức
- Chương 37 - Câu chuyện tiếp tục
- Chương 38 - Một gia đình lâm vào cảnh khó khăn
- Chương 39 - Một chương toàn chuyện tồi tệ
- Chương 41 - Becky về thăm nhà chồng
- Chương 42 - Những việc xảy ra trong gia đình Osborne
- Chương 43 - Bạn đọc cần đi vòng qua đảo Vọng Giác
- Chương 44 - Từ Luân Đôn đến Hampshire
- Chương 45 - Giữa Hampshire và Luân Đôn
- Chương 46 - Vật lộn và thử thách
- Chương 47 - Lâu đài Gaunt
- Chương 48 - Mời bạn đọc bước chân và giới thượng lưu
- Chương 49 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng
- Chương 50 - Bữa ăn ba món và một món tráng miệng 2
- Chương 51 - Màn kịch đố chữ
- Chương 52 - Bây giờ mới rõ mặt đại nhân
- Chương 53 - Giải thoát và tai họa
- Chương 54 - Ngày chủ nhật sau cuộc xô xát
- Chương 55 - Vẫn câu chuyện cũ
- Chương 56 - Về câu chuyện cũ
- Chương 57 - Từ Đông phương trở về
- Chương 58 - Anh bạn thiếu tá của chúng ta
- Chương 59 - Chiếc dương cầm ngày xưa
- Chương 60 - Trở lại xã hội thương lưu
- Chương 61 - Tắt đi hai ngọn đèn
- Chương 62 - Trên bờ sông Rhein
- Chương 63 - Chúng ta gặp lại một người bạn cũ
- Chương 64 - Một chương lông bông
- Chương 65 - Lạc thú và việc làm ăn
- Chương 66 - Chuyện xích mích của những kẻ yêu nhau