Gửi bài:

Chương 3

Ngày 16, lúc một giờ, tôi đến phố Anti. Từ trên xe, người ta đã nghe những tiếng hô vang của những người bán đấu giá. Căn phòng đầy những khách hiếu kỳ, Người ta trông thấy ở đây, tất cả những danh vọng của những tội lỗi sang trọng được theo dõi xem xét một cách thâm hiểm bởi vài ba bà lớn. Một lần nữa, những bà này lại lấy cớ đến nơi bán đấu giá để có quyền được nhìn thấy tận mắt cuộc sống của người đàn bà mà họ không bao giờ có dịp thân thiện. Và có lẽ họ cũng đã thèm muốn thầm kín những thú vui dễ dàng cuả người đàn bà ấy.

Bà quận công F.. đi sát bên cô A... - một trong những cô gái giang hồ tân tiến. Bà huân tước T... đang lưỡng lự suy tính mua một dộng sản mà bà Đ... - người đàn bà ngoại tình sang trọng nhất và nổi danh nhất của thời đại – đang bám theo với giá cao. Ông quận công Y... vẫn thường qua Macgơrit để phá một mớ gia sản ở Paris và qua Paris để phá một mớ gia sản ở Mađơrit mà vẫn không tiêu hết được lợi tức hàng năm của mình - vừa tiếp chuyện với bà M... - một trong những con người kể chuyện láu lỉnh nhất, thỉnh thoảng viết lại những điều bà đã nói và ký tên ở những điều bà đã viết - vừa trao đổi những cái nhìn riêng tư với bà N... - người đàn bà đẹp, thường đi dạo ở quảng trường Xăng Êlidê với chiếc áo màu hồng hoặc xanh da trời, có xe riêng với hai con ngựa kéo to lớn, đẹp đẽ mà Tôny đã bán cho với gía mười ngàn frăng và bà đã trả đủ tiền rồi. Cuối cùng, cô R... - chỉ nhờ tài riêng của mình, đã làm cho vốn riêng tăng lên gấp hai lần so với những người đàn bà sang trọng có sẵn của hồi môn, và gấp ba lần so với những người đàn bà khác đã tạo nên cơ nghiệp nhờ nhân tình nhân ngãi – đã có mặt ở đây dù hôm nay trời lạnh, và hẳn không phải cô là người ít được những kẻ khác chú ý đến.

Chúng tôi còn có thể kể ra những chữ đầu tên của nhiều nhân vật khác nữa có mặt trong phòng khách này. Chính họ cũng rất ngạc nhiên khi lại được gặp gỡ nhau tại đây. Nhưng như thế tôi sợ sẽ làm mệt bạn đọc.

Chỉ cần nói, tất cả mọi người đều điên loạn. Trong số những người đàn bà có mặt tại đây, nhiều người đã từng quen biết với người đã chết, nhưng hình như họ không còn nhớ đến nàng nữa. Người ta cười nói ồn ào. Những kẻ hô bán la chói óc. Trước những bàn đấu gía, những người khách luôn cố gắng một cách vô ích để áp đặt sự yên lặng, điều kiện cần thiết để họ có thể làm việc một cách bình tĩnh. Chưa bao giờ có một cuộc tụ họp phức tạp đến thế, sôi nổi ồn ào đến thế!

Tôi lặng lẽ nhẹ nhàng đi giữa sự náo nhiệt đáng buồn ấy, thầm nghĩ: sự ồn ào này đang diễn ra ngay bên cạnh căn phòng mà người xấu số đã trút hơi thở cuối cùng, và người ta đang bán đồ đạc trong nhà để trả những món nợ của nàng. Tôi đến đây để xem hơn là để mua. Nhìn khuôn mặt những người thầu đứng bán, tôi cảm thấy nét mặt họ rạng rỡ hẳn lên, mỗi khi có món hàng nào đó đạt đến một giá cao mà không ngờ tới.

Những con người lương thiện đã đầu tư trên sự bán mình của người đàn bà trẻ ấy và giờ đây đã thu lợi cả trăm phần. Họ đưa đơn kiện cáo nàng vào những giờ phút nàng hấp hối. Và bây giờ, sau cái chết của nàng, họ lại đến đây để nhận lãnh thành quả từ những tính toán đáng kính của họ, đồng thời nhận những món lãi sinh ra do những món tiền cho vay một cách bỉ ổi của họ. Người xưa thật chí lý, khi họ đã chọn chung cho những kẻ lái buôn và những tên trộm cướp một vị thần để thờ.

Áo dài, hàng casơmia, đồ nữ trang... bán chạy nhanh chóng không tưởng được. Trong số đó, không có cái gì hợp với tôi cả và tôi đành chờ đợi.

Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng hô to: "Một quyển sách, đóng công phu, bìa da, mạ vàng, nhan đề "Manông Lexcô". Có vài dòng chữ ở trang đầu. Mười frăng".

- Mười hai!

- Một giọng thốt lên, sau một lúc yên lặng khá lâu.

- Mười lăm! – Tôi hô lên.

Tại sao? Tôi không biết, chắc hẳn vì những dòng chữ viết trên cuốn sách đó.

- Mười lăm - Người hô gía lặp lại.

- Ba mươi! Người trả giá đầu tiên nhấn mạnh, vẻ thách thức, tin chắc rằng không ai có thể vượt lên được nữa.

Sự việc trở thành một cuộc đối chọi.

- Ba lăm! – Tôi la lớn.

- Bốn mươi!

- Năm mươi!

- Sáu mươi!

- Một trăm! Tôi thú thật, nếu muốn gây ấn tượng, tôi đã thành công hoàn toàn. Bởi vì, sau cái giá đó, một sự yên lặng hoàn toàn bao phủ khắp căn phòng. Người ta chăm chú nhìn tôi, để biết cái người đã khăng khăng mua cho kỳ được cuốn sách kia.

Hình như cái giọng tôi hô tiếng cuối cùng đã làm cho đối thủ của tôi không còn nghi ngờ gì nữa: anh ta bỏ cuộc. Thế là tôi phải trả cuốn sách với giá mười lần đắt hơn. Còn anh ta chỉ khẽ nghiêng mình, nói với tôi một cách rất lịch sự, tuy hơi muộn một chút.

- Tôi xin nhường ông.

Không còn ai nói thêm gì nữa. Quyển sách được bán cho tôi. Nhưng tôi ngại một cuộc đương đầu mới mà tôi bắt buộc sẽ phải giữ lòng kiêu hãnh bằng cách làm đau đớn túi tiền của mình. Tôi xin ghi tên rồi đi ra. Chắc chắn những người chứng kiến cảnh tượng đó đã phải tự hỏi rằng tôi bỏ ra một trăm đồng để mua cuốn sách với mục đích gì, trong lúc có thể mua nó ở bất cứ nơi nào khác, với giá cao nhất cũng chỉ đến mười hay mười lăm frăng là cùng.

Một giờ sau, tôi nhờ người đến nhận sách cho mình. Trên trang đầu của cuốn sách có ghi lời đề tặng cho người tặng sách, nét chữ viết tay rất đẹp. Lời đề tặng chỉ vẻn vẹn mấy chữ sau đây:

Manông gửi Macgơrit – Khiêm tặng.

Dưới ký tên: Acmân Đuyvan.

Người viết muốn nói gì ở các từ "Khiêm tặng"?

Phải chăng Manông đã nhận thấy nơi Macgơrit – Theo như ông Acmân Đuyvan nghĩ – một con người vượt hẳn mình về sự truỵ lạc hoặc về tâm tình?

Giải thích theo ý sau có thể dễ chấp nhận hơn. Bởi vì ý đầu là một sự thẳng thắn khiếm nhã mà Macgơrit không thể đồng ý, mặc dù nàng vẫn tự hiểu mình là người như thế nào. Tôi lại phải đi, và tôi chỉ bận tâm vào cuốn sách vào buổi tối, khi đi nằm.

Manông Lexcô là một câu chuyện cảm động. Không một chi tiết nào của nó xa lạ đối với tôi. Tuy thế, khi có cuốn sách trong tay, tôi vẫn bị nó lôi cuốn. Tôi mở sách ra và đây là lần thứ một trăm, tôi sống lại với vai chính của tu sĩ Prêvốt. Vai chính này qúa thực, đến nỗi tôi có cảm tưởng như đã quen biết từ lâu. Trong hoàn cảnh mới này, một sự so sánh giữa người trong truyện với Macgơrit đã gây cho tôi những thích thú bất ngờ. Lòng khoan dung của tôi như lớn lên cùng nỗi đau thương của nàng, trở thành như một tình yêu đối với người con gái xấu số mà gia tài để lại đã cho tôi cơ hội có cuốn sách này. Manông trước kia đã chết trong một sa mạc, đúng vậy, nhưng chết trong cánh tay của người đàn ông đã yêu quý nàng với tất cả sự nồng cháy trong tâm hồn. Người này đã đào huyệt cho nàng, tưới lên đó những giọt nước mắt, và chôn vùi luôn ở đó trái tim của mình. Còn Macgơrit, một người con gái tội lỗi như Manông và cũng có thể được trở về với Chúa như Manông, đã chết giữa một sự xa hoa cực độ - nếu như tin vào những gì tôi đã thấy – nhưng lại giữa cái sa mạc của trái tim. Nó khô cằn hơn nhiều, đáng thương xót hơn nhiều so với cái sa mạc trong đó Manông được an nghỉ.

Macgơrit, quả vậy, như tôi được biết qua một số bạn hữu đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của đời nàng, nàng không hề tìm được một sự an ủi thực sự nào ở bên giường bệnh. Trong hai tháng cuối cùng nàng phải chống chọi một sự hấp hối kéo dài, đầy khổ ải, đau thương. Rồi từ Manông và Macgơrit, tôi lại nghĩ đến những người đàn bà quen biết mà tôi vẫn thường gặp họ vừa đi vừa hát. Họ đang dần dần tiến đến một cái chết đau thương tất yếu, gần như không bao giờ thay đổi.

Những con người khốn khổ! Nếu thương yêu họ là một sai lầm, thì ít ra chúng ta có thể thương xót họ. Các bạn thương xót người mù không bao giờ thấy được ánh sáng của ban ngày, người điếc không bao giờ nghe được âm thanh của tạo vật, người câm không bao giờ cất lên được những tiếng nói của tâm hồn. Nhưng vin vào một cớ e ngại giả tạo, bạn không chịu thương xót sự đui mù của trái tim, sự điếc lác của tâm hồn, sự câm lặng của lương tâm. Và đã làm cho người phụ nữ bị đày đoạ không thể thấy được con đường lương thiện, không thể nghe được tiếng gọi của Chúa và nói lên được ngôn ngữ thuần khiết của tình yêu và đức tin.

Huygô đã tạo nên Mariông Đơloocmơ, Mútxê đã tạo nên Becnơrết, Alecxanđơrơ Đuyma đã tạo nên Phécnăngđơ. Những nhà tư tưởng và thi sĩ, từ ngàn xưa, đã hiến dâng lòng khoan dung cho những người kỹ nữ. Và đôi khi vĩ nhân, bằng tình yêu và ngay cả tên tuổi của mình, đã phục hồi danh dự cho họ. Tôi nhấn mạnh như thế, là bởi vì trong số những bạn đọc của tôi, có nhiều người như đã sẵn sàng vứt cuốn sách này sợ sách này chỉ để ca ngợi tội lỗi và nghề mại dâm, và tuổi đời tác giả, chắc chắn đã góp phần tạo nên nỗi lo sợ này. Nếu ai đó nghĩ vậy, xin hãy vứt bỏ ý nghĩ sai lầm, và hãy tiếp tục đọc cuốn sách nếu chỉ vì ý nghĩa lầm lạc kia cản trở. Tôi tin chắc một cách đơn giản vào nguyên lý này: Đối với đàn bà không được giáo dục về đạo đức, Thượng Đế hình như luôn luôn mở ra hai con đường mòn để dẫn họ đến đó. Hai con đường mòn này chính là sự đau khổ và tình yêu. Đó là những con đường đầy chông gai. Những người đàn bà nào đi vào sẽ phải trầy da, đổ máu. Nhưng đồng thời họ cũng sẽ để lại trên những gai góc của con đường ấy tất cả các thứ phục sức lộng lẫy nhơ nhuốc. Và họ đi đến đích với sự khoả thân cần thiết, không làm cho người ta phải đỏ mặt trước Chúa.

Những ai được gặp những người đàn bà dũng cảm này, phải nói lại cho tất cả mọi người biết mình đã gặp họ. Bởi vì nói lên sự việc này, tức là chúng ta đã chỉ được con đường nên đi. Đâu đơn giản là chỉ việc đặt sẵn ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời hai tấm bảng, một tấm mang lời chỉ dẫn: "con đường lương thiện" và tấm kia là lời răn đe: "con đường tội ác" rồi nói với những người đến đó: "Hãy lựa chọn đi!" Phải như đấng Kitô, chỉ những con đường dẫn từ con đường thứ hai đến con đường thứ nhất cho những kẻ nào đã bị cám dỗ và nhất là cho thấy: chặng đầu những con đường này không đến nỗi quá chằng chịt gai góc đến nỗi người ta e sợ không dám bước chân vào.

Đạo thiên chúa có một chuyện ngụ ngôn kỳ thú "Thằng con trai hoang phí" để khuyên chúng ta cần khoan hồng và tha thứ. Chúa Giêsu đầy tình thương đối với những tâm hồn đầy thương tích do dục vọng của con người gây ra và Chúa cũng thích băng bó những vết thương, chữa trị nó bằng chính những hương thơm. Người đã rút ra từ nó, để tự nó lành hẳn đi. Đúng như thế. Người ta bảo Mađơlen: "Người sẽ được tha tội nhiều, bởi vì người đã thương yêu". Sự khoan hồng cao cả sẽ khơi dậy một đức tin cao cả.

Tại sao chúng ta lại cứng rắn hơn Đấng Kitô? Tại sao chúng ta cứ cứng đầu bám chặt những luận điệu của thế giới này, cái thế giới tỏ ra cứng rắn để người ta tưởng nó giàu nghị lực? Tại sao chúng lại đồng ý với nó để xua đuổi những tâm hồn đang bị rỉ máu vì những vết thương do tội lỗi của quá khứ gây nên, những tâm hồn chỉ chờ đợi được một bàn tay thân ái đến băng bó, giúp họ lấy lại được sự an lành của trái tim?

Tôi đang nói chuyện với những người cùng thế hệ với tôi - thế hệ mà những lý thuyết của ông Vônte, may mắn thay không còn nữa!

- Với những người, cũng hiểu như tôi rằng nhân loại từ mười lăm năm nay đang lấy đà tiến lên, lao tới một cách can cường. Ý thức về thiện và ác đã được phân minh. Đức tin được xây dựng lại, sự tôn kính những gì thiêng liêng được trả lại. Và thế giới này, nếu không phải là hoàn toàn tốt đẹp, thì ít ra nó cũng đang dần dần trở nên tốt đẹp hơn. Những nỗ lực của tất cả con người thông minh đều hướng về một mục đích và tất cả những ý chí vĩ đại đều phục tùng một nguyên tắc: "phải tốt, phải trẻ, phải thực!". Tôi ác chỉ là một điều hư ảo. Hãy giữ lòng tự trọng về điều thiện. Và nhất là không được thất vọng. Đừng khinh bỉ những người đàn bà không được làm mẹ, làm thiếu nữ, làm vợ. Không nên thu hẹp tình thương hạn chế chỉ trong gia đình, đừng biến lòng khoan dung thành tính ích kỷ. Bởi vì, thiên đường sẽ vui sướng trước sự hối cải của một người tội lỗi còn hơn cả khi tiếp nhận một trăm người lương thiện không hề phạm tội bao giờ. Chúng ta hãy nỗ lực làm cho thiên đường vui hơn và chắc chắn chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng. Hãy để lại trên những con đường chúng ta đi lòng khoan dung cho tất cả những kẻ mà dục vọng trên cõi đời đã làm hư hỏng. Và có thể họ sẽ may mắn được cứu thoát bở một hy vọng thiêng liêng. Những bà già tốt bụng thường bảo, khi khuyên dùng một thứ thuốc nào đó do các bà tìm ra: "Nếu nó không làm lành bệnh, thì nó cũng không làm cho bệnh nặng thêm". Lòng khoan dung của chúng ta cũng vậy, nếu nó không đem lại được điều tốt lành cho ai, thì cũng chẳng hại ai.

Thực vậy, tôi có vẻ táo bạo khi muốn đưa ra những kết luận to lớn từ một đề tài nhỏ bé. Nhưng tôi là một trong những người tin rằng: "Cái tất cả nằm trong cái nhỏ bé". Đứa bé, tuy nhỏ tuổi nhưng đã hàm chứa trong nó một người lớn rồi. Bộ não tuy hẹp, nhưng đã che chở được tư tưởng. Con mắt tuy chỉ như một điểm nhỏ, nhưng đã ôm trùm vạn dặm.

Ngày đăng: 19/09/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?