Chương IX
Buổi sáng tôi thường đến xưởng của bác Thạch Đầu Đinh để ngắm các cỗ máy mà bác thợ cả tài ba này đang chế tạo. Kể từ khi chú Tốt-bụng đêm đêm tìm tới quở trách bác về cái kết cục buồn thảm tới từ các sáng kiến của bác, và khuyến khích bác chế tạo ra những cơ cấu vận động vì lòng nhân từ chứ không vì nỗi thèm khát hành hình, thì bác thợ mộc ngày càng sống trong khắc khoải và hối hận.
– Tướng công Medardo, vậy thì tôi phải chế tạo loại máy gì bây giờ ? – bác Thạch Đầu Đinh hỏi.
– Đây, để tôi giải thích: chẳng hạn ông có thể...
Thế là chú Tốt-bụng bắt đầu miêu tả cái cỗ máy mà chú sẽ đặt làm, như thể chính mình ở cương vị tử tước chứ không phải cái nửa kia, và chú hỗ trợ bác thợ mộc với những lời giải thích, trong lúc phác thảo ra các thiết kế rắc rối.
Lúc đầu bác Thạch Đầu Đinh cho rằng cỗ máy này chắc là một cây đàn ống, một nhạc cụ khổng lồ với các nút phím khởi động một thứ âm nhạc cực kỳ du dương, thế rồi, khi bác đã sẵn sàng đi tìm loại gỗ thích hợp cho các thanh ống, thì từ một cuộc trao đổi thêm với chú Tốt-bụng, bác trở về với các ý tưởng càng rắc rối hơn nữa, bởi dường như tử tước muốn cho bột mì chứ không phải không khí chuyển động trong các thanh ống. Tóm lại, đó phải là một cây đàn ống, song cũng là một cái cối xay, tán nghiền giúp người nghèo, và thậm chí, nếu được, là một cái lò, để nướng bánh. Chú Tốt-bụng mỗi ngày một cải biến cái ý tưởng của mình và chằng chéo các thiết kế trên hết tờ giấy này đến tờ giấy khác, nhưng bác Thạch Đầu Đinh không thể theo kịp chú: bởi cây đàn ống-máy xay-lò nướng này còn phải kéo nước lên từ miệng giếng mà tiết kiệm sự nhọc nhằn cho lũ lừa, còn phải dời chuyển trên bánh xe để thỏa đáp nhiều thôn xóm, và còn để trong các ngày lễ hội được được treo lơ lửng trên không trung nhằm đón bắt các cánh bướm trong những tấm lưới cài khắp xung quanh.
Bác thợ mộc bắt đầu ngờ rằng con người hẳn không đủ khả năng để kiến tạo ra các cỗ máy tốt-bụng, trong lúc các cỗ máy duy nhất thực sự có khả năng hoạt động một cách cụ thể và chính xác hẳn là các đoạn đầu đài và các công cụ hành hình. Thật vậy, vừa khi chú Xấu-bụng trình bày cái ý tưởng về một cơ cấu mới cho bác Thạch Đầu Đinh nghe, thì lập tức trong tâm trí bác thợ cả hiện ra một phương thức thực hiện, và bác lao vào công trình, vậy là từng chi tiết hiện ra như không thể thay thế và hoàn chỉnh, và cái công cụ làm xong là một kiệt tác về kỹ thuật và tài trí.
Bác thợ cả day dứt: "Phải chăng chính vì cái sự xấu-bụng này trong tâm hồn mà mình chỉ thành công với các cỗ máy ác nghiệt?" Tuy nhiên, hăng say và khéo léo, bác vẫn tiếp tục sáng chế ra những công cụ hành hình khác.
Một hôm, tôi trông thấy bác đang làm việc quanh một kiểu đoạn đầu đài lạ lùng, cái giá treo thì màu trắng, đóng khung một phông gỗ màu đen; còn sợi dây treo cổ, cũng màu trắng, chạy qua hai cái lỗ trên mặt phông gỗ, tại điểm gút của chiếc thòng lọng.
– Bác thợ cả lão luyện ơi, cỗ máy này dùng làm gì vậy hả bác? – tôi hỏi.
– Một cái giá để treo cổ theo chiều nghiêng – bác nói.
– Thế bác dựng lên để dành cho ai đấy?
– Cho một người duy nhất, vừa kết án lại vừa bị kết án. Nửa cái đầu thì kết án tử hình chính mình, còn nửa kia thì chui vào tròng thòng lọng mà trút hơi thở cuối cùng. Bác có ý để cho thiên hạ lẫn lộn giữa nửa này và nửa kia.
Tôi hiểu rằng chú Xấu-bụng, cảm thấy cái nửa tốt-bụng của chính mình ngày càng được lòng bàn dân thiên hạ, đã bày ra để triệt hạ chàng ta một cách sớm nhất.
Thật vậy, chú Xấu-bụng triệu tập các viên đốc hiệu tới và bảo rằng:
– Một tay du thủ du thực, hành vi mờ ám, đã từ quá lâu nay quấy nhiễu trên lãnh thổ chúng ta, gieo rắc mối bất hòa. Trong vòng ngày mai, các ông hãy bắt cho bằng được cái tay đạo chích này và giao cho ta xử tử.
– Xin thừa lệnh tướng công – các viên đốc hiệu trả lời và rời bước.
Hụt mất một con mắt, chú Xấu-bụng không nhận ra rằng trong lúc trả lời họ đã nháy mắt với nhau.
Cần biết rằng một kế hoạch lật đổ đã được hoạch định trong những ngày ấy, và các viên đốc hiệu cũng dự phần. Tống giam và hạ bệ nửa tử tước hiện hành, rồi giao tòa lâu đài và chức vị cho nửa kia. Song cái nửa kia không biết gì. Đêm xuống, trong cái vựa trú ngụ của mình, chàng thức giấc và thấy mình bị các viên đốc hiệu bao quanh.
– Xin ngài đừng sợ – viên đốc hiệu trưởng nói – vị tử tước đã gửi chúng tôi tới đây hạ thủ ngài, nhưng chúng tôi, mệt mỏi về sự hung ác bạo chúa của chàng ta, đã quyết định hạ thủ chàng ta và đưa ngài lên thay.
– Tai ta có nghe nhầm không? Các ông đã làm chuyện đó rồi à? Ta muốn nói: các ông đã hạ thủ vị tử tước rồi à?
– Chưa, song chúng tôi nhất quyết sẽ thực hiện vào sớm mai.
– Chao ôi! Tạ ơn trời! Không, các ông đừng vấy thêm máu nữa, nó đã đổ quá nhiều rồi. Một tướng công được đưa lên từ tội ác, thì có gì mà tốt lành?
– Không sao: chàng ta sẽ bị giam trong tòa tháp, thế là chúng ta có thể yên tâm.
– Đừng động đến chàng ta, cũng không động đến một ai, ta khẩn nài các ông! Ta cũng đau lòng về sự chuyên quyền của vị tử tước: song dầu sao không có phương thuốc nào khác hơn là nêu gương tốt cho chàng ta, cho chàng ta thấy thế nào là hòa nhã và đức hạnh.
– Vậy thì chúng tôi buộc phải hạ thủ ngài, tướng công ạ!
– Không được! Ta đã nói là các ông không được hạ thủ bất kỳ một ai.
– Phải làm sao đây? Nếu chúng tôi không hạ bệ vị tử tước thì chúng tôi phải tuân lệnh ông ta.
– Các ông hãy cầm lấy cái lọ này. Nó chứa vài lạng dầu cuối cùng còn lại của tôi, một thứ dầu xức mà các nhà tu khổ hạnh xứ Bohemia đã dùng để chữa lành cho tôi, và cho đến lúc này, hết sức quý báu cho cái vết sẹo vô lường này của tôi khi thời tiết thay đổi. Các ông hãy mang đến cho vị tử tước và bảo ông ta chỉ một điều: đó là món quà của một người, biết thế nào là chuyện các tĩnh mạnh của mình bị đóng nút.
Các viên đốc hiệu mang cái lọ tới tử tước và tử tước kết án họ phải lên đoạn đầu đài. Để giải cứu các viên đốc hiệu, những người khác tham gia trong kế hoạch quyết định nổi dậy. Vụng về, họ để lộ tin tức, thế là họ bị dìm trong bể máu. Chú Tốt-bụng mang hoa đặt trên các ngôi mộ, an ủi các bà quả phụ và các đứa trẻ mồ côi.
Người không bao giờ để mình động lòng trước sự nhân từ của chú Tốt-bụng là u già Sebastiana. Chú Tốt-bụng, trong chuyến hành đạo đầy nhiệt huyết của mình, thường ghé vào gian nhà lán của u già, hỏi thăm u, lúc nào cũng hòa nhã và chu đáo. Và u, mỗi bận đều khởi động một cuộc quở trách. Có lẽ xuất phát từ cái tình cảm mẫu tử không phân biệt, có lẽ bị tuổi già bắt đầu làm lờ mờ các ý nghĩ, nên u không quan tâm lắm đến sự bị tách biệt thành hai nửa của chú Medardo: u quát mắng nửa này vì các điều khốn khổ gây ra từ nửa kia, u nêu ra các lời khuyên cho nửa kia mà chỉ có nửa này mới có thể noi theo .
– Tại sao cậu lại đi cắt cổ con gà trống của bà ngoại Bigin, tội cho bà lão, chỉ có mỗi một con? Cậu đã to đầu nhớn xác mà vẫn còn làm cái trò đó à...
– Nhưng tại sao u lại nói với con? U biết đó không phải là con mà...
– Chao ơi! Đẹp mặt chưa! Thế thì thử nghe xem thủ phạm là ai?
– Là con, nhưng...
– Đấy! Thấy chưa!
– Nhưng không phải là con, kẻ...
– Này, đừng tưởng u già rồi nên cũng mụ người đấy. U ấy à, khi nghe kể về một số điều tai ác nào đó thì u hiểu ngay ra cái nào là của cậu. U tự nhủ: chắc là phải có bàn tay của thằng Medardo...
– Nhưng u lúc nào cũng cũng nhầm...!
– Nhầm à... những người trẻ các cậu bảo các người già chúng tôi rằng chúng tôi nhầm... thế còn các cậu? Này nhé, cậu đã mang cái nạng của mình mà đi tặng cho lão Isidoro...
– Vâng, đúng là con đấy...
– Cậu hãnh diện à? Lão đã dùng cái nạng đó để phang vợ lão đấy, khổ thân bà ta...
– Lão đã nói với con là vì bị bệnh gút nên lão không thể tự bước đi...
– Lão giả vờ đấy... Và cậu ngay lập tức đã tặng chiếc nạng... Giờ thì lão đã đập gãy nó trên lưng bà vợ rồi, còn cậu thì đang chống cái chạng cây... đầu cậu để đâu, cậu là vậy đấy! Lúc nào cũng thế! Thế còn cậu đã chuốc rượu cồn con trâu của bác Bernardo say mèm hồi nào?...
– Đó không phải là con...
– À, vậy hả, không phải là con! Vậy mà mọi người đều nói đấy, lúc nào cũng là chàng ta, vị tử tước!
Những chuyến viếng thăm thôn Bãi Nấm đều đều của chú Tốt-bụng được thúc đẩy bởi sự thể là, bên cạnh một kiểu tình cảm gắn bó của con cái đối với u già, khoảng thời gian đó, chú đã hiến mình cho cuộc trợ giúp những người cùi khốn khổ. Được miễn dịch với căn bệnh này (trước giờ, dường như thế, nhờ các cách chữa trị bí ẩn của các nhà tu khổ hạnh), chú rảo khắp thôn Bãi Nấm, tẩn mẩn thâu thập tin tức về nhu cầu của mỗi người, ráo riết bám theo họ cho tới khi mình đã hào phóng mở lòng với họ qua hết mọi cách. Chú thường ngồi trên lưng con la của mình, qua qua lại lại giữa thôn Bãi Nấm và căn nhà đá của bác sĩ Trelawney, hỏi ý kiến và xin thuốc men. Lúc này, bác sĩ bắt đầu quan tâm đến người cùi, không phải vì đã có gan tiếp cận họ, mà nhờ sự trung gian của chú Medardo tốt-bụng.
Tuy nhiên, chủ ý của chú tôi nhằm xa hơn: không chỉ đề xuất các cách chữa trị cho thân thể người cùi mà còn cho tâm hồn của họ. Thế nên lúc nào chú cũng ở giữa họ mà hành đạo, mà xía vào chuyện của họ, mà tự chướng tai gai mắt, và tuôn ra các lời thuyết giáo. Người cùi chịu không nổi chú. Cái thời đê mê và phóng đãng ở thôn Bãi Nấm đã chấm dứt. Cùng với cái hình bóng mỏng teo, thẳng tắp trên cái cẳng chân độc nhất, y phục đen, long trọng và dạy đời, không ai có thể thực hiện các khoái lạc của mình mà không bị tố cáo trên quảng trường, kích động ác tâm và hiềm thù. Ngay cả âm nhạc – trong cái cơn điên tiết phải nghe nhiếc mắng là phù phiếm, dâm tục và không hứng gợi tình cảm tốt lành – cũng đến với họ trong tẻ nhạt, thế là các nhạc cụ lạ lùng của họ bị phủ đầy bụi bặm. Các phụ nữ cùi, không còn cuộc xả láng truy hoan, đột nhiên thấy mình đơn độc đối diện với căn bệnh, và họ trải qua những buổi tối nức nở và tuyệt vọng.
– Trong hai nửa, thì cái nửa tốt-bụng tệ hơn cái nửa xấu-bụng – Người ta bắt đầu than thở ở thôn Bãi Nấm.
Song niềm ngưỡng mộ chú Tốt-bụng không chỉ đang bị những người cùi đem ra chế giễu.
– May là cái quả đạn thần công đã chỉ chẻ ông ta ra làm đôi – ai cũng nói – nếu bị chẻ ra làm ba thì không biết chúng ta còn phải chứng kiến những trò gì nữa đây.
Các tín đồ Huguenot, để tự vệ, lúc này thay phiên nhau canh chừng ngay cả đến chú, kẻ giờ đây chẳng còn tôn trọng họ nữa, và tìm tới họ vào mọi giờ, dò xét xem trong kho còn bao nhiêu bao thóc, buông ra những lời rao giảng về giá cả quá cao, rồi sau đó đi đây đi đó kể lại, làm hỏng toi việc buôn bán của họ.
Ngày tháng ở xứ Rạng Đông trôi qua như thế, và tình cảm của chúng tôi trở nên nhạt thếch và cùn nhụt, bởi chúng tôi cảm thấy mình như thể bị mất hút giữa ác hiểm và đức hạnh, đều phi nhân như nhau.