Gửi bài:

Chương 15

XV.

"Đây chính là một phép thử. Thái độ của chúng ta với vụ việc này này sẽ quyết định chúng ta là ai.

Chúng ta phải tấn công vào thói ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân phản xã hội trong con người Howard Road bởi vì chúng chính là tai họa của thế giới hiện đại này và chúng đã phô bày những hậu quả khủng khiếp thông qua Howard Road. Như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, công tố của hạt hiện đang giữ một bằng chứng - chúng tôi không thể tiết lộ nội dung của nó vào lúc này - và nó sẽ là bằng chứng kết luận chắc chắn rằng Roark có tội. Bây giờ, chúng ta, công chúng, có quyền đòi hỏi công lý."

Đoạn trên xuất hiện trong mục Một tiếng nói nhỏ vào một buổi sáng cuối tháng Năm. Gail Wynand đọc nó khi ông đang trong ô-tô về nhà từ sân bay. Ông đã bay đến Chicago để cố gắng thuyết phục lần cuối cùng một khách hàng vừa từ chối gia hạn một hợp đồng quảng cáo trị giá ba triệu đô. Hai ngày làm việc với mọi mánh lới nghề nghiệp đã thất bại; Wynand đã mất vị khách này. Khi bước ra khỏi máy bay ở Newark, ông nhặt lên vài tờ báo phát hành ở New York. Xe đang đợi để đưa ông về nhà ở ngoại ô. Sau đó thì ông đọc mục Một tiếng nói nhỏ.

Trong khoảnh khắc, ông tự hỏi mình đang cầm tờ báo nào vậy. Ông nhìn vào cái tên ở phía trên của trang báo. Nhưng đúng là tờ Ngọn cờ, và đúng là mục báo này, ở đúng vị trí của nó, cột đầu tiên, trang đầu tiên, phần thứ hai.

Ông nhổm người lên phía trước và bảo lái xe quay lại trụ sở làm việc. Ông ngồi trong xe với tờ báo trải rộng trong lòng, cho đến khi chiếc xe dừng lại trước tòa nhà Ngọn cờ.

Ông nhập ra điều đó ngay lập tức, khi ông bước vào trong tòa nhà. Trong cặp mắt của hai phóng viên vừa bước ra từ thang máy của sảnh chính; trong tư thế của người trực thang máy - anh ta phải cố gắng để không quay đầu nhìn ông; trong sự chững lại thình lình của tất cả mọi người đang ngồi trong phòng đợi khi thấy ông; trong sự đứt đoạn của tiếng máy chữ trên bàn một thư ký; trong bàn tay giơ lên lơ lửng trong không trung của một thư ký khác - ông thấy sự chờ đợi. Và rồi ông biết rằng tất cả mọi người trong tòa soạn đều đã biết cái điều không-thể-xảy-ra với tờ báo của ông.

Ông cảm thấy hơi sốc; bởi vì sự chờ đợi xung quanh ông chứa đựng những câu hỏi về chuyện sắp xảy ra giữa ông và Ellsworth Toohey.

Nhưng ông không có thời gian để ý đến phản ứng của bản thân. Ông không thể chú ý đến bất cứ việc nào khác ngoài cảm giác toàn thân căng lên; một sức ép đang áp xuống mặt ông, lên răng, lên má, lên sống mũi - và ông biết rằng ông phải đẩy nó ra, đè nó xuống và giữ nó ở đó.

Ông không chào hỏi một ai cả và đi thẳng vào phòng làm việc của mình. Alvah Scarret ngồi sụm người trong một chiếc ghế trước bàn làm việc của ông. Cổ Scarret có dính một miếng gạc trắng, hai má thì đỏ bừng. Wynand dừng lại ở giữa phòng. Những người ở bên ngoài đã thấy nhẹ nhõm vì mặt Wynand có vẻ rất bình tĩnh. Nhưng Alvah Scarret thì biết rõ.

"Gail, tôi đã không ở đây," cái tiếng thì thầm không thành lời của Scarret bị tắc nghẹn. "Tôi không ở đây hai ngày qua. Tôi bị viêm thanh quản, Gail. Hỏi bác sĩ của tôi thì biết. Tôi đã không ở đây. Tôi vừa ra khỏi giường bệnh, nhìn đây này, một trăm linh ba độ,[165] tôi bị sốt, ý tôi là, bác sĩ không muốn nhưng tôi vẫn cố dậy, ý tôi là, Gail, tôi đã không ở đây, tôi đã không ở đây!"

Ông cũng không chắc là Wynand có nghe ông nói không. Nhưng Wynand đã để cho ông nói hết, rồi sau đó ra vể như đã nghe thấy; cứ như thể là âm thanh có đến tai Wynand nhưng hơi trễ. Sau một giây, Wynand hỏi:

"Ai ngồi ở bàn thư ký tòa soạn?"

"Là... là Alien và Falk."

"Đuổi việc Harding, Alien, Falk và Toohey. Đền bù cho Harding. Nhưng Toohey thì không. Đuổi tất cả bọn chúng ra khỏi tòa nhà này trong vòng 15 phút."

Harding là tổng thư ký tòa soạn; Falk là trợ lý biên tập; Alien, người cao gầy, là trưởng ban biên tập; tất cả bọn họ đều đã làm việc cho tờ Ngọn cờ hơn mười năm. Scarret cảm thấy ông vừa được nghe một bản tin thông báo về tội phản quốc của một vị tổng thống, về việc sao chổi vừa phá hủy thành phố New York và bang California vừa bị chìm xuống lòng Thái Bình dương."

"Gail!" ông gào lên. "Chúng ta không thể!"

"Cút ngay."

Scarret đi ra.

Wynand bấm một nút trên bàn làm việc và đáp lại giọng nói run run của bà thư ký.

"Không tiếp bất cứ ai."

"Vâng, thưa ngài Wynand."

Ông lại bấm một nút và nói chuyện với người phụ trách phát hành:

"Dừng việc phân phối tờ Ngọn cờ trên đường phố."

"Thưa ngài Wynand, bây giờ đã quá muộn! Hầu hết đã..."

"Dừng chúng lại."

"Vâng, thưa ngài Wynand."

Ông muốn gục đầu xuống bàn, ngồi yên và nghỉ; có điều trạng thái nghỉ mà ông cần lại không tồn tại; đấy là một trạng thái còn hơn cả ngủ, hơn cả chết; nó là việc nghỉ khỏi toàn bộ sự tồn tại từ trước tới nay. Ước muốn đó như một lời chế nhạo thầm kín với bản thân ông, bởi vì ông biết cái sức ép lên hai thái dương như thể đang tách đôi hộp sọ của ông đang nói với ông điều ngược lại; nó thôi thúc phải hành động; nó quá mạnh đến mức ông cảm thấy như bị tê liệt. Ông dò dẫm tìm vài tờ giấy trắng, quên mất là ông để chúng ở đâu. Ông phải viết một bài xã luận để giải thích và phản công lại. Ông phải nhanh lên mới được. Ông không thể nghỉ ngơi trước khi bài báo đó được viết ra.

Cái sức ép trên hộp sọ biến mất khi ông đặt bút viết chữ đầu tiên lên giấy. Ông nghĩ - trong khi tay vẫn dịch chuyển rất nhanh - từ ngữ có quyền lực thật lớn; trước hết là quyền lực đối với người viết ra chúng, và sau đó là quyền lực đối với những người đọc chúng; một thứ quyền lực có tác dụng hàn gắn các vết thương, một giải pháp, giống như việc phá vỡ một rào cản. Ông nghĩ, có lẽ cái bí mật cơ bản nhất mà các nhà khoa học không bao giờ tìm ra được - cái mạch nguồn đầu tiên của sự sống - chính là cái xảy ra khi một ý nghĩd cô định hình thành một từ.

Ông nghe thấy những tiếng rùng rùng, những xung động trên các bức tường trong văn phòng và trên sàn nhà. Những máy in đang in tờ báo buổi chiều của ông, một tờ báo nhỏ có tên Kèn hiệu. Ông mỉm cười với những âm thanh. Tay ông đưa nhanh hơn, như thể những âm thanh của máy in đã bơm năng lượng vào các ngón tay ông.

Ông đã bỏ qua cái đại từ "chúng tôi" quen thuộc trong các bài xã luận. Ông viết: "... Và nếu các bạn đọc của tôi hoặc kẻ thù của tôi muốn cười nhạo tôi về sự việc này, tôi xin chấp nhận sự cười nhạo đó và coi nó như khoản tiền trả cho một món nợ mà tôi mang. Tôi đáng bị như vậy."

Ông nghĩ: Trái tim của tòa nhà này đang đập - mấy giờ rồi nhỉ - ta đang nghe thấy trái tim tòa nhà hay là ta đang nghe tiếng đập của tim ta? - một lần, một ông bác sĩ đã đặt một đầu ống khám vào tai ta và để ta nghe tiếng đập của tim ta - nghe nó giống hệt thế này - ông ta bảo ta là một con thú khỏe mạnh và sẽ còn hoạt động tốt trong nhiều năm nữa - nhiều năm nữa...

"Tôi đã bắt độc giả của tôi phải nghe một kẻ đê tiện - và tôi chỉ có thể bào chữa là vì tôi coi tầm vóc tinh thần của ông ta quá tầm thường. Tôi đã không coi ông ta là một kẻ nguy hiểm bởi vì tôi nghĩ xã hội đủ trình độ đánh giá ông ta. Và tôi vẫn tôn trọng các bạn đọc của tôi đủ để có thể nói rằng Ellsworth Toohey không thể là một mối đe dọa."

Người ta nói rằng âm thanh không bao giờ biến mất, nó chỉ lan truyền trong không gian - vậy còn tiếng đập trái tim một người thì sao? - có quá nhiều tiếng đập trong suốt năm mươi sáu năm qua - có thể tập hợp chúng lại, cô đặc chúng lại để sử dụng một lần nữa không nhỉ? Nếu chúng lại đập lại, thì kết quả liệu có phải là nhịp đập của những máy in dưới kia nữa không?

"Nhưng tôi đã bảo trợ cho ông ta bằng các trang báo của tôi, và nếu sự sám hối công khai như thế này được coi là một hành vi kỳ cục và bẽ bàng trong thời đại hiện đại của chúng ta, thì hãy cho phép tôi được chịu hình phạt đó."

Không phải những giọt âm thanh của năm mươi sáu năm - mỗi âm thanh đơn lẻ và dứt khoát, không như một dấu phẩy, mà như dấu chấm câu, một chuỗi dài các dấu chấm câu trên một trang giấy - đã tụ hợp lại để tiếp sức cho những chiếc máy in này - không phải năm mươi sáu, mà là ba mươi mốt năm, còn hai mươi lăm kia được dùng để làm cho ta sẵn sàng - ta 25 tuổi khi ta đặt tấm biển mang tên mới của tờ báo lên cánh cửa tòa soạn - các chủ báo không bao giờ đổi tên tờ báo - nhưng chủ báo này thì có - tờ Ngọn cờ New York - tờ Ngọn cờ của Gail Wynand...

"Tôi mong có được sự tha thứ của tất cả những ai đã từng đọc tờ báo này."

Một con thú khỏe mạnh - và do vậy những gì nó đẻ ra cũng phải khỏe mạnh - Ta cần đưa ông bác sĩ đó đến đây và bắt ông ấy lắng nghe những chiếc máy in này - ông ta hẳn sẽ cười theo cái kiểu vui vẻ, hài lòng, và tự mãn của ông ta - các bác sĩ luôn muốn có một mẫu vật mang sức khỏe hoàn hảo - điều ấy thật hiếm - ta phải cho ông ta thưởng thức cái này - âm thanh khỏe mạnh nhất mà ông ta đã từng được nghe - và ông ta sẽ nói rằng tờ Ngọn cờ sẽ còn hoạt động tốt trong nhiều năm nữa...

Cửa phòng ông mở ra và Ellsworth Toohey bước vào.

Wynand để cho Toohey đi ngang qua phòng và đến gần bàn làm việc mà không tỏ vẻ phản đối gì cả. Wynand nghĩ có lẽ những gì ông đang cảm thấy là sự tò mò có thể được phóng lên bằng kích thước của một con quái vật sống trong lòng đất[166] - giống như bức tranh vẽ những con bọ dừa có kích cỡ bằng một ngôi nhà đang tiến về phía những hình người trong những trang báo của tờ phụ trương Chủ nhật của Ngọn cờ - tò mò, bởi vì Ellsworth Toohey vẫn còn ở trong tòa nhà, bởi vì Toohey đã được vào phòng bất chấp mệnh lệnh của ông, và bởi vì Toohey đang cười.

"Tôi đến đây để xin nghỉ phép, thưa ông Wynand," Toohey nói. Mặt Toohey điềm tĩnh; không hả hê; gương mặt của một nghệ sĩ biết rằng cường điệu quá mức là thất bại và rằng người ta có thể đạt tới sự lăng mạ tối đa bằng cách giữ mọi thứ ở trạng thái bình thường. "Và để nói với ông rằng tôi sẽ quay lại. Vẫn làm cv này, ở mục này, trong tòa nhà này. Trong lúc tôi vắng mặt, ông sẽ nhìn ra bản chất của sai lầm mà ông đã mắc phải. Tha lỗi cho tôi, tôi biết như này là rất tệ, nhưng tôi đã chờ đợi nó suốt mười ba năm qua và tôi nghĩ là tôi có thể tự cho phép mình 5 phút tận hưởng phần thưởng. Ông là một người luôn muốn sở hữu mọi thứ, ông Wynand, và ông thích cảm giác sở hữu, phải không? Vậy ông đã bao giờ dừng lại và nghĩ xem sự sở hữu dựa trên cái gì? Đã bao giờ ông dừng lại để bảo vệ nền móng của nó? Chưa bao giờ, bởi vì ông là người thực dụng. Những người thực dụng chỉ quan tâm đến tài khoản ngân hàng, đến bất động sản, đến hợp đồng quảng cáo và các loại chứng khoán mạ vàng. Họ để cho những trí thức không thực dụng như tôi tiêu khiển bằng việc phân tích thành phần hóa học của lớp mạ vàng đó và hiểu ra vài điều quý giá về bản chất và nguồn gốc của vàng. Họ chăm chăm giữ lấy những miếng bánh Kream-O, và để chúng tôi làm những việc vặt vãnh liên quan đến nhà hát, phim ảnh, loa đài, trường học, phê bình sách và phê bình kiến trúc. Chỉ như một mẩu bánh để giữ cho chúng tôi im lặng nếu như chúng tôi muốn tiêu phí thời gian vào việc tìm hiểu về những cái vụn vặt tầm thường của cuộc sống, trong khi các ông thì bận rộn kiếm tiền. Vậy có tiền là có quyền. Nhưng có thật thế không, ông Wynand? Và ông luôn chạy theo quyền lực,d dúng không ông Wynand? Quyền lực đối với con người? Ông thật là một tay chơi quyền lực nghiệp dư đáng thương! Ông chưa bao giờ hiểu được bản chất tham vọng của mình, nếu không ông đã phải biết rằng ông không phù hợp với việc ấy. Ông không có khả năng sử dụng những công cụ bắt buộc cho việc ấy và ông cũng sẽ không muốn kết quả của nó. Ông chưa bao giờ xứng đáng là một tên vô lại. Tôi không ngần ngại phải nói với ông điều đó, bởi vì tôi không biết cái nào tồi hơn: làm một tên vô lại vĩ đại hay là một thằng ngốc vĩ đại. Đó chính là lý do tại sao tôi sẽ quay lại. Và khi tôi quay lại, tôi sẽ làm chủ tờ báo này."

Wynand nói khẽ:

"Khi ông quay lại. Còn bây giờ thì ra khỏi đây ngay."

* * *

Phòng phụ trách mục tài chính của tờ Ngọn cờ đình công.

Công đoàn các nhân viên Wynand cũng đình công. Rất nhiều người khác, không nằm trong công đoàn, cũng tham gia đình công với họ. Chỉ có bộ phận in ấn là vẫn làm việc.

Wynand chưa bao giờ tính đến công đoàn. Ông Ông trả lương nhân viên cao hơn bất cứ tóa báo nào và họ chưa từng có đòi hỏi nào với ông về vấn đề lương bổng. Nếu nhân viên của ông muốn tự tiêu khiển bằng việc lắng nghe những bài diễn thuyết, ông không thấy lý do gì để lo lắng về điều đó. Một lần Dominique đã cố cảnh báo ông: "Gail, nếu mọi người muốn có một tổ chức để bảo vệ lương bổng, giờ làm việc và những yêu cầu thực tế khác thì đó là quyền lợi hợp lý của họ. Nhưng nếu họ nhóm họp không vì một mục đích cụ thể nào thì anh nên để mắt đến họ."

"Em yêu quý, anh còn phải yêu cầu em bao nhiêu lần nữa? Đừng để ý đến tờ Ngọn cờ."

Ông chưa bao giờ bỏ công ra tìm hiểu xem ai thuộc về công đoàn. Bây giờ ông mới phát hiện ra rằng số người tham gia công đoàn rất ít, nhưng lại rất quan trọng; nó bao gồm tất cả những nhân viên chủ chốt của ông, không phải là những người điều hành lớn, những những người đứng dưới đó một bậc. Họ được chọn lọc rất kỹ - toàn những người năng động; những cái bu-di nhỏ nhưng không thể thiếu được, những phóng viên lá cải ăn khách nhất, những nhà bình luận giỏi nhất, những người hiệu đính tốt nhất, những trợ lý biên tập tốt nhất. Ông kiểm tra hồ sơ của họ: hầu hết bọn họ đều được tuyển dụng trong vòng tám năm qua; theo lời giới thiệu của Toohey.

Những người không nằm trong công đoàn thì đình công vì nhiều lý do khác nhau: có người vì thù ghét Wynand; có người vì sợ phải ở lại và vì đình công có vẻ dễ hơn là ở lại phân tích tình hình. Có một người - một anh chàng nhỏ thó rụt rè, đã kêu ré lên khi nhìn thấy Wynand ở trong sảnh chính: "Này cưng, bọn ta sẽ quay trở lại và khi đó ngươi sẽ phải đổi giọng!" Một số người bỏ đi, tránh mặt Wynand. Những người khác thì lựa chọn giải pháp an toàn. "Ông Wynand, tôi ghét phải làm điều này, tôi rất ghét, tôi không dính dáng gì đến cái công đoàn đó, nhưng đình công là đình công và tôi không thể cho phép mình vẫn đi làm trong khi mọi người đình công." Thật ra mà nói, thưa ông Wynand, tôi không biết ai đúng ai sai, nhưng tôi nghĩ là Ellsworth đã chơi trò bẩn và Harding không có quyền để ông ta làm việc đó, nhưng thời đại này thì làm gì có ai luôn luôn đúng? Và có một điều tôi sẽ không làm là tôi không biểu tình. Tôi sẽ không làm việc đó, thưa ông. Tôi cảm thấy là, biểu tình có thể đúng hoặc sai."

Những người đình công đưa ra hai yêu cầu: phục chức cho bốn người vừa bị đuổi việc; và đảo ngược quan điểm của tờ Ngọn cờ trong vụ Cortlandt.

Harding, tổng thư ký tòa soạn, đã viết một bài giải thích về quan điểm của ông ta; bài đó được đăng ở tờ Những mặt trận mới. "Tôi đã phớt lờ mệnh lệnh của ông Wynand một cách có chủ ý; có lẽ đây là một hành vi chưa có tiền lệ với bất cứ tổng thư ký tòa soạn nào. Tôi đã làm việc đó với nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình. Ông Toohey, Alien, Falk và tôi đã muốn cứu vớt tờ Ngọn cờ vì lợi ích của các nhân viên ở đó, vì các cổ đông và vì cả bạn đọc. Chúng tôi đã muốn dùng những biện pháp hòa bình để bày tỏ lý lẽ với ông Wynand. Chúng tôi đã hy vọng ông ấy sẽ đầu hàng một cách lịch thiệp, bởi vì ông ấy đã biết là tờ Ngọn cờ luôn đứng về quan điểm của số đông báo chí trong nước. Chúng tôi đã biết về tính cách tùy tiện, thất thường, và vô nguyên tắc của ông chủ của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã mạo hiểm, chúng tôi sẵn sàng hy sinh bản thân vì bổn phận nghề nghiệp. Một mặt chúng tôi thừa nhận rằng một người chủ báo có quyền áp đặt đường lối của mình lên các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của tờ báo; mặt khác, chúng tôi cũng tin rằng người chủ đó đã đi quá giới hạn khi ép buộc những người có lòng tự trọng phải ủng hộ một kẻ phạm pháp. Chúng tôi hy vọng ông Wynand nhận ra rằng cái ngày mà một người có quyền độc lập cai trị tất cả đã qua rồi. Chúng tôi phải có tiếng nói nhất định trong việc điều hành công việc ở một nơi mà chúng tôi làm việc để kiếm sống. Đây là cuộc đấu tranh vì tự do báo chí."

Ông Harding đã sáu mươi tuổi, làm chủ một khu đất ở Long Island, có sở thích bắn mục tiêu di động và nuôi gà lôi đỏ. Người vợ vô sinh của ông là thành viên ban giám đốc Hội thảo nghiên cứu xã hội; Toohey, một giảng viên nổi tiếng ở đó, đã giới thiệu bà ta vào làm việc. Chính bà đã viết bài báo cho chồng mình.

Hai người bị đuổi khỏi ban biên tập không phải là thành viên công đoàn của Toohey. Con gái của Alien là một nữ diễn viên trẻ trung xinh đẹp, cô tham gia đóng vai trong tất cả các vở kịch của Ike. Còn em trai của Falk là thư ký của Lancelot Clokey.

Gail Wynand ngồi bên bàn làm việc và nhìn xuống đống giấy tờ. Ông có rất nhiều việc phải làm, nhưng có một hình ảnh luôn quay về và ông không thể thoát được nó - ý thức về nó đeo bám mọi hành động của ông - hình ảnh một cậu bé rách rưới đứng trước bàn làm việc của một biên tập viên: "Cậu có thể đánh vần từ 'cat' (mèo) được không?" - "Anh có thể đánh vần từ 'anthropomorphology' (hình thái nhân chủng học) được không?" Những hình ảnh vỡ ra và lẫn vào nhau, dường như là cậu bé đó đang đứng ở đây, tại bàn làm việc của ông, chờ đợi và một lần ông đã quát to: "Cút đi!" Ông thấy mình đang giận dữ, ông nghĩ: Nhà ngươi đang huyên thuyên vớ vẩn, đồ ngốc, bây giờ không phải là lúc diễn ra thầm lặng trong khi ông đọc, kiểm tra và ký giấy tờ: "Cút đi! Không có việc gì ở đây cả!" "Tôi sẽ ở quanh đây. Hãy gọi tôi khi ông muốn. Ông không phải trả lương cho tôi đâu." "Người ta đang trả lương cho mày, hiểu không, đồ ngốc? Người ta đang trả luơng cho mày." Ông nói vào điện thoại, thành tiếng, giọng ông bình thường: "Bảo Manning rằng chúng ta sẽ phải lấp chỗ trống bằng những thứ vớ vẩn... Gửi bản in thử lên đây càng sớm càng tốt. Mang một cái bánh mì kẹp thịt nữa. Loại nào cũng được."

Một số người ở lại với ông: mấy người già và mấy cậu học việc. Họ đến, vào buổi sáng, thường là với những vết cắt ở trên mặt và máu ở cổ áo; một người dò dẫm đi vào, đầu anh ta bị vỡ và phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Đấy không phải là lòng dũng cảm hay là sự trung thành; chỉ là sự ỷ lại; họ đã sống quá lâu với ý nghĩ rằng thế giới sẽ sụp đổ nếu như họ mất việc ở tờ Ngọn cờ. Người già thì không hiểu. Người trẻ thì không quan tâm.

Những cậu bé học việc được cử đi làm công việc săn tin thế chỗ cho các phóng viên. Hầu hết những thứ họ đem về có chất lượng tới mức Wynand rú lên cười thay vì cảm thấy tuyệt vọng: ông chưa bao giờ được đọc một thứ tiếng Anh sách vở đến vậy; giờ thì ông hiểu vì sao những cậu bé học việc lại tự hào đến thế khi được trở thành phóng viên chính thức. Ông không cười khi những câu chuyện đó được đăng nguyên văn trên tờ Ngọn cờ bởi vì không có đủ người hiệu đính.

Ông cố thử tuyển thêm người mới. Ông đã đề nghị mức lương rất cao. Nhưng những người ông cần thì từ chối làm việc cho ông. Có một vài người đồng ý làm việc cho ông, và sau đó ông đã phải ước giá mà họ không nhận; rút cục ông vẫn tuyển họ. Họ là những người không xin được việc ở bất cứ tòa báo tên tuổi nào trong suốt cả mười năm qua; là những loại người mà lẽ ra, một tháng trước đây, đã không được phép bước vào sảnh của tòa nhà này. Một vài người bị đuổi việc chỉ sau hai ngày; những người khác ở lại. Hầu hết thời gian bọn họ say khướt. Có người còn hành động như thể họ đang ban ơn cho Wynand. "Gail, đừng có nóng tính quá, bố già," một người đã nói như thế - và đã bị hất văng xuống hai tầng cầu thang. Anh ta bị vỡ một mắt cá chân và dập mông xuống sàn; anh ta ngước lên nhìn WY với vẻ kinh hoàng. Những người khác kín đáo hơn; họ chỉ đi vơ vẩn và nhìn lén Wynand rồi nháy mắt ra ý rằng tất cả đang là đồng phạm trong một vụ làm ăn bẩn thỉu.

Ông đã đến các trường đào tạo báo chí. Nhưng không có ai đáp lại ông. Một hội sinh viên gửi cho ông một bản cam kết được ký bởi tất cả các hội viên: "... Bước vào nghiệp báo chí, chúng tôi rất coi trọng đạo đức nghề nghiệp và nguyện cống hiến bản thân cho sự vinh quang của báo chí. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng không ai trong chúng tôi có thể bỏ đi lòng tự trọng và chấp nhận lời đề nghị tuyển dụng của ông."

Biên tập viên mục tin thời sự vẫn làm việc; biên tập viên mục tài chính thì đã bỏ đi. Wynand kiêm nhiệm luôn mấy việc: phụ trách mục tài chính, làm chủ bút, làm người đánh điện tín, người hiệu đính, và soát lỗi chính tả. Ông không rời khỏi tòa nhà. Ông ngủ trên đi văng ở phòng làm việc của mình - hệt như những năm đầu khi tờ Ngọn cờ mới hoạt động. Ông không đeo cà-vạt, cổ áo luôn phanh ra. Ông chạy lên chạy xuống cầu thang, những bước chân của ông nghe như tiếng súng máy. Có hai người trực thang máy vẫn làm việc; những người khác thì đã biến mất, không ai biết khi nào, tại sao, vì họ đồng cảm với vụ đình công, vì sợ hay chỉ đơn giản là chán nản.

Alvah Scarret không thể hiểu nổi sự bình tĩnh của Wynand. Một cỗ máy tuyệt vời - và đó, Scarret nghĩ, luôn là từ mà ông dùng để miêu tả Wynand - cỗ máy chưa bao giờ làm việc tốt như bây giờ. Ngôn ngữ của Wynand ngắn gọn, các mệnh lệnh nhanh chóng, các quyết định lập tức. Giữa những máy móc, chì, dầu mỡ, mực, rác, những căn phòng làm việc bừa bộn, những bàn làm việc bỏ trống, những tiếng kính vỡ bất ngờ khi bị ai đó từ dưới đường ném đá vào, Wynand đi lại như một cái bóng to lớn gấp đôi, bao trùm lên mọi thứ quanh ông, vượt khỏi không gian và kích thước thông thường. Ông ấy không thuộc về nơi này, Scarret nghĩ, bởi vì ông ấy không có dáng vẻ hiện đại - vấn đề chính là ở chỗ này - kiểu gì đi chăng nữa - ông ấy trông như một vật thuộc về một nhà thờ Gothic. Cái đầu quý tộc được giữ thẳng và gương mặt xương xương đanh lại. Thuyền trưởng của một con tàu mà ai cũng biết là đang chìm, ngoại trừ chính thuyền trưởng.

Alvah Scarret vẫn ở lại. Ông vẫn chưa tin những sự kiện xảy ra là có thật; ông đi đi lại lại trong trạng thái mộng du; ông cảm thấy choáng váng vào mỗi buổi sáng khi ông lái xe đến tòa nhà và nhìn thấy những người biểu tình. Ông không bị tổn hại gì ngoài việc người ta ném vài quả cà chua vào kính chắn gió của xe ông. Ông cố giúp Wynand; ông cố làm công việc của mình và thêm cả việc của năm người khác, nhưng ông không thể hoàn thành công việc của một ngày bình thường. Ông cứ rã rời một cách lặng lẽ và các khớp xương trên người ông lỏng ra vì một câu hỏi. Ông làm mất thời gian của tất cả mọi người vì ông thường làm gián đoạn công việc của họ để hỏi: "Nhưng tại sao? Tại sao? Làm sao mà bỗng chốc ra nông nỗi này?"

Ông nhìn thấy một y tá mặc đồng phục trắng đang đi dọc hành lang - một trạm sơ cứu đã được dựng lên ở tầng một của tòa nhà. Ông nhìn thấy chị ta mang một thùng rác tới lò đốt rác - toàn là bông gạc dính máu. Ông ngoảnh mặt đi; ông thấy buồn nôn. Không phải vì cái cảnh đó, mà vì bản năng của ông mách bảo một sự kinh hoàng còn lớn hơn thế: tòa nhà văn minh này - với những sàn nhà được đánh vécni bóng loáng, mọi thứ vận hành quy củ, một nơi đương đầu với những vấn đề trí tuệ như chữ viết và các hợp đồng thương mại, một nơi chấp nhận quảng cáo quần áo trẻ con và bàn về chơi gôn - trong vòng vài ngày đã trở thành một nơi mà người ta có thể cầm những thứ rác rưởi máu me như thế đi dọc hành lang. Tại sao? - Alvah Scarret nghĩ.

"Tôi không hiểu," ông lè nhè bằng giọng đều đều với bất cứ ai ở xung quanh, "Tôi không thể hiểu được tại sao Ellsworth lại có quá nhiều quyền lực như vậy... Và Ellsworth lại là một người có văn hóa, một người có lý tưởng, chứ đâu phải là một kẻ cực đoan bẩn thỉu chuyên đứng kêu gào trên đường phố; ông ấy thật là thân thiện và dí dỏm, và thật là uyên bác! - một người lúc nào cũng hài hước thì không thể là một người bạo lực được - Ellsworth không cố tình, ông ấy đã không lường hết hậu quả việc này, ông ấy yêu quý mọi người, tôi có thể lấy đầu đảm bảo cho Ellsworth Toohey."

Một lần, trong phòng làm việc của Wynand, ông liều mạng nói:

"Gail, tại sao ông không thương lượng? Tại sao ít nhất ông không gặp bọn họ?"

"Im đi."

"Nhưng, Gail, có thể họ cũng có phần đúng. Họ cũng là dân báo chí. Ông biết họ nói gì rồi đấy, tự do báo chí..."

Rồi ông nhìn thấy cơn thịnh nộ mà ông đã chờ đợi nhiều ngày và tưởng rằng nó đã được dẹp bỏ - hai đồng tử màu xanh da trời biến mất trong lòng trắng, hai con mắt rực sáng, quắc lên trên một gương mặt hốc hác, những bàn tay run lên. Nhưng trong khoảnh khắc tiếp theo, ông nhìn thấy một thứ mà ông chưa từng chứng kiến: ông nhìn thấy Wynand phá tan cơn thịnh nộ mà không cần gào thét hay xả nó ra. Ông nhìn thấy mồ hôi lấm tấm trên hai thái dương trũng sâu của Wynand, và những nắm đấm đặt cạnh mép bàn.

"Alvah... nếu tôi không ngồi ở bậc thang tờ Gazette trong một tuần... thì lấy đâu ra báo chí để cho họ đòi quyền tự do?"

Cảnh sát được bố trí ở ngoài và ở trong hành lang của tòa nhà. Điều đó cũng giúp một phần, nhưng không nhiều. Một đêm nọ, người ta ném axit vào cửa ra vào chính của tòa nhà, vết sần sùi trên miếng kính lớn ở cửa sổ tầng một và để lại nhiều vết sần sùi trên tường. Cát ở trong trụ máy đã làm một máy in ngừng hoạt động. Một cửa hàng bán đồ ăn sẵn bị phá tan hoang vì đã đăng quảng cáo trên tờ Ngọn cờ. Rất nhiều khách hàng đã xin rút quảng cáo. Xe phân phối báo Wynand bị lật đổ. Một lái xe bị giết. Công đoàn đã ra lời phản đối hành vi bạo lực; rằng công đoàn không tham gia xúi giục; rằng hầu hết thành viên công đoàn không biết ai là thủ phạm. Tờ Những mặt trận mới có lên tiếng về những vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhưng mô tả chúng như "những cơn bột phát từ sự giận dữ chính đáng của công chúng."

Homer Slottern, nhân danh một nhóm những người tự xưng là những doanh nhân cấp tiến, gửi cho Wynand một thông báo về việc hủy bỏ các hợp đồng quảng cáo. "Ông có thể kiện nếu như ông muốn. Nhưng chúng tôi nghĩ là chúng tôi có lý do hợp pháp để hủy hợp đồng. Chúng tôi đã ký hợp đồng để quảng cáo trên một tờ báo danh tiếng, chứ không phải trên một tờ giấy lộn mà hiện vừa là sự điếm nhục cho công chúng, vừa khiến những người biểu tình kéo đến trước cửa nhà chúng tôi. Tờ báo vừa hủy hoại chuyện làm ăn của chúng tôi và lại chẳng có ai đọc nó cả." Trong nhóm này có hầu hết những khách hàng quảng cáo giàu có nhất của tờ Ngọn cờ.

Gail Wynand đứng bên cửa sổ trong phòng làm việc và nhìn xuống thành phố của ông.

Austen Heller viết trên tờ Tin tức hàng ngày: "Tôi đã luôn ủng hộ các cuộc biểu tình vào những thời điểm mà việc ủng hộ như vậy là rất nguy hiểm. Tôi đã chống lại Gail Wynand cả đời mình. Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày và một việc khiến cho tôi phải nói - như lúc này - rằng tôi ủng hộ Gail Wynand."

Wynand gửi một tin nhắn cho ông: "Quỷ tha ma bắt ông đi, tôi không yêu cầu ông phải bảo vệ tôi. G W."

Tờ Những mặt trận mới mô tả Austen Heller như "một kẻ phản động đã bán mình cho những kẻ lắm tiền". Các quý bà trong giới thượng lưu nói rằng Austen Heller là một người đã lỗi thời.

Gail Wynand vẫn đứng bên cạnh một cái bàn trong phòng tin tài chính-kinh tế và viết các bài xã luận như thường lệ. Các nhân viên còn lại của ông không thấy có sự thay đổi nào ở ông; ông không vội vàng cũng không đột ngột nổi nóng. Chẳng còn ai để nhận ra rằng một vài hành động của ông hoàn toàn mới: ông sẽ đi đến xưởng in và đứng nhìn chuỗi dài những tờ báo trắng nối đuôi chui ra khỏi những cỗ máy khổng lồ và lắng nghe âm thanh của chúng. Ông sẽ nhặt lên một thanh chì từ sàn nhà của phòng sắp chữ, và lơ đãng vần vò nó trong lòng bàn tay, như thể đó là một miếng ngọc thạch, rồi cẩn thận đặt nó lên một cái bàn, như thể ông không muốn lãng phí nó. Ông còn nhặt nhanh nhiều thứ người ta vứt đi nhưng ông không nhận ra việc mình làm; cử chỉ của ông có tính bản năng: ông thu gom những cái bút chì, ông để dành cả nửa tiếng đồng hồ để sửa một cái máy đánh chữ đã hỏng trong lúc tiếng chuông điện thoại reo liên tục. Đây không phải là chuyện tiết kiệm; ông ký hóa đơn mà không thèm nhìn vào những con số ghi trên đó; Scarret sợ hãi khi nghĩ về chi phí mà ông phải trả cho mỗi ngày trôi qua. Đây là chuyện về những thứ đã trở thành máu thịt của tòa nhà mà ông yêu đến từng cái núm cửa, về những thứ quen thuộc về tờ Ngọn cờ, và tờ Ngọn cờ thì thuộc về ông.

Cuối mỗi buổi chiều ông gọi điện cho Dominique ở ngoại ô. "Ổn cả. Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Đừng có nghe những lời đàm tiếu... Không, quỷ tha ma bắt nó đi, em biết là anh không muốn nói về tờ báo mà. Kể cho anh xem vườn nhà mình bây giờ thế nào... Hôm nay em có đi bơi không?... Kể cho anh về hồ nước... Em đang mặc cái váy nào?... Hãy nghe kênh WLX tối nay, vào lúc 8h, họ sẽ phát bản nhạc mà em yêu thích - Công-xéc-tô số hai của Rachmaninoff... Tất nhiên là anh có đủ thời gian để cập nhật mọi thứ... Ồ, được rồi, anh hiểu là không thể bịt mắt được một cựu phóng viên như anh, anh đã đọc lướt trang tin về đài phát thanh... Dĩ nhiên là có nhiều người làm, có điều anh không thể hoàn toàn tin tưởng mấy cậu bé mới vào và anh cũng có chút thời gian rảnh... Trên hết, đừng vào thành phố. Hãy hứa với anh điều đó... Chúc em ngủ ngon, em yêu quý..."

Ông dập máy và ngồi xuống. Ông nhìn cái điện thoại, mỉm cười. Cái ý nghĩ về vùng ngoại ô giống như là ý nghĩ về một lục địa ở phía bên kia đại dương mà người ta không thể vượt qua; nó đem lại cho ông cảm giác bị nhốt lại trong một pháo đài đang bị bao vây và ông thích điều đó - không phải là thích thực trạng bao vây, mà là thích cảm giác bị bao vây. Gương mặt ông trông giống với một cụ tổ nào đó thời xưa, một người đã chiến đấu trên chiến lũy để bảo vệ một lâu đài.

Một buổi tối, ông đi ra ngoài để ăn tối ở một nhà hàng bên kia đường; đã nhiều ngày rồi ông chưa có bữa ăn nào hoàn chỉnh. Khi ông quay lại, những đường phố vẫn còn sáng - hoàng hôn phủ một màu nâu dễ chịu của mùa hè, như thể là những tia nắng mặt trời quá lưu luyến cảm giác ấm áp thoải mái của không khí nên không chịu rút đi, ngay cả khi mặt trời đã lặn; nó khiến cho bầu trời trông trong trẻo tươi mát còn mặt đường thì trở nên bẩn thỉu; có những khoảng màu nâu và màu vỏ cam ủng trong những góc các tòa nhà cũ. Ông nhìn thấy những người biểu tình đang đi đi lại lại trước cửa ra vào của tòa nhà Ngọn cờ. Bọn họ có tám người tất cả và họ cứ đi đi lại lại theo một hình bầu dục ở trên vỉa hè. Ông nhận ra một người - một phóng viên chuyên đưa tin pháp luật, còn những người khác thì ông chưa từng nhìn thấy. Họ đem theo những biểu ngữ: "Toohey, Harding, Alien, Falk..." "Tự do báo chí.." "Gail Wynand chà đạp lên nhân quyền..."

Mắt ông nhìn theo một phụ nữ. Hông của bà ta bắt đầu từ mắt cá chân, bàn chân bành ra khỏi những sợi dây giày buộc chặt. Bà ta có bờ vai vuông. Một chiếc áo khoác dài vải tuýt màu nâu rẻ tiền phủ lên một thân hình phì nộn cũng hình vuông. Bà ta có bàn tay nhỏ màu trắng, bàn tay của tuýp người không biết nấu ăn. Trên mặt bà ta có một chỗ mở ra thành cái miệng nhưng lại không có môi; khi bà ta di chuyển, cả thân người lắc lư sang hai bên; tuy thế bà ta lại di chuyển nhanh đến không ngờ. Bước chân của bà ta như thách cả thế giới dám làm hại bà, với cái vẻ nanh nọc như muốn nói rằng bà ta không thích gì hơn là được làm hại, bởi vì thế giới sẽ biết tay bà nếu định làm hại bà, hãy thử xem, hãy cứ thử làm việc đó đi. Wynand biết bà ta chưa từng là nhân viên của tờ Ngọn cờ; bà ta không thể làm được ở đó; bà ta có vẻ không có khả năng học đọc; bước chân của bà ta như muốn nói thêm rằng bà ta cũng chả cần phải biết đọc. Bà đem theo một biểu ngữ: "Chúng tôi yêu cầu..."

Ông nghĩ về những đêm ông ngủ trên đi văng trong tòa nhà Ngọn cờ cũ, trong những năm đầu tiên, bởi vì ông phải dành dụm tiền mua máy in mới và phải tìm cách làm cho tờ Ngọn cờ xuất hiện trên đường phố sớm nhất; và ông nhớ một đêm ông đã ho ra máu và đã từ chối đi khám bệnh, nhưng cuối cùng hóa ra không có gì cả, ông chỉ bị kiệt sức.

Ông đi nhanh vào trong tòa nhà. Những chiếc máy in vẫn đang hoạt động. Ông đứng lại và lắng nghe chúng một lúc.

Ban đêm, tòa nhà rất yên tĩnh. Dường như nó rộng hơn, như thể âm thanh chiêm slấy khoảng không gian và khiến tòa nhà trở nên trống rỗng; có vài dải sáng hắt qua những cánh cửa mở, chiếu dọc theo những hành lang tối mờ. Ở đâu đó có người đang gõ một cái máy chữ, nghe đều đặn như những giọt nước rỉ ra từ vòi. Wynand đi dọc theo hành lang. Ông nghĩ rằng người ta đã từng sẵn lòng làm việc cho ông khi ông ủng hộ những kẻ lừa đảo trong những cuộc bầu cử thành phố, khi ông đánh bóng các khu phố đèn đỏ, khi ông hủy hoại danh tiếng người khác bằng những lời vu khống bỉ ổi trên báo, khi ông khóc thương cùng với mẹ của những tên giết người. Những người giỏi giang và đáng kính đã từng háo hức muốn được làm việc cho ông. Bây giờ là lần đầu tiên ông trung thực trong cả sự nghiệp của mình. Ông đang cầm đầu một chiến dịch vĩ đại nhất của mình - và giúp ông lại là những kẻ chuyên phá hoại đình công, của những kẻ thay việc như thay áo, những tên nát rượu, và những kẻ sống nô dịch ỷ lại đến mức không dám bỏ việc. Ông nghĩ, cũng chẳng thể kết tội những người hiện từ chối làm việc cho ông.

* * *

Ánh nắng chiếu vào cái lọ mực hình vuông bằng pha lê trên bàn làm việc của ông. Nó khiến cho Wynand nghĩ đến một cốc nước mát trên bãi cỏ, quần áo trắng và cảm giác những ngọn cỏ ở dưới khuỷu trần. Ông cố không nhìn vào điểm chói sáng đó và tiếp tục viết. Đó là một buổi sáng trong tuần đình công thứ hai. Ông đã rút vào làm việc ở phòng của mình một tiếng đồng hồ và đã ra lệnh không ai được quấy rầy ông; ông cần phải hoàn thành một bài viết; ông biết là ông cần có lý do bào chữa để có được một giờ không phải chứng kiến những gì đang diễn ra trong tòa nhà này.

Cửa phòng ông mở ra không báo trước, và Dominique bước vào. Cô đã không được phép bước vào tòa nhà Ngọn cờ kể từ khi họ cưới nhau.

Ông đứng dậy; cử động của ông có một vẻ cam chịu lặng lẽ, ông không cho phép bản thân ông đưa ra bất cứ câu hỏi nào nữa. Cô mặc một bộ đồ vải lanh màu đỏ tía, cô đứng đó như thể đằng sau có hồ nước và ánh nắng dâng từ mặt đất lên những nếp gấp trên quần áo cô. Cô nói:

"Gail, em đến để đòi lại chỗ làm cũ của em ở tờ Ngọn cờ."

Ông đứng nhìn cô lặng lẽ; rồi ông mỉm cười; nó giống nụ cười của một người vừa khỏi bệnh đang trong giai đoạn hồi phục lại sức khỏe bản thân.

Ông quay lại bàn làm việc, cầm những trang giấy ông vừa viết lên, đưa chúng cho cô, và nói:

"Cầm cái này về phòng biên tập. Lấy các tin điện tín và mang lại đấy cho anh. Sau đó thì đến trình diện Manning ở mục tài chính."

Cái-không-thể-xảy-ra, cái không thể diễn tả bằng lời, bằng ánh mắt hay bằng cử chỉ, sự hòa hợp tuyệt đối của hai cá thể hoàn toàn thấu hiểu nhau đã được thực hiện thông qua việc người này đưa cho người kia một tập giấy mỏng. Ngón tay của ông và cô không chạm vào nhau. Cô quay người và đi ra khỏi phòng.

Chỉ trong hai ngày, cô đã quen như thể là cô chưa từng rời khỏi tờ Ngọn cờ. Chỉ khác là bây giờ cô không viết bài về nhà cửa nữa; cô làm bất cứ việc gì cần người để lấp chỗ trống. "Không sao đâu, Alvah," cô nói với Scarret. "công việc khâu vá rất hợp với phụ nữ. Tôi đến đây để vá những chỗ trống khi cần thiết - và lạy Chúa, chúng rách mới nhanh làm sao! Cứ gọi tôi lúc nào là một trong những phóng viên mới của anh phát điên vì công việc."

Scarret không sao hiểu nổi giọng nói, thái độ và sự xuất hiện của cô ở đây. "Cô là cứu tinh, Dominique ạ," ông lẩm bẩm một cách buồn bã. "Nhìn thấy cô ở đây giống như là quay lại ngày xưa vậy - và ôi, giá mà chúng ta được quay lại ngày xưa! Chỉ có điều, tôi không thể nào hiểu được. Gail đã không cho phép có bất cứ bức ảnh nào của cô trong tòa soạn này, thế mà bây giờ, vào cái lúc tòa soạn gần như một cái trại giam đang bị tù nhân nổi loạn thì ông ấy lại để cô làm việc ở đây!"

"Đừng bình luận nữa, Alvah. Chúng ta không có thời gian."

Cô viết một lời bình xuất sắc cho một bộ phim mà cô chưa từng xem. Cô phóng viên viết một báo cáo về một đại hội mà cô không tham dự. Cô bịa ra một đống công thức nấu ăn cho mục Món ăn hàng ngày, khi người đảm nhận việc này không đi làm vào một buổi sáng. "Tôi không biết là cô biết nấu ăn đấy," Scarret nói. "Tôi cũng không biết điều đó." Dominique trả lời. Một tối khác cô đi ra ngoài để đưa tin về một vụ cháy ở cảng, khi người ta phát hiện ra rằng người duy nhất chịu trách nhiệm đưa tin đã gục ngã vì kiệt sức tren sàn nhà phòng vệ sinh nam. "Tốt đấy," Wynand nói với cô khi ông đọc bài báo, "nhưng nếu em làm như thế này thêm một lần nữa thì em sẽ bị đuổi việc. Nếu em muốn ở lại, em không được bước ra khỏi tòa nhà này."

Đó là nhận xét duy nhất của ông về việc cô có mặt ở đây. Ông chỉ nói với cô khi cần thiết - ngắn gọn và đơn giản, giống hệt như với các nhân viên khác. ông là người đưa ra mệnh lệnh. Có những ngày họ không có thời gian để gặp mặt nhau. Cô ngủ trong đi văng ở thư viện. Thỉnh thoảng, vào buổi tối, cô đến phòng làm việc của ông, tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi khi có thể; họ nói chuyện, không về cái gì cụ thể cả, chỉ về những sự kiện nho nhỏ xảy ra trong ngày, họ vui vẻ, như bất cứ cặp vợ chồng nào tán chuyện về những gì xảy ra hàng ngày trong cuộc sống đời thường của họ.

Họ không nói về Roark hay Cortlandt. Cô đã nhìn thấy ảnh của Roark treo trên tường trong phòng của ông và hỏi: "Anh treo nó lên từ khi nào?" "Khoảng một năm trước." Đó là lần duy nhất họ nhắc tới Roark. Họ cũng không nói về cơn thịnh nộ ngày một tăng của công chúng đối với tờ Ngọn cờ. Họ không phỏng đoán về tương lai. Họ cảm thấy nhẹ nhõm khi quên đi câu hỏi ở bên ngoài những bức tường của tòa nhà; nó được quên đi bởi vì nó không còn là câu hỏi đối với họ; nó đã được giải quyết và trả lời; còn lại chỉ là cảm giác bình yên; họ có việc để làm - việc giữ cho tờ báo hoạt động - và họ cùng làm việc đó.

Cô có thể đến bất ngờ, giữa đêm, với một ly cà phê nóng, và ông sẽ giật lấy nó đầy vẻ biết ơn, trong khi vẫn tiếp tục làm việc. Ông có thể phát hiện ra những cái bánh mì kẹp thịt nóng hổi đặt trên bàn đúng vào lúc ông cảm thấy rất đói. Ông không có thời gian để tự hỏi xem cô lấy chúng ở đâu. Để rồi sau đó ông phát hiện ra rằng cô đã lắp một bếp điện và để nhiều thức ăn trong kho. Cô chuẩn bị bữa sáng cho ông, khi ông phải làm việc suốt đêm, rồi cô đi vào phòng ông mang theo những đĩa thức ăn được đặt trên một tấm bìa cứng, trong sự vắng lặng của những khu phố ngoài kia, trong lúc những tia sáng mặt trời đầu tiên chạm vào nóc những mái nhà.

Một lần ông nhìn thấy cô đang cầm chổi quét dọn một căn phòng; bộ phận sửa chữa và bảo trì đã ngừng hoạt động, bà quét dọn lúc đến lúc đi, chẳng ai hay biết.

"Anh trả tiền em để làm việc này đấy à?" ông hỏi.

"Vâng, nhưng mà chúng ta không thể làm việc được trong một cái chuồng lợn. Em chưa hỏi xem anh trả em bao nhiêu, nhưng em muốn được nâng lương."

"Em bỏ cái chổi ra ngay, vì Chúa! Thật là lố bịch!"

"Cái gì lố bịch nào? Đấy, giờ thì sạch sẽ rồi. Cũng chẳng mất nhiều thế giới. Em làm việc giỏi đấy chứ?"

"Rất giỏi."

Cô tựa người vào cán chổi và phá lên cười. "Em tin rằng anh luôn nghĩ, như tất cả những người khác, rằng em chỉ là thứ đồ xa xỉ, một tiểu thư, phải không Gail?"

"Đây là cách em sống khi em muốn à?"

"Đây là cách mà em đã muốn sống suốt đời - nếu em có thể tìm được lý do."

Ông nhận ra rằng sức chịu đựng của cô còn lớn hơn cả ông. Cô không bao giờ có biểu hiện mệt mỏi. Ông đoán là cô có ngủ, có điều ông không thể tìm ra được cô đi ngủ vào lúc nào.

Vào bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ góc nào của tòa nhà, mặc dù có thể không gặp ông cả vài tiếng đồng hồ, cô vẫn biết về ông, vẫn biết khi nào ông cần cô nhất. Có một lần, ông ngủ gật trên bàn làm việc. Ông tỉnh dậy và thấy cô đang nhìn ông. Cô đã tắt đèn đi; cô ngồi trên một cái ghế tựa ở cạnh cửa sổ, trong ánh trăng, mặt cô hướng về phía ông, bình thản, và quan sát ông. Khuôn mặt cô là thứ đầu tiên mà ông nhìn thấy. Ông khó nhọc nhấc đầu ra khỏi cánh tay. Trong khoảnh khắc đầu tiên, trước khi hoàn toàn trở về với thực tại và khả năng kiểm soát, ông chợt cảm thấy giận dữ, vô tích sự và bất lực. Ông không nhớ cái gì đã khiến cho họ phải ở đây, trong tình trạng này, ông chỉ nhớ rằng cả hai người đều đang mắc kẹt trong một cuộc hành quyết chậm rãi và to lớn, và ông nhớ rằng ông yêu cô.

Cô đã nhìn thấy điều đó trong gương mặt ông, trước khi ông ngồi thẳng người dậy. Cô bước lại phía ông, cô đứng cạnh ghế, cô ôm lấy đầu ông và để nó tựa vào người cô. Cô ôm lấy ông, và ông không phản đối; ông buông mình trong vòng tay của cô; cô hôn lên tóc ông và thì thầm: "Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, Gail, rồi sẽ ổn."

* * *

Vào một buổi tối cuối tuần thứ ba của cuộc đình công, Wynand bỏ ra ngoài tòa nhà; ông không quan tâm xem liệu tòa nhà có còn lại gì khi ông trở lại. Ông đến gặp Roark.

Ông đã không gọi điện cho Roark kể từ khi xảy ra cuộc đình công. Roark thì thường xuyên gọi điện cho ông; Wynand trả lời lặng lẽ, chỉ trả lời, không đưa ra tuyên bố nào cả và từ chối kéo dài cuộc nói chuyện. Ông đã nhắc Roark ngay từ đầu: "Đừng cố mà đến đây. Tôi đã có lệnh cấm rồi. Anh sẽ không vào được." Ông cần phải không nghĩ đến cái hình hài đại diện cho cốt lõi trận chiến của ông; ông phải quên đi sự tồn tại vật lý của Roark; bởi vì ý nghĩ về con người Roark sẽ làm ông liên tưởng đến phiên tòa.

Ông đi bộ một đoạn khá xa mới đến được tòa nhà Enright; đi bộ khiến cho khoảng cách trở nên xa hơn và an toàn hơn; đi taxi sẽ kéo Roark quá gần với tòa nhà Ngọn cờ. Ông giữ mắt ông cố định ở khoảng hai mét trước mặt, dọc theo vỉa hè; ông không muốn nhìn vào thành phố.

"Chào Gail," Roark nói rất điềm tĩnh khi ông bước vào nhà.

"Tôi không biết cách nào tỏ ra thiếu kỷ luật hơn" Wynand nói và ném mũ lên một cái bàn ở cạnh cửa, "cứ nói bừa phứa hay là thẳng thừng phớt lờ mọi thứ. Nhìn tôi thật thê thảm. Nói đi."

"Đúng là nhìn ông rất thảm. Ngồi xuống, nghỉ đi và đừng nói gì cả. Rồi tôi sẽ bắt ông tắm nước nóng - không, trông ông không bẩn thỉu đến mức đó, nhưng một chút thay đổi sẽ tốt hơn cho ông. Sau đó chúng ta sẽ nói chuyện."

Wynand lắc đầu và vẫn đứng ở ngay cửa.

"Howard, tờ Ngọn cờ không giúp được anh. Nó đang làm hại anh."

Ông đã mất tám tuần để có thể tự nói được câu này.

"Tất nhiên rồi," Roark nói, "Nhưng thế thì đã sao?"

Wynand vẫn không bước vào trong phòng.

"Gail, với tôi thì điều đó đâu có quan trọng. Tôi không cần công luận, dù công luận ủng hộ hay phản đối."

"Anh muốn tôi nhượng bộ?"

"Tôi muốn ông đứng vững đến cùng, kể cả nếu ông mất tất cả."

Anh biết là Wynand đã hiểu, đó chính là thứ mà Wynand đã cố không đối mặt, đó là điều mà Wynand muốn anh nói ra.

"Tôi không trông chờ ông cứu tôi. Tôi nghĩ là tôi có thể thắng. Vụ đình công không làm cho nó tốt hơn hay tệ đi. Đừng lo cho tôi. Và đừng nhượng bộ. Nếu ông theo đuổi đến cùng - ông sẽ không còn cần tôi về sau nữa."

Anh thấy Wynand nhìn anh với cái nhìn giận dữ, phản đối - và đồng tình. Anh nói thêm:

"Ông biết là tôi đang nói gì. Chúng ta sẽ là những người bạn tốt hơn bao giờ hết - và ông sẽ đến thăm tôi trong tù, nếu cần. Đừng có nhăn mặt như thế, và đừng bắt tôi phải nói quá nhiều. Bây giờ không phải lúc. Tôi mừng vì vụ đình công này. Tôi đã biết là một điều tương tự như thế này sẽ phải xảy ra, khi tôi gặp ông lần đầu tiên. Ông cũng đã biết về nó rất lâu rồi."

"Hai tháng trước đây, tôi đã hứa với anh... một lời hứa mà tôi muốn giữ..."

"Ông đang giữ lời hứa đó."

"Anh thực sự không muốn coi thường tôi à? Tôi muốn anh nói ra, tôi đến đây để nghe điều đó."

"Được thôi. Hãy nghe tôi nói. Ông là một gặp gỡ không bao giờ có thể lặp lại trong đời tôi. Tôi từng biết Henry Cameron - ông ấy đã chết vì sự nghiệp của tôi. Còn ông lại là chủ của những tờ báo lá cải. Nhưng tôi đã không thể nói điều này với ông ấy, trong khi tôi lại đang nói với ông. Tôi biết Steve Mallory - anh ấy không bao giờ nhượng bộ đối với những thứ thuộc về linh hồn của anh ấy. Còn ông thì chẳng làm gì khác ngoài việc đem bán linh hồn của ông bằng mọi cách mà người ta có thể bán. Nhưng tôi đã không thể nói điều này với Steve, trong khi tôi lại đang nói với ông về nó. Có phải đó là những gì ông luôn muốn được nghe tôi nói? Nhưng đừng nhượng bộ."

Anh quay đi, và nói thêm: "Tôi đã nói hết. Chúng ta sẽ không nói chuyện về vụ đình công chết tiệt của ông nữa. Hãy ngồi xuống, tôi sẽ đi lấy nước cho ông. Nghỉ ngơi đi, đừng để ông trông như thế này nữa."

Wynand quay về với tờ Ngọn cờ vào đêm khuya. Ông đi bằng taxi. Chẳng có gì khác nhau nữa. Ông cũng không để ý đến khoảng cách.

Dominique nói, "Anh đã gặp Roark."

"Phải. Sao em biết?"

"Đây là ma-két tờ báo Chủ nhật. Hơi tồi, nhưng chúng ta phải chấp nhận vậy. Em đã cho Manning về nhà nghỉ vài tiếng - ông ấy gần như đã kiệt sức. Jackson bỏ việc, nhưng chúng ta có thể làm mà không cần anh ta. Mục của Alvah thì đúng là một mớ hổ lốn, anh ấy thậm chí còn không viết đúng chính tả nữa - em đã phải viết lại, nhưng anh đừng cho anh ấy biết, hãy nói rằng anh đã làm việc đó."

"Em ngủ đi. Anh sẽ làm thay Manning. Anh vẫn còn sức để làm thêm vài giờ nữa."

Họ tiếp tục công việc, ngày qua ngày, và chồng báo bị trảl ại trong phòng nhận thư ngày càng lớn, tràn ra cả hành lang, những tập giấy nhìn như những miếng đá cẩm thạch. Số lượng báo bán ra giảm đi sau mỗi số báo, trong khi chồng báo trả lại cứ dày lên. Ngày cứ thế trôi qua - ngày của những nỗ lực tuyệt vời để cho ra một tờ báo để rồi nó lại được trả lại, không có ai đọc, không có ai mua.

Ngày đăng: 02/06/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?