Chương VIII
Từ khi mọi người biết nửa kia của tử tước đã trở về, cái nửa tốt-bụng đối lại cái nửa trước xấu-bụng, cuộc sống tại xứ RạngĐông đổi khác rất nhiều.
Sáng sáng tôi theo bác sĩ Trelawney đi một vòng thăm viếng người bệnh; bởi dần dà ông trở lại thực hành nghề bác sĩ, và nhận ra tình trạng đau yếu mà người dân xứ chúng tôi đang chịu đựng, do thể tạng bị tổn hại sau các trận đói kém kéo dài, những bệnh tật mà trước giờ người ta chưa từng chữa trị.
Chúng tôi đi trên những con đường làng và trông thấy dấu hiệu chú tôi đã đi qua trước đó. Chú tôi, tôi muốn nói, cái nửa tốt-bụng, mỗi sáng cũng đi một vòng, không chỉ thăm viếng người bệnh, mà còn thăm viếng kẻ nghèo khó, già cả, và những ai cần sự giúp đỡ.
Trong vườn cây ăn quả nhà bà Bacciccia, trên cây lựu, mỗi trái chín được bó bằng một cái túi nhỏ, miệng thắt nút. Chúng tôi hiểu rằng bà Bacciccia đang bị đau răng. Chú tôi đã bó những trái lựu ấy để chúng không bị nứt vỡ và lở hạt khi chủ nhân đang bị đau chưa thể ra hái; song cũng như thể để báo cho bác sĩ Trelawney hãy vào thăm người bệnh với chiếc kìm nhổ răng.
Thầy bề trên Cecco có một cây hướng dương trên sân thượng, èo uột đến mức chưa từng nở hoa. Sáng hôm ấy chúng tôi trông thấy có ba con gà mái bị buộc vào các chấn song, chúng đang cật lực vung mỏ mổ thóc và thải ra các viên phân trắng vào chậu cây. Chúng tôi hiểu, ắt thầy bề trên đang bị đi tiêu chảy. Chú tôi đã cột các con gà ở đó để chúng bón phân cho cây hướng dương, song cũng để báo cho bác sĩ Trelawney biết về một ca bệnh khẩn cấp.
Trên các bậc thang nhà cụ Giromina, chúng tôi trông thấy một hàng ốc sên đang bò lên cửa: loại ốc sên to, ăn được khi đã nấu chín. Đó là một món quà của rừng xanh mà chú tôi đem tặng cụ Giromina, nhưng cũng là một dấu hiệu bảo rằng bệnh đau tim của bà lão đáng thương đang trở nặng, bác sĩ phải bước vào cửa nhẹ nhàng để bà không giật mình.
Chú Medardo tốt-bụng sử dụng tất cả các dấu hiệu truyền thông này để bệnh nhân không phát hoảng vì một toa điều trị quá đột ngột của bác sĩ, cũng như để bác sĩ có ngay một ý tưởng về điều mình sẽ xử lý trước khi bước vào, và như thế, vượt qua được sự ngại ngùng mà đặt chân sang nhà người khác, tiếp cận các bệnh nhân mà mình không biết mang bệnh gì.
Bất chợt có tiếng báo động truyền khắp thung lũng:
– Chàng Xấu-bụng! Chàng Xấu-bụng đang tới!
Đó là cái nửa trước của của chú tôi, bị phát hiện đang phi ngựa tại một khu vực lân cận. Thế là mọi người đều chạy đi ẩn nấp, trước hết mọi người là bác sĩ Trelawney, và tôi bám theo sau.
Chúng tôi chạy ngang nhà bà Giromina, trên các bậc thang có một vằn sọc ốc sên bị giập nát: toàn bộ là nước dãi và mảnh vỏ.
– Chàng ta đã phi qua đây rồi! Nhanh chân lên!
Trên sân thượng nhà thầy bề trên Cecco, các con gà lúc này bị cột vào cái tấm lưới mắt cáo đang phơi các quả cà chua, thế là chúng đang vấy bẩn toàn bộ cái của trời cho ấy.
– Nhanh chân lên!
Trong vườn cây nhà bà Bacciccia, trên mặt đất: mọi quả lựu đều bị giập vỡ thành từng mẩu, và trên cành: lủng lẳng những cái cuống với chiếc túi nhỏ trống rỗng.
– Nhanh chân lên!
Cho nên cuộc sống của chúng tôi chuyển trôi giữa lòng bác ái và nỗi kinh hoàng. Chàng Tốt-bụng (như người ta gọi cái nửa trái của chú tôi để tương phản với chàng Xấu-bụng: cái nửa kia của chú) giờ đây đã được coi như là bậc thánh. Kẻ tật nguyền, người khốn khó, phụ nữ bị phụ bạc, tất cả những ai đau khổ đều tìm tới chú. Chú có thể lợi dụng chuyện đó và tự mình trở thành tử tước. Thế mà chú tiếp tục làm kẻ lang thang, xuất hành với chiếc áo choàng đen rách bươm quấn nửa người, khệnh khạng chiếc nạng, đi vớ trắng sọc xanh đầy chỗ vá, hành đạo tốt-bụng vừa cho kẻ yêu cầu chú, lẫn cho kẻ lỗ mãng xua đuổi chú. Thế là không một con cừu bị gãy cẳng trong khe núi, không một bợm nhậu rút dao ra trong tửu quán, không một cô vợ tằng tịu nào đang đêm chạy tới người tình mà không trông thấy chú xuất hiện tại đó, như thể từ trên trời đáp xuống, đen ngòm, khẳng khiu, cười hiền hòa giúp đỡ, nêu lên những lời khuyên tốt-bụng, ngăn cản bạo hành và tội tỗi.
Pamela lúc nào cũng ở trong rừng. Cô tự làm cho mình một chiếc xích đu giữa hai cây thông, và một chiếc khác dày chắc hơn cho con dê, rồi một chiếc nữa mỏng nhẹ cho con vịt, thế là cô trải qua hàng giờ đu đưa cùng với hai con vật của mình. Song vào một giờ nhất định, khập khiễng giữa hàng thông, chú Tốt-bụng tới, một cái bị buộc trên vai. Đó là đồ đạc, thu thập từ người ăn mày, từ đứa trẻ mồ côi, từ kẻ bệnh hoạn đơn côi trên thế gian, mà chú mang đi giặt giũ và khâu vá; chú nhờ Pamela làm hộ, cũng để trao cho cô một cơ hội thực hiện điều tốt-bụng. Pamela, ở trong rừng mãi đâm chán, ra suối giặt giũ đồ đạc, và chú giúp cô. Sau đó cô đem phơi tất cả những thứ ấy trên những sợi dây buộc xích đu, còn chú Tốt-bụng thì ngồi trên một tảng đá đọc bản trường ca Giêrusalem Giải phóng [1]cho cô nghe.
Pamela chẳng quan tâm chút nào đến đọc sách, cô nằm dài trên bãi cỏ, tự bắt chấy rận (sinh hoạt trong rừng nên người cô đã bị một số kha khá các con vật bé tí này tấn công), gãi gãi với một cành thực vật tên gọi CọMông, ngáp vắn ngáp dài, hất sỏi lên không trung bằng đôi chân trần, và ngắm nghía ước lượng cặp đùi hồng hào mập mạp. Chú Tốt-bụng, không rời con mắt khỏi quyển sách, tiếp tục ngâm nga hết đoạn bát cú này đến đoạn bát cú khác, có ý phong nhã hóa tập quán cô thôn nữ.
Song cô gái, không theo dõi đầu đuôi, thấy chán, êm êm lặng lặng thúc con dê liếm cái khuôn mặt một-nửa của chú Tốt-bụng và khều con vịt ngồi lên quyển sách. Chú Tốt-bụng bật ngửa người về đằng sau, giơ quyển sách lên gấp lại; song ngay vào lúc đó thì chú Xấu-bụng, từ một rặng cây, băng ra vùn vụt, vung cái lưỡi liềm lớn nhào vào chú Tốt-bụng. Lưỡi liềm phạt trúng quyển sách, sẻ dọc làm đôi ngọt lịm. Phần gáy nằm lại trong tay chú Tốt-bụng, phần bị đứt: hàng ngàn nửa trang sách phấp phới trên không trung. Chú Xấu-bụng phi nước đại biến mất; chắc chắn chú ta đã có ý đồ chặt phứt nửa chiếc đầu của chú Tốt-bụng, song con dê và con vịt đã hiện ra lù lù đúng vào khoảnh khắc đó. Các trang sách Tasso lề trắng, và các vần thơ bị chẻ đôi tung bay theo gió, đáp trên các cành thông, ngọn cỏ, và mặt nước suối. Từ mỏm một gò đất, Pamela ngắm nhìn những trắng và trắng tung bay, thốt lên:
– Ồ, thật là ngoạn mục!
Vài nửa trang sách bay tới tận con đường mòn nơi bác sĩ Trelawney và tôi đang đi. Bác sĩ chộp lấy một trang, lật qua lật lại, tìm cách diễn giải các câu thơ không đầu hoặc không đuôi, và gục gặc mái đầu:
– Chẳng hiểu gì cả... zzt... zzt... zzt...
Danh tiếng chú Tốt-bụng còn vang tới các tín đồ Huguenot, và người ta thường trông thấy cụ Ezechiele dừng lại trên cái nền đất cao nhất trong khu vườn nho vàng vọt, dõi nhìn con đường đá từ thung lũng đâm lên.
– Thưa cha – một trong những đứa con nói – con thấy cha đưa mắt xuống thung lũng như thể đang ngóng chờ ai đó.
– Về kẻ cha ngóng chờ – cụ Ezechiele trả lời – cái con-người-công-tâm: cha ngóng chờ trong tin tưởng; còn cái con-người-thất-tâm, trong kinh hãi.
– Thưa cha, có phải kẻ cha ngóng chờ là cái chàng Cà-khật-vì-chân-kia không ạ?
– Con đã nghe nói về chàng ta à?
– Dưới thung lũng, ngoài chàng Què-thuận-tay-trái, thiên hạ không nói chuyện gì khác. Cha có nghĩ là chàng ta sẽ lên tới tận trên này không?
– Nếu mảnh đất này là của người sống trong sự tốt-bụng, mà chàng ta sống trong sự tốt-bụng, thì không có lý do gì để chàng ta không tới.
– Con đường đá này quá dốc cho kẻ buộc phải chống nạng đi lên.
– Thế mà đã có một kẻ HổngGiò, tìm được một con ngựa, đang phi lên đây.
Nghe cụ Ezechiele nói, các tín đồ Huguenot khác len lỏi chui ra từ những rặng nho và tề tựu xung quanh cụ. Trước những lời ám chỉ về tử tước, họ rùng mình im phăng phắc.
– Thưa cha Ezechiele của chúng con – họ nói – đêm đó, khi cái gã MỏngTeo tới, và sét đánh cháy rụi một nửa cây sồi, cha bảo rằng có lẽ rồi sẽ có một ngày chúng ta được một kẻ lữ hành cao đẹp đến thăm.
Cụ Ezechiele gật gù tán thành, chòm râu nhích xuống tận ngực.
– Thưa cha, cái chàng được đề cập bây giờ là một kẻ cũng QuèCụt, song tương phản với kẻ kia, về cả cơ thể lẫn tâm hồn: thương xót thay vì tàn nhẫn. Ắt đó là người khách viếng mà cha đã dự báo?
– Mỗi lữ khách trên mỗi ngả đường đều có thể là người đó – cụ Ezechiele nói – cho nên, chàng ta cũng thế.
– Vậy thì chúng con hy vọng đó là chàng ta – các tín đồ Huguenot nói.
Cụ bà Ezechiele, mắt đăm đăm nhìn thẳng ra đằng trước, đẩy chiếc xe cút kít tải cành nhánh cây nho đi tới.
– Chúng ta luôn luôn hy vọng mọi điều tốt lành – bà nói – ngay cả khi cái kẻ đang khập khà khập khễnh trên các quả đồi xứ này chỉ là một thương binh tàn phế đáng thương, một linh hồn tốt-bụng hay một linh hồn xấu-bụng, thì chúng ta mỗi ngày vẫn cứ phải tiếp tục xử sự theo công lý và cấy trồng các cánh đồng của chúng ta.
– Điều này thì chúng con đã hiểu – các tín đồ Huguenot nói – chúng con có nói gì hàm ý trái ngược đâu?
– Tốt, nếu mọi người đồng ý – cụ bà nói – mọi người có thể quay trở về với cuốc xẻng và đinh ba của mình.
– Dịch bệnh và đói kém! – cụ ông Ezechiele buột miệng quát lên. Ai đã bảo các con ngưng cày ngả cuốc?
Các tín đồ Huguenot tản ra các rặng nho, tìm tới các dụng cụ bỏ lại trên những luống đất, nhưng trong lúc đó Esaù, thấy cha mình lơ là, đã trèo lên cây sung, ngồi ăn quả còn hơi xanh, hô lớn:
– Ô, dưới kia kìa! Có ai đang cưỡi la đang đi lên đấy.
Thật vậy, một con la đang leo dốc, cài trên yên thồ là một người nửa-thân. Đó là chú Tốt-bụng, đã tậu con vật già trơ xương này, vào dịp nó sắp bị dìm chết trong một dòng suối, bởi nó ốm o gầy mòn đến nỗi ngay cả một kẻ mổ thịt cũng không biết dùng để làm gì.
"Ờ, ta chỉ nặng bằng nửa một người – chú tự nhủ – con la già này vẫn đỡ nổi ta. Và như thế ta cũng có cái để mà cưỡi, để mà có thể đi tới những nơi xa xôi nhất mà hành đạo tốt-bụng". Thế là, chuyến đi đầu tiên, chú tìm tới các tín đồ Huguenot.
Họ đứng nghiêm, dàn hàng, hát một bài thánh ca đón tiếp chú. Sau đó cụ ông tiến tới chào chú như chào một người anh em. Chú Tốt-bụng bước xuống con la, đáp lễ một cách trọng thể trước cuộc chào mừng này, chú hôn tay cụ bà Ezechiele đang đứng nghiêm khắc và nghiêm trang; chú hỏi han sức khỏe tất cả mọi người; đưa tay xoa mái tóc rễ tre của Esaù, cu lỏi rụt người lại; bảo họ thuật lại chuyện bị bức hại, tỏ vẻ xúc động và phản đối. Tất nhiên, họ kể mà không nhấn mạnh vào cuộc tranh luận tôn giáo, như thể đó là cái chuỗi bất hạnh có thể quy vào sự xấu-bụng nói chung của con người. Chú Medardo lướt qua sự thể các sự bức hại đã bắt nguồn từ phía giáo hội mình đang trực thuộc, còn phần họ, các tín đồ Huguenot, không khư khư những khẳng định đức tin, cũng vì sợ rằng mình sẽ nêu lên những điều sai lầm về thần học. Cho nên, cuối cùng họ đưa ra các diễn ngôn chung chung thắm đượm tình bác ái, lên án mọi thứ bạo động và mọi tính chất quá đáng. Tất cả đều đồng ý, song về toàn thể thì có phần lạnh hanh.
Sau đó, chú Tốt-bụng đi thăm đồng ruộng, xót xa vì những vụ thu hoạch ít ỏi, và hài lòng là ít ra họ đã có một năm lúa mạch đen khá được mùa.
– Thế các vị bán bao nhiêu?- chú hỏi.
– Ba hào một giạ – cụ Ezechiele nói.
– Ba hào một giạ à? Người nghèo ở RạngĐông đang chết đói, quý vị ạ, họ không thể mua nổi đến một nắm. Có lẽ quý vị không biết là, dưới thung lũng, mưa đá đã tàn phá vụ mùa lúa mạch đen, và chỉ có quý vị mới có thể vực dậy rất nhiều gia đình đang đói kém đấy.
– Chúng tôi biết chứ – cụ Ezechiele nói – cũng do đấy mà chúng tôi có thể bán được nhiều...
– Nhưng quý vị hãy rủ lòng bác ái đối với những kẻ khốn khó ấy, nếu quý vị giảm giá lúa mạch đen thì... Hãy nghĩ đến các việc tốt-bụng mà quý vị có thể thực hiện...
Cụ Ezechiele dừng lại, đứng khoanh tay trước chú Tốt-bụng, tất cả các tín đồ Huguenot đều làm theo cụ.
– Thực thi tình bác ái, người anh em ạ! – cụ nói – không có nghĩa là xét lại giá cả.
Chú Tốt-bụng rảo đi khắp cánh đồng và chứng kiến những tín hữu Huguenot già lão, gầy trơ xương, đang cày cày cuốc cuốc dưới trời nắng chang chang.
– Sắc diện cụ xanh xao – chú nói với một lão già với bộ râu dài đến mức lão cuốc lên trên đó – có lẽ cụ không được khỏe thì phải?
– Khỏe như một kẻ thất tuần cảm thấy khi cày cuốc mười tiếng với một đĩa xúp củ cải bỏ bụng.
– Đó là cậu em con chú của tôi – cụ Ezechiele nói – một anh hùng lao động.
– Nhưng người già như cụ phải được nghỉ ngơi và bồi dưỡng – chú Tốt-bụng nói, tuy nhiên, cụ Ezechiele đột ngột kéo chú ra khỏi đó.
– Mọi người chúng tôi ở đây kiếm miếng cơm hết sức vất vả, người anh em à – cụ nói với một giọng nói không chấp nhận lời đáp trả.
Lúc nãy, vừa mới xuống la, chú Tốt-bụng đã chủ động tự mình buộc con vật, và yêu cầu một túi cỏ khô để lấy lại sức cho nó sau chuyến lên dốc. Cụ Ezechiele và vợ cụ đã đưa mắt nhìn nhau, bởi theo hai ông bà thì với một con la như thế chỉ cần một nhúm rau diếp dại; song họ đang ở trong giây phút nồng nhiệt nhất của buổi tiếp đón vị khách, và đã cho mang túi cỏ khô tới. Tuy nhiên, bây giờ, nghĩ lại, cụ Ezechiele thấy thực không thể chấp nhận sự thể cái con la chỉ còn như cái xác này lại ăn mất một phần cỏ khô mà họ chỉ có chút ít; không để cho vị khách nghe thấy, họ gọi Esaù và bảo:
– Esaù, con hãy nhẹ nhàng tới chỗ con la, lấy cỏ khô đi và cho nó một thứ khác.
– Nước sắc cho bệnh suyễn hả bố?
– Cùi ngô, bã đậu xanh, cái gì đó tùy con.
Esaù đi tới đó, lấy cái bị khỏi con la và buông ra một cú đá khiến con vật bước đi loạng choạng một đoạn. Cu cậu giấu đi phần cỏ khô còn lại để đem đi bán riêng, và bảo rằng con la đã ăn hết rồi.
Trời hoàng hôn. Chú Tốt-bụng đang ở giữa cánh đồng cùng với các tín đồ Huguenot, họ không biết nói gì với nhau nữa.
– Chúng tôi còn trọn một giờ trước mắt để làm việc, quý khách ạ – bà Ezechiele nói.
– Thế thì cho tôi xin phép.
– Chúc quý khách may mắn.
Và chú Tốt-bụng quay trở lại con la.
– Một thương bệnh binh đáng thương – cụ bà nói, khi chú đã rời bước. Ôi!không biết còn bao nhiêu kẻ đáng thương như thế ở vùng này!
– Thực vậy, đáng thương – mọi người trong gia đình đồng tình.
– Dịch bệnh và đói kém!
Băng băng bước đi trên cánh đồng, cụ Ezechiele quát to, hai nấm tay vung ra trước những chỗ đất bị làm hỏng và chịu tác hại của hạn hán.
– Dịch bệnh và đói kém!
Giải thích:
1. La Gerusalemme liberata: tên bản trường ca của nhà thơ Ý Torquato Tasso (1544 – 1595).