Gửi bài:

Chương 27 - Trong khu vườn (Hết)

Kể từ khi thế giới thành hình, cứ mỗi thế kỷ trôi qua đều có biết bao điều kỳ diệu được khám phá. Vào thế kỷ sau cùng này, người ta lại càng biết được nhiều điều hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đây và hàng trăm điều đáng kinh ngạc hơn còn đang đợi ngày ra mắt.

Thoạt đầu, con người luôn từ chối tin tưởng rằng một điều mới lạ nào đó có thể được thực hiện, rồi họ bắt đầu hy vọng nó không thể thực hiện, rồi họ nhận thấy rằng nó có thể thực hiện được – cuối cùng, người ta thực hiện điều đó thành công và toàn thể nhân loại đều tự hỏi tại sao việc này lại không diễn ra từ các thế kỷ trước. Một trong những sự kiện mới mẻ mà con người bắt đầu khám phá ra trong thế kỷ vừa qua là ý nghĩ – chỉ đơn thuần là những ý nghĩ – cũng mang một sức mạnh chẳng kém gì điện năng, và nếu tốt thì như thể ánh sáng mặt trời, còn nếu xấu thì chẳng khác nào thuốc độc. Để mặc cho một ý nghĩ xấu xa tồi tệ len lỏi vào tâm trí ta thì cũng nguy hại chẳng kém việc để cho mầm bệnh phát ban đỏ lột vào trong cơ thể ta vậy. Sau khi đã xâm nhập rồi, nếu cứ mặc cho chúng hoành hành thì có lẽ chẳng bao giờ ta rũ bỏ nổi chúng trong suốt cuộc đời mình.

Chừng nào đầu óc con bé Mary còn đầy ắp những ý nghĩ bất mãn về những khó chịu của bản thân, cùng nhận nhận xét chua chát về người khác, lại nhất quyết không chịu quan tâm hay hài lòng với bất cứ điều gì, thì nó vẫn còn là một đứa trẻ mặt mũi vàng ệch, ốm o, chán chường, thảm hại. Nhưng rồi những hòan cảnh sống, dù nói gì đi chăng nữa, đã mang lại những điều hết sức tốt đẹp cho nó, dù nó không hề nhận ra. Chúng bắt đầu thúc đẩy con bé theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Kể từ lúc tâm trí nó dần tràn ngập những hình ảnh của chim ức đỏ, của nếp nhà gianh giữa miền đồng hoang với bầy trẻ đông đúc, rồi ông lão làm vườn quàu quạu và kỳ quặc nọ, hay chị hầu gái nhỏ bỗ bã vùng Yorkshire, cũng như mùa xuân với khu vườn bí mật đang hồi sinh từng ngày từng giờ, và cả cậu bé miền đồng hoang cùng bầy thú của nó nữa, quả là không còn chỗ nào cho những ý nghĩ khó chịu đã từng ảnh hưởng tới lá gan và cỗ máy tiêu hóa, khiến nó sinh ra vàng vọt và mệt mỏi như vậy.

Cũng như bao năm qua, Colin tự giam mình trong phòng, chỉ nghĩ tới những sợ hãi, những khiếm khuyết, và nỗi thù ghét những ai dám nhìn nó rồi nghiền ngẫm hết giờ này qua giờ khác về những cục bướu và cái chết đang tới gần. Thằng bé mắc phải chứng cuồng loạn, lúc nào cũng tưởng mình bị bệnh nọ bệnh kia, chẳng có ý niệm gì về ánh mặt trời và mùa xuân, mà cũng không biết rằng nó có thể bình phục và tự đứng trên đôi chân của mình một khi đã cố gắng. Thế rồi những suy nghĩ tốt đẹp và mới mẻ bắt đầu xua tan mọi điều cũ kỹ hắc ám. Cuộc sống mới đã đến với nó, bầu máu nóng chảy rần rật khắp các huyết quản cuả nó và một sức mạnh ùa vào trong cơ thể nó chẳng khác nào thác lũ. Thí nghiệm khoa học cuả nó quả vô cùng đơn giản và thực tế, hoàn toàn chẳng có vẻ gì huyền bí hay kém tự nhiên. Còn biết bao điều đáng ngạc nhiên hơn có thể đến với bất cứ ai, dù có lúc để cho những ý nghĩ khó chịu hoặc chán nản len lỏi trong tâm trí, nhưng kịp thời nhận ra và xua đuổi chúng đi với lòng can đảm và cả quyết. Bởi hai thứ đó không thể có cùng một chỗ đứng.

Nơi anh định trồng một khóm hồng, bản hỡi

Cây kế sẽ chẳng thể nào mọc lên.

Giữa lúc khu vườn bí mật đang dần hồi sinh cùng với hai đứa trẻ, có một người đàn ông vẫn lang thang vô định trên các miền đất tươi đẹp nơi các vịnh hẹp xứ Na-uy, hoặc giữa các thung lũng và núi đồi của Thụy Điển. Ông chính là người mà suốt mười năm qua tâm trí lúc nào cũng tràn ngập những suy nghĩ u buồn và đau đớn. Ông không phải là người dũng cảm; ông cũng chưa bao giờ thử thay đổi những ý nghĩ đen tối bằng một thứ gì khác.

Ông chỉ biết lang thang bên những hồ nước xanh thăm thẳm mà suy tư về chúng; hoặc ngả mình trên những sườn núi với các thảm cây long đởm xanh thẳm đang đua nở quanh ông, rồi hít làn hương thơm ngát tràn ngập cả không gian cũng chỉ để suy nghĩ về chúng mà thôi.

Một nỗi đau buồn khủng khiếp đã giáng xuống giữa lúc ông đang hạnh phúc, từ đó ông cứ để mặc cho tâm hồn mình phủ bóng đen u ám và khăng khăng khước từ không cho tia sáng nào rọi qua. Ông đã quên lãng và bỏ mặc gia đình cùng bổn phận của mình. Tuy du ngoạn đó đây vậy nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng ảm đạm buồn bã đến nỗi hễ thấy bóng dáng ông, mọi người đều coi đó như điềm chẳng lành, như thể ông đầu độc bầu không khí xung quanh bằng nỗi u sầu vậy.

Hầu hết những kẻ không quen biết đều cho rằng nếu ông không dở người thì cũng là một kẻ đang cắn rứt vì tội lỗi. Ông người cao lớn, khuôn mặt mệt mỏi phiền muộn, đôi vai lệch sang bên và cái tên ông thường dùng để đăng ký ở khách sạn là "Archibald Craven, Trang viên Misselthwaite, xứ Yorkshire, nước Anh"

Ông đã du ngoạn khắp nơi kể từ hôm gặp cô chủ nhỏ Mary trong phòng làm việc của mình và cho nó biết nó có thể có riêng "một mảnh đất". Kể từ đó, ông đã sống ở những chốn đẹp nhất ở châu Âu, dù chẳng lưu lại nơi nào quá vài ngày. Ông chọn toàn những nơi hẻo lánh nhất, yên tĩnh nhất làm đích đến. Ông đã từng đặt chân lên những đỉnh núi chạm tới cả mây, và phóng tầm mắt xuống những ngọn núi khác vào lúc mặt trời mọc, và đưa tay hứng những tia nắng đầu tiên với cảm giác thế giới này vừa mới được sinh ra.

Những tia nắng kia dường như chẳng bao giờ chạm tới đáy lòng ông cho tới một ngày, lần đầu tiên trong suốt mười năm qua, ông chợt thấy một điều kỳ lạ xảy ra. Bấy giờ, ông đang ở trong một thung lũng đẹp lạ lùng của vùng Tyrol nước Áo, vào hôm đang một mình đi dạo giữa một vùng đất trời đẹp đến nao lòng, tưởng chừng có thể nâng đỡ bất kỳ tâm hồn nào khỏi bóng tối tội lỗi.

Ông đã đi được một đoạn đường dài và dường như cảnh vật đó chẳng tác động gì đến ông. Cuối cùng ông thấy mệt và nằm vật xuống nghỉ trên một thảm rêu xanh rì bên bờ suối. Đó là một dòng suối nhỏ nước trong veo chảy men theo con đường hẹp rồi cắt ngang qua một vùng đồng nội ẩm ướt ngọt ngào.

Thỉnh thoảng con suối làm bật ra âm thanh nghe tựa một tiếng cười khẽ mỗi khi nó lượn qua và tung bọt nước trắng xóa trên mấy tảng đá. Ông thấy mấy con chim sà tới nhúng mỏ xuống uống nước, rồi tung cánh bay xa. Dòng suối đó chẳng khác nào một cơ thể sống động và tiếng nói khẽ khàng của nó càng khiến vẻ tĩnh mịch thêm sâu lắng. Cả thung lũng thật quá ư tĩnh mịch.

Khi ngồi dậy nhìn xuống dòng nức trong vắt, ông Archibald Craven dần cảm thấy cả tâm hồn và thể xác mình cũng trở nên tĩnh lặng chẳng khác nào thung lũng này. Ông tự nhủ phải chăng mình buồn ngủ, nhưng đâu phải vậy. Ông ngồi thừ người mà đăm đắm nhìn làn nước chan hòa ánh nắng, đôi mắt ông bắt gặp đám cây mọc rải rác ngay sát mép nước. Thì ra đó là một vạt dày đặc những cây hoa lưu ly màu xanh hết sức dễ thương mọc kề bên dòng suối đến mức những cánh lá ướt sũng, và ông nhận ra mình đang ngắm nhìn loài hoa đó, trong lúc nhớ lại ông đã từng ngắm nhìn chúng nhiều năm trước đây.

Ông còn bâng khuâng nghĩ rằng điều đó sao mà đáng yêu và sắc xanh của hàng trăm đóa hoa li ti kia mới kỳ diệu xiết bao. Ông đâu biết chính ý nghĩ giản dị đó đang dần dà choáng ngợp tâm trí ông – choáng ngợp và choáng ngợp mãi cho tới khi những thứ khác được nhẹ nhàng đẩy sang bên. Nó chẳng khác nào dòng suối ngọt ngào trong vắt đang bắt đầu dâng trào nơi ao tù, và cứ thế dâng cao, dâng cao mãi, cuối cùng quét sạch đi tất cả chỗ nước tù đọng.

Nhưng dĩ nhiên, ông không nghĩ về bản thân mình như vậy. Ông chỉ cảm thấy thung lũng mỗi lúc một vắng lặng quạnh quẽ hơn trong khi ông vẫn ngồi im, ánh mắt đăm đắm nhìn ra đồng cỏ mượt mà xanh nõn.

Ông không biết mình đã ngồi đó được bao lâu hoặc chuyện gì đang diễn ra trong tâm hồn mình, rồi cuối cùng ông giật mình như thức tỉnh, ông chậm rãi đứng dậy và cứ đứng nguyên thế trên thảm rêu, hít một hơi thật dài, sâu và êm rồi ngỡ ngàng với chính mình. Dường như ông vừa trút bỏ, vừa giải thoát được điều gì đó trong lòng một cách lặng lẽ.

- Có chuyện gì thế nhỉ - ông nói, hầu như chỉ là tiếng thì thầm, đoạn ông đưa tay lên trán – ta cảm thấy như mình vừa sống lại .

Tôi không hiểu hết sư diệu kỳ của những điều chưa được khám phá để giải thích chuyện gì đã xảy đến với ông. Và những người khác cũng vậy thôi. Chính ông cũng không hiểu được.

Nhưng nhiều tháng sau này, khi đã trở về Misselthwaite, ông nhớ lại giây phút kỳ lạ ấy, và ông hoàn toàn tình cờ mà phát hiện ra rằng chính đó là ngày mà Colin sung sướng gào lên ở bên trong khu vườn bí mật :

" Tớ sẽ sống mãi, mãi mãi, mãi mãi".

Sự thanh thản khác thường vẫn còn bên ông cả buổi tối hôm ấy; ông đã ngủ một giấc ngủ khỏe khoắn và êm ả, dù chẳng được lâu. Ông không biết việc này liệu có kéo dài được chăng. Đến hôm sau, ông lại mở toang cánh cửa cho những ý nghĩ đen tối của ông ùa vào, chúng kéo từng đàn, từng lũ quay lại. Ông rời khỏi thung lũng, rồi lang thang trên các nẻo đường khác. Nhưng thật kỳ lạ thay cho ông, thi thoảng lại có vài phút, và đôi khi là suốt nửa giờ đồng hồ mà ngay ông cũng không hiểu tại sao, cái gánh nặng đen tối nọ tự nó lại rời đi và ông biết rằng từ nay ông là một con người đang tồn tại chứ không phải một kẻ đã chết. Dần dà dần dà, ông chẳng rõ vì nguyên cớ gì, ông đang sống lại cùng với khu vườn.

Khi mùa hạ lộng lẫy chuyển sang sắc thu vàng sâu lắng, ông bèn tới thăm hồ Como. Chính nơi đây ông mới hiểu thế nào là vẻ đẹp của một giấc mơ. Ông bồng bềnh phiêu lãng suốt mấy ngày liền trên mặt hồ xanh thẫm và trong vắt tựa pha lê, hoạc dạo chơi trên các trảng cỏ dày mượt của đồi nuí, lê bước cho tới khi cơ thể rã rời muốn lăn quay ra ngủ. Vào thời gian này, ông bắt đầu ngủ ngon hơn, ông biết vậy, và những giấc mộng cũng thôi không còn là một nỗi kinh hoàng đối với ông nữa.

-Có lẽ, ông nghĩ – cơ thể mình đang ngày càng khỏe lên.

Không những cơ thề ông ngày một đổi khác mà nhờ những giờ phút yên bình hiếm hoi, suy nghĩ của ông thay đổi và cả tâm hồn của ông cũng trở nên mạnh mẽ. Ông bắt đầu nghĩ tới Misselthwaite và tự hỏi sao mình còn chưa trở về nhà. Nhiều lúc ông thảng thốt không biết hiện giờ đứa con trai của mình ra sao và tự hỏi lòng xem ông sẽ cảm thấy gì khi tới đứng bên chiếc giường có bốn cây cọc gỗ chạm trổ và cúi xuống ngắm khuôn mặt trắng bợt màu sáp giữa lúc nó đang ngủ với hàng mi rợp trên đôi mắt nhắm nghiền. Ông đã lưỡng lự khi nghĩ tới điều đó.

Vào một lúc tuyệt diệu nhất trong ngày, ông dạo bộ xa đến nỗi khi trở về thì trăng đã lên cao. Khắp nơi tràn trề ánh trăng và cả thế giới này tựa hồ được dát bằng bạc. Sự tĩnh lặng của mặt hồ, bờ hồ và rừng cây tuyệt vời đến nỗi ông chẳng nỡ bước vào ngôi biệt thự nơi ông ở. Ông bước xuống một thềm hiên nhỏ sát ngay mép nước, ngồi xuống ghế rồi hít căng lồng ngực mọi hương thơm tuyệt diệu về đêm của núi rừng. Ông cảm nhận rõ một sự yên ả kỳ lạ đang tràn ngập tâm hồn và mỗi lúc một thấm sâu hơn, cho tới lúc ông ngủ thiếp đi.

Ông không hề hay biết gì trong lúc chợp mắt và bắt đầu mơ, giấc mơ ấy thực đến nỗi ông không ngỡ mình đang mơ. Sau này, ông còn nhớ mình đã tỉnh táo và suy nghĩ rành mạch ra sao. Ông nhớ rằng giữa lúc ông đang ngồi đó, tận hưởng hương thơm tỏa ra từ những đóa hồng nở muộn và lắng tai nghe tiếng nước vỗ ì oạp dưới chân thì nghe có tiếng ai đang gọi.

Tiếng gọi ấy hết sức dịu dàng, rõ ràng, nghẹn ngào hạnh phúc nhưng cũng xa vời vợi. Nó xa tít mù khơi, thế nhưng ông lại nghe thấy mồn một như thể ở ngay bên ông.

-Anh Archie! Anh Archie! Anh Archie! Tiếng gọi, lặp đi lặp lại, mỗi lúc một ngọt ngào và rõ ràng hơn - Anh Archie! Anh Archie!

Ông còn nhớ ông đã đứng phắt dậy, nhưng không hề giật mình hoảng hốt. Đó là một giọng nói có thực và tự nhiên đến nỗi ông không thể không thể không nghe thấy.

- Lilias ! Lilias phải không ? – Ông đáp lời - Lilias, em ở đâu ?

- Em đang ở trong vườn – tiếng nói vọng lại tựa như âm thanh phát ra từ một cây sáo bằng vàng. - Em đang ở trong vườn.

Đến đây thì giấc mơ kết thúc, nhưng ông vẫn chưa tỉnh giấc. Ông đã ngủ một giấc say sưa, ngọt ngào suốt đêm hôm đó. Khi ông tỉnh dậy thì mặt trời đã chói lọi, người hầu phòng đang đứng chằm chằm nhìn ông tự bao giờ.

Anh ta là người Ý và cũng giống như tất cả các người hầu phòng trong biệt thự, anh ta quen với việc chấp nhận ngay lập tức mọi điều kỳ quặc mà các ông khách nước ngoài có thể làm. Không một ai được biết khi nào họ đi hay về hay họ sẽ ngủ lại ở đâu, họ thích lang thang trong vườn hay nằm trong thuyền, bồng bềnh trên mặt hồ suốt đêm. Anh ta đang đỡ một cái khay trên có mấy bức thư, lặng lẽ đứng đợi cho tới khi ông Craven nhận lấy chúng.

Khi anh ta đi khỏi, ông Craven vẫn ngồi mấy phút, tay cầm thư và ngắm mặt hồ. Cái cảm giác yên bình kỳ lạ vẫn còn nguyên trong ông và một cái gì đó hơn thế - như ánh sáng đã chiếu rọi, như thể những điều ác nghiệt đã từng xảy ra nhưng lại không có thực như ông tưởng – một điều gì đó đã thay đổi. Ông đang nhớ lại giấc mơ, một giấc mơ rất thực.

-Trong khu vườn ! Ông thốt lên, tự mình cũng thấy ngạc nhiên. – Trong khu vườn. Nhưng cánh cửa đã bị khóa chặt, còn chiếc chìa thì bị vùi sâu lắm kia mà.

Mấy phút sau, ông liếc mắt qua mấy bức thư, và nhận thấy bức thư đầu tiên viết bằng tiếng Anh, từ Yorkshire gửi tới. Nó được viết trực tiếp từ một bàn tay phụ nữ chất phác, nhưng không phải nét chữ ông quen. Ông mở phong bì, không đoán được người viết, nhưng những chữ đầu tiên ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của ông.

Ngài kính mến,

Tôi là Susan Sowerby, kẻ đã có lần mạo muội nói chuyện với ngài trên cánh đồng hoang. Hôm ấy, tôi đã thưa với ngài về cô chủ Mary. Tôi xin mạo muội thưa lại lần nữa. Thưa ngài, mong ngài lượng thứ, nếu ở địa vị ngài thì tôi sẽ trở về nhà. Tôi nghĩ ngài sẽ lấy làm mừng khi về đến nhà và, xin bỏ quá cho, tôi cho rằng phu nhân của ngài cũng mong mỏi điều đó, nếu như bà có ở đây.

Bề tôi trung thành của ngài

Susan Sowerby.

Ông Craven đã đọc bức thư hai lần trước khi cất nó vào phong bì. Ông lại nghĩ ngợi tiếp về giấc mơ nọ.

- Ta sẽ trở về Misselthwaite. Phải rồi, ta sẽ trở về ngay lập tức.

Rồi sau đó, ông băng qua khu vườn để vào tòa biệt thự, và ra lệnh cho Pitcher sửa soạn cho chuyến trở về nước Anh.

Chỉ mấy ngày sau, ông đã đặt chân lên xứ Yorkshire, và trong cuộc hành trình bằng xe lửa dài dằng dặc ấy, ông nhận thấy mình lúc nào cũng nghĩ tới thằng bé mà suốt mười năm qua ông không bao giờ nghĩ đến. Trong những năm tháng ấy, ông chỉ ước sao quên được nó.

Bây giờ, cho dù ông không có ý định nghĩ tới, thì những kỷ niệm về thằng bé cứ liên tục trở về trong tâm trí ông. Nhớ lại những ngày đen tối ấy, ông đã la hét như điên như dại chẳng khác nào một kẻ loạn óc, bởi đứa trẻ còn sống mà mẹ nó lại lìa đời.

Ông đã từ chối không muốn nhìn mặt con trai, nhưng khi cuối cùng ông tới nhìn nó thì thấy cái sinh linh bất hạnh ấy yếu ớt đến độ ai nấy đều cả quyết, chỉ ít ngày nữa nó sẽ chết. Rồi trước sự ngạc nhiên của những người chăm sóc nó, ngày qua ngày nó vẫn cứ sống, và khi đó mọi người tin rằng đây hẳn là một đứa bé dị dạng và què quặt.

Ông không có ý làm một người cha tồi, nhưng trong ông không có cảm giác như một người cha chút nào. Ông đã mang đến cho thằng bé các bác sỹ, các cô bảo mẫu và nhiều thứ đồ đắt tiền, thế nhưng chỉ cần nghĩ đến nó thôi là ông đã thấy sợ hãi muốn lùi bước, để vùi mình vào nỗi khốn khổ của riêng ông.

Lần đầu tiên sau một năm vắng mặt, ông quay trở về Misselthwaite và mỗi khi cái sinh vật nhỏ bé thống khổ ấy uể oải, hờ hững ngẩng khuôn mặt có đôi mắt xám to tròn rợp bóng mi đen lên, đôi mắt vừa giống vừa không giống đến mức khủng khiếp với đôi mắt tràn ngập hạnh phúc mà ông quá đỗi tôn thờ; lúc đó, ông cảm thấy không sao chịu đựng nổi và quay đi, tái nhợt như một xác chết.

Vả lại, ông cũng hiếm khi nhìn thấy nó, có chăng vào lúc nó ngủ nên tất cả những gì ông biết về nó là một đứa tàn tật, tính khí cuồng loạn, hằn học và trì độn. Cách duy nhất để tránh cho thằng bé những cơn cuồng nộ nguy hiểm là đáp ứng mọi yêu sách của nó, dù là nhỏ nhất.

Khi đoàn tàu đưa ông đi xuyên qua các hẻm núi và lướt trên những cánh đồng vàng óng thì người đàn ông "đang sống lại" ấy bắt đầu suy nghĩ về mọi thứ theo một cách mới mẻ, điềm tĩnh và sâu sắc hơn.

"Có lẽ ta đã hoàn toàn sai lầm trong suốt mười năm qua" – ông tự nhủ - :mười năm là cả một khoảng thời gian dài. Giờ đây, có thể đã quá muộn để làm lại, hoàn toàn quá muộn. Ta đã nghĩ những gì cơ chứ".

Dĩ nhiên, đây là thứ phép màu sai lầm, vì nó được bắt đầu bằng từ "quá muộn". Thậm chí, Colin cũng có thể nói với ông như thế. Nhưng ông nào có biết gì về phép màu – dù là một phép thuật tốt đẹp hay hắc ám đi chăng nữa. Điều này ông vẫn còn chưa học được.

Ông tự nhủ, nếu bà Sowerby đánh bạo viết thư cho ông, thì cũng vì tình thương của người mẹ đã giúp bà nhận ra thằng bé đang nguy kịch hơn - một trận ốm thập tử nhất sinh chẳng hạn.

Nếu không có sự bình yên kỳ lạ đang xâm chiếm tâm hồn, hẳn ông đã cảm thấy lòng mình tan nát hơn bao giờ hết. Sự bình yên đó cũng mang lại cho ông can đảm và hy vọng. Thay vì những ý nghĩ u uẩn, ông thấy mình đang cố gắng tin tưởng vào những điều tốt lành hơn.

"Có lẽ nàng cũng nhận thấy ta có thể làm điều tốt cho thằng bé và giữ cho nó được bình an?" – Ông nghĩ – "Ta sẽ quay về và gặp nàng trên con đường trở lại Misselthwaite"

Đang băng qua cánh đồng hoang, ông cho dừng cỗ xe trước mái nhà gianh. Chừng bảy, tám đứa trẻ đang tụ tập thành một nhóm chơi đùa, thấy khách lạ chúng liền lịch sự nhún gối chào một cách thân thiện. Chúng thưa với ông rằng mẹ chúng đã sang bên kia đồng hoang từ sớm tinh mơ để giúp một phụ nữ sinh em bé. "Còn anh Dickon nhà chúng cháu", chúng bảo, "thì đang ở bên Trang viên làm vườn, mỗi tuần anh ấy phải mất mấy ngày ở bên ấy."

Ông Craven đưa mắt nhìn đám trẻ khắp một lượt, đứa nào thân hình cũng cứng cáp, mặt mũi tròn trịa, má đỏ hây hây, mỗi đứa toét miệng một kiểu, biểu lộ sự vui thích, khiến ông nhận ra chúng đều vô cùng khỏe mạnh dễ thương. Ông cũng mỉm cười đáp lại những nụ cười thân thiện của chúng. Ông lấy trong túi ra một đồng "xôrơven" và tặng cho "Lizabeth Ellen nhà chúng cháu" – đứa lớn tuổi nhất trong cả đám.

- Nếu các cháu chia nó làm tám phần thì mỗi đứa sẽ được một nửa cơrao đấy.

Thế rồi, giữa những nụ cười toe toét hay khúc khích, những cái nhún gối chào của bọn trẻ, ông cho xe lăn bánh, để lại đằng sau cảnh chen huých và nhảy nhót vui vẻ.

Chuyến đi băng qua cảnh trí kỳ diệu của đồng hoang thật dễ chịu làm sao. Điều đó mang đến cho ông cảm giác được về nhà mà ông từng nghĩ chẳng bao giờ có nổi, cảm giác về vẻ đẹp của vùng đất và bầu trời và những vạt hoa tím xa xa, sự ấm áp trong lòng khi mỗi lúc ông lại được gần thêm ngôi nhà cổ kính nguy nga đã gắn bó với tổ tiên ông từ sáu trăm năm qua.

Tại sao ông nỡ lòng xa lánh nó trong suốt thời gian qua, và rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến những căn phòng khóa chặt cùng cậu con trai đang nằm trên giường có bốn cọc gỗ chạm trổ, xung quanh căng những tấm gấm thêm kim tuyến. Liệu ông có thể thay đổi bản thân mình để trở nên tốt đẹp hơn, và vượt qua được những do dự của chính ông? Giấc mơ nọ mới thực làm sao, và giọng nói ấy mới kỳ diệu và rõ ràng làm sao khi gọi ông trở về : "Em đang ở trong vườn... Em đang ở trong vườn!"

"Mình sẽ cố tìm lại chiếc chìa khóa,- ông nói - mình sẽ cố mở cánh cửa ấy ra. Mình phải làm vậy... mặc dù mình chẳng biết tại sao."

Khi ông về đến Trang viên, đám gia nhân đón ông với nghi lễ thường có, cả bọn đều nhận thấy trông ông khá hơn trước. Ông không đi về mấy căn phòng biệt lập mà ông đã quen sống ở trong với sự phục dịch của Pitcher. Ông đến thẳng thư viện rồi cho gọi bà Medlock. Bà đến gặp ông, bộ dạng bối rối, đỏ mặt tía tai:

-Cậu chủ Colin ra sao, bà Medlock ? – Ông hỏi thăm...

-Tốt lắm, thưa ngài – bà Medlock đáp, cậu ấy... cậu ấy nom khác hẳn, theo một cách nào đấy.

-Xấu đi à ? - ông gợi ý . Bà Medlock mặt đỏ bừng lên.

-Chà, ngài thấy đấy, thưa ngài – bà cố tìm lời giải thích, cả bác sỹ Craven lẫn cô bảo mẫu và tôi đều khó có thể hiểu được cậu ấy.

-Tại sao thế ?

-Sự thực mà nói, thưa ngài, cậu Colin có thể khá hơn lên mà cũng có thể đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Cái sự ngọn miệng của cậu ấy, thưa ngài, thì khó mà hiểu nổi... và cái cách mà cậu ấy...

-Thế ra thằng bé ngày càng trở nên... kỳ lạ hơn ? – ông chủ của bà hỏi, hai hàng lông mày của ông nhíu lại vẻ lo lắng.

-Đúng thế, thưa ngài. Cậu ấy ngày càng trở nên hết sức kỳ quặc, nếu ông muốn so sánh với những gì cậu ấy vẫn thường tỏ ra. Thường ngày cậu ấy chẳng ăn gì cả, thế rồi đột nhiên cậu ấy ăn lấy ăn để... và sau đó lại không động lấy một miếng, các bữa ăn dọn lên thế nào lại trả về bếp thế ấy. Ngày không biết đấy thôi, thưa ngài, chưa bao giờ cậu ấy để cho mọi người đưa ra ngoài trời. Những việc chúng tôi đã phải trải qua mỗi lần đưa cậu ấy ra ngoài trời bằng xe lăn sẽ khiến cho người khác run rẩy như một chiếc lá. Cậu ấy đã tự đẩy mình vào tình trạng mà bác sỹ Craven phải bảo, ông ấy không thể chịu trách nhiệm ép buộc cậu. Chà thưa ngài, chịu không tài nào đoán trước được.

... Chẳng bao lâu sau cơn cuồng loạn tồi tệ nhất của mình, cậu ấy đột nhiên khăng đòi ra ngoài trời hằng ngày với cô Mary và thằng bé Dickon con bà Susan Sowerby, thằng bé này đẩy xe giúp cậu ấy. Cậu ấy thích cả cô Mary lẫn Dickon. Thằng Dickon thường mang theo bầy thú hoang dã thuần hóa của nó, và liệu ngài có tin không, thưa ngài, cậu ấy cứ ở ngoài nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

-Thằng bé trông thế nào ?

- Nếu cậu ấy ăn uống một cách tự nhiên, thừa ngài, thì ngài có thể tin rằng cậu ấy đang béo ra. Nhưng chúng tôi đều e rằng đó có thể là một dạng phù. Thỉnh thoảng cậu ấy còn cười một cách kỳ quặc khi chỉ có một mình với cô Mary. Cậu ấy có mấy khi cười đâu. Bác sỹ Craven sẽ tới thăm ngay bây giờ, nếu ngài cho phép. Ông ấy chưa bao giờ bối rối đến thế trong đời.

- Cậu chủ Colin giờ ở đâu ? Ông Craven hỏi .

-Ở ngoài vườn, thưa ngài. Cậu ấy luôn ở ngoài vườn, và không môt người nào được phép đến gần, vì cậu ấy sợ mọi người trông thấy mình.

Ông Craven khó có thể nghe rõ những lời cuối cùng của bà.

-Ở ngoài vườn ! – ông kêu lên, và sau khi cho phép bà lui ra, ông đứng dậy nhắc đi nhắc lại câu ấy. - Ở ngoài vườn !

Phải cố gắng lắm ông mới trấn tĩnh được. Và khi đã bình tĩnh lại, ông quay người và ra khỏi phòng. Ông cũng phải tìm đường chẳng khác gì con bé Mary.

Sau khi bước qua cánh cửa, ông đặt chân vào giữa một nơi có nhiều cây bụi với hai hàng nguyệt quế và các luống hoa chạy quanh đài phun nước. Đài phun nước đang phun, xung quanh là những thảm hoa rực rỡ.

Ông băng qua thảm cỏ rồi ngoặt vào lối đi dạo dài hun hút chạy men theo những bức tường phủ đầy dây tường xuân. Ông không vội vàng mà chỉ chậm rãi từng bước, nhìn như dán mắt vào con đường mòn. Ông có cảm tưởng đang bị kéo trở về nơi mình đã bỏ rơi bấy lâu mà chẳng rõ vì sao. Càng gần tới đó, bứơc chân ông càng trở nên chậm chạp. Ông biết chỗ cánh cửa, cho dù cả một mảng thường xuân ken dày đang phủ kín lấy nó, nhưng ông không nhớ chính xác chỗ chiếc chìa khoá bị vùi.

Ông dừng bước, đứng lặng người và nhìn xung quanh, lúc đó ông hầu như chỉ thẫn thờ lắng nghe rồi tự hỏi phải chăng mình đang đi trong một giấc mơ.

Dây thường xuân mọc dày đặc trước cánh cửa ra vào, chiếc chìa khoá đã được vùi kín dưới mấy bụi cây kia, không người nào bước qua cánh cửa vườn trong mười năm cô đơn đó; vậy nhưng bên trong vườn lại có những âm thanh. Có tiếng chân ai đang chạy, tiếng những chiếc giày đuổi nhau vòng vòng dưới những tán cây, lại thêm giọng nói lạ lùng của ai đó đang cố nén cho khẽ đi, để rồi bật ra thành những tiếng reo kinh ngạc và vui vẻ.

Đó dường như là những tiếng cười tươi trẻ, thoải mái của một đám trẻ con đang không muốn người ta nghe thấy mình, nhưng trong khoảnh khắc không kìm nén được, lại vỡ ra ồn ã. Phải chăng đó là chốn thiên đường ông đang mơ tới ? Và những gì mà ông đang nghe thấy không phải dành cho đôi tai con người. Giọng nói trong trẻo, xa xăm kia muốn nhắn nhủ điều gì ?

Và cái giây phút ấy đã đến, cái giây phút không sao kiềm chế nổi, khi những âm thanh quên mất phải im lặng. Tiếng chân chạy mỗi lúc một nhanh hơn... chúng đang đến gần cánh cửa khu vườn... có thể nghe rõ cả tiếng thở trẻ trung, mạnh và gấp, và cả tiếng cười, tiếng la hét không thể kìm nén được nữa... rồi cánh cửa nơi hõm từơng mở toang, tấm thảm dày do những cành thường xuân kết thành đung đưa, một thằng bé chạy ào ra và chẳng cần ngó nghiêng gì bên ngoài, nó gần như rơi vào vòng tay ông.

Ông Craven vừa kịp dang rộng hai tay ra, chứ không thì thằng bé đã ngã bổ ngửa khi nó chẳng nhìn ngó gì lao vụt tới. Ông đỡ lấy nó và kinh ngạc ngắm nhìn khi nó lúc này đây còn đang thở hổn hển.

Đó là một thằng bé cao lớn, xinh trai, bừng bừng sức sống. Vừa lao từ trong ra nên cả khuôn mặt nó hồng hào rạng rỡ. Nó vuốt mái tóc dày về phía sau rồi ngước đôi mắt xám kỳ lạ nhìn ông – đôi mắt ngập tràn niềm vui trẻ con với hàng mi đen huyền. Ông Craven nghẹn ngào khi nhìn vào đôi mắt ấy.

-Ai đây? Cái gì thế này ? Ai thế hả ? Ông lắp bắp .

Đó đâu phải những gì Colin mong chờ, đó cũng không phải những điều nó chuẩn bị từ trước. Nó chưa bao giờ nghĩ tới một cuộc gặp như vậy. Cứ thế mà lao ra, bởi còn mải chạy đua với hai đứa kia. Mà thế cũng tốt. Nó rướn thẳng người lên. Con bé Mary, vừa chạy cùng với nó và cũng lao qua cánh cửa, tin chắc rằng thằng bé cuối cùng đã khiến cho mình trông cao hơn hẳn mọi bữa.

-Cha, nó nói, – con là Colin. Cha không thể tin chứ gì. Ngay con cũng còn không tin nổi nữa là. Con là Colin đây.

Giống y như bà Medlock, nó không hiểu ý ông ra sao nữa khi ông hối hả kêu lên :

-Ở trong vườn ! Ở trong vườn !

-Vâng, Colin cũng hối hả đáp lại.- Chính khu vườn này đã làm nên chuyện đó, rồi Mary, Dickon và bầy thú... và Phép màu nữa. Chưa một ai hay biết chuyện này. Con đã giữ kín nó trong lòng để kể cho cha ngày cha trở về. Con đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Con có thể thách Marey chạy đua kia đấy. Con sắp trở thành một vận động viên.

Nó nói tất cả chuyện ấy như một đứa trẻ khoẻ mạnh: mặt nó ửng hồng, lời nói tuôn ra lộn xộn trong háo hức khiến cho tâm hồn ông Craven choáng ngợp trước một niềm vui không sao tả xiết.

Colin đưa tay vịn vào cánh tay cha nó.

- Cha có vui không, cha ? – Nó kết thúc – Cha có vui không ? Con sẽ được sống mãi mãi!

Ông Craven đặt cả hai bàn tay lên đôi vai đứa con trai, rồi siết chặt lấy nó. Ông biết đó là lúc ông không thể nói thêm gì nữa.

- Đưa cha vào trong vườn nào, con trai ta, - cuối cùng, ông lên tiếng, - và kể cho cha nghe mọi điều về nó.

Bọn trẻ liền dẫn ông vào trong vườn. Khu vườn là một vùng hoang dã, toàn sắc vàng của mùa thu xen lẫn màu tía, màu tím phớt xanh và cả đỏ tươi chói lọi. Khắp mọi nơi là những vạt ly ly nở muộn mọc sát bên nhau: ly ly có hai màu, trắng và trắng pha đỏ sẫm.

Ông vẫn còn nhớ rõ khi lứa hoa đầu tiên được trồng cũng vào mùa này trong năm, vẻ lộng lẫy muộn nằn của chúng phát lộ ra hết. Mấy khóm hồng muộn bò lan ra, đung đưa và quyện chặt lấy nhau. Ánh nắng đang mỗi lúc một sẫm dần, phủ màu vàng lên các ngọn cây khiến ta ngỡ như đang đứng trong một ngôi đền bằng vàng.

Người mới đến đứng lặng đi chẳng khác nào bọn trẻ vào cái ngày chúng mới đặt chân tới đây, giữa một màu xám ngắt. Ông đưa mắt nhìn khắp xung quanh.

-Cha ngỡ rằng nơi này đã chết, – ông nói.

-Thoạt đầu Mary cũng nghĩ thế, - Colin đáp, thế mà nó đã sống lại.

Mọi người ngồi xuống, dưới tán cây quen thuộc, chỉ trừ Colin muốn đứng để thuật lại câu chuyện.

Đây quả là những gì kỳ lạ nhất mình từng được nghe, ông Archibald Craven nghĩ thầm, trong khi thằng bé ào ào kể lại. Những bí ẩn, Phép màu cùng bầy thú hoang, rồi cuộc gặp nửa đêm kỳ lạ của chúng, cảnh mùa xuân đến, cơn giận dữ khi niềm kiêu hãnh bị xúc phạm đã kéo vị tiểu vương đứng dậy thách thức lão Ben Weatherstaff ra sao.

Rồi tình bạn kỳ lạ, màn kịch và điều bí mật to lớn đã được giữ kín một cách cẩn trọng thế nào. Ông nghe mà cười đến ứa nước mắt, và thỉnh thoảng nước mắt cũng vẫn ràn rụa ngay cả khi ông không cười. Vận động viên điền kinh, kiêm nhà diễn thuyết, nhà phát minh khoa học là một cậu bé đáng yêu hay cười và tràn đầy sinh lực.

- Còn bây giờ thì, - nó nói khi kết thúc câu chuyện, - không cần thiết phải coi nó là một bí mật nữa. Con đoán chắc mọi người sẽ phát hoảng khi họ nhìn thấy con, nhưng con sẽ không bao giờ có ý định ngồi vào chiếc xe đẩy ấy nữa. Con sẽ đi cùng cha để về nhà, cha ạ.

Bổn phận của lão Ben Weatherstaff hiếm khi lôi lão khỏi khu vườn, nhưng trong trường hợp này lão cố kiếm cớ để lăng xăng mang ít rau quả cho nhà bếp, và được bà Medlock mời vào gian phòng lớn dành cho gia nhân để uống một vại bia. Lão đã có mặt ngay tại đó, đúng như lão từng mong ước, khi diễn ra sự kiện gây xúc động nhất mà tất cả mọi người ở Trang viên Misselthwaite thế hệ này chưa từng chứng kiến.

Từ một trong những cửa sổ nhìn xuống khoảng sân trong, người ta cũng thoáng thấy bãi cỏ. Bà Medlock biết lão Ben vừa từ ngoài vườn về, bà hy vọng lão gặp ông chủ ngoài đó, và thậm chí chứng kiến cả cuộc gặp gỡ giữa ông và cậu chủ Colin nữa.

-Bác đã trông thấy cha con họ rồi chứ, bác Weatherstaff ? - bà hỏi

Lão Ben nhấc vại bia khỏi miệng, rồi đưa mu bàn tay quệt môi.

-Chà, tôi thấy rồi. – Lão đáp lời ra bộ láu lỉnh.

-Cả hai cha con ư ? – bà Medlock gợi ý .

- Cả hai, - lão Ben Weatherstaff quay người lại – Đa tạ lòng tốt của bà, thưa bà, tôi có thể làm một vại nữa chứ ?

- Họ đi cùng nhau à ? – bà Medlock hỏi, hối hả rót đầy bia vào vại của lão với vẻ bồn chồn.

- Cùng nhau, thưa bà – nói đoạn, lão Ben lại cạn một hơi hết ngay nửa vại bia mới.

- Cậu chủ Colin hiện ở đâu ? Trông cậu ấy ra sao ? Cha con họ đã nói gì với nhau ?

-Tôi chẳng nghe thấy gì hết, lão Ben đáp, vì tôi chỉ đứng trên thang mà nhìn qua bờ tường. Tuy vậy tôi muốn nói điều này để bà hay. Có những thứ đang diễn ra ở ngoài kia mà mọi người sắp được biết. Vậy bà muốn biết cái gì thì bà nên biết cho sớm nhé.

Chưa đầy hai phút trước khi dốc tuột nốt ngụm bia cuối cuối cùng, lão huơ huơ chiếc vại một cách trịnh trọng về phía cửa sổ mà từ đó nhìn qua bụi cây, người ta có thể thấy rõ một phần của bãi cỏ.

-Nhìn kia kìa, -lão bảo, - nếu bà còn tò mò. Nhìn thử xem cái gì đang đi ngang qua bãi cỏ kia kìa.

Bà Medlock vừa đưa mắt nhìn ra đã giơ hai tay lên trời cùng một tiếng thét nhỏ, đám gia nhân nam nữ trong nhà nghe thấy liền lao vội qua gian phòng lớn dành cho họ rồi đứng nhìn qua cửa sổ bằng những đôi mắt hầu như bật khỏi tròng .

Ông chủ của Misselthwaite đang từ ngoài bãi cỏ bước tới, dáng điệu như thể nhiều người trong họ chưa bao giờ được thấy ông. Và đi bên ông, với cái đầu ngẩng cao, đôi mắt lấp lánh ánh cười, cùng những bước chân mạnh mẽ, vững chãi như bất kỳ thằng bé nào khác ở xứ Yorkshire này.

Đó là cậu chủ Colin!

Hết.

Ngày đăng: 08/09/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?