Chương 12 - Nơi vũ trụ loài sâu
Có những giấc mơ tượng trưng – những giấc mơ tượng trưng hóa một hiện thực nào đó. Và rồi có những hiện thực tượng trưng – những hiện thực tượng trưng hóa một giấc mơ. Biểu tượng là cách người ta có thể gọi những thành viên danh dự hội đồng thị trấn trong vũ trụ của loài sâu. Trong vũ trụ của loài sâu, không gì bất thường khi một con bò sữa đi tìm một chiếc kìm. Một con bò chắc chắn sẽ tìm được chiếc kìm vào một lúc nào đó. Chuyện ấy không liên quan gì tới tôi.
Tuy thế, việc con bò chọn tôi để lấy chiếc kìm làm thay đổi mọi thứ. Điều này đẩy tôi vào cả một vũ trụ của những điều cân nhắc khác nhau. Và trong cái vũ trụ của những cân nhắc khác nhau này, vấn đề chủ yếu là mọi thứ trở nên kéo dài lê thê và phức tạp. Tôi hỏi bò, "Tại sao mày muốn kìm?" Và bò trả lời, "Tôi rất đói." Vậy là tôi hỏi, "Tại sao mày muốn kìm nếu như mày đói?" Bò trả lời, "Để gắn kìm vào cành đào." Tôi hỏi, "Tại sao lại là cây đào?" Đến đó bò trả lời, "Xem nào, đó là lý do tại sao tôi đổi chiếc quạt, đúng không ngài?" Vân vân và vân vân. Sự việc không bao giờ được giải quyết, tôi bắt đầu oán giận bò, và con bò bắt đầu oán giận tôi. Đó là thế giới quan của loài sâu. Cách duy nhất để thoát ra khỏi vũ trụ của loài sâu là mơ một giấc mơ tượng trưng khác.
Nơi mà cái xe bốn bánh khổng lồ chở tôi đến vào buổi chiều tháng Chín ấy chắc chắn là tâm điểm vũ trụ của loài sâu. Nói cách khác, lời cầu nguyện của tôi đã bị chối từ.
Tôi nhìn quanh và nín thở. Đây là thứ đáng làm ta kinh ngạc.
Chiếc xe limousine đỗ trên một ngọn đồi cao. Đằng sau chúng tôi là con đường rải sỏi mà chúng tôi vừa đi lên, dần nhập vào một con đường đẹp như tranh đầy những khúc lượn quanh co tới cổng trước ở đằng xa. Có lẽ sẽ phải mất mười lăm phút đi bộ lận, nếu đi thong thả. Dọc theo hai bên đường là cây tuyết tùng và những ngọn đèn hơi thủy ngân, đứng xếp hàng cách nhau đều đặn như những ống đựng bút chì. Bám chặt vào từng thân cây là vô vàn những con ve sầu đang gào lên thảm thiết, như thể ngày tận thế đang tới gần.
Mỗi hàng tuyết tùng nằm ven thảm cỏ đều được xén tỉa gọn ghẽ, trải xuống thành bờ dốc điểm những bụi tú quyên và tú cầu cùng những loài cây cỏ khác ngoài khả năng nhận biết của tôi. Một bầy chim sáo nhào tới, cả một đàn, liệng qua liệng lại trên cỏ, giống như một đụn cát di chuyển không mục đích.
Bậc thang bằng đá dẫn xuống hai bên đồi: các bậc bên trái dẫn đến một khu vườn Nhật Bản với đèn lồng đá và một cái ao, các bậc bên phải dẫn đến một sân gôn nhỏ. Bên rìa sân gôn là một vọng lâu có màu nho sẫm, và ngang đó đứng sừng sững một pho tượng Hy Lạp cổ bằng đá. Bên cạnh là ga ra khổng lồ nơi một người lái xe khác đang rửa một chiếc limo khác. Tôi không thể nhận ra chiếc xe hiệu gì, nhưng nó không phải là một chiếc Volkswagen cũ.
Tôi khoanh tay nhìn quanh mình lần nữa. Một khung cảnh vườn tược không chê vào đâu được, chắc chắn rồi, nhưng ôi chao, một cảnh ấn tượng thế nào cơ chứ.
"Thế hộp thư ở đâu hả bác?" tôi hỏi không ăn nhập vào đâu. Ý tôi là ai đó phải đi lấy báo mỗi sáng mỗi tối chứ.
"Hộp thư ở cạnh cổng sau," người lái xe nói. Một khám phá đột ngột. Tất nhiên phải có cổng sau rồi.
Sau khi xem xét đất đai vườn tược xong xuôi, tôi quay ra đối diện với con đường và thấy mình đối diện với một công trình kiến trúc đồ sộ, cao ngất ngưởng.
Đó là – biết phải nói thế nào nhỉ – một tòa nhà cô độc một cách đau đớn. Hãy để tôi giải thích. Ví dụ chúng ta có một khái niệm. Khỏi phải nói, sẽ có đôi chút ngoại lệ cho cái khái niệm đó. Vậy là, cùng với thời gian những ngoại lệ này sẽ lan ra như những vết bẩn cho tới khi cuối cùng chúng tạo nên một khái niệm riêng biệt. Từ đó lại mọc lên những ngoại lệ khác. Nó là loại tòa nhà kiểu ấy, một công trình cổ nào đó được phát triển một cách mù quáng, đến một kết cục mà không ai biết sẽ thế nào.
Ở hiện thân đầu tiên, có vẻ như nó từng là một trang viên theo kiểu phương Tây ở thời Minh Trị. Chiếc cổng có trần cao dẫn vào một ngôi nhà hai tầng màu kem. Cửa sổ cao, khung kính trượt theo phong cách thật sự cổ, sơn được quét đi quét lại không biết bao lần. Mái nhà, như bạn đã đoán được, lợp bằng ván lợp đồng, và máng xối vững chắc như hệ thống cầu máng thời La Mã. Một ngôi nhà đẹp, toát ra vẻ duyên dáng cổ kính.
Nhưng rồi một tay kiến trúc sư thích đùa nào đó xuất hiện để gắn một chái nhà khác có cùng phong cách và nguyên tắc phối màu vào bên phải của công trình kiến trúc ban đầu. Ý đồ không tồi, nhưng hiệu quả thì không thể chấp nhận được. Giống như dọn món nước quả đóng đá và súp lơ xanh trên cùng một chiếc đĩa bạc.
Sự kết hợp bất hạnh này được giữ nguyên trong vài thập kỷ cho tới khi ai đó lại xây thêm một tòa tháp bằng đá vào một bên. Tại đỉnh tháp gắn một cột thu lôi có tính chất trang trí. Một sai lầm. Sét như được sắp đặt để đánh cháy rụi cả căn nhà.
Giờ là một lối đi có mái vòm uy nghiêm che phủ nối thẳng tòa tháp tới một chái nhà khác. Chái nhà này lại là một thực thể cách biệt, mặc dù ít ra nó hoàn tất một chủ đề thống nhất. Chúng ta hãy tạm gọi chủ đề ấy là "sự chống đối lẫn nhau của các ý thức hệ". Nó chứng tỏ một cảm hứng chủ đạo nhất định, giống như con lừa khi đặt giữa hai thùng cỏ khô giống hệt nhau sẽ chết đói trong khi cố quyết định xem ăn thùng nào trước.
Bên trái của công trình kiến trúc ban đầu, không kém phần đối chọi đối với các yếu tố đã tồn tại trước đó, một tòa biệt thự một tầng kiểu Nhật truyền thống chạy dài. Các dãy hành lang tuyệt đẹp chạy thẳng như đường chơi bowling, bao quanh là bờ giậu và hàng thông được chăm sóc kỹ càng.
Cái mớ hỗn độn ba-phong-cách-có-dư này đậu chênh vênh trên đỉnh đồi không phải là một cảnh tượng thường gặp. Giả sử đây là một kế hoạch vĩ đại của ai đó được xây dựng trong nhiều năm để cố rũ bỏ trạng thái sững sờ hoặc để xua đuổi cơn buồn ngủ, thì nó là một thành công đáng khâm phục. Không cần phải nói, ấy là một giả thuyết khó xảy ra. Cái vật quái dị này là đại diện cho tiền, hàng núi tiền, theo đó là một danh sách dài những tài năng hạng hai từ thời này sang thời khác đã lợi dụng cơ hội để kiếm lời.
Chắc hẳn tôi đã nhìn chằm chằm vào cái ảo ảnh này một lúc lâu trước khi nhận ra người lái xe đứng cạnh đang nhìn đồng hồ. Trông bác ta có vẻ quen với tư thế ấy. Có lẽ bác ta đã quen đứng ở cùng vị trí đó với bất kỳ ai bác ta lái xe đến đây. Tất cả bọn họ hẳn đã trố mắt nhìn khung cảnh xung quanh theo cùng một cách.
"Xin cậu cứ ngắm cho thỏa thích. Cậu còn thời gian mà," bác ta nói. "Chúng ta còn tám phút nữa."
"Khu này lớn quá," tôi không muốn nói thêm gì không thích hợp.
"Gần ba héc ta đấy ạ," người lái xe nói.
"Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các vị có cả một ngọn núi lửa đang hoạt động trong đó," tôi cười, cố làm mọi thứ trở nên nhẹ nhõm hơn. Nhưng câu nói đùa không được hưởng ứng. Không ai đùa ở đây.
Thế là tám phút trôi qua.
Tôi được dẫn qua lối vào tới một căn phòng lớn theo phong cách phương Tây ngay bên phải. Trần nhà cao khác thường, được viền quanh bởi những đường gờ chạm trổ tinh xảo. Có một bộ xô pha cổ đẹp đẽ và một bàn uống trà; trên tường là một bức tranh tĩnh vật theo trường phái hiện thực. Táo, một cái bình và một con dao. Có lẽ ý tưởng là dùng chiếc bình đập đống táo, rồi sau đó dùng dao gọt táo. Hạt và lõi táo có thể bỏ vào bình.
Bên cửa sổ là những tấm rèm dày chồng một lớp đăng ten, được vén qua một bên bằng dây buộc rèm cùng chất liệu. Qua khoảng trống giữa các tấm rèm, người ta có thể nhìn thấy một phần tương đối tĩnh lặng của khu vườn. Sàn nhà gỗ sồi đánh bóng láng. Một tấm thảm lông dày tuyết dù màu đã nhạt phủ một nửa sàn nhà.
Một căn phòng không đến nỗi nào. Một căn phòng hoàn toàn không đến nỗi nào.
Một bà phục vụ đứng tuổi mặc kimono bước vào phòng, đặt xuống một ly nước nho, rồi rời phòng không nói một lời. Cánh cửa ra vào đóng lại với một tiếng cách. Rồi mọi thứ lặng yên như tờ.
Trên bàn uống trà là một hộp đựng thuốc lá bằng bạc, bật lửa và gạt tàn giống hệt như những thứ trong xe limousine. Được trạm biểu tượng cừu giống nhau. Tôi lôi trong túi quần ra một điếu đầu lọc, châm thuốc bằng chiếc bật lửa bạc, và phả một làn khói lên trần nhà cao vút. Rồi tôi nhấp một ngụm nước nho.
Mười phút sau, cánh cửa mở ra và một người đàn ông cao ráo mặc lê đen bước vào. Người đàn ông không nói "Xin chào" hay "Xin lỗi đã để ngài phải đợi." Tôi cũng không nói gì. Ông ta kéo ghế ngồi đối diện tôi, hơi nghiêng đầu, và nhìn tôi.
Thời gian đang thật sự trôi qua.
- Phần I - Khúc dạo đầu - Chương 1 - Picnic chiều thứ tư
- Phần II - Tháng bảy, tám năm sau - Chương 2 - Mười sáu bước
- Chương 3 - Chiếc váy ngủ
- Phần III - Tháng chín hai tháng sau - Chương 4 - Dương vật cá voi và người đàn bà làm ba nghề
- Chương 5 - Đôi tai không bịt kín
- Chương 6 - Những cuộc phiêu lưu tiếp theo của đôi tai không bịt kín
- Phần IV - Cuộc săn cừu hoang I - Chương 7 - Trước người đàn ông lạ mặt
- Chương 8 - Giờ là người đàn ông lạ mặt
- Chương 9 - Ông chủ
- Chương 10 - Đếm cừu
- Chương 11 - Chiếc Limousine và người lái xe
- Chương 12 - Nơi vũ trụ loài sâu
- Phần V - Những lá thư của chuột và các kỷ niệm tạp nham - Chương 13 - Lá thư thứ nhất của chuột
- Chương 14 - Lá thư thứ hai của chuột
- Chương 15 - Bài hát đã chấm dứt
- Chương 16 - Cô ta uống một ly Salty Dog, nói chuyện về tiếng sóng
- Phần VI - Cuộc săn cừu hoang II - Chương 17 - Câu chuyện kỳ lạ của người đàn ông kỳ lạ
- Chương 18 - Câu chuyện kỳ lạ của người đàn ông kỳ lạ tiếp diễn
- Chương 19 - Lại chuyện chiếc xe Limousine và người lái xe
- Chương 20 - Cuối hè, đầu thu
- Chương 21 - Một trong số năm ngàn
- Chương 22 - Buổi picnic chiều chủ nhật
- Chương 23 - Tư tưởng hạn chế nhưng ngoan cường
- Chương 24 - Một chương cho cá trích
- Phần VII - Công cụ ở khách sạn cá heo - Chương 25 - Dịch chuyển hoàn thành tại rạp chiếu phim; đến khách sạn cá heo
- Chương 26 - Giáo sư cừu xuất hiện
- Chương 27 - Giáo sư cừu ăn hết, kể hết
- Chương 28 - Tạm biệt khách sạn cá heo
- Phần VIII - Cuộc săn cừu hoang III - Chương 29 - Sự ra đời, hưng thịnh và suy vong của huyện Junitaki
- Chương 30 - Lần suy vong tiếp theo của Junitaki và lượng cừu của nó
- Chương 31 - Đêm ở Junitaki
- Chương 32 - Một khúc ngoặt không may trên đường
- Chương 33 - Nàng rời núi, cơn đói hành hạ
- Chương 34 - Khám phá trong gara, những ý nghĩ giữa đồng cỏ
- Chương 35 - Người cừu tới
- Chương 36 - Con đường lớn rất riêng của gió
- Chương 37 - Những điều gương phản chiếu, những điều không
- Chương 38 - Và thế là thời gian trôi đi
- Chương 39 - Những kẻ sống trong bóng tối
- Chương 40 - Chuột, người lên dây đồng hồ
- Chương 41 - Dây xanh với dây đỏ; những con mòng biển lấp lánh
- Chương 42 - Thăm lại khúc ngoặt không may
- Chương 43 - Cuộc hẹn lúc mười hai giờ
- Phần kết - Hết